Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

33. “Pháp Truyền Thống” Của Đức Vua Pāsenadi

19/03/201408:11(Xem: 31131)
33. “Pháp Truyền Thống” Của Đức Vua Pāsenadi
blank

“Pháp Truyền Thống”
Của Đức Vua Pāsenadi


Mặc dầu đã “sám hối”, mặc dầu cả đại gia đình người ta đã tha thứ nhưng tâm của đức vua Pāsenadi cũng không được yên ổn do tội ác mà ông đã làm. Giá như có mặt đức Phật ở Kỳ Viên? Giá như hoàng hậu Mallikā còn ở bên ông? Ôi! Dẫu có bao nhiêu “giá như” ấy thì sự việc cũng đã rồi, những sát-na tâm bất thiện ấy đã chảy trong dòng nghiệp – thì ăn năn, hối hận cũng không ích gì! Chỉ mang đến sầu muộn làm vẩn đục tâm thức mà thôi!

Mấy ngày hôm sau, cho các quan đi tra xét dòng họ bà con thân quyến của lão tướng quân Bandhula, biết vị nguyên soái này còn có một đứa cháu kêu ông ta bằng cậu đang làm quan ở một thị trấn cách kinh thành không bao xa, có tên là Dīgha-Kārāyaṇa. Tức tốc, đức vua cho gọi Dīgha-Kārāyaṇa đến rồi phong cho ông ta chức Đô thống đại nguyên soái thống lãnh tất cả binh quyền.

Được cất đặt vào vị trí quá cao, ngoài cả mong ước, ngoài mặt, Dīgha-Kārāyaṇa tỏ vẻ vui mừng, lạy tạ đức vua nhưng trong lòng ông ta thì ngược lại. Từ khi cậu mình bị ám hạ một cách tàn độc, Dīgha-Kārāyaṇa vô cùng căm hận đức vua, ý nghĩ trả thù luôn lởn vởn trong đầu óc của ông. Bây giờ có binh quyền trong tay, Dīgha-Kārāyaṇa nghĩ, là trước sau mình cũng có cơ hội để báo oán, rửa thù.

Hôm kia, đức vua Pāsenadi nghe tin đức Phật và hội chúng tỳ-khưu sau nhiều tháng hoằng hóa ở Rājagaha, Vesāli... đã theo lộ trình thương mãi ghé Koliya và bây giờ đang ngụ đâu đó ở vương quốc Sākya, ông tự nghĩ: “Chuyện xảy ra ở đây, có lẽ đức Thế Tôn cũng đã biết rồi. Vả lại, tâm hồn ta bây giờ cũng đã yên lắng lại, Dīgha-Kārāyaṇa, tân Đô thống, có lẽ cũng hiểu nỗi lòng của ta nên ông ta luôn tận tụy trong mọi nhiệm vụ, giao việc gì là hoàn thành việc ấy. Là một con người có nhân cách tốt, rất đáng tin tưởng. Đây là lúc ta nên từ bỏ kinh thành một thời gian, xa rời cung đình, là nơi quá nhiều kỷ niệm với hoàng hậu, dẫn một đội quân lớn đi kinh lý nơi này nơi kia để lắng nghe dân tình cũng là phải lẽ vậy”.

Xong, đức vua cho gọi thái tử Viḍūḍabha và tân đại nguyên soái Dīgha-Kārāyaṇa rồi ra lệnh:

- Ông Viḍūḍabha hãy dẫn một đội quân cấm vệ, ông Dīgha-Kārāyaṇa hãy dẫn một đội quân hùng hậu đi sau hộ giá, sớm mai ta sẽ lên đường.

Thế rồi đức vua rời khỏi kinh thành, đi thăm chơi những miền thắng cảnh, khi đến vườn rừng Naṅgaraka(1), thấy cảnh trí xinh đẹp lạ thường, đức vua cho dừng ngựa lại. Trong khi tản bộ, dạo chơi đây đó, đức vua trông thấy những gốc cây khả ái, đẹp mắt, là nơi lặng tiếng, ít ồn, vắng người, thoáng gió, xa lánh mọi tụ hội đông đảo, thích hợp cho việc trầm tư mặc tưởng.(2)

Thấy vậy, đức vua cảm khái trong lòng:“Chà! Khung cảnh thanh bình, tĩnh lặng, thiên nhiên trong lành, tươi đẹp này đâu phải là nơi cho phàm phu tục tử thưởng ngoạn một cách vô ích và rỗng không! Đây phải là nơi thích hợp để học đạo, luận đạo hoặc để trầm tư, quán tưởng”.

Rồi vua chợt nhớ đến đức Đạo Sư, bèn quay lại hỏi thuộc hạ:

- Đức Thế Tôn sau bao tháng vân du phương xa, nghe đâu đã về đến Sākya! Các ngươi có ai biết, ngài hiện đang an ngự ở đâu không?

- Tâu đại vương! Nguyên soái Dīgha-Kārāyaṇa mau mắn đáp – Có một thị trấn tên là Medataḷumpa, thuộc vương quốc Sākya, ngài và hội chúng tỳ-khưu đang dừng chân ở đấy.

- Thị trấn Medataḷumpa ấy, cách Naṅgaraka chúng ta đang đứng đây, khoảng chừng bao xa?

- Tâu! Không xa! Chỉ chừng ba do tuần, có thể đi thong thả đến đấy vào lúc chiều tối.

- Vậy này Dīgha-Kārāyaṇa! Chúng ta hãy lên đường, ta đang rất nôn nóng yết kiến đức Đạo Sư.

Đến Medataḷumpa lúc mặt trời vừa gác núi, khói và sương như những dải lụa vắt ngang những sườn cây xanh biếc. Đâu cũng thanh u và tịch lặng. Chỉ có tiếng lá rơi, gió thoảng, suối chảy, vượn kêu, chim hót... là ngôn ngữ của đất trời! Đến chỗ xe không còn đi được, đức vua rảo bộ, cho người hỏi thăm – thì biết đức Phật và hội chúng tỳ-khưu đang ẩn cư trong những cốc lá trong rừng đại thụ, sát bên một con suối xanh trong.

Lúc bấy giờ một số đông tỳ-khưu đang đi kinh hành ngoài trời. Bước đến gần, đức vua lễ phép cung tay hỏi:

- Thưa chư tôn giả! Đức Thế Tôn hiện đang ở đâu?

Biết người hỏi là đức vua Kosala, một vị tỳ-khưu đáp:

- Tâu đại vương! Đi thẳng theo lối hàng cây đại thụ nầy, gặp một tảng đá lớn, một ngôi nhà sàn lợp bằng lá kè hiện ra, đức Tôn Sư đang thiền duyệt ở đấy. Đại vương nhè nhẹ bước lên, tại hành lang, bên cánh cửa khép hờ, ngài cất tiếng đằng hắng rồi lấy ngón tay gõ nhẹ ba lần, đức Đạo Sư sẽ tiếp đại vương!

Để tỏ lòng tôn kính hết mực, đức vua cởi đế bào, mũ miện, hốt, ấn, kiếm, hia... giao tất cả chúng cho Dīgha-Kārāyaṇa rồi nói:

- Các ngươi hãy đi ra ngoài bìa rừng! Ta cần yên tĩnh một mình để “đàm đạo” với đức Chánh Đẳng Giác!

Theo cách chỉ dẫn tận tình và chính xác của vị tỳ-khưu, đức vua đi bằng đôi chân trần theo hàng đại thụ... Và sau đó được đức Phật mở cửa đón tiếp. Vừa bước vào, đức vua Pāsenadi oai hùng, hiển hách của quốc độ Kosala đã vội quỳ sụp xuống, cúi đầu ôm đôi chân bụi của đức Đạo Sư, rờ rẫm và xoa xoa vào cổ chân, gót chân của ngài rồi thốt lên:

- Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử là Pāsenadi, nước Kosala! Đệ tử là Pāsenadi, nước Kosala! Đệ tử là Pāsenadi, nước Kosala!

Đức Phật khởi từ bi tâm, nắm tay đức vua dẫn đến một tấm nệm cỏ, mời ông ngồi ở đấy rồi nói:

- Không biết vì duyên sự gì, nguyên do gì mà đấng chí tôn của Kosala lại hạ mình tột bực và biểu lộ sự quý kính tột bực đối với Như Lai như vậy?

- Từ khi hoàng hậu mất đi, đệ tử không có chỗ nương tựa; vì không có chỗ nương tựa nên đệ tử đã có những hành động lầm lỗi không thể tha thứ được. Đệ tử hằng đêm, hằng đêm đã suy nghĩ rất nhiều. Đức Thế Tôn là hiện thân cho những giá trị cao quý trên đời này, là hiện thân cho những phẩm giá tốt đẹp của con người. Thật hạnh phúc cho những ai được thân cận với Người, được học hỏi giáo pháp của Người, được ôm hôn bàn chân bụi của Người. Sau khi tư duy chín chắn như vậy, đối với đức Thế Tôn, đệ tử đã có những “pháp truyền thống” cho riêng mình y chỉ, bạch đức Đạo Sư!

Đức Phật mỉm cười:

- Pháp truyền thống cho riêng mình y chỉ? Hay lắm! Vậy thì đại vương hãy kể ra một vài nội dung của truyền thống ấy cho Như Lai nghe với nào?

- Xin vâng, bạch đức Thế Tôn!

Rồi đức vua nói:

- Đệ tử có pháp truyền thống (Dhammanvaya) này đối với Thế Tôn: “Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, pháp được Thế Tôn khéo giảng, chư tăng đệ tử của Thế Tôn khéo tu tập hành trì”. Sở dĩ nói như vậy là vì đệ tử thấy nhiều vị sa-môn, bà-la-môn hành trì phạm hạnh có giới hạn trong mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, bốn mươi năm. Những vị này, sau một thời gian, khéo tắm rửa, khéo phấn sáp, với râu tóc khéo chải chuốt, sống thụ hưởng một cách đầy đủ, sung mãn năm dục trưởng dưỡng! Nhưng ở đây, trong giáo pháp của ngài, đệ tử thấy các tỳ-khưu sống hành trì phạm hạnh viên mãn, thanh tịnh cho đến trọn đời, cho đến hơi thở cuối cùng. Đệ tử xác tín rằng, ngoài giáo hội này ra, không có và không thể ở đâu, tôn giáo nào có được một phạm hạnh viên mãn và thanh tịnh đến như vậy. Đấy chính là nội dung, là pháp truyền thống thứ nhất của đệ tử đối với đức Đạo Sư.

- Hay lắm! Đức Phật tán thán – Và đấy cũng là sự thực mà đại vương đã diễn đạt rất chính xác! Thế còn nội dung thứ hai?

- Bạch Thế Tôn! Đệ tử thấy rằng, từ ngàn xưa đến nay, vua chúa cãi lộn với vua chúa, sát-đế-lỵ cãi lộn với sát-đế-lỵ, bà-la-môn cãi lộn với bà-la-môn, gia chủ cãi lộn với gia chủ, mẹ cãi lộn với con, con cãi lộn với mẹ, cha cãi lộn với con, con cãi lộn với cha, anh em cãi lộn với anh em, anh em cãi lộn với chị em, chị em cãi lộn với anh em, bạn bè cãi lộn với bạn bè. Còn ở đây, đệ tử thấy các tỳ-khưu sống với nhau thuận hòa, thân hữu, không cãi lộn nhau, hòa hợp như nước với sữa, nhìn nhau với cặp mắt ái kính(1). Đệ tử không thấy, ngoài giáo hội của đức Tôn Sư, giáo đoàn thanh tịnh của đức Tôn Sư ra, lại có thể có một phạm hạnh nào khác viên mãn, thanh tịnh được như vậy! Đấy là pháp truyền thống thứ hai, luôn lưu một dấu ấn tốt đẹp vào tâm khảm của đệ tử!

- Đúng vậy! Đức Phật gật đầu – Đại vương đã nhận xét rất đúng! Sáu pháp hòa kỉnh là nền tảng của thiện bạn hữu, thiện thân tình trong đời sống của tăng-già 

- Còn nữa, bạch Thế Tôn! Đức vua nói tiếp - Đệ tử đi du hành, kinh lý từ nơi này đến nơi kia, từ xứ sở này sang xứ sở khác. Ở đấy, đệ tử thấy một số sa-môn, bà-la-môn gầy còm, ăn mặc lôi thôi, lếch thếch, nước da xanh xao, bạc nhợt, tay chân gân nổi; hình như không có một nét hảo tướng tương đối nào để người ta có thể nhìn với đôi mắt thiện cảm! Đệ tử suy nghĩ như sau: Thật sự các bậc tôn giả này sống phạm hạnh không được hoan hỷ hay có những ác nghiệp được giấu kín, bị sân tham thiêu đốt nên mới sinh ra như vậy? Đệ tử mang hoài nghi ấy đi đến hỏi các vị ấy thì được trả lời: Tâu đại vương! Chúng tôi dường như là bị bệnh lây truyền từ các giáo phái chủ, giáo phái sư... trong và ngoài truyền thống bà-la-môn vậy. Còn ở đây, bạch Thế Tôn! Đệ tử thấy các tỳ-khưu hân hoan, phấn khởi, hỷ lạc, các căn thoải mái, không dao động, bình tĩnh, sống dựa vào sự tự nguyện hỷ cúng của nhiều người, với tâm tư tự do như muông thú ở rừng sâu. Bạch Thế Tôn, đệ tử suy nghĩ như sau: Thật sự các bậc tôn giả này ý thức được một sự tối thắng thù diệu nào trong giáo lý Thế Tôn, một sự thành đạt tuần tự từ cạn vào sâu, từ thớ vỏ ngoài đến xương tủy ở phía bên trong - nên các bậc tôn giả này mới có được tăng tướng như vậy, các được các trạng thái tâm thanh lương, thù thắng tỏ lộ ra bên ngoài dung sắc như vậy. Bạch Thế Tôn! Đấy là pháp truyền thống thứ ba của đệ tử đối với Thế Tôn.

Còn nữa, đệ tử là một vị vua sát-đế-lỵ, đã làm lễ quán đảnh, có thể hành quyết những ai đáng bị hành quyết, gia phạt những ai đáng bị gia phạt, trục xuất những ai đáng bị trục xuất. Nhưng bạch Thế Tôn! Khi đệ tử ngồi xử kiện, có người đôi khi nói ngắt lời của đệ tử. Và đệ tử hễ có dịp là nói với họ rằng: Này quý vị, chớ có ngắt lời nói của ta, khi ta đang ngồi xử kiện. Quý vị hãy chờ cho đến khi ta nói xong. Thế nhưng, có người vẫn ngắt lời nói của đệ tử như thường. Còn ở đây, bạch Thế Tôn! Đệ tử thấy các tỳ-khưu, trong khi Thế Tôn thuyết pháp cho đồ chúng hàng trăm người, không hề có một tiếng nhảy mũi hay tiếng ho nào khởi lên. Nếu có một tiếng động thô tháo nào đó xảy ra từ người bên cạnh thì một bạn đạo đồng phạm hạnh sẽ vỗ nhẹ vào đầu gối người ấy rồi nói vào tai y như cơn gió thoảng: Tôn giả hãy giữ yên lặng, tôn giả chớ có làm ồn! Thế Tôn, bậc Ðạo Sư của chúng ta đang thuyết pháp! Bạch Thế Tôn, đệ tử khởi lên ý nghĩ như sau: Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Thính chúng này thật khéo được huấn luyện mà không có gậy, không có kiếm, không có bất kỳ một hình phạt hay cưỡng bức nào! Ngoài hội chúng của đức Tôn Sư, đệ tử không thấy có một hội chúng nào khác lại được khéo huấn luyện như vậy. Bạch Thế Tôn! Và đấy chính là pháp truyền thống thứ tư của đệ tử đối với đức Đạo Sư.

Còn nữa, bạch Thế Tôn! Đệ tử thấy ở đây một số sát-đế-lỵ bác học, tế nhị, nghị luận biện tài, biện bác như chia chẻ sợi tóc làm tư, làm bảy. Những vị này đi chỗ này, chỗ kia, như muốn đả phá các tà kiến với trí tuệ của họ. Những vị này nghe: Sa-môn Gotama sẽ đến thăm ngôi làng này hay thị trấn kia! Thế là họ sắp đặt trước những câu hỏi: Chúng ta sau khi đến sẽ hỏi sa-môn Gotama câu hỏi này. Khi bị chúng ta hỏi như vậy, nếu sa-môn Gotama trả lời như thế này, thì chúng ta sẽ chất vấn như thế này. Khi bị ta hỏi như vậy, nếu sa-môn Gotama trả lời như thế kia, thì chúng ta sẽ chất vấn như thế kia! Vậy là khi nghe tin Thế Tôn du hóa đến một nơi, những vị này đến chỗ Thế Tôn đang trú cư. Rồi sau đó, Thế Tôn với pháp thoại khai thị cho các vị này, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Ðược đức Thế Tôn với pháp thoại khai thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, họ không hỏi Thế Tôn câu hỏi đã định trước, huống nữa là chất vấn! Trái lại, họ trở thành đệ tử của Thế Tôn. Bạch Thế Tôn! Như vậy, đấy là pháp truyền thống thứ năm của đệ tử đối với ngài.

Còn nữa, bạch Thế Tôn! Đệ tử thấy ở đây một số bà-la-môn bác học, gia chủ bác học, sa-môn bác học, tế nhị, nghị luận biện tài, biện bác như chia chẻ sợi tóc, những vị này đi chỗ này chỗ kia như muốn đả phá các tà kiến... Họ không hỏi Thế Tôn câu hỏi đã định trước, huống nữa là chất vấn. Trái lại, họ xin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Thế Tôn cho họ được xuất gia. Ðược xuất gia như vậy, một số các vị ấy sống một mình, không phóng dật, nỗ lực, tinh cần và không bao lâu sau, tự chứng với thắng trí, chứng ngộ chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại mục đích tối thượng của phạm hạnh mà những thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến. Họ nói như sau: Thật sự chúng ta gần hoại vong! Thật sự chúng ta gần hoại diệt! Xưa kia chúng ta không phải sa-môn lại tự xem là sa-môn, không phải bà-la-môn lại tự xem là bà-la-môn, không phải bậc A-la-hán lại tự xem là bậc A-la-hán. Nay chúng ta mới thật sự là sa-môn. Nay chúng ta mới thật sự là bà-la-môn. Nay chúng ta mới thật sự là A-la-hán! Bạch Thế Tôn! Đây là pháp truyền thống thứ sáu của đệ tử đối với Thế Tôn.

Còn nữa, bạch Thế Tôn! Isidatta và Purāṇa là hai quan giữ ngựa, ăn cơm của đệ tử, đi xe của đệ tử, sinh sống do đệ tử cho, và chính đệ tử đem danh vọng lại cho họ. Nhưng họ không hạ mình, cung kỉnh đối với đệ tử như họ đã hạ mình, cung kỉnh đối với Thế Tôn. Thuở nọ, bạch Thế Tôn! Trong khi hành quân chống với đội quân đối nghịch, và muốn thử thách Isidatta và Purāṇa, hai quan giữ ngựa, đệ tử đến ở tại một căn nhà chật hẹp. Rồi bạch Thế Tôn! Hai quan giữ ngựa, Isidatta và Purāṇa, sau khi cùng nhau đàm luận về chánh pháp hơn nửa đêm rồi nằm xuống ngủ, với đầu của họ thì hướng về phía mà họ được nghe là chỗ Thế Tôn ở, còn chân của họ lại hướng về chỗ đệ tử nằm. Bạch Thế Tôn! Đệ tử suy nghĩ như sau: Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Hai quan giữ ngựa Isidatta và Purāṇa này ăn cơm của đệ tử, đi xe của đệ tử, sự sinh sống do đệ tử cho, và chính đệ tử đem danh vọng đến cho họ. Nhưng họ không hạ mình, cung kỉnh đối với đệ như họ đã hạ mình, cung kỉnh đối với Thế Tôn. Thật sự những vị này ý thức được một sự tối thắng thù diệu nào trong giáo lý của Thế Tôn, một sự thành đạt tuần tự... Bạch Thế Tôn! Đấy là pháp truyền thống thứ bảy của đệ tử đối với Thế Tôn.

Còn nữa, bạch Thế Tôn! Thế Tôn thuộc dòng sát-đế-lỵ, đệ tử cũng thuộc dòng sát-đế-lỵ. Thế Tôn là người nước Kosala, đệ tử cũng thuộc người nước Kosala. Thế Tôn được tám mươi tuổi(1), đệ tử cũng được tám mươi tuổi. Cho dù Thế Tôn và đệ tử có ba điểm giống nhau như vậy, nhưng Thế Tôn lại là bậc Chánh Đẳng Giác, còn đệ tử chỉ là một con người phàm còn rất nhiều lầm lỗi, còn rất nhiều bụi cát trong mắt – nên đệ tử sẵn sàng hạ mình tột bực và biểu lộ sự quý kính tột bực đối với Thế Tôn – cũng phù hợp pháp và luật vậy! Bạch Thế Tôn! Nay đệ tử phải đi, đệ tử có nhiều công việc, có nhiều bổn phận phải làm!

Đưa đôi mắt bi mẫn nhìn đức vua, đức Phật nói: 

- Đại vương hãy làm những gì mà đại vương nghĩ là hợp thời. 

Rồi vua Pāsenadi nước Kosala từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Đạo Sư, thân phía hữu hướng về ngài rồi ra đi. 

Nhìn vị cao sang vương giả đầu trần, chân đất, đến một thị trấn xa xôi, hạ mình tột bực, cung kính tột bực hết lời tán thán những “pháp truyền thống”, sau đó nhẹ nhàng từ giã, không hề thỉnh cầu điều gì cho riêng mình cả - đức Phật do biết rất nhiều việc nên ngài nghĩ thầm: “Nếu vị đại vương này mang theo tri kiến chơn chánh với những pháp được gọi là truyền thống này mà ra đi – thì nghiệp ác sát hại kẻ trung thần kia sẽ không chạy theo kịp mà trổ quả đâu!”

Hai vị tôn giả Mahā-Moggallāna và Upāli ở bên cạnh, do có nhiều thắng trí nên họ cũng có đồng ý nghĩ như đức Thế Tôn. Chuyện xảy ra sẽ phải xảy ra.


(1)Xem Dictionnary of Pāḷi proper names - quyển 2, trang 6.

(2)Xem kinh Dhammacetiya (Trung bộ).

(1)Trung bộ, kinh Dhammacetiya.

(1)Đây là theo kinh Dhammacetiya – Trung bộ. Nhưng theo tôi, thời điểm này, với số tuổi tám mươi e không đúng. Vì rằng, sau đó, đức vua bị tiếm quyền rồi mất ngoài cổng thành kinh đô Rājagaha. Quan nguyên soái Dīgha-Kārāyaṇa tôn Vidūḍabha lên làm vua. Sau khi làm vua Kosala, Vidūḍabha ba lần dẫn binh muốn tiêu diệt dòng Sākya nhưng đều bị đức Phật ngăn cản. Cho đến lần thứ tư, đức Phật mới để tự nhiên cho nhân quả làm việc. Diệt xong dòng Sākya, trên đường dẫn quân về, Vidūḍabha, chu tướng, binh linh bị dòng nước lũ cuốn chết. Thời gian trải qua những biến cố này, tối thiểu cũng trải qua hơn một năm đến một năm rưởi. Còn nữa, còn thời gian hai vị thượng thủ giáo hội Niết-bàn, thời gian diễn tiến cả bộ kinh Đại bát Niết-bàn nữa... Do vậy, theo người biên soạn, số tuổi lúc này của đức Phật và đức vua Kosala chỉ mới 77, 78 - chừng hạ thứ 42 – 43 là hợp lý hơn chăng?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/12/2017(Xem: 86438)
Trải hơn 25 thế kỷ, Chánh Pháp của Phật vẫn được tuyên dương và lưu truyền bởi hàng đệ tử xuất gia lẫn tại gia, đem lại giải thoát và giác ngộ cho những ai học hỏi và thực hành đúng đắn. Chánh Pháp ấy là thuốc hay, nhưng bệnh mà không uống thì chẳng phải là lỗi của thuốc. Trong kinh Di Giáo, đức Phật cũng ân cần huấn thị lần chót bằng những lời cảm động như sau: “Thể hiện lòng đại bi, Như Lai đã nói Chánh Pháp ích lợi một cách cứu cánh. Các thầy chỉ còn nỗ lực mà thực hành… Hãy tự cố gắng một cách thường trực, tinh tiến mà tu tập, đừng để đời mình trôi qua một cách vô ích, và sau này sẽ phải lo sợ hối hận.” Báo Chánh Pháp có mặt để góp phần giới thiệu đạo Phật đến với mọi người. Ước mong giáo pháp của Phật sẽ được lưu chuyển qua những trang báo nhỏ này, mỗi người sẽ tùy theo căn tánh và nhân duyên mà tiếp nhận hương vị.
15/12/2017(Xem: 136424)
Văn Hóa Phật Giáo, số 242, ngày 01-02-2016 (Xuân Bính Thân) Văn Hóa Phật Giáo, số 244, ngày 01-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 245, ngày 15-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 246, ngày 01-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 247, ngày 15-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 248, ngày 01-05-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 249, ngày 15-05-2016 (Phật Đản PL 2560) Văn Hóa Phật Giáo, số 250, ngày 01-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 251, ngày 15-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 252, ngày 01-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 253, ngày 15-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 254, ngày 01-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 255, ngày 15-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 256, ngày 01-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 257, ngày 15-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 258, ngày 01-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 259, ngày 15-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 260, ngày 01-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 261, ngày 15-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 262, ngày 01-12-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 263, ngày 15-12-2016
08/12/2017(Xem: 18579)
Những pháp thoại trong tác phẩm này là những lời dạy tiêu biểu truyền cảm hứng phi thường mà Lama Yeshe và Lama Zopa Rinpoche đã thuyết giảng tại nhiểu thời điểm. Các pháp thoại này là những gì truyền cảm hứng cho nhiều học trò của họ, như tôi, để buông xả những gì chúng ta đang làm và hiến dâng trọn đời mình đi theo các vị Lama[1]. Khi Rinpoche nói “mỗi người chúng ta cần nghỉ như vậy: tất cả chúng sanh đều vô cùng tử tế với tôi trong quá khứ, họ tử tế với tôi trong hiện tại, và họ sẽ tiếp tục tử tế với tôi trong tương lai. Họ là cánh đồng mà trong đó tôi nhận được tất cả hạnh phúc của mình—quá khứ, hiện tại và tương lai; tất cả các tài đức hoàn hảo của tôi đều xuất phát từ những chúng sanh khác. Do vậy, tôi phải chứng đạt giác ngộ. Chỉ tìm kiếm hạnh phúc miên viễn cho riêng tôi, không mang lại hạnh phúc cho những chúng sanh khác, từ bỏ những chúng sanh khác,không quan tâm đến hạnh phúc của họ, là rất ích kỉ. Do đó, tôi phải chứng đạt giác ngộ, hạnh phúc cao cả nhất, để
30/11/2017(Xem: 7296)
Định nghĩa. Vô Trước. Vô, nghĩa là không. Trước, nghĩa là dính mắc, bị dính vào, mắc vào, kẹt vào. Cụm từ Vô Trước, nói cho đủ: Không bị dính mắc, kẹt vào. Danh từ kép này, được chỉ cho những hành giả trong đạo phật trên đường tu tập, để tìm cầu cho mình cơn đường giải thoát là không để cái Tâm bị dính vào, mắc vào, kẹt vào sắc trần, nói như pháp môn thiền định “đối cảnh vô tâm. Như vậy, tâm con người thường bị dính trần hay sao, mà pháp thiền phải cảnh giác ? Đúng như vậy, tâm của kẻ phàm phu ưa dính, mắc vào, kẹt vào sắc trần vật chất, ưa trách móc, ưa chấp nê, ưa nghe lời khen ngợi
21/11/2017(Xem: 11274)
Từ Kinh Phật Sơ Thời Đến Thiền Đốn Ngộ Giới Thiệu Tác Phẩm “Thiền Tông Qua Bờ Kia” Của Cư Sĩ Nguyên Giác--Trong tác phẩm mới xuất bản “Thiền Tông Qua Bờ Kia” tác giả Cư Sĩ Nguyên Giác kể chuyện buổi đầu ông học Thiền với Hòa Thượng Bổn Sư Thích Tịch Chiếu ở Chùa Tây Tạng tại Tỉnh Bình Dương, Việt Nam như sau: “Tôi nhớ lại buổi đầu gặp Hòa Thượng Tịch Chiếu, hỏi Thầy rằng con nên tập Thiền thế nào, Thầy nói rằng, “Phải Thấy Tánh đã.” Lúc đó, Thầy bảo đứa em kế tôi phải niệm Phật sáng trưa chiều tối, và quay sang đứa em gái kế sau nữa của tôi, bảo nhỏ này là con hãy về đọc bài Bát Nhã Tâm Kinh tối ngày sáng đêm. Tôi hỏi, rồi con cần niệm hay đọc gì hay không, Thầy đáp, con không có một pháp nào hết.”[1]
19/11/2017(Xem: 5795)
Chris Impey là Phó Khoa Trưởng của Đại Học Khoa Học, và là một Giáo Sư Xuất Chúng của Khoa Thiên Văn Học thuộc Đại học Arizona (Hoa Kỳ). Công trình nghiên cứu của ông đặt trọng tâm vào việc phát triển và cung cấp năng lượng của những lỗ đen khổng lồ trong các thiên hà.Ông đã viết hai cuốn sách giáo khoa, một tiểu thuyết, tám cuốn sách khoa học phổ thông, và hơn 250 bài nghiên cứu và bài báo.Khiêm Tốn TrướcHư Không(Humble Before the Void ), một cuốn sách dựa trên những khóa hội thảo được mô tả trong bài báo này, do Templeton Press xuất bản năm 2014
01/11/2017(Xem: 10448)
Long Thọ hay Long Thụ (Nāgārjuna) không phải chỉ là tổ của tông Trung Quán (Madhyamika),[1] trong lịch sử phát triển Phật giáo ngài được coi là vị Phật thứ hai sau Đức Thế Tôn[2] nên trong các hình tượng bồ tát chỉ có tượng của ngài duy nhất được tạc vẽ với nhục kế (uṣṇīṣa), vốn tượng trưng cho trí tuệ viên mãn như hình tượng Đức Phật chúng ta thường thấy. Truyền thống Phật giáo xuy tôn ngài là người thành lập Phật giáo Đại thừa không phải vì theo truyền thuyết nói rằng ngài đã mang kinh điển Đại thừa từ Long Cung về phổ biến mà vì ảnh hưởng thật sự tư tưởng của ngài trong các tông môn. Cho đến ngày nay, tám tông môn Phật giáo lớn từ Thiền đến Mật của Trung Hoa Triều Tiên Nhật Bản Tây Tạng Mông Cổ nhận ngài là tổ đều truyền bá đến Việt Nam từ lâu. Ở nhiều nước như Tây Tạng, Nepan, Mông Cổ chùa viện tư gia còn đắp tượng vẽ hình thờ phượng ngài như Đức Phật. Ngay tại Ấn Độ, đất nước đã tiêu diệt Phật giáo, người ta vẫn còn tiếp tục hãnh diện phổ biến các nghiên cứu về ngài và tôn kính ng
25/08/2017(Xem: 23155)
Bản Giác (sách pdf) tác giả: Tiến sĩ Lâm Như Tạng
21/06/2017(Xem: 8408)
* Trong vũ trụ có trùng trùng thế giới. Toàn Giác là bậc câu thông cùng vũ trụ, họ cùng một thể tánh với vũ trụ, thấu suốt quy luật vận hành của vũ trụ rồi “truyền thần” lại sự thấy biết đó. Để thấy rằng Đức Bổn sư không sáng tạo ra vũ trụ, không chế định ra luật nhân quả luân hồi, mà vũ trụ vốn sống động từ vô thỉ dù Phật có ra đời hay không.
16/03/2017(Xem: 9050)
Trong nghi thức Cầu Siêu của Phật Giáo Việt Nam, ở phần Quy Y Linh, có ba lời pháp ngữ: “Hương linh quy y PHẬT, đấng PHƯỚC TRÍ VẸN TOÀN – Hương linh quy y PHÁP, đạo THOÁT LY THAM DỤC – Hương linh quy y TĂNG, bậc TU HÀNH CAO TỘT” (chơn tâm – vô ngã). Ba lời pháp ngữ trên chính là ba điều kiện, ba phương tiện siêu xuất, có năng lực đưa hương linh (thân trung ấm) được siêu lên các cõi thiện tùy theo mức độ thiện nghiệp nhiều,
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]