Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

16. Dạy Dỗ Bậc Đại Trí Thức

26/10/201320:18(Xem: 29016)
16. Dạy Dỗ Bậc Đại Trí Thức

Mot cuoc doi bia 02




Dạy Dỗ Bậc Đại Trí Thức


Đã dự định trở về Trúc Lâm, nhưng đột nhiên, đức Phật bảo nán lại mấy hôm nữa. Hóa ra là có cơ duyên.

Ngoại ô Vesāli, thuộc cộng hòa Licchavī, có hai vợ chồng bà-la-môn nổi tiếng thông thái, uyên bác, có tài hùng biện; mỗi người không những học hiểu rất nhiều triết thuyết khác nhau mà còn nắm vững các phương pháp lý luận nên tài vấn đáp của ông bà không ai sánh nổi. Con trai lớn là Saccaka được di truyền dòng máu thông minh, mẫn tuệ ấy, lại còn được kế thừa sở học của cha mẹ nên nghiễm nhiên trở thành một ngôi sao vô địch trên các luận trường. Thế vẫn chưa đủ, người con ưu tú của dòng tộc này còn nghiên cứu sâu rộng tư tưởng các giáo phái trong và ngoài truyền thống đương thời, biết điểm ưu, điểm khuyết, sở trường, sở đoản của các chủ thuyết ấy nữa. Bởi thế, càng lớn lên, tiếng tăm của Saccaka càng vượt trội cha mẹ, trở thành tay hùng biện vô địch. Chưa có một sa-môn, bà-la-môn luận sư nào khả dĩ trổ tài miệng lưỡi có thể xứng đáng là đối thủ của chàng! Và thế là Saccaka sanh tâm ngã mạn, coi thế gian như cỏ rác. Quá kiêu căng tự phụ về sở học của mình, Saccaka sắm một sợi dây da to bản cột bụng lại. Mọi người xúm lại hỏi tại sao, Saccaka cười mũi đáp:

- Chữ nghĩa, văn tự, cú pháp, thiên kinh, vạn quyển... chúng sống nhung nhúc đầy đặc ở trong này! Nếu không cột lại, ta sợ một lúc nào đó sẽ vỡ bụng ra mà chết!

Danh tiếng Saccaka lại càng vang dội. Ba đức vua và hội đồng tướng lãnh trị vì liên bang Licchavī đóng tại Vesāli mời Saccaka làm thầy giáo phụ đạo cho con cháu họ. Chàng vỗ bụng nói:

- Có sẵn đây. Nếu chia chung cho thiên hạ cũng còn chưa hết, huống hồ chỉ một tiểu quốc. Thế là các vị đã tìm đúng người!

Bọn tiểu nhân vô trí, thiểu học thì tung hô, ca ngợi; còn kẻ có trí thì họ khinh bỉ nhưng họ im lặng, thầm hổ thẹn giùm cho chàng trai trẻ.

Trong thời gian ấy, đức Phật, chư vị trưởng lão và rất đông tỳ-khưu đã lui tới Vesāli, cư ngụ ở đại lâm Mahāvana. Tin ấy nhanh chóng đến tai Saccaka, chàng tự nghĩ: “Thời gian gần đây, ta đã nghe danh tôn giáo này cùng người sáng lập ra nó. Ông sa-môn Gotama xuất thân dòng dõi sát-đế-lỵ, vốn là một thái tử văn võ toàn tài, bỏ vương vị xuất gia, bây giờ tự xưng là Phật, một vị đại A-la-hán! Thật là điên rồ và ngông cuồng! Tuy ta chưa nắm được giáo pháp của ông ta, nhưng thử hỏi, triết học và tư tưởng của con người thì có được bao nhiêu? Cho dẫu ông ta có sáng lập ra một giáo thuyết mới, có múa mép, khua môi ỏm tỏi... thì cũng thảm nhục, thân bại, danh liệt tại đất này mà thôi!”

Hôm ấy, đứng trước hội chúng của mình, Saccaka ngạo nghễ tuyên bố rằng:

- Ta không thấy một sa-môn, bà-la-môn nào dù là giáo phái chủ, giáo phái sư hoặc là bậc đạo sư lỗi lạc tự xưng mình là Phật, thánh phương nào chăng nữa, một khi đối đáp với ta, chẳng có ai là không hồi hộp, run sợ! Thậm chí, nếu ta cật vấn cây cột không có tâm thức thì nó cũng sợ hãi, rung chuyển, toát mồ hôi hột!

Cả hội trường vỗ tay, tán thán Saccaka không hết lời rồi nói:

- Sa-môn Gotama rất giỏi, rất nổi danh, nhưng rồi sẽ bị đo ván!

- Đúng như thế không sai!

Saccaka mỉm cười:

- Cái đó thì các ngươi đừng có nôn nóng, không chóng thì chầy sẽ có cuộc tranh biện thú vị ấy!

Saccaka thò tay siết chặt lại sợi dây da nịt bụng!

Nghe tin đức Phật đang ở Mahāvana, tôn giả Assaji bộ hành từ nước cộng hòa Videha về thăm ngài. Nghỉ đêm ở một khu rừng ngoại ô, sáng sớm tôn giả đi vào thành phố Vesāli trì bình khất thực.

Lúc ấy, Saccaka đang ưỡn bụng đi dạo với chừng mười mấy đồ chúng, trông thấy tôn giả Assaji do râu tóc sạch sẽ, đi đứng trang nghiêm, đoán là đệ tử của đức Phật, hắn bèn dừng lại, lịch sự chấp tay với cung cách của một bậc thức giả:

- Thưa ngài sa-môn! Ngài có liên hệ gì với giáo phái của đại sa-môn Gotama?

Ngước lên, tôn giả Assaji trông thấy một chàng trai trẻ to lớn, cao ráo với dây nịt to buộc chặt bụng cùng đám thanh niên mặt trơn, da láng; biết đấy là ai rồi, nên đáp:

- Tôi là đệ tử ít học của đức Đạo Sư ấy, thưa hiền giả!

- Thật là hân hạnh! Saccaka giả vờ cúi đầu khiêm tốn - Từ lâu tôi đã nghe đại danh của đại sa-môn Gotama như sấm dậy bên tai! Vậy chẳng hay, vị ấy thường dạy các hàng đệ tử như thế nào? Nói rõ hơn, là sa-môn Gotama hay nói giáo pháp gì cho môn đệ?

- Này Aggivessana! Này chàng trai trẻ! Đức Thế Tôn thường dạy cho chúng đệ tử rằng: Sắc uẩn là vô thường, thọ uẩn là vô thường, tưởng uẩn là vô thường, hành uẩn là vô thường, thức uẩn là vô thường...

Vừa nghe vị sa-môn gọi đúng tên mình, Saccaka đã cảm giác lành lạnh, nhưng y lại cười lạt:

- Hóa ra chỉ có vậy thôi sao, thưa ngài sa-môn?

- Còn nữa, này chàng trai trẻ! Vì sắc thọ tưởng hành thức ấy là vô thường nên chúng còn là vô ngã nữa! Và, tất cả pháp đều vô ngã!

Saccaka nhíu mày:

- Đấy là tinh yếu giáo pháp của đại sa-môn Gotama ư?

- Với kẻ trí, với người có tai để nghe thì đấy là tinh yếu, còn đối với người ngu, kẻ không có tai để nghe thì nó rất tầm thường, thưa ngài đại bác học!

Nói xong, tôn giả Assaji mỉm cười. Nhưng Saccaka không lãnh hội được ý tứ tinh tế ấy, hắn nói to với mọi người:

- Thiên hạ có rõ không? Hay chỉ có tôi, chính tôi mới vừa nghe được những điều chẳng lành? Sắc uẩn vô thường... vô ngã, thọ uẩn vô thường, vô ngã...; các pháp đều vô ngã? Cái gì vậy? Lời dạy ấy quả là tàn tệ, quả là nguy hại cho thế gian! Chính lời giáo huấn ấy là bóng tối, là quỷ dữ, là thuốc độc... đã phản bội con người và hủy diệt tất cả những gì cao đẹp, thiêng liêng trên đời này! Xin chư vị hãy nguyền rủa giáo pháp ấy đi! Nó là trá hình của Ma vương, của Diêm sứ! Hãy lột mặt nạ giáo pháp phi nhân tính ấy!

Rồi Saccaka quay sang tôn giả Assaji:

- Ngài sa-môn hãy nghe cho kỹ đây! Tôi, Saccaka, bậc giáo thọ, bậc đạo sư của hoàng tộc Licchavī tôi sẽ đích thân đến gặp sa-môn Gotama để luận chiến và đấu trí! Thế nào tôi cũng phải vạch trần, lột truồng mớ giáo lý sai lầm đầy tệ hại của ông ta!

Nói xong, Saccaka quay lưng bỏ đi. Đám đệ tử còn nói vọng lại:

- Nghe rõ chưa? Giáo lý ấy chưa đáng giá một đồng xu mà đem rao bán giữa chợ đời! Ai mua? Đồ mặt dày!

Hoàng tộc Licchavī đang hội họp tại một giảng đường rộng lớn để giải quyết những công việc liên hệ đến kinh tế đang gặp lúc khó khăn thì Saccaka đột ngột bước vào. Vì Saccaka là thầy giáo giỏi của con em họ nên hoàng tộc có vị đứng dậy chào, có người gật đầu, có người chỉ liếc mắt xem, có người niềm nở mời chỗ ngồi và tiếp nước.

Saccaka chưa yên vị đã vội đứng dậy, chắp tay chào hội chúng rồi nói:

- Thưa chư vị đại nhân, quý nhân khả kính! Một cơ hội hiếm có sẽ làm cho kinh thành Vesāli nhỏ bé của chúng ta vang danh thiên hạ! Phải biết thò bàn tay vàng ra mà nắm lấy!

Mọi người ngơ ngác đưa mắt có vẻ dò hỏi. Saccaka cất giọng hùng hồn:

- Sa-môn Gotama và đệ tử của ông ta hiện đang đến hóa đạo tại xứ sở của chúng ta mấy lúc gần đây. Từ lâu, tôi đã nghe đến tài trí của sa-môn Gotama. Ông ta đã luận thắng hầu hết các giáo phái chủ, giáo phái sư trong và ngoài truyền thống trên đời này. Đức vua của các đại quốc, tiểu quốc ven thung lũng sông Gaṅgā; những đại phú gia, bá hộ, công tử, vương tử, đại thần, đại trưởng giả... hữu danh đều quy giáo sa-môn Gotama! Tuy nhiên, đến đây, tại lãnh thổ này, sa-môn Gotama sẽ thất vọng, sẽ chuốc lấy thảm bại nhục nhã rồi cuốn xéo đi nơi khác...

- Tại sao? Có người hỏi.

Saccaka cười đắc chí:

- Sao nữa! Vì sẽ có một cuộc luận chiến, đấu trí, tranh tài vô tiền khoáng hậu xảy ra giữa tôi và sa-môn Gotama! Tôi chờ đợi cơ hội này từ lâu lắm. Vậy thì hôm nay, tôi đến đây là để mời chư vị đại nhân hoàng tộc Licchavī hãy cùng đi với tôi. Và dịp này, chư vị đại nhân sẽ chứng kiến được một sự kiện hy hữu, trọng đại: Sa-môn Gotama sẽ không có đất dung thân!

Một vị lão thần cất giọng thận trọng:

- Tôi không phủ nhận là thầy giáo thọ Saccaka có kiến thức, sở học và tài hùng biện xuất chúng, lỗi lạc! Tôi cũng đã có nghe, ngài đã nghiên cứu thấu đáo mọi triết học trong và ngoài truyền thống đến độ thâm uyên và bác lãm nhất. Nhưng đại sa-môn Gotama thì sao? Dường như mọi điều vừa kể trên, ông ta đều ưu việt, đều vượt trội thế gian mấy cái đầu! Không những thế, giáo pháp mà ông ta xiển dương, khai mở là một loại giáo pháp độc sáng, thiên tài, trước đây chưa hề có, mai sau cũng không thể có được; chẳng hay thầy giáo thọ của chúng ta đã nắm chắc phần thắng chưa nhỉ?

Saccaka vỗ ngực đáp:

- Chư vị đại nhân hãy yên trí! Những lời giáo huấn của sa-môn Gotama tôi biết rất rõ; và tôi còn thấy cả những lỗ hổng, những khiếm khuyết, những luận điểm thô thiển và tệ hại của nó nữa. Đấy là những tư tưởng bi quan, yếm thế, một loại hư vô chủ nghĩa càn quấy, mưng độc, ấu trĩ và ngốc nghếch nhất trên đời này. Thật không xứng đáng cho con em chúng ta nghe lọt vào lỗ tai! Phải lấy chổi chà mà quét nó ra khỏi xứ sở trong sạch và hiền thiện này. Vậy, quý vị đại nhân hãy cùng đi với tôi, hôm nay, rồi chư vị đại nhân sẽ thấy rõ sự thực!

Một người cất giọng nghiêm trang:

- Xin ngài giáo thọ trẻ tuổi lưu ý cho! Cả hoàng tộc Licchavī và hội đồng tướng lãnh với địa vị tôn quý, danh giá cùng đi với ngài là cả một chuyện hệ trọng! Là một điều cần phải thận trọng! Chúng tôi không muốn bị bẽ mặt, không muốn bị bêu xấu trước mặt mọi người! Phải tin chắc, phải quyết thắng một ngàn phần trăm, chúng tôi mới cho người tháp tùng cùng ngài!

Saccaka với giọng đanh thép, tự tin:

- Đúng vậy! Chắc vậy! Người bị bẽ mặt, bôi xấu phải là sa-môn Gotama và chúng đệ tử của ông ta! Tôi đã xác quyết như thế, như đá hằn sâu vết chém trước khi đến đây hội diện với chư vị đại nhân.

- Xin cho nghe những luận cứ của ngài giáo thọ! Vị trưởng lão kia tiếp tục chất vấn - Với những ví dụ cụ thể, có hình tượng chứ không phải là những lý lẽ xa vời, trống không như thế!

Saccaka hơi ngạc nhiên, hụt hẫng một chút nhưng y lấy lại phong độ rất nhanh:

- Thật xứng đáng là những cật vấn minh triết! Y giả vờ khen! Được thôi! Tôi sẽ vặn hỏi, sẽ bắt bẽ lý lẽ của sa-môn Gotama bằng lý lẽ của tôi. Ví như một thanh niên khỏe mạnh, đầy sức lực với bắp tay có vồng, với gân tay nổi cuồn cuộn; một tay y nắm cứng cần cổ một con cừu nặng như một quả núi đè, không thể nhúc nhích được; tay kia y nắm lông cừu dài rồi lôi tuột tất tần tật không chừa một mảy. Thì tôi cũng vậy. Tôi sẽ nắm cứng cần cổ giáo pháp của sa-môn Gotama rồi tôi sẽ lột trần sạch sành sanh tất cả da vảy của lý thuyết tệ hại ấy bằng trí tuệ, đa văn và quảng kiến của tôi! Đấy là một ví dụ cụ thể, có hình tượng, có xương, có thịt, chư vị đại nhân có đồng ý vậy không?

Một số người phấn khích, lao nhao:

- Vâng, đúng vậy! Rất là ấn tượng!

Saccaka được dịp trổ tài hùng biện bằng miệng lưỡi:

- Còn nữa! Ví như một trung niên lực lưỡng làm việc lâu năm tại xưởng nấu rượu. Tay y cầm vợt một cách điêu luyện, thiện xảo. Chẳng cần nhìn vào chảo rượu sôi, y cũng có thể thò cây vợt xuống một cách chính xác để vớt bột rượu từ bên này sang bên kia rồi vòng quanh miệng chảo một cách dễ dàng. Khó có một tí bọt nào thoát khỏi cây vợt thiên tài của hắn! Thưa chư vị đại nhân! Saccaka cất cao giọng, sang sảng – Giáo pháp của sa-môn Gotama được ví như bọt rượu dính đầy bụi bặm, tạp chất ấy. Tôi sẽ sử dụng cây vợt thiện xảo, điêu luyện, thiên tài để vớt mớ giáo pháp ô nhiễm của sa-môn Gotama từ đầu này sang đầu kia, vớt vòng quanh cả sở học lẫn kiến thức ác uế của ông ta nữa! Đấy là vị dụ cụ thể thứ hai! Chư vị đại nhân nghe rõ cả chứ?

- Nghe rõ! Một người cười hì hì rồi nói lớn – Nhưng cây vợt của ngài giáo thọ ở đâu?

Saccaka cười xòa:

- Đấy là lý lẽ của tôi! Quý vị giỡn hoài!

Có một người rất cứng cỏi, cất giọng chậm rãi:

- Ví dụ ấy khá sống động nhưng không tương hợp rồi, nếu không muốn nói là tác dụng ngược chiều, thưa ngài giáo thọ khả kính! Tại sao vậy? Vì khi mà ngài vớt hết phần bụi bặm, tạp chất, ô nhiễm ra tuốt tuồn tuột thì giáo pháp của sa-môn Gotama sẽ còn lại cái trong sạch, thuần tịnh, tinh khiết nhất trên trần đời rồi! Chắc ý ngài không muốn thế chứ?

Saccaka thoáng tái mặt, nghĩ thầm: “Không thể xem thường hội chúng ăn trắng mặc trơn này!” Rồi óc y làm việc cực nhanh, đáp rằng:

- Rất chính xác là lập luận ấy, nhưng chư vị tôn túc nghe lầm rồi. Tôi nói giáo pháp của sa-môn Gotama là bụi bặm, ô nhiễm, tạp chất; hãy vớt tất cả chúng chứ không phải là vớt phần bụi bặm, ô nhiễm, tạp chất của giáo pháp ấy!

- Thế thì nghe được!

- Vậy chư vị đại nhân có cần nghe thêm ví dụ nữa chăng?

- Có thể cho nghe!

Saccaka tiếp tục:

- Ví như một người nghiện rượu, hễ thấy rượu là uống. Tay y cầm chung rượu khi úp, khi ngửa, khi đặt bên này, khi đặt bên kia hoặc nốc cạn sạch tùy theo ý muốn. Cũng vậy, giáo pháp của sa-môn Gotama là chung rượu ấy. Tôi sẽ tùy nghi, tùy lúc, khi đặt bên này, khi đặt bên kia, khi úp, khi ngửa hoặc nốc cạn sạch một cách dễ dàng bằng lý lẽ, bằng sự thực, bằng tài nghị luận sắc bén của tôi!

Có tiếng cười ha ha rồi cắc cớ hỏi:

- Thế có say không?

Lại vẳng lên những tiếng cười hô hố. Không khí vui vẻ tràn đầy hội trường. Tưởng vậy là tất cả mọi người đều đã bị thuyết phục, nào ngờ, một lão trượng quắc thước lại nói:

- Không chắc đâu, thưa ngài giáo thọ! Không dễ gì nốc cạn sạch sành sanh một hơi đâu! Sa-môn Gotama chẳng phải là kẻ hữu danh vô thực, chẳng phải là kẻ sàng sàng như tất cả chúng ta ở đây! Sở học, đạo hạnh, trí tuệ lẫn cả biện tài của ông ta đã vang danh khắp cả châu Diêm-phù-đề không phải là không có sở y!

- Đúng vậy! Một giọng nói khác phụ họa – Giáo pháp ấy không dễ gì chịu nằm yên để cho ngài giáo thọ kéo tuốt tuồn tuột như lông cừu; như vớt tất tần tật bọt rượu; như úp, ngửa chung rượu hoặc nốc cạn sạch sành sanh dễ dàng như vậy đâu! Rất nhiều con em hoàng tộc, tướng sĩ của chúng ta đã quy giáo theo ông ta đã khá đông rồi đấy!

- Một số cự phú, danh gia vọng tộc và cả dân chúng nữa đã trở thành tín đồ của họ. Một người khác tiếp lời.

Sự thận trọng ấy quả là cần thiết. Nhưng những lời nhắc nhở chân tình kia đã bị đám đông làm cho tan loãng. Rất đông người đồng loạt đứng dậy, cổ vũ Saccaka:

- Chúng ta hãy cùng đi! Nhất định sa-môn Gotama sẽ chuốc lấy thảm bại! Nhất định kinh thành Vesāli của chúng ta sẽ vang danh khắp thiên hạ!

Thế rồi, Saccaka cùng với hội chúng hơn một nửa số người lớn tuổi kéo thêm chừng trăm môn sinh nữa rầm rộ mở cờ, gióng trống, khua chiêng ... huyên náo lên đường.

Đến khu rừng lớn ngoại thành Vesāli, thấy thấp thoáng xa xa bên kia ngọn đồi, có một ngôi tịnh xá rộng lớn, họ dừng chân lại. Ở xung quanh đây có một số tỳ-khưu đang thiền tọa hoặc kinh hành giữa những hàng cây. Mặc dầu nắng hạn nhưng nơi này vẫn còn giữ được màu xanh thanh bình và mát mẻ. Thoáng nhìn khung cảnh tĩnh lặng, lòng Saccaka gợn lên nỗi sợ hãi mơ hồ nhưng y trấn tĩnh lại ngay. Saccaka đến gần một vị tỳ-khưu, lịch sự cất tiếng hỏi:

- Thưa ngài sa-môn! Hiện giờ đức Đạo Sư Gotama đang ở đâu?

Vị tỳ-khưu dừng bước, đưa mắt dịu dàng hỏi:

- Chư vị là ai?

Saccaka giới thiệu:

- Tôi là giáo thọ sư của hoàng tộc Licchavī cùng với môn đệ; và đây là mấy trăm bậc đại nhân của kinh thành Vesāli cổ xưa, muốn đến diện kiến cái vị được gọi là đức Thế Tôn ấy!

Vị tỳ-khưu mỉm cười:

- Vậy mà tôi cứ ngỡ là chư vị đang xuất quân lâm trận, tình cờ ghé ngang đây! Xin lỗi, tôi đã hiểu lầm! Rồi vị tỳ-khưu vừa nói vừa đưa tay chỉ - Thưa ngài đại hùng biện Saccaka Aggivessana! Đức Tôn Sư đang ở kia, dưới một cội cây to ngay khu rừng trước mặt. Dường như đức Đạo Sư của chúng tôi đã biết đến sự thăm viếng huênh hoang và vui vẻ này!

Thêm một lần nữa, Saccaka thoáng sợ hãi, tái mặt. Cả tên tộc, tên hiệu và cả ý đồ tranh biện, chàng chưa xưng ra, chưa nói lên mà một sa-môn tầm thường như thế này cũng đã biết rồi!

Đã thế, vị tỳ-khưu còn nói tiếp:

- Ngài hãy thít chặt lại sợi dây nịt bụng thêm một tí nữa! Những cái gọi là chữ nghĩa, văn tự, cú pháp, thiên kinh, vạn quyển ở trong ấy dường như chúng đang náo động, lúc nhúc không yên!

Saccaka hối hả bước nhanh cùng với hội chúng của mình. Chàng tự nghĩ: “Có những dấu hiệu, những triệu chứng không được tốt lành cho lắm! Không những trí, những tuệ, những minh, những hạnh của sa-môn Gotama ta chưa nắm bắt đượ, ngay cả một tỳ-khưu đệ tử vô danh mà những câu nói, cách nói, tia mắt nhìn... đã hàm tàng bên trong những năng lực, những thắng trí... cũng đã bất khả tư nghì rồi! Chưa gặp sa-môn Gotama mà ta đã bủn rủn, chao đảo đến thế này hay sao?”

Saccaka và tùy tùng đã đến chỗ đức Thế Tôn, và, chàng nhìn sững! Đức Phật ấy tướng hảo quang minh quá! Ở nơi ngài, bất cứ cái gì tỏa rạng từ ngài cũng đều toát ra sự trong sạch, thanh khiết, từ hòa, tinh giản, nghiêm oai, định tĩnh, trầm hùng, hỷ mãn và trọn vẹn...!

Trong số hội chúng tùy tùng của Saccaka có một số người cũng đứng sững và say mê chiêm ngưỡng ngài như thế. Có số quỳ xuống đảnh lễ. Nhóm người khác thì cất tiếng chào thân mật. Có người chỉ xưng tên họ và dòng dõi của mình. Có kẻ chỉ chắp tay. Một số thì đưa mắt nhìn hờ hững, im lặng không nói gì. Tất cả, sau đó đều tìm chỗ ngồi thích hợp...

Saccaka từ từ, nhè nhẹ hít một hơi sâu đầy phổi để lấy lại sự tỉnh táo, an ổn rồi cất giọng ngang tàng cố hữu:

- Này sa-môn Gotama! Hôm nay, tôi với hội chúng hoàng tộc, tướng lãnh Licchavī cùng một số môn đệ đến đây để vấn đạo. Xin ông hãy vui lòng trả lời cho những câu hỏi phải lẽ của chúng tôi!

Đức Phật biết rõ tất cả tâm tư, ý đồ của chàng thanh niên và hội chúng; biết rõ cả suy nghĩ và những câu hỏi đang nằm trong óc của Saccaka nhưng ngài chỉ thản nhiên như không có chuyện gì xẩy ra:

- Này Aggivessana! Như Lai rất sẵn lòng, ngươi cứ tùy nghi!

- Vâng! Saccaka đáp – Không biết sa-môn Gotama thường chỉ dạy cho các hàng đệ tử như thế nào? Và thật sự, nguyên văn lời giáo huấn ấy ra sao?

- Aggivessana! Hãy nghe đây! Như Lai thường giáo giới chư đệ tử rằng: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức uẩn đều vô thường, vì vô thường nên vô ngã. Và, tất cả pháp đều vô ngã! Đấy chính là nguyên văn minh thuyết giáo pháp của Như Lai!

Saccaka vặn hỏi:

- Chỉ có thế thôi sao?

- Vâng, Như Lai thường chỉ dạy có bấy nhiêu!

Saccaka cười lạt:

- Vậy thì sa-môn Gotama có thể cho tôi đưa ra ví dụ, để từ đó, sa-môn Gotama tự thấy rõ cái ấu trĩ, cái thô thiển, cái tệ hại của giáo pháp ấy không?

- Hãy tự do, hãy tùy thích, này Aggivessana! Như Lai rất muốn nghe ví dụ của ngươi.

- Này, sa-môn Gotama, hãy nghe đây! Ví như các loại cây, các loại giống có đủ nhựa sống để từ đó phát triển tốt, tăng trưởng tốt; tất cả chúng đều nương nhờ từ đất, lớn lên bởi đất, xanh thắm rồi đơm hoa kết trái cũng nhờ ân huệ của đất. Ví như các công việc đồng áng, vườn tược, trồng dâu, nuôi tằm... cũng nương tựa đất, sau đó chúng ta mới có cơm ăn áo mặc. Không có đất thì không có sự sống của các loài hữu tình, phải vậy không, thưa sa-môn Gotama?

Đức Phật mỉm cười:

- Đấy mới chỉ là tiền đề, ngươi còn đi vào nội dung chính nữa mà, Aggivessana!

- Vâng! Saccaka đáp - Từ ví dụ ấy, bây giờ tôi đi đến luận điểm để phá vỡ, đập tan ác kiến mê muội của sa-môn Gotama! Sa-môn Gotama bảo rằng: Ngũ uẩn là vô thường, ngũ uẩn vô ngã; tất cả pháp đều vô ngã! Còn luận điểm của tôi thì ngược lại. Tại sao? Vì nhờ có ngũ uẩn, nương nhờ nơi ngũ uẩn mà người ta ăn, nói, đi, đứng, nghĩ suy, làm việc để tạo tác những khổ vui, thiện ác trên đời này. Muôn loài thảo mộc nương nhờ bởi đất mà tồn tại như thế nào thì chúng hữu tình nương nhờ nơi ngũ uẩn để tồn tại, sinh trưởng y như thế ấy, thưa sa-môn Gotama!

Đức Phật điềm đạm nói:

- Này Aggivessana! Có phải đây là điều mà ngươi đã kết luận cho quan điểm của mình: Sắc uẩn là cái ngã của ta, thọ uẩn là cái ngã của ta; và, tưởng, hành, thức cũng y như thế? Muôn loài thảo mộc nương nhờ bởi đất thì chúng sanh cũng nương nhờ nơi ngũ uẩn, cái tự ngã ấy để tạo tác khổ lạc, thiện ác trên đời này?

Saccaka đáp khá dè dặt:

- Vâng, thưa sa-môn Gotama! Tôi nghe rất nhiều người lập luận như thế!

- Người khác thì không liên quan gì ở đây! Như Lai chỉ muốn nghe sở kiến của ngươi! Và chính ngươi phải xác định quan điểm ấy là của mình.

- Vâng, tôi xin xác quyết là như thế! Sắc thọ tưởng hành thức chính là cái ngã của ta. Chính chúng sanh nương nhờ nơi cái ngã ấy để tồn tại, tạo tác cảnh giới và làm nên thế giới. Nếu chẳng có cái ngũ uẩn ấy, cái ngã ấy làm căn cứ địa; nếu toàn bộ ngũ uẩn là không phải ta, tự ngã của ta thì chúng sanh làm sao hiện hữu hở sa-môn Gotama? Xem chừng cái luận thuyết vô thần, hư vô chủ nghĩa của ông với cái gọi là vô ngã ấy, không phù hợp với chân lý, với sự thật, không tương hợp với chánh trí rồi!

Một số người hời hợt trong hội chúng của Saccaka nghe giáo thọ sư của mình lập luận với lý lẽ minh chứng rất xác thực, rất thuyết phục bèn vỗ tay tán thán. Một số khác thâm trầm hơn thì dè dặt, cẩn trọng vì nhìn thấy thần sắc của sa-môn Gotama vẫn bình lặng như đáy biển sâu không chao sóng. Saccaka thì có vẻ tự phụ, nghênh ngáo ra mặt.

Đức Phật mỉm nụ cười ở trong tâm, chậm rãi nói:

- Này Aggavessana! Vậy Như Lai sẽ hỏi ngươi, ngươi vừa lòng điều nào thì hãy trả lời điều ấy, được chăng?

- Thưa vâng! Saccaka đáp – Xin sa-môn Gotama hãy tự nhiên cho!

- Như Lai hỏi ngươi. Ví như đức vua Pāsenadi nước Kosala, đức vua Seniya Bimbisāra nước Māgadha đã làm lễ quán đỉnh lên ngôi, trị vì vương quốc của mình. Các đức vua ấy có quyền giết người đáng tội chết, có quyền tịch thu của cải, tài sản của người đáng bị tịch thu, có quyền lưu đày những người đáng tội lưu đày được chăng?

- Thưa được, sa-môn Gotama! Những đức vua nhỏ cai trị cộng hòa Vajjī, cộng hòa Mallā, cộng hòa Videha cũng có được cái quyền để làm việc ấy, huống nữa là các vị đại vương kia!

- Tại sao các đức vua họ có được cái quyền ấy hở Aggivessana?

- Thưa, vì đức vua là chủ một nước nên ông ta có đủ thẩm quyền quyết định tội trạng cũng như ban thưởng bổng lộc cho con dân của mình.

Đức Phật gật đầu:

- Đúng vậy, này Aggivessana! Ngươi đã nói đúng. Các đức vua có quyền vì họ sở hữu quốc độ của mình!

Saccaka cũng gật đầu:

- Đương nhiên rồi, sa-môn Gotama!

Đức Phật tiếp lời:

- Vậy này Aggivessana! Nếu sắc thọ tưởng hành thức là ta, là của ta thì phải chăng cái ta ấy lấy ngũ uẩn kia làm sở hữu, như thần dân trong quốc độ của mình vậy?

- Đương nhiên rồi, sa-môn Gotama!

- Nói cách khác, cái ngã chính là ông vua, và, ngũ uẩn chính là bá tánh?

- Đương nhiên là phải có cái ngã ấy, sở hữu ấy!

- Vậy ngươi nghĩ như thế nào, này Aggivessana! Ví dụ về sắc uẩn, tức là cái thân xác sinh vật lý do đất nước lửa gió tạo thành này, nó là ta, sở hữu của ta thì ta có đủ thẩm quyền quyết định rồi. Vậy khi cái thân này nó bệnh, ta có quyền bảo nó đừng bệnh? Khi cái thân này nó già, ta có quyền bảo nó đừng già? Khi cái thân này nó chết, ta có quyền bảo nó đừng chết? Chúng ta làm vậy có được không? Hãy trả lời cho Như Lai nghe với nào, Aggivessana?

Chỉ với một ví dụ mở ở trên, một câu hỏi thắt ở dưới của đức Phật, thanh niên Saccaka biết rất rõ rằng, luận thuyết của chàng đã bị sụp đổ hoàn toàn, đã bị buộc tròng, vô phương tháo gỡ; nhưng vì hổ thẹn, không dám thú nhận sự thật, đành cúi đầu im lặng.

Đức Phật hỏi đến lần thứ hai với cách diễn đạt khác:

- Này Aggivessana! Cái thân này là do nghiệp sanh, do cơm cháo vật thực nuôi dưỡng, nó sẽ bị các định luật chi phối, nó phải chịu ốm bệnh, già lão và tử vong. Chẳng thể nào bảo nó đừng già lão, đừng ốm bệnh, đừng tử vong được! Hóa ra chúng ta hoàn toàn bất lực, đã bị tước mất quyền sở hữu, đã thấy rõ nó không phải là ta, là tự ngã của ta nữa rồi!

Sắc mặt Saccaka đã tái đi nhưng chàng cũng không thể mở miệng được trước hội chúng của mình.

Đức Phật cất giọng sư vương:

- Này Aggivessana! Bây giờ là lúc mà ngươi phải trả lời, không phải là lúc ngươi giữ im lặng. Khi Như Lai đã hỏi người nào, về một vấn đề gì, hợp với sự thật, đúng với chân lý; hỏi đến lần thứ ba mà người ấy vẫn không chịu mở miệng thì cái đầu của y sẽ bị vỡ thành bảy mảnh!

Lúc ấy, thiên chủ Sakka liền hóa ra một con quỷ Yakka (Dạ-xoa) tay cầm chùy kim cang phát ra luồng ánh sáng khiếp người, ngồi trên đỉnh đầu Saccaka, nói vào tai chàng rằng: “Này Aggivessana! Nếu đức Thế Tôn hỏi ngươi đến lần thứ ba mà ngươi vẫn ương ngạnh, ngoan cố không chịu trả lời thì ta sẽ dùng cái chày kim cang này, với thần lực, đánh cho cái đầu của ngươi vỡ ra đúng bảy mảnh, không thừa một, không thiếu một!”

Sự việc xẩy ra như trên chỉ có đức Phật, chư vị thánh tăng và Saccaka nhìn thấy. Hắn ta kinh sợ, khiếp đảm vô cùng. Tóc trên đầu dựng đứng cả lên và mồ hôi của chàng vã ra như tắm! Đến nước này thì Saccaka chỉ còn biết nương nhờ vào oai lực của đức Phật mà thôi, bèn lắp bắp nói:

- Bạch đức Thế Tôn! Xin ngài hãy hỏi lại và con sẽ tức khắc trả lời!

- Này Aggivessana! Nếu sắc uẩn là ta, là của ta, là tự ngã của ta thì ta có quyền sai bảo, rằng là, sắc uẩn ngươi hãy đừng bệnh, đừng già, đừng chết được chăng?

- Điều ấy là không thể được, bạch đức Thế tôn!

Đức Phật tiếp tục:

- Ngươi hãy suy xét kỹ càng, thấu đáo, thận trọng rồi mới trả lời. Đừng để cho lời sau không tương hợp với lời trước hoặc ngược lại. Nếu lời trước và sau không tương hợp, không đồng nhất sẽ đưa đến sự đập vỡ, sự chối bỏ ngay chính luận điểm của ngươi.

Saccaka cúi gằm mặt xuống:

- Con hiểu, bạch đức Thế Tôn!

- Vậy thì Như Lai sẽ hỏi tiếp. Không những sắc thân này mà cho chí cảm giác (thọ), tri giác (tưởng), các trạng thái tâm lý (tâm hành), ý thức, nhận thức (thức) chúng có phải là ta, là của ta, là tự ngã của ta, là sở hữu của ta chăng?

- Thưa, thật không phải thế!

- Ta có quyền lực để bảo rằng hãy vui đi đừng có buồn? Ta hãy nắm bắt tưởng tốt đừng nắm bắt tưởng xấu? Hãy ghi nhận, kinh nghiệm, lưu giữ việc tốt lành; đừng có ghi nhận, kinh nghiệm, lưu giữ việc xấu ác, được chăng?

- Thưa, thật không thể!

- Như vậy là ta chẳng thể nào sai khiến, ra lệnh gì cho ngũ uẩn được cả; đấy phải chăng là điều mà ngươi đã xác định?

- Thưa vâng!

- Vậy có hữu lý không khi bảo rằng ngũ uẩn ấy là ta, là của ta, là tự ngã của ta?

- Điều ấy là sai lầm, là mê muội, là tà kiến, bạch đức Thế Tôn!

- Vậy khi ngũ uẩn ấy không phải là ta, là của ta, là tự ngã của ta thì nó tự sinh diệt, thay đổi, biến hoại theo định luật của chính nó?

- Thưa vâng, đúng vậy!

- Vậy thì chúng, ngũ uẩn ấy là thường hay vô thường?

- Bạch, chúng vô thường!

- Vô thường thì chúng là khổ hay lạc?

- Cả khổ hay lạc đều vô thường, cho nên chúng là dukkha, bạch đức Thế Tôn!

Đức Phật cao giọng:

- Này Aggivessana! Cái gì vô ngã thì cái ấy vô thường; vì vô ngã, vô thường nên tất cả chúng là dukkha, đấy là hệ luận đi liền, tất yếu. Vô ngã, vô thường, dukkha là sự thật, là chân lý. Đấy không phải là quan điểm, là luận kiến, là luận điểm, là chủ tri, là lý thuyết của Như Lai; chúng chính là sự thấy biết của trí tuệ, ngươi đã thấy rõ như vậy chưa?

- Bạch, con đã thấy rõ!

- Người chấp thủ ngũ uẩn là ta, là của ta, là tự ngã của ta thì chẳng khác gì chấp dukkha ấy là ta, là của ta, là tự ngã của ta, có hữu lý không chứ?

- Thưa, chẳng hữu lý chút nào!

- Này Aggivessana! Chính nhờ vô thường, vô ngã của ngũ uẩn mà con người xấu ác mới có thể trở nên tốt lành. Chính nhờ vô thường, vô ngã nên đạo đức, luân lý, lẽ phải, tình thương trên thế gian mới được thành lập. Chính nhờ vô thường, vô ngã của pháp, phàm tính mới diệt mất, thánh tâm mới được sinh khởi. Vậy thì giáo pháp ấy đâu phải là bi quan, yếm thế, tiêu cực, một thứ hư vô chủ nghĩa tàn tệ, độc hại, tung bóng tối cho cuộc đời như ngươi đã từng tuyên bố trước hội chúng ở Vesāli? Thế ra ngươi đã từng làm đạo sư của thiên hạ, làm giáo thọ cho cả một hội chúng mà kiến thức sơ đẳng về chánh, về tà, về cái thực và cái không thực, điều cần liễu tri và điều không nên chấp thủ ngươi cũng chưa nắm được thì thử hỏi làm sao bước vào giáo pháp của Như Lai? Chưa hiểu, chưa thấy giáo pháp của Như Lai thì làm sao xóa sổ, đập nát giáo pháp ấy?

Saccaka cúi gằm mặt xuống, không dám đưa mắt nhìn một ai. Lúc ấy, hầu quanh đức Phật có ba tôn giả Vappa, Bhaddiya, Nadīkassapa; họ cùng thấy rằng, bọn hội đồng hoàng gia, quý tộc và tướng lãnh này đa phần ngã mạn, và con em họ cũng thế nên tôn giả Vappa chợt lên tiếng:

- Bạch đức Thế Tôn! Có một ví dụ khởi lên trong tâm của đệ tử, xin đức Thế Tôn cho phép đệ tử được nói vài lời...

- Ừ, ông cứ nói.

- Này ngài giáo thọ khả kính! Tôn giả Vappa nói - Có người mong muốn lõi cây, cần lõi cây nên cầm búa đi vào rừng. Thấy một cây chuối rừng cao, to, lớn, sung sức, chưa trổ buồng, người ấy bèn chặt cây chuối đến tận gốc, chặt ngọn, lìa tất cả nhánh rồi lột tuốt tuồn tuột tất cả những bẹ chuối ra hết. Người ấy từ từ lột từ ngoài vào trong nhưng không hề tìm thấy giát cây huống hồ là lõi cây! Tôn giả Vappa chợt cao giọng - Cây chuối không có giát cây, không có lõi cây chính là ngươi đấy, ngài Aggivessana! Đức Đạo Sư của chúng tôi đã chặt tận gốc, đã chặt cụt ngọn rồi lột trần tất cả sở học và kiến thức của nhà ngươi ra nhưng bên trong không có gì cả! Dù cho cái sợi dây da to, nịt chặt cái bụng to của nhà ngươi thì bên trong ấy cũng trống không, rỗng tuếch. Nếu là có thì trong ấy chỉ có thịt, mỡ, vật thực, lục phủ ngũ tạng, phẩn, đàm và nước tiểu mà thôi! Thế mà nhà ngươi dám vỗ ngực với mọi người ở Licchavī rằng: “Ta không thấy có sa-môn hay bà-la-môn dù ở trường phái nào, học phái nào, dù là giáo phái chủ, giáo phái sư, hay bậc đạo sư tự xưng là Phật, là Thánh phương nào mỗi khi đối đáp với ta, chẳng có người nào là không hồi hộp, cả kinh, run sợ! Thậm chí, nếu ta cật vấn cây cột không có tâm thức, nó cũng rung chuyển, kinh hãi, toát mồ hôi hột huống nữa là con người!” Chuyện ấy bây giờ sự thực như thế nào hở ngài giáo thọ Aggivessana? Đàm thoại với đức Tôn Sư của chúng tôi, luận chiến, đấu trí, hùng biện với đức Toàn Giác mà sao mồ hôi của ngươi toát ra từ trán, chảy dài xuống mặt, thấm qua áo rồi rơi xuống đất còn đức Tôn Sư của chúng tôi thì không? Đức Đạo Sư của chúng tôi bao giờ cũng như bao giờ, luôn an trú ở cõi Tịnh cư thiên là tại làm sao thế, hở ngài giáo thọ sư Aggivessana?

Lúc ấy, Saccaka ngồi co rúm lại, gục đầu, da mặt tái ngắt, người toát mồ hôi lạnh; chàng im lặng, không dám ngó ai, không dám thốt ra một lời.

Trong hội chúng tùy tùng của Saccaka, có người thấy Saccaka như vậy, tức giận quá, thốt lên:

- Rõ là không biết hổ then, đồ trơ tráo!

- Cái gì cũng thưa phải, dạ phải, bạch sa-môn Gotama - Người khác tiếp lời - Ngươi có đưa ra được một chủ kiến nào đâu mà bảo là tranh luận, đấu chiến, đấu trí đã chứ?

Tháp tùng Saccaka có ông hoàng Dummukkha là người trực tính, thâm trầm, hiểu biết khi thấy Saccaka đã hoàn toàn cùn nhụt tất cả nhuệ khí ban đầu, đang chết lặng vì thảm bại; muốn giáo dục tính ngông cuồng của chàng trai, bèn hướng đến chỗ đức Phật, nói rằng:

- Bạch đức Thế Tôn! Xin cho phép con đưa ra một ví dụ. Ở gần xóm làng kia có một ao nước cạn, trong ấy có một con cua đang sống. Hôm nọ có một nhóm trẻ em hoang nghịch, chúng lội xuống ao bắt con cua ấy lên để chơi. Hễ con cua đưa cái càng nào ra là chúng lấy cây và đá đập gãy cái càng ấy. Cứ như vậy cho đến lúc con cua không còn một cái càng nào, bèn phải nằm yên không cựa quậy, chẳng bò đi đâu được nữa.

Bạch đức Thế Tôn! Cũng như thế ấy, những tà kiến, ngu si, nông cạn, tự cho mình hơn người, hơn đời, chàng trẻ tuổi Saccaka này, vị giáo thọ khả kính của con em chúng con như những càng cua đã bị trí tuệ của đức Thế Tôn bẻ gãy. Từ rày về sau, có lẽ Saccaka sẽ khá hơn, sẽ không còn những ý nghĩ ngông cuồng, tự cao tự đại như vậy nữa!

Xấu hổ quá, Saccaka quát lên:

- Này Dummukha đại nhân! Ngài đừng nói nữa. Tôi biết là tôi sẽ làm gì rồi!

Nói thế xong, Saccaka bước ra, cung kính đảnh lễ đức Phật rồi nói rằng:

- Bạch đức Thế Tôn! Hôm nay con đã thật sự thấy rõ tầm vóc trí tuệ của ngài! Giáo pháp tưởng là đơn giản, tưởng là nông cạn, tưởng là hời hợt hóa ra rất cao siêu, rất thâm viễn, rất độc sáng có thể xua tan vô lượng mây khói, sa mù đã che phủ tất cả tư tưởng và triết học truyền thống từ xưa đến nay. Con đã lầm! Vệ-đà, Áo-nghĩa-thư và mọi giáo phái cũng đã sai lầm như thế! Một cái lầm chua cay, đắng chát, ngu si, thảm hại; nhưng con lại vô cùng cảm kích, sung sướng khi được vén mở con mắt pháp, thấy rõ sở học, kiến thức đầy nông nổi và đầy khiếm khuyết của mình. Kính xin đức Đại Giác từ bi xá tội cho những gì mà con đã mạo phạm!

Đức Phật biết rõ sự thay đổi từ trong tư duy, tâm ý của chàng trai trẻ như thế nào nên ngài mở lời, cốt để tạo duyên cho Saccaka bước được bước chân đầu tiên vào giáo pháp:

- Này Aggivessana! Có gì thắc mắc ngươi cứ hỏi, Như Lai sẽ trả lời.

- Bạch đức Thế Tôn! Về cái thấy biết sai lầm của con về ngũ uẩn là ta, là của ta, là sở hữu của ta rõ là ác kiến, mê muội; nhưng lời giáo huấn của đức Thế Tôn về ngũ uẩn là vô ngã, con chưa được tận tường cho lắm. Xin đức Thế Tôn triển khai thêm ở chỗ: Nhờ vô ngã nên người xấu ác có thể trở nên lành tốt, phàm tính có thể thành thánh tính; đồng thời nói thêm về những lợi ích và những kết quả thù thắng khi chân lý vô ngã đã được nhìn thấy, đã được áp dụng vào đời sống tu tập.

Đức Phật khen ngợi:

- Này Aggivessana! Câu hỏi ấy thật là chính xác. Là ngón trỏ chỉ đúng vào cốt lõi của giáo pháp! Vậy hãy nghe đây! Giáo pháp vô ngã ấy không phải là cái để nhận thức suông, mà phải thực sự chiêm nghiệm, lặn sâu vào, minh sát cho rốt ráo. Người nào thực hành giáo pháp ấy, thấy rõ ngũ uẩn là vô ngã sẽ đoạn tận được hoài nghi, đạt được trí tuệ, xa lìa khổ đau, phiền não, mọi dukkha, để được sống an vui, siêu thoát trong phạm hạnh của bậc sa-môn. Người như thế ấy được gọi là Thinh Văn đệ tử trong giáo pháp của Như Lai vậy.

- Bạch đức Thế Tôn! Saccaka thưa hỏi tiếp – Xin ngài hãy nói thêm cho con nghe về trí tuệ ấy, trí tuệ xa lìa, giải thoát tất thảy mọi dukkha để một vị tỳ-khưu được gọi là bậc thánh A-la-hán, đã tận diệt mọi phiền não, đã hoàn thành trọn vẹn phạm hạnh, đã làm xong mọi phận sự trên đời này, đã bỏ mọi gánh nặng ngũ uẩn, chẳng còn một gốc rễ ràng buộc nào có thể dẫn đến tái sanh trong tương lai?

- Này Aggivessana! Muốn được như vậy thì thầy tỳ-khưu phải thấy rõ ngũ uẩn bằng trí tuệ, thấy rõ bằng trí tuệ nghĩa là phải thấy đúng như thực tánh, đúng như bản chất của nó. Theo đó, tất thảy mọi sắc uẩn ở quá khứ, sắc uẩn ở vị lai, sắc uẩn ở hiện tại, sắc uẩn bên trong, sắc uẩn bên ngoài, sắc uẩn thô, sắc uẩn tế, sắc uẩn cao sang, sắc uẩn thấp hèn, sắc uẩn gần, sắc uẩn xa...; tất thảy sắc uẩn ấy không phải ta, không phải của ta, chẳng phải tự ngã của ta. Chúng đều vô thường, duyên sanh, không có tự tính, không có thực tính, không có ngã tính! Các cảm giác (thọ), tri giác (tưởng), các trạng thái tâm lý (hành) và nhận thức (thức) cũng phải được minh sát bằng tuệ quán như thực ấy. Khi thấy rõ ngũ uẩn không phải là ta, là của ta, thầy tỳ-khưu xa lìa được mọi sở hữu. Nhờ xa lìa được mọi sở hữu, thầy tỳ-khưu cắt đứt được những sợi dây chấp thủ tham ái. Cũng nhờ thoát ly ta và của ta, thấy rõ mọi vô ngã tánh, thầy tỳ-khưu rời xa những so sánh ta-người, hơn-thua... để dập tắt, để tận trừ tất cả các mạn (tăng thượng mạn, ngã mạn, mạn, liệt mạn, ti liệt mạn). Cũng nhờ thấy rõ vô ngã, duyên sanh, vị tỳ-khưu thấy rõ các pháp chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải đoạn, chẳng phải thường nên vĩnh ly tất thảy tà kiến.

Này Aggivessana! Với tất cả tham ái đã được cắt đứt, với tất cả các mạn đã được ly thoát, với tất cả tà kiến đã được đoạn trừ, thầy tỳ-khưu biết rõ mình: Tử sanh đã được bứng tận, phiền não đã được đoạn lìa, mọi gánh nặng đã được đặt xuống, mọi bổn phận đã được làm xong, sẽ không còn tái sanh vào kiếp sau nữa! Và đấy chính là bậc thánh A-la-hán đã hoàn toàn giải thoát mọi khổ ách đeo mang trên trần thế!

Nghe đức Thế Tôn thuyết giảng cặn kẽ như thế, Saccaka hoan hỷ quá, thốt lên:

- Ôi! Thật là thẳm sâu, rộng lớn mà cũng tinh tường, tế vi đến kinh ngạc! Một sợi lông, một hạt bụi của tà kiến cũng không thể có chỗ đứng trong đôi mắt của tuệ minh sát này! Quả thật, đức Thế Tôn là bậc đại trí tuệ đã soi rọi tận tường chỗ tối tăm, mê lầm của con và của cả thế gian; thậm chí, những kẽ tóc chân tơ của những cái gì là ta, là của ta, là tự ngã của ta, bây giờ con mới thật thấy, thật hiểu! Không những là con, mà tất cả mọi người ở đây mới thật sự hé mở được con mắt, mới thật sự biết trí tuệ là gì, phải vậy không chư vị đại nhân?

Cả hội chúng đồng đáp vang rân:

- Quả thật vậy!

Có một vị bước ra, đảnh lễ đức Phật rồi nói:

- Dường như từ lâu chúng tôi xem trọng kiến thức và hiểu biết suông; kiến thức và hiểu biết suông ấy chỉ để tăng trưởng, tích lũy, tô bồi cho cái bản ngã mà thôi. Nhờ đức Thế Tôn mà chúng tôi biết trí tuệ là gì, trí tuệ ấy là để thấy và để sống cho đúng với chân lý chứ không phải để mà phô phang, huyền đàm, hí luận... Tri ân đức Thế Tôn!

Saccaka đã lấy lại sự tự tin, phong độ cũ, y khoát tay cho mọi người im lặng rồi phát biểu với hội chúng của mình:

- Thưa chư vị đại nhân cùng với học chúng của tôi! Tôi có vài ví dụ cụ thể, sống động về điều này, về sự kiện hôm nay. Rằng là, nếu có người đương cự với một con voi say, hắn còn chút hy vọng thoát thân được; nhưng nếu thế gian có kẻ ngông cuồng dám đấu trí với đại sa-môn Gotama thì hắn sẽ không biết chạy trốn vào đâu! Tương tự thế, một người đang ở trong vòng lửa cháy ngun ngút bốn bề; tuy nhiên hắn còn chút may mắn thoát ra, nhưng nếu đã lỡ ngu si mà luận chiến với đại sa-môn Gotama thì một tí tẹo kẽ hở an toàn cũng bị bít chặt! Một người bị rắn độc cắn, hắn còn chút hy vọng chữa trị được, nhưng nếu có kẻ thách thức đàm luận với đại sa-môn Gotama thì một cơ hội hy hữu để phòng thân cũng hoàn toàn tuyệt vọng!

Rồi Saccaka hướng đến đức Phật:

- Kính bạch bậc đại trí tuệ! Vài ví dụ xưng tán vừa rồi của con đối với ngài thì thật là vô nghĩa và phù phiếm; nó chỉ là một thứ bụi bặm, ô nhiễm, cấu uế mà đức Thế Tôn đã xa lánh, đoạn trừ từ lâu rồi! Nhưng đấy là tư duy và ngôn lời chân thật của con khi mắt con đã được mở, tâm trí con đã được sáng. Hôm nay, con đã bại trận một cách thảm hại, đã thua cháy túi tất cả mọi gia tài, tài sản kiến thức được tích lũy từ nhiều đời cha ông, đã khánh tận mọi hiểu biết, sở tri, cao mạn... kể cả thiên kinh vạn quyển được nịt chặt trong cái bụng đầy đặc thịt mỡ, vật thực, ngoan cố và bất tịnh này. Nhưng con lại rất sung sướng, an lạc và hạnh phúc... vì đã cởi bỏ được rất nhiều, cả bên ngoài lẫn bên trong!

Nói thế xong, Saccaka tự tháo sợi dây da nịt bụng, với cử chỉ chậm rãi, bỏ xuống bên chân rất từ tốn rồi cúi đầu ôm chân bụi của đức Tôn Sư, nói rằng:

- Con, Saccaka Aggivessana! Hôm nay đã hoàn toàn được nhiếp phục, đã nhu thuận; xin đôi chân có ngàn căm bánh xe của đức Tôn Sư chứng minh cho! Và con cũng đã thực sự hồi đầu hướng thiện, cải tà quy chánh vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc lâu dài cho con về sau!

Saccaka đặt hai tay lên sát đỉnh đầu, nói tiếp:

- Để minh chứng cho tất cả lòng thành này, ngay ngày mai, con xin cung thỉnh đức Thế Tôn cùng Tăng chúng thánh hiền quang lâm đến tệ xá, để cho con cùng hội chúng hoàng tộc, tướng lãnh Licchavī được dịp cúng dường đặt bát ngọ trai!

Đức Phật im lặng nhận lời.

Trở về trú xứ của mình, Saccaka thông báo rộng rãi đến cho hoàng tộc, hội đồng tướng lãnh Licchavī hay biết rằng:

- Này chư vị đại nhân cao quý và hiền thiện! Đây là cơ hội ngàn năm một thuở mới có một đức Đại Giác ra đời! Đức Thế Tôn ấy có trí tuệ vô song, đại bi vô lượng, biện thông vô ngại, hùng lực vô úy, đức tài vô biên, kiến thức vô tận, hiểu biết vô cùng, nhân cách vô thượng, thần thông vô tỷ, ngữ ngôn vô đối, phước tướng vô ngần... Vậy hãy nghe tôi! Ngay ngày mai, chư vị hãy chuẩn bị chu đáo, tươm tất mang đến tư thất của tôi những thức ăn thượng vị, ngon bổ và cao quý nhất để cúng dường đức Thế Tôn vĩ đại cùng Tăng chúng thánh hạnh! Làm như thế, phước báu sang cả và thù thắng nhiều đời sẽ trổ hoa thơm ngát, kết trái sung mãn cho chư vị. Hãy nghe tôi!

Thế rồi, lúc đêm đã tàn, bình minh ló dạng, các gia đình hoàng tộc, quý tộc Licchavī mang hơn trăm phần vật thực thượng vị được nấu nướng công phu đến tư gia Saccaka để góp chung phần thiết lễ cúng dường khá trọng thể. Họ đã làm hết sức mình vì là lúc kinh tế khó khăn, nạn đói kém do hạn hán, mất mùa đang xẩy ra tại xứ sở này.

Đúng giờ, đức Phật đắp y màu san hô đỏ, mang bát lõi mít màu cam thảo chín cùng với trăm tỳ-khưu phạm hạnh đi đến chỗ Saccaka. Các vị tướng quân đầy kiêu căng hống hách dòng dõi Licchavī nghe cha chú hoàng tộc kể lại về nhân cách, trí tuệ biện tài của sa-môn Gotama có một số sinh tâm ngưỡng mộ cũng góp sức một tay cho lễ cúng dường này.

Khi đức Phật và Tăng chúng thọ thực xong, Saccaka quỳ một bên phải lẽ, chắp tay thưa rằng:

- Cầu xin quả báu của sự phước thiện này sẽ thành tựu hạnh phúc và an lạc đến cho tất thảy mọi người trong hoàng tộc, quý tộc Licchavī.

Đức Phật biết sau này Saccaka sẽ trở thành một nhân cách hữu dụng, ngài có ý nâng đỡ, nên dạy rằng:

- Này Aggivessana! Tâm nguyện của ngươi thế là tốt, nhưng quả báu phước thiện trong sự cúng dường ngày hôm nay không đơn giản như vậy đâu.

- Con xin được nghe!

- Hội chúng Licchavī này nương nhờ bởi ngươi, và ngươi thì nương nhờ bởi Như Lai, có phải vậy không?

- Thưa vâng!

- Lại nữa, sự bố thí cúng dường này thành tựu được là do sự chủ động của ngươi, tư tác của ngươi, có phải vậy chăng?

- Thưa phải!

- Vậy, Như Lai sẽ chứng minh cho sự thật ấy rằng: Quả báu phước thiện của sự bố thí, cúng dường này - do nương nhờ bởi ngươi, là người chưa diệt tận phiền não - sẽ thành tựu đến cho tất cả thí chủ trong hoàng tộc, quý tộc Licchavī! Và, quả báu phước thiện của sự bố thí cúng dường này – do nương nhờ bởi Như Lai, là người đã đoạn tận mọi phiền não - sẽ thành tựu đến cho ngươi, này Aggivessana!

Hiểu được sự mầu nhiệm về nhân quả, trí tuệ cũng như tâm từ vô lượng của đức Phật, Saccaka xiết bao cảm động, chàng cúi đầu, đỏ lệ, đáp nho nhỏ:

- Con hiểu, bạch đức Thế Tôn! Tri ân đức Thế Tôn!


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/04/2023(Xem: 12534)
Thượng Tọa Thích Trí Siêu từ Pháp Quốc sẽ giảng pháp tại Úc Châu vào tháng 4 năm 2023 -- Thượng Tọa Thích Trí Siêu sinh năm 1962 tại Sài Gòn. Theo cha mẹ tỵ nạn qua Pháp năm 1975. Năm 1985 nhập chúng tu học tại Tự Viện Linh-Sơn, tỉnh Joinville-le-Pont, Paris. Năm 1987 thọ cụ túc giới với Hòa Thượng Thích Huyền-Vi. Tuy xuất thân từ Đại Thừa, nhưng Thầy đã không ngần ngại du phương tham vấn và tu học với nhiều truyền thống khác như : Nguyên Thủy, Đại Thừa, Kim Cang Thừa Tây Tạng.
21/04/2023(Xem: 4137)
Khi giác hạnh đã viên mãn thì thọ mệnh Đức Phật tuổi đã bát tuần (80). Đến đây, sắc thân tứ đại của Ngài cũng đã thuận theo định luật vô thường mà lão hóa. Năm ấy Ngài ở tại rừng cây Sala tại Kushinagar (Kusinara, Câu-thi-na), nơi Đức Phật nhập diệt. Trước khi rời bỏ xác thân tứ đại giả hợp, Ngài gọi tôn giả A Nan, người đệ tử luôn luôn ở bên cạnh Đức Ngài đến và phán rằng:
20/04/2023(Xem: 14451)
Học đạo quý vô tâm Làm, nghĩ, nói không lầm Sáng trong và lặng lẽ Giản dị mới uyên thâm
15/04/2023(Xem: 3597)
Đức Phật thuyết rằng đừng vội tiếp thu những điều gì Ngài dạy, chỉ dựa vào tín ngưỡng, thay vào đó, hãy nghiệm chứng nó bằng logic học và xác thực, giống như việc kiểm nghiệm vàng
15/04/2023(Xem: 4252)
Chuyên mục khám phá những điểm tương đồng giữa kim ngôn khẩu ngọc giáo huấn của Đức Phật và các khía cạnh khác nhau của công nghệ đương đại là Nguyệt san thảo luận về lĩnh vực hệ thống – thường được gọi là Tư duy hệ thống ‘khía cạnh lý thuyết’ (cách nhìn tổng thể, có tính đa chiều và mục tiêu) và Kỹ thuật hệ thống ‘khía cạnh phát triển thực tế’
12/04/2023(Xem: 5947)
Tôi muốn chia sẻ về mối quan hệ tôn giáo và xã hội hiện đại. Vì bản tính tự nhiên, mỗi cá nhân đều có sự cảm nhận về tự ngã. Từ đó, mỗi cá nhân đều trải qua các hiện tượng mà họ nhận thức được bằng cảm giác thống khổ, cảm xúc vui sướng hay yên tĩnh. Đây là sự thật, không cần phải trình bày tỉ mỉ nữa. Động vật cũng thế. Vì bản tính tự nhiên, tất cả chúng ta đều muốn đạt được an lạc hạnh phúc, không muốn thống khổ và bất hạnh. Ta khỏi cần phải chứng minh điều này. Trên cơ sở này, chúng ta đàm luận về quyền của mọi người được hưởng cuộc sống an lạc hạnh phúc, quyền vượt qua mọi thống khổ.
22/03/2023(Xem: 5696)
Năm 2011, chuyên mục này đã đưa ra một số chủ đề lớn, từ những phương pháp hay nhất, dành cho tăng đoàn Phật giáo với khoa học công nghệ best practices with technology for sanghas, đến việc khám phá các mối quan hệ giữa sự thật khoa học thần kinh và Phật pháp relationship between truth, neuroscience, and the Dharma. Sau đó, chúng tôi đề cập đến tính hai mặt dưới góc nhìn khoa học thần kinh duality in light of neuroscience, và bắt đầu chỉ ra những lợi ích của việc xây dựng một lý thuyết khoa học về sự văn minh a scientific theory of enlightenment. Bởi thắc mắc này đang đưa ra những chủ đề mới dịp đầu xuân này, có lẽ tôi nên nhấn mạnh điều gì đó.
18/03/2023(Xem: 9602)
Tây phương Kinh tế học có thể bị chỉ trích bởi dựa trên sự hợp lý hóa hành vi cạnh tranh, tối đa hóa lợi nhuận vì lợi ích của một nhóm nhỏ, phụ thuộc vào sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và sự suy thoái môi trường chung của chúng ta. Trong khi đó, Kinh tế học Phật giáo được hình thành dựa trên sự tương tác phụ thuộc lẫn nhau của con người và môi trường, do đó mang lại sự an lạc hạnh phúc dựa trên từ bi tâm đối với tất cả chúng sinh. Mục tiêu của nó là duy sự phát triển bền vững gắn liền bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay, đồng thời khẳng định sự thịnh vượng chung và mang đến sự an lạc thịnh đạt cho người lao động, khách hàng, cổ đông và xã hội.
18/03/2023(Xem: 5720)
Công nghệ phát triển thay đổi cuộc sống con người, tuy nhiên sẽ thật ngây thơ khi tin rằng công nghệ chỉ mang lại lợi ích mà không phải trả giá. Một chủ đề lặp đi lặp lại trong lịch sử là sự ra đời của các công cụ và cơ bản công nghệ đổi mới, sẽ thay đổi cách chúng ta nhìn nhận bản thân và thế giới, cũng như trong đó có vai trò của chúng ta. Từ sự phát triển động cơ hơi nước, hàng không, xử lý máy tính và gần đây hơn là trí tuệ nhân tạo (AI), các công cụ và công nghệ đã cải thiện phúc lợi đáng kể và năng suất của con người nhưng không nhất thiết là phúc lợi của con người và các hệ sinh thái của thế giới.
03/02/2023(Xem: 8632)
Đã có rất nhiều tài liệu đề cập về Thiền bao gồm Thiền Định, Thiền Chỉ, Thiền Quán, Thiền Tọa, Thiền Hành, Thiền Phàm Phu, Thiền Ngoại Đạo, Thiền Tiểu Thừa, Thiền Trung Thừa, Thiền Đại Thừa, Thiền Tối Thượng Thừa...Tất cả đều là những sắc thái, tướng trạng, hiện tượng và tác động từ tâm thức chúng ta trong ý hướng tu tập trên đường giải thoát, giác ngộ Phật đạo. Sự giác ngộ giải thoát nơi Phật Đạo, tuy nhiên, lại quá phong phú, đa diện với sắc thái tâm thức rất sâu xa vi tế nên dù Phật tánh
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]