Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1. Đạo sư và sự tìm kiếm. Bốn trường phái của Yoga được tìm hiểu cẩn thận (Karma, Bhakti, Raja, Gnana Yoga)

13/07/201100:56(Xem: 4736)
1. Đạo sư và sự tìm kiếm. Bốn trường phái của Yoga được tìm hiểu cẩn thận (Karma, Bhakti, Raja, Gnana Yoga)

J. KRISHNAMURTI
SỰ THỨC DẬY CỦA THÔNG MINH
[THE AWAKENING OF INTELLIGENCE]
Lời dịch: ÔNG KHÔNG - 2009

ẤN ĐỘ

IV

Hai nói chuyện:
J. Krishnamurti và Swami Venkatesananda

1 – Đạo sư và sự tìm kiếm. Bốn trường phái của Yoga được tìm hiểu cẩn thận (Karma, Bhakti, Raja, Gnana Yoga)
2 – Bốn “mahawakya” từ kinh Upanishads được bàn luận. Chuyển tải và lý tưởng Bodhisattva. Vedanta và sự kết thúc của hiểu biết.

– 1 –

J. KRISHNAMURTI VÀ
SWAMI VENKATESANANDA

Đạo sư và sự tìm kiếm.
Bốn trường phái của Yoga được tìm hiểu cẩn thận.

(Karma, Bhakti, Raja, Gnana Yoga).

Swami Venkatesananda: [1] Krishnaji, tôi đến đây trên tư cách một con người khiêm tốn thưa thỉnh một đạo sư, không phải trong ý nghĩa của tôn sùng anh hùng nhưng trong ý nghĩa chính xác mà từ ngữ đạo sư có nghĩa, đó là người lấy đi sự tối tăm, lấy đi sự dốt nát. Từ ngữ “gu” đại diện cho sự tối tăm của dốt nát và “ru” đại diện cho người lấy đi, người cởi bỏ. Vì vậy đạo sư là ngọn đèn xua tan sự tối tăm của dốt nát và lúc này ông là ngọn đèn khai sáng cho tôi. Chúng tôi ngồi trong căn lều ở đây tại Saanen đang lắng nghe ông và tôi không thể nào kềm hãm được việc hình dung ra những cảnh tương tự; ví dụ như cảnh Buddha đang giảng thuyết cho Bikshus, hay Vasishta đang hướng dẫn Rama trong sân cung điện của Dasaratha. Chúng ta có vài ví dụ về những vị đạo sư này trong Upanishads; trước hết có Varuna, vị đạo sư. Ông ấy chỉ thúc đẩy môn đệ của ông ấy bằng những từ ngữ “Tapasa Brahma . . . Tapo Brahmeti”. “Brahman là gì? – Đừng hỏi tôi.” Tapo Brahman, tapas, khổ hạnh hay kỷ luật – hay như chính ông thường nói, “Hãy tìm ra” – là Brahman và chính môn đệ phải tìm ra sự thật, mặc dù trải qua những chặng đường. Yajnyavalkya và Uddhalaka đã chấp nhận một tiếp cận trực tiếp nhiều hơn. Yajnyavalkya hướng dẫn người vợ của ông ấy Maitreyi, đã sử dụng phương pháp neti-neti. Ông không thể diễn tả Brahman một cách tích cực, nhưng khi ông loại bỏ mọi thứ khác, nó ở đó. Như ông đã nói vào một ngày trước, tình yêu không thể được diễn tả – “đây là nó” – nhưng chỉ bằng cách loại bỏ cái gì không là tình yêu. Uddhalaka đã sử dụng nhiều cách tương tự để giúp đỡ môn đệ của ông ấy thấy được sự thật và sau đó khóa chặt nó bằng câu nói nổi tiếng Tat-Twam-Asi. Dakshinamurti hướng dẫn những môn đệ của ông ấy bằng sự im lặng và Chinmudra. Người ta nói rằng Sanatkumaras đã đến ông ấy để xin những lời chỉ dẫn. Dakshinamurti chỉ giữ im lặng và bộc lộ Chimundra và những môn đệ nhìn ông ta và được khai sáng. Người ta tin rằng một người không thể nhận ra sự thật nếu không có sự trợ giúp của vị đạo sư. Rõ ràng thậm chí những người đều đặn đi đến Saanen đều được giúp đỡ rất nhiều trong sự tìm kiếm của họ. Bây giờ, theo ông vai trò của một đạo sư, một người trực nhận hay một người tỉnh thức là gì?

Krisnaji: Thưa bạn, nếu bạn đang sử dụng từ ngữ đạo sư, trong ý nghĩa cổ điển mà là người xua tan tối tăm, xua tan dốt nát, liệu một người khác, dù anh ấy có là gì chăng nữa, được khai sáng hay ngu dốt, thực sự có thể giúp đỡ để xua tan tối tăm này trong chính người ta hay không? Giả sử “A” bị dốt nát và bạn là đạo sư của ông ấy – đạo sư trong ý nghĩa được chấp nhận, người xua tan tối tăm và người mang gánh nặng giùm người khác, người vạch ra – liệu một đạo sư như thế có thể giúp đỡ một người khác? Hay nói khác hơn một đạo sư có thể xua tan bóng tối của một người khác? – không phải lý thuyết nhưng thực tế. Liệu bạn, nếu bạn là đạo sư như thế, có thể xua tan tối tăm của anh ấy, xua tan cho một người khác? Biết rằng anh ấy bất hạnh, rối loạn, không đủ phẩm chất của bộ não, không đủ tình yêu, hay bị đau khổ, liệu bạn có thể xua tan việc đó? Hay anh ấy phải vận dụng hết sức mình vào chính anh ấy? Bạn có lẽ vạch ra, bạn có lẽ nói, “Hãy nhìn, đi qua cái cửa đó,” nhưng anh ấy phải vận dụng toàn bộ từ khởi đầu đến tận cùng. Vì vậy, bạn không là một đạo sư trong ý nghĩa được chấp nhận của từ ngữ đó, nếu bạn nói rằng một người khác không thể giúp đỡ được.

Swamiji: Nó chỉ như thế này: “nếu” và “nhưng”. Cái cửa ở đó. Tôi phải đi qua. Nhưng có sự dốt nát này về cái cửa ở đâu. Bằng cách vạch ra, ông xua tan sự dốt nát đó.

Krishnaji: Nhưng tôi phải đến đó. Thưa bạn, bạn là đạo sư và bạn chỉ ra cái cửa đó. Bạn đã kết thúc công việc của bạn.

Swamiji: Vì vậy sự tối tăm của dốt nát được xua tan.

Krishnaji: Công việc của bạn được kết thúc và bây giờ phần của tôi là đứng dậy, đi, và thấy cái gì được bao hàm khi đang đi. Tôi phải làm tất cả việc đó.

Swamiji: Điều đó hoàn hảo.

Krishnaji: Vậy là bạn không xua tan sự tối tăm của tôi.

Swamiji: Tôi xin lỗi, nhưng tôi không biết làm thế nào đi ra khỏi căn phòng này. Tôi bị dốt nát về sự hiện diện của cái cửa trong một phương hướng nào đó và vị đạo sư xua tan sự tối tăm của dốt nát đó. Và sau đó tôi thực hiện những bước cần thiết để đi ra.

Krishnaji: Thưa bạn, chúng ta hãy rất rõ ràng. Dốt nát là không có hiểu rõ, hay không có hiểu rõ về chính mình, không phải cái tôi to lớn hay cái tôi nhỏ xíu. Cái cửa là cái “tôi” mà tôi phải đi qua nó. Nó không ở bên ngoài của cái “tôi”. Nó không là một cái cửa thực sự như cái cửa được sơn đó. Nó là một cái cửa mà tôi phải đi qua nó. Bạn nói rằng, “Hãy làm việc đó.”

Swamiji: Chính xác.

Krishnaji: Lúc đó chức năng của bạn như vị đạo sư được kết thúc. Bạn không trở nên quan trọng. Tôi không đặt những vòng hoa quanh đầu của bạn. Tôi phải làm tất cả mọi việc. Bạn đã không xua tan sự tối tăm của dốt nát. Hay nói cách khác, bạn đã vạch ra cho tôi, “Bạn là cái cửa mà chính bạn phải đi qua.”

Swamiji: Nhưng Krishnaji, ông sẽ chấp nhận rằng hành động vạch ra đó là cần thiết?

Krishnaji: Vâng, dĩ nhiên. Tôi vạch ra, tôi làm điều đó. Tất cả chúng ta làm điều đó. Tôi hỏi một người đàn ông trên đường, “Ông làm ơn chỉ cho tôi con đường đến Saanen”, và ông ấy bảo cho tôi biết; nhưng tôi không phí thời gian để diễn tả sự tận tụy và nói rằng, “Chúa ơi, ông là người vĩ đại nhất.” Việc đó quá trẻ con!

Swamiji: Cám ơn ông, thưa ông. Việc liên hệ gần gũi đến vị đạo sư là gì, có vấn đề của kỷ luật là gì, mà ông đã định nghĩa là học hỏi. Kinh Vedanta phân loại những người tìm kiếm tùy theo phẩm chất, hay sự chín chắn của họ, và lập ra những phương pháp phù hợp cho sự học hỏi. Người môn đệ có trực nhận nhạy bén được trao sự hướng dẫn trong im lặng, hay bằng những từ ngữ đánh thức ngắn gọn như Tat-Twam-Asi, anh ấy được gọi là Uttamadhikari. Người môn đệ có khả năng bình thường được trao cho những chữa trị rõ ràng hơn, anh ấy được gọi là Madhyamadhikari. Những con người tối tăm được giải trí bằng những câu chuyện, những nghi lễ, vân vân, hy vọng có chín chắn vững vàng hơn; anh ấy được gọi là Adhamadhikari. Có lẽ ông sẽ bình phẩm về điều này?
Krishnaji: Vâng, những người khá nhất, những người trung bình, và những người kém cỏi. Điều đó hàm ý, thưa bạn, rằng chúng ta phải tìm ra chúng ta có ý gì qua từ ngữ chín chắn.

Swamiji: Tôi được phép giải thích điều đó chứ? Một ngày trước ông đã nói, “Toàn thế giới đang bừng cháy, bạn phải nhận thấy sự nghiêm trọng của nó.” Và điều đó tác động vào tôi nhiều lắm – thậm chí muốn nắm bắt sự thật. Nhưng có lẽ có hàng triệu người không bận tâm; họ không hứng thú. Những người đó chúng ta sẽ gọi là Adhama, những kẻ thấp kém nhất. Có những người khác giống như những người Hippies và vân vân đang chơi đùa với nó, mà có lẽ được giải trí bằng những câu chuyện và những người nói rằng, “Chúng ta là những con người bất hạnh,” hay những người nói với bạn rằng, “Chúng ta biết xã hội là một mớ hỗn loạn, chúng ta sẽ uống L.S.D.”, và vân vân. Và có nhiều người khác hưởng ứng ý tưởng đó, rằng thế giới đang bừng cháy, và điều đó ngay tức khắc lóe sáng họ. Chúng ta tìm thấy họ ở mọi nơi. Làm thế nào người ta giúp đỡ họ đây?

Krishnaji: Làm thế nào giúp đỡ những người hoàn toàn không chín chắn, những người chín chắn một phần, và những người tự nghĩ rằng họ chín chắn.

Swamiji: Đúng.

Krishnaji: Muốn làm việc đó, chúng ta phải hiểu rõ chúng ta có ý gì qua từ ngữ chín chắn. Bạn nghĩ chín chắn là gì? Nó có lệ thuộc vào tuổi tác, thời gian hay không?

Swamiji: Không.

Krishnaji: Vì vậy chúng ta có thể loại bỏ điều đó. Thời gian, tuổi tác không thể hiện chín chắn. Vậy thì có sự chín chắn của những con người rất học thức, những con người có khả năng về trí năng cao.

Swamiji: Không, anh ấy có lẽ làm biến dạng và thay đổi những từ ngữ.

Krishnaji: Vì vậy, chúng ta sẽ loại bỏ những người đó. Bạn nghĩ ai là một người chín chắn, trưởng thành?

Swamiji: Người có thể quan sát.

Krishnaji: Hãy chờ đó. Rõ ràng người đi đến nhà thờ, đền chùa, thánh đường được loại bỏ; người trí năng, người tôn giáo và người cảm xúc cũng vậy. Chúng ta nên nói, nếu chúng ta loại bỏ tất cả điều đó, chín chắn hàm ý không tự cho mình là trung tâm – không có cái “tôi” ưu tiên và mọi người khác chỉ là thứ phụ, hay ưu tiên cho những cảm xúc của tôi. Vì vậy chín chắn hàm ý sự vắng mặt của cái “tôi”.

Swamiji: Dùng một từ ngữ chính xác hơn, sự phân chia.

Krishnaji: Cái “tôi” mà tạo ra những mảnh vỡ. Bây giờ, làm thế nào bạn cuốn hút được con người đó? Và đối với con người một nửa này và một nửa khác, cái “tôi” và cái “không tôi”, mà đùa giỡn với cả hai? Và người còn lại hoàn toàn là cái “tôi”, mà tự buông thả trong chính anh ấy? Làm thế nào bạn cuốn hút được ba người này?

Swamiji: Làm thế nào ông đánh thức được ba người này? – đó là vấn đề.

Krishnaji: Hãy chờ! Con người hoàn toàn là cái “tôi”, không có sự thức dậy trong anh ấy. Anh ấy không quan tâm. Thậm chí anh ấy không lắng nghe bạn. Anh ấy sẽ lắng nghe bạn nếu bạn hứa hẹn cho anh ấy một cái gì đó, thiên đàng, địa ngục, sợ hãi hay nhiều lợi lộc hơn trong thế giới, nhiều tiền bạc hơn; nhưng anh ấy thực hiện nó với mục đích kiếm được. Vì vậy con người mà ao ước kiếm được, thành tựu, là không chín chắn.

Swamiji: Hoàn toàn đúng.

Krishnaji: Dù rằng Niết bàn, Thiên đàng, Moksha, đạt được hay khai sáng, anh ấy không chín chắn. Bây giờ, bạn sẽ làm gì với một người như thế?

Swamiji: Kể cho anh ấy những câu chuyện.

Krishnaji: Không, tại sao tôi lại phải kể cho anh ấy những câu chuyện, gây rối loạn cho anh ấy nhiều hơn nữa bằng những câu chuyện của tôi hay bằng những câu chuyện của bạn? Tại sao không để anh ấy lại một mình? Anh ấy sẽ không lắng nghe.

Swamiji: Điều đó hung tợn quá.

Krishnaji: Hung tợn về phần ai? Anh ấy sẽ không lắng nghe bạn. Chúng ta hãy thực tế một tí. Bạn đến với tôi. Tôi hoàn toàn là cái “tôi”. Tôi không quan tâm bất kỳ điều gì ngoại trừ cái “tôi”, nhưng bạn nói rằng “Hãy nhìn kìa, bạn đang gây ra hỗn loạn trong thế giới, bạn đang tạo ra sự đau khổ như thế cho con người”, và tôi nói rằng, làm ơn hãy đi đi. Dù trình bày bằng cách nào bạn thích; giải thích nó trong những câu chuyện, che đậy nó bằng những viên thuốc, những viên thuốc ngọt ngào, nhưng anh ấy sẽ không thay đổi cái “tôi”. Nếu anh ấy có thay đổi, anh ấy sẽ đến khoảng giữa – cái “tôi” và cái “không tôi”. Đây được gọi là tiến hóa. Con người thấp kém nhất đến được khoảng giữa.
Swamiji: Làm thế nào?

Krishnaji: Bằng cách gõ cửa. Cuộc sống xô đẩy anh ấy, dạy dỗ anh ấy. Có chiến tranh, hận thù; anh ấy bị hủy diệt. Hay anh ấy đi vào một nhà thờ. Nhà thờ là một cái bẫy cho anh ấy. Nó không khai sáng anh ấy, nó không nói rằng, “Vì Chúa hãy phá vỡ đi,” nhưng nó nói rằng nó sẽ cho anh ấy cái gì anh ấy muốn – sự giải trí, dù rằng giải trí của Jesus, hay giải trí của Hindu, hay Phật giáo, hay Hồi giáo hay bất kỳ tôn giáo nào – nó sẽ cho anh ấy sự giải trí, chỉ cần nhân danh Chúa. Vì vậy chúng giữ anh ấy ở cùng một mức độ, với những bổ sung nhỏ bé, một chút xíu đánh bóng, văn hóa tốt hơn, quần áo đẹp hơn, vân vân. Đó là điều gì đang xảy ra. Anh ấy có thể tạo thành (như bạn vừa nói) tám mươi phần trăm của thế giới, có lẽ nhiều hơn, chín mươi phần trăm.

Swamiji: Ông có thể làm gì?

Krishnaji: Tôi sẽ không thêm vào nó, tôi sẽ không kể cho anh ấy những câu chuyện, tôi sẽ không giải trí cho anh ấy; bởi vì có những người khác đang sẵn sàng giải trí cho anh ấy.

Swamiji: Cám ơn ông.

Krishnaji: Rồi thì có loại ở giữa, cái “tôi” và cái “không tôi”, mà làm những đổi mới xã hội, một chút ít tốt lành ở đây và ở kia, nhưng luôn luôn cái “tôi” đang vận hành. Theo xã hội, theo chính trị, theo tôn giáo, trong mọi phương hướng, cái “tôi” đang vận hành. Nhưng lặng lẽ hơn một chút, cùng đánh bóng hơn một chút. Bây giờ với anh ấy bạn có thể nói một chút “Hãy nhìn kìa, một đổi mới xã hội cũng được thôi trong nơi chỗ của nó nhưng nó không dẫn bạn đến đâu cả,” và vân vân. Bạn có thể nói chuyện với anh ấy. Có lẽ anh ấy sẽ lắng nghe bạn. Người trước sẽ không lắng nghe bạn gì cả. Người này sẽ lắng nghe bạn, hơi hơi chú ý và có lẽ nói điều này quá nghiêm túc, điều này đòi hỏi quá nhiều công việc và rơi lại khuôn mẫu cũ kỹ của anh ấy. Chúng ta sẽ nói chuyện với anh ấy và để anh ấy lại. Điều gì anh ấy muốn làm tùy thuộc vào anh ấy. Bây giờ có con người còn lại mà đang ra khỏi cái “tôi”, đang bước ra khỏi gánh xiếc của cái “tôi”. Đó kìa, bạn có thể nói chuyện với anh ấy. Anh ấy sẽ chú ý nghe bạn. Vậy là người ta nói chuyện với cả ba loại này, không phân biệt giữa những người chín chắn và những người không chín chắn. Chúng ta sẽ nói chuyện với cả ba loại, ba kiểu, và để nó lại cho họ.

Swamiji: Người không quan tâm, anh ấy sẽ bỏ đi.

Krishnaji: Anh ấy sẽ rời khỏi căn lều, anh ấy sẽ rời khỏi căn phòng. Đó là công việc của anh ấy. Anh ấy đi đến nhà thờ, bóng đá, giải trí của anh ấy, hay bất kỳ nơi nào. Nhưng ngay lúc bạn nói rằng “anh không chín chắn và tôi sẽ chỉ bảo anh thêm”, anh ấy trở thành . . .

Swamiji: Được khuyến khích.

Krishnaji: Hạt giống của thuốc độc ở đó rồi. Thưa bạn, nếu mảnh đất là đúng, hạt giống sẽ nẩy mầm. Nhưng nói rằng, “Anh chín chắn, và anh không chín chắn”, điều đó hoàn toàn sai lầm. Tôi là ai mà bảo một ai đó rằng anh ấy không chín chắn? Điều đó dành cho anh ấy tìm ra.

Swamiji: Nhưng liệu một người ngu dốt có thấy rằng anh ấy là một người ngu dốt hay không?

Krishnaji: Nếu anh ấy là một người ngu dốt chắc chắn anh ấy sẽ không lắng nghe bạn. Bạn thấy không, thưa bạn, chúng ta khởi hành với ý tưởng của muốn giúp đỡ.
Swamiji: Đó là điều gì chúng ta đang đặt nền tảng cho toàn bàn luận của chúng ta.

Krishnaji: Tôi nghĩ sự tiếp cận của muốn giúp đỡ không có giá trị, ngoại trừ trong thế giới y khoa hay trong thế giới công nghệ. Nếu tôi bị bệnh tôi cần đi đến bác sĩ để được điều trị. Ở đây, theo tâm lý, nếu tôi mê muội, tôi sẽ không lắng nghe bạn. Nếu tôi hơi tỉnh táo, tôi sẽ lắng nghe bạn tùy theo trạng thái trống không của tôi, tùy theo những tâm trạng của tôi. Vì vậy đối với một con người mà nói rằng, “Tôi muốn được tỉnh thức thực sự, được duy trì sự tỉnh thức thuộc tâm lý”, đối với anh ấy bạn có thể nói chuyện. Thế là chúng ta nói chuyện với tất cả họ.

Swamiji: Cám ơn ông. Điều đó khai sáng một hiểu lầm lớn lao. Khi ngồi một mình, tôi phản ảnh lại những điều gì ông đã giải thích lúc sáng sớm. Tôi không thể chế ngự được cảm giác tự nhiên. “A, Buddha đã nói như thế, hay Vasishtha đã nói như thế”, mặc dù ngay tức khắc tôi cố gắng cắt đi những hình ảnh tưởng tượng của từ ngữ để tìm ra ý nghĩa. Ông giúp chúng tôi tìm ra ý nghĩa, mặc dù có lẽ đó không là ý định của ông. Vasishtha và Buddha cũng vậy. Những con người đến đây gặp ông như họ đã gặp những người vĩ đại kia. Tại sao? Có cái gì trong bản chất con người mà tìm kiếm, mà dò dẫm và nắm chặt một cái nạng? Lại nữa, không giúp đỡ họ có lẽ là một tàn nhẫn, nhưng giúp đỡ họ quá nhiều mà không dành cho họ cơ hội để tự suy nghĩ có lẽ là một tàn nhẫn vô cùng. Người ta làm gì đây?

Krishnaji: Câu hỏi là, tại sao con người cần những cái nạng?

Swamiji: Vâng, và liệu có giúp đỡ họ hay không.

Krishnaji: Đó là như thế này: bạn có nên cho họ những cái nạng để dựa dẫm hay không. Hai câu hỏi được bao hàm. Tại sao con người cần những cái nạng? Và liệu bạn là người cho họ những cái nạng phải không?

Swamiji: Người ta nên hay người ta không nên?

Krishnaji: Người ta nên hay người ta không nên, và liệu bạn có khả năng cho họ sự giúp đỡ? – hai câu hỏi đó được bao hàm. Tại sao con người muốn những cái nạng, tại sao con người muốn lệ thuộc vào những người khác, dù đó là Jesus, Buddha, hay những vị thánh cổ xưa, tại sao?

Swamiji: Trước hết, có cái gì đó mà đang tìm kiếm. Chính đang tìm kiếm tự nó có vẻ là tốt lành.

Krishnaji: Vậy sao? Hay nó là sự sợ hãi của họ vì không đạt được cái gì đó mà những vị thánh, những con người vĩ đại, đã vạch ra? Hay sợ hãi của sai lầm, của không được hạnh phúc, của không được khai sáng, hiểu rõ, hay bất kỳ điều gì bạn gọi nó?

Swamiji: Cho phép tôi được trích dẫn một câu diễn tả hay ho từ Bhagavadgita? Krishna đã nói: bốn loại người đến với tôi. Một con người đang bị phiền muộn; anh ấy đến với tôi để được cởi bỏ sự phiền muộn. Sau đó có con người mà là người hiếu kỳ; anh ấy chỉ muốn biết Thwợng đế, sự thật này là gì, và liệu có thiên đàng và địa ngục hay không? Người thứ ba muốn nhiều tiền bạc hơn. Anh ấy cũng đến với Thượng đế và cầu nguyện để có nhiều tiền bạc hơn. Và Gyani, người thông thái, cũng đến. Tất cả họ đều tốt lành, bởi vì tất cả họ, trong chừng mực này hay chừng mực khác, đều đang tìm kiếm Thượng đế. Nhưng trong tất cả những người này, tôi nghĩ người Gyani là người tốt lành nhất. Vì vậy sự tìm kiếm có lẽ vì những lý do khác nhau.

Krishnaji: Vâng, thưa bạn. Có hai câu hỏi này. Trước hết, tại sao chúng ta tìm kiếm? Tiếp theo tại sao con người cần có những cái nạng? Bây giờ, tại sao người ta tìm kiếm, tại sao người ta phải tìm kiếm?

Swamiji: Tại sao người ta phải tìm kiếm – bởi vì người ta phát hiện một cái gì đó đang bị mất mát.

Krishnaji: Điều đó có nghĩa gì? Tôi không được hạnh phúc và tôi muốn hạnh phúc. Đó là một hình thức của tìm kiếm. Tôi không biết khai sáng là gì. Tôi đã đọc nó trong những quyển sách và nó cuốn hút tôi và tôi tìm kiếm nó. Cũng vậy tôi tìm kiếm một công việc tốt hơn, bởi vì có nhiều tiền bạc hơn, nhiều lợi lộc hơn, nhiều tận hưởng hơn và vân vân. Trong tất cả việc này có tìm kiếm, dò dẫm, mong muốn. Tôi có thể hiểu rõ con người mong muốn có một công việc tốt hơn, bởi vì xã hội được cấu thành hiện nay đã xếp đặt quá chặt chẽ đến độ nó bắt buộc anh ấy tìm kiếm nhiều tiền bạc hơn, một công việc tốt hơn. Nhưng thuộc tâm lý, phía bên trong, tôi đang tìm kiếm cái gì? Và khi tôi tìm ra nó, trong tìm kiếm của tôi, làm thế nào tôi biết được cái gì tôi tìm ra là sự thật?

Swamiji: Có lẽ sự tìm kiếm chấm dứt.

Krishnaji: Đợi đã. Thưa bạn. Làm thế nào tôi biết được. Trong tìm kiếm của tôi, làm thế nào tôi biết được đây là sự thật? Làm sao tôi biết được? Liệu đã khi nào tôi có thể nói “Đây là sự thật”? Vì vậy tại sao tôi phải tìm kiếm nó? Vì vậy điều gì làm cho tôi tìm kiếm? Điều gì làm cho người ta tìm kiếm là câu hỏi cơ bản nhiều hơn là sự tìm kiếm, và nói rằng, “Đây là sự thật.” Nếu tôi nói, “Đây là sự thật”, tôi phải biết nó rồi. Nếu tôi biết nó rồi, nó không là sự thật. Nó là cái gì đó chết rồi, quá khứ, mà bảo với tôi rằng đó là sự thật. Một vật chết không thể nói cho tôi sự thật là gì.
Vì vậy tại sao tôi tìm kiếm? Bởi vì, trong sâu thẳm tôi bị bất hạnh, trong sâu thẳm tôi bị rối loạn, trong sâu thẳm tôi có sự đau khổ vô cùng và tôi muốn tìm ra một phương cách vượt khỏi nó. Bạn xuất hiện như một đạo sư, như một người khai sáng, hay như một vị thầy, và nói rằng, “Hãy nhìn, đây là con đường để thoát ra.” Lý do căn bản cho sự tìm kiếm của tôi là tẩu thoát khỏi nỗi thống khổ này và tôi giả sử rằng tôi có thể tẩu thoát khỏi sự đau khổ, và sự khai sáng đó ở đằng kia, hay trong chính tôi. Làm thế nào tôi có thể tẩu thoát khỏi nó? Tôi không thể ở trong ý nghĩ của lẩn tránh nó, kháng cự nó, chạy trốn khỏi nó; nó ở đó. Bất kỳ nơi nào tôi đi, nó vẫn còn ở đó. Vì vậy điều gì tôi phải làm là tìm ra trong chính tôi tại sao đau khổ đã hiện diện, tại sao tôi đang trải qua đau khổ. Vậy thì, đó có là một tìm kiếm hay không? Không. Khi tôi muốn tìm ra tại sao tôi đang đau khổ, đó không là tìm kiếm. Thậm chí nó không là một nghi vấn. Nó cũng giống như tìm đến một bác sĩ và nói tôi bị đau bụng quá, và ông ấy nói rằng bạn đã ăn loại thức ăn sai lầm. Thế là tôi sẽ tránh thức ăn sai lầm. Nếu nguyên nhân đau khổ của tôi ở trong chính tôi, không nhất thiết được tạo ra bởi môi trường trong đó tôi sống, vậy thì tôi phải tìm ra làm thế nào tôi được tự do khỏi nó cho chính tôi. Bạn có lẽ, như vị đạo sư, vạch ra rằng đó là cái cửa, nhưng ngay khi bạn vạch ra nó, công việc của bạn chấm dứt. Sau đó tôi phải làm việc, sau đó tôi phải tìm ra làm cái gì, sống như thế nào, suy nghĩ như thế nào, cảm thấy cách sống này như thế nào mà trong đó không còn đau khổ.

Swamiji: Vậy thì tại mức độ đó sự giúp đỡ, sự vạch ra được hợp lý.

Krishnaji: Không được hợp lý, nhưng bạn làm nó tự nhiên.

Swamiji: Giả sử một con người bị mắc kẹt nơi nào đó, khi anh ấy tiến tới, khi đi đến đó, anh ấy vướng phải cái bàn này...

Krishnaji: Anh ấy phải hiểu rằng cái bàn ở đó. Anh ấy phải hiểu rằng khi anh ấy đang đi về phía cái cửa có một chướng ngại trên lối đi. Nếu anh ấy đang tìm hiểu, anh ấy sẽ tìm ra. Nhưng nếu bạn đến và nói rằng “Có cái cửa, có cái bàn, đừng vướng phải nó,” bạn đang đối xử với anh ấy như một đứa bé, hướng dẫn anh ấy đi đến cái cửa. Không có ý nghĩa gì đối với nó.

Swamiji: Để cho nhiều sự giúp đỡ, sự vạch ra, được hợp lý?

Krishnaji: Bất kỳ con người được tôn kính nào có tấm lòng nhân hậu sẽ nói rằng, đừng đi đến đó, có một vực thẳm. Lần trước tôi đã gặp một vị đạo sư rất nổi tiếng ở Ấn độ. Ông ấy đã đến gặp tôi. Có một tấm thảm trên sàn nhà và chúng tôi đã nói rất lễ phép với ông ấy, mời ông ấy ngồi trên tấm thảm – và ông ấy lặng lẽ ngồi trên tấm thảm, thiết lập cung cách của vị đạo sư, đặt cái gậy cầm tay phía trước ông ấy và bắt đầu bàn luận – nó là một trình diễn thật tuyệt vời mà ông ấy đã dựng lên! Và ông ấy đã nói: con người cần một đạo sư bởi vì chúng ta, những đạo sư hiểu biết nhiều hơn những người đang theo đuổi; tại sao anh ấy phải trải qua tất cả sự hiểm nguy một mình? Chúng ta sẽ giúp anh ấy. Không thể bàn luận với ông ấy bởi vì ông ấy đã giả sử rằng một mình ông ấy biết và mọi người khác đều dốt nát. Khoảng mười phút sau ông ấy bỏ đi, đầy bực tức.

Swamiji: Đó là một trong những sự việc khiến Krishnaji nổi tiếng ở Ấn độ! – Kế tiếp, trong khi ông vạch rõ ra sự vô ích hoàn toàn của mù quáng chấp nhận những giáo điều, những công thức, ông sẽ không yêu cầu sự phủ nhận tức khắc của họ. Trong khi truyền thống có thể là một khối đã chết rồi, có lẽ sẽ xứng đáng phải hiểu rõ nó và nguồn gốc của nó; nếu không, khi hủy diệt một truyền thống một ảnh hưởng tương đương có thể nảy sinh.

Krishnaji: Hoàn toàn đúng.

Swamiji: Vì vậy liệu tôi có thể đưa ra một vài niềm tin truyền thống cho sự tìm hiểu của ông để cho chúng ta có lẽ khám phá nơi nào và làm thế nào điều gì ông gọi là “những ý định tốt lành” bị đổi hướng đột ngột đến địa ngục – cái vỏ giam giữ chúng ta? Mỗi nhánh của Yoga tạo những kỷ luật riêng của nó trong những luận điệu cứng ngắt rằng nếu người ta theo đuổi chúng trong tinh thần đúng đắn người ta sẽ chấm dứt được đau khổ. Tôi sẽ liệt kê chúng cho những lời bình phẩm của ông.
Thứ nhất, Karma Yoga: nó đòi hỏi Dharma hay một đời sống đạo đức, mà thường được trải rộng để bao gồm những Varnashrama Dharma. Một câu nói của Krishna “Swadharme . . . Bhayavaha” – dường như đã thể hiện rằng nếu một con người tự nguyện đầu hàng chính anh ấy đến những luật lệ nào đó của cách cư xử, cái trí của anh ấy sẽ được tự do để quan sát và học hỏi với sự trợ giúp của những Bavana nào đó. Ông có thể bình phẩm về những điều này? – cái khái niệm của Dharma và những luật lệ và những quy định:“làm điều này”,“điều đó đúng”, “điều kia sai”…

Krishnaji: Mà thực sự có nghĩa, đặt ra điều gì là cách cư xử đúng đắn, và tôi tự nguyện chấp nhận nó. Có một người thầy đặt ra điều gì là cách cư xử đúng đắn, và tôi đến và tự nguyện, dùng từ ngữ của bạn, bám chặt nó, chấp nhận nó. Có một sự việc như chấp nhận tự nguyện hay không? Và người thầy nên đặt ra điều gì là cách cư xử đúng đắn, mà có nghĩa ông ấy đã đặt ra cái khuôn mẫu, cái khuôn, tình trạng bị quy định hay sao? Bạn tuân theo sự nguy hiểm của nó? – trong việc đã đặt ra tình trạng bị quy định của anh ấy mà sinh ra cách cư xử đúng đắn, mà sẽ dẫn người ta đến thiên đàng.

Swamiji: Đó là một khía cạnh của nó. Khía cạnh khác mà tôi quan tâm nhiều hơn, là nếu điều đó được chấp nhận, vậy thì cái dụng cụ tâm lý được tự do để quan sát.

Krishnaji: Tôi hiểu. Không, thưa bạn. Tại sao tôi nên chấp nhận nó? Bạn là người thầy. Bạn đặt ra khuôn mẫu của cách cư xử. Làm thế nào tôi biết rằng bạn đúng? Bạn có lẽ sai. Và tôi sẽ không chấp nhận uy quyền của bạn. Bởi vì tôi hiểu rằng uy quyền của những đạo sư, uy quyền của vị giáo sĩ, uy quyền của Giáo hội – tất cả chúng đều đã thất bại. Vì vậy, với một người thầy mới đang đặt ra một luật lệ mới, tôi sẽ nói rằng, “Vì Chúa ông đang đùa giỡn cùng trò chơi đó; tôi không chấp nhận nó.” Và liệu có một sự việc như chấp nhận tự nguyện – chấp nhận tự nguyện, tự do? Hay tôi đã bị ảnh hưởng rồi, vì bạn là một người thầy, bạn là con người vĩ đại, và bạn hứa hẹn cho tôi một phần thưởng vào phút cuối của nó, có ý thức hay không ý thức, mà dẫn tôi đến chấp nhận “tự nguyện” nó? Tôi không chấp nhận nó một cách tự do. Nếu tôi tự do, tôi không chấp nhận nó gì cả. Tôi sống đúng đắn.

Swamiji: Vậy là đúng đắn phải đến từ bên trong?

Krishnaji: Rõ ràng, còn gì không phải nữa, thưa bạn? Hãy nhìn vào điều gì xảy ra trong sự tìm hiểu cách cư xử. Họ nói những hoàn cảnh, môi trường, văn hóa phía bên ngoài, tạo ra những loại cư xử nào đó. Đó là, nếu tôi sống trong một môi trường cộng sản cùng sự thống trị của nó, cùng những đe dọa, những trại tập trung của nó, tất cả việc đó sẽ làm cho tôi cư xử trong một cách nào đó; tôi khoác vào một cái mặt nạ, bị khiếp sợ, và tôi cư xử trong một cách nào đó. Trong một xã hội mà hơi hơi tự do, nơi không có nhiều luật lệ, bởi vì không ai tin tưởng những luật lệ, nơi mọi thứ được cho phép, ở đó tôi chơi đùa.

Swamiji: Bây giờ, cái nào được chấp nhận hơn từ quan điểm tinh thần?

Krishnaji: Không cái nào cả. Bởi vì cách cư xử, đạo đức, là cái gì đó không bị vun quén bởi tôi hay bởi xã hội. Tôi phải tìm ra làm thế nào để sống đúng đắn. Đạo đức là cái gì đó mà không là một chấp nhận của những khuôn mẫu, hay tuân theo một khuôn mẫu xơ cứng của lề thói. Tốt lành không là lề thói. Chắc chắn, nếu tôi tốt lành bởi vì người thầy của tôi nói rằng tôi tốt lành, nó là vô nghĩa. Vì vậy không có sự việc như chấp nhận tự nguyện của cách cư xử đúng đắn mà được đặt ra bởi vị đạo sư, bởi một người thầy.

Swamiji: Người ta phải tìm ra nó cho chính người ta.

Krishnaji: Vì vậy tôi phải bắt đầu tìm hiểu. Tôi phải bắt đầu nhìn, tôi phải tìm ra sống như thế nào. Tôi chỉ có thể sống khi không có sợ hãi.

Swamiji: Có lẽ đáng ra tôi đã giải thích điều này. Theo Shankara nó chỉ được dành cho những người thấp hơn.

Krishnaji: Người nào là thấp và cao? Người chín chắn và người không chín chắn? Shankara hay X Y Z nói rằng, “Đặt ra luật lệ cho những người thấp và cho những người cao” và họ thực hiện nó. Họ đọc những quyển sách của Shankara, hay một người uyên bác nào đó đọc nó cho họ, và họ nói điều đó thật kỳ diệu rồi quay lại và sống cuộc sống riêng của họ. Đây là một sự kiện rõ ràng. Bạn thấy nó ở nước Ý. Họ lắng nghe Đức giáo hoàng – họ lắng nghe nghiêm túc được hai hay ba phút rồi sau đó tiếp tục cuộc sống hàng ngày của họ; không một ai lưu tâm, nó không tạo ra khác biệt nào. Đó là lý do tôi muốn hỏi, tại sao những người tạm gọi là Shankaras, những đạo sư, đặt ra những luật lệ về cách cư xử là gì.

Swamiji: Nếu không sẽ có hỗn loạn.

Krishnaji: Dù thế nào cũng có hỗn loạn rồi. Có hỗn loạn khủng khiếp. Ở Ấn độ họ đã đọc Shankara và tất cả những người thầy được hàng ngàn năm. Hãy nhìn họ!

Swamiji: Có lẽ, theo họ, sự thay thế không thể xảy ra được.

Krishnaji: Sự thay thế là gì? Rối loạn? Đó là điều gì họ đang sống. Thay vì hiểu rõ Shankara tại sao lại không hiểu rõ sự rối loạn trong đó họ đang sống? Nếu họ hiểu rõ sự rối loạn, họ có thể thay đổi được nó.

Swamiji: Có lẽ điều đó dẫn chúng ta đến nghi vấn về Bhawana này nơi một chút xíu tâm lý được bao hàm. Chuyển đến Sadhana của Karma Yoga, trong số những sự việc khác kinh Bhavagad Gita đặt ra một Nimitta Bhawana. Không nghi ngờ gì cả Bhawana là Đang tồn tại và Nimitta Bhawana là đang là một phương tiện không cái tôi trong bàn tay của Thượng đế hay Đang Tồn Tại Vô Hạn. Nhưng nó cũng được sử dụng để có ý nghĩa một thái độ hay một cảm thấy trong hy vọng rằng nó sẽ giúp đỡ một người bắt đầu học hỏi quan sát chính anh ấy và vì vậy Bhawana sẽ tràn ngập thân tâm đang tồn tại của anh ấy. Cho những con người không có bao nhiêu hiểu rõ có lẽ điều đó rất cần thiết; hay liệu điều đó sẽ thường xuyên làm xao lãng họ bằng trạng thái tự dối gạt? Làm thế nào chúng ta sẽ khiến điều này vận hành được?
Krishnaji: Câu hỏi bạn đang hỏi là gì, thưa bạn?

Swamiji: Có kỹ thuật của Bhawana.

Krishnaji: Điều đó hàm ý một hệ thống, một phương pháp, bằng cách luyện tập nó, cuối cùng bạn đạt được sự khai sáng. Bạn luyện tập với mục đích để đến với Thượng đế hay bất kỳ điều gì. Khoảnh khắc bạn luyện tập một phương pháp, điều gì xảy ra? Tôi luyện tập ngày qua ngày cái phương pháp được đặt ra bởi bạn. Điều gì xảy ra?

Swamiji: Có một câu nói nổi tiếng, “Vì bạn suy nghĩ vậy là bạn trở thành”.

Krishnaji: Tôi nghĩ rằng qua luyện tập phương pháp này tôi sẽ đạt được sự khai sáng. Vì vậy tôi làm gì đây? Mỗi ngày tôi luyện tập nó. Tôi trở thành mỗi lúc một máy móc.

Swamiji : Nhưng có một cảm thấy.

Krishnaji: Cái lề thói máy móc đang xảy ra cùng sự cảm thấy được thêm vào, “Tôi thích nó”, “Tôi không thích nó”, “nó là một nhàm chán” – bạn biết đó, có một trận chiến đang xảy ra. Vì vậy bất kỳ điều gì tôi luyện tập, bất kỳ kỷ luật nào, bất kỳ thực hành trong ý nghĩa được chấp nhận của từ ngữ làm cho cái trí của tôi mỗi lúc một chật hẹp hơn, bị giới hạn và xơ cứng, và bạn hứa hẹn tại khúc cuối, thiên đàng. Tôi nói nó giống như những chiến binh được tập tành ngày này qua ngày khác – rèn luyện, rèn luyện – cho đến khi họ không còn là gì cả ngoại trừ những dụng cụ của viên thượng sĩ hay sĩ quan chỉ huy. Cho họ một chút khởi đầu. Vì vậy tôi đang nghi vấn toàn bộ sự tiếp cận của hệ thống và phương pháp hướng về sự khai sáng. Thậm chí trong những nhà máy, một con người chỉ di chuyển một công tắc hoặc đẩy cái này hay cái kia không sản xuất được nhiều bằng con người được tự do học hỏi khi anh ấy làm việc.

Swamiji: Ông có thể đặt điều đó vào Bhawana hay không?

Krishnaji: Tại sao không?

Swamiji: Vì vậy nó vận hành?

Krishnaji: Đây là cách duy nhất. Đó là Bhawana thực sự: học hỏi khi bạn đang sống. Vì vậy hãy thức dậy. Học hỏi khi bạn đang sống, vì vậy hãy tỉnh táo khi bạn đang sống. Nếu dạo bộ và tôi có một hệ thống, một phương pháp của dạo bộ, phương pháp đó là tất cả mà tôi đang quan tâm: tôi sẽ không thấy chim chóc, cây cối, ánh sáng tuyệt vời trên chiếc lá, không gì cả. Và tại sao tôi phải chấp nhận người thầy mà cho tôi cái phương pháp, cái khuôn mẫu? Ông ấy có lẽ đặc biệt như tôi, và có những người thầy mà rất lạ lùng. Vì vậy tôi khước từ tất cả việc đó.

Swamiji: Lại nữa vấn đề là vấn đề của người bắt đầu.

Krishnaji: Ai là người bắt đầu? Người không chín chắn?

Swamiji: Có thể.

Krishnaji: Vì vậy bạn đang cho anh ấy một món đồ chơi để chơi đùa?

Swamiji: Một loại khai mở nào đó.
Krishnaji: Vâng một món đồ chơi và anh ấy đang thụ hưởng món đồ chơi đó và luyện tập suốt ngày và cái trí của anh ấy vẫn còn nhỏ nhen.

Swamiji: Có lẽ đó cũng là câu trả lời của ông cho nghi vấn về Bhakti Yoga. Lại nữa, trong chừng mực nào đó họ muốn những người này phải phá vỡ.

Krishnaji: Tôi không chắc chắn lắm, thưa bạn.

Swamiji: Tôi sẽ bàn luận Bhakti này. Chuyển đến Bhakti Yoga, Bhakta được khuyến khích thờ phụng Thượng đế ngay cả trong những đền chùa và những hình ảnh, cảm thấy sự hiện diện của thần thánh ở bên trong. Trong khá nhiều lời cầu nguyện, nó được lặp đi và lặp lại, “Ngài là Lan Khắp . . . Ngài là Hiện Diện Mọi Nơi.”, vân vân. Krishna yêu cầu những người hiến dâng thấy Thượng đế trong những vật của thiên nhiên và sau đó như “Tất cả”. Cùng thời điểm đó nhờ vào japa, hay sự lặp lại của câu kinh cùng sự tỉnh thức tương quan được ý nghĩa của nó, người hiến dâng được yêu cầu trực nhận rằng sự hiện diện của thần thánh phía bên ngoài giống hệt với sự hiện diện của thần thánh phía bên trong. Vẫn vậy cái cá thể nhận ra trạng thái một của anh ấy cùng cái tập thể. Có bất kỳ việc gì sai lầm cơ bản với hệ thống đó?

Krishnaji: Ồ! Vâng, thưa bạn. Khối Cộng sản không tin tưởng Thượng đế nào cả. Những người Cộng sản đã đặt chính thể ở trên Thượng đế. Họ ích kỷ, họ bị kinh hãi, nhưng không có Thượng đế, không những câu kinh, vân vân. Một người khác không biết những câu kinh, japa, sự lặp lại như anh ấy nói, “Tôi muốn tìm ra sự thật là gì. Tôi muốn tìm ra liệu có một Thượng đế hay không. Có lẽ không có sự việc như thế.” Và kinh Gita và tất cả kinh khác đều giả sử rằng có. Họ giả sử rằng có Thượng đế. Họ là ai mà bảo cho tôi là có hay không có, kể cả Krishna hay X, Y, Z? Tôi nói nó có lẽ là tình trạng bị quy định riêng của bạn; bạn được sinh ra trong một môi trường đặc biệt và với một tình trạng bị quy định đặc biệt, với một thái độ đặc biệt và bạn tin tưởng điều đó. Rồi sau đó bạn đặt ra những luật lệ. Nhưng nếu tôi khước từ tất cả uy quyền, kể cả những người Cộng sản, kể cả những uy quyền của phương Tây và phương Đông, tất cả uy quyền, lúc đó tôi ở đâu? Lúc đó tôi phải tìm ra, bởi vì tôi không hạnh phúc, tôi bị đau khổ.

Swamiji: Nhưng có lẽ tôi được tự do khỏi tình trạng bị quy định.

Krishnaji: Đó là công việc của tôi – được tự do. Nếu không tôi không thể học hỏi. Nếu tôi vẫn là một người Ấn độ giáo trong suốt cuộc đời của tôi, tôi chấm dứt. Người Thiên chúa giáo vẫn là người Thiên chúa giáo và người Cộng sản đều chết rồi. Nhưng liệu có thể – đó thực sự là một nghi vấn – khước từ tất cả tình trạng bị quy định mà chấp nhận uy quyền? Liệu tôi có thể thực sự khước từ tất cả uy quyền và đứng một mình để tìm ra? Và tôi phải đứng một mình. Trái lại, nếu tôi không đứng một mình trong ý nghĩa sâu thẳm của từ ngữ đó, tôi chỉ đang lặp lại điều gì Shankara, Buddha, hay X, Y, Z đã nói. Mục đích của nó là gì, khi biết rất rõ rằng sự lặp lại đó không là sự thật? Vì vậy, tôi, – chín chắn hay không chín chắn, hay nửa chừng – tôi không được, tất cả họ không được học hỏi để đứng một mình hay sao? Điều đó đau đớn lắm; họ nói rằng, “Chúa tôi ơi, làm sao tôi có thể đứng một mình?” – không con cái, không Thượng đế, không Bí thư Cộng sản? Có sợ hãi.

Swamiji: Ông nghĩ rằng mọi người có thể vận dụng được điều này?

Krishnaji: Tại sao không, thưa bạn? Nếu bạn không thể, vậy thì bạn bị trói buộc trong nó. Không có số lượng nào của những vị Thượng đế, và những câu kinh, và những ma mãnh sẽ giúp đỡ bạn. Họ có lẽ che đậy nó. Họ có lẽ bỏ nó vào chai. Họ có lẽ nén nó lại và cất trong tủ lạnh. Nhưng nó luôn luôn ở đó.

Swamiji: Bây giờ có phương pháp khác, phương pháp đứng một mình: Raja Yoga. Lại nữa ở đây người học được yêu cầu vun quén những chất lượng đạo đức nào đó mà, ở một khía cạnh, tạo cho anh ấy là một công dân tốt và ở khía cạnh khác, cởi bỏ những rào chắn tâm lý có thể có. Sadhana này, mà chủ yếu là trạng thái tỉnh thức được tư tưởng bao gồm ký ức, tưởng tượng và giấc ngủ, có vẻ gần gần giống như sự giảng dạy của ông. Asana và Pranayama là những trợ giúp, có lẽ . Và thậm chí Dyana của Yoga không được dự tính để mang lại trạng thái tự nhận biết, mà đã được công nhận không là sản phẩm cuối cùng của một chuỗi những hành động. Krishna đã khẳng định rõ ràng rằng Yoga nêu rõ sự trực nhận: “Atma Shuddhaye”. Ông có chấp nhận sự tiếp cận này hay không? Không có nhiều trợ giúp được liên quan ở đây; thậm chí Iswara chỉ là “Purusha Visheshaha”. Nó là một loại đạo sư, không thể thấy được trong qui trình bên trong. Ông có chấp nhận sự tiếp cận này: có phương pháp ngồi tham thiền này và cố gắng khoét sâu vào sâu hơn và sâu hơn.

Krishnaji: Tất nhiên. Vậy thì người ta phải tìm hiểu vấn đề của thiền định.

Swamiji: Và Patanjali định nghĩa thiền định như là, “Sự vắng mặt của tất cả ý tưởng thuộc thế giới hay bất kỳ ý tưởng lạc đề nào.” Đó là Bhakti Sunyam.

Krishnaji: Hãy nhìn kìa, thưa bạn, tôi không đọc gì cả. Ở đây ngay lúc này tôi là: tôi không biết. Tôi chỉ biết rằng tôi bị đau khổ và rằng tôi có một cái trí khá tốt lành. Tôi không có uy quyền – Shankara, Krishna, Patanjali, không ai cả – tôi tuyệt đối một mình. Tôi phải đối mặt với cuộc sống của tôi và tôi phải là một công dân tốt lành – không lệ thuộc những người Cộng sản, những người Tư bản, hay những người Xã hội – công dân tốt lành có nghĩa là cách cư xử, không phải là một công việc ở văn phòng và khác biệt khi ở nhà. Trước hết, tôi muốn tìm ra làm thế nào được tự do khỏi đau khổ này. Tiếp theo bởi vì được tự do, tôi sẽ tìm ra liệu có một sự việc như Thượng đế hay bất kỳ cái gì. Vì vậy làm thế nào tôi sẽ học hỏi để được tự do khỏi gánh nặng khủng khiếp này? Đó là nghi vấn đầu tiên của tôi. Tôi chỉ có thể hiểu rõ nó trong liên hệ với một người khác. Tôi không thể ngồi một mình và đào sâu vào nó bởi vì tôi có lẽ làm biến dạng nó; cái trí của tôi quá mê muội, quá thành kiến. Vì vậy tôi phải tìm ra trong liên hệ – với thiên nhiên, với những con người – cái gì là sợ hãi này, đau khổ này; trong liên hệ, bởi vì nếu tôi ngồi một mình tôi có thể tự lừa dối mình rất dễ dàng. Nhưng bằng cách tỉnh thức trong liên hệ, tôi có thể nắm bắt được nó ngay tức khắc.

Swamiji: Nếu bạn tỉnh thức.

Krishnaji: Đó là điểm mấu chốt. Nếu tôi tỉnh thức, cảnh giác, tôi sẽ tìm ra; và việc đó không mất thời gian.

Swamiji: Nhưng nếu người ta không?

Krishnaji: Vì vậy, vấn đề là thức dậy, tỉnh thức, cảnh giác. Có một phương pháp cho nó không? Hãy theo dõi nó, thưa bạn. Nếu có một phương pháp mà sẽ giúp đỡ tôi tỉnh thức, tôi sẽ luyện tập nó; nhưng đó là tỉnh thức à? Bởi vì trong đó được bao hàm lề thói, sự chấp nhận của uy quyền, sự lặp lại; điều đó dần dần đang làm tỉnh thức của tôi bị xơ cứng. Vì vậy tôi khước từ điều đó: sự luyện tập tỉnh thức. Tôi nói rằng tôi chỉ có thể hiểu rõ đau khổ trong liên hệ và hiểu rõ đó chỉ đến qua tỉnh thức. Vì vậy tôi phải tỉnh thức. Tôi tỉnh thức vì sự thôi thúc của tôi là kết thúc đau khổ. Nếu tôi đói, tôi muốn có thức ăn và tôi tìm kiếm thức ăn. Trong cùng cách như vậy tôi khám phá ra cái gánh nặng khủng khiếp của đau khổ trong tôi và tôi khám phá nó qua liên hệ – cách tôi cư xử với bạn, cách tôi nói chuyện với mọi người. Trong tiến hành của liên hệ đó, sự việc này được bộc lộ.

Swamiji: Trong liên hệ đó, bạn luôn luôn tự-tỉnh thức, nếu tôi có thể giải thích nó như thế.

Krishnaji: Vâng, tôi thức dậy, tỉnh thức, quan sát.

Swamiji: Nó dễ dàng quá cho một con người bình thường phải không?

Krishnaji: Vâng, nếu một người nghiêm túc và nói rằng, “Tôi muốn tìm ra.” Con người bình thường, tám mươi hay chín mươi phần trăm trong số họ, thực sự không quan tâm. Nhưng một người nghiêm túc, anh ấy nói, “Tôi sẽ tìm ra – tôi muốn xem thử liệu cái trí có thể được tự do khỏi đau khổ.” Và điều đó chỉ có thể phát giác được trong liên hệ. Tôi không thể sáng chế đau khổ. Trong liên hệ đau khổ đến.

Swamiji: Đau khổ ở bên trong.

Krishnaji: Dĩ nhiên, thưa bạn, nó là một hiện tượng thuộc tâm lý.

Swamiji: Ông sẽ không muốn một người ngồi xuống và tham thiền và mài bén?

Krishnaji: Vậy là chúng ta hãy quay trở lại câu hỏi về thiền định. Thiền định là gì? Không lệ thuộc điều gì Patanjali và những người khác nói bởi vì có lẽ họ hoàn toàn sai lầm. Và tôi có lẽ bị sai lầm khi tôi nói tôi biết cách thiền định. Vì vậy chính người ta phải tìm ra, người ta phải hỏi, “Thiền định là gì?” Thiền định có là đang ngồi yên lặng, đang tập trung, đang kiểm soát tư tưởng, đang quan sát?

Swamiji: Đang quan sát, có lẽ.

Krishnaji: Bạn có thể quan sát khi bạn đang dạo bộ.

Swamiji: Điều đó khó khăn.

Krishnaji: Bạn quan sát khi đang ăn, khi bạn đang lắng nghe mọi người, khi một ai đó nói điều gì đó gây tổn thương bạn, nịnh nọt bạn. Điều đó có nghĩa, bạn phải luôn luôn tỉnh thức – khi bạn đang huênh hoang, khi bạn đang nói những điều giả dối – bạn theo kịp chứ? Muốn quan sát, bạn cần một cái trí rất yên lặng. Đó là thiền định. Toàn thể việc đó là thiền định.

Swamiji: Đối với tôi có vẻ như Patanjali phát triển tuần tự một luyện tập làm cho cái trí yên lặng, không phải trên trận chiến của cuộc sống, nhưng bắt đầu nó khi bạn một mình và mở rộng nó sang liên hệ.

Krishnaji: Nhưng nếu bạn tẩu thoát khỏi trận chiến . . .

Swamiji: Trong một khoảng thời gian chút xíu . . .

Krishnaji: Nếu bạn tẩu thoát khỏi trận chiến bạn đã không hiểu rõ trận chiến. Trận chiến là bạn. Làm thế nào bạn có thể tẩu thoát khỏi chính bạn? Bạn có thể dùng một viên thuốc, bạn có thể giả vờ rằng bạn đã tẩu thoát được, bạn có thể lặp lại những câu kinh, japas và làm tất cả mọi loại sự việc, nhưng trận chiến đang tiếp tục. Bạn nói rằng, “Hãy lặng lẽ đi khỏi nó và sau đó quay trở lại nó.” Đó là một phân chia. Chúng ta đang đề nghị rằng, “Hãy nhìn trận chiến bạn có liên hệ; bạn bị trói buộc vào nó: bạn là nó.”

Swamiji: Điều đó dẫn chúng ta đến sự học hỏi cuối cùng: bạn là nó.

Krishnaji: Bạn là trận chiến.

Swamiji: Bạn là nó, bạn là trận chiến, bạn là người chiến đấu, bạn đi khỏi nó, bạn ở cùng nó – mọi thứ. Có lẽ đó là điều gì được hàm ý trong Gnana Yoga. Theo Gnana Yoga, người tìm kiếm được yêu cầu tự cung cấp cho anh ấy bốn phương tiện, Viveka, tìm kiếm cái thật sự và gạt bỏ cái giả dối. Vairagya, không tìm kiếm vui thú; Shat Satsampath, mà có nghĩa sống một cuộc sống thực tế hướng về sự thực hành Yoga này; và Mumukshutva, một hiến dâng trọn vẹn để tìm kiếm Sự Thật. Môn đồ sau đó được tiếp cận một vị đạo sư và Sadhana của ông ấy gồm có Sravana (nghe), Manana (ngẫm nghĩ) và Niryudhyajna (thâm nhập), điều đó tất cả chúng tôi đều thực hiện ở đây. Vị đạo sư chọn lựa những phương tiện khác nhau để khai sáng học trò, mà thường thường được hàm ý nhận ra Tất Cả hay Sự Tồn Tại Tổng Thể. Shankara diễn tả nó như vậy: “Vô hạn một mình là thật, thế giới là không thật. Cá thể không khác biệt vô hạn, vì vậy không có phân chia ở đó.” Shankara nói rằng thế giới là Maya mà qua đó ông ấy có ý rằng sự xuất hiện của thế giới là không thật, điều đó người ta phải tìm hiểu và khám phá. Krishna diễn tả nó như vậy trong Gita:“Người thực hành yoga lúc đó ý thức rằng hành động, người làm của hành động, những phương tiện được cần đến, và mục đích mà hành động được hướng đến, tất cả là một tổng thể và vì vậy sự phân chia được vượt qua.”
Ông phản ứng như thế nào đối với phương pháp Gnana Yoga này? Trước hết có Sadhana Chaturdhyaya này, mà môn đồ chuẩn bị cho chính anh ấy. Sau đó anh ấy đến vị đạo sư và ngồi và nghe Sự Thật từ vị đạo sư và ngẫm nghĩ nó và thâm nhập sự thật, cho đến khi nó trở thành một cùng anh ấy; và sự thật thường được nói dựa vào những công thức này. Nhưng những công thức này mà chúng ta lặp lại được giả thiết là được nhận ra. Điều này có lẽ có một giá trị nào không?

Krishnaji: Thưa bạn, nếu bạn đã không đọc những quyển này – Patanjali, Shankara, Chan Upanishads, Raja Yoga, Karma Yoga, Bhakti Yoga, Gnana Yoga, không gì cả – bạn sẽ làm gì?

Swamiji: Tôi sẽ phải tìm ra.

Krishnaji: Bạn sẽ làm gì?

Swamiji: Đấu tranh.

Krishnaji: Mà bạn đang làm trong chừng mực nào đó. Bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ bắt đầu ở đâu? – không biết về điều gì những người khác đang nói, gồm cả điều gì những người lãnh đạo Cộng sản đã nói – Marx, Engels, Lenin, Stalin. Tôi ở đây, một con người bình thường, tôi không đọc thứ gì cả, tôi muốn biết. Tôi phải bắt đầu ở đâu? Tôi phải làm việc – Karma Yoga – trong một ngôi vườn, như một người nấu bếp, trong một nhà máy, trong một văn phòng, tôi phải làm việc. Và cũng vậy có vợ và con cái: tôi yêu họ, tôi ghét họ, tôi là một người nghiện ngập tình dục, bởi vì đó là sự tẩu thoát duy nhất đã cống hiến cho tôi trong cuộc sống. Tôi ở đây. Đó là bản đồ cuộc sống của tôi, và tôi bắt đầu từ đây. Tôi không thể bắt đầu từ đằng kia; tôi bắt đầu ở đây và tôi tự hỏi chính mình tất cả điều đó là gì. Tôi không biết gì về Thượng đế. Bạn có thể sáng chế, giả vờ: tôi kinh hãi sự giả vờ. Nếu tôi không biết, tôi không biết. Tôi sẽ không trích dẫn những Shankara, những Buddha, hay bất kỳ ai. Vì vậy tôi nói rằng: đây là nơi tôi khởi đầu. Liệu tôi có thể tạo ra trật tự trong sống của tôi? – trật tự, không bị sáng chế bởi tôi hay bởi họ, nhưng trật tự mà là đạo đức. Liệu tôi có thể tạo ra nó? Và muốn đạo đức phải không có trận chiến, không có xung đột trong tôi hay phía bên ngoài. Vì vậy, phải không có hung hăng, không có bạo lực, không có hận thù, không có đối kháng. Tôi khởi đầu từ đó. Và tôi tìm ra rằng tôi bị sợ hãi. Tôi phải được tự do khỏi sợ hãi. Ý thức được nó là tỉnh thức được tất cả việc này, tỉnh thức được tôi đang ở đâu; từ đó tôi sẽ chuyển động, tôi sẽ làm việc. Và sau đó tôi tìm ra rằng tôi có thể một mình – không mang mọi gánh nặng của ký ức, của những Shankara, những Buddha, Marx, Engel – bạn theo kịp không? Tôi có thể một mình bởi vì tôi hiểu rõ trật tự trong sống của tôi; và tôi đã hiểu rõ trật tự bởi vì tôi đã khước từ vô trật tự, bởi vì tôi đã học hỏi về vô trật tự. Vô trật tự có nghĩa xung đột, chấp nhận uy quyền, thỏa hiệp, bắt chước, tất cả điều đó. Đó là vô trật tự, luân lý xã hội là vô trật tự. Từ đó tôi sẽ tạo ra trật tự trong chính tôi; không phải chính tôi như một con người nhỏ bé ngớ ngẩn ở quá khứ, nhưng như một Con Người.

Swamiji: Ông giải thích nó như thế nào?

Krishnaji: Chính là một con người đang trải qua địa ngục này. Mọi con người đang trải qua địa ngục này. Vì vậy, nếu tôi, như một con người, hiểu rõ điều này, tôi đã khám phá cái gì đó mà tất cả những con người có thể khám phá.

Swamiji: Nhưng làm thế nào người ta biết rằng người ta đang lừa dối chính người ta?

Krishnaji: Rất đơn giản. Trước hết, khiêm tốn: tôi không muốn thành tựu bất kỳ việc gì.

Swamiji: Tôi không biết ông có bất ngờ gặp những con người mà nói, “Tôi là người khiêm tốn nhất trên thế giới.”

Krishnaji: Tôi biết. Tất cả đều quá ngu xuẩn. Không có ham muốn, không có thành tựu.

Swamiji: Khi người ta ở trong nó, trong một tô súp, làm sao người ta biết được?

Krishnaji: Dĩ nhiên bạn sẽ biết. Khi ham muốn của bạn nói rằng, “Tôi phải giống ông Smith là vị Thủ tướng, vị tướng lãnh, hay Giám đốc Điều hành”, vậy thì có sự khởi đầu của hãnh tiến, kiêu ngạo, thành tựu. Tôi biết khi tôi muốn giống như một vị anh hùng, khi tôi muốn trở thành như Buddha, khi tôi muốn đạt được sự khai sáng, khi ham muốn nói rằng, “Hãy là một cái gì đó.” Ham muốn nói ở trong là một cái gì đó có vui thú tuyệt vời.

Swamiji: Nhưng chúng ta vẫn giải quyết gốc rễ của vấn đề trong tất cả việc này?

Krishnaji: Dĩ nhiên chúng ta phải. Cái “Tôi” là gốc rễ của vấn đề. Tự cho mình là trung tâm là gốc rễ của vấn đề.

Swamiji: Nhưng nó là gì? Nó có nghĩa gì?

Krishnaji: Tự cho mình là trung tâm à? Tôi quan trọng hơn bạn, nhà cửa của tôi, tài sản của tôi, thành tựu của tôi, cái “Tôi” là trước hết.

Swamiji: Nhưng một vị thánh tử đạo có lẽ nói rằng, “Tôi không là gì cả, tôi có thể bị bắn chết.”

Krishnaji: Ai? – họ không như vậy.
Swamiji: Họ có lẽ nói họ hoàn toàn không ích kỷ, không có cái tôi.

Krishnaji: Không, thưa bạn, tôi không quan tâm đến điều gì một ai đó nói.

Swamiji: Ông ấy có lẽ đang phô trương chính ông ấy.

Krishnaji: Chừng nào tôi hoàn toàn rõ ràng trong chính tôi, tôi không đang tự lừa dối mình. Tôi có thể tự lừa dối mình ngay khoảnh khắc tôi có một đo lường. Khi tôi so sánh chính tôi với một người có một chiếc xe Rolls Royce, hay với Buddha, tôi có một sự đo lường. So sánh chính tôi với một ai đó là khởi đầu của ảo tưởng. Khi tôi không so sánh, tại sao tôi phải chuyển động từ đó?

Swamiji: Để là Cái Tôi?

Krishnaji: Dù tôi là bất kỳ điều gì; đó là: tôi xấu xí, tôi đầy tức giận, lừa dối, sợ hãi, điều này và điều kia. Tôi khởi đầu từ đó và xem liệu có thể được tự do khỏi tất cả điều này. Suy nghĩ của tôi về Thợng đế giống như suy nghĩ về việc leo lên những quả đồi kia, mà tôi không bao giờ muốn.

Swamiji: Nhưng thậm chí như thế vào một ngày trước ông đã nói một điều gì đó lý thú: cá thể và tập thể là một. Làm thế nào cá thể nhận ra sự đồng nhất đó với tập thể?

Krishnaji: Nhưng đó là một sự kiện. Ở đây tôi đang sống ở Gstaad; người nào đó đang sống ở Ấn độ, nó là cùng vấn đề, cùng lo âu, cùng sợ hãi – chỉ những biểu lộ khác nhau nhưng gốc rễ của sự việc đều giống hệt. Đó là điểm mấu chốt. Thứ hai, môi trường sống mà đã sản sinh tánh cá thể này và tánh cá thể này đã tạo ra môi trường sống. Tham lam của tôi đã tạo ra xã hội thối nát này. Sự tức giận của tôi, hận thù của tôi, sự phân chia của tôi đã tạo ra quốc gia và tất cả sự hỗn loạn này. Vì vậy tôi là thế giới và thế giới là tôi. Hợp lý, theo trí năng , theo từ ngữ, nó là như thế.

Swamiji: Nhưng làm thế nào người ta cảm thấy được nó?

Krishnaji: Điều đó chỉ đến khi bạn thay đổi. Khi bạn thay đổi bạn không còn là một người quốc gia. Bạn không còn lệ thuộc vào bất kỳ cái gì.

Swamiji: Theo tinh thần, tôi có lẽ nói tôi không là một người Ấn độ giáo, hay tôi không là một người Ấn độ.

Krishnaji: Nhưng, thưa bạn, đó chỉ là một ma mãnh. Bạn phải cảm thấy nó trong máu huyết của bạn.

Swamiji: Làm ơn giải thích điều đó có nghĩa gì.

Krishnaji: Nó có nghĩa, thưa bạn, khi bạn thấy sự nguy hiểm của chủ nghĩa quốc gia, bạn vượt khỏi nó. Khi bạn thấy sự nguy hiểm của phân chia, bạn không còn lệ thuộc vào mảnh vỡ. Chúng ta không thấy sự nguy hiểm của nó. Đó là tất cả.

SAANEN
Tháng bảy 1969
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/04/2023(Xem: 12441)
Thượng Tọa Thích Trí Siêu từ Pháp Quốc sẽ giảng pháp tại Úc Châu vào tháng 4 năm 2023 -- Thượng Tọa Thích Trí Siêu sinh năm 1962 tại Sài Gòn. Theo cha mẹ tỵ nạn qua Pháp năm 1975. Năm 1985 nhập chúng tu học tại Tự Viện Linh-Sơn, tỉnh Joinville-le-Pont, Paris. Năm 1987 thọ cụ túc giới với Hòa Thượng Thích Huyền-Vi. Tuy xuất thân từ Đại Thừa, nhưng Thầy đã không ngần ngại du phương tham vấn và tu học với nhiều truyền thống khác như : Nguyên Thủy, Đại Thừa, Kim Cang Thừa Tây Tạng.
21/04/2023(Xem: 4084)
Khi giác hạnh đã viên mãn thì thọ mệnh Đức Phật tuổi đã bát tuần (80). Đến đây, sắc thân tứ đại của Ngài cũng đã thuận theo định luật vô thường mà lão hóa. Năm ấy Ngài ở tại rừng cây Sala tại Kushinagar (Kusinara, Câu-thi-na), nơi Đức Phật nhập diệt. Trước khi rời bỏ xác thân tứ đại giả hợp, Ngài gọi tôn giả A Nan, người đệ tử luôn luôn ở bên cạnh Đức Ngài đến và phán rằng:
20/04/2023(Xem: 14278)
Học đạo quý vô tâm Làm, nghĩ, nói không lầm Sáng trong và lặng lẽ Giản dị mới uyên thâm
15/04/2023(Xem: 3552)
Đức Phật thuyết rằng đừng vội tiếp thu những điều gì Ngài dạy, chỉ dựa vào tín ngưỡng, thay vào đó, hãy nghiệm chứng nó bằng logic học và xác thực, giống như việc kiểm nghiệm vàng
15/04/2023(Xem: 4182)
Chuyên mục khám phá những điểm tương đồng giữa kim ngôn khẩu ngọc giáo huấn của Đức Phật và các khía cạnh khác nhau của công nghệ đương đại là Nguyệt san thảo luận về lĩnh vực hệ thống – thường được gọi là Tư duy hệ thống ‘khía cạnh lý thuyết’ (cách nhìn tổng thể, có tính đa chiều và mục tiêu) và Kỹ thuật hệ thống ‘khía cạnh phát triển thực tế’
12/04/2023(Xem: 5868)
Tôi muốn chia sẻ về mối quan hệ tôn giáo và xã hội hiện đại. Vì bản tính tự nhiên, mỗi cá nhân đều có sự cảm nhận về tự ngã. Từ đó, mỗi cá nhân đều trải qua các hiện tượng mà họ nhận thức được bằng cảm giác thống khổ, cảm xúc vui sướng hay yên tĩnh. Đây là sự thật, không cần phải trình bày tỉ mỉ nữa. Động vật cũng thế. Vì bản tính tự nhiên, tất cả chúng ta đều muốn đạt được an lạc hạnh phúc, không muốn thống khổ và bất hạnh. Ta khỏi cần phải chứng minh điều này. Trên cơ sở này, chúng ta đàm luận về quyền của mọi người được hưởng cuộc sống an lạc hạnh phúc, quyền vượt qua mọi thống khổ.
22/03/2023(Xem: 5597)
Năm 2011, chuyên mục này đã đưa ra một số chủ đề lớn, từ những phương pháp hay nhất, dành cho tăng đoàn Phật giáo với khoa học công nghệ best practices with technology for sanghas, đến việc khám phá các mối quan hệ giữa sự thật khoa học thần kinh và Phật pháp relationship between truth, neuroscience, and the Dharma. Sau đó, chúng tôi đề cập đến tính hai mặt dưới góc nhìn khoa học thần kinh duality in light of neuroscience, và bắt đầu chỉ ra những lợi ích của việc xây dựng một lý thuyết khoa học về sự văn minh a scientific theory of enlightenment. Bởi thắc mắc này đang đưa ra những chủ đề mới dịp đầu xuân này, có lẽ tôi nên nhấn mạnh điều gì đó.
18/03/2023(Xem: 9458)
Tây phương Kinh tế học có thể bị chỉ trích bởi dựa trên sự hợp lý hóa hành vi cạnh tranh, tối đa hóa lợi nhuận vì lợi ích của một nhóm nhỏ, phụ thuộc vào sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và sự suy thoái môi trường chung của chúng ta. Trong khi đó, Kinh tế học Phật giáo được hình thành dựa trên sự tương tác phụ thuộc lẫn nhau của con người và môi trường, do đó mang lại sự an lạc hạnh phúc dựa trên từ bi tâm đối với tất cả chúng sinh. Mục tiêu của nó là duy sự phát triển bền vững gắn liền bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay, đồng thời khẳng định sự thịnh vượng chung và mang đến sự an lạc thịnh đạt cho người lao động, khách hàng, cổ đông và xã hội.
18/03/2023(Xem: 5596)
Công nghệ phát triển thay đổi cuộc sống con người, tuy nhiên sẽ thật ngây thơ khi tin rằng công nghệ chỉ mang lại lợi ích mà không phải trả giá. Một chủ đề lặp đi lặp lại trong lịch sử là sự ra đời của các công cụ và cơ bản công nghệ đổi mới, sẽ thay đổi cách chúng ta nhìn nhận bản thân và thế giới, cũng như trong đó có vai trò của chúng ta. Từ sự phát triển động cơ hơi nước, hàng không, xử lý máy tính và gần đây hơn là trí tuệ nhân tạo (AI), các công cụ và công nghệ đã cải thiện phúc lợi đáng kể và năng suất của con người nhưng không nhất thiết là phúc lợi của con người và các hệ sinh thái của thế giới.
03/02/2023(Xem: 8478)
Đã có rất nhiều tài liệu đề cập về Thiền bao gồm Thiền Định, Thiền Chỉ, Thiền Quán, Thiền Tọa, Thiền Hành, Thiền Phàm Phu, Thiền Ngoại Đạo, Thiền Tiểu Thừa, Thiền Trung Thừa, Thiền Đại Thừa, Thiền Tối Thượng Thừa...Tất cả đều là những sắc thái, tướng trạng, hiện tượng và tác động từ tâm thức chúng ta trong ý hướng tu tập trên đường giải thoát, giác ngộ Phật đạo. Sự giác ngộ giải thoát nơi Phật Đạo, tuy nhiên, lại quá phong phú, đa diện với sắc thái tâm thức rất sâu xa vi tế nên dù Phật tánh
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]