Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giáo Lý Nghiệp Báo Trong Đạo Phật

19/03/201203:36(Xem: 7718)
Giáo Lý Nghiệp Báo Trong Đạo Phật


buddha4541

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

TRƯỜNG CAO CẤP PHẬT HỌC VIỆT NAM

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

KHOÁ III (1993 – 1997)

LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP

 

GIÁO LÝ NGHIỆP BÁO TRONG ĐẠO PHẬT
 
GIÁO SƯ HƯỚNG DẪN: MINH CHI
NI SINH: THÍCH NỮ LIÊN CHƯƠNG
THẾ DANH: NGUYỄN THỊ LỢI


 

DÀN BÀI

A. DẪN NHẬP                                                                             

NÊU RÕ MỤC ĐÍCH CỦA ĐỀ TÀI                                 

GIỚI HẠN PHẠM VI CỦA ĐỀ TÀI

B. NỘI DUNG

GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT Ý NGHĨA NGHIỆP BÁO

NHỮNG NÉT ĐẶC BIỆT CỦA GIÁO LÝ NGHIỆP BÁO

  • Sự liên hệ giữa nghiệp nhân và nghiệp quả
  • Các loại nghiệp báo và tác dụng của các loại nghiệp
  • Vai trò tác ý của người tạo nghiệp
  • Ảnh hưởng lòng từ và trí tuệ của người tạo nghiệp
  • Nghiệp báo với giáo lý vô ngã của Đạo Phật

GIÁO LÝ NGHIỆP BÁO LÀ NỀN TẢNG CỦA ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI

C. KẾT LUẬN

 

  1. A.                  DẪN NHẬP

Nỗi khổ đau suốt trăm năm trong cõi người ta vẫn hoài đè nặng lên kiếp người như một người mang đôi gánh nặng trĩu trên vai và đi mãi trên con đường dài vô tận, không khi nào đặt xuống được. Nhưng ngàn xưa vẫn chưa có bậc xuất thế nào tìm ra con đường thoát khỏi khổ đau của sanh, lão, bệnh, tử nên trong tiền kiếp Đức Phật cũng đã từng xông pha lăn lộn trong cuộc đời đầy cát bụi và đã trải qua biết bao khổ đau, thương tâm cũng như nghịch cảnh để tìm ra người thợ xây ngôi nhà ngũ uẩn và dựng lên những tấm bi kịch thường diễn ra trên sân khấu cuộc đời.

“Trải bao nhiêu kiếp luân hồi,

Ta đi đi mãi tìm hoài không ra.

Ai là người thợ cất nhà,

Dựng lên nếp sống diễn ra cuộc đời.

Hỡi này người thợ kia ơi!

Ta vừa tìm gặp được ngươi đây là.

Từ đây ngươi khỏi cất nhà,

Những sườn cùng nóc ta đà phá tan.

Như Lai đã chứng Niết bàn,

Đoạn trừ ái dục vào hàng vô sanh.”

(Kệ Khải Hoàn, NT. TN. Huỳnh Liên dịch)

Sau bao kiếp dong ruỗi kiếm tìm, Đức Phật đã thốt lên bài kệ khải hoàn khi gặp được anh thợ làm nhà ngôi nhà là thân ngũ uẩn, tâm thức là người chủ. Dưới ánh sáng của trí tuệ toàn giác Ngài đã đặt gánh nặng của khổ đau xuống rồi! Mọi tham ái chấp thủ vô minh bị chăt đứt tận gốc rễ vào ngày mùng 8 tháng 2 ÂL cách đây 2540 năm. Còn chúng ta có ai đã một lần đối diện với chính mình, soi ngắm tâm hồn mình để trong hoang vu của tiềm thức bắt gặp được dấu chân của chính mình đã bỏ quên từ nguyên thuỷ. Cuộc đời cuồn cuộn trôi qua như nước chảy dưới cầu, sanh tử là một nhịp cầu ai cũng phải một lần đi qua nhưng có mấy ai từ khi sanh ra đến chết được sống ấm êm hạnh phúc. Phần đông họ phải trải qua những bất hạnh khổ đau lắm khi những bi kịch này còn hằn sâu trong suốt cả cuộc đời cũng có người không chịu đựng nổi đã tìm đến cái chết là giải pháp cuối cùng của đời mình. Như Lê Công Tuấn Anh, một viễn viên điện ảnh trẻ tài năng đầy hứa hẹn trong tương lai đã kết liễu cuộc đời mình bằng những viên thuốc kháng sinh cực mạnh sau một cú sốc về tình cảm. Sự ra đi của anh để lại trong lòng mọi người niềm thương tiếc khôn nguôi. Mọi người đã khóc khi viếng linh cữu anh. Ôi! những giọt nước mắt, những giọt nước mắt đau thương vẫn âm thầm đổ xuống, một buổi chia tay, một lần ly biệt nước mắt đã bao lần hoen trang tình sử và làm giá buốt quan tài nhưng đã mấy ai khóc thật cho chính mình, cho sự tàn phá âm thầm của sanh tử, cho nỗi lưu đày quên mất cố hương. Hiện tại những người hâm mộ Lê Công Tuấn Anh chỉ thấy tác nhân đưa đến cái chết của anh là cô Minh Anh (người yêu của Lê Công Tuấn Anh) do cô từ chối hôn nhân với Lê Công Tuấn Anh và họ cũng oán trách trời đất không công minh: Một người hiền lành, chất phác cống hiến hết mình cho nghệ thuật, tham gia các công tác từ thiện xã hội, sống hài hoà với mọi người.... lại gặp số phận tối tăm như thế. Còn những người chỉ biết là lợi cho mình thì lại sống cảnh sung sướng thanh nhàn. Nếu họ biết được số phận đau buồn mà Lê Công gánh chịu hôm nay thực chất chỉ là nhận lại những gì anh ta đã cho đi không hơn không kém thì nỗi niềm oán trời, trách người có thể vơi đi trong lòng họ. Nhân dịp này được sự cho phép của Ban Giám Hiệu Trường Tăng Ni toàn quyền chọn lựa đề tài mà mình tâm đắc, người viết xin trình bày “Giáo lý nghiệp báo trong Đạo Phật” để giải thích về sự khác biệt trong xã hội như có người sanh trưởng trong cung điện nguy nga giàu sang vinh hiển, trí tuệ xuất chúng, đạo hạnh thanh cao, thân hình tráng kiện trong khi đó có kẻ khác lại sống trong cảnh cùng đinh, cơ hàn, thống khổ hay người kia có tiền của ức triệu mà người nọ thiếu hụt trước sau; hoặc có người thông minh tuyệt vời và có kẻ tối tăm mê muội, có người sinh ra tướng hảo trang nghiêm đẹp đẽ, có người xấu xí.... để làm sáng tỏ về cuộc đời của Lê Công và số phận của mọi người đang sống trên hành tinh này. Đây cũng là đề tài tung hoành qua tất cả những kiến thức tư tưởng của Ấn Độ và Đạo Phật, như là sản phẩm của tư tưởng Ấn không thể lẫn tránh không đưa vào kết cấu của mình. những mẫu chuyện Jàtaka nói về tiền thân Đức Phật khi còn tu tập hạnh Bồ Tát cũng chỉ là ý niệm về nghiệp được áp dụng cụ thể và được miêu tả bằng công hạnh của một nhân cách toàn thiện. Đức Phật Thích Ca không thể thành Phật nếu Ngài không tích tụ phước đức trải qua nhiều kiếp trong quá khứ. đối với bản thân người viết, giáo lý này mở ra cho bản thân mình một chân trời mới, giải thích  được những điều mà từ trước đến nay người viết vẫn thắc mắc. Phải thành thật nói rằng nếu không hiểu và nhìn nhận luật này cuộc đời sẽ không ý nghĩa gì cả mà chỉ là bài toán không thể giải đáp. Có nỗi khổ đau nào lớn hơn nỗi khổ không thể giải thích các sự kiện xảy ra trong cuộc đời? Làm sao người ta có thể sống chập chờn giữa các sự kiện mơ hồ, không rõ rệt cứ nghi ngờ lo sợ, không biết đâu là đúng, đâu là sai, đâu là chân lý, đâu là ảo vọng. Trong đời sống vô thường hỗn loạn bất công người ta có thể hy vọng được gì? Chỉ có giáo lý nghiệp báo mới đem lại cho con người một sự an ủi đúng đắn, hợp lý và giải thích được ý nghĩa của cuộc sống mà thôi. Do đó, giáo lý Nghiệp báo chính là ánh sáng làm tan đi màn vô minh của vũ trụ nhân sinh cũng là kim chỉ nam cho hành giả ra khỏi bể sanh tử luân hồi, cho nên giáo lý này có rất nhiều vấn đề để thảo luận nhưng riêng về Nghiệp Báo theo lời Phật dạy chỉ có Phật trí mới thấy rõ tường tận tư duy con người không thể đặt chân đến được qua Tăng Chi Bộ Kinh:

“Có bốn điều này các Tỳ Kheo không thể nghĩ bàn đến được. Này các Tỳ Kheo nếu nghĩ bàn đến thời người suy nghĩ có thể đi đên cuồng loạn thống khổ. Thế nào là bốn? Phật giới của các Đức Phật, thiền giới của người ngồi thiền, quả dị thục của ngiệp, tâm tư thế giới. Này các Tỳ Kheo không thể nghĩ bàn đến được nếu nghĩ bàn đến thời đi đến cuồng loạn thống khổ”

(Kinh Tăng Chi Bộ do HT. Thích Minh Châu dịch TCCPHVN, XB.1988).

Vì thế trong luận văn này nỗ lực của người viết là cố làm sáng tỏ đến mức tối đa về giáo lý nghiệp Báo trong giới hạn khả năng hiểu biết của mình và chỉ đề cập đến những điểm chính đã nêu ở trên.

Trước khi đi sâu vào nội dung của đề tài, người viết xin chân thành tri ân Hoà Thượng Hiệu trưởng Trường Cao Cấp Phật học Việt nam, quý Hoà Thượng, Thượng Toạ, Giáo Sư Minh Chi, Giáo sư bảo trợ đề tài và toàn thể quý giáo sư trong ban giảng huấn. Suốt trong bốn niên học vừa qua vì hoài bảo “Hoằng truyền đạo pháp, lợi lạc chúng sanh, tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức làm cho đạo mạch vĩnh lưu hậu thế” Quý vị đã đem hết tâm lực và chỗ hiểu biết của mình truyền trao, giảng dạy cho hàng hậu học. Kế đến người viết cũng xin tri ân quý vị Tác Giả, dịch giả những kinh sách, từ điển..... mà người viết đã tham cứu trích dẫn trong khi thực hiện tiểu luận này. Sau cùng người viết xin cám ơn tất cả những vị thiện hữu tri thức, những người bạn đồng học đã có nhiều ý kiến trao đổi hữu ích trong suốt thời gian học tập.                                                       

B. NỘI DUNG

  1. I.  GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT Ý NGHĨA CỦA NGHIỆP BÁO

Nghiệp: Tiếng Pàli gọi là Kamma, tiếng phạn Karma có ý nghĩa là hành vi hay hành động. Dịch nghĩa cùng tột của nghiệp là tác ý (Citana). Tư tưởng, lời nói, việc làm thường do ý muốn làm động cơ phát khởi. Phật giáo gọi ý chí hay ý muốn ấy là tác ý. Tất cả hànhh động có tác ý dù biểu hiện ở thân, khẩu, ý đều tạo nghiệp. Những hành động không cố ý, không chủ tâm mặc dù đã biểu hiện bằng lời nói hay việc làm đều không tạo nghiệp. Tác ý là yếu tố quan trọng để tạo nghiệp như Đức Phật dạy:

Này các Tỳ kheo, Như Lai xác nhận rằng chính tác ý là nghiệp, có ý muốn làm mới có hành động bằng thân, khẩu hoặc ý.”

                                (Angutta Nikaya III, 415 the Expositor Phần 1 tr. 117)

Báo : Trả lại, đáp lại.

Nghiệp báo là sự thọ nhận được đem lại từ những hành động có tác ý.

II. NHỮNG NÉT ĐẶC BIỆT CỦA NGHIỆP BÁO      

  1. 1.         Sự liên hệ giữa nghiệp nhân và nghiệp quả

Phật giáo cho rằng sự biến hoá của vũ trụ, sự lưu chuyển của nhân sinh mạng đều do nghiệp lực của chúng sanh tạo thành. Nghiệp lực (sức mạnh của nghiệp) chính là những hàng vi thiện hay ác của chúng sanh. Chúng giống như màu sắc một cách liên tục không ngắt đoạn huân nhiễm tâm thức của chúng sinh, là chủ tể của sinh mệnh rồi lại từ ở trong tâm thức theo ngoại duyên (điều kiện bên ngoài) mà hiện hành bộc lộ cũng giống như hạt giống gieo xuống đất nhờ các ngoại duyên là ánh sáng, độ ẩm, không khí... mà sanh trưởng. Đó là hiện hành của nghiệp mà hiện hành của nghiệp chính là kết quả tạo tác của nghiệp nên nói :

“Thiện ác đáo đầu chung hữu báo” Nghĩa là: Thiện ác cuối cùng đều có quả báo. Qua đó ta thấy nhân có mặt thì quả có mặt đã có nhân tức tạo thành quả dầu sớm hay muộn, mà quả có mặt cũng tức là nhân có mặt. Cả hai thống nhất biện chứng và sự ly khai hay phủ định của cái này sẽ kéo theo sự ly khai hay phủ định của cái kia. Vì thế không một nghiệp nhân nào không đưa đến quả và không một nghiệp quả nào không làm nhân cho nghiệp quả khác. Nhơn quả tương đãi đắp đổi cho nhau và tiếp nối mãi không ngừng. Do đó, trong cuộc sống nếu chúng ta gieo hạt giống bất thiện thì sự gặt hái những quả khổ đau sẽ đưa đến trong tương lai và ngược lại những hành động thiện sẽ sản sinh ra những nghiệp quả lạc thú, hạnh phúc như lời Đức Chúa Jêsu đã dạy: “Con người gieo cái gì thì gặt cái đó.”

Hay Kinh Tạp A Hàm có ghi:

“Đã gieo giống nào,

Thì sẽ gặt hái quả ấy.

Hành thiện sẽ thâu gặt quả lành,

Hành ác sẽ thâu gặt quả dữ.”

Như vậy những gì do nghiệp khởi sinh trong hiện tại rất quan trọng: Vì hạnh phúc hay thống khổ của chúng ta trong tương lai phần lớn tuỳ thuộc vào hiện tại của chúng ta. Cũng như những hành động quá khứ ảnh hưởng (duyên sinh) nhiều hay ít đến tính tình và hoàn cảnh hiện tại vì thế Đức Phật dạy:

“Dục tri tiền thế nhân

Kim sinh thọ giả thị.

Dục tri lai thế quả,

Kim sanh tác giả thị.”

(Muốn biết đời trước tạo nhân gì thì hãy xem đời nay chịu quả như thế nào; Muốn biết đời sau sẽ chịu quả gì thì hãy xem đời nay tạo những nhân gì.)

Bài kệ nhân quả trên nói lên một cách minh xác về tác dụng của nghiệp qua sự liên hệ nhân quả trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai. Định luật nhân quả trong lãnh vực tinh thần đạo đức là “nghiệp Báo” nên người viết xin đi sâu vào ác loại nghiệp và tác dụng của nó để làm sáng tỏ về sự sai biệt, bất bình đẳng ở con người.

  1. 2.                     Các loại nghiệp và tác dụng của nghiệp

          Trong Phật giáo có hơn 60 danh từ nói về nghiệp, ở đây người viết chỉ trình bày một số nghiệp căn bổn.

  1. a.         Phân loại theo thân, khẩu, ý.

Nghiệp gồm:

Thân nghiệp: Thân biểu nghiệp, thân vô biểu nghiệp

Ngữ nghiệp: Ngữ biểu nghiệp, ngữ vô biểu nghiệp.

Ý nghiệp: Gồm mọi ý nghĩ có tạo nghiệp.

Thân biểu nghiệp: Sự tính toán cố ý phát động ra nơi thân với những nét biểu lộ rõ rệt trông thấy được.

Thân vô biểu nghiệp: Khi đang khởi lên thân biểu nghiệp bên trong nội tâm vẫn có một năng lực vô hình không biểu lộ rõ rệt, nó cứ theo luật nhân quả thúc đẩy thân hoạt động hay đừng hoạt động. Năng lực này tiềm ẩn khó trông thấy được.

Ngữ biểu nghiệp và ngữ vô biểu nghiệp tương tợ như vậy.

  1. b.             Phân loại theo thiện, ác, vô ký

Thiện nghiệp:

Thân thiện nghiệp: Xa lìa sát, đạo, dâm.

Ngữ thiện nghiệp: Xa lìa nói dối, xa lìa nói hai lưỡi, xa lìa nói lời thô ác, xa lìa nói thêu dệt.

Ý thiện nghiệp: Không tham, không sân, chánh kiến.

Ác nghiệp:

Thân ác nghiệp: Sát, đạo, dâm.

Ngữ ác nghiệp: Nói ác, nói lời vô ích, nói dối, nói ly gián chia rẽ.

Ý ác nghiệp: Tham, sân, tà kiến.

Vô ký nghiệp: Không thiện, không ác. Do sức nghiệp yếu cho nên không sinh ra quả.

Theo Luận Tỳ Sa 51 thì: “Pháp hay chiêu cảm quả báo khả ái, lạc thọ thì gọi là hiện, còn nếu không cảm quả không khả ái, khổ thọ thì gọi là ác, nếu khác với cả hai cái trên thì gọi là vô ký.”

Luận Câu Xá 15 cũng cho rằng: “Nghiệp an ổn hay chiêu cảm được quả báo khả ái và Niết bàn tạm thời và vĩnh viễn xa lìa thống khổ gọi là thiện, nghiệp không an ổn hay chiêu cảm quả báo bất khả ái gọi là ác. Còn nghiệp trái với hai tánh trên gọi là vô ký.”

Tất cả việc lành dữ phát động ở thân, khẩu, ý đều trải qua ba giai đoạn là gia hạnh, căn bản, hậu khởi. Gia hạnh là tiền phương tiện; căn bản là ngay lúc sự việc hoàn thành; hậu khởi là những hành động kế tiếp sau đó chỉ phần căn bản mới là nghiệp đạo, chứ không phải phần gia hạnh hay hậu khởi như Luận Câu Xá 16 có nói:

“Về bất thiện, thân ác nghiệp đoạn trừ một phần của thân ác, hành động không kể vào đó là các thân nghiệp ác thuộc gia hạnh và hậu khởi và các việc như uống rượu, đánh trói…. Vì những việc này không thô bạo rõ rệt bằng những thân ác hạnh làm kẻ khác mất mạng, mất của…. Như Đức Phật dạy đặc biệt phải xa lánh. Chỉ mấy việc ác chính như làm kẻ khác mất mạng, mất của…. Mới gọi là nghiệp đạo. Ngữ ác nghiệp đạo không kể những ác hạnh thuộc gia hạnh, hậu khởi, khinh vi. Ý ác nghiệp đạo không kể những ác hạnh thuộc tư duy ác và lòng tham nhẹ… Về thiện, thân thiện nghiệp thuộc gia hạnh, hậu khởi và các việc khác như bố thí, cúng dường, lìa uống rượu… Ngữ thiện nghiệp đoạn trừ một phần của ngữ diệu hạnh như ái ngữ, thật ngữ… Không kể vào, ý thiện nghiệp đoạn trừ một phần của ý diệu hạnh như các tư duy thiện không kể vào.”

  1. c.          Phân loại theo thời gian

Hiện nghiệp: Là nghiệp nhân gây ra trog đời này và được trổ quả ngay trong kiếp hiện tại như những kẻ giết người thì bị tử hình… nên trong tục ngữ có câu:

“Đời xưa quả báo thì chầy,

Đời nay quả báo một giây nhãn tiền.”

Sinh nghiệp: Nhân gieo trong kiếp này nhưng trả quả ở kiếp kế cận.

Nói về hai nghiệp này Đức Phật dạy:

“Có hai loại nghiệp này các Tỳ kheo, thế nào là hai? Tội có kết quả ngay trong hiện tại và tội có kết quả ngay trong đời sau. Thế nào là tội có kết quả ngay trong hiện tại? Ở đây này các Tỳ kheo có người thấy vua chúa bắt được người ăn trộm, kẻ vô loại đều áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Chúng đánh bằng roi… bằng gậy… bằng côn… chúng chặt tay… chặt chân… Này các Tỳ kheo đấy gọi là tội có kết quả ngay trong hiện tại. Và này các Tỳ kheo thế nào là tội có kết quả ngay trong đời sau?... Quả dị thục của miệng làm ác trong đời sau là ác và khổ. Quả dị thục của ý làm ác trong đời sau là ác và khổ. Nếu thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác… Sau khi từ bỏ thân làm ác, tu tập thân làm thiện, từ bỏ miệng nói ác tu tập miệng nói thiện và cư xử tự ngã hoàn toàn thanh tịnh, này các Tỳ kheo đây là có tội kết quả trong đời sau.”

(Tăng Chi Bộ Kinh, chương 2 Pháp, HT. Thích Minh Châu TCCPHVN, 1988)

Nghiệp vô hạn định (Hậu nghiệp): Nếu chưa trổ quả trong kiếp này hay kiếp kế cận thì nghiệp đó sẽ phát hiện trong bất cứ kiếp sau này khi chúng hội đủ điều kiện nên kệ Pháp Cú có câu:

“Giả sử trăm ngàn kiếp,

Nghiệp đã tạo không mất.

Khi nhân duyên hội ngộ,

Quả báo tự mình mang.”

Nghiệp vô hiệu lực: Đó là những nghiệp đáng lẽ có kết quả trong kiếp này, kiếp sau nhưng không đủ yếu tố để phát khởi nên chúng nằm yên tại chỗ, không trổ quả cho đến khi người tu hành chứng đắc quả A La Hán hay vô dư y Niết bàn thì nghiệp đó chấm dứt không còn trổ quả nữa. Hoặc nếu chưa nhập vô dư Niết bàn mà nghiệp đời trước còn nhiều phải trả thì trong nhiều đời dồn lại một và trả nghiệp một lần. Nghiệp báo đến lúc sẽ không còn hiệu lực nữa khi người tu đã chứng quả vị giải thoát và giải trừ các chướng nghiệp.

  1. d.         Phân loại theo cảnh giới

Nghiệp cũng chia làm 4 loại theo cảnh giới.

Nghiệp bất thiện: Là 10 loại nghiệp gây ra bởi thân, khẩu, ý đưa đến bốn đường ác: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, A tu la.

Nghiệp thiện ở cõi sắc: Được hưởng an nhàn ở 6 cõi trời.

  • Tứ thiên vương.
  • Đao lợi thiên hay Tam thập tam thiên.
  • Dạ ma thiên.
  • Hoá lạc thiên.
  • Tha hoá tự tại thiên.

Do làm những việc từ thiện pháp lành như: bố thí, phóng sanh, chân thật giữ tiết hạnh, nói lời hữu ích, hoà nhã, không tham, không sân và có chánh kiến. Nơi những tầng trời này chư Thiên thường hưởng ngũ dục lạc.

Nghiệp thiện ở cõi sắc: Là kết quả của thiền định khi đắc được bốn bậc thiền và tái sanh vào các cõi sắc giới. chư thiên không còn dâm dục, không còn muốn ăn nhưng còn ở trong vật chất, còn mang hình thể sắc giới cao hơn dục giới hai bậc, hình thể của chư thiên tốt tươi, cung điện rực rỡ. Nơi sắc giới chúng sanh sống an tịnh, không có tham, sân, si.

Thiện nghiệp ở cõi vô sắc: Cũng do kết quả của sự tu tập và chứng đắc các bậc thiền, sự chứng đắc các bậc thiền ở cõi vô sanh này lại cao hơn cõi sắc. Chư thiên ở cõi trời vô sắc này có đời sống rất lâu dài, thanh tịnh, an lạc nhưng khi quả báo hiệu lực, phước báu đã hết thì cũng sinh trở về dục giới và chịu những quả vui hay khổ đã tạo ra từ trước.

e. Phân loại theo công tác

Về phương diện ảnh hưởng chi phối sự an vui hay khổ đau của chúng sanh cũng có 4 loại nghiệp.

Sinh nghiệp: Là nghiệp lực chi phối sự tái sanh. Thức tái sanh tuỳ thuộc vào sinh nghiệp này.

Trì nghiệp: là nghiệp lực duy trì sự sinh tồn của chúng sanh từ lúc mới ra đời cho đến lúc lâm chung. Con người có hạnh phúc hay không, làm việc có thành tựu hay không tuỳ thuộc ở trì nghiệp này. Nếu nó duy trì đường học vấn thì sẽ đưa đến vinh quang trong sự đỗ đạt. Nếu trì nghiệp hướng về nẻo ác, ưa thích làm việc ác thì chắc chắn sẽ khổ sở như không bỏ nghề ăn cướp….

Chướng nghiệp: là nghiệp lực làm trở ngại sinh nghiệp. Như trước chúng ta hiểu sinh nghiệp là nghiệp lực chi phối làm tái sanh cũng có nghĩa là làm thành sự sống. Nếu sinh nghiệp là thiện thì nó làm thành sự sống vui, nếu sinh nghiệp là ác thì nó làm thành sự sống khổ. Ở đây chướng nghiệp ngăn trở sự khổ vui của sinh nghiệp. Nếu đang vui mà bị ngăn trở thành ra sầu khổ đó là chướng nghiệp ngược lại đang sầu khổ mà trở thành vui đó là chướng nghiệp thiện.

Đoạn nghiệp: là nghiệp cắt đứt dòng sinh mệnh. Như đang sống mà bị tai nạn chết bất đắc kỳ tử hay chán đời rồi tự tử. Sự kiện này không do số phận hay định mệnh cũng không phải do oan uổng mà chính vì đoạn nghiệp của một người quá mạnh, họ muốn tự tử lúc nào cũng được khiến cho đời sống bị cắt đứt giữa chừng.

f. Phân loại theo tính chất nặng nhẹ

Cực trọng nghiệp: là nghiệp rất mạnh, rất trọng đủ sức lôi cuốn các nghiệp khác theo nó về thiện cũng như về ác nên nó có thể bao hàm bốn tính chất năng sanh, năng trì, năng tiêu và năng huỷ.

Cận tử nghiệp: là nghiệp được tạo tác trong khi sắp chết có tính chất quyết định cho sự thọ sanh đời sau. Do đó, chúng ta phải thường xuyên nhắc nhở những người sắp lìa trần nên nghĩ đến những hành vi tốt đẹp trong đời hay khuyến khích giúp đỡ họ tạo nghiệp lành trước giờ lâm chung như niệm Phật, đọc kinh, quán tưởng đến thế giới cực lạc, tịnh độ.... Đôi khi một người suốt đời làm ác đáng lẽ sanh vào cõi khổ nhưng may mắn lúc lâm chung được giác ngộ và làm được việc thiện vì thế nên sanh vào cảnh giới lành nhưng quả báo ác lúc trước đã gây phải trả. Ngược lại một người chăm làm điều lành đáng lẽ sanh vào cảnh giới an lành lại có thể thọ sanh trong cảnh khổ vì bất thình lình trong giờ phút lâm chung lại có hành vi hay tư tưởng bất thiện khởi lên. Tuy nhiên nhân lành trước kia không hề mất và sẽ được trổ quả lúc sau này.

Tập quán nghiệp: Nghiệp do sự tập quán liên tục về ngôn ngữ, hành động, suy tư. Nó yếu hơn cận tử nghiệp nhưng nếu chiến thắng các nghiệp khác nó trở thành cận tử nghiệp.

Tích luỹ nghiệp: Là nghiệp tích luỹ từ vô thuỷ mà mỗi hữu tình đều có đủ cả toàn bộ trong mình, có thể gọi nó là con chó săn thuộc loại vô định kỳ hiệu nghiệp. Nếu không có những nghiệp mới làm thay đổi thì tích luỹ nghiệp này sẵn sàng hiện lên trong giờ sắp chết và trở thành cận tử nghiệp. Không phải là người trí thì khó lòng nhận rõ được nó nên các nhà Tân Thượng Toạ Bộ ví nó như một hòn đá được người ngu ném đi dù khi chưa ném hòn đá cũng vẫn ném rồi. Nghĩa là tự nó rơi xuống, không cần được ném mới rơi.

g. Phân loại theo phạm vi tác dụng của nghiệp cá nhân hay tập thể

Biệt nghiệp: Nghiệp cảm thọ riêng từng cá nhân.

Cộng nghiệp: Thuộc nhiều người cùng tạo và cùng chịu quả báo “Đồng ưu cộng lạc.”

Trên thực tế cộng nghiệp đồng thời cũng là một dạng của biệt nghiệp. Nếu đứng trên gốc độ địa cầu mà nói thì địa cầu và cuộc sống ở địa cầu là dạng cộng nghiệp của chúng sanh ở đây mà hình thành nhưng nếu đem đối chiếu với chúng sanh ở cõi sống khác trên một hành tinh khác thì chính là do bất cộng nghiệp mà có sự phân biệt giữa cuộc sống ở hành tinh đó với cuộc sống trên quả địa cầu chúng ta. Cũng như loài người ở Châu Phi và loài người ở Châu Á có bất cộng nghiệp mà hình thành nên vậy nhưng vì cả hai giống người đều sống trên một quả địa cầu cho nên cũng do cộng nghiệp làm người mà sinh ra như thế. Từ đó suy ra mới hiểu được vì sao trong cùng một quốc gia, thậm chí trong cùng một gia đình vẫn có rất nhiều khác biệt trong phẩm chất tính cách và cảnh ngộ giữa người và người với nhau. Tất cả muôn vàn sai biệt đều do cộng nghiệp và bất cộng nghiệp tạo thành. Xã hội học ngày nay bảo rằng: “Con người là sản phẩm cuả xã hội” hay nói “Thời thế tạo anh hùng” “Anh hùng tạo thời thế” cũng là muốn nói đến ảnh hưởng mật thiết giữa cộng nghiệp và bất cộng nghiệp.

h. Phân loại theo hiệu lực đối với tái sanh

Dẫn nghiệp: Là loại nghiệp dẫn đến tái sanh ở đời sau, nó quyết định thân phận của chúng sanh ở cõi này, cõi khác như cõi người, cõi súc sinh, cõi quỷ đói, cõi trời…. Chúng ta hiện nay có thân phận làm người và sống ở cõi người. Điều đó có nghĩa là trong đời sống trước loại năng sanh nghiệp của chúng ta có tác dụng dẫn chúng ta đến cõi người, cho chúng ta được thân phận làm người.

Mãn nghiệp: Nghiệp hổ trợ do dẫn nghiệp “Nối tiếp và hình thành dẫn nghiệp” như cũng sinh ra làm người (cộng nghiệp) nhưng có người mạnh, yếu, sống lâu, chết yểu, giàu nghèo…. Đó là loại nghiệp dẫn tới quả báo riêng biệt của mọi người gọi là biệt báo.

Năng tiêu nghiệp: Là loại nghiệp ngăn trở, làm giảm yếu năng sanh nghiệp, đã dẫn chúng sanh tới cõi sống hiện tại.

Năng huỷ nghiệp: Là loại nghiệp có tác dụng lớn, huỷ diệt hoặc là bản thân một loại nghiệp hiện hữu hay là kết quả của loại năng sanh nghiệp đó.

Năng huỷ nghiệp có hai trường hợp:      

Một trường hợp dễ hiểu mà chúng ta có thể chứng kiến như trường hợp xe cộ chết nhiều người hay là các cuộc ngộ sát hoặc cố sát. Trong những trường hợp này nghiệp lực của năng sanh nghiệp làm người vẫn còn nhưng có một năng huỷ nghiệp mạnh được tạo ra từ trước bây giờ tới độ chín mùi, đến huỷ diệt nghiệp lực còn tồn tại của năng sanh nghiệp (làm người) tạo ra sự cố mà người việt nam gọi là đột tử hay là bất đắc kỳ tử. Trường hợp thứ hai của năng huỷ nghiệp khó hiểu hơn nhưng lại có khả năng lớn giúp chúng ta cải tạo nghiệp hay là chuyển nghiệp như Tăng Nhất A Hàm dạy:

“Này các Tỳ kheo nếu có người nào đó nói một người phải chịu quả báo theo đúng hành vi của anh ta thì trong trường hợp đó này các Tỳ kheo, sẽ không có đời sống Tôn Giáo, sẽ không có cơ may để đoạn trừ, toàn bộ khổ não. Nhưng này các Tỳ kheo nếu có người nào đó nói rằng quả báo mà một người lãnh thọ tương xứng với hành vi mà anh ta đã làm, thì trong trường hợp đó này các Tỳ kheo, có đời sống tôn giáo, có cơ may để đoạn trừ toàn bộ khổ não…”

Qua đó cho chúng ta thấy thuyết nghiệp của Phật giáo là bất định không phải là cố định. Khi chúng ta lãnh thọ một quả báo thì có thể khẳng định là quả báo được lãnh thọ như vậy hoàn toàn tương xứng với nghiệp nhân đã được tạo ra. Nhưng khi chúng tạo ra một nghiệp nhân thì không thể nói quyết đoán là chúng ta tương lai phải lãnh thọ quả báo tương xứng. Đó là do khả năng cải tạo nghiệp hay là chuyển nghiệp của những loại nghiệp đủ sức mạnh để cải tạo hay chuyển nghiệp quá khứ.

Trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ đã từng có trường hợp của Angulimala một tướng cướp đã từng giết nhiều người về sau gặp Phật được phép xuất gia làm tăng và cuối cùng chứng quả A La Hán. Hoặc Ambapali một kỷ nữ tài sắc và giàu có, quá nửa đời đam mê dục lạc cũng được duyên may gặp Phật được giác ngộ, về sau cũng xuất gia và chứng quả A La Hán… Có thể nói thuyết bất định nghiệp và chuyển nghiệp của Đạo Phật trang bị cho tất cả Phật Tử chúng ta cái bí quyết không những để hạn chế, triệt tiêu nghiệp ác quá khứ mà còn làm cho Phật Tử chúng ta ở mọi hành động nơi thân, khẩu, ý đều phát huy hiệu lực tối đa, tốt đẹp nhất đối với tương lai của bản thân chúng ta và xã hội.

Nghiệp có nhiều loại nhưng không ngoài ba thứ thân, khẩu, ý hoặc thiện hoặc ác hoặc trung dung thuộc hữu lậu hoặc thuộc vô lậu. Nghiệp thiện hữu lậu tánh nó ít nhiều mùi vị bất lương, vị ngã trong đó. Còn thiện vô lậu trái lại hoàn toàn thanh tịnh thoát hẳn mùi vị bất lương, vị ngã vượt ra ngoài vòng sanh tử luân hồi. Đó là diệu thiện. Nay đây nói nguyên nhân của mê không những chỉ ba nghiệp ác mà cũng gồm luôn cả ba nghiệp thiện hữu lậu vì nó là nguyên nhân chiêu cảm quả báo tốt lành trong cõi người, cõi trời. Nhưng đồng thời nó cũng là trợ duyên tiến lên thiền vô lậu, mở đường cho sự giác ngộ nên không thể xem thường được.

  1. 3.         Vai trò tác ý của người tạo nghiệp

Định nghĩa và tác dụng của nghiệp cho ta thấy rằng trong cuộc sống số phận mà mọi người đang nhận lãnh và tất cả những gì đang gánh chịu đều là kết quả của chính họ đã làm nên dù an lạc hạnh phúc hay đau khổ bất hạnh thì con người vẫn luôn luôn là kẻ  thừa tự nghiệp, hưởng những quả mà chính họ gây ra như trong kinh Tăng Chi II Đức Phật dạy: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào đã làm thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp đó.”

                                       (Tăng Chi II, tr. 77. HT. Thích Minh Châu dịch, 1988)

Hay kệ Pháp Cú 155:

“Tự mình điều ác làm,

Tự mình làm nhiễm ô.

Tự mình ác không làm,

Tự mình làm thanh tịnh.

Tịnh không tịnh tự mình,

Không ai thanh tịnh ai.”

Nghiệp luận của Phật giáo không phải là quyết định luận, mạng luận, vận luận, càng không phải là túc mạng luận. Đấy là lý do vì sao người ác thậm chí cực ác, nếu biết hối lỗi bỏ ác làm thiện cũng có thể trở thành bậc Thánh. Trái lại người thiện lành nếu sống buông lỏng giao du bạn xấu, không biết gìn giữ săn sóc ý nghĩ, lời nói và hành vi của mình cũng có thể biến thành người ác, người xấu, khả năng chuyển thiện thành ác yêu cầu chúng ta phải thường xuyên cảnh giác và nổ lực. Khả năng chuyển ác thành thiện cũng động viên mọi người bỏ ác, sống thiện. Nói cách khác, người là chủ nhân của nghiệp nhưng vẫn giữ thế chủ  động đối với nghiệp. Người tuy là kẻ thừa tự của nghiệp nhưng quyết không phải là nô lệ của nghiệp mà hoàn toàn có thể, với nổ lực tối đa và đúng hướng của mình trong hiện tại, triệt tiêu hay là chuyển hướng nghiệp nhân của mình trong quá khứ. Nhưng vấn đề khó khăn ở đây là nhân quả khác thời, từ khi tạo nhân cho đến khi sinh quả phải trải qua một thời gian nhất định. Nếu quả báo thuộc đời này gọi là hiện báo, thuộc đời sau gọi là sinh báo, thuộc đời sau nữa gọi là hậu báo. Nhưng dù là hiện báo, sinh báo hay hậu báo con người cũng không tránh được quả báo do nhân mình tạo ra. Vì vậy thi hào Nguyễn Du đã viết:

“Đã mang lấy nghiệp vào thân,

Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa.”

Con người tự chủ hành vi của mình và chịu trách nhiệm đối với cuộc sống hiện tại và tương lai của mình, không quy trách nhiệm cho thần thánh hay bất cứ một lực lượng siêu nhiên nào. Ta làm ta hưởng, ta tạo ta chịu đừng ỷ lại không ai có quyền thưởng phạt ta bằng ta. Tinh thần ấy biểu lộ qua câu ca dao:

“Có vất vã mới thanh nhàn,

Không dưng ai dễ cầm tàng che cho.”

Do đó, chúng ta là vị kiến trúc sư xây đắp số phận của chúng ta tạo thiên đường hay địa ngục cũng chính ta, những gì mà ta nghĩ, nói, làm là của ta. Chính tư tưởng, lời nói và hành động là nghiệp và chính nghiệp đưa ta lên hay xuống từ kiếp này sang kiếp khác mãi mãi trong dòng luân hồi nên Đức Phật dạy:

“Phước báu và tội lỗi mà con người tạo ra là tất cả những gì mà con người làm chủ, là những gì đưa con người đi từ nơi nầy....

Là những gì luôn luôn chạy theo bén gót con người như bóng theo hình.

Vậy từ đây con người hãy tích trữ cái tốt để đem đi nơi khác trong tương lai.

Hãy tạo một nền tảng vững chắc cho thế gian ngày mai.”

               (Tương Ưng Bộ Kinh phần 1, tr 98 HT. Thích Minh Châu, dịch 1988)

Do đó, điểm đặc sắc về nghiệp trong đạo Phật là vấn đề chuyển nghiệp. Nghiệp có thể chuyển hoá tuỳ theo ý muốn của người tạo tác ra nó. Nhưng điều này chỉ làm được khi nó còn ở giai đoạn hình thành nghiệp nhân. Khi nhân đã thuần thục và sự thọ báo đã đến kỳ thì nó trở thành một sức mạnh ngoài ý muốn bây giờ muốn thay đổi liền kết quả nó cũng không được. Ví như một người học trò làm biếng học suốt năm đến giờ vào thi muốn thay đổi kết quả thi hỏng ra thi đậu cũng khó mà thay đổi cho kịp. Cho nên người có trí, bậc Thánh đệ tử thường ngăn chặn ngay khi nghiệp nhân đang hình thành. Chánh niệm tỉnh giác trong mọi hành động, biết sợ hãi đối với những lỗi nhỏ vì một mồi lửa có thể đốt cháy cả cánh đồng; một con sâu nếu sinh sôi nảy nở có thể phá trụi cả một rừng hoa quả; một hạt thóc gieo xuống đất, ruộng trở thành cây lúa với nhiều bông. Vì thế người trí vừa tránh lỗi lầm nhỏ nhặt, vừa siêng năng làm việc thiện trong mọi trường hợp. Nếu một mồi lửa nhỏ có thể đốt cháy cả cánh đồng thời một việc thiện dù nhỏ được làm với tâm hồn trong sáng vô tư, vô ngã, không vị kỷ cũng có thể đem lại phước báu vô lượng vì:

                “Mọi hành động từ thiện là nấc thang dẫn đến thiên đường.”

                                                                       (Henry Ward Beecher)

Còn phàm phu chúng ta thì mặc sức gây tạo nhân xấu khi quả đau khổ xảy đến thì than trời trách đất rồi đâm ra chán nản với cuộc sống như nhà thơ Nguyễn Công Trứ đã than:

“Kiếp sau xin chớ làm người,

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.”

Hoà Thượng Thích Minh Châu đã từng nhắc nhở chúng ta về nội dung cơ bản của kinh Đại Bát Niết bàn. Hoà Thượng viết: “…Giáo dục của Đạo Phật nhằm thay đổi một quan điểm sai lầm bằng một quan điểm đúng đắn, thay hiểu lầm (vô minh) bằng trí tuệ… theo Đức Phật có 4 điên đảo:

  • Sự vật vô thường xem đó là thường.
  • Sự vật khổ xem là lạc.
  • Sự vật vô ngã xem đó là ngã.
  • Sự vật bất tịnh xem đó là tịnh.

(Bài thái độ và phương pháp của HT. Thích Minh Châu đăng tạp chí tư tưởng số 5 -1971).

Đó là con đường giải thoát thường, lạc, ngã, tịnh của Niết Bàn khẳng định khả năng « chuyển nghiệp » của con người trong cuộc sống thiên nhiên và xã hội. Nói cụ thể hơn đó là nguyên lý khẳng định năng động tính chủ quan của con người có thể tạo ra « Bốn sự đảo lộn, »  bốn biến đổi lớn. Tư tưởng Phật Giáo cho rằng trong quá trình tạo nghiệp qua thân, khẩu, ý con người chẳng những có khả năng hiểu biết và nắm được thực chất của thế giới hiện hữu và của cuộc sống bản thân mà còn có khả năng cải tạo thế giới, cải tạo bản thân (khả năng phá pháp chấp và khả năng phá ngã chấp) để làm chủ khách quan và làm chủ cá nhân mình, không để cho con người nô lệ trước những sức mạnh của lực lượng thiên nhiên và lực lượng xã hội, nô lệ trong sự trói buộc của những dục vọng bản năng thấp hèn, của những quyền lợi ích kỷ và của những kiến hoặc ngoại đạo. Sự khẳng định này có một ý nghĩa thật lớn lao đối với con người và cuộc đời, mở ra một chân trời bao la đầy hứa hẹn, ước mơ và tươi đẹp tạo cho con người có niềm tin và ý chí vương lên trong cuộc sống. Thực tế cho thấy những nhà bác học phần đông phải trải qua những thất bại khổ đau thậm chí còn luôn gặp những số phận tối tăm nhưng họ không cam tâm chịu như một số phận an bài mà đã vươn lên đạt đến đỉnh cao của vinh quang trong cuộc sống và hiện nay biết bao tấm gương sáng vượt lên trên số phận của mình đạt đến sự thành công xuất hiện trên báo chí. Nhưng bên cạnh đó cũng không ít người đã gục ngã trước những thất bại đắng cay nên dẫn đến những cái chết bi thương đúng như lời nói một triết gia đã nói: “ Cảnh khổ là nấc thang cho những người anh tài, là kho tàng cho những người khôn khéo, nhưng cũng là hố thẳm cho những kẻ yếu hèn. 

Về các nghiệp do thân làm ra hay do miệng nói ra thường có ý niệm sai khiến. Có những người làm những thân nghiệp ác, khẩu nghiệp ác với ý niệm thiện như sát hại bạo chúa để cứu mạng người. Ngược lại cũng có nhiều người làm những thân nghiệp thiện, khẩu nghiệp thiện với ý niệm ác như giả làm nhân nghĩa để lừa gạt người khác, kiếm lợi cho mình hoặc tổ chức những nhà nuôi trẻ mồ côi với mục đích vụ lợi.... nên một nhà văn hào Pháp có nói: 

Kẻ ác là kẻ chỉ biết làm tốt cho chính mình. 

(Le mschant est celui qui n’est bon que pour  soi.)

Vì thế điều cốt yếu phải nhận định thiện ác nơi ý niệm chớ không phải nơi việc làm bề ngoài. Do đó, chúng ta phải luôn luôn để ý xem tâm ta, theo dõi những vấn đề thiện ác để tránh những nhân xấu. Đức Phật dùng một hình ảnh tuyệt đẹp để diễn tả sự sai khác giữa pháp của bậc thiện và của kẻ ác :

Thật là xa, thật xa khoảng cách giữa mặt đất và bầu trời. Thật là xa thật xa khoảng cách giữa mặt trời mọc và chỗ mặt trời lặn nhưng còn các xa, cách xa hơn nữa là khoảng cách giữa pháp của bậc thiện và pháp của bậc ác. 

(Tăng Chi Bộ kinh, HT. Thích Minh Châu dịch, 1988.)

Cho nên trong cuộc sống nếu chúng ta không tịnh hoá ác nghiệp nhờ bốn năng lực của sám hối và chế ngự thì ác nghiệp không buông tha chúng ta dù đời cuối cùng chúng ta là Bồ Tát như Ngài Mục Kiền Liên, đệ nhứt thần thông bị ngoại đánh bằng cây tích trượng của họ. Toàn thân thể của Ngài trông như ngọn cỏ chỉ: Thịt xương Ngài bị đòn nhừ tử thành một đống bột nhão. Xá Lợi Phất hỏi tại sao Ngài không thi triển thần thông. Ngài đáp: “Khi nghiệp đến một chữ thần không nhớ lấy gì nhớ chữ thông.” Kinh Hiền Ngu, kinh Một Trăm Bài Kệ, Một Trăm Mẫu Truyện Thừa, Truyền Thừa Tạng Luật…. điều nói sau khi bạn tích luỹ tội hay phước thì kết quả không mất, không thể nào nghiệp trở thành phi hữu, con người không thể trốn tránh kết quả của nghiệp nên kệ 127 kinh Pháp Cú viết:

“Không trên trời giữa biển,

Không lánh vào đồng núi.

Không chỗ nào trên đời,

Trốn được quả ác nghiệp.”

Hoặc:

“Điều ác tự mình làm,

Tự mình sinh mình tạo.

Nghiền nát kẻ ngu si,

Như kim cương ngọc quý.”

(Pháp cú kệ 161)

Do đó, chúng ta phải thường xuyên tỉnh táo cảnh giác trong mọi ý nghĩ, lời nói và hành vi dù là nhỏ cũng phải thiện lành quang minh, chánh đại hợp với chánh đạo, chúng ta phải biết luôn luôn tự chế ngự mình, không những không nói lời bất thiện, không có hành vi bất thiện, một tư tưởng bất thiện, một cảm xúc bất thiện. Chúng ta phải thay đổi lối hành xử ngay ở cấp độ tinh tế nhất, để cuộc sống và giá trị của cuộc sống có một ý nghĩa đúng đắn và một giá trị thẩm mỹ tích cực. John Ruskin, một nhà canh tân giáo dục xã hội Anh đã phát biểu rằng:

“Chỉ có đời sống là thứ của cải giá trị nhất. đời sống bao gồm các giá trị của yêu thương, của vui tươi và nhận thức. Nơi nào nuôi dưỡng được nhiều nhất những tâm hồn cao quý và sung mãn thì nơi ấy giàu mạnh nhất.”

Cho nên trong cuộc sống mọi ý nghĩ, hành động, lời nói của chúng ta phải được trang bị bằng tình thương bao la, rộng lớn và trí tuệ sáng suốt.

  1. 4.          Ảnh hưởng lòng từ và trí tuệ đối với người tạo nghiệp

Lòng từ là tình thương bao la, đồng đều đối với mọi người, mọi loài, cố gắng giúp đỡ kẻ khác được an vui. Người có lòng từ sẽ đoạn trừ được tận gốc sân hận, thù hằn, hiếu sát, hiếu chiến. Nhờ có lòng từ mà cõi Ta Bà bớt tiếng khóc than bể sâu vơi nước mắt, nụ cười nở trên môi. Cho nên từ tâm là nền tảng của đạo đức Phật giáo. Không có tình thương vị tha triệt để này thì không có sự hy sinh bản thân mình để  đem lại hạnh phúc cho dân tộc hay nhân loại. Những tấm gương hy sinh cao cả đều xuất phát từ lòng từ. Lòng từ là một động lực thúc đẩy con người làm mọi điều tốt lành cho nên nó được ví như suối mát để mọi người tắm gội khi phiền não nóng bức. Lòng từ cũng ví như bình nước cam lồ mát mẻ ngọt ngào cứu nguy cho những người khi bị lửa sân, si thiêu đốt cháy cổ như trong kinh Maha Dhammapala Jataka số 385 miêu tả tâm từ rằng: có một vị Bồ Tát trẻ tuổi khi bị mang án tử hình trong giây phút cuối cùng của cuộc đời, tư tưởng sau đây đã đến với Ngài: “Đứng trước đây là cha ta, còn mẹ ta thì đang than khóc thảm thiết, kia là người đao phủ đang chuẩn bị hành quyết ta và ta là một con người sắp sửa bị hành quyết. Dù sắp sửa chết nhưng ta phải ban rãi tình thương cho mọi người. Ta cầu nguyện cho cha ta - Ta cầu nguyện cho mẹ ta - Ta cầu nguyện cho người đao phủ và ta cầu nguyện cho ta. Ta cầu nguyện cho tất cả bốn người đều được an vui và hạnh phúc.”

Qua đoạn kinh vắn tắt này, chúng ta thấy rõ tâm từ là tình thương yêu đối với muôn loài vạn vật nên chúng ta mới có một mãnh lực mãnh liệt nhất để tái hiện cuộc sống như thực hành một nghệ thuật cao cả của cái đẹp trong cuộc sống nên nói: “Chỉ có lòng từ bi rộng lớn mới là giá trị chân tuyệt đối.” (Mục đích Phật Giáo Viên Âm số 86, tr. 9)

Nếu hằng ngày chúng ta trau dồi và thực hiện tâm từ bằng lời nói và hành động tự nhiên bức màn ngăn chặn cách che giữa “ta” “người” tan rã. Sự phân biệt giữa người và ta lần lần biến mất và cái “ta” sẽ đồng nhất với toàn thể, không còn ta nữa. Ta sẽ đồng hoá tất cả. Một người Phật Tử chơn chánh phải hành pháp từ đối với chúng sanh và phải tự mình đồng hoá hết thảy không phân biệt giai cấp, tôn giáo, chủng tộc, nam nữ sẽ có tác dụng quý báu thiết thực ích lợi cho cuộc đời, ảnh hưởng tốt đẹp cho cuộc sống. Lòng từ làm cho con người trở nên huyền diệu, rộng rãi thông cảm với đồng loại với muôn vật, với cỏ cây, biết tôn trọng sự sống tất cả và không có lý do gì sát hại lẫn nhau. Cho nên chúng ta đều tôn sùng bậc:

“Đại từ, Đại bi mẫn chúng sanh,

Đại hỷ, Đại xả tế hàm thức.”

Tâm từ đại đồng của Phật Giáo căn cứ trên sự sáng suốt. từ bi mà không có trí tuệ sẽ tác hại như một bà mẹ thương con không đúng cách, nuông chiều theo mọi sở thích của nó chỉ làm hại nó. Trí tuệ không có từ bi thì cũng tác hại ví như nhờ trí huệ mà các tiến bộ khoa học kỹ thuật hình thành, nếu không từ bi mà sử dụng các tiến bộ khoa học thì sức tàn phá sẽ vượt ngoài sức tưởng tượng của chúng ta như khi sử dụng năng lượng hạt nhân nếu việc sử dụng này dưới sự chỉ đạo của lòng từ thì lợi ích vô cùng ngược lại sử dụng dưới sự chỉ đạo của ác tâm thì tai hoạ cũng không lường được. Do đó, từ bi không có trí tuệ cũng như người có tim mà không có óc; trí tuệ thiếu từ bi cũng như người có óc mà không có tim cho nên từ bi và trí tuệ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động con người vì tuỳ theo tâm thức của người tạo tác và quả báo khác nhau. Tăng Chi Bộ kinh Phẩm Phân Biệt Hạt Muối, Đức Phật giải thích: một người dân đen ăn trộm một con dê của nhà giàu có, thế lực. Do tội lỗi đó, người dân nghèo có thể bị hành hạ hay bị nhốt tù cho đến xử tử nhưng nếu việc đó được thực hiện bởi ông quan lớn của triều đình thì hậu quả có thể không là gì cả giống như nắm muối đó vào trong tô nước hay ghè nước thì rõ ràng nồng độ mặn đáng kể. Cũng thế, cùng phạm một tội với người tâm tư bỏn xẻn không tu tập giới, định, tuệ không có lòng từ thì quả báo của nó có thể rơi vào địa ngục. Nhưng đối với người tu tập giới, định, tuệ từ tâm rộng rãi thì xem như kết quả không có hay có rất ít. Có như thế thì sự tu tập để chuyển đổi nghiệp, để đoạn trừ phiền não đạt được an lạc giải thoát mới có thể xảy ra. Đối với bậc giác ngộ thì những hành động, lời nói, ý nghĩa của các Ngài luôn luôn mang tính chất từ bi và trí tuệ để làm lợi ích cho chúng sanh. Cho nên bậc Thánh đã chứng quả Phật và A La Hán sẽ không còn tạo nghiệp nữa. Mọi hành động của bậc Thánh đều không bắt nguồn từ tham, sân, si nên không đem lại quả lành hay quả dữ. Hành động của bậc Thánh là siêu việt cả thiện và ác, siêu việt mọi phân biệt đối đãi cả trên bình diện đạo đức:

“Cũng như hoa sen đẹp không dính nước, bậc Thánh không chấp vào thiện ác... Một người siêu việt thiện và ác, sống thanh tịnh, đi qua đời với sự hiểu biết người đó xứng đáng được gọi là Tỳ Kheo.”

                     (Tương Ưng Bộ Kinh - HT. Thích Minh Châu dịch 1988, tr. 547.)

Do đó, chúng ta cần thấy và học tập ở các Ngài những giáo pháp thậm thâm, những trí tuệ siêu việt, những thứ mà các Ngài đã khổ công tu tập khám phá để giúp cho chúng ta đoạn tận sanh tử, khổ đau mới thật sự là đúng đắn và cần thiết. Đạo Phật đã vạch rõ căn cứ trên luật nhân quả nguyên nhân của đau khổ là “Vô minh” là mê mờ không sáng suốt, không nhận chân sự thật, sống không phù hợp với đạo lý vì hạnh phúc của tất cả chúng sinh. Con đường tốt đẹp nhất để xây dựng một cuộc sống an lạc là phải trau dồi khối óc với con tim theo một lẽ sống thuận tình và hợp lý trong vòng nhân sinh, theo một nếp sống mà Phật Giáo gọi là chánh nghiệp. Chánh nghiệp là đạo lộ nhầm hướng dẫn những hành vi, tạo tác của con người về thân, khẩu, ý theo đúng hướng, nhằm phát sinh những hành vi đạo đức, khả kính, hoà nhã. Đó là thực hành đúng theo 5 cấm giới hay thiện nghiệp.

  • Về thân: Không sát sanh, không trộm, không tà dâm.
  • Về Lời: Không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm.
  • Về ý: Không tham lam, không sân hận, không si mê.

Thực tế, đây phải là quá trình rèn luyện không ngừng nâng cao trí tuệ và trao dồi đạo hạnh để đạt đến giác ngộ giải thoát. Phải có trí tuệ tạo ra khả năng thấu triệt và thể nhập chơn lý vũ trụ và cuộc sống cộng đồng nhân sinh, phân biệt thiện ác, chánh tà chơn giả. Phải có lòng từ bi tôn trọng sự sống mở rộng tình thương từ cha mẹ, ông bà đến đồng bào đất nước. Xa hơn chúng ta phải quan tâm đến cuộc sống của cả bản nhân loại luôn nghĩ đến những việc làm đem lại nguồn vui và hạnh phúc cho mọi người trên tinh thần “Vô ngã vị tha.” Do do, đuốc tuệ và từ bi như đôi cánh chim nương vào nhau tạo nguồn sức mạnh đưa con người đến những tầng cao hơn.

  1. 5.         Sự liên hệ giữa giáo lý nghiệp báo và giáo lý vô ngã trong đạo Phật

Như chúng ta biết nghiệp do hành động tạo tác của con người mà con người là do sự kết hợp của năm yếu tố: sắc, thọ, tưởng, hành, thức tạo thành.

  • Sắc uẩn: Là thân thể vật chất.
  • Thọ uẩn: Lạc khổ, không khổ, không lạc.
  • Tưởng uẩn: Là sự nhận biết sự vật qua các giác quan và ký ức.
  • Hành uẩn: Là các hành động ý chí.
  • Thức uẩn: Là sự nhận thức nhờ vào nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.

                       (Thiền Luận Quyển Trung, Daiseizteitaro Suzuki, 1992, tr. 405.)

Tác động của nghiệp hoàn toàn vô ngã và không dính dáng gì đến người làm thiện hay ác. Không có tác giả của những tác nghiệp hay hành vi, không có thọ giả hay người hưởng quả chỉ là do các uẩn chuyển biến đó là sự nhận xét đúng với chân đế. Có nghiệp, có quả cũng giống như sự tuần hoàn của cây và trái cây (nghiệp và quả). Mỗi mỗi làm nhân cho nhau mà chuyển biến không ai có thể nói được đâu là đầu mối hay chung cục của nó. Sự biến hoá trên đây là sự nối tiếp vô thuỷ, vô chung tức là luân hồi vô hạn. Điểm này Kinh Di Lan Đà và Trí độ Luận II trang 80 thí dụ như một ngọn đèn này lan sang ngọn đèn khác để nói rõ ý nghĩa liên tục bất đoạn cũng như con tằm hoá hình con nhộng, con nhộng biến thành con Ngài biến thái như nhau và liên tục. Đại Đức Buddhaghosa dạy rằng: Khi những thành phần vật chất phối hợp lại cấu thành cái gọi là cây, một ngày nào và ở một điểm nào trổ ra trái thì ta gọi: “cây sanh trái” hay “cây trổ trái.” Cũng giống như thế năm uẩn (sắc, thọ tưởng hành, thức) phối hợp lại cấu thành cái gọi là Trời hay Người và một ngày nào đó “quả lành” hay “quả dữ” trổ sanh ta nói rằng vị Trời hay Người ấy có phước hay vô phước. Về điểm này Phật cũng đồng quan điểm với giáo sư William James khi Giáo Sư bác bỏ luận cứ của Descartess và chủ trương rằng: “Chính tư tưởng là người tư tưởng.”

Nếu không nghiệp, không có người tạo nghiệp, làm thế nào có quả sanh ra từ nghiệp? Nếu không có quả báo làm sao có người thọ quả báo?

“Tác nghiệp hiện hữu ngoài cảm quả,

Và cảm quả ở ngoài tác nghiệp.

Nhưng chính do tác nghiệp,

Mà cảm quả xuất hiện.”

                               (Nguyên Thuỷ PGTTL, HT. Thích Quảng Độ dịch, 1971.)

Tác ý hay ý muốn làm động cơ phát khởi hành động (bằng thân, khẩu, ý) là kẻ tạo nghiệp. Thọ, cảm giác là kẻ gặt quả. Ngoài hai tâm sở “Tác ý”“thọ” không có người chủ tác nghiệp, cũng không có người gặt quả. Dù không có người chủ tác nghiệp, cũng không có người gặt quả. Dù không có người chủ tác ở hậu trường cảm nhận thực sự giá trị của nghiệp nhưng không hẳn không lý đến tính cách của hành vi đang được tạo tác và tính cách của hậu quả phát xuất. Nếu không hiểu tường tận về “Giáo lý nghiệp báo” con người dễ ngộ nhận thân này là vô ngã, mọi hành động tạo tác là hư dối, không thật nên mặc sức tung hoành tạo nghiệp đến khi quả thuần thục dễ dẫn đến bi quan yếm thế trong cuộc sống, chớ biết đâu:

“Liễu tức nghiệp chướng bổn lai không, vị liễu ưng tu hườn túc trái.”

(Liễu ngộ tức nghiệp chướng xưa nay không, chưa liễu ngộ cần phải đền nợ trước.)

                                                                       (Chứng Đạo Ca- NXB Lá Bối.)

Cho nên có Thiền Khách hỏi Thiền Sư Cảnh Sầm ở Trường Sa: “Tổ Sư Tử Liễu chưa mà bị vua nước Kế Tân chặt đầu.”

Thiền Sư đáp: “Đại Đức chưa liễu nghĩa nghiệp chướng bổn lai không.”

Sau khi liễu ngộ Tổ thấy các pháp duyên hợp lại hư dối, thân năm uẩn cũng thế nên hành động tạo tác từ thân lại càng hư dối hơn. Hành động đã hư dối thì nghiệp do hành động tạo thành làm sao thiệt được. Bởi thấy nghiệp không thật nên xem thường không quan trọng có đến cũng như trò chơi có gì phải hoảng sợ kinh hãi. Cho nên Vua Kế Tân muốn hại Tổ Sư Tử cầm dao đến trước Tổ hỏi: “Ngài thấy năm uẩn đều không phải chăng?”

Tổ đáp: “Phải.

Vua nói: “Ngài cho tôi cái đầu được không?”

Tổ đáp: “Năm uẩn không xá gì cái đầu.”

Vua chặt đầu Ngài.

Qua mắt chúng ta thấy đó là trả nghiệp đáng sợ. Song với Tổ đã thấy không thật nói gì là trả. Thật sự nghiệp đã vay thì phải trả chỉ khác ở chỗ mê thì thấy thật, ngộ thì thấy không thật, đã không thật thì trả cũng như không trả. Vì thế nói: “Liễu tức nghiệp chướng bổn lai không.” Cứu cánh thấy nghiệp báo không thật quả là thấu tột bản chất của nghiệp báo. Tuy không thật nên chẳng mất đây là bí yếu của Đạo Phật. Do đó, nghiệp là năng lực cá biệt được chuyển từ kiếp này sang kiếp khác. Nghiệp thủ một vai trò quan trọng trong việc cấu tạo tâm tánh con người. Nghiệp giải thích hiện tượng kỳ diệu mà ta gọi là vĩ nhân, thiên tài, thần đồng… Một sự hiểu biết rành mạch về định luật nghiệp báo là điều kiện chính yếu khả dĩ tạo an vui hạnh phúc cho thế gian.

III. GIÁO LÝ NGHIỆP BÁO LÀ NỀN TẢNG CỦA ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI

Đạo đức là những phép tắc, những chuẩn mực qui định quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân và xã hội trong một thời đại nhất định. Đạo đức được biểu hiện là “những điều nên làm” và “những điều không nên làm” cho cá nhân, gia đình và xứ sở. Nó vốn là sản phẩm tư duy của con người. Do đó, đạo đức rất cần thiết cho mọi người. Sự suy sụp về mặt đạo đức sẽ là tai hoạ lớn lao cho con người và cuộc đời nếu con người không sáng suốt áp dụng nó trong mọi trường hợp có khác nào “Một ân nghĩa ban bố ra sẽ làm mất vẻ đẹp của nó.”

Aristotle cũng đã nói: “Một hành vi đạo đức không làm thành đạo đức, cũng như một con én không làm nổi mùa xuân.”

Tình hình suy thoái đạo đức hiện nay bình tĩnh khách quan mà nhận xét phải nói là nghiêm trọng đến mức có người cho rằng vô phương cứu chữa. Về mặt chính trị những vụ đàn áp, bức hại cán bộ và nhân dân vẫn xảy ra không ít, nạn ô dù tham nhũng rất phổ biến. Về an ninh thì nạn chụp giật, trộm cướp, gây án mạng, các vụ phạm pháp của thanh thiếu niên khá nhiều những kẻ phạm tội vẫn ung dung sống ngoài sự trừng phạt trị của pháp luật, có người kết án tù vẫn sống phè phỡn tự do như thách thức đối với tất cả mọi người. Về kinh tế thì lường gạt chia chác, phung phí tài sản nhà nước, thu gom bất chính chiếm đoạt tài sản của nhân dân cứ ngang nhiên diễn ra. Về văn hoá thì nạn mãi dâm, cờ bạc, rượu chè tràn lan…. Không kể xiết. Tình hình ấy đòi hỏi mọi người phải có tinh thần trách nhiệm cá nhân cao. Do đó, giáo lý nghiệp báo quả thật hữu dụng và có giá trị thiết thực để lập lại một trật tự đạo đức mới cho con người và xã hội hiện đại. Giáo lý ấy răn con người hãy lãnh lấy trách nhiệm về những hành động có ý thức của mình “đã gieo giống nào sẽ gặt quả nấy, hành thiện gặt quả lành, hành ác gặt quả dữ” nên Đức Phật dạy chúng ta hãy thận trọng từ trong ý nghĩ, luôn luôn chánh niệm tỉnh giác. Chánh niệm là ý nghĩ chơn chánh, không nghĩ xấu, nghĩ ác. Tỉnh giác là tỉnh táo theo dõi mọi ý nghĩ, ý niệm, đảm bảo mọi ý nghĩ, ý niệm trong tâm ta đều chơn chánh thiện lành không để cho xen vào bất cứ niệm bất thiện nào. Chúng ta phải luôn luôn thường xuyên tỉnh táo đề phòng khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, thân xúc chạm không để cho tâm mống khởi một ý niệm ác nào, nếu có phải lập tức tìm ra nguyên nhân và đoạn trừ. Chúng ta làm thiện thì không những tự thân chúng ta được hạnh phúc an lạc mà ngay cả những người khác cũng được hạnh phúc an lạc nhờ ảnh hưởng bởi nếp sống hạnh lành của chúng ta nên dân gian có câu:

“Nhất nhơn tác phước thiên nhơn hưởng,

Độc thọ khai hoa vạn thọ hương.”

(Một người làm người ngàn người được hưởng,

Một cây trổ hoa muôn cây được thơm lây.)

Một người sống làm thiện, một gia đình được hạnh phúc an lạc. Một gia đình sống làm lành, một khu phố bình yên, một xã hội mong đợi các thành phố bình yên nhưng tất cả đều tuỳ thuộc vào nếp sống làm lành của chúng ta. Ví như bông hoa tươi đẹp vừa có sắc lại vừa có hương khiến mọi người khi ngắm vào đều cảm thấy hân hoan, thích thú như Đức Phật dạy trong kinh Pháp Cú kệ 52:

“Như bông hoa tươi đẹp,

Có sắc lại thêm hương.

Cũng vậy lời nói khéo,

                                                Có làm có kết quả.”

Bông hoa tươi đẹp dự báo một hương sắc tinh khiết đối với người trồng hoa cần mẫn. Cũng vậy Phật tử tin vào thuyết nghiệp báo tránh đi những điều ác, thực hành những điều thiện sẽ đưa đến một nếp sống an lạc hạnh phúc. Mọi khả năng nằm sẵn trong bàn tay của chúng ta, trông chờ sự quyết tâm nổ lực của chúng ta. Đã qua rồi thời đi tìm giải đáp cho câu hỏi hạnh phúc là gì và đạo đức là gì? Ngày nay không còn gì nữa chúng ta đã hiểu rõ hạnh phúc không thể trông chờ từ người khác và đạo đức không chỉ là sự cỗ vũ và đề cao các giá trị nhân bản trên sách báo hay trong các bài diễn văn mang tính chuyên đề. Cuộc sống hiện đại trông đợi những biểu hiện của đạo đức và hạnh phúc nơi mỗi người, mỗi gia đình và xã hội. cho nên đạo đức Phật giáo là đạo đức luôn luôn nhắc nhở con người thấu hiểu lý nghiệp báo như một lẽ công bằng một qui luật khách quan và khuyến thiện triệt để từ trong ý nghĩ, lời nói, việc làm có thể nói đó là nền đạo đức hoàn chỉnh tại gia, xuất gia đều làm được. Trên thế giới cũng thành lập năm nguyên lý của một nền trật tự đạo đức mới toàn cầu vì thế giới đang đứng trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh hạt nhân, tận diệt loài người, tận diệt cả nền văn minh nhân loại. Chúng ta thấy rằng cả thế giới chẳng ai muốn chết cả, nhất là hết trong một cuộc tận thế của “Mùa đông hạt nhân.” Trong tất cả các nước ngày càng phát triển rộng rãi và mạnh mẽ các phong trào đấu tranh cho hoà bình. Coi việc ngăn chặn thảm hoạ hạt nhân là vấn đề sống còn của 5 tỷ người trên hành tinh của chúng ta. Thế giới đang đặt ra mục tiêu phấn đấu cho “Một thế kỷ 21 yên lành.” Đó là con đường phải loại bỏ nguy cơ chiến tranh hạt nhân trước năm 2.000. Với niềm tin, nhân loại đã đặt ra những vấn đề khi đã có khả năng giải quyết:

  • Cống hiến cuộc sống của mình cho hạnh phúc của tất cả chúng sanh và cho sự nghiệp hoà bình, cho giải trừ quân sự và tình huynh đệ quốc tế.
  • Sống nếp sống đạm bạc, lành mạnh biết đủ để dành nhiều thời giờ và sức lực hơn cho sự nghiệp hoà bình và hạnh phúc của tất cả chúng sanh.
  • Không tham gia bất cứ hành động nào dẫn đến xung đột và chiến tranh. Thực hiện mọi hoạt động dẫn tới hoà bình, hài hoà và sự cảm thông quốc tế.
  • Tôn trọng sự sống của mọi loài hữu tình, vì sự sống còn của hành tinh, vì sự trong sạch của môi trường.
  • Chung sống hoà bình và cùng nhau hợp tác trong tinh thần hoà hài quốc tế và hữu nghị anh em.

Chúng ta đừng cho rằng đấy là những mơ ước viễn vông mà là những nguyện vọng đầy tính hiện thực. Nhưng cái quả đẹp đẽ của tương lai an lành đó phải bắt nguồn từ cái “Nhân” tạo dựng từ hôm nay: “Dục tri lai thế quả - Kim sanh tác giả thị.” Chiến lược cho một thế kỷ 21 yên lành sẽ tạo ra một bước tiến nhảy vọt trong cuộc sống xã hội trên toàn thế giới đòi hỏi bàn tay và khối óc ủa con người. Do đó, con người là kẻ tự cứu mình và là ánh sáng soi đường cho mình. Muốn được giải thoát, con người phải có một tự ngã, vô ngã, một cái ngã có đạo hạnh và trí tuệ.

C. KẾT LUẬN

Tiểu luận này nói về “Nghiệp Báo” nhưng trọng tâm nói về con người. Con người là tất cả, con người là trung tâm của xã hội quyết định tổ chức và vận mệnh của xã hội. Mọi tư tưởng tiến bộ và phát triển phải từ con người là chính. Nhà đạo học khiêm tư tưởng gia Ấn Độ Swami Vivekenanda từng nói: “Con người cao cả hơn các loài vật, các vị thiên thần. Ngay các vị thiên thần còn phải giáng sinh làm người mới hoàn toàn giác ngộ.” Cho nên việc thành Phật Thánh, phi con người ắt hẳn khó thành. Đức Khổng Tử cũng dạy “Nhân vi vạn vật chi linh.” Ý này đồng nghĩa với câu: “Nhân vi tối thắng, năng sinh nhất thiết chư thiện pháp cố.” (Kinh Hoa Nghiêm). Thực tế đã chứng minh rằng trải qua hai thế kỷ phát triển công nghiệp con người trở thành một sức mạnh vô địch trong sự biến cải bộ mặt trái đất. Những phương tiện cơ giới và kỹ thuật luôn luôn được cải thiện và hiện đại hoá nhằm phát triển kinh tế và nâng cao mức sống khiến con người không ngừng nghỉ trong việc chế tạo ra ngày càng nhanh, càng nhiều những mặt hàng lợi nhuận cao. Do đó, con người không từ một hành động nào dù là thiện hay bất thiện đưa đến hệ quả nhân loại đang sống trong cảnh lo âu, sợ hãi một cuộc chiến tranh huỷ diệt loài người bằng vũ khí hạt nhân. Nếu trước kia con người lo sợ thần linh giáng hoạ lên mình thì ngày nay nhân loại không còn sợ thần linh bằng sợ con người đầy ác tâm, hiếu sát, say mê  theo quyền hành và lợi lộc mà nhẫn tâm trút hết tai hoạ lên nhân loại bằng vũ khí tối tân. Do đó, giáo lý “Nghiệp Báo” là hồi chuông giống lên đánh vào tâm thức cảnh tỉnh mọi người phải biết phân biệt rõ ràng thiện ác, cần phải từ bỏ việc ác, cần phải thành tựu hạnh lành. Chỉ có hành động thiện mới tôn trọng bảo vệ sự sống cho mình và cho người. Điều lành là những việc làm không hại người, hại mình, hại cả hai và được người trí tán thán sẽ đem lại an lạc hạnh phúc lâu dài. Trong kinh Tăng Chi II trang 130 Đức Phật dạy có bốn hạng người trên thế gian này:

  • Hạng thứ nhất: Chuyên làm khổ mình.
  • Hạng thứ hai: Chuyên làm khổ người.
  • Hạng thứ ba: Chuyên làm khổ mình và người.
  • Hạng thứ tư: Không làm khổ mình, không làm khổ người.

Bốn hạng trên tựu trung không ngoài hai hạng: Hạng người biết phục thiện và hạng người không biết phục thiện. Hạng người biết phục thiện là đôi lúc vấp phải lỗi lầm, bởi không hay quên làm chủ  được tam nghiệp sau đó liền hối cải ăn năn. Hạng người này trước lúc hành động thường nghĩ đến hậu quả, xã hội rất quý chuộng. Hạng người bất phục thiện là những gì ngược lại, xã hội rất đố kỵ, bị vất bỏ như đồ vô dụng ví như chiếc bình vỡ bị quăng vào xô rác. Vậy mỗi người phải xem mình là hạng người nào. Nếu chúng ta thuộc hạng bất phục thiện thì chúng ta phải điều chỉnh lại trong mọi hành động lời nói, ý niệm của mình gột rửa tâm trí ta cho sạch hết những bụi bậm mà dục vọng đã tạo ra… loại trừ những phiền não như tham lam, sân hận, si mê. Đây là quá trình thử thách gay go nhưng chỉ qua đó mới chứng được hạnh tu hành, có đạo đức trong sáng. Đức Phật xác nhận con người là trung điểm của xã hội và muốn cải tạo xã hội phải bắt đầu bằng việc cải tạo con người và chính con người phải chịu lấy nhiệm vụ gột rửa thân tâm mình. Thâm hiểu đạo lý Nghiệp chúng ta không còn hoài nghi trước những hiện tượng biến thiên tong cuộc sống và mọi hiện tượng chênh lệch trong xã hội vì:

                                           “Thế biệt do nghiệp sanh.”

                             (Câu Xá Luận, HT. Thích Thiện Siêu, 1992).

Giá trị muôn đời và nhân bản hơn nữa là giáo lý nghiệp báo nhằm thổi vào thế giới loài người một luồng gió tươi mát, tin yêu hy vọng với thành ý xua tan mọi bóng tối mà con người mãi đeo mang. Điều tối quan trọng là không ai ngoài ta cứu vớt mình ra khỏi ô uế tội lỗi cả và mọi việc trong đời sống, bốn bề ta tự gánh vác bằng tâm lý, hành động thánh thiện của mình. Ta thành Thánh ngay chỗ ta biết việc làm của rmình vì: “Chúng ta là chủ nhân của Nghiệp, là thừa tự của nghiệp nhưng không phải là nô lệ của nghiệp.”

Nghĩa là những gì mình đang cảm nhận ở đây hôm nay là do chính mình tạo ra, không có một thế lực nào khác ngoài chúng ta tham dự vào mang tính quyết định. Chúng ta đã tạo ra con đường đi cho chính mình thì không thể, không được phép khóc than, oán giận bất cứ ai ngược lại phải bình tỉnh tìm cách giải quyết vấn đề. Chúng ta có thể hoán cải nghiệp báo hay triệt tiêu nghiệp nhân của mình trong quá khứ vì chúng ta là chủ nhân của nghiệp chớ không phải là nô lệ của nghiệp. Do đó, chúng ta phải tự tin, dũng cảm và cang cường trong việc quyết định số phận của rmình, trong việc chuyển đổi hoàn cảnh nghiệp báo và vun bồi một đức tánh khiêm cung từ ái đối với tất cả vì ai cũng có thể thay đổi số phận và tiến bộ tốt đẹp. Hôm nay là kẻ xấu ác nhưng mai đây lại trở thành người lương thiện hữu ích, làm tốt cho gia đình và xã hội. Trên cơ sở nhận thức đó chúng ta không còn khinh bạc người xấu, bao dung tha thứ đối với lỗi lầm sai trái của con người. Từ đó trong tiềm thức sâu xa của chúng ta luôn có lòng tin đối với tất cả. Tin người như tin vào chính mình, vào thật sự trong cuộc sống không ai hoàn toàn bị bỏ đi, không có giá trị sớm hay muộn rồi tất cả những người đang hiện hữu quanh ta hiện nay đều hữu ích và thăng hoa như Đức Phật dạy: “Các người là Phật sẽ thành.”

Khi nhìn đời và người theo chiều hướng tâm tư như vậy, chúng ta có thể cảm nhận đâu đây lòng tin yêu chan hoà trong cõi thế và trong cả bằng hữu thân quen. Lúc đó, mỗi hành động nơi thân, lời nói và ý nghĩa đều phát huy hiệu lực tối đa, tốt đẹp nhất đối với tương lai của bản thân chúng ta và xã hội. Đó là nhờ ánh sáng chánh pháp soi rọi ra ân ích vô lượng hy hữu cho một kiếp dương trần gió bụi này. Ta chào vĩnh biệt luân hồi từ ngay tự tâm mình. Thật là:

“Lang thang mấy độ luân hồi,

Vô minh thuở trước xa khơi dặm về.

Trông ra bể ái nguồn mê,

Một phen giác ngộ trở về nguồn chơn.”

                                                                       (Thiền sư Linh Hựu.)

 

                                     TÀI LIỆU THAM KHẢO

Trung Bộ Kinh                                                    HT. Thích Minh Châu dịch 1986

Tương Ưng Bộ Kinh                                     HT. Thích Minh Châu dịch 1988.

Thiền Luận                                                   Daiseizteitarro Suzuki 1992.

Kinh Pháp Cú                                               HT. Thích Minh Châu dịch 1990.

Đức Phật và Phật Pháp                                 Phạm Kim Khánh dịch 1989.

Các tập Văn.

Tư Tưởng.

Từ Quang

Báo Giác Ngộ

Ca Dao Tục Ngữ

Thơ                                                                Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/04/2023(Xem: 12194)
Thượng Tọa Thích Trí Siêu từ Pháp Quốc sẽ giảng pháp tại Úc Châu vào tháng 4 năm 2023 -- Thượng Tọa Thích Trí Siêu sinh năm 1962 tại Sài Gòn. Theo cha mẹ tỵ nạn qua Pháp năm 1975. Năm 1985 nhập chúng tu học tại Tự Viện Linh-Sơn, tỉnh Joinville-le-Pont, Paris. Năm 1987 thọ cụ túc giới với Hòa Thượng Thích Huyền-Vi. Tuy xuất thân từ Đại Thừa, nhưng Thầy đã không ngần ngại du phương tham vấn và tu học với nhiều truyền thống khác như : Nguyên Thủy, Đại Thừa, Kim Cang Thừa Tây Tạng.
21/04/2023(Xem: 3998)
Khi giác hạnh đã viên mãn thì thọ mệnh Đức Phật tuổi đã bát tuần (80). Đến đây, sắc thân tứ đại của Ngài cũng đã thuận theo định luật vô thường mà lão hóa. Năm ấy Ngài ở tại rừng cây Sala tại Kushinagar (Kusinara, Câu-thi-na), nơi Đức Phật nhập diệt. Trước khi rời bỏ xác thân tứ đại giả hợp, Ngài gọi tôn giả A Nan, người đệ tử luôn luôn ở bên cạnh Đức Ngài đến và phán rằng:
20/04/2023(Xem: 13929)
Học đạo quý vô tâm Làm, nghĩ, nói không lầm Sáng trong và lặng lẽ Giản dị mới uyên thâm
15/04/2023(Xem: 3488)
Đức Phật thuyết rằng đừng vội tiếp thu những điều gì Ngài dạy, chỉ dựa vào tín ngưỡng, thay vào đó, hãy nghiệm chứng nó bằng logic học và xác thực, giống như việc kiểm nghiệm vàng
15/04/2023(Xem: 4132)
Chuyên mục khám phá những điểm tương đồng giữa kim ngôn khẩu ngọc giáo huấn của Đức Phật và các khía cạnh khác nhau của công nghệ đương đại là Nguyệt san thảo luận về lĩnh vực hệ thống – thường được gọi là Tư duy hệ thống ‘khía cạnh lý thuyết’ (cách nhìn tổng thể, có tính đa chiều và mục tiêu) và Kỹ thuật hệ thống ‘khía cạnh phát triển thực tế’
12/04/2023(Xem: 5745)
Tôi muốn chia sẻ về mối quan hệ tôn giáo và xã hội hiện đại. Vì bản tính tự nhiên, mỗi cá nhân đều có sự cảm nhận về tự ngã. Từ đó, mỗi cá nhân đều trải qua các hiện tượng mà họ nhận thức được bằng cảm giác thống khổ, cảm xúc vui sướng hay yên tĩnh. Đây là sự thật, không cần phải trình bày tỉ mỉ nữa. Động vật cũng thế. Vì bản tính tự nhiên, tất cả chúng ta đều muốn đạt được an lạc hạnh phúc, không muốn thống khổ và bất hạnh. Ta khỏi cần phải chứng minh điều này. Trên cơ sở này, chúng ta đàm luận về quyền của mọi người được hưởng cuộc sống an lạc hạnh phúc, quyền vượt qua mọi thống khổ.
22/03/2023(Xem: 5509)
Năm 2011, chuyên mục này đã đưa ra một số chủ đề lớn, từ những phương pháp hay nhất, dành cho tăng đoàn Phật giáo với khoa học công nghệ best practices with technology for sanghas, đến việc khám phá các mối quan hệ giữa sự thật khoa học thần kinh và Phật pháp relationship between truth, neuroscience, and the Dharma. Sau đó, chúng tôi đề cập đến tính hai mặt dưới góc nhìn khoa học thần kinh duality in light of neuroscience, và bắt đầu chỉ ra những lợi ích của việc xây dựng một lý thuyết khoa học về sự văn minh a scientific theory of enlightenment. Bởi thắc mắc này đang đưa ra những chủ đề mới dịp đầu xuân này, có lẽ tôi nên nhấn mạnh điều gì đó.
18/03/2023(Xem: 9247)
Tây phương Kinh tế học có thể bị chỉ trích bởi dựa trên sự hợp lý hóa hành vi cạnh tranh, tối đa hóa lợi nhuận vì lợi ích của một nhóm nhỏ, phụ thuộc vào sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và sự suy thoái môi trường chung của chúng ta. Trong khi đó, Kinh tế học Phật giáo được hình thành dựa trên sự tương tác phụ thuộc lẫn nhau của con người và môi trường, do đó mang lại sự an lạc hạnh phúc dựa trên từ bi tâm đối với tất cả chúng sinh. Mục tiêu của nó là duy sự phát triển bền vững gắn liền bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay, đồng thời khẳng định sự thịnh vượng chung và mang đến sự an lạc thịnh đạt cho người lao động, khách hàng, cổ đông và xã hội.
18/03/2023(Xem: 5455)
Công nghệ phát triển thay đổi cuộc sống con người, tuy nhiên sẽ thật ngây thơ khi tin rằng công nghệ chỉ mang lại lợi ích mà không phải trả giá. Một chủ đề lặp đi lặp lại trong lịch sử là sự ra đời của các công cụ và cơ bản công nghệ đổi mới, sẽ thay đổi cách chúng ta nhìn nhận bản thân và thế giới, cũng như trong đó có vai trò của chúng ta. Từ sự phát triển động cơ hơi nước, hàng không, xử lý máy tính và gần đây hơn là trí tuệ nhân tạo (AI), các công cụ và công nghệ đã cải thiện phúc lợi đáng kể và năng suất của con người nhưng không nhất thiết là phúc lợi của con người và các hệ sinh thái của thế giới.
03/02/2023(Xem: 8263)
Đã có rất nhiều tài liệu đề cập về Thiền bao gồm Thiền Định, Thiền Chỉ, Thiền Quán, Thiền Tọa, Thiền Hành, Thiền Phàm Phu, Thiền Ngoại Đạo, Thiền Tiểu Thừa, Thiền Trung Thừa, Thiền Đại Thừa, Thiền Tối Thượng Thừa...Tất cả đều là những sắc thái, tướng trạng, hiện tượng và tác động từ tâm thức chúng ta trong ý hướng tu tập trên đường giải thoát, giác ngộ Phật đạo. Sự giác ngộ giải thoát nơi Phật Đạo, tuy nhiên, lại quá phong phú, đa diện với sắc thái tâm thức rất sâu xa vi tế nên dù Phật tánh
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]