Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chữ Tâm (sách)

18/10/201010:42(Xem: 17738)
Chữ Tâm (sách)

Phat_Thich_Ca_8


CHỮ TÂM

MINH CHIẾU

MÙA AN CƯ

PL 2550 – 2006



Lời Nói Đầu

Đây không phải là một sáng tác. Tài liệu nhỏ này chỉ trích soạn những lời hay ý đẹp trong các bài giảng của chư Tôn Đức, sách báo của Phật giáo đã xuất bản từ trước đến nay, hệ thống lại thành một bài giảng chuyên đề.

Công việc của chúng tôi là lượm lặt những bông hoa thơm đẹp để kết thành một tràng hoa đẹp.

Phổ biến tập tài liệu này, ước mong nó sẽ cung cấp một vài kiến thức cần thiết cho quý vị “Tân Giảng Sư” và cũng là tài liệu nghiên cứu cho những người học Phật sơ cơ.

Kính mong quý vị cao minh chỉ giáo những điểm còn khiếm khuyết.

Cẩn chí

Minh Chiếu

Ba chấm như sao sáng,

Nét ngang tựa trăng tà,

Gạt đi điều vẩn đục,

Phật ở chính tâm ta …

  1. A. MỞ ĐỀ :

Ai cũng biết con người gồm hai phần: thể xác và tâm hồn, hay nói gọn là Thân và Tâm.

Các nhà khoa học cho rằng Tâm của con người ở tại bộ não và trái tim. Tâm do thân mà có. Tâm và thân là một.

Trái lại, giáo lý Phật giáo nói Tâm ở khắp thân người (thân thức), hơn nữa – Tâm bao la như vũ trụ. Thân và Tâm khác nhau, không phải do Thân sanh Tâm. Không phải máy điện sanh điện, điện đã có sẵn giữa không trung, mà máy điện chỉ là phương tiện để phát điện.


  1. B. CHÁNH ĐỀ :
  2. I. ĐỊNH NGHĨA :

Trong kinh sách Phật giáo định nghĩa và xác chứng vị trí của Tâm như sau:

“Tâm bất tại nội,

Diệc bất tại ngoại,

Bất tại trung gian,

Câu vô sở tại,

Nhất thiết vô trước,

Danh chi vi Tâm”

Dịch:

Tâm không ở trong,

Cũng không ở ngoài,

Không ở chặng giữa,

Không ở đâu hết,

Tất cả cắt hết vọng thức,

Thì chính đó là Tâm.

Vọng thức tiêu trừ, chân tâm hiển hiện

Gió yên sóng lặng, biển cả thanh bình.

Theo định nghĩa này, thì đứng về bản thể mà nói thì Tâm như điện trùm khắp vũ trụ, nhưng chúng sanh mê muội chấp thân nhỏ hẹp làm bản ngã.

Tâm như biển cả mênh mông, chúng sanh lại chấp tướng một làn sóng nhỏ li ti của biển làm thân mình.

  1. II. CÁC LOẠI TÂM

Con người do ngũ uẩn tạo thành: Sắc thuộc thân; Thọ, Tưởng, Hành, Thức thuộc Tâm.

Theo Phật giáo con người có 8 trạng thái tâm lý chính (Tâm vương) và 51 trạng thái tâm lý phụ (Tâm sở).

Tâm có nhiều loại, nhưng có thể tóm tắt thành 3 loại: Tâm thiện, Tâm bất thiện và Tâm không thiện không ác.

  1. Tâm thiện gồm: Tình thương, tâm bố thí, tâm nhẫn nhục, tâm khoan dung, tâm mong muốn giúp đỡ người khác…, những tư tưởng tốt này đem lại cho tâm bình an, hạnh phúc.
  2. Tâm bất thiện gồm: Tâm gây hấn, tâm hận thù, tâm ganh ghét, tâm tà kiến, tâm ngu si, tâm hãm hại kẻ khác… những tư tưởng này tác hại và phá hủy niềm an tỉnh của nội tâm, làm cho con người đau khổ mất hạnh phúc, mà căn nguyên của nó là do chấp thủ bản ngã.

  1. Tâm không thiện không ác: Những tư tưởng không làm lợi mà cũng không làm hại ai như tâm phát sinh trong giấc ngủ, tâm muốn đi từ nơi này đến nơi khác…

III. CA DAO, DANH NGÔN NÓI VỀ TÂM:

“Tri nhân tri diện bất tri tâm

Biết người, biết mặt chứ ai biết lòng”

“Sông sâu còn có kẻ dò

Nào ai bẻ thước mà đo lòng người”

“Dò sông dò biển dễ dò

Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng”

“Đa số con người chỉ lo trang điểm, săn sóc chữa trị xác thân mà không để ý đến cái Tâm của mình”.

Mạnh Tử

“Rất thương thay cho người đời! Mất những vật nhỏ mọn như: đồng xu cắc bạc, con gà, con chó… mà còn biết tìm kiếm, huống chi cái Tâm là vật quý giá vô cùng. Thành Phật làm Tổ cũng nhờ cái Tâm, làm hiền nhân quân tử cũng nhờ cái Tâm, thế mà người đời sao lại bỏ cái Tâm của mình không biết tìm cầu”.

Mạnh Tử

“Con người đều có Tâm. Thế mà có người thì hiếu hạnh khiêm cung, có người lại gian tham độc ác. Phật cũng một Tâm mà sao lại từ bi, hỷ xả, nhu hòa, nhẫn nhục, công đức vô lượng vô biên. Chúng ta cũng một Tâm mà sao lại tham sân si, hiểm độc, ích kỷ hại người, tội ác vô cùng tận”.

“Khoa học có thể phát minh các thứ thuốc để điều trị các chứng bệnh về xác thân con người, nhưng khó có thể chế các thứ thuốc trị tâm lý tham lam, độc ác của loài người.

“Trong y học người ta có thể mổ xẻ trái tim để tìm ra căn nguyên của chứng bệnh. Nhưng không thể nào dùng phẩu thuật để xác định tâm tư, ý nghĩ của người bệnh.

“Trong khoa học người ta có thể dùng tên lửa để đi đến những tinh cầu xa xôi trong vũ trụ. Nhưng không có tên lửa nào đi đến đáy lòng của một tâm hồn con người”.

Trong hôn lễ, vị pháp sư chứng minh nhắc nhở cô dâu, chú rể:

Đức Phật dạy: “Tất cả đều do Tâm tạo. Vậy Tâm nào tạo yên vui hạnh phúc?

Đó là: Tâm hiếu kính, tâm nhẫn nhịn, tâm hoan hỷ, tâm khoan dung, tâm vị tha, tâm nhu hòa, tâm tha thứ…

Và tâm nào phá hoại hạnh phúc? Đó là tâm vị kỷ, tâm sân si, tâm ganh tỵ, tâm oán hờn, tâm tự ái…

Vậy hai con phải chọn lựa và phát huy cái Tâm nào đem lại hạnh phúc gia đình cho hai con”.

“Trong anh có một tiếng nói, nó thường nhắc nhở anh những việc cần làm. Tiếng nói ấy, tức tiếng nói của lương tâm anh…”

Victor Pauchet

“Hết thảy cơn khủng hoảng trong thời hiện tại đều do tinh thần không đuổi kịp vật chất trên con đường tiến bộ của nhân loại”.

Nhà triết học Bergson

  1. IV. NHỮNG LỜI ĐỨC PHẬT DẠY VỀ TÂM:

- “Tâm như nhà họa sĩ vẽ các tranh ảnh, Tâm như người nô lệ bị các món phiền não sai khiến, Tâm như vị quốc vương làm mọi việc được tự tại, Tâm như bọn giặc cướp khiến tự thân chịu đau khổ”.

- “Làm chủ được thân tức làm chủ được ngôn ngữ, làm chủ được cái ý tức là làm chủ được cái Tâm. Kẻ học đạo nào làm chủ được thân tâm sẽ thoát khỏi mọi khổ não”.

- “Tâm không vọng động, pháp pháp toàn chơn. Tâm là nguồn gốc của thiện ác. Muốn đoạn cội rễ, trước phải chế ngự Tâm. Tâm có định, ý mới sáng suốt, sau mới chứng Đạo”.

- “Cái Tâm của phàm phu thường lén lút đi chơi rất xa, vô hình vô dạng. Người thiện trí nên khéo léo như gã mục đồng dùng dây xỏ mũi con trâu hoang, dẫn nó về chuồng cũ, chăn dắt đến lúc nào buông lơi dây giàn mà nó không lén đi rong nữa mới tạm yên…”

- Đức Phật dạy ngài A Nan : “Làm cho ông lưu chuyển sanh tử, là lỗi tại cái Tâm cùng với con mắt.

Vậy nếu ông không biết cái Tâm cùng với con mắt ở chỗ nào, thì ông không hàng phục được phiền não trần lao.

Cũng như vị quốc vương bị giặc đến xâm chiếm, đem binh diệt trừ, nếu không biết được giặc ở chỗ nào, thì không bao giờ dẹp trừ giặc được”.

Kinh Lăng Nghiêm

- “Không có hạnh phúc nào bằng sự an định của Tâm trí”.

- “Quên mất Bồ Đề Tâm mà tu các thiện nghiệp là hành động ma”.

- “Tâm bình thế giới bình”.

- “Trải lòng bi mẫn Tâm đồng Phật

Dứt hết vô minh Phật tức Tâm

Phật Phật Tâm Tâm đồng thể tánh

Phật Tâm cũng diệt đến viên thành”.

  1. V. NHỮNG MẪU CHUYỆN LIÊN QUAN ĐẾN TÂM:

  1. 1. SỰ TÍCH CÁ HE (cá heo, cá nược):

Ngày xưa, có một nhà Sư trẻ tuổi rất ngoan đạo. Sau hơn ba mươi năm khổ công tu luyện. Sư thuộc lòng tất cả kinh kệ nhà Phật, lại giỏi thuyết pháp vậy mà lâu rồi vẫn chưa thành chánh quả. Sư bụng bảo dạ: “Phải đến đất Phật một phen mới có hy vọng thành Phật”. Nghĩ vậy, Sư ta mới quyết chí tìm đường sang Tây Trúc.

Đường đi từ nước nhà sang Tây Trúc ngày đó chưa có cách nào thuận lợi. Việc giao thông hầu hết là đường bộ, mà đi bộ thì thật là muôn vàn nguy hiểm. Nhưng nhà Sư trẻ tuổi quả quyết nhắm hướng Tây tiến bước.

Cuộc hành trình đã được năm mươi ngày. Nhà Sư đã nhiều lần lạc đường và mấy lần mê man vì sốt rét, nhưng nhờ được giúp đỡ nên đều qua khỏi, và chàng cứ tiếp tục cuộc hành trình.

Một hôm, Sư đến một khu rừng thì trời đã chiều. Sư cố bước dồn, hòng tìm một nơi nghỉ vì trong người đã thấy ớn rét. May sao giữa rừng sâu, Sư bỗng gặp một ngôi nhà. Nghe tiếng gọi cửa một bà cụ già bước xuống sàn. Sư tỏ ngay ý định của mình là xin ngủ nhờ một đêm.

Nhưng bà cụ vừa thấy khách đã xua tay rối rít:

- Đi mau lên! Mau lên! Con ta mà về thì người không còn tánh mạng.

Sư đáp:

- Tôi bây giờ thật là kiệt sức, không thể nào bước được bước nữa. Nếu không cho nghỉ thì cũng đành nằm liều trước cửa đây thôi.

Bà cụ bảo:

- Chao ôi! Con ta vốn là Ác Lai hay ăn thịt người. Cố đi nhanh lên, bây giờ nó sắp về rồi đó.

Nhưng Sư đã vứt tay nải, nằm vật xuống đất. Hai đầu gối va vào nhau cồm cộp, và run lập cập.

Bà cụ không biết nói thế nào nữa, đành nắm lấy tay y lôi đến một cái hầm đá lớn.

Sau khi đẩy vào, bà cụ bảo y phải cố giữ cho thật yên lặng để tránh một cái chết thê thảm. Đoạn bà cụ chất củi, phủ lá rất kín đáo.

Trời tối hẳn thì Ác Lai về đến nhà, tay xách một con mang, hắn dừng lại ở chân thang và khịt mũi mãi. Hắn nói:

- Có mùi thịt mẹ ạ!

Mẹ hắn đáp:

- Thì chả là thịt mày mang về đây là gì?

- Không phải. Thịt người. Con biết lắm. Có thịt người.

Bà cụ chưa kịp cản thì hắn đã quẳng con mang lên sàn rồi chạy đi tìm. Chả mấy chốc, hắn đã lôi được nhà Sư bất tỉnh nhân sự từ dưới hầm về nhà mình.

Khi sư tỉnh dậy thì đã thấy Ác Lai đang cầm một mũi mác lăm lăm ở tay. Hắn quát:

- Mày đi đâu?

Sư nhìn kỹ thấy hắn cũng không khác gì người thường, bèn tỉnh táo đáp:

- Tôi đi tìm Phật.

- Tìm Phật để làm gì?

Sư bây giờ mới nói rõ mục đích của mình. Rồi luôn miệng, Sư giảng giải đạo từ bi cho hắn. Sư nói mãi, kể lại bao nhiêu ngày gian khổ của mình dọc đường, và niềm mong muốn cuối cùng là phải làm sao được nhìn mặt Đức Phật để được thành đạo. Sư nói khéo quá, đến nỗi mẹ con Ác Lai đều cảm động rơi nước mắt.

Thấy họ thành thật hối lỗi, Sư cho họ biết là họ cũng sẽ trở nên “bất sanh bất diệt”, sẽ sống một đời sống vô cùng sung sướng trên niết bàn, nếu họ quyết tâm bỏ ác làm thiện.

Tự nhiên mũi mác ở tay Ác Lai rơi xuống sàn. Những đường nhăn hung ác lúc bấy giờ dịu lại.

Sáng hôm sau, khi Sư sắp lên đường thì mẹ con Ác Lai vui vẻ sắp sẵn lương thực cho chàng.

Họ lại chuyển đưa Sư đi qua một ngọn núi đá. Khi sắp từ biệt Ác Lai hỏi:

- Tôi biết lấy gì mà dâng Phật đây?

Sư đáp:

- “Tâm tức thị Phật, Phật tức thị Tâm”. Chỉ dâng tấm lòng mình là đủ.

Sư không ngờ Ác Lai đã tức thời rút mũi mác, nhanh như cắt tự rạch bụng mình lôi ra cả một chùm ruột đưa cho Sư và nói:

- Nhờ Hòa thượng đưa hộ dâng lên Đức Phật.

Sư rất bối rối chỉ vì Ác Lai hiểu nhầm lời nói của mình. Bây giờ còn biết làm thế nào đây. Cuối cùng Sư ta đành nhìn vào cặp mắt của Ác Lai, gật đầu nhận lời rồi gói bộ lòng của người đáng thương đó lại và quảy lên đường.

Sư vừa đi được mấy ngày thì khu rừng rậm chấm dứt, biển lộ ra trước mặt mênh mông bát ngát.

Nước trời một vẻ trông rất vui mắt, nhưng trong bụng Sư thì chẳng vui chút nào. Món lễ vật của Đức Phật đè nặng trên vai. Nếu chỉ có thế thì không có gì là ngại cho lắm. Khổ một nỗi là mùi thối trong bộ lòng kia xông ra khó tả. Sư đã bọc nó ba tầng bốn lớp mà mùi thối vẫn nồng nặc. Sư lẩm bẩm: “Như thế này thì các nhà quán dọc đường ai dám chứa mình”.

Qua ngày hôm sau, không thể chịu được nữa, Sư đành vứt bộ lòng Ác Lai xuống biển.

Nhà Sư đi mãi rồi cũng đến Tây Trúc.

Nhưng khi phủ phục trước Phật đài nói lên nỗi thắc mắc của mình vì sao chưa được đắc đạo thì bỗng nhiên trên điện cao có tiếng vọng xuống bảo Sư: “Còn thiếu một vật nữa mới thành chánh quả”.

Sư rất đỗi ngạc nhiên, cố ngước mắt nhìn lên.

Trên cao vòi vọi, Sư thấy Đức Phật ngự giữa tòa sen sáng chói, sau lưng có bóng dáng hai người tựa hồ như hai mẹ con Ác Lai.

Sư bỗng hiểu hết: Đức Phật đã rõ sự thiếu thành thực, thiếu tận tâm của mình rồi, còn mẹ con Ác Lai nay đã thành chánh quả là nhờ sự ngộ đạo đột ngột và chân thành trong phút chốc.

Sư nằm phục vị hồi lâu, trong lòng thẹn thùng vô kể.

Sau đó nhà Sư trở về chốn cũ để tìm lại bộ lòng. Tuy biển cả mênh mông và sâu thẳm, nhưng cũng cố lặn hụp để mong thấy lại món quà dâng Phật mà Ác Lai gửi cho mình.

Sư nghĩ chỉ có thể làm thế mới dám nhìn lại mẹ con Ác Lai và hy vọng gần gũi tòa sen Đức Phật.

Sư bơi lên lặn xuống mãi. Sau đó Sư hóa làm loài cá He, cũng gọi là cá Nược hay có nơi gọi là cá Ông Sư.

Vì cho đến nay dòng dõi loài cá đó con nào con nấy có cái đầu trọc như đầu ông sư, và vẫn làm cái việc của nhà Sư, nghĩa là chúng đi hàng đàn, cứ lặn xuống nổi lên không dừng nghỉ.

Những người đánh cá còn nói loài cá He rất ghét ai trêu chọc mình. Ai trêu chọc nghĩa là gợi lại chuyện cũ của tổ tiên chúng nó, chúng nó sẽ làm cho đắm thuyền rách lưới. Trái lại, ai khen ngợi reo hò thì chúng nó sẽ lặn xuống nổi lên nhiều lần cho mà xem.

Nguyễn Đổng Chi

Truyện cổ Việt Nam tập II


  1. 2. ĐẠO TRÀNG CỦA BỒ TÁT

Ngày xưa ở một ngôi chùa lớn tại Trung Quốc, có một vị sư nổi tiếng là khùng.

Thầy không bao giờ ở chùa, quanh năm mặc cái áo rách đi lang thang la cà khắp các trà đình tửu điếm, bạn với những kẻ côn đồ, nghiện ngập.

Những kẻ này sau khi giao thiệp với Thầy, phần lớn đâm ra hiền lương và trở thành những hiệp sĩ ưa giúp đời. Chúng tụ tập tại các bến chợ, đỡ đần gánh nặng cho những người già yếu, sản phụ, trẻ con. Sau những giờ làm việc nghĩa chúng hội họp lại ôn những lời dạy bảo của vị sư khùng.

Được biếu món gì ngon chúng để dành cúng dường vị Thầy yêu mến, vì lâu lâu chúng mới thấy được bóng Thầy ngất ngưỡng trở về đô thị một lần. Thầy đi đâu? Thì ra chỗ hóa duyên của Thầy là một làng đánh cá ở biển. Thầy thường ở trong làng ấy, thỉnh thoảng mới trở về chùa một ngày, vào các dịp lễ lớn.

Chúng Tăng trong chùa rất bực bội về bề ngoài của Thầy khùng, thật là mất hết thể thống của một vị Tăng, nhất là khi họ thấy Thầy không trai trường như quy luật ở chùa.

Thầy không đòi ăn gì khác hơn đại chúng mỗi khi về chùa, nhưng buổi sáng Thầy về thì buổi chiều họ đã thấy “bổn đạo” của Thầy ở biển gánh tới chùa một gánh cá biển, tôm, cua, đủ thứ sơn hào hải vị để cúng dường.

Thầy quát mắng:

- Tiên sư tụi bây, tao ăn gì hết mà gánh tới nhiều dữ vậy? Lần sau có muốn đem cho thì chỉ đem cho tao một con cá là đủ.

Một điều quái lạ, là mặc dù Thầy đối với họ có vẻ thô lỗ cộc cằn, mà những dân đánh cá xem ra xem ra rất kính trọng Thầy. Họ xoa tay cười nịnh:

- Dạ để Thầy biếu bà con trong chùa… chúng con nghĩ là chùa đông người.

- Ý, tụi bây ngu. Các thầy chùa không nạp thứ này, hiểu chưa? Chỉ có tao. Thôi về đi.

Họ ríu rít kéo nhau về, hớn hở sau khi cúng dường Thầy vài con cá và được gặp Thầy.

Đến giờ thọ trai, Thầy ngồi vào bàn chư Tăng, xách theo con cá biển mới luộc. Tăng chúng không chịu nổi mùi tanh, vác chén chạy, tránh ngồi gần Thầy. Thầy cười điềm nhiên gắp cá luộc, hề hề chấm nước tương ăn qua bữa.

Chỉ có vị Phương trượng hình như rất hiểu và thương Thầy, do đó Tăng chúng không dám bàn ra tán vào mặc dù thái độ nghênh ngang của Thầy.

Vì lâu lắm Thầy mới về chùa, nên Phương trượng cùng ngồi chung bàn với các đệ tử vào những dịp ấy. Đó là một biểu lộ rõ rệt của lòng ưu ái nơi bậc Thầy khả kính.

Có Thầy, Phương trượng vui hẳn lên. Hai Thầy trò đàm đạo rất tương đắc. Phương trượng dường như không quan tâm mảy may tới mùi tanh nồng nặc của con cá Thầy đang ăn, mặc dù chính Ngài đang dùng rau luộc.

Trong bữa ăn ấy, Thầy khùng lỡ đánh rắm kêu cái đùng. Thầy điềm nhiên bỏ đũa, ra trước đại chúng lạy ba lạy sám hối. Lạy xong, trở về chỗ cũ tiếp tục ăn. Vài người không nhịn cười được, vừa ăn vừa cười khúc khích. Thầy quắc mắt, mắng:

- Tiên sư tụi bây, ta đã lạy sám hối, còn cười cái gì? Ngồi ăn trước mặt Thầy không được cười giỡn.

Bẵng đi một dạo khá lâu, Thầy không trở về chùa. Một buổi chiều nọ, Tăng chúng thấy Thầy thất thểu bước lên đồi, dẫn đến chùa, mặt mày nghiêm trang khác hẳn mọi khi. Chúng ra chào Thầy:

- Hôm nay sao Sư Huynh nghiêm trang thế?

- Ngài mai giỗ Tổ, về bái biệt Thầy đây.

- Sư Huynh đi đâu?

- Về chầu Tổ.

Đại chúng cười rộ, không tin lời Thầy. Nhưng đến giờ Ngọ hôm sau, tắm rửa xong Thầy vào nhà Thiền lạy Phương trượng ba lạy từ biệt và bảo đại chúng:

- Hãy lên chuông trống bát nhã đi. Tây phương Tam Thánh sắp đến rước ta rồi.

Đại chúng chưa tin hẳn, nhưng nhìn ra cửa thì cả làng đánh cá ùn ùn kéo lên chùa tiễn đưa Sư Phụ của họ về Tây phương.

Một mùi hương lạ xông khắp và trên hư không, mọi người đều thấy ba luồng ánh sáng của Tây phương Tam Thánh (Di Đà, Quan Âm, Thế Chí) đến rước người con yêu dấu của các Ngài khi vị này đã mãn duyên hóa độ.

Ba hồi chuông trống vang rền trong khi sư khùng điềm nhiên tọa tịch trong tư thế kiết già. Đại chúng rơi lệ sụp lạy sám hối trước con người mà họ thường báng bổ vì không thể hiểu thấu hành tung của Ngài.

Sau khi Ngài thị tịch, đại chúng hỏi Phương trượng:

- Bạch Thầy, thì ra Sư Huynh chúng con tu mật hạnh khó nghĩ bàn. Nhưng tại sao người phải làm như vậy, sao không sống bình thường như những vị khác.

- Để hóa độ những dân dao búa, đệ tử ta phải làm như vậy. Nhờ ông ấy mà cả làng đánh cá mới qui y theo Phật, đa số bỏ hẳn nghề ác. Cho nên xét người, các ông chớ nên chỉ xét bề ngoài. Đức Phật đã dạy: “Nếu thấy tướng mà không chấp tướng mới thấy được Phật”, các ông phải nhớ lấy điều ấy.

Thích Nữ Trí Hải

  1. 3. TÌM THÁNH TĂNG

Tại một ngôi chùa Trung Quốc hồi xưa, có một vị sư nổi tiếng về hạnh ở dơ. Thầy lại không đủ thân tướng trang nghiêm để thọ giới, vì thế mặc dù ở chùa đã lâu, Thầy vẫn giữ chức vụ của chú tiểu là làm các công việc ở nhà vệ sinh và trong bếp, ngoài vườn. Tất cả những công việc nặng nhọc dơ dáy đại chúng đều giao cho Thầy phụ trách.

Thầy làm tất cả mọi sự với tâm hoan hỷ, không phàn nàn, lúc nào nụ cười cũng nở trên môi.

Mặc dù y phục rách rưới dơ dáy, nét mặt Thầy luôn rạng rỡ, có điều đáng phàn nàn nhất về Thầy là mặc dù đã lớn tuổi, không còn bé bỏng gì, thế mà Thầy luôn luôn để mũi chảy thò lò như một cậu bé, không chịu lau chùi, không bao giờ rửa mặt.

Cho nên, tuy Thầy rất dễ thương, cũng ít ai dám đến gần vì nhờm gớm. Mỗi khi các bạn đồng tu đề nghị:

- Xin chú mày làm phúc quẹt mũi đi. Dơ dáy lắm.

Thầy chỉ cười hề hề:

- Em không có thì giờ quẹt mũi, Sư Huynh ạ!

Rồi bỏ đi một nước. Một hôm nhân ngày lễ Vu Lan, nhà vua thỉnh tất cả chư Tăng trong chùa không chừa vị nào, vào cung để dự Trai Tăng.

Nhà vua tha thiết yêu cầu vị Hòa Thượng đừng để sót một vị nào ở chùa, vua sẽ cho người đến giữ chùa trong thời gian Tăng chúng vào cung.

Sở dĩ nhà vua muốn như vậy là vì Ngài có dụng ý. Vua vốn là người mộ đạo tha thiết, cầu gặp Thánh Tăng để khai thị cho mình yếu nghĩa bộ Kinh Kim Cang.

Do lòng chí thành, một hôm vua được thần nhân báo mộng trong ngôi chùa lớn có vị Thánh Tăng, hãy thỉnh về cung thuyết pháp.

Tỉnh dậy, nhà vua hoang mang không biết Thánh Tăng ấy là ai trong ngôi chùa đông cả ngàn Tăng chúng đó. Sau một hồi bàn luận với cận thần, vua được một mưu kế hay ho và vội thực hành ngay kế đó để tìm gặp Thánh Tăng.

Thế là vua cho sửa soạn một buổi Trai Tăng cúng dường toàn thể Tăng chúng trong ngôi chùa nọ.

Về phần Tăng chúng trong chùa, họ bàn nhau:

- Hôm nay vua thỉnh toàn thể chư Tăng vào cung thọ trai không chừa một vị nào ở lại giữ chùa. Nghĩa là phải cho cái chú ở dơ của mình đi theo. Chú ấy chưa thọ giới, vậy trong khi chúng ta đắp y đi có hàng ngũ chỉnh tề thì hãy để chú ấy đi một mình sau rốt khỏi mất thể diện chúng Tăng.

Tăng chúng bằng lòng theo sự sắp đặt ấy và báo tin cho chú ở dơ sửa soạn theo hầu chư Tăng vào cung dự lễ. Họ không quên dặn chú làm phúc quẹt mũi dùm trước khi ra đi. Chú cười hề hề:

- Dạ được rồi, quý Huynh đừng lo. Lần này em xin lau mặt mũi sạch sẽ để theo hầu quý Sư Huynh.

Vua và đình thần đứng xếp thành hàng rào danh dự đón chư Tăng đông đủ uy nghi từ từ bước qua cổng chính để vào cung.

Mặt nhà vua hơi lộ vẻ thất vọng khi thấy gần hết chư Tăng đều điềm nhiên bước qua cổng lớn. Khi người cuối cùng của hàng dài Tăng chúng đã đi qua cửa cung, sắp có lệnh đóng cửa, thì một vị sư không đắp y, ăn mặc dơ dáy ở đâu nhảy bổ tới, lộn nhào hai ba vòng để tránh dẫm chân lên ngưỡng cửa, vừa lẩm bẩm nói một mình.

- Chết chưa! Ai dám dẫm lên Pháp bảo của Như Lai.

Vua và đình thần quỳ mọp xuống trước vị Thánh Tăng, dâng bộ y quý giá:

- Ngưỡng bạch Hòa Thượng, đệ tử xin cung thỉnh người thăng pháp tòa, để tử chúng con được ân triêm pháp nhủ.

Thánh Tăng bước lên pháp tòa dành sẵn, giảng Kinh Kim Cang như nước chảy hoa bay cho tất cả đại chúng và triều đình.

Đến đoạn “Ly nhứt thiết chư tướng tức danh chư Phật” nhà vua thoát nhiên đại ngộ.

Sau thời thuyết pháp, nhà vua quỳ sám hối trước đại chúng. Vì lòng tha thiết cầu gặp Thánh Tăng, nhà vua buộc lòng phạm đến Pháp bảo bằng cách chôn một quyển Kinh Kim Cang ngay lối vào cung điện.

Với kế đó, nhà vua đã tìm ra vị Thánh Tăng trong hơn nghìn Tăng chúng, ấy là vị có thần thông biết được chỗ chôn Kinh và tránh dẫm chân lên Pháp bảo bằng cách lộn nhà qua cửa Ngọ môn.

Thích Nữ Trí Hải

  1. 4. CON DAO TRONG TÂM

Ngày xưa ở thành Xá Vệ nước Ấn Độ, Đức Phật đến hóa độ cho một gia đình kia, hai vợ chồng đều có tánh tham lam độc ác, không biết tôn trọng đạo đức. Ngài liền hóa thành một vị đạo nhân, mang bình bát đến khất thực.

Lúc ấy người chồng đi vắng, người vợ ở nhà, thấy vị đạo nhân vào liền mắng chửi ầm lên. Vị đạo nhân hiền từ nói:

- Tôi là người tu hành, chỉ xin ăn mà tự sống. Lòng chỉ mong gia chủ cho bát cơm để đỡ lòng, cớ sao lại mắng chửi tôi đủ điều thậm tệ như vậy.

Người vợ tức giận hét ngược lên, thì vừa người chồng về, trong tay sẵn cầm con dao bén, chẳng nói chẳng rằng, người chồng lặng lẽ xông tới, định chém vị đạo sĩ.

Bỗng một bức thành bằng pha lê hiện lên, bao bọc người đạo sĩ, bức thành trong sáng, kiên cố, không có cửa, người chồng đến xô đập, đâm chém đủ cách cũng không sao chuyển được.

Người chồng liền nói:

- Ông hãy mở mau cho tôi vào với.

Vị đạo sĩ trả lời:

- Được, nhưng ông hãy quăng con dao bén đi đã.

Người chồng tự nghĩ: “Mình to lớn như thế này, còn người đạo sĩ bé nhỏ thế kia, mình dùng hai tay không cũng đủ giết chết vị ấy trong giây lát”, nghĩ đoạn liền quăng con dao bén đi xa, nhưng sao bức thành pha lê vẫn nguyên như cũ, người chồng tức giận hét lên:

- Tôi đã quăng con dao bén đi rồi sao ông không chịu mở cửa cho tôi vào?

Vị đạo sĩ đáp:

- Không, tôi không nói ông quăng con dao bén trong tay ông, tôi muốn ông quăng con dao bén trong Tâm ông kia mà!

Người chồng giựt mình kinh sợ, thấy vị đạo sĩ thấy hiểu tâm lý thầm kín của mình, tâm độc ác tiêu tan, cúi đầu lạy tạ, ăn năn hối lỗi. Bức thành pha lê kiên cố ấy bỗng biến mất, vị đạo sĩ hiện thành Đức Phật, phóng muôn ánh hào quang chói sáng rực rỡ và thuyết pháp để hóa độ cho hai vợ chồng người ấy.

Trích báo Viên Âm

  1. 5. TÂM NHÌN

Xưa có một vị Tỳ Kheo, cất một cái am trên một sườn núi vắng vẻ để tu tập thiền định. Dưới chân núi là một con sông, có một chuyến đò qua lại. Vị Tỳ Kheo muốn hạ sơn hóa đạo phải đi qua chuyến đò ấy. Kẻ đưa đò là một lão mẫu tuổi trên 50, còn khỏe mạnh.

Một hôm, khách qua sông ngạc nhiên thấy kẻ đưa đò không phải là lão mẫu nữa, mà một thiếu nữ rất duyên dáng đẹp đẽ, dung nghi trang trọng, cử chỉ thanh cao.

Hỏi ra mới hay rằng, người con gái không biết người ở xứ nào, một ngày nọ, tới xin lão mẫu ở trọ và giúp bà một tay đưa khách qua sông. Thấy nàng xinh đẹp, lại đoan trang, lão mẫu vô cùng thương mến.

Từ đó, khách sang sông thăm Thầy ngoạn cảnh mỗi ngày một đông. Có lẽ ai cũng thích qua đò để được ngắm dung nhan giai nhân và cái vẻ thướt tha mềm mại của tay ngà đưa mái chèo nhẹ trên mặt nước.

Thầy Tỳ Kheo thỉnh thoảng có việc phải hạ sơn, cũng qua đò. Nhưng có điều lạ, khi qua bên kia sông rồi, khách chỉ trả có một tiền, cô gái đòi Thầy phải trả hai tiền.

Vị Tỳ Kheo ngạc nhiên hỏi tại sao lấy tiền đắt hơn.

Cô gái cười nói: Mọi người qua đò chỉ có qua đò thôi. Còn Thầy, ngoài việc qua đò, Thầy còn ngắm tôi nữa nên phải trả gấp đôi.

Không lý cãi cọ lôi thôi với một cô gái, vị Tỳ Kheo đành phải chịu trả cô hai tiền.

Lần sau, có việc phải hạ sơn. Vị Tỳ Kheo bước xuống đò không dám nhìn cô mà cúi mặt xuống lòng đò.

Đến bến, mọi người đều trả tiền đò, đến lượt Thầy, cô gái bắt trả gấp tư.

Thầy hỏi: Lần trước, cô bảo tôi qua đò nhìn cô nên phải trả gấp hai, nay tôi không hề nhìn cô mà chỉ cúi mặt xuống đò, tại sao cô đòi gấp tư?

Cô gái nói rất nghiêm trang: Mấy lần trước, Thầy chỉ dùng mắt nhìn mặt và bên ngoài của tôi. Hôm nay Thầy dùng Tâm mà nhìn toàn thân bên trong của tôi nên phải trả gấp tư.

Nghe xong Thầy Tỳ Kheo phát lên cười, và hình như có sở ngộ.

Ngoảnh lại, cô gái lái đò đã biến đi đâu mất.

Từ đó, chỉ còn lão mẫu đưa khách sang sông…

  1. C. KẾT LUẬN

Kết luận cho chúng ta thấy Tâm rất quan trọng, vì tất cả lời nói và hành động của con người đều do Tâm chủ động.

Tâm mê muội thì con người tham lam, độc ác, hận thù, ích kỷ, xì ke, ma túy, bóc lột, hối lộ… làm cho bản thân đau khổ, gia đình tan nát, xã hội điêu linh, thế giới chiến tranh.

Tâm sáng suốt thì con người tri túc an bần thủ đạo, an vui tự tại, làm chủ được bản thân, gia đình êm ấm, xã hội phồn vinh, thế giới hòa bình an lạc.

Bạn ơi ! Hãy săn sóc cái Tâm của mình cẩn thận nhé.

Địa chỉ liên lạc:

Thầy MINH CHIẾU

Chùa PHẬT ÂN, Khu 14, Xã Long Đức,

Huyện Long Thành, Tỉnh Đồng Nai

ĐT: 0612.643334


Trang Nhà Quảng Đức chân thành cảm ơn Thầy Trung Đạo và Thầy Hiếu Niệm

đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này (Thích Nguyên Tạng, 17-10-2013)




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/02/2013(Xem: 6415)
Một câu hỏi lớn nằm dưới kinh nghiệm của chúng ta, dù chúng ta nghĩ về nó một cách ý thức hay không: mục đích của cuộc sống là gì? Tôi đã cân nhắc câu hỏi này và muốn chia sẻ những suy nghĩ của mình với hy vọng rằng chúng có thể có lợi ích trực tiếp và thực tế đối với những ai suy nghĩ về chúng.
02/01/2013(Xem: 1107)
Giáo dục Phật giáo không dính dáng gì đến đức tin, cầu nguyện hay nghi lễ mang ý nghĩa tôn giáo. Nó cũng không phải là một hệ thống triết thuyết mang tính giáo điều, răn đe, mà là một con đường dẫn đến nếp sống an lạc, hạnh phúc, hoàn toàn giải thoát nhờ vào sự hoàn thiện đạo đức, tri thức và tâm linh.
16/11/2012(Xem: 5209)
Sau khi Thế Tôn nhập diệt, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống cung kính tùy thuận bậc Ðạo Sư; sống cung kính tùy thuận pháp; sống cung kính tùy thuận chúng Tăng; sống cung kính tùy thuận học pháp; sống cung kính tùy thuận không phóng dật; sống cung kính tùy thuận tiếp đón. Ðây là nhân, đây là duyên, sau khi Như Lai nhập diệt, diệu pháp được tồn tại lâu dài
01/11/2012(Xem: 7500)
Nhằm để thực hành Đạo Phật, chúng ta trước nhất phải biết về tâm. Ngay cả nếu ta là một người không tín ngưỡng, ta có thể thử để cải thiện hay rèn luyện tâm, được cung cấp ta có kiến thức về nó. Bất cứ một con người bình thường nào, cho vấn đề ấy, có thể thực tập rèn luyện tâm và điều này cuối cùng sẽ chứng tỏ là rất hữu dụng.
03/10/2012(Xem: 5899)
Kết quả của bất cứ hành động nào đều tùy thuộc vào động cơ của đương sự. Cùng một hành động có thể đưa đến kết quả khác nhau, tùy theo đương sự có phiền não hay cảm xúc tích cực trong tâm. Thậm chí khi có cùng một cảm xúc chung chung, thí dụ như lòng bi mẫn thúc đẩy một hành động, các yếu tố tình cảm và tinh thần hỗ trợ cảm xúc ấy cũng tác động lên kết quả.
20/09/2012(Xem: 6247)
Chúng ta đang sống ở một thời đại đặc biệt. Phật pháp bây giờ đã được khắp thế giới biết đến. Phật pháp được thực hành ở những vùng đất mới, trong dân chúng với những truyền thống và mối quan tâm khác nhau. Phật pháp đang đóng góp vào một nền văn hóa mới toàn cầu. Điều này thật thú vị và phấn khích. Và là những Phật tử chúng ta có thể hân hoan khi thấy rằng năng lực chữa trị của lời dạy Đức Phật đang được người ta lắng nghe khắp nơi. Nhưng có một mặt khác của việc phát triển này. Việc truyền bá Phật pháp đến một nền văn hóa mới, đặc biệt khi nền văn hóa đó đang gia tăng ưu thế toàn cầu, tạo ra cho Phật giáo những nguy cơ. Tôi xin nói rõ nguy cơ này. Thế giới hiện đại đã phát triển mà không có sự hiểu biết về Pháp (Dharma). Những thực hành, giá trị và quan điểm hiện đại được đặt cơ sở nơi những khái niệm, sự nhận thức và niềm tin mà chúng thường trái ngược với lời dạy của Đức Phật. Đây là nơi nguy cơ tiềm tàng. Nếu những người phương Tây thích ứng với Phật giáo quá nhanh chóng, nhìn
25/08/2012(Xem: 3678)
Nhiều khổ đau của con người xuất phát từ những cảm xúc phiền não, như thù hận sinh khởi bạo động và hay tham dục tạo ra mê đắm. Một trong những trách nhiệm căn bản nhất của chúng ta khi quan tâm đến con người là để làm vơi bớt những cái giá phải trả của loài người về những cảm xúc vượt ngoài vòng kiểm soát. Tôi cảm thấy rằng cả Phật học và khoa học đều có nhiều đóng góp.
25/08/2012(Xem: 9196)
Đây là bài nói chuyện của Tỳ Kheo Bodhi trong chương trình Google Techtalks vào ngày 3 /11/2010. Trong phần mở đầu, Tỳ Kheo Bodhi nói rằng Ngài biết anh bạn Quản lý chương trình Techtalks là người thích hài hước, nên Ngài phải chọn một nhan đề mang tính hài hước cho bài nói chuyện này là:“ Cần Có Hai Người Để Nhảy Điệu Tango ”,( vì Ngài e ngại bài nói chuyện của Ngài sẽ tẻ nhạt đối với thính giả). Nhưng nếu nói một cách nghiêm túc, thì đề tài của buổi nói chuyện này sẽ là: “Tương Lai Nhân Loại và Tương Lai Phật Giáo ”.
02/08/2012(Xem: 16809)
Phước thiện thuộc về danh pháp (nāmadhamma) hay thuộc về thiện tâm, không phải vật chất, nên khó thấy, khó biết, chỉ có bậc có trí tuệ, có thần thông mới có thể biết người nào có phước thiện.
24/07/2012(Xem: 11870)
Trong khi Đức Đạt Lai Lạt Ma và tôi điểm qua nhiều chủ đề trong tiến trình thảo luận của chúng tôi, vẫn còn một vấn đề đơn độc được đan kết lại suốt tất cả những thảo luận của chúng tôi, câu hỏi của việc làm thế nào tìm thấy hạnh phúc trong thế giới phiền não của chúng ta. Vì vậy, trong việc nhìn vào những nhân tố đa dạng ngầm phá hạnh phúc nhân loại suốt chiều dài của lịch sử, những nhân tố đã tạo nên khổ đau và khốn cùng trong một mức độ rộng lớn, không nghi ngờ gì nữa, chính là bạo động ở trong những nhân tố chủ yếu.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]