Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vài lời bày tỏ của tác giả

08/05/201318:01(Xem: 7838)
Vài lời bày tỏ của tác giả


Tìm hiểu Trung Luận

NHẬN THỨC VÀ KHÔNG TÁNH

Hồng Dương
---o0o---

Vài lời bày tỏ

Bấy lâu tôi có viết một số bài về Nhận thức luận Phật giáo và Không tánh Trung quán để đăng trong Nguyệt san Phật học ở Louisville, Kentucky, U.S.A. Đó là những bài ghi lại những kinh nghiệm học Phật thu tập theo thứ tự diễn tiến với thời gian.

Nhìn lại quãng đời sống gần 80 năm qua nhanh như chớp điển, tôi thấy mình quả thật hạnh phúc được sinh làm người Việt Nam. Là vì lớn lên và sống trong một giai đoạn đất nước trải qua lắm cuộc bể dâu, tôi may mắn sớm thấy biết cách vô thường của vạn hữu. Trên đời này không có cái gì là trường cửu bất biến, cho nên nếu vì tham, sân, si mà bám chặt hay trói buộc mình vào bất cứ sự vật gì thời chắc chắn chỉ rước khổ vào thân. Với những kinh nghiệm như vậy, việc học Phật đối với tôi là điều đương nhiên, nhất là vào giai đoạn lớn tuổi, khi có đôi chút thời giờ tĩnh lặng suy ngẫm về ý nghĩa của cuộc đời sắp mãn.

Học Phật có thể ví như người biết mình bị bệnh đi tìm thầy thuốc chữa bịnh. Pháp Phật là phương thuốc cứu nguy. Muốn chữa bệnh thời phải thực hành Phật pháp. Nhưng nếu không có cơ duyên gặp được vị lương y là bậc thánh thiện như chư Phật hướng đạo tâm linh và làm nơi nương tựa thời không thể nào thực hành đúng chánh pháp hầu chữa trị khỏi bệnh. Đó là khó khăn lớn nhất tôi đang gặp phải.

Hồi còn học lớp Đồng ấu. Mẹ tôi thường dẫn tôi đến chùa của Tỉnh Giáo hội Phật giáo Quảng Bình, ở Đồng Hới, miền Trung Việt Nam và thường dạy tôi đọc và học thuộc lòng Bát nhã Tâm kinh. Dẫu không hiểu gì nhưng trong cả bài kinh, câu tôi thích nhất và nhớ rõ ràng nhất là câu “Sắc tức thị Không, Không thức thị Sắc”. Từ đó đến nay câu ấy không ngớt vang lên trong đầu óc tôi, luôn luôn giúp tôi thấy biết rõ ràng những vấn đề nan giải gặp phải trong những cảnh huống éo le trắc trở. Có lẽ vì thế mà tôi có khuynh hướng xem Phật pháp như là linh dược trên đời này mặc dầu vô số lần tôi có cơ hội rất đẹp tiếp xúc và học hỏi rất nhiều nơi kiến thức và nhân cách của nhiều vị lãnh đạo tinh thần lỗi lạc của những tôn giáo khác.

Tôi nhớ lại lúc Hòa thượng Thích Minh Châu tu học ở Ấn Độ mới trở về nước, có hỏi Thầy phải đọc sách gì trước tiên để bắt đầu tìm hiểu Phật pháp. Thầy bảo tôi nên đọc “Những gì đức Phật dạy” của Walpola Rahula. Về sau những tài liệu khai nhãn khác như Luận Chỉ Quán, Luận Khởi tín, Nhiếp Đại thừa luận, Giải thâm mật kinh, Pháp Hoa lược giải của Hòa thượng Thích Trí Quang, Lối vào Nhân Minh Học, Luận Thành Duy thức, Vô Ngã là Niết bàn, Ngũ uẩn Vô ngã, Luận Đại trí độ của Hòa thượng Thích Thiện Siêu v.v... là sức gia trì giúp tôi quyết tâm tinh tấn trên đường tu học.

Trên hết, chính những lời khuyến cáo rất tha thiết và thành khẩn trong bài văn Khuyến phát Bồ đề tâm của Đại sư Thật Hiền do HT Thích Trí Quang dịch giải mà tôi đọc được trên Hoa Sen Internet đã làm sáng tỏ lý do và ý nghĩa của sự phát tâm nhập đạo và lập nguyện tu hành. Ở phần tiểu dẫn, Hòa thượng giải thích: “Về lý do phát Bồ đề tâm, ngoài nỗi thống khổ sinh tử mà mình mục kích và ý thức, có hai việc mà kinh luận đề cập nhiều nhất, đó là tự biết mình có thể làm Phật, và tha thiết hơn cả, nghĩ đến sự suy tàn của Phật pháp”. Theo Hòa thượng, “phát Bồ đề tâm, nói đơn giản, là trước hết, lập cái chí nguyện mong cầu tuệ giác Vô thượng bồ đề, kế đó phát triển tuệ giác ấy, cuối cùng phát hiện bản thể của tuệ giác ấy là chân như. Giai đoạn trước hết, chí nguyện mong cầu tuệ giác Vô thượng bồ đề hàm có hai tính chất mà thành ngữ thường nói là thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”.

Tìm hiểu về sự liên hệ giữa hai câu “Thượng cầu Bồ đề, hạ hóa chúng sanh” và “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” là nguyên nhân dẫn tôi đến với Trung quán luận của Bồ tát Long Thọ. Trong sách này, tánh Không được gắn liền với Duyên khởi để minh giải thuyết Trung đạo theo đúng giáo lý của đức Thế Tôn, tức là phương pháp tu tập để từ bỏ hai cực đoan chấp không và chấp hữu. Mọi phân tích suy lý theo phương pháp biện chứng Trung quán đều hướng đến triển khai tuệ quán vào tánh Không, nhận biết cách thức vạn pháp hiện hữu như thật, đúng như cái thế duyên khởi của chúng. Do đó nếu chỉ đọc Trung quán luận bằng trí năng mà không đồng thời học tập quán tưởng thời không thể nào không chứng được giáo lý về tri kiến sâu xa của Bồ tát Long Thọ.

Trung quán luận mô tả lộ trình tu tập của những hành giả tiến tu Bồ tát đạo một cách ngắn gọn nhưng rất đầy đủ trong bài tụng XXIV.18: “Các pháp do Duyên khởi, nên ta nói là Không, là Giả danh, và cũng chính là Trung đạo”. Duyên khởi là Không, Không là giả danh. Vì giả danh là cái tên gọi được thiết lập y cứ vào một tập hợp nhân duyên, nên giả danh là duyên khởi. Cách phát biểu như vậy theo đúng thứ tự diễn tả tư tưởng Không trong câu “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” của Tâm kinh.

Trung quán luận sử dụng biện chứng pháp để tiêu diệt hý luận và chỉ đường thức tỉnh chẳng những làm phát khởi cái chí nguyện “thượng cầu Bồ đề” mà còn hỗ trợ sự tinh tấn tu hành cho đến phát minh tuệ giác Vô thượng Bồ đề. Đó là phép quán “Sắc tức thị Không”. Đương thể “Sắc” tức Không, đương thể là Không. Không đây là Tự tính Không.

Về mặt “Hạ hóa chúng sanh”, Trung quán luận xác quyết Nhị đế, tục đế và chân đế, là diệu dụng của phương tiện và trí tuệ. Tục đế ở đây là ngôn ngữ và luận lý. Ngôn ngữ của luận lý muốn có lợi ích phải tuôn ra từ Chân đế tức Không. Ngài Long Thọ nói: “Do Không mà tất cả pháp được thành tựu và hợp lý”. “Không” đề cập ở đây là “Không tức thị Sắc”, là Tha tính Không, là sự xa lìa tất cả nhiễm pháp. Đứng về hiển tánh mà nói thời gọi là Không tánh, nhưng thật thể là Sắc cứu cánh, là bất không.

Trung luận đả phá triệt để mọi vọng tưởng hý luận để minh giải cho thấy giá trị của ngôn ngữ và luận lý không ở chỗ thành công mà là ở chỗ thất bại của nó trong sự diễn đạt Tuyệt đối. Chính do sự thất bại này mà ngôn thuyết tựu thành được Trung đạo qua phép biện chứng. Đối với những người được giáo dục theo văn hóa Tây phương thường quen khẳng định sự hữu (existence), phủ định sự phi hữu (non-existence), và triệt để tuân theo luật phi mâu thuẫn của Aristotle: A không thể vừa là A vừa là phi A, thời Trung đạo, nguyên lý bản thể luận Phật giáo, thật là khó hiểu. Bởi vì Trung đạo là không khẳng định không phủ định. Theo Ngài Long Thọ, Trung đạo là một tiến trình tu tập theo biện chứng pháp, chuyển biến phương cách nhận thức thực tại từ có Duyên khởi qua không có Duyên khởi tức Không, rồi trở lại có Duyên khởi dưới hình thức Giả danh.

Vì những lý do vừa nêu, nên trước khi tìm hiểu và viết về từng phẩm một của Trung quán luận, tác giả gia công tìm tòi học hỏi nhận thức luận và quá trình phát triển tư tưởng tánh Không Phật giáo. Các tông phái Phật giáo Trung quán quan niệm rằng các pháp thức suy tư và biết rõ chỗ đúng sai của tư duy suy lý là rất cần thiết cho mục đích tự ngộ. Mặt khác, hiểu rõ các phép tắc biện luận và cách thức trình bày qua ngôn ngữ để giúp kẻ khác thông hiểu chủ trương của mình cũng rất cần thiết cho mục đích ngộ tha.

Trong Phần Một: Nhận thức luận Phật giáo, những nét đặc thù của nhận thức luận Phật giáo được trình bày qua ba bài: Nhận thức luận Phật giáo, Nhận Minh luận, và Biện chứng pháp apoha. Ba bài trước đó, thấy vậy mà không phải vậy, hãy đến mà thấy! và Lý Duyên khởi, mô tả một cách tổng quát phương cách nhận thức khác thường của Phật giáo và đường lối giải thích lý pháp duyên khởi qua các giai đoạn phát triển tư tưởng Phật giáo.

Trong Phần Hai: Không tánh Trung quán luận, bài “Trung quán luận: Phá tà hiển chánh” đặt Trung quán luận vào giai đoạn mà có vai trò giáo hóa quan trọng nhất trong quá trình tu chứng. Kế tiếp, bài “Nhị đế: Triết học về Không thuyết và Ngôn thuyết” đưa ra nhận xét về sự tương tợ giữa hai hình ảnh tuyệt đẹp là sự im lặng của đức Phật và điểm nguyên thủy của vũ trụ.

Trong công việc nghiên cứu các quan điểm khác nhau về cách trình bày tánh Không, hai bài “Mười ba bài tụng chủ yếu của Trung luận” và “Tánh Không phủ định cái gì?” đề cập Không tánh Trung quán và những luận cứ dùng để phản bác sự ngộ nhận Bồ tát Long Thọ chủ trương hư vô luận. Bài “Cái còn lại trong tánh Không” tìm cách chứng minh rằng tuy cả hai học phái Trung quán và Du già đều lấy kinh Đại Phẩm Bát nhã làm cơ sở tư tưởng, nhưng Du già còn tựa trên kinh Tiểu Không để thuyết minh tánh Không. Bài “Tự tính Không và tha tính Không” nêu ra một bên là Trung quán và Du già y cứ từ nhân duyên sanh pháp, hư vọng sanh pháp để luận về tính siêu việt tổng hợp đối lập của tánh Không, và bên kia, kinh Thắng Man, kinh Lăng Già, luận Khởi tín y cứ từ Như Lai tạng tính mà thuyết minh nghĩa tánh Không là “không và bất không”. Do đó mà phát hiện thuyết Tha tính Không liên quan mật thiết với các pháp môn tu tập thiền quán như các giáo pháp Minh sát thiền, Thiền tông, Đại thủ ấn, và Đại toàn thiện.

Mục đích của bài “Biện chứng pháp Trung quán” là để biện minh luận chứng căn cứu trên tứ cú của Ngài Long Thọ không phạm lỗi lầm đối với phi mâu thuẫn và luật triệt tam của logic Aristotle mặc dầu có tính chất siêu việt luận lý. Những điều nói đến trong bài này sẽ được lặp lại với nhiều chi tiết hơn khi giải thích ý nghĩa của từng Phẩm. Ngôn ngữ Toán học dùng phát biểu một số khái niệm về tánh Không, Pháp giới, và biện chứng pháp cũng được đề cập trong bài “Toán ngữ và Tứ cú”.

Bài mở đầu “Ngôn ngữ và Biện chứng” và hai bài gần cuối “Hý luận về Không”, “Sinh mệnh tức Không” dùng nhãn quan và ngôn ngữ Phật giáo để phân tích một số thành quả của Vật lý học và Sinh học hiện đại.

Cuối cùng, bài Nhận thức và Không tánh ở Phần Ba tổng kết hai Phần đầu và luận bàn về “Bài tụng tán khởi” với mục đích nối kết tập sách này với tập sách kế tiếp. Tập sách này mới là phần đầu của quyển “Tìm hiểu Trung quán luận” mà tác giả dự định viết. Phần giữa sẽ gồm những bài giải thích 27 Phẩm của Trung quán luận và phần cuối sẽ trình bày về các tông phái Phật giáo Trung quán.

Quyết định viết bàn về một tác phẩm có tiếng khó hiểu như Trung quán luận tất có sự khích lệ và hỗ trợ lớn lao của nhiều bậc thiện tri thức. Số là ở Louisville, tiểu bang Kentucky, Hoa Kỳ, nơi tôi cư ngụ, hơn thập niên nay, có một nhóm Phật tử trẻ tuổi hơn tôi nhiều, tuy bề bộn với nghề nghiệp chuyên môn và đời sống gia đình, nhưng thường xuyên phát hành đều đặn một nguyệt san biếu không lấy tên là Phật học, thực hiện một Trang nhà trên Mạng nhện Toàn cầu, www.phathoc.org, đăng nhiều tài liệu tham khảo có giá trị về Phật giáo, ấn hành nhiều sách Pháp luận và phát hành nhiều băng giảng pháp, tổ chức mời Thầy về nói Pháp và giảng Thiền ở địa phương những mùa lễ lớn, đóng góp công lực và tài lực vào Phật sự khắp nơi, v.v... Đối với tôi, không những đó là tấm gương sáng chói mà còn là một công trình lợi ích khó thực hiện gấp trăm ngàn lần học đọc thông hiểu và viết ra những bài luận bàn về Trung quán luận. Lại được quý vị trong nhóm yêu cầu và khuyến khích tôi mới mạnh dạn ghi lại và nói lên những kinh nghiệm học Phật trong thời gian qua.

Suốt thời gian viết về tánh Không, tôi chưa bao giờ rời khỏi quyển Triết học về tánh Không của Thầy Tuệ Sỹ. Trong giai đoạn gần hoàn thành tập sách này, nhờ nhiều thiện duyên tôi được Thầy Tuệ Sỹ tùy hỷ chỉ giáo tận tường và gửi cho tài liệu về Pháp giới Hoa Nghiêm qua điện thư. Cuối cùng, Thầy có nhã ý viết lời Tựa khi sách được hoàn tất. Kính xin Thầy nhận ở đây tấm lòng ngưỡng mộ và biết ơn sâu xa của tôi.

Tôi chân thành cảm tạ và tỏ lòng biết ơn quý vị xa gần đã bỏ thời giờ đọc và phê phán những bài tôi viết bấy lâu được đăng trong Phật học. Về trang bìa, tôi rất cảm kích được họa sĩ Bửu Chỉ giúp trình bày về một tác phẩm diễn tả đầy đủ ý nghĩa nội dung tập sách. Riêng đối với nhóm Phật học ở Louisville, để khỏi phụ lòng thương yêu và tin tưởng của quý vị, tôi nguyện tinh tấn tu học và tiếp tục viết ra những kinh nghiệm thấy biết bản thân hầu đóng góp phần nào vào công việc hoằng dương Phật pháp mà quý vị đang chí tâm thực hiện.

Hồng Dương Nguyễn Văn Hai
Tháng Hai, 2001



---o0o---

Chân thành cảm ơn Đạo hữu Phúc Trungđã gởi tặng tài liệu này.
Vi tính: Hải Hạnh
Trình bày:
Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/05/2011(Xem: 21538)
Phật Và Thánh Chúng The Buddha and His Sacred Disciples Chương 1: Đức Phật—The Buddha Chương 2: Đạo Phật—Buddhism Chương 3: Nhân Sinh Quan và Vũ Trụ Quan Phật Giáo Buddhist Points of view on Human Life and Buddhist Cosmology Chương 4: Chuyển Pháp Luân và Năm Đệ Tử Đầu Tiên Turning The Wheel of Dharma and The First Five Disciples Chương 5: Kết Tập Kinh Điển—Buddhist Councils Chương 6: Tam Bảo và Tam Tạng Kinh Điển Triple Jewels and Three Buddhist Canon Baskets Chương 7: Kinh và Những Kinh Quan Trọng—Luật—Luận Sutras and Important Sutras-Rules-Commentaries Chương 8: Đạo và Trung Đạo—Path and Middle Path Chương 9: Vi Diệu Pháp—Abhidharma Chương 10: Tam Thời Pháp—Three Periods of The Buddha’s Teachings Chương 11: Thân Quyến—The Buddha’s Relatives Chương 12: Thập Đại Đệ Tử—Ten Great Disciples Chương 13: Những Đệ Tử Nổi Tiếng Khác—Other Famous Disciples Chương 14: Giáo Đoàn Tăng và Giáo Đoàn Ni—Monk and Nun Orders Chương 15: Tứ Động Tâm—Four Buddhis
18/05/2011(Xem: 6650)
From the 6th to 16th of June 2007, His Holiness the Dalai Lama will visit Australia. This is his fifth trip here to teach the Buddha-Dharma. Everyone here is anxiously waiting for His arrival. His first four visits occurred in 1982, 1992, 1996 and 2002. In 2002, there were approximately 110,000 people (from cities like Geelong, Melbourne, Sydney and Canberra) who came to listen to his preaching, in order to change and develop their spiritual lives. It can be said that His Holiness the Dalai Lama is the greatest Buddhist preacher in the modern age and has written many books on Buddhism, These have attracted many western readers to read about Buddhism.
12/05/2011(Xem: 6943)
Nhiều lý thuyết siêu hình của Phật giáo tỏ ra xa vời, khó hiểu và khó tiếp cận đối với độc giả trung bình chưa được chuẩn bị để tiếp nhận chúng. Đó là vì chúng đòi hỏi một sự thông hiểu sâu sắc và lâu dài các định luật của thế giới tâm linh và tiết nhịp của đời sống tinh thần, chưa nói đến khả năng hãn hữu cần có để duy trì sự suy nghiệm khô khan. Thêm vào đó, các nhà tư tưởng Phật giáo lại tạo nên một số giả định ngầm mà các triết gia Tây phương hiện đại đã minh nhiên bác bỏ. Thứ nhất, chung cho hầu hết mọi người Ấn độ bình thường*, khác với người châu Âu có tính ‘khoa học’, tư tưởng lấy những kinh nghiệm du-già làm nguyên vật liệu cho phản tỉnh triết học.
11/05/2011(Xem: 5317)
Trong cuộc sống thường nhật của con người, ngôn ngữ đóng vai trò vô cùng trọng yếu. Không có ngôn ngữ con người không thể diễn đạt được bất cứ điều gì, từ những cảm quan thường nghiệm đến những tư duy siêu việt.
25/04/2011(Xem: 12507)
Chân thật niệm Phật, lạy Phật sám hối, giữ giới sát, ăn chay, cứu chuộc mạng phóng sinh. Đó là bốn điểm quan trọng mà sư phụ thường dạy bảo và khuyến khích chúng ta.
20/03/2011(Xem: 4944)
Tôi có một người huynh đệ băn khoăn bởi một vấn đề. Đó là một đằng theo lời dạy của Lục Tổ Huệ Năng: “Không nghĩ thiện không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục, v.v.?” tức là không còn so sánh, phê phán, nhị biên, để hoà mình, thâm nhập với chân như. Đằng khác lại phải còn biết phải quấy để hành thiện, cải thiện, tức là còn nhị biên. Như vậy người huynh đệ tự hỏi: chánh kiến là hành thiện, hay không thiện, không ác?Và đi xa hơn một chút, thế nào là định nghĩa đúng của chữ hành thiện (vì có rất nhiều cạm bẫy hiểu lầm: biết bao nhiêu kẻ quá khích lại tưởng mình hành thiện)? Tôi có cảm tưởng rằng câu hỏi đặt ra cũng là câu hỏi chung của nhiều Phật tử, trong đó có tôi. Nỗi băn khoăn, khắc khoải đó hoàn toàn có căn cứ, và không phải là dễ dàng giải đáp.
06/03/2011(Xem: 10885)
Trải qua dòng lịch sử, nhân loại đã thực hiện được nhiều kỳ công vĩ đại, nhưng con người vẫn phải bóp trán suy nghĩ để tìm hiểu ý nghĩa và nguyên nhân của sự đau khổ...
29/01/2011(Xem: 11170)
Cảm xúc, trong tâm lý nhà Phật gọi là Vedana. Theo chữHán, chúng ta có thể dịch Vedana theo nghĩa như chữ “thọ”, có bản dịch là chữ “giác”, tức cảm giác. Còn trong tiếng Việt, Vedana, có ba nghĩa để dùng là cảm thọ, cảm giác và cảm xúc.
17/01/2011(Xem: 6126)
Gốc rễ của xung đột, không chỉ phía bên ngoài, nhưng còn cả xung đột phía bên trong khủng khiếp này của con người là gì? Gốc rễ của nó là gì?
16/01/2011(Xem: 7169)
Suy nghĩ không bao giờ mới mẻ, nhưng sự liên hệ luôn luôn mới mẻ; và suy nghĩ tiếp cận sự kiện sinh động, thực sự, mới mẻ này, bằng nền quá khứ của cái cũ kỹ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]