Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

48. Trong Rừng Cây Xiêm Gai

15/03/201408:58(Xem: 31136)
48. Trong Rừng Cây Xiêm Gai
blank

Trong Rừng Cây Xiêm Gai


Hôm kia, tôn giả Sāriputta đến hầu Phật và xin được đi thăm sa-di Revata, là em út của ngài đang tu tập tại khu rừng cây gai.

Câu chuyện lạ lùng, hy hữu về sa-di bảy tuổi ấy ai cũng hay, ai cũng biết. Nó như sau:

“- Thuở ấy, lúc đang còn ở Rājagaha, nghe tin thân phụ mất, đại đức Sāriputta tức tốc bộ hành về quê; ngài để năm trăm tỳ-khưu ở rải rác trong các rừng cây rồi một mình trở lại thăm nhà. Ðây đó vắng tanh. Sân gạch thênh thang phủ một lớp rêu dày. Cả một cơ ngơi khang trang, vĩ đại chỉ mới mười mấy năm mà đã có vẻ điêu tàn, hoang phế. Ngài tần ngần, đứng lặng. Một chú bé chừng sáu, bảy tuổi chạy ra, tôn giả biết đấy là Revata, em trai út của ngài.

- Này em! Ta là Upatissa đây!

Revata nhìn sững: “Ðây là anh trai cao cả, tôn quý của ta? Ðâu đâu người ta cũng thán phục, ca tụng ông anh vĩ đại này! Ồ! mà sao anh trai ta đẹp quá, uy nghiêm quá, lại dễ mến nữa!”

Revata chạy lại. Tôn giả thân mến ôm trẻ trong vòng tay, xoa đầu, mỉm cười hỏi:

- Em nhận ra ta chứ?

- Em nhận ra anh ngay! Anh yêu quý!

- Sau này em sẽ xuất gia như ta chứ?

- Vâng, em sẽ xuất gia theo anh. Không những xuất gia theo anh mà xuất gia theo cả anh Cunda, anh Upāsena nữa Tôn giả mỉm cười gật đầu:

- Ừ, Em nói đúng! Giờ thì em nghe lời anh dặn đây: Phía tây ngôi làng này có mấy chục vị tỳ-khưu đang tu hạnh đầu-đà trong một khu rừng. Khi nào em muốn xuất gia thì hãy đến đấy, giới thiệu em là em trai của ta, họ sẽ vui vẻ nhận em vào giáo đoàn ngay. Em nhớ không?

- Dạ em nhớ! Em nhất định sẽ xuất gia trong khu rừng ấy.

Khi câu chuyện vừa dứt thì bà Sārī đã đứng bên ngưỡng cửa, tóc bà đã bắt đầu bạc, lưng còn thẳng nhưng trên tay lại cầm chiếc gậy trúc có hình đầu rắn.

- Ông về đây làm cái gì?

- Thưa mẹ!

Tôn giả cúi đầu.

Bà Sārī gắt:

- Thưa mẹ cái gì? Ai là mẹ của ông?

- Thưa mẹ! Con hay tin cha vừa mất!

Bà chống gậy, quay lưng đi:

- Mất cái gì! Ông chết nhăn răng, ông chết tức tưởi vì con cái bỏ đi theo ông Cồ Đàm hết, bỏ đi theo đám ăn xin đầu đường xó chợ hết!

Tôn giả lại cúi đầu, không dám nói một lời.

Revata nói:

- Sao mẹ lại mạt sát anh trai của con? Anh trai của con dù sao là một bậc vĩ đại, danh vọng nổi tiếng khắp toàn cõi châu Diêm-phù-đề này! Anh trai của con vì thương cha, nhớ mẹ mà về thăm! Anh trai con im lặng, vòng tay, cúi đầu như vậy, có dám nói gì đâu mà mẹ lại đối xử, ăn nói quá thậm tệ như thế?!

Tôn giả Sāriputta (Upatissa) gắt em:

- Revata! Em không được nói với mẹ như thế!

Revata giận dỗi bỏ đi. Bà Sārī cũng chống gậy vào nhà sau. Tôn giả Sāriputta lặng lẽ bước lên nhà trên, vào điện thờ. Ngài đứng vòng tay, mặc niệm trước chỗ thờ của cha, thốt lời cầu nguyện trong tâm:

“- Thưa hương linh cha! Hãy nghe lời con đây! Cuộc đời này con không báo đáp gì được trước ân đức sinh thành, dưỡng dục của cha vì chánh kiến bất đồng. Bây giờ cha mất rồi, con nguyện rằng, phước đức tu hành cả trọn kiếp này của con, và vô lượng kiếp trước nữa, con hồi hướng đến cho cha. Mong nhờ phước báu ấy hộ trì cho cha, để cha được nhiều yên vui và lợi lạc”.

Bà Sārī đã đứng bên lưng, giọng nói dịu lại:

- Ông về được bao lâu?

Ngài quay lại:

- Thưa mẹ! Một hôm thôi, con lại phải đi!

- Ông về với bao nhiêu tỳ-khưu?

- Thưa mẹ! Năm trăm vị.

- Hiện giờ họ ở đâu?

- Thưa mẹ! Rải rác trong các khu rừng, quanh ngôi làng này.

- Ta sợ ông mất mặt với họ, dù sao gia đình của chúng ta là gia đình danh giá, vọng tộc, lại là cự phú ở trong làng. Vậy thì ngày mai, ông mời hết tất cả họ đến đây, ta sẽ dâng cúng vật thực một cách tươm tất, đàng hoàng. Ta muốn rằng, dầu là vua chúa cũng không thể cúng dường vật thực sang trọng hơn dòng họ Vaṅganta!

- Thưa mẹ! Con xin vâng!

- Y áo có thiếu không? Nhân tiện, ta cúng dường luôn năm trăm bộ y để xứng đáng là một cuộc làm phước trọng thể.

- Thưa mẹ! Tất cả đều đã có đủ y.

- Thêm một bộ nữa, không được sao?

- Thưa mẹ! Mỗi vị thường sống hạnh tri túc với tam y của mình.

- Vậy thì ta không ép.

Bà lại chống gậy bỏ đi.

- Thưa mẹ...

- Gì nữa đó?

- Con muốn nhân dịp có năm trăm vị tỳ-khưu như thế nầy, mẹ thỉnh nguyện chư tăng tụng kinh hồi hướng phước báu cúng dường ấy đến cho cha!

- Ðấy là tín ngưỡng của ông, chứ không phải tín ngưỡng của ta. Ta không phải thưa thỉnh ai hết!

Thấy mẹ vẫn cố chấp như thuở nào, tôn giả Sāriputta nín lặng.

Chợt bà hỏi vọng ra:

- Chiều và tối nay ông nghỉ đâu?

- Thưa mẹ, ngoài rừng cùng với chúng tỳ-khưu tăng!

- Thôi được rồi, tùy ý ông.

Ngày hôm sau, giữ đúng lời hứa, bà bảo mấy trăm gia nhân chuẩn bị cơm nước, bánh trái, đầy đủ các món ăn thượng vị loại cứng, loại mềm, cao sang nhất cúng dường cho tăng chúng năm trăm vị. Quả thật, danh vọng của gia đình dòng họ Vaṅganta quá lớn nên một khẩu lệnh của bà là “nhất hô bá ứng”, trên dưới, trong ngoài tuân lời răm rắp. Bà cũng hoan hỷ cùng với gia nhân sớt vật thực vào từng bát cho mỗi vị. Tuy nhiên, nỗi buồn khổ của người mẹ “mất con” vẫn hậm hực trong lòng bà, nên khi để bát cho một vài nhóm tỳ-khưu coi bộ lớn tuổi, bà tức giận đã nói nhỏ vào tai họ rằng: Cũng vì mấy ông trọc đầu đê tiện này! Kể cả ông sa-môn Gotama điên khùng kia nữa mà ta phải vĩnh viễn mất đi đứa con trai! Không những mất một đứa mà mất luôn năm sáu đứa! Hãy ăn cho no bụng rồi cút đi! Cút cho khuất mắt ta!

Khi để bát cho tôn giả Sāriputta, bà cũng nói nhỏ bên tai như hơi gió thoảng: Chỉ có ông là ngu si nhất trên cuộc đời này! Chỉ có ông là bị ông Gotama cho ăn “cháo lú” nên mới bỏ cả gia tài tám chín trăm triệu đồng tiền vàng để đổi lấy cái đời sống thân tàn ma dại ngốc nghếch!

Tôn giả Sāriputta cùng chư tăng không ai hé miệng nửa lời, vẫn cẩn trọng, từ tốn, khiêm cung, lặng lẽ độ thực. Dùng xong, chư tăng năm trăm vị cùng tụng kinh phúc chúc và hồi hướng phước báu. Lời kinh trầm hùng và cao cả như hải triều âm cuồn cuộn đổ tràn ra không gian. Uy lực của lời kinh, của âm thanh linh thiêng, cao cả làm cho ngôi làng như lặng ngắt, mấy trăm gia nhân tự động chắp tay lên ngực. Bà Sārī cao ngạo là vậy mà bất giác cũng phải chống gậy thẳng lưng lên, có một sự tôn kính nào đó thoáng gợn lên làn da mặt của bà...

Tôn giả Sāriputta nghĩ rằng vậy là mình đã báo đáp được một phần nào ân đức của cha, nên chào mẹ, em trai Revata rồi lên đường. Bà Sārī trông theo, trên đôi mắt ứa ra mấy giọt lệ.

Tôn giả Sāriputta tự nghĩ: Rồi một lúc nào đó, mẹ cũng đến được bến bờ an vui, sẽ không còn đau khổ nữa!

Tôn giả còn ở lại trong làng một ngày nữa, ngài đi đến khu rừng đầu-đà, nơi có những tỳ-khưu đang sống hạnh tĩnh cư, cốt ý gởi gắm Revata sau này. Nghe tôn giả đến, mấy chục vị tỳ-khưu hớn hở, vui mừng ra tiếp rước y bát, nước rửa chân và giẻ chùi chân. Tôn giả vắn tắt vài lời, thăm hỏi sức khỏe, sự an vui trong tu tập rồi nói:

- Thưa chư hiền! Tôi có một đứa em trai, bảy tuổi, tên là Revata; nếu sau này, khi nào em tôi tìm đến đây thì chư hiền hãy làm lễ xuất gia cho nó, tôi sẽ vô cùng biết ơn.

- Thưa vâng, chúng con sẽ y lời, thưa bậc Tướng quân Chánh pháp.

Các vị khác lại thưa:

- Không mấy khi tôn giả ghé chân đến đây! Ôi! Cả khu rừng này đều được hạnh phúc. Việc Revata là việc nhỏ, chúng con sẽ chu toàn! Bây giờ xin tôn giả ban cho một thời pháp để được lợi lạc lâu dài cho chúng con.

Tôn giả vui vẻ hỏi:

- Về vật thực, y áo chư hiền có đầy đủ không?

- Dạ đầy đủ.

- Về sàng tọa, thuốc men, chư hiền có đầy đủ không?

- Dạ đầy đủ.

- Về học giới, chư hiền có gì thắc mắc không?

- Dạ không, chúng con sống rất hòa thuận nhờ tôn trọng, nhắc nhở, khuyến khích, sách tấn nhau từng học giới.

- Vậy về pháp hành chư hiền đã có đầy đủ bên mình cả chưa?

- Dạ chúng con đều đầy đủ. Chúng con, mỗi người đều xin được pháp hành từ đức Ðạo Sư!

Nhìn quanh hội chúng, tôn giả lại hỏi:

- Chư hiền sống với nhau giữa rừng núi. Vậy sống giữa rừng núi, chư hiền cần phải thành tựu bao nhiêu pháp? Mà nhờ thành tựu những pháp ấy chư hiền đi bất cứ đâu cũng không hổ thẹn mình là một vị tỳ-khưu sống ẩn cư giữa rừng già, hành theo pháp đầu-đà cao thượng?

Chư tăng ngơ ngác nhìn nhau một hồi rồi họ đồng thanh nói:

- Quả thật chúng con chưa được nghe, chúng con chưa được học hỏi. Mong trưởng lão bi mẫn chỉ giáo, soi rọi chỗ tối tăm cho chúng con.

Tôn giả Sāriputta bèn giáo giới như sau:

- Này chư hiền! Trước đây nhiều năm, tại kinh thành Rājagaha có vị tỳ-khưu tên là Gulissani sống tại rừng núi, nhưng khi vào các tịnh xá trong thành phố thì thường có những hành động thô tháo. Nguyên nhân của các hành động thô tháo ấy là vì tỳ-khưu Gulissani chưa thành tựu được những pháp ở núi rừng. Bây giờ chư hiền hãy lắng nghe, ta sẽ giảng.

Khi thấy chư tăng đang cung kính, chăm chú lắng nghe, tôn giả đã giảng như sau:

- Này chư hiền! Khi từ núi rừng đến trú với chư tăng trong các tịnh xá ở làng hoặc trong thành phố thì chư hiền nên thọ trì những pháp như sau:

Pháp thứ nhất, chư hiền phải thực hành là biết cung kính các vị đồng phạm hạnh, đừng tự cao, ngã mạn; phải biết vị nào cao hạ để đối xử cho phải lẽ; phải biết vị nào là trưởng lão, là bậc thầy để tôn trọng, đảnh lễ!

Pháp thứ hai, chư hiền nên thực hành là phải biết khéo léo về chỗ ngồi, đừng chiếm lấy chỗ ngồi của các vị trưởng lão tỳ-khưu, đừng đuổi chỗ ngồi của các vị tỳ-khưu niên thiếu. Cả hai pháp ấy, chư hiền có thực hành được không?

- Chúng con thực hành được.

Tôn giả lại nói tiếp:

- Pháp thứ ba, là khi về trú giữa tăng chúng, chư hiền đừng bao giờ đi khất thực quá sớm và trở về quá trưa; vì như vậy mọi người sẽ bàn tán: Các vị tỳ-khưu đi la cà đâu đó, ghé nhà thiện tín này, ghé nhà thiện tín kia, để tà mạng, để gợi ý ăn món này, món nọ; thân thiện quá nhiều với giới tại gia cư sĩ. Vậy chư hiền nên đi khất thực đúng giờ và trở về khi vật thực vừa đủ no lòng. Chư hiền nhớ rõ như vậy chứ?

- Chúng con nhớ rõ.

- Pháp thứ tư, chư hiền khi về trú giữa tăng chúng, đừng bao giờ ghé nhà thiện tín trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn; làm như vậy, người ta sẽ bàn tán: Mấy ông sa-môn này đến kiếm chác cái gì đây mà trước bữa ăn đến chầu chực và sau bữa ăn chẳng để người ta nghỉ ngơi! Chư hiền có thấy sự dị nghị khó nghe như vậy chăng?

- Ðúng là như vậy.

- Pháp thứ năm, chư hiền khi về sống giữa tăng chúng phải luôn luôn ổn định thân, ổn định khẩu, ý, đừng vung tay vung chân; phải nói năng điềm đạm, luôn luôn biết tự chế, đừng phóng dật, đừng dao động, đừng nói quá nhiều lời, đừng sa đà vào những câu chuyện phù phiếm, tạp nhạp, rỗng không, vô ích...

- Thưa vâng, bạch tôn giả!

- Lại nữa, pháp thứ sáu mà chư hiền nên có là luôn luôn mềm mỏng, chứng tỏ người dịu dàng, dễ dạy; đừng cứng đầu và đừng bao giờ biểu hiện ra ngoài dù là một hành động ác nhỏ; làm sao chứng tỏ mình là một người bạn lành, một thiện trí thức thật sự.

- Chúng con xin ghi nhớ.

- Pháp thứ bảy là phải thường phòng hộ các căn, biết tri túc, tiết độ trong ăn uống, ngủ nghỉ.

- Thưa vâng!

- Pháp thứ tám là phải kiên trì, tinh cần, không được giải đãi, buông xuôi, biếng nhác...

- Pháp thứ chín là phải cẩn thận, chú tâm, không thất niệm, phải có thiền định.

- Pháp thứ mười là luôn luôn chánh niệm, tỉnh giác, có trí tuệ, biết quán chiếu ngũ uẩn.

- Vâng, bạch tôn giả.

- Pháp thứ mười một là chư hiền cần phải học tập cho thông suốt, rốt ráo... để ai hỏi về thắng pháp, thắng luật, chư hiền đều có thể trả lời được.

- Thưa vâng!

- Pháp thứ mười hai là các pháp tịch tịnh, giải thoát, vượt khỏi sắc pháp, vượt khỏi vô sắc pháp, chư hiền đều có thể giảng giải rành rẽ cho người cầu học.

- Và pháp thứ mười ba là các thắng trí của bậc thượng nhân, chư hiền cũng cần phải thành tựu.

Thấy hội chúng thảy đều im lặng, tôn giả Sāriputta khích lệ, sách tấn:

- Thưa chư hiền! Không phải là tôi đã đòi hỏi quá nhiều, mà thật đúng là vậy, có mười ba pháp, vị tỳ-khưu sống ở rừng núi cần phải được học hỏi, y chỉ, thực hành, thành tựu. Khi mà có được mười ba pháp ấy thì chư hiền đi bất cứ đâu, đồng đạo cũng cung kính, ái mộ mà cận sự nam nữ cũng thảy đều cung kính, ái mộ. Chư hiền đến đâu cũng là bóng mát nương tựa cho chư thiên và loài người.

Vậy chư hiền hãy cố gắng, kham nhẫn tấn tu, hãy thương yêu nhau, đùm bọc nhau, nhắc nhở nhau để tất cả cùng thành đạt cứu cánh tối thượng của sa-môn hạnh. Là mục đích xán lạn và cao cả, xứng đáng cho những thiện gia nam tử xuất gia cần cầu an ổn mọi ách phược.

Chư tăng ở trong rừng đầu-đà thảy đều hoan hỷ, họ đã nghe một thời pháp chưa từng được nghe: Trọn vẹn và toàn hảo. Họ vô cùng tri ân, cung kính tiễn đưa tôn giả Sāriputta lên đường.

Bà Sārī chống gậy nhìn theo hình bóng người con trai thân yêu, mắt già hoen lệ. Cả một cơ ngơi trù phú, thạnh mãn, đông vui mà bây giờ trở nên trống không. Cả hàng trăm gia nô, kẻ hầu người hạ mà lúc nào bà cũng cảm thấy hoang vắng. Tiền rừng bạc bể, sơn hào hải vị cũng trở nên vô ích, lạt lẽo...

Revata ra đứng bên cạnh, nắm tay bà, đôi mắt nó cũng nhìn ra hướng xa xăm. Ðộng tâm, bà Sārī nghĩ: Hay là cái giọt máu cuối cùng này cũng không muốn nối truyền tông hệ? Nó nhìn anh trai trưởng của nó với đôi mắt đầy khâm phục và tôn kính! Nó đã cãi lại ta, bênh vực anh nó, và cảm mến cả lũ sa-môn đầu trọc nữa! Thôi phải rồi, nguy rồi! Ta phải cứu con trai út của ta! Ta phải cứu cho cả dòng họ Vaṅganta! Phải cưới vợ cho nó thôi! Revata bảy tuổi, ta sẽ cưới cho nó một cô gái chừng mười bốn mười lăm tuổi; và cô gái ấy sẽ thay ta kềm kẹp nó, ngăn giữ nó, không cho nó có ý nghĩ ngông cuồng chạy theo bọn không cửa không nhà! Gia sản phải có người gìn giữ, huyết thống phải có người kế thừa!

Nghĩ là làm ngay. Ngày hôm sau, bà cho mời mấy người trưởng thượng trong quyến thuộc, trình bày lý do; sau đó, nhờ họ dò hỏi ở những gia đình cùng tập cấp và vai vế, cùng danh vọng và gia sản. Một cô gái mười bốn tuổi xinh đẹp được tìm ra. Lễ dạm hỏi được tiến hành nhanh chóng. Gia đình bà Sārī giàu có nên không cần của hồi môn của cô gái.

Revata còn bé quá nên không biết gì. Ðến ngày cử hành hôn lễ, cậu bé được mặc trang phục xinh đẹp, mang đồ trang sức quý giá, cùng với hàng trăm tùy tùng bước lên những cỗ xe sang trọng đi đến nhà gái. Revata được người ta cho biết là hôm nay cậu cưới vợ, và cô gái kia sẽ ăn ở với cậu trọn đời. Ðến đây thì cậu đã hiểu tuy còn rất mơ hồ.

Thân bằng quyến thuộc của hai họ tề tựu đông đủ. Cờ, đèn, hoa và màu sắc chỗ này chỗ kia làm cậu ta hoa mắt. Ðến giờ lành, giờ tốt, người ta cử hành lễ rước dâu. Cậu đứng bên một cô gái cao hơn cậu cả một cái đầu - mặt được trùm kín bởi một chiếc khăn mỏng - không thấy mặt mũi cô gái ra sao, chỉ nghe người ta nói là đẹp lắm!

Vị trưởng lão chủ hôn, đặt tay trong bát nước, rảy nước rồi công bố phúc lành:

- Cầu cho các con trăm năm tơ hồng thắm thiết. Cầu cho các con được phúc thọ khang ninh như bà ngoại của cô dâu vậy.

Sau lời cầu chúc tốt đẹp của hai họ, Revata tự nghĩ: Bà ngoại của nàng là ai vậy? Khi được biết rằng, đấy là một cụ bà sống một trăm hai mươi tuổi, răng rụng, tóc bạc, da nhăn đầy những vết đồi mồi, lưng còng như một cái kèo uốn cong giống cái giàn xay! Revata bèn thăm hỏi người hầu thân tín: “Này, cô dâu xinh đẹp trẻ trung của tôi, khi già thì trông cũng giống như bà ngoại của nàng chăng?” Người ta đáp: “Ðấy là điều dĩ nhiên. Bệnh, già, chết là định luật cậu ạ, chẳng ai tránh thoát được đâu!”

Khi sự thật đã được xác nhận, đã được thấy rõ, Revata kinh hãi, tự nghĩ: Ðấy có lẽ là sự thật mà các anh trai của ta, các chị gái của ta đã nhận thức nên họ đã từ bỏ gia đình để làm những vị nam sa-môn, nữ sa-môn. Vậy ngay bây giờ ta phải tìm cách, lập kế mà trốn đi kẻo không còn kịp nữa. Ta phải xuất gia!

Thế rồi trên đường trở về cùng với cô dâu trên chiếc xe hoa sực nức mùi hương, Revata chợt la lên:

- Hãy dừng xe lại một chút. Tôi bị đau bụng!

Revata bước ra khỏi xe, tất tả đi vào một đám cây rậm rạp, một lát, cậu chậm rãi trở lại. Lần thứ hai, lần thứ ba Revata cũng viện cớ như vậy.

Lần thứ tư, khi còn cách nhà không bao xa, Revata nói một cách rất tự nhiên:

- Rõ là cái bụng nó đang hành hạ tôi. Nhà cũng sắp đến rồi, vậy quý vị cứ chầm chậm cho xe đi trước, tôi sẽ theo kịp ngay tức khắc.

Không ai nghi ngờ gì cả, họ đánh xe đi. Revata đi vào một đám cây khuất bóng, rồi cậu co giò chạy một mạch vào hướng tây khu rừng. Trời gần tối, đói meo, mệt lả, cậu tìm ra ngôi rừng đầu-đà, nơi có ba mươi vị tỳ-khưu mà trước đây tôn giả Sāriputta đã dặn dò, gởi gắm.

Gặp họ, Revata đảnh lễ:

- Thưa chư đại đức! Hãy cho con xuất gia, hãy thâu nhận con vào Tăng chúng.

- Này cậu bé! Một vị trưởng lão nói - với những trang sức quý giá và với những y phục cao sang, đẹp đẽ như vậy, không biết cậu bé là con vua hay cháu chúa làm sao chúng ta dám nhận vào Tăng đoàn này, nơi những sa-môn sống đời ẩn cư khổ hạnh?

- Bạch ngài, con là em trai út của Upatissa.

- Upatissa là ai?

- Bạch ngài! Upatissa là tên của anh trai con thuở còn là gia chủ. Từ khi xuất gia đến nay, anh trai con có tên là Sāriputta!

Các vị trưởng lão, đại đức, thất kinh cùng đứng dậy:

- Sao? Ðúng là em trai tôn giả Sāriputta đấy chứ?

- Dạ đúng vậy! Anh trai con là Sāriputta, xuất thân trong gia đình trưởng giáo bà-la-môn, dòng họ Vaṅganta, con bà Sārī. Một ngôi làng phía Ðông, cách đây nửa ngày đường.

- Ðúng rồi, không hoài nghi gì nữa! Này cậu bé! Trưởng lão Sāriputta có dặn bảo chúng tôi, chờ đợi cậu và làm lễ xuất gia cho cậu. Ngài là anh cả của chúng tôi, là thầy của chúng tôi, là cái mặt trời, mặt trăng mà chúng tôi hằng ngưỡng mộ!

Thế rồi, Revata được cởi ra những y phục sang trọng và tư trang quý giá, mặc vào mảnh y của người khất sĩ, làm lễ cạo tóc và xuất gia.

Một vị tỳ-khưu trong rừng đầu-đà bộ hành về Kỳ Viên tịnh xá báo lại sự việc cho tôn giả Sāriputta nghe. Ngài muốn đi thăm em, nhưng hôm đó đức Phật nói:

- Này Sāriputta! Bây giờ là chưa phải thời! Hãy kham nhẫn!

Trong lúc ấy, sa-di Revata tự nghĩ: Nếu ta tiếp tục trú ngụ ở đây, dầu chỉ một ngày thôi, thì trước sau gì gia đình cũng tìm thấy.

Bèn xin đề mục thiền quán từ vị trưởng lão rồi mang y và bát, Revata khởi sự một chuyến du hành rất xa, ba mươi dặm đường, một mình vào trú trong khu rừng xiêm gai. Revata nhập hạ ở đây trong ba tháng mùa mưa, Revata thành tựu được mục đích của sa-môn hạnh cùng với những thắng trí của bậc thượng nhân!

Nghe xong chuyện ấy, đức Thế Tôn chợt nói:

- Bây giờ là phải thời, Như Lai sẽ cùng ông đi thăm sa-di Revata.

Ðại chúng hay tin, chư phàm tăng không ngớt bàn tán, cho rằng đức Thế Tôn thiên vị vì Revata là em trai của bậc Tướng quân Chánh pháp. Họ nói:

- Chúng ta hãy xem! Một chú sa-di bảy tuổi, lại ở cách xa biết bao dặm đường, thế mà đức Thế Tôn phải đích thân đi thăm viếng, hẳn là một sự kiện hy hữu!

Biết được tâm ý của một số tỳ-khưu như vậy, nhưng đức Thế Tôn không nói gì, ngài bảo tôn giả Sāriputta tập hợp đại chúng rồi lên đường. Ðến một ngã ba, tôn giả Mahā Moggallāna thưa rằng:

- Có hai con đường dẫn đến khu rừng cây xiêm gai của sa-di Revata. Con đường tốt được bảo vệ, có dân cư và nhà cửa đông đúc, dài sáu mươi do-tuần. Một con đường xấu, không được ai bảo vệ, nhiều phi nhân và ác thú, hoang vắng người và nhà cửa, nhưng rất ngắn, chỉ có ba mươi do-tuần. Vậy chúng ta đi con đường nào, bạch đức Thế Tôn?

Ðức Phật hỏi ngài thị giả:

- Có Sīvali(1)đi cùng đấy không, Moggallāna?

- Thưa có, có mặt sa-di Sīvali trong số năm trăm tỳ-khưu.

- Vậy chúng ta đi con đường ngắn.

Đại đức Ānanda băn khoăn:

- Bạch đức Thế Tôn! Con đường hoang vắng này thật không dễ dàng trì bình khất thực cho một hội chúng đông đúc!

- Này Ānanda! Ðức Phật nói - Ông đừng nên quá lo lắng như vậy, sẽ có nhân, duyên và báo nó tự động làm việc của nó mà.

Quả là con đường ngắn này thật hiểm trở, cheo leo, vất vả. Nhưng ngạc nhiên làm sao, con đường ấy hôm nay lại bằng phẳng, phong quang! Và cứ cách một do-tuần là có những căn nhà nghỉ to, rộng, thoáng mát. Nơi những căn nhà nghỉ đầu tiên, có những cư dân không biết ở đâu xuất hiện, ăn mặc sang trọng(1), mang những mâm vật thực sang trọng, tỏa ngát mùi hương đi tìm trưởng lão Sīvali và dâng cúng vật thực cho vị ấy.

Sa-di Sīvali lại bảo họ dâng cúng đến đức Thế Tôn và Tăng chúng. Suốt ba mươi do-tuần, đức Ðạo Sư và đại chúng được nghỉ ngơi và thọ dụng vật thực kỳ lạ như vậy.

Ðến khu rừng cây xiêm gai, sa-di Revata trang nghiêm, tề chỉnh ra đảnh lễ đức Thế Tôn và Tăng chúng. Mọi người đưa mắt nhìn quanh, chẳng còn thấy đâu là khu rừng già đầy gai góc và hoang dã nữa. Kia là hương phòng dành cho đức Ðạo Sư đẹp đẽ như cung điện của cõi trời. Rải rác cả mấy khu rừng là năm trăm chỗ ngụ có tháp nhọn, mỗi chỗ ở trang trọng như vậy được dành cho một vị tỳ-khưu! Ngoài ra có năm trăm con đường đi kinh hành có mái che xanh mát bởi dây leo và hoa nở; lại có cả năm trăm khu vực dành cho ban ngày và ban đêm...

Chư tăng không ngớt bàn tán, chỉ chỏ. Tôn giả Sāriputta ân cần nắm tay sa-di Revata:

- Ta hoàn toàn mãn nguyện rồi, em có biết không, Revata?

Revata kính cẩn nắm tay anh, và biết rằng, mọi nhân, mọi duyên hôm nay mà được chín muồi đều do nhờ ân đức của người anh trai cao quý này.

Tại đây, đức Thế Tôn ở lại mấy hôm để giáo giới chư tăng. Ngài tán thán hạnh độc cư, thiền định, tán thán những nỗ lực tấn tu phạm hạnh của Revata, khuyên chư tăng nên lấy đó làm gương, làm cái đích để tiến hóa.

Trong thời gian ở đây, đức Phật và Tăng chúng được số dân cư xa lạ dâng cúng vật thực đầy đủ. Trước khi rời khu rừng xiêm gai, đức Thế Tôn đã xóa tan mọi nghi hoặc trong tâm của đại chúng:

- Này các thầy tỳ-khưu! Suốt ba mươi do-tuần và cả thời gian ở đây, Như Lai và các thầy được dâng cúng vật thực thượng vị đều do nhờ phước báu của một người: Đấy là sa-di Sīvali! Sự kiện hy hữu ấy các thầy phải thấy rõ để tăng trưởng đức tin chơn chánh vào giáo pháp!

Chư tăng im lặng, họ đã hiểu lý do cuộc lên đường xa xôi của đức Phật.

- Bạch đức Thế Tôn! Một vị hỏi - do nhân gì, do duyên gì mà sa-di Sīvali có phước báu thù thắng như vậy?

Ðức Phật lại phải vén bức màn quá khứ đã bị che lấp:

- Này các tỳ-khưu! Cách đây chín mươi mốt đại kiếp, vào thời đức Phật Vipassi (Tỳ-bà-thi) tỳ-khưu Sīvali là một nông dân nghèo. Hôm kia, y lấy được một ổ mật ong tươi. Ổ mật ong ấy trị giá chỉ có mấy xu nhưng người ta trả giá mua đến một ngàn đồng tiền vàng. Khi biết rằng, họ mua là để cúng dường, người nông dân ấy đã không bán để lấy tiền mà phát tâm hoan hỷ hùn phước. Y đã cúng dường mật ong đến đức Phật Vipassi và Tăng chúng sáu mươi tám ngàn vị. Do nhân ấy, do duyên ấy mà nhiều đời kiếp cho đến hôm nay, Sīvali bao giờ cũng sung mãn vật thực, trong giáo hội không ai bằng được, kể cả Như Lai.

Sau này, khi các thầy bộ hành qua các làng mạc xa xôi, gặp lúc đói kém, mất mùa - hãy tháp tùng với Sīvali dầu năm vị, mười vị hay hơn thế nữa các thầy vẫn được no đủ. Thí chủ của sa-di Sīvali ở khắp mọi nơi, không phải chỉ có loài người mà còn có cả chư thiên và thọ thần nữa!

Im lặng một lát, đức Thế Tôn đứng dậy, nắm tay sa-di Revata rồi nói rằng:

- Còn đây là con trai của Như Lai, con trai thù thắng của Như Lai! Các thầy biết tại sao mà Như Lai yêu mến Revata như vậy không? Nếu biết chuyện của Revata thì trong các thầy, ai cũng phải yêu mến và đều muốn đi viếng thăm Revata cả!

Này các thầy tỳ-khưu! Mặc dầu mới bảy tuổi nhưng Revata đã phải lên xe hoa với cô dâu. Thế nhưng, khi sắp về đến nhà, Revata đã tìm cách trốn đi, nhịn đói, nhịn khát vượt qua con đường dài, đến khu rừng đầu-đà với quyết chí xuất gia. Ngày hôm sau, sa-di Revata đã vội vã lên đường làm một cuộc bộ hành xa xăm hơn nữa, đến đây, với y và bát, an cư mùa mưa và khởi tâm đạt cho được quả vị A-la-hán. Thế rồi, cuối mùa mưa, sa-di Revata thành đạt được ý nguyện cùng với những thắng trí. Hương phòng của Như Lai, năm trăm chỗ ngụ có tháp nhọn, năm trăm đường đi kinh hành cùng mọi tiện nghi ăn ở khác, tất cả đều do năng lực của sa-di Revata cả! Vậy các thầy có thấy đấy là sự kiện hy hữu không?

Khi chư tăng hoan hỷ cất tiếng “lành thay” thì chư thiên, thọ thần khắp núi rừng đồng loạt tán thán theo làm chấn động đến cả cõi trời.

Vị sa-di thánh tăng Revata sau này đến tuổi, thọ đại giới. Hai người anh trai lớn của Revata là Upasena và Cunda (được gọi là Mahā Cunda) đều đã xuất gia sớm, đã đắc quả A-la-hán và đã trở thành các bậc trưởng lão uy tín, thanh tịnh. Ba người chị của Revata, mỗi nàng sinh được một người con trai, được đặt những tên có nghĩa là “theo chân người mẹ”; được bảy tuổi, bèn “theo chân người mẹ”, nên cũng xuất gia luôn. Và chính đại đức Revata nhận họ, làm thầy truyền sa-di giới. Những vị tỳ-khưu-ni Cālā Upacālā và Sīsupacālā đều đắc quả A-la-hán. Các con trai của các nàng đều có hạnh kiểm tốt đẹp. Vậy, tính cả tôn giả nữa, gia đình dòng họ Vaṅganta đã có bảy vị A-la-hán, quả thật là hy hữu vậy!

Tôn giả Sāriputta dường như đã chu toàn xong những bổn phận cao cả đối với gia đình, quyến thuộc, bằng hữu; nhưng ngài còn một nỗi bên lòng: Ấy là mẹ ngài, đang còn theo ngoại đạo, vẫn giữ vững đức tin với đấng Phạm Thiên của bà, không gì lay chuyển nổi!



(1)Ngài Sīvalī có phước vật rất lớn. Hễ chư Tăng đi với ngài, dù đến nơi đói kém vẫn có đầy đủ vật thực. Hiện nay, các Phật tử Nam Tông thờ ngài như vị thần tài!

(1)Đây là chư thiên, thọ thần – là thí chủ hộ độ cho trưởng lão Sīvalī.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/08/2021(Xem: 4628)
Hôm nay là ngày 15/8 dương lịch nhằm ngày mồng Tám tháng Bảy, Tân Sửu. Chỉ còn một tuần nữa là tới Rằm tháng Bảy. Rằm tháng Bảy âm lịch là ngày mà các chùa theo đạo Phật khắp nơi trên thế giới đều tổ chức Lễ Vu-Lan rất trọng thể. Lễ Vu-Lan từ lâu đã được xem như là ngày Lễ Báo Hiếu của những người con dành cho bậc cha mẹ.
23/07/2021(Xem: 16739)
Giữa tương quan sinh diệt và biển đổi của muôn trùng đối lưu sự sống, những giá trị tinh anh của chân lý bất diệt từ sự tỉnh thức tuyệt đối vẫn cứ thế, trơ gan cùng tuế nguyệt và vững chãi trước bao nổi trôi của thế sự. Bản thể tồn tại của chân lý tuyệt đối vẫn thế, sừng sững bất động dẫu cho người đời có tiếp nhận một cách nồng nhiệt, trung thành hay bị rũ bỏ, vùi dập một cách ngu muội và thô thiển bởi các luận điểm sai lệch chối bỏ sự tồn tại của tâm thức con người. Sự vĩnh cửu ấy phát xuất từ trí tuệ vô lậu và tồn tại chính bởi mục đích tối hậu là mang lại hạnh phúc chân thật cho nhân loại, giúp con người vượt thoát xiềng xích trói buộc của khổ đau. Tuỳ từng giai đoạn của nhân loại, có những giai đoạn, những tinh hoa ấy được tiếp cận một cách mộc mạc, dung dị và thuần khiết nhất; có thời kỳ những nét đẹp ấy được nâng lên ở những khía cạnh khác nhau; nhưng tựu trung cũng chỉ nhằm giải quyết những khó khăn hiện hữu trong đời sống con người và xã hội.
07/05/2021(Xem: 21072)
Phật Điển Thông Dụng - Lối Vào Tuệ Giác Phật, BAN BIÊN TẬP BẢN TIẾNG ANH Tổng biên tập: Hòa thượng BRAHMAPUNDIT Biên tập viên: PETER HARVEY BAN PHIÊN DỊCH BẢN TIẾNG VIỆT Chủ biên và hiệu đính: THÍCH NHẬT TỪ Dịch giả tiếng Việt: Thích Viên Minh (chương 11, 12) Thích Đồng Đắc (chương 1, 2) Thích Thanh Lương (chương 8) Thích Ngộ Trí Đức (chương 7) Thích Nữ Diệu Nga (chương 3, 4) Thích Nữ Diệu Như (chương 9) Đặng Thị Hường (giới thiệu tổng quan, chương 6, 10) Lại Viết Thắng (phụ lục) Võ Thị Thúy Vy (chương 5) MỤC LỤC Bảng viết tắt Bối cảnh quyển sách và những người đóng góp Lời giới thiệu của HT Tổng biên tập Lời nói đầu của Chủ biên bản dịch tiếng Việt GIỚI THIỆU TỔNG QUAN Giới thiệu dẫn nhập Giới thiệu về cuộc đời đức Phật lịch sử Giới thiệu về Tăng đoàn: Cộng đồng tâm linh Giới thiệu về các đoạn kinh của Phật giáo Thượng tọa bộ Giới thiệu về các đoạn kinh của Phật giáo Đại thừa Giới thiệu về các đoạn kinhcủa Phật giáo Kim cương thừa PHẦN I: CUỘC ĐỜI ĐỨC
29/11/2020(Xem: 14593)
“Ma” tiếng Phạn gọi là Mara, Tàu dịch là “Sát,” bởi nó hay cướp của công đức, giết hại mạng sống trí huệ của người tu. “Ma” cũng chỉ cho những duyên phá hoại làm hành giả thối thất đạo tâm, cuồng loạn mất chánh niệm, hoặc sanh tà kiến làm điều ác, rồi kết cuộc bị sa đọa. Những việc phát sanh công đức trí huệ, đưa loài hữu tình đến Niết-bàn, gọi là Phật sự. Các điều phá hoại căn lành, khiến cho chúng sanh chịu khổ đọa trong luân hồi sanh tử, gọi là Ma sự. Người tu càng lâu, đạo càng cao, mới thấy rõ việc ma càng hung hiểm cường thạnh. Theo Hòa Thượng Thích Thiền Tâm trong "Niệm Phật Thập Yếu", Ma tuy nhiều, nhưng cốt yếu chỉ có ba loại: Phiền não ma, Ngoại ma và Thiên ma
04/11/2020(Xem: 9105)
Những chúng sanh thuộc hàng Thanh Văn: Các chúng sanh thuộc hàng Thanh Văn được chứng ngộ khi nghe được những học thuyết về các Uẩn, Giới, Xứ, nhưng lại không đặc biệt lưu tâm đến lý nhân quả. Họ giải thoát được sự trói buộc của các phiền não nhưng vẫn chưa đoạn diệt được tập khí của mình. Họ đạt được sự thể chứng Niết-Bàn, và an trú trong trạng thái ấy, họ tuyên bố rằng họ đã chấm dứt sự hiện hữu, đạt được đời sống Phạm hạnh, tất cả những gì cần phải làm đã được làm, họ sẽ không còn tái sinh nữa. Những vị nầy đã đạt được Tuệ kiến về sự Phi hiện hữu của “Ngã thể” trong một con người, nhưng vẫn chưa thấy được sự Phi hiện hữu trong các sự vật. Những nhà lãnh đạo triết học nào tin vào một "Đấng Sáng Tạo" hay tin vào “Linh hồn” cũng có thể được xếp vào đẳng cấp nầy.
03/10/2020(Xem: 24302)
Đây là một bài nghị luận về Lý Duyên Khởi được Ajahn Brahm viết lần đầu tiên hơn hai thập niên trước. Vào lúc đó, ngài quan tâm nhiều hơn đến những chi tiết phức tạp trong việc giảng dạy kinh điển. Vì lý do đó bài nghị luận này có tính cách hoàn toàn chuyên môn, so với những gì ngài giảng dạy hiện nay. Một trong những học giả Phật học nổi tiếng nhất hiện nay về kinh điển Phật giáo đương đại là Ngài Bhikkhu Bodhi, đã nói với tôi rằng “Đây là bài tham luận hay nhất mà tôi được đọc về đề tài này”.
23/03/2020(Xem: 12114)
Có một con sư tử mẹ đang đi kiếm ăn. Nó sắp làm mẹ. Buổi sáng đó nó chạy đuổi theo một chú nai. Chú nai con chạy thật nhanh dù sức yếu. Sư tử mẹ dầu mạnh, nhưng đang mang thai, nên khá chậm chạp. Sư tử mẹ chạy sau chú nai con rất lâu, khoảng 15 phút, mà vẫn chưa bắt kịp. Sau đó chúng tới một rãnh sâu. Chú nai lẹ làng nhảy qua rãnh, sang bờ bên kia. Sư tử mẹ rất bực tức vì không bắt kịp con mồi, và vì nó đang cần thức ăn cho cả nó và đứa con trong bụng. Vì thế, nó cố hết sức để nhảy qua cái rãnh sâu. Nhưng tai họa đã xảy ra, sư tử mẹ đã sẩy đứa con khi cố nhảy qua rãnh. Dầu qua được bờ bên kia, nhưng sư tử mẹ biết rằng mình đã đánh mất đứa con mà nó đã chờ đợi từ bao lâu, đã yêu thương hết lòng, chỉ vì một phút vô tâm của mình. Nó đã quên rằng nó đang mang một bào thai trong bụng, và nó cần phải hết sức cẩn trọng. Chỉ một phút lơ đễnh, nó đã không giữ được đứa con của mình.
04/01/2020(Xem: 8417)
Bài viết nhan đề “Góp Ý Với Sư Cô Thích Nữ Thanh Tâm” của Cư sĩ Thiện Quả Đào Văn Bình trên mạng Thư Viện Hoa Sen hiển nhiên là nhiều thiện ý, đã đưa ra các nhận định mang tính xây dựng. Từ đó, tất nhiên có phản ứng, và những ý kiến trái nghịch được đưa ra. Trong mọi trường hợp, tất cả những dị kiến nên xem như chuyện bình thường.
08/12/2019(Xem: 27597)
Kính lễ Phật Pháp Tăng là thể hiện niềm tin sâu xa của Tứ chúng đệ tử đức Phật mỗi ngày đối với Tam bảo. Đệ tử Phật dù tu tập chứng A-la-hán vẫn suốt đời nương tựa và kính lễ Phật Pháp Tăng không hề xao lãng. Các vị Bồ tát từ khi phát Bồ đề tâm, tu tập trải qua các địa vị từ Tín, Trú, Hạnh, Hướng, Địa cho đến Đẳng giác không phải chỉ nương tựa và kính lễ Phật Pháp Tăng một đời mà đời đời, kiếp kiếp đều nương tựa và kính lễ Phật Pháp Tăng. Nhờ sự nương tựa và kính lễ Phật Pháp Tăng như vậy, mà Bồ tát không rơi mất hay quên lãng tâm bồ đề, khiến nhập được vào cảnh giới Tịnh độ không thể nghĩ bàn của chư Phật, nhập vào thể tính bất sinh diệt cùng khắp của Pháp và nhập vào bản thể hòa hợp-thanh tịnh, sự lý dung thông vô ngại của Tăng.
08/12/2019(Xem: 29458)
Phật Giáo và Những Dòng Suy Tư (sách pdf)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]