CHÙA THANH XUÂN
VỚI NHỮNG BƯỚC HÌNH THÀNH
Chùa Thanh Xuân thuộc địa danh làng Thanh Xuân Xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nằm dọc duyên hải miền trung bờ nam biển Cửa Việt; cuối nguồn hai nhánh sông Thạch Hãn, Vĩnh Định đổ ra biển. Theo dân làng kể lại, đời tổ tiên ông bà xuất phát ra lập làng từ đời triều Nguyễn ở Huế, hai họ Phan, họ Trần theo dòng Vĩnh Định ra Quảng Trị xuôi nguồn về đây. Lập tên làng Thanh Xuân, trong đó Xuân là lấy lại từ nguồn gốc thành Phú Xuân, cũng như các làng Xuân Thành, Dương Xuân vậy.
Có thể mảnh đất này sự lập ấp, thành làng muộn nên mãi đến năm Bính Thân (1956) mới bước đầu gầy dựng lòng tâm đạo, lúc này có năm gia đình đi chùa, sang sinh hoạt chùa Tường Vân làng bên. Đến năm Canh Tý (1960) có được mười ba gia đình phát tâm đi chùa. Trong thời gian này cử ông Phan Văn Khoa làm đại diện, sinh hoạt tại tư gia đạo hữu Phan Văn Khoa, khuôn giáo hội hình thành từ đó.
Ngày 20 – 21 Nhâm Dần, Phật lịch: 2506 – Dương lịch: 1962 chùa được xây dựng trên mảnh đất do Đạo hữu Phan Văn Thu hiến cúng 620m2, làng cấp thêm 720m2 đất làm hoa màu, đạo hữu Phật tử, người góp công, góp của dựng vách bằng tập lô, mái lợp tôn rộng 30m2. Bao năm Phật tử lui tới sinh hoạt lễ bái, đến năm Mậu Thân (1968) tình hình mất an ninh nên dân làng phải di tản về Hà Tây, Phú Hội tá túc, mái chùa bị bom đạn thiêu cháy. Tuy vậy, các đạo hữu Phật tử tới đâu vẫn giữ vững tâm đạo cùng nhau tập trung lập bàn thờ lễ bái sinh hoạt học Phật tại tư gia bác Phan Văn Ất.
Năm 1975 (Ất Mão) đất nước thanh bình, buổi giao thời khó khăn, thiếu thốn mọi mặt. Có lẽ! Khi trở về, chùa là nơi thiêng liêng, nét tâm linh của làng nước xóm giềng nên bà con đã đồng sức, đồng lòng đặt lại những bát nhang nghiêng ngã bên đống tro tàn sau khói lửa chiến tranh. Đánh dấu mốc lịch sử phụng thờ Tam Bảo sau giải phóng năm 1975 với chế độ mới.
Lúc này các đạo hữu vẫn phải sinh hoạt, tụng kinh tại nhà Đạo hữu Trần Nhật Tân. Đến năm 1992, các đạo hữu có dựng một cái nhà tre, tranh để thờ Phật, rộng chỉ 10m2 tại đất chùa, nhưng vì chưa xin phép nên vẫn chưa thể tập trung lễ bái tại đây. Đến năm Đinh Sửu (1997) có Nghị định CP-64 cho tái thiết trùng tu lại đình – chùa – miếu vũ. Lúc này đại diện có Đạo hữu Phan Văn Trỉ trình đơn xin Giáo hội Phật giáo tỉnh, các cấp chính quyền, tái thiết lại chùa dưới sự hướng dẫn của Chánh đại diện Giáo hội huyện là thượng tọa Thích Chánh Huyền và thư ký Phật giáo huyện Đạo hữu Trần Văn Tương.
Lễ khởi công đặt đá vào ngày 12/12 Đinh Sửu (1997); Xây dựng phần chánh điện thờ Phật 40m2, nhà cấp 4 hai mái với sự phát tâm công đức, kêu gọi các nhà hảo tâm hải ngoại của bác Phan Văn Me, các Phật tử, dân làng, bổn đạo gần xa cùng ra sức phát tâm cúng dường. Ban hộ tự gồm có Đạo hữu Phan Văn Trỉ làm đại diện. Năm 1999 Đạo hữu qua đời đổi đại diện là Trần Nhật Tân, đạo hữu Trần Văn Tầm, Võ Văn Phúc lần lượt thay nhau gánh vác Phật sự.
Chánh điện được tôn trí: Chính giữa thờ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, hai bên thờ Ngài Quan Âm, Ngài Địa Tạng, trước là hộ pháp, tiêu diện. Năm 2002, gia đình ông Tuyên bà Mến Đà Nẵng cúng tượng Quan Âm Lộ Thiên cao 3m.
Năm Kỷ Sửu (2009) xây tiền đường, sự đóng góp trợ duyên của hai sư là sư Minh Tú chùa Đức Sơn (Huế) và sư Minh Đức chùa Hòa Lương (Huế), bác Trương Văn Cam quê Phú Hội và một số bổn đạo.
Đến năm 2016, toàn thể Đạo hữu Phật tử và bà con dân làng nhận thấy cần có một vị Sư về trú trì, nên đã trình đơn Giáo hội kính thỉnh Sư cô Quảng Nhã, cũng là người con quê hương Quảng Trị. Lúc này, Ban hộ tự gồm bác Trần Văn Màng, Phan Văn Me, Võ Văn Phúc, Trần Văn Sau, Lê Văn Ngỡi, Phan Đình Hiền, Hà Thị Quý, Nguyễn Thị Hòa, cùng Sư cô gánh vác mọi Phật sự trong chùa. Gia đình Đạo hữu Trần Văn Sau đồng lòng cúng mảnh đất phía sau chùa để sau này chùa có thêm đất xây dựng các công trình nhà hậu tổ, nhà Tăng, nhà bếp. Các gia đình lân cận cũng phát tâm nới rộng bờ rào hai bên gồm gia đình Đạo hữu Phan Văn Me, gia đình Đạo hữu Trần Nhật Tân, trưởng thôn họp bàn nới rộng thêm cho chùa mấy mét đất bên phải, hiện tại khuôn viên chùa thoáng mát rộng rãi.
Từ ngày chùa có Sư cô về, Đạo hữu, Phật tử, bá tánh trở về tu tập lễ bái ngày một đông. Cũng từ hôm sư về, các em thanh thiếu niên trong làng và các làng bên có chỗ để quây quần đùa vui ca hát đọc sách, học Phật, nhặt rác, lau nhà mỗi khi sư cần. Người dân nơi đây sống hiền hòa, hằng đêm nghe sóng vỗ bờ của biển; chùa là nơi họ đến thắp nén nhang của mỗi chuyến ra khơi, mong lòng được bình an.
Thanh Xuân, ngày 26 tháng 07 năm Canh Tý (PL:2564)
Trích liệu lịch sử chùa Thanh Xuân
Thích Nữ Quảng Nhã