Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chùa Long An , “30 năm một chặng đường”

14/05/201515:00(Xem: 8319)
Chùa Long An , “30 năm một chặng đường”

Chùa Long An , “30 năm một chặng đường”

GNO - Ngày 10 và 11-5, chùa Long An (xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) đã tổ chức lễ kỷ niệm “30 năm một chặng đường” và huý nhật lần thứ 23 cố Đại lão HT.Thích Đôn Hậu viên tịch.

qtri1.jpg
Chư tôn Hòa thượng Chứng minh buổi lễ

Chứng minh buổi lễ có HT.Thích Trí Hải, Thành viên HĐCM GHPGVN, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Quảng Trị; HT.Thích Tánh Nhiếp, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Quảng Bình; HT.Thích Khế Chơn, UVTT HĐTS, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh TT-Huế; HT.Thích Phước Toàn, Phó ban Văn hóa T.Ư GHPGVN, HT.Thích Chánh Huyền, Trưởng BTS GHPGVN huyện Triệu Phong cùng chư tôn đức Tăng Ni tại các chùa thuộc tỉnh Quảng Trị và các tỉnh, thành bạn.Về phía chính quyền có ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị; ông Phạm Vĩnh, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Trị, huyện Triệu Phong và xã Triệu Thượng

Chùa Long An là một ngôi chùa cổ tại làng Xuân An (xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Đây là ngôi chùa quê hương của cố Đại lão HT.Thích Đôn Hậu, trong hàng trăm năm tồn tại chùa đã nhiều lần trải qua sự tàn phá của thiên tai cũng như chiến tranh, nhất là trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, chùa đã bị san bằng bởi bom đạn. Sau ngày thống nhất đất nước, chùa đã được dựng lại tạm bợ bằng tre nứa và tôn.

qtri3.jpg
TT.Thích Hải Tạng phát biểu khai mạc

qtri2.jpg
Chư tôn đức, quan khách và Phật tử tham dự

Lễ kỷ niệm “30 năm một chặng đường” nhắc lại 30 năm TT.Thích Hải Tạng từ Huế vâng mệng cố HT.Thích Đôn Hậu ra tiếp nhận trú trì và trùng tu tái thiết chùa Long An. Với những năm tháng kham nhẫn và hy sinh phụng sự Thượng toạ đã trùng tu tái thiết ngôi chùa Long An đổ nát sau chiến tranh thành một ngôi phạm vũ huy hoàng vào bậc nhất tỉnh Quảng Trị.

Đặc biệt, từ năm 2007 cho đến nay với nhiều công trình như chùa chính, nhà Tăng, Tổ đường, giảng đường cho đến nhà trù, sân vườn với tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng.

Tại buổi lễ, chư tôn đức và đại diện chính quyền các cấp cũng đã có những lời phát biểu chúc mừng, tán dương và tặng hoa quà chúc mừng.


Tin & ảnh: Trí Năng - Lê Chí Bình



TT Hai Tang 3
TUYÊN BỐ LÝ DO
 
Nam
mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính Bạch Chư Tôn đức,

Kính thưa quý vị Lãnh đạo Chính quyền các cấp và toàn thể đồng bào Phật tử.

Mùa Vu Lan năm 2013, TT. Thích Hải Tạng đã nhắn tin chia sẻ cho chư huynh đệ, thân hữu và học trò mấy câu thơ như sau:

                              Cảm ơn Tam Bảo cao minh,

                              Cảm ơn Cha Mẹ khổ sinh thân nầy

                              Cảm ơn bạn, cảm ơn Thầy

                              Cảm ơn bao kẻ tháng ngày giúp ta

                              Chấp tay xin nguyện làm hoa

                              Kính dâng tất cả gọi là báo ơn !

Thật quý hóa thay, chúng tôi nghĩ, lòng biết ơn và báo ơn chính là nét nhân văn cao đẹp nhất. Vì chỉ có lòng biết ơn và báo ơn mới làm cho cuộc sống tỏa hương và cuộc đời thêm đẹp; Chỉ có lòng biết ơn và báo ơn mới làm cho tình người nẩy nở, để con người có thể xích lại gần nhau hơn, mà chuyển hóa đi bao phiền muộn, nhọc nhằn.

Kể từ khi đặt chân về quê hương Quảng trị, Trụ trì chùa Long An, TT. Thích Hải Tạng đã cảm nhận được từ mảnh đất nầy biết mấy ân tình, khi Thầy đã từng bộc bạch: Tôi về đây là để tìm lại chút dư hương trên một vùng đất mà bậc chân nhân đã từng ứng tích thọ sanh. Xin cúi đầu cảm tạ dòng sông nầy, mảnh đất nầy với bao tinh hoa của xứ sở đã chung đúc, đã kết tụ và hiến tặng cho chúng tôi, cho Tăng Ni Phật tử Việt Nam, một bậc Thầy muôn vàn cao cả !

Bằng tất cả tấm lòng tha thiết và trân trọng như vậy, trong bức Thư Cung Thỉnh Chư Tôn đức Tăng Ni về tham dự buổi lễ sáng hôm nay, Thượng tọa cũng đã viết:

Để ghi khắc một chặng đường Phật sự đầy kỷ niệm; và, cũng chính là để cảm tạ hồng ân Tam Bảo từ bi gia hộ, tưởng niệm ân đức của chư vị Tôn túc tiền bối lãnh đạo Giáo hội qua các thời kỳ, tỏ lòng biết ơn đối với quý cấp lãnh đạo Chính quyền tỉnh Quảng Trị và để cảm niệm đạo tình, công đức vô vàn cao quý của Phật tử gần xa, những người đã âm thầm phát Bồ đề tâm, hành Bồ tát hạnh, chung tay kết nguyện trợ duyên cùng chúng con bưng cao ngọn đèn Chánh pháp nơi một vùng đất còn lắm khó khăn nầy.

Như vậy, tổ chức buổi lễ sáng hôm nay, ngoài mục đích chính là để bày tỏ lòng lòng biết ơn của mình đối với Đạo pháp, Quê hương và Thầy Tổ, Thượng tọa còn muốn gởi gắm ước vọng của mình cho đàn hậu học, phải biết cảm nhận được ân đức nhiệm mầu từ cuộc sống giữa chốn thiền môn; phải biết trân trọng, giữ gìn và tiếp nối một cách rạng rỡ sự nghiệp cao quý của các bậc Thầy Tổ, tiền nhân. Để :

Muôn thuở sáng ngời trang Phật sử, Nghìn thu rạng rỡ nét Tông phong.

Đây là tất cả ước nguyện và cũng chính là lý do buổi lễ sáng hôm nay.

 

                   TT Hai Tang 4

         KỶ NIỆM : BA MƯƠI NĂM DƯỚI MÁI CHÙA QUÊ

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch Chư Tôn Đức, kính thưa quý Phật tử,

Sáng hôm nay quả thật là một ngày lành hiếm có, Vì gần nửa thế kỷ trôi qua, chùa Long An mới có được cái không khí của một buổi lễ trọng đại như thế nầy. Trong niềm xúc động, vui mừng trước sự hiện diện đông đủ của chư Tôn đức, Liệt vị Lãnh đạo Chính quyền, và toàn thể bà con Phật tử xa gần, Lời đầu tiên, cho phép chúng con được kính dâng lên Chư Tôn đức và quý liệt vị lời cầu chúc vô lượng an lành và lòng biết ơn vô hạn.

Sau đây, chúng con xin phép được trình bày đôi dòng kỷ niệm: Ba mươi năm dưới mái chùa quê

Kính bạch chư Tôn đức,

Kính thưa quý Liệt vị,

Cách đây đúng tròn 110 năm, trên mảnh đất thiêng mà chúng ta đang có mặt ngày hôm nay, có một cậu bé đã cất tiếng khóc chào đời, rồi sau đó lớn lên, nhờ sự giáo dưỡng của song thân, nhất là nhờ ơn tác thành của Thầy Tổ, nên  vào những năm hậu bán thế kỷ 20, cậu bé năm xưa đã trở thành một bậc Cao Tăng kỳ vĩ, một nhà lãnh đạo Phật Giáo Việt nam rất lỗi lạc khắp trong và ngoài nước, một bậc Thầy mô phạm của nhiều thế hệ Tăng ni Phật tử Việt Nam, góp làm rạng rỡ cho quê hương, non sông và đạo pháp. Đó là Đức Cố Đại Lão Hòa thượng Húy thượng TRỪNG hạ NGUYÊN hiệu ĐÔN HẬU mà hôm nay, hàng thất chúng môn đồ đệ tử chúng con đang thành kính tưởng niệm ngày viên tịch lần thứ 23 năm của Ngài.

Tại nơi đây, trên mảnh đất ngày xưa, nơi mà bậc chân nhân đã chọn làm nơi hóa duyên ứng tích, dần dần được sự cảm hóa của Ngài, tất cả con cháu trong gia tộc đã cùng nhau đồng tâm phát nguyện, phụng hiến cho Tam Bảo, để Hòa thượng xây dựng thành một cơ sở hoằng dương chánh pháp, đúng như tâm nguyện của Ngài.

Năm 1966, Sư Bà Thích Nữ Diệu Lý, một vị Ni sư trong hàng cao đệ của Hòa thượng đã được đưa về đây để thành lập Ni chúng đầu tiên tại Quảng trị. Thế nhưng chỉ sáu năm sau, Sư Bà phải di tản vào Đà nẵng và không trở lại nữa, vì cảnh chùa đã bị chiến tranh biến thành tro bụi trong cuộc binh lửa năm 1972.

Năm 1973, khi Hiệp định Paris vừa ký kết, hòa bình tạm thời được lập lại. Hòa thượng đã đề nghị được trở về Quảng trị để thăm lại  chùa cũ, chốn quê. Ông Lê Hành, Bí thư tỉnh ủy Quảng trị lúc bấy giờ, phải trực tiếp chỉ đạo nhanh chóng dựng lại chùa Long An để Hòa thượng về có nơi lễ bái. Thế là một căn nhà nhỏ, lợp tole tức tốc được dựng lên để tôn trí pho tượng đức Thế Tôn sau bao tháng ngày bị vùi dập trong bom đạn đã bọ thủng nát nhiều chỗ.

Năm 1985, nghĩa là phải đợi đến 10 năm sau ngày hòa bình lập lại, chúng con mới vâng mệnh Hòa thượng Bổn sư về đảm nhận chùa Long An với một khu vườn có nhiều mồ mã và ngổn ngang hố hầm bom đạn, dãy thông hào ngang dọc, bởi chùa Long An từ năm 1972-1973 cũng chính là một công sự tiền phương. Khi ấy con mới vừa 30 tuổi và toàn tỉnh Quảng Trị chỉ có 3 vị Sư, mà ngày nay đều không còn nữa. Nhưng vì quá thương Thầy, nên con đã mạnh dạn dấn thân và tự động viên mình:

                                    Mai ta về,

                                     Cuốc lại mảnh vườn hoang

                                     Trồng rau cùng khoai sắn

                                      Không sống mộng kê vàng !

Thế là một tăng sĩ trẻ, rất vẻ thư sinh, vừa rời khỏi vòng tay của Thầy, bắt đầu sự nghiệp của mình bằng việc đi san lắp hố hầm bom đạn để tỉa đậu, trồng rau. Nghe qua thì đơn giản, nhưng đó lại là một công việc vô cùng nguy hiểm lúc bấy giờ. Vì tại Quảng trị những ngày sau chiến tranh, thì tháng nào , thậm chí tuần nào, cũng nghe bom đạn nổ khi người dân đào bới, cày cuốc làm ăn. Có khi một ngày nghe đến 2-3 vụ. Bom nổ giữa phố thị, bom nổ giữa ruộng đồng, bom nổ trên núi đồi, bom nổ nơi bờ sông, bến bãi…! Lạy Phật, trong khi đó trên mảnh đất nầy, nơi đã từng diễn ra nhiều chiến trận rất ác liệt, thế mà thầy trò của chúng con, sau bao nhiêu năm cuốc bới, vẫn vô sự bình an. Chỉ có một lần duy nhất bom nổ tại một góc vườn chùa, không phải do cuốc bới, mà là do nước lũ ngập vườn chảy xói và bốc nổ, nước tung trắng xóa cả một vùng , nhưng may vì nổ dưới nước nên tác hại là không lớn.

Đời sống cơ cực của chùa, hòa chung một nỗi khổ với người dân quê là như thế, trong khi đó, đời sống tu hành của một người Tu sĩ trong thời bao cấp cũng chẳng dễ dàng chi ! Chúng con về Quảng trị từ năm 1985 mà cho đến năm 1991, nghĩa là sáu năm sau, nhờ có ông Lê Văn Hoan, lúc bấy giờ là Trưởng Đoàn Đại Biểu Quốc hội tỉnh, tích cực can thiệp, mới được đăng ký nhập hộ khẩu. Ai đã từng sống dưới thời bao cấp, mới thấu hết cái nỗi khổ của người dân không có hộ khẩu thời ấy, thật quá lắm chuyện nhiêu khê, nhất là đối với hàng Tu sĩ!  Trong hoàn cảnh ấy, việc xây dựng lại chùa Long An cho thật “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” nhằm để báo đáp công ơn của Thầy Tổ, quả thật là một ước vọng quá xa xăm ! Thế nhưng, chúng con vẫn lòng cứ nhủ lòng, rằng, nếu không làm được điều nầy thì sẽ không xứng đáng  là một người đệ tử,  mà Hòa thượng Bổn Sư đã gởi gắm niềm tin và luôn luôn kỳ vọng, nên con đã viết lên vách ván dưới mái lều tranh nơi con ở, để ngày nào cũng thấy, cũng đọc, để nói lên một quyết tâm rất dứt khoát:

                                Ân trên chưa chút đền công

                       Cúi trông thẹn đất, ngữa trông thẹn trời !

May mắn thay, bao chuyện khó khăn rồi dần dần cũng lùi xa vào quá khứ, chỉ còn lại nơi chúng con một tấm lòng sắt son với Thầy Tổ, với Tam Bảo thì bao giờ cũng canh cánh bên lòng. Chuyện hộ khẩu ngày xưa, cùng với bao nhiêu chuyện khác… giờ đây đã trở thành cổ tích. Nhắc lại những điều nầy, cũng là để nói lên cái giá trị của công cuộc đổi mới, thật ý nghĩa biết bao. Và, cái không khí sinh hoạt Tôn giáo ngày nay, so với ngày xưa, thật là đã vượt ngoài sự mong ước của thời ấy.

Giờ đây, 30 năm nhìn lại trên mảnh đất nầy, chúng con đã từng chịu biết bao nhiêu nhọc nhằn vất vả; biết bao nhiêu những khổ lụy thăng trầm. Nhưng, chính từ trong những khổ lụy, thăng trầm, gian nan, nghiệt ngã ấy; chúng con mới cảm nhận được hết sự nhiệm mầu của Chánh pháp; mới có cơ duyên đón nhận được những nghĩa cử đầy ắp ân tình của bà con Phật tử, của chư vị thiện hữu tri thức xa gần, từ thành thị đến thôn quê, từ trong nước đến hải ngoại. Và, cũng chính từ trong hoàn cảnh khó khăn ấy, chúng con đã may mắn bắt gặp được những tấm lòng biết cảm thông chia sẻ, những tâm hồn biết khéo léo lắng nghe, của không ít những vị đương chức có trách nhiệm rất đáng trân trọng. Phải chăng tất cả những điều ấy, là những giá trị nhân văn cao đẹp từ cuộc sống, quyện lẫn vào sự cao siêu mầu nhiệm của giáo lý Phật Đà, cùng với tâm thức của con người, khi có niềm tin vào sự thật. Chính từ nhận thức đó mà chúng con nghĩ rằng, sự tồn tại và phát triển của chùa Long An sau 30 năm qua, không phải chỉ là sự tồn tại của một ngôi chùa với gạch đá vô tri, và lại càng không phải là sự tồn tại của bản thân chúng con  - Thích Hải Tạng – Mà chính là sự tồn tại và rực sáng của niềm tin bất hoại đối với Tam Bảo, là sự minh chứng đầy sinh động cho tinh thần bất diệt của Đạo pháp và Dân tộc.

Kính bạch chư Tôn đức,

Kính thưa quý Liệt vị,

Trong niềm suy nghĩ ấy, bằng tất cả lòng biết ơn vô hạn, chúng con xin kính trình lên chư Tôn đức và liệt quý vị một  số sinh hoạt tiêu biểu, như là những kỷ niệm không thể nào quên, trong một chặng đường Phật sự suốt ba mươi năm, dưới mái chùa nầy:

1)   Tái thiết xây dựng liên tục, không có năm nào con có mặt ở chùa mà không thực hiện. Trong đó có 3 đợt chính vào các năm: 1986, 2007 và 2014. Để có được một cảnh quang nơi chốn Tổ như ngày nay, đặc biệt là từ năm 2007 đến nay, tổng chi phí không dưới 15 tỷ đồng.

2)   Nơi đây, con đã từng thế phát, quy y cho nhiều thế hệ đệ tử xuất gia, mà giờ đây còn lại cả Tăng, Ni là 25 vị.

3)   Số Phật tử hữu duyên, được nghe pháp, quy y  trong 30 năm qua có thể đã lên đến hàng ngàn.

4)   Mỗi tháng 2 ngày đều có một đạo tràng Phật tử tu học, và chính tại ngôi chùa nầy, con đã từng cam kết với chính quyền sở tại rằng, nếu người dân nào đến đây quy y với con, nghe pháp với con, chịu sự hướng dẫn tu tập với con, mà phải phạm pháp như: say sưa, quậy phá, nghiện ngập, trộm cắp, đánh lộn, giết người, v.v…, thì con sẵn sàng cùng với họ đứng trước sự phán xử của pháp luật.

5)   Nhiều căn nhà cho người nghèo đã được chúng con chung tay xây dựng, nhiều đoạn đường bê-tông nông thôn, cầu cống, trường học mẫu giáo . . đã được chúng con vận động thực hiện. Mỗi mùa bão lụt thiên tai, chùa Long An đã là nơi trú ẩn an toàn cho dân chúng, dân làng có ai ốm đau hoạn nạn đều được nhà chùa thăm hỏi, chia sẻ. Nhiều học sinh, sinh viên nghèo giờ đây đã trở thành những người hữu ích trong xã hội, đều nhớ đến ơn chùa. Và, cho đến bây giờ chúng con vẫn thường nhắc nhủ : Bà con trong làng khi nào có người sớ lỡ không có gạo nấu, thì cứ mạnh dạn ra chùa gặp Thầy !

6)   Sau hết, có một điều không thể không nhắc đến, như là một kỷ niệm xót xa mà vô cùng trân quý, đó là : trong suốt thời gian hơn chục năm đầu, chùa Long An không có điện, Thầy trò chúng con đã từng hẩm hiu bên ngọn đèn dầu. Trong hoàn cảnh ấy, chính dưới mái chùa nầy, đã có nhiều đêm dài, bên ngọn đèn dầu leo lắt, với cương vị là Thư ký riêng cho Đức Cố Hòa Thượng Bổn Sư, rồi tiếp sau đó là cán bộ Phụ tá giúp việc cho đức Đại Lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, con đã từng chấp bút khởi thảo nhiều văn kiện quan trọng, mà giờ đây đã đi vào lịch sử.

Kính bạch chư Tôn đức,

Kính thưa quý Liệt vị,

Đôi điều vụng về mà chân thật, chúng con cố gắng trình bày, để thấy rằng, có được chùa Long An như ngày hôm nay, quả thật là một điều hạnh phúc vô biên, vui mừng không sao kể xiết, thật là: 

                                      Trời còn để có hôm nay

                              Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời !

Muôn vạn lần cảm tạ hồng ân Tam Bảo, Hộ pháp Long Thiên từ bi gia hộ. Xin chân thành bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc quý cấp Lãnh đạo Chính quyền từ Trung ương đến cơ sở đã quan tâm giúp đỡ, tạo lắm thuận duyên. Và, xin chấp đôi tay thành kính cảm niệm ân tình, công đức của hết thảy bà con Phật tử xa gần, trong ba chục năm qua, từ thành thị đến nông thôn, từ cụ già đến em bé, từ một quả bắp đến bó rau, từ một đồng tiền đến bát cơm, tấm áo…, khi người dân quê ở đây có chi là tôi có nấy. Và, tôi đã:

                    “ Tôi âm thầm nhận của khắp muôn nơi

                     Từ thành thị đến chốn buồn lầy nước đọng

                     Tôi sống nhờ vào mồ hôi lao động

                     Tôi sống nhờ vào những trí óc nhọc nhằn

                     Tôi sống nhờ vào cả những sự khó khăn

                     Của những kẻ buôn bưng bán gánh”

Trong niềm biết ơn vô hạn ấy, khi nhìn lại 30 năm, con về làm Trụ trì chùa Long An – Quảng trị, cũng là lúc tuổi đời của chúng con đã vừa trọn sáu mươi, với tất cả sự xúc động và hoan hỷ tận đáy lòng, con đã viết hai câu như là để tổng kết một chặng đường Phật sự của đời mình:

Ba mươi năm nương náu chốn quê nghèo, miền đất khổ chừ bừng lên ánh đạo.

Sáu chục tuổi ẩn mình nơi thôn dã, dòng sông xưa nay rợp bóng Bồ đề.

Cúi nguyện chư Tôn đức, Liệt quý vị Lãnh đạo và toàn thể bà con Phật tử hiện tiền mở lòng cảm thông chia sẻ. Xin trân trọng cảm ơn.

Nam Mô Thường Hoan Hỷ Bồ Tát Ma Ha Tát



TT Hai Tang
THẦY TÔI, BA MƯƠI NĂM BIẾT MẤY ÂN TÌNH

                                                                       Thích Hải Nghiêm

 

Ngưỡng bạch chư Tôn đức,

Kính thưa Quý liệt vị,

Hôm nay, kỷ niệm 30 năm, ngày Thượng tọa Thích Hải Tạng, Thầy của chúng con, về đảm nhận trụ trì, tái thiết chùa Long An trên quê hương Quảng Trị, bằng tất cả đạo nghĩa Thầy trò, chúng con xin phép chư Tôn đức được có đôi dòng ghi lại và trình bày sự cảm nhận của chư huynh đệ chúng con về ân đức của một vị Thầy, 30 năm nhìn lại. Ngưỡng mong chư Tôn đức và liệt Quý vị từ bi giám xét.

Ngưỡng bạch chư Tôn đức,

Kính thưa Quý liệt vị,

Kính bạch Thầy,

Nhớ lại, năm xưa, con được vâng mệnh Hòa thượng Bổn sư, xách gói theo Thầy về chùa Long An – Quảng trị. Ngày ấy, dù con chưa biết chùa Long An là như thế nào, nhưng vì niềm tin tưởng đối với Thầy, mà con đã mạnh dạn xách gói đi theo. Ba mươi năm về trước, Quảng trị sau ngày hòa bình lập lại còn lắm hoang sơ, khó khăn nhiều mặt. Tín đồ Phật tử thì đông mà chùa chiền thì đã bị chiến tranh phá hủy hết, chưa xây dựng lại được. Chúng con vẫn còn nhớ rõ như in vào tâm trí non trẻ của mình, một kỷ niệm đẹp, mà giờ nghĩ lại, thấy thật hạnh phúc vô vàn. Đó là hình ảnh một vị tu sĩ trẻ, tuổi ngoại 30, đạp xe đi khắp các làng quê trong tỉnh, Thầy đến đâu thì tìm đến thăm chùa, dặn dò các Phật tử, một đôi câu Phật pháp ngắn ngủi thôi, rồi ra đi…,Nhưng hình ảnh ấy, lời nói ấy, đã tác động rất mạnh mẽ vào niềm tin của những người con Phật trong lúc khó khăn giữa buổi giao thời.

Riêng đối với chúng con, thì hình ảnh ấy, con người ấy, ánh mắt và nụ cười ấy, nhất là giọng thuyết pháp đầy ngọt ngào mà hùng tráng đầy lôi cuốn ấy, đã từng lay động những trái tim, làm thay đổi nếp nghĩ và cái nhìn về xã hội, về cuộc đời của những thế hệ trẻ chúng con. Từ đó, nơi nào có duyên mà Thầy thường đến, thì đã có rất đông thanh thiếu niên nam nữ rủ nhau quyết định từ bỏ một nếp sống não phiền, đầy hệ lụy của thế gian, mà  phát tâm bước vào con đường quang minh của chánh pháp. Trong lớp huynh đệ của chúng con ngày nay, là những người trong số đó, đã may mắn được Thầy từ bi thâu nhận làm đệ tử và hướng dẫn tu học cho đến ngày hôm nay.

Giờ đây nhìn lại, cuộc sống bên Thầy dưới ngôi cổ tự đầy ắp ân tình nầy, đã có biết bao kỷ niệm vui buồn làm sao kể hết. Nhưng, có những điều không thể nào quên, đó là anh em chúng con, khi ở đời dù học đến lớp mấy đi nữa, nhưng khi vào chùa đều được Thầy bắt tập viết lại từng chữ cái a,b,c.. thầy thường nói: “Đời người trong nét bút, nếu các con mà tập viết được những dòng chữ cho đẹp, ngay thẳng rõ ràng, thì cũng là một cách tu rồi đó, và cuộc đời của các con cũng sẽ theo từng nét chữ mà có sự chuyển hóa, đổi thay!” . Nhiều khi chúng con đi học về, đã thấy Thầy nấu cơm sẵn và ngồi đợi. Thầy lo cho chúng con từng bữa cơm, chiếc áo, chăm sóc từng giấc ngủ cho đến xe cộ học hành.

 Nói chung, dù có vất vả, nhưng từ khi chúng con được vào chùa, ăn đi học, thì cha mẹ khỏi phải tốn kém điều chi.

Tuy vậy, Thầy vẫn thường nghiêm khắc dặn bảo:

                                    Bát cơm, manh áo ơn sâu nặng

                                    Ơn đạo, ơn Thầy, ơn bốn phương

                                    Khi ăn, khi mặc gìn chánh niệm

                                    Khỏi phụ ân tình bao kẻ thương

Đó chính là những bài học vở lòng từ Thầy, mà chúng con không sao quên được. Giờ đây, có người trong huynh đệ chúng con đã thâu nhận đệ tử, nghĩ lại những điều nầy thật thấm thía biết bao.

Thường thường mỗi sáng tụng kinh khuya xuống, Thầy ngồi uống trà và gọi anh em chúng con cùng ngồi uống, để nghe Thầy dạy chuyện. Có lần, Thầy đã làm cho những trái tim của anh em chúng con phải thổn thức vì xúc động, khi Thầy đưa chén nước trà và nói:

Thầy pha trà mời con

Tình sư đệ sắt son

Trăm năm đời dâu bể

Đạo nghĩa mãi vuông tròn

Đó chính là những phút giây mà tình Thầy trò thấy hạnh phúc ngập tràn. Uống trà xong, Thầy trò cùng ra sân, đi quét lá, xuốt chùa. Cho đến bây giờ, trong tâm trí chúng con vẫn còn đọng mãi những câu thơ Thầy đọc để sách tấn động viên, hết sức thuyết phục, khiến cho buổi chấp tác không thấy mệt nhọc chút nào :

Mỗi sớm mai,  tôi ra sân cầm chổi

Quét lá vàng,  như quét nỗi cô đơn

Và đời tu có vui thú gì hơn

Gom chiếc lá đốt cho đời bớt lạnh

Từ khi bước vào chùa, mọi việc học hành, quét chùa nấu ăn, cắm hoa, dâng hương…không có việc gì mà Thầy không dạy bày cặn kẻ. Thầy thường nói: Các anh em phải nhìn thầy ở nơi Thầy có đủ ba trong một: Người Thầy, người cha và người bạn ! Lời nói ấy theo thời gian được trải nghiệm qua cuộc sống, chúng con mới thấy Thầy thật dễ thương, kính quý và gần gũi biết chừng nào.

Khi học hết cấp ba, hầu hết chúng con phải xa chùa, xa Thầy vào các thành phố để theo học các cấp bậc trên. Và như thế là đã tạo thêm một nỗi lo cho Thầy, khi mà chúng con không còn trong tầm tay của Thầy nữa. Thầy thường nói: Mấy anh em mà xa Thầy vào thành phố để học, cái được thì chưa biết bao nhiêu, nhưng cái mất, ít nhất 30%, là điều Thầy đã thấy chắc!

Và như thế, thỉnh thoảng trong máy của chúng con lại đọc được những dòng tin nhắn của Thầy, với những lời lẽ ân cần, thương yêu và đầy trách nhiệm:

Giờ nầy con ở đâu

Giữa muôn vàn xuôi ngược

Đường chông gai mỗi bước

Còn nhớ chăng con ,

Tâm nguyện buổi ban đầu ?

                        Hay là:

Dặn lòng cho vẹn chữ Nam

Giữa chốn phồn hoa lắm xô bồ

Kinh kệ tinh chuyên tan niềm tục

Bồ đề nguyện kết, nghiệp trần khô !

Ôi, cái tâm nguyện ban đầu ấy, nghe thật giản đơn, nhưng giữ cho tròn sao mà khó thật ! Và, điều Thầy từng nghĩ, từng lo… sự thật phủ phàng là đã không sao tránh khỏi. Đã có nhiều anh em chúng con, khi học xong đã không trở lại với Thầy, đã không giữ được lời nguyền trước Tam Bảo, vì những cám dỗ thường tình, để cho Thầy nhiều phen phải tức tưởi buồn thương cho anh em chúng con, những người đệ tử hữu duyên mà nghiệp trần còn nặng gánh. Và, một sớm mùa thu năm ấy, một lần nữa, chúng con lại nhận được những dòng tin nhắn, chan chứa tình thương với bao tâm sự man mác của Thầy:

Lời nguyền xưa đẹp biết bao

Dưới dày có đất, trên cao có trời

Dù cho vật đổi sao dời

Còn vầng trăng bạc, còn lời nguyền xưa

Khi trầm sớm, lúc trà trưa

Gió trăng mát mặt, muối dưa chay lòng

Chừ thương ai, phận long đong

Dòng đời trăm ngã, đục tong chốn nào !?

Giờ đây, giữa khung cảnh thiêng liêng nầy, tất cả chúng con một dạ chí thành cúi đầu sám hối, kính mong Thầy mở lòng từ bi, khoan dung lượng thứ cho những huynh đệ của chúng con.

Cho đến cuối năm 2014, khi trùng tu xong ngôi phạm vũ, thì Thầy đã tròn tuổi sáu mươi, Thầy đã quyết định gọi thầy Hải Chương từ Mỹ quốc trở về để phó thác việc trông coi chốn Tổ, cũng vẫn tấm lòng ấy, cũng vẫn lời thơ ấy; ngọt ngào, từ ái như những năm nào :

Mong con tháng đợi năm chờ

Một đêm trăng tỏ bên bờ sông xưa

Đã lòng nguyện với tương dưa

Ruổi rong chi nữa mà chưa quay về !

Và, thầy Hải Chương đã vâng mệnh Thầy tức tốc thu xếp trở về để kịp có mặt trong buổi lễ sáng hôm nay. Chúng con hy vọng rằng, bên cạnh những đứa học trò ngỗ nghịch, trong chúng con vẫn còn có những người anh em biết thương kính, vâng lời, sẻ chia với Thầy bao nỗi buồn vui trên bước đường phụng đạo, để cho Thầy được ấm lòng khi nghĩ về các huynh đệ của chúng con.

 

Ngưỡng bạch chư Tôn đức,

Kính thưa Quý liệt vị,

Kính bạch Thầy,

Tâm sự đầy vơi, ân tình thì miên man bất tận, nói sao cho hết, nghĩ sao cho cùng. Giờ nầy, quỳ xuống nơi đây, giữa chốn Tổ, chùa thiêng, dưới sự chứng minh của Tam Bảo, cùng chư Tôn đức; trong sự chứng tri của quý cấp lãnh đạo Chính quyền và thập phương Phật tử, anh em chúng con cảm thấy hạnh phúc ngập tràn và rất đổi tự hào là những người môn đệ của Thầy. Ba mươi năm nhìn lại, kể từ khi chúng con có duyên được gặp Thầy, chúng con đã tìm thấy ở Thầy một tấm gương sáng, với những bài học đầy sinh động, đáng để cho đàn hậu học chúng con suy gẫm, noi theo:

1)    Đối với Đạo pháp, thì Thầy son sắt trung kiên, dốc lòng phụng sự, dù cho đất chuyển, trời xoay, cũng không bao giờ chí lay, nguyện đổi. Trước mọi thử thách gian nguy, trước mọi sự cám dỗ thường tình của lòng ma dạ quỷ, Thầy đã từng thẳng thắn như một lời tuyên chiến, khi ở tuổi thanh xuân: 

                                          Đã lòng hẹn với non sông

                                         Nguyện đem Chánh pháp đọ cùng quỷ ma !

Điều đó phải chăng, đã tỏ rõ một ý chí và bản lĩnh tuyệt vời của Thầy trên bước đường học đạo và phụng sự Chánh pháp.

2)    Đối với Hòa thượng Bổn sư, Thầy sau trước một lòng, tôn thờ hết mực:

                                       Lạy Thầy bậc tuệ phúc cao dày

                                       Vang lừng hạo khí ngút trời mây

                                        Đời Thầy ánh sáng soi con bước

                                        Sưởi ấm lòng con những chuổi ngày !

3)    Đối với phụ mẫu song thân, Thầy luôn luôn hiếu thành, tha thiết:

                                       Nghìn sau ân nặng mãi còn

                                       Đời Cha trang sử vàng son con thờ

4)    Đối với đồ chúng thì rất mực yêu thương, nặng lòng trách nhiệm, khi nào cũng nhắc nhở, sách tấn, chứ chưa thể yên tâm, cho dù đối với những huynh đệ đã trưởng thành:  

                             Trụ trì khó lắm con ơi

             Chí bền, nguyện vững nhớ lời Thầy mong

                      Lợi danh chẳng chút bận lòng

             Nương thuyền Bát nhã vượt dòng tử sinh !

 

Với những điều cảm nhận trên đây, tuy mộc mạc mà chân thành, tuy ngôn từ vụng về mà bằng tất cả tấm lòng chí kính, chúng con nguyện sẽ sống xứng đáng với tình thương và sự kỳ vọng mà Thầy đã từng gởi gắm nơi huynh đệ chúng con.

Kính nguyện Chư Tôn đức từ bi chứng minh gia bị

Kính xin Thầy nhận nơi đây tất cả tấm lòng biết ơn sâu nặng của huynh đệ chúng con .

Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát Ma Ha Tát

                                            LỜI  PHÁT  NGUYỆN

 

Ngưỡng bạch chư Tôn Hòa thượng chứng minh

Kính bạch chư Tôn đức, kính thưa quý Liệt vị.

Vào cuối năm 2014, khi con đang còn ở tại Hoa Kỳ, con đã nhận được thư của Thầy con gọi về để Thầy phó thác việc trông coi chùa Tổ. Đọc thư xong, con cảm thấy quá bất ngờ và lo lắng. Bất ngờ, vì thấy Thầy con đâu phải quá già yếu hay đau ốm gì đâu mà tính việc nầy sớm thế! Lo lắng, vì xét thấy trách nhiệm đối với chùa Tổ thì quá nặng nhọc, lớn lao; trong khi khả năng của con thì còn rất hạn chế. Nhưng nếu không về thì mang tội bất kính, bất tuân với Bổn sư. Hơn nữa, Thầy sẽ nghĩ con là kẻ còn đua đòi, rong ruổi, ham chơi ở xứ người cho sướng thân, chứ không biết thương Thầy nơi quê nhà vất vả, bởi Thầy đã viết :    

                                        Đã lòng nguyện với tương dưa

                                     Ruổi rong chi nữa mà chưa quay về !

Sau ba ngày đêm đóng phòng nằm suy nghĩ mãi, con đã quyết định quay về, liền xếp đặt mua vé và báo tin cho Thầy con biết:

                                     Thầy ơi con sẽ quay về

                                      Sông xưa đã tỉnh, bến mê đã từ

                                      Vầng trăng trên đỉnh nhất như

                                      Trong con vẫn sáng: bây chừ, ở đây.

                                      Đâu còn cái thuở thơ ngây

                                      Ruổi rong là chuyện của ngày năm xưa

                                      Vụng tu là kiếp sống thừa

                                      Thầy ơi con đã muối dưa chay lòng !

Và giờ đây, quỳ trước khung cảnh trang nghiêm nầy, Trước sự chứng minh của hiện tiền chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội, Môn Phái và Thượng tọa Bổn sư; trước sự chứng kiến của quý cấp Lãnh đạo Chính quyền và đông đảo đồng bào Phật tử, con xin mượn lời của người xưa để nói lên sự phát nguyện kiên định của con, mong được báo đền ân đức của Thầy Tổ, khi con quyết định trở về sống bên cạnh Thầy con, để phụng sự Tam Bảo nơi chốn Tổ thiêng liêng nầy:

           Cảm đức Từ bi, nguyện nhiều kiếp được cho thân cận

            Đội ơn hóa độ, nát muôn thân thà chịu đắn cay.

Con xin cúi đầu thỉnh nguyện quý Ngài cùng tất cả mở lòng thương tưởng, chứng minh cho chúng con, nâng đỡ cho chúng con được viên thành sở nguyện. Cầu mong quý huynh đệ hãy chung tay, kết nguyện với chúng con, để cùng nhau kế thừa và phát huy rạng rỡ tâm nguyện của Thầy Tổ chúng ta.

Chúng con xin cúi đầu cảm tạ

Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát Ma Ha tát

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/05/2023(Xem: 2279)
Thượng tọa Thích Đạo Không, Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đọc quyết định bổ nhiệm Sư cô Thích nữ Quảng Nhã trụ trì chùa Thanh Xuân. Sư cô Thích nữ Quảng Nhã dâng lời phát nguyện: “Sẽ luôn nỗ lực và cố gắng làm tròn bổn phận của một vị trụ trì, luôn trau dồi trí tuệ, hướng dẫn đạo hữu Phật tử tu tập đúng Chánh pháp, Hiến chương GHPGVN và pháp luật Nhà nước”.
10/12/2022(Xem: 16404)
Nhân Đại lễ Tipitaka lần thứ 17 được tổ chức tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ; Ban Tổ chức đã mời nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường tham gia triển lãm hình ảnh ngôi chùa Việt Nam trong nước và nước ngoài nhằm giới thiệu nét mỹ thuật và kiến trúc phong phú của ngôi chùa Việt đến hàng vạn chư Tăng, chư Ni và Phật tử khắp thế giới về đất Phật dự lễ. Bộ hình ảnh 165 ngôi chùa Việt Nam được phân bổ như sau: 01. Miền Bắc: 31 ngôi chùa; miền Trung: 44 ngôi chùa; miền Nam: 55 ngôi chùa; và Hải ngoại (Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Ấn Độ, Nepal): 35 ngôi chùa. Trong đó, chùa cổ: 46 ngôi; chùa Nam Tông người Việt: 34 ngôi; chùa Nam Tông Khmer: 7 ngôi; chùa Thiền tông: 15 ngôi; chùa Khất sĩ: 08 ngôi; chùa Ni giới: 09 ngôi.
04/02/2021(Xem: 6815)
Hôm nay, ngày 3/2/2021 nhằm ngày 22/12 năm Canh Tý, Bổn tự Thanh Xuân chúng con đã thành tựu duyên lành; được Chư Tôn Đức thương tưởng quang lâm chú nguyện, quý thiện tín gần xa phát tâm tịnh tài trợ duyên cho Bổn tự chúng con tạo dựng những Pháp khí hồng gia trì cầu nguyện âm siêu dương thới, thế giới hòa bình, thiên tai dịch bệnh tiêu diệt, nhà nhà an vui, người người quý mến nhau... Chúng con thành kính đảnh lễ cảm tạ tri ân, nguyện sống theo chánh pháp, phụng sự Tam Bảo ngõ hầu báo đáp tứ ân. Chúng con kính chúc Chư Tôn Đức Pháp thể khinh an chúng sanh dị độ, mãi là ngọn hải đăng cho chúng con nương về. Mùa xuân chúc quý Phật tử, thiện nam tín nữ gần xa luôn bình an, bình an trong thời điểm khó khăn của mùa dịch bệnh, chúc quý vị sự nghiệp hanh thông, luôn lấy pháp như lai để hành điều thiện lành trong đời Nam Mô An Lạc Hạnh Bồ Tát.
18/09/2020(Xem: 4727)
Chùa Thanh Xuân thuộc địa danh làng Thanh Xuân Xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nằm dọc duyên hải miền trung bờ nam biển Cửa Việt; cuối nguồn hai nhánh sông Thạch Hãn, Vĩnh Định đổ ra biển. Theo dân làng kể lại, đời tổ tiên ông bà xuất phát ra lập làng từ đời triều Nguyễn ở Huế, hai họ Phan, họ Trần theo dòng Vĩnh Định ra Quảng Trị xuôi nguồn về đây. Lập tên làng Thanh Xuân, trong đó Xuân là lấy lại từ nguồn gốc thành Phú Xuân, cũng như các làng Xuân Thành, Dương Xuân vậy.
29/08/2020(Xem: 4952)
Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang thường được gọi là Chùa Sắc Tứ,Tịnh Quang Tự, Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang, tọa lạc ở thôn Ái Tử, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Chùa là một trong những ngôi tổ đình được xây dựng sớm và có ảnh hưởng lớn Phật giáo xứ Đàng Trong. Chùa ban đầu có tên là Am Tịnh Độ. Từ điển Di tích Văn hóa Việt Nam(1) cho biết chùa do Hòa thượng Tu Pháp, tự Chí Khả khai sáng vào năm 1739 đời Vua Lê Ý Tông (năm thứ hai đời Chúa Nguyễn Phúc Khoát) với tên là Tịnh Nghiệp Tự. Đến đời Vua Gia Long, vua ban tên gọi là Tịnh Quang Tự. Chùa được trùng tu năm Minh Mạng thứ 21 (1941).
10/08/2018(Xem: 46077)
Giới thiệu Cơ Sở Tạc Tượng Phật Phúc Minh, Tượng Phật gỗ Phúc Minh có 75 năm kinh nghiệm, 3 đời tạo tượng Phật – Bồ tát gỗ như tượng Phật A Di Đà, tượng Quan Âm, Tượng Phật Thích Ca, Tượng Địa Tạng, Tượng Hộ Pháp, … Xưởng Phúc Minh là một trong số ít Xưởng tại Việt Nam chỉ tạo tác dòng tượng Phật gỗ và tượng Người tinh xảo, có hồn, có thẩm mỹ cao. Hiện Xưởng Phúc Minh đang xuất tượng Phật tới Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mỹ, Canada, Úc.
02/05/2018(Xem: 4791)
Khánh thành đạo tràng Chùa Thanh Xuân & Bát Quan Trai & Giảng Pháp, Thân gửi chư đạo hữu! Nhờ duyên lành và nhờ vào sự chung sức chung lòng của chư bạn hiền mà dự án Đạo Tràng Chùa Thành Xuân tại Xã Triệu Ái, Triệu Phong, Quảng Trị đã được hoàn thành. Nơi đây cũng được dùng như đoàn quán và dùng tạm làm nơi khám và chữa bệnh cho bà con. Nhân ngày rằm vừa qua, anh Thành đã đến đây tham dự lễ khánh thành và thọ bát quan trai một ngày cùng với 200 Phật tử. Trong ngày tu an lạc này, Sư Cô Quảng Nhã đã thỉnh giảng sư từ Huế về đây thuyết một thời Pháp cho bà con Phật tử. Vào Buổi chiều cùng ngày, Phật tử tham gia cúng mông sơn thí thực. Kinh phí xây dựng đạo tràng này là 123 triệu đồng (không tính phí đi lại, thiết kế, giám sát của anh Thành, phí chủ thầu làm khung sắt, và kinh phí những hạng mục phụ khác). Trong vòng 1 tuần nữa, mình trợ lại Brisbane và sẽ công khai tài chính cho quý đạo hữu hay, nhưng có thể biết dự án này vẫn bội chi 1000 AUDs). Mình xin gửi những hình ảnh về
05/11/2016(Xem: 53585)
Bộ ảnh 108 ngôi chùa Việt Nam - nét đẹp kiến trúc uy nghiêm và hiện đại.
20/06/2013(Xem: 1989)
Xã Ái Tử, H. Triệu Phong, T. Quảng Trị
20/06/2013(Xem: 1971)
Làng Trung Đơn, xã Hải Thành, H. Hải Lăng, T. Quảng Trị
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]