Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chùa Hải Đức & tiếng Chuông Chùa Hải Đức, Nha Trang

18/06/201311:31(Xem: 5206)
Chùa Hải Đức & tiếng Chuông Chùa Hải Đức, Nha Trang

 

chuahaiduc2Chùa Hải Đức

Chùa tọa lạc trên núi Trại Thủy số 51 đường Hải Đức, phường Phương Sơn, phía Tây thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Chùa được Thiền sư Viên Giác dựng năm 1883, ban đầu chỉ là một thảo am, có tên là Duyên Sanh Tự. Đến năm 1891, chùa được mở rộng thành một tu viện trang nghiêm và đổi tên là Hải Đức Tự. Chùa được trùng tu dưới thời Hòa thượng Phước Huệ trụ trì và được gọi là "chùa Hội" để diễn tả cảnh tăng ni và Phật tử thường đến tụ họp đông đảo ở chùa để bàn việc Phật sự. Năm 1938, Hòa thượng giao nhiệm vụ trụ trì cho Bích Không đại sư. Ngài Bích Không đã dời chùa lên núi Trại Thủy từ năm 1943 đến năm 1945, cất chùa theo kiểu thức Á Đông. Năm 1956, chùa trở thành Viện Phật học Trung Phần do Hòa thượng Thích Giác Nhiên làm Viện chủ, Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Giám viện.




chuahaiduc3

Gác Chuông Chùa Hải Đức & tiếng chuông Chùa Hải Đức





HẢI ĐỨC TỰ

(Trích Xứ Trầm Hương của Quách Tấn)


Xưa kia Chùa nằm phía trên chùa Hội Phước

Khai cơ là Viên Giác Thiền Sư, pháp danh Đạt Khương, tục danh Tô Văn Ninh, quán làng Vạn Thạnh (Nha Trang, đệ tử của Huệ Giáo Hòa thượng, pháp danh Liễu Đức, tổ khai sơn chùa Thiên Đức Hòn Khói (Ninh Hoà)


Chùa dựng vào khoảng cuối triều Tự Đức (1847-1833)


Ban đầu lấy tên là Duyên Sanh Tự và chỉ là một thảo am sơ sài.


Năm Thành Thái thứ 3 (1891), mới mở rộng qui mô, đúc chuông tạc tượng, tạo thành một tự viện tráng lệ nghiêm trang và đổi tên là: Hải Đức Tự


Viên Giác Thiền Sư viên tịch, các môn đệ kế tiếp nhau trụ trì:


-Chánh Niệm đại sư, húy Chơn Minh


-Nhân Thụy giáo thọ, huý Như Khánh


-Phước Huệ hòa thượng, huý Ngộ Tánh


Phước Huệ Hòa thượng, tục danh là Nguyễn Hưng Long, người Quảng Trị, được Viên Giác Thiền sư thọ ký lúc 16 tuổi (1890). Năm 20 tuổi (1894) phải bái biệt bổn sư về quê hương lo báo hiếu cho thân phụ. Rồi vào Huế tu hành. Mãi 15 năm sau (1909) mới trở lại Nha Trang.


Đối với Chánh Niệm Đại Sư và Nhân Thụy giáo thọ, Hòa thượng ở hàng trên, Nhưng vì khi Viên Giác Thiền sư qui Tịnh độ, Hòa thượng không hiện diện, nên không kế túc ngay bổn sư để trụ trì chùa Hải Đức


Khi Hoà thượng trở lại Nha Trang thì chùa Hải Đức đã bị hư dột vì lâu đời. Hòa thượng ra công sửa chữa, và khôi phục được quang cảnh ngày xưa. Từ ấy thiện tín đến tu tập và qui y thọ giới mỗi ngày một đông. Những ngày sóc ngày vọng, các hàng tăng giới và cư sĩ lại thường hội họp để bàn về Phật sự. Do đó người địa phương mới gọi là “chùa Hội” để diễn tả cảnh tụ tập đông đảo nơi chùa.


Trước khi vào Nha Trang, Phước Huệ Hòa thượng đã trụ trì chùa Kim Quang ở Huế do bà Từ Minh Hoàng Thái Hậu triều Thành Thái xây cất. Cho nên năm Khải Định thứ sáu (1921) Hòa Thượng được triệu thỉnh về Huế để trụ trì chùa Kim Quang và làm Tăng Cang chùa Báo Quốc. Chùa Hải Đức phải giao cho đệ tử coi sóc. Thỉnh thoảng Hoà thựơng mới vào thăm


Rồi tuổi già sức yếu, việc đi lại khó khăn. Năm Bảo Đại thứ 14 (1938), Hoà thượng bèn giao nhiệm vụ trụ trì chùa Hải Đức cho Bích Không Đại Sư.


Bích Không Đại Sư, pháp danh Trừng Đàn, tục danh Hoàng Hữu Đàng, quê quán Quảng Trị. Xuất thân trong một gia đình khoa bảng. Đậu tú tài năm Mậu Ngọ (1918) Đắc pháp đại sư năm Ất Hợi (1935) trong giới đàn chùa Sắc Tứ Tịnh Quang tỉnh Quảng Trị, nên cũng gọi là Giác Phong Đại Sư


Khi nhận lãnh chùa Hải Đức, thì chùa đã quá cũ. Lại thêm thành phố Nha Trang mỗi ngày lại thêm đông đúc, xe ngựa mỗi lúc thêm ồn ào, cảnh thiền môn khó giữ được không khí trang nghiêm thanh tịnh. Đại sư với sự đồng ý của Hoà thượng Phước Huệ, bèn lo chọn một thắng địa thích hợp để cải tạo chùa Hải Đức.


Sau ba năm dấn bước khắp danh sơn thắng địa tỉnh Khánh Hòa, Đại sư mới tìm được nơi vừa hợp với cảnh tu tâm dưỡng tánh của các bậc xuất gia, vừa tiện cho việc độ tha của hạnh nguyện đại thừa. Đó là: Hòn Trại Thủy.


Rồi phải trải bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu cực nhọc, Đại sư mới trưng được đất mới dỡ được non.


Đại sư dời Tổ tháp và phần mộ của các bổn đạo nơi vườn chùa cũ lên Trại Thủy và khởi công xây chùa.


Khởi công từ đầu năm Quý Mùi (1943) đến đầu năm Ất Dậu (1945) mới cáo thành.


Cảnh trí đẹp đẽ, cao sáng. Tuy gần thành phố mà ly trần thoát tục. Tuy dựa chốn đô hội phồn hoa mà vẫn giữ được vẻ thanh u tĩnh mịch.


Chùa cất theo kiểu thức Á Đông, trang nghiêm cổ kính.


Tuy không nguy nga tráng lệ bằng các chùa lớn ở Thần Kinh như Thiên Mụ, Diệu Đế, không kỳ cổ đồ sộ bằng Tổ đình Thập Tháp ở Bình Định song so với tất cả các chùa cũ mới ở Khánh Hòa, thì chùa Hải Đức to lớn nhất, đẹp đẽ nhất.


Khi tìm được chỗ đất tốt, Đại sự tâm nguyện sẽ mở một đại tòng lâm cơ sở đào tạo tăng tài cho nền Phật giáo tương lai. Và khi chùa làm xong, có ý định mở trường kỳ khai đại giới đàn trong dịp khánh thành.


Nhưng chùa chưa kịp lạc thành thì liền gặp quốc biến năm Ất Dậu (1945):


-Mùa xuân Nhật lật đổ Pháp


-Mùa thu Việt Minh đứng dậy cướp chính quyền


Công việc hoằng pháp bị bế tắc.


Kế Pháp tái chiếm Khánh Hòa. Cuộc kháng chiến chống xâm lăng bùng nổ.


Đại sư Giác Phong phải theo đồng bào tản cư. Khi thì Huế, khi thì Quảng trị, Nghệ An. Rồi ngày rằm tháng chín năm Giáp Ngọ (1954), thì tịch tại Nam Đàn (Nghệ An). Đất nước phân chia, nhục thân không thể đưa về Nha Trang được.


Đại sư khuất mà không mất


Vốn nhà khoa bảng xuất thân, Đại sư văn hay chữ tốt. Vào thăm chùa Hải Đức, du khách nhận thấy tinh thần và cốt cách của Đại Sư chẳng những nơi kiểu kiến trúc của ngôi chùa, mà còn ở tác phẩm văn chương nơi tự tích của Đại Sư khắc chạm trên vách cột mà mưa nắng vẫn còn nguyên.


Có thể nói một cách mạnh dạn rằng đó là những tuyệt phẩm của Thiền môn Khánh Hòa


Nơi hàng cột ở trước chánh điện, có ba câu đối liên.


Câu chính giữa:


Hải thủy trừng thanh vạn tượng tề hiện;

Đức hương ôn nhã nhất thiết mông huân


Câu kế:


Hạnh thảo tác thân mao đoan hiện sát;

Vi phong thuyết pháp ngoạn thạch điểm đầu.


Câu hai bên:


Kim Sơn Long Sơn tại kỳ tả hữu;

Nha Hải Phước Hải bổn bất khứ lai


Nơi vách mái hiên ngó ra sân, mỗi vách khắc bốn đại tự mỗi bề rộng đến bốn tấc tây.


Bốn chữ vách tả (vách phía Đông):


Trú bình đẳng hội

Bốn chữ nơi vách hữu (vách phía Tây):


Tác như thị quán


Nơi lầu chuông ờ phía Đông khắc 8 chữ:


Thanh siêu Pháp giới, Giai chứng viên thông


Nơi lầu trống ở phía Tây khắc 8 chữ:


Phổ đoạn sanh tử, Hường biến hà sa


Ý nghĩa thâm viễn. Phải thấm đạo thuộc kinh mới thưởng thức nổi những cái hay cái đẹp dưới những nét thanh lão, của ngọn bút tài ba đã được nhuần Chánh Pháp.


Chùa Hải Đức hiện nay thuộc Hội Phật giáo Trung Phần Việt Nam và đã trở thành một Đại Tòng Lâm gọi là Phật Học Viện Trung Phần để tăng chúng Trung Việt Nam Việt về tu học. Đó là niệm tâm sơ khởi của cố TT Giác Phong.


Mấy dãy học viện, tăng phòng, tịnh thất mới cất thêm gần đây nới rộng phạm vi của chùa. Một con đường mới trổ, chạy ngang qua lưng đồi Trại Thủy, từ Tây xuống Đông, nối liền chùa Hải Đức và chùa Long Sơn, làm cho cảnh chùa thêm linh động nhờ bóng tu sĩ bóng du khách thấp thoáng trong đá trong cây. Và cây bồ đề trước sân chùa, những cây mít, cây xoài, cây khế ở chung quanh chùa, ở triền đồi mỗi ngày mỗic cao cội sum cành, giúp cho cảnh chùa thêm thâm u tĩnh mịch.

chuahaiduc5

Đứng nơi chùa nhìn ra bốn mặt, vọng cảnh thật bao la. Núi đồi sông biển ngoài xa; nhà cửa vườn tược dưới thấp; đồng ruộng mênh mông, phố phường chen chúc, ở trước mặt. Muôn màu nghìn sắc, càng thêm ưa.


Cho nên chùa Hải Đức chẳng những liệt vào hàng danh lam mà còn liệt vào hàng thắng cảnh của tỉnh Khánh Hòa vậy.


Đối với hàng văn nhân thi sĩ, chùa Hải Đức lại có nhiều nhân duyên. Một phen đến nơi, không mấy ai không tìm thấy cảm hứng, không lưu lại ít nhiều cảm tình.


Như:


_ Nhà văn Võ Hồng có bài “Hoa khế lưng đồi, đã đăng ở Hải Triều Âm năm 1964. (trang 278)


_ Nhà văn Tuấn Huy, trong tác phẩm “Hương Cỏ May” có nhắc đến Phật học viện


_ Thạch Trung Giả, trong năm 1960 và 1961, suốt ba tháng hè, lên ở tịnh dưỡng nơi gác trống của chùa. Trong thời gian ấy đã sáng tác được nhiều giai phẩm. Một số thơ đã đăng tải ở tập san Liên Hoa Huế. Như bài sau đây là một:


LẦN TRÀNG


Hoàng hôn buông xuống

Chiều xanh xanh huyền

Tiếng ai dâng lên

Lầu kinh Bát Nhã

Triều yên sóng cả

Bàn tay lần tràng

Nổi trên mênh mang

Vần xoay hạt hạt

Kim ô chìm tắt

Song nhỏ bừng châu

Bàn tay truyền mau

Vần xoay đỉnh đầu


_Phạm Công Thiện lúc ở tu tại Phật Học Viện (1962-1964) sáng tác được nhiều giai phẩm, trong đó có câu:


Mưa chiều tối thứ bảy tôi về muộn

Cây khế đồi cao trổ hết bông


Và những câu:


Hồi chuông chùa vọng luân hồi

Chim chiền chiện hót ngang trời đau thương

Trùng dương nằm đợi vô thường

Đồi cao bặt gió hai đường âm u


_ Trong Mộng Ngân Sơn,


Bài Bồi Hồi, gởi TT Thích Trí Thủ


Trăng lên đồi trại thủy

Chuông khuya ngời âm ba

Bồi hồi mây khóa viện

Sân bồ đề sương sa


Bài Lịu Địu, gởi Phạm Công Thiện


Áo giũ ngày sương gió

Lên chùa thăm cố nhân

Non nghiên thềm nắng xế

Lịu địu bóng nhàn vân


Và bài Chuông Khuya trong Đọng Bóng Chiều:


Từng giọt châu rơi mắt mẹ hiền

Mừng con lưu lạc trở đoàn viên

Neo thu bến tạnh thuyền sương sóng

In bóng chùa xa trăng nửa hiên


v.v..


đều mang hình ảnh chùa Hải Đức, hoặc ít hoặc nhiều, hoặc mờ hoặc đậm


Nhớ khi chùa Hải Đức thương lượng xong, Đại Đức Giác Phong cùng người bạn thơ dắt nhau lên đỉnh đồi, nhìn xuống chùa, nhìn ra bốn mặt, nói:


_Cất chùa xong, sẽ cất một tiểu đình nơi đây để cùng nhau đàm đạo xứng thù


Mầm thiện đã gieo, chắc có ngày sẽ đâm chồi nảy lộc. Và biết đâu chùa Hải Đức lại không trở thành nơi hòa hợp đạo lý và văn chương, nơi trồng tỉa dị thảo kỳ ba để phong phú cho vườn văn hóa dân tộc





HT-Trung-San
HÒA THƯỢNG THÍCH TRỪNG SAN (1922 – 1991)


Hòa thượng Thích Trừng San, pháp tự Minh Hiền, pháp hiệu Hải Tuệ, nối pháp đời thứ 42 dòng Lâm Tế chánh tông, thế danh là Nguyễn San (sau đổi là Trần Văn Lâu). Ngài sinh năm Nhâm Tuất 1922, tại thôn Phú Khánh, xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, thân phụ là cụ ông Nguyễn Lợi, thân mẫu là cụ bà Trương Thị Tý, đều là Phật tử thuần thành, thâm tín Tam bảo.


Ngài sinh trong một gia đình có truyền thống nhiều đời tin Phật. Vốn có túc duyên Phật pháp sâu dày, nên năm 8 tuổi, Ngài đã xin phép song thân được xuất gia tu học. Buổi đầu khai tâm, Ngài được Hòa thượng Phổ Hiện, chùa Khánh Long, Diên Khánh thu nhận làm đệ tử. Sau khi Bổn sư viên tịch, Ngài y chỉ với vị kế thế trụ trì là Hòa thượng Chánh Ký. Đặc biệt, Ngài được cả hai vị Bổn sư và Y chỉ sư trực tiếp truyền dạy Du già nghi pháp và đến năm 20 tuổi, Ngài đã làu thông.


Năm Quý Mùi 1943, Ngài được Hòa thượng y chỉ sư cho đến thọ giáo tu học với Hòa thượng Giác Phong, trụ trì chùa Hải Đức, Nha Trang.


Mùa đông, năm 1945 (Ngài được 23 tuổi), đất nước lâm vào cảnh điêu linh vì giặc ngoại xâm. Ngài đã phải ứng cơ độ thế, tham gia vào lực lượng Việt Minh chống giặc ngoại xâm bảo vệ tổ quốc. Sau một thời gian hoạt động Cách mạng, Ngài đã bị địch bắt giam ở nhà ngục Kon Tum suốt 7 năm trường.


Mãi đến mùa hè năm 1953 (Ngài được 31 tuổi), từ ngục tù Kon Tum trở về, Ngài lại tiếp tục cuộc sống tu hành ở Phật học đường Nha Trang (vừa được thành lập tại chùa Long Sơn, trụ sở Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa).


Năm Đinh Dậu 1957, hai Phật học đường Báo Quốc và Nha Trang được sát nhập thành Phật học viện Trung phần, đặt cơ sở tại chùa Hải Đức, Nha Trang, Ngài là một trong những thành viên đầu tiên của Phật học viện này. Cũng từ đó, cuộc đời tu hành của Ngài đã gắn chặt vào công tác đào tạo Tăng tài của Phật học viện Trung phần, với bao nỗi thăng trầm, biến chuyển cho mãi đến ngày mãn duyên cõi tạm.


Cuối năm 1957 (35 tuổi), Ngài được thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn đầu tiên của Phật học viện Trung phần do Hòa thượng Giác Nhiên (chùa Thiền Tôn – Huế) làm Đàn đầu truyền giới. Trong giới đàn này Ngài là Thủ Sa di.


Năm Kỷ Hợi 1959, do nhu cầu Phật sự quá cấp thiết, Ngài được Phật học viện đề cử vào trụ trì chùa Thiên Bình, xã Hòa Tân, Cam Ranh, Khánh Hòa. Sau một thời gian, Ngài được Phật học viện Trung phần gọi về tham gia công tác quản lý tại đây.


Năm Ất Tỵ 1965, Ngài cầu pháp với Hòa thượng Thích Trí Thủ, Giám viện Phật học viện Hải Đức, Nha Trang, được ban cho pháp hiệu là Hải Tuệ và được truyền bài kệ phú pháp như sau :


“Hải tánh nan tư nghì

Thừa đương nhân tự tri

Không hoa do nhãn ế

Sanh, Phật tất giai phi”


chuahaiduc-ontrungsan


Hòa thượng Thích Trừng San,


Cũng vào năm này, Giáo hội thống nhất cơ cấu tổ chức Phật học viện toàn quốc, Ngài được đề cử giữ chức vụ Giám sự Phật học viện Hải Đức, Nha Trang. Đồng thời, Ngài được mời giữ chức Giám viện Phật học viện Trung đẳng Linh Sơn, Nha Trang.


Năm Kỷ Dậu 1969, Ngài chứng minh sáng lập “Y vương niệm Phật đường” tại bệnh viện tỉnh Khánh Hòa.


Năm Canh Tuất 1970, Ngài kiêm nhiệm trụ trì chùa Diên Thọ, trụ sở Giáo hội huyện Diên Khánh, và chùa Linh Phong (chùa Núi) Vĩnh Thái – Nha Trang.


Năm Nhâm Tuất 1982, sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Ngài được đề cử giữ chức Ủy viên Tăng sự trong Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Phú Khánh cho đến đại hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ I năm 1991 (sau khi tách tỉnh).


Cuộc đời của Ngài, từ lúc trưởng thành cho đến khi già yếu, đã hòa nhập vào những bước thăng trầm của đạo pháp và dân tộc. Từ kháng chiến gian khổ, ngục tù khắc nghiệt, cho đến cuộc sống tu hành nghiêm tịnh chốn thiền môn công tác Phật sự liên tục dồn dập, Ngài vẫn không từ nan phục vụ, không tránh né khó khăn; ở đâu cần thì Ngài đến, Phật sự nào được giao phó Ngài đều chu toàn.


Do sự cống hiến quên mình ấy, nên sức khỏe của Ngài đã dần dần giảm sút theo tháng năm, tuổi tác. Cho đến năm 1988 Ngài yếu hẳn và trọng bệnh phát sinh. Trong thời gian tịnh dưỡng ở chùa Long Sơn, mặc dù xác thân tứ đại hoành hành não bệnh, nhưng Ngài vẫn không xao lãng công phu tu niệm.


Một hôm, như biết trước cơ duyên sắp mãn, Ngài nhờ môn đồ chở đi thăm viếng hầu hết các cảnh chùa trong huyện Diên Khánh. Đây là lần thăm viếng quê hương cuối cùng của Ngài.


Đêm 21 tháng 11 năm 1991 (tức ngày Rằm tháng 10 năm Tân Mùi), trước số đông pháp hữu, pháp quyến đến thăm Ngài, đang nằm trên giường bệnh, Ngài tỉnh táo hỏi : “Hôm nay là ngày mấy ?” quý pháp hữu trả lời bằng ngày Dương lịch, Ngài nói: “Không, ngày Âm lịch kia”. Sau khi nghe trả lời, Ngài im lặng mỉm cười !


Đến lúc 10 giờ sáng ngày 22 tháng 11 năm 1991 (16 tháng 10 năm Tân Mùi) hóa duyên đã mãn, Ngài đã an nhiên xả bỏ báo thân, thu thần nhập diệt trụ thế 70 năm, hưởng 35 tuổi đạo.


Ngài đã nêu cao tinh thần Bi, Trí, Dũng phục vụ chúng sanh, cống hiến trọn vẹn đời mình cho sự nghiệp chung của đạo pháp và dân tộc Việt Nam.


(Theo Danh Tăng Việt Nam)


---o0o---

PHẬT HỌC VIỆN BỐN NĂM QUA

(trích trong tập ĐỜI SỐNG ĐẠO PL 2.504_ Đặc san kỷ niệm đệ IV chu niên Phật Học Viện Trung Phận tại Nha Trang, do Học-Tăng biên soạn)


Sau ngày thành lập bốn năm, cái tên PHẬT HỌC VIỆN Nha Trang bây giờ đã trở thành quá quen thuộc đối với Phật tử toàn quốc. Nếu gọi cho dúng tên thì phải gọi là PHẬT - HỌC - VIỆN TRUNG - PHẦN tại Nha Trang.


Hằng ngày mỗi lần xe lửa đi ngang qua Nha Trang, du khách từ trên tàu trông xuống đều được hai lần chứng kiến một dãy đồi núi thoai thoải với nhiều ngôi nhà, cũ có, mới có, lô nhô trên một nửa đỉnh đồi về hướng Bắc. Chòm nhà lổ đổ chỗ nâu, chổ đỏ như cỡi lên một nửa lưng rồng, mà cái đầu oai vệ chồm ra bên mép đường sắt, về phái Chùa Ông. Nếu du khách có dịp dừng lại Nha Trang một vài hôm và chịu khó trèo lên đỉnh đồi nhìn xuống, thì đây là một cuộc đất cánh dơi, tiền án ba bên có núi chầu quanh, bên tả có dòng sông lặng lờ uốn khúc, trước mặt có đường thiên lý xuyên Việt dài tăm tắp, sau lưng có biển muôn trùng với tiếng rì rào bất tuyệt của gió gào sóng vỗ. Ở dây, cây cối im mát xanh tươi, địa cuộc xinh xắn hữu tình, cảnh trí ra chiều phiêu phiêu thoát tục: Xin giới thiệu đó là PHẬT HỌC VIỆN Nha Trang, nơi mà hai Tổng trị sự Giáo hội Tăng già và Hội Phật giáo Trung phần trong năm 1956 đã chọn làm chỗ đào tạo Tăng tài ra gánh vác Phật sự ngày mai.


Viện thoát thai từ hai Phật học đường Báo Quốc và Nha Trang, và lấy chùa cũ Hải Đức làm thân tứ đại để thọ mạng. Vậy trước khi lên thăm Phật Học Viện, tưởng cũng nên trình bày sơ qua quá trình kiến tạo của nó là chùa Hải Đức và hai Phật học đường để cho vấn đề được sáng tỏ.



I- LỊCH SỬ CHÙA HẢI ĐỨC.


Ban sơ, vào khoảng năm 1883, lúc thành phố Nha Trang còn là một làng chài lưới ở ven biển, có Ngài Viên-Giác Thiền sư dựng lên một thảo am tại góc đường: Độc Lập, Hoàng Tử Cảnh và công trường Trịnh Minh Thế ngày nay. Công đức giáo hóa của Ngài đã quy tụ nhiều người trong số dân làng đến xin thọ giới quy y. Cảnh tấp nập rộn rịp của thiện tín hằng ngày đến lễ bái, khiến dân làng đặt cho thảo am Ngài ở một cái tên rất đại chúng là: “Chùa Hội”. Nhận thấy cái tên ấy quá nôm na, và nhân chùa đóng tại làng Phước HẢI và dân trong làng ăn ở hiền ĐỨC, Ngài bèn hợp hai chữ cuối lại mà đặt tên chùa HẢI ĐỨC. Khi Ngài viên tịch, đệ tử Ngài là Hòa thượng Phước Huệ ngày nay, nguyên Trú trì chùa Kim Quang Huế vào kế thế.


Mãi đến năm 1904, khi thành phố Nha Trang được mở rộng, cảnh phồn hoa đô hội lan đến bên hông chùa, Ngài Hòa thượng Phước Huệ mới bàn với đệ tử là Thầy Giác Phong tìm đất dời chùa đi nơi khác. Cái thế đất cánh dơi ngày nay của chùa Hải Đức, của Phật Học Viện, chính là do Đạo sĩ kiêm Địa lý gia Thích Giác Phong Đại sư đã chọn lựa, sau khi được sự dồng ý của bổn sư.Cách kiến trúc chùa tháp, lối bài trí trong chùa cùng bút tích còn ghi dấu lại trên tường và trên hoành phi liễn đối, đã nói lên được cái phong độ nghệ sĩ của nhà sư uyên thâm kiêm địa lý gia ấy. Hôm nay chúng Tăng mỗi lần nhìn đến phong cảnh lại nhớ người đã vì thời cuộc mà bỏ mình với tiếng gọi của non sông! Mặc dù vậy, chúng ta tin chắc rằng hoặc ở suối vàng hoặc ở nơi tịnh cảnh của Giác linh Đại sư cũng lấy làm hài lòng lắm vậy.


Đến năm 1956, Hòa thượng Phước Huệ tự thấy tuổi già sức yếu, cơn vô thường đến chưa biết ngày nào, và nhân lúc hai Tập đoàn Giáo hội và Hội Phật giáo đương tìm một cơ sở mới để thiết lập Phật Học Viện, Ngài ngõ ý cùng bổn đạo muốn đem ngôi chùa cúng cho hai Tập đoàn. Cử chỉ ấy thật là vô cùng cao đẹp. Chỉ một cử chỉ ấy thôi cũng đủ biện minh cho suốt đời tu hành xả kỷ của Ngài: không bỉ thử, không ngã nhơn. Đối với Ngài, chỉ có đạo pháp ngày mai mới thật là quan trọng.


Giao chùa ngày 19 tháng 9 năm Bính Thân (1956) Ngài lui về tịnh dưõng tại chùa Hải-Đức Huế. Đại diện cho hai Tổng trị sự đã ký biên bản nhận chùa là Thượng tọa Thích Trí Thủ, nguyên Giám đốc Phật học đường Báo Quốc và đương kiêm Giám Viện Phật Học Viện Trung phần



II- HAI HỌC ĐƯÒNG BÁO QUỐC VÀ NHA TRANG.


Nói đến Phật Học Viện mà không nhắc lại tiền thân của Phật Học Viện là một thiếu sót căn bản. Tiền thân Phật Học Viện chính là hai Phật học đường Báo Quốc và Nha Trang.


Phật học đường Báo Quốc chính thức thành lập vào khoảng năm 1935, dưới quyền điều khiển của An nam Phật học hội và do Thượng tọa Thích Trí Độ là Đốc giáo. Về sau, các ban Giám đốc trước sau nối tiếp nhau thay đổi theo cơ duyên. Nhưng lần thay đổi quan trọng nhất xảy vào năm 1945, sau khi các Thượng tọa Thiện Siêu, Trí Quang, Thiện Minh, v.v… đã tốt nghiệp đại học Phật giáo được một năm. Hồi đó ở Huế, giá sinh hoạt đắc đỏ, trường buộc phải dời một phần ra Bắc đóng tại Quán Sứ; một phần khác vào Nam, sau chia thành sáu trường: Liên Hải, Sùng Đức, Mai Sơn, Ấn Quang, v.v…


Như vậy, có thể xem giai đoạn Phật học đường Báo Quốc thuộc quyền điều khiển của An nam Phật học hội đã chấm dứt từ đó. Để rồi đến năm 1948, sau khi chiến cuộc tại thành phố Huế tạm yên, Phật học đường Báo Quốc lại mở cửa đón học Tăng, lần này dưới quyền điều khiển của Giáo hội, do Thượng tọa Thích Trí Thủ làm Giám đốc kiêm Đốc giáo, cho đến khi chuyển thành Phật Học Viện. Thượng tọa đảm nhận trọng trách ấy liên tục trong tám năm. Tốt nghiệp ở trường này ra, hiện có quý Đại đức: Thích Đức Tâm, Thích Mãn Giác, Thích Thiện Châu, và các vị hiện du học ngoại quốc chưa về.


Trong khi Phật học đường Báo Quốc đương phát triển mạnh mẽ, thì vào khoảng năm 1952, tại miền Nam Trung-Việt, Hội Phật giáo Trung-Việt (hậu thân của An nam Phật học hội) có đủ cơ duyên thiết lập ở Nha Trang một Phật học đường lấy tên là Phật học đường Nha Trang dưới quyền điều khiển của Thượng tọa Thích Thiện Minh, sau chuyển lại cho Thượng tọa Thích Huyền Quang. Trường nguyên đóng tại tầng lầu Trung học Bồ Đề ngày nay. Thời gian hoạt động của trường này tuy ngắn ngủi (chỉ có bốn năm), nhưng cũng đã đào luyện được một số học Tăng có căn bản, ngày nay nhập thành chúng của Phật Học Viện.



III- BAN QUẢN TRỊ PHẬT HỌC VIỆN.


Động cơ chính của Phật Học Viện là Ban Quản trị, Ban Quản trị này quyết định mọi việc trong Viện và chịu trách nhiệm hoàn toàn về đường lối tu học của học Tăng trước hai Tổng trị sự và các thế hệ Phật giáo ngày mai. Thành phần Ban Quản trị được thỉnh cử gồm:


1. Viện trưởng : Ngài Hòa Thượng Thuyền Tôn.


2. Phó Viện trưởng : Thượng tọa Thích Trí Quang.


3. Giám Viện : Thượng tọa Thích Trí Thủ.


4. Giáo thọ trưởng : Thượng tọa Thích Thiện Siêu.


5. Tổng thủ quỹ : Thượng tọa Thích Thiện Minh.


6. Tổng Thư ký : Thượng tọa Thích Huyền Quang.


Ngay trong thành phần thỉnh cử trên, đủ nói lên cả cái quá trình diễn tiến và quá trình hình thành Phật Học Viện rồi.



IV- LÝ DO THÀNH LẬP VÀ MỤC ĐÍCH PHẬT HỌC VIỆN.


Tương lai Phật giáo mờ nhạt hay tỏ rạng là do Tăng giới. Tăng giới đóng vai trò quyết định chủ yếu vì Tăng giới thay Phật đẩy bánh xe Pháp giữa chúng sanh.


Tăng giới có tu hành thanh tịnh, có học vấn uyên thâm mới vững lái con thuyền Chánh pháp khỏi linh đinh phiêu bạt. Không những thế, Tăng già phải ý thức sâu đậm nhu cầu của từng thời đại, khéo dùng mọi phương tiện thiện xảo, chung lưng nhau đẩy đúng hướng cho bánh xe chánh pháp thường chuyển trong thế gian, đem lại cho an lạc chân thật cho muôn loài.


Với ai ý thức tròn đầy được trách nhiệm truyền thừa mới thấy rằng trách nhiệm ấy thật nặng nề. Nặng nề vì cùng một lúc, nó đòi hỏi quá nhiều điều kiện: Giới hạnh nghiêm túc, học vấn quảng bác, tinh thần mềm dẽo, ý chí hùng dũng, an nhiên bình thản khi an cũng như nguy, không hề chấp cũng không vọng cầu, lấy việc độ sanh làm sự nghiệp, lấy hạnh phúc của chúng sanh làm lẽ sống duy nhất cho đời sống chân thật.


Trách nhiệm Hoằng truyền nặng nề như thế nên vấn đề đào tạo Tăng tài đủ sức ra đảm nhiệm là một vấn đề tối trọng.


Lại thêm, nhận thấy trong những năm loạn ly, tình hình Phật giáo nước nhà không mấy sáng sủa, các Phật học đường tuy có hoạt động, nhưng chưa có một tổ chức quy mô, nên hai Tổng trị sự đứng ra thống nhất các Phật học đường Trung phần để thành lập một Phật Học Viện chung, ngõ hầu thực hiện nguyện vọng thâm thiết trên.


Trong mục đích ấy, địa điểm Nha Trang được lựa chọn để đặt cơ sở xây cất. Chính đúng lúc đó, Ngài Hòa thượng Phước Huệ hiến cúng ngôi chùa Hải Đức và đất đai của chùa để khuếch trương cơ sở. Nhân duyên đến thật đúng lúc. Phật Học Viện được khánh thành vào ngày Thành đạo của Đức Thế Tôn. Như vậy, sự thiết lập Phật Học Viện có hai đối tượng rõ ràng: thuận tiện về không gian, ý nghĩa về thời gian.


1. Không gian: Riêng Trung phần, từ Bến Hải vào Phan Thiết, vòng lền Cao Nguyên, Nha Trang có cái lợi thế của một trung điểm, tiếp xúc thuận tiện với các Tỉnh hội và phân phối Giảng sư đi hoằng pháp tại các Tỉnh hội rất tiện lợi. Nếu trung tâm xuất phát và phân phối Giảng sư đặt tại Huế, sự liên lạc để cung ứng sẽ khó khăn và chậm chạp hơn nhiều.


Trung ương Phật giáo Việt Nam tại Trung phần, cả Giáo hội lẫn Hội Phật giáo đều đặt tại Huế, là kinh đô Phật giáo Trung phần. Trung ương Tổng hội Phật giáo Việt Nam toàn quốc đặt tại thủ đô Sài Gòn. Trong khi hai cấp Trung ương: Trung ương toàn quốc và Trung ương cấp phần đều không thể thiên di đi nơi khác được, thì Phật Học Viện ở Nha Trang chính là cái gạch nối giữa hai cơ quan chủ não trên.


Cả hai cái ấy đã tạo cho Phật Học Viện Nha Trang một trụ đứng đặc biệt để dễ phát triển trong hiện tại, cũng như tương lai.


2. Thời gian: Sở dĩ chọn ngày Thành đạo 8/12 và cơ duyên cũng cho phép khánh thành đúng ngày ấy, ý nghĩa việc thành lập Phật Học Viện lại càng sáng tỏ hơn.


Với cứu cánh giải thoát, ngày Thành đạo là ngày quan trọng nhất. Ngày ấy đánh dấu cuộc chiến thắng cuối cùng, cuộc chiến thắng vinh quang nhất mà con người có thể đạt được, sau nhiều trận tranh hùng với nội ma và ngoại ma, trải qua vô lượng kiếp chiến đấu cam go.


Ngày ấy, chúng ma bị đập tan trước ba đức tánh Từ bi, Trí tụê và Vô úy bừng dậy sáng lòe, để soi đường cho hết thảy chúng sanh trong khắp không gian vô tận và thời gian vô cùng, lần bước dắt nhau lên đường giải thoát.


Vì những tiêu điểm kể trên nên hai Tổng trị sự đã chọn địa điểm Nha Trang lập cơ sở và chọn ngày Thành đạo làm lễ khánh thành cho Phật Học Viện, cách đây bốn năm về trước.



V- LỄ KHÁNH THÀNH VÀ GIỚI ĐÀN


Thế là ngày 8-12 PL. 2500 (1956), hai Tổng trị sự và Ban Quản trị đã làm lễ khánh thành chính thức. Lễ được tổ chức liên tiếp suốt 3 ngày: 7, 8, 9. Để đánh dấu một cách đặc biệt trọng thể cho những ngày lễ, Phật Học Viện nhân dịp ấy, tổ chức một lễ Đại giới đàn cho Học Tăng thọ giới. Ngài Viện trưỏng là Đường đầu Hòa thưọng truyền giới. Chánh Chủ đàn là Thượng tọa Thích Trí Thủ, Phó Chủ đàn là Thượng tọa Thích Thiện Minh và các Thượng tọa trong Ban Quản trị, Trưởng ban ngoại hộ là đạo hữu Võ Đình Chung và toàn thể Ban viên Trị sự Tỉnh hội Khánh Hòa tán trợ. Giới tử gồm đủ bảy chúng. Cả tại gia và xuất gia nam nữ. Con số giới tử tất cả lên đến ngàn người.


Hội đồng thập sư được tuyển thỉnh trong số chư Đại đức Tăng toàn quốc. Để sát hạch giới tử này, vị Thủ chúng được lựa chọn là thầy Thích Trừng San, đương kim Tri sự cho Phật Học Viện. Cũng nên biết thêm rằng đạo hữu Chơn An là Thủ chúng Bồ tát tại gia.


Bên ngoài giới đàn, Tăng đồ cũng như tín đồ khắp Trung, Nam, Bắc đều hân hoan đến dự lễ ngót cả đôi ba mươi ngàn người. Trên đồi Hải Đức người đi chen chân không lọt.


Đại lễ long trọng này kết quả thập phần mỹ mãn, đã gây cho mọi người thấy Phật Học Viện là một tổ chức quy mô và quan trọng như thế nào.



VI- HỌC TĂNG.


Sau ngày Đại lễ, Học Tăng hai Phật học đường Báo Quốc và Nha Trang đều quy tụ về đây nhập chúng, học chung một chương trình và đều đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban quản trị. Thêm vào đó lại có một số Học Tăng lẻ tẻ từ các Tự viện ở rải rác các tỉnh dồn về, con số sơ nhập được 105 người, chia ra ba cấp Tiểu, Trung và Đại học. Chương trình học gồm cả nội điển và ngoại điển.


Dĩ nhiên phần nội điển phải là phần căn bản và được chú trọng hơn nhiều. Riêng trong ba tháng kiết hạ (từ 15-4 đến 15-7 âm lịch) Học Tăng chỉ chuyên lo tu và học thuần nội điển.


Chương trình giáo khoa lấy Việt văn làm chuyển ngữ và Hán văn làm cổ ngữ chính. Các sinh ngữ Anh, Pháp, và cổ ngữ Pali, Sancrit đóng vai trò phụ, giúp Học Tăng nghiên cứu thêm nội điển về sau. Hiện tại Viện có hai Giảng sư là Thầy Thích Minh Châu du học tại Ấn Độ và thầy Thích Thiện Ân du học tại Nhật Bản mà trong giới Phật tử không ai là không biết danh tiếng. Cả hai đều đã đậu M. A. và đang làm luận án Tiến sĩ.


Thời gian tu học ở Phật Học Viện được quy đinh là 10 năm trước khi tốt nghiệp: một năm dự bị, ba năm Tiểu học, ba năm Trung học và ba năm Đại học. Được kể như chính thức vào lớp dự bị, những Học Tăng nào đã học xong ban Tiểu học thế gian và đã đủ 15 tuổi. Khi tốt nghiệp Đại học Phật giáo, trình độ ngoại điển của Học Tăng ít nhất từ Tú tài trở lên.


Hiện nay chương trình học này chỉ mới thực hiện được một phần vì nhu cầu giảng dạy các Tỉnh hội đòi hỏi Giảng sư quá khẩn thiết nên đã phương tiện cho ra một khóa đầu, với điều kiện hằng năm đến kỳ kiết hạ phải về Viện tu học bổ túc thêm.



VII- SINH HOẠT CỦA PHẬT HỌC VIỆN.


Như trên đã nói, mục đích Phật Học Viện là đào tạo Tăng tài để Hoằng pháp lợi sanh. Công việc hoằng pháp bao gồm nhiều phương diện nên sự sinh hoạt của Viện cũng có chia thành nhiều ngành, nhưng ngành nào rồi cũng cần phải tuyển lựa người giúp việc trong số Học Tăng ưu tú về học lực và hạnh kiểm. Vì vậy mọi hoạt động của Viện đều phải hướng đến mục tiêu duy nhất là lo cho Học Tăng dầy đủ về hai phương diện tinh thần và thể xác, hầu mong đào tạo cho họ trở thành những vị Tăng già đầy đủ đức hạnh và tài năng để họ trở lại phục vụ Đạo pháp một cách đắc lực trong các ngành.


1. Ngành Giáo Thọ. – Ngành này gồm những vị tinh thông nội điển, thường trú tại Phật Học Viện, chuyên trách giảng dạy Nội điển ở các lớp Tiểu, Trung và Đại học Phật giáo tại Viện hay được bổ đi giảng dạy tại các chi nhánh. Thêm vào đó ngành này lại có bổn phận nghiên cứu, dịch thuật, trước tác để ấn hành xuất bản sách báo Phật giáo. Ngành này tương đương với ngành giáo sư tại các Viện Đại học thế gian, và được xem như bộ phận đầu não của Phật Học Viện.


2 Ngành Trú trì. – Ngành này gồm những vị thông thạo về nghi lễ, có tài tổ chức hành chánh và điều khiển, thường trú tại các Tự viện, hay các Hội quán Tỉnh, Chi, Khuôn hội để hướng dẫn các buổi lễ và điều hành Phật sự tổng quát tại địa phương với tư cách đại diện chánh thức của chùa Phật giáo địa phương, đối nội cũng như đối ngoại. Chức vụ Trú trì có thể kiêm nhiệm luôn trách vụ Giảng sư, nếu tại địa phương chưa có Giảng sư bổ xứ.


3. Ngành Giảng Sư. – Ngành này chuyên lo giảng dạy Phật pháp cho các tầng lớp Phật tử từ thành thị đến thôn quê hiểu biết bổn phận Phật tử và giáo lý căn bản để xây dựng hạnh phúc cá nhân, gia đình và xã hội, trên cơ sở Từ bi, Trí tuệ của Phật.


Hy vọng có ngày Tổng hội Phật giáo Việt Nam sẽ giới thiệu các vị này đi tham học hay giảng Đạo ở ngọại quốc.


Ranh giới giữa hai ngành Trú trì và Giảng sư là: Trú trì thường trú nên chuyên lo việc quản trị, Giảng sư lưu động, nên chỉ đảm nhận việc giảng dạy mà thôi.


4. Ngành Giáo sư Tư thục.- Ngành này gồm những vị có đủ điều kiện dạy các lớp Tiểu và Trung hoặc Đại học thế gian và giáo lý tại các trường Tư thục Phật giáo. Hy vọng trong một ngày gần đây sẽ có được một số đứng ra đảm nhiệm các trường Bồ Đề ở các Tỉnh, dạy giáo lý cho Gia đình Phật tử, hợp lực với Ban Giáo thọ để xuất bản sách báo Phật giáo.


5. Ngành Kinh tài. –Theo luật Phật, dể vun trồng ruộng phước cho chúng sanh, để từ bỏ óc kiêu mạn có thể có nơi Tăng sĩ, đàn con Phật xưa nay buộc phải sống theo chế độ “Nhất bát thiên gia phạn”. Nhưng với một tổ chức quy mô như Phật Học Viện, cần phải có kế hoạch sinh tài phụ thêm mới đủ cung ứng nhu cầu cho Học Tăng, tạm có phương tiện tối thiểu để tu học và kiến thiết thêm trường ốc cho Viện. Vì vậy ngành Kinh tài được thiết lập.


Chỉ huy ngành này gồm những vị có sáng kiến, có tài thiệp thế và đã được huấn luyện riêng về chuyên môn. Hiện tại có hãng Vị Trai Lá Bồ Đề và nhà in Hoa Sen, Liên Hoa, cả hai cơ sở này đang hoạt động tại Huế và Nha Trang, nhưng chưa được phát triển lắm vì thiếu phương tiện.



VIII- KIẾN THIẾT TRƯỜNG ỐC.


Chùa Hải Đức cũ, với một số Học Tăng đông như thế, không thể nào dung chứa hết nên sau khi nhận chùa Ban Quản trị đã ủy thác cho Thượng tọa Giám Viện lo xây thêm nhà cửa trường ốc, để có đủ tiện nghi tu học cho chúng Tăng.


Công tác đầu tiên là mở rộng thêm hai dãy liêu ở hai bên hông tả hữu chùa.


Qua đầu năm 1958, xây xong một ngôi nhà dài 20m rộng 10m ở phía sau chùa, mặt nền cao hơn nền chùa chừng 1,5m. Ngôi nhà này ngăn làm hai bằng vách carton, nửa trước dùng làm phòng học, nửa sau dùng làm phòng ngủ của chúng. Đồng thời cũng xây xong một bệnh xá, tiếp giáp thêm phía sau, dài 10,5m rộng 6m, dành cho quý Thầy hoặc Học Tăng tịnh dưỡng lúc lâm bệnh.


Ngày 10-5-59, hoàn thành thêm một Tịnh thất dài 36m rộng 9m gồm 7 phòng, trong đó có Thư viện, Văn phòng cho Ban Giáo thọ, phòng Học Tăng.


Ngày 10-12-59, cất xong một Tịnh nghiệp hiên, trước ngõ lên chùa, dưới chân núi, dài 16 m rộng 6m, dùng làm nơi tu học hằng tháng cho Phật tử tại gia ở Nha Trang tu Bát quan trai giới, hoặc cho khách thập phương đến thăm Viện có chỗ tạm trú khi cần phải ở lại.


Ngày 7-8-60, hoàn thành một Thuyền thất, do một đạo hữu phát tâm cúng. Ở đây có 3 phòng, cao mát và yên tịnh, đủ tiện nghi cho việc nhập thất tu thuyền. Đã có quý Thượng tọa và các vị Giảng sư các nơi về nhập thất nhiều bận. Phật Học Viện lấy làm hân hạnh được tiếp tục đón tiếp quý Thượng tọa, Đại đức phương xa muốn về đây để bế môn thuyền quán trong thuyền thất này.


Ngày 3-1-61 vừa rồi, rót đồng đúc một quả Đại hồng chung, kích thước bằng Đại hồng chung chùa Linh Mụ, cao 1m7 đường kính 1,1m nặng 1.010 ký. Chuông này sẽ đặt tại đỉnh núi Phật Học Viện về phía Đông.


Trên nhờ Hồng ân Tam bảo gia hộ, dưới nhờ Phật tử bốn phương nhiệt liệt hưởng ứng, chung sức xây dựng, nên trong thời gian ngắn bốn năm qua mà ngọn đồi Hải Đức đã có sắc thái của một đại Tòng lâm quy mô.



IX- CHI NHÁNH PHẬT HỌC VIỆN.


Hiện tại Phật Học Viện có hai chi nhánh:


1. Chi nhánh Phật Học Viện Báo Quốc Huế. - Số Học Tăng ở đây trên 50, cũng theo học cả hai chương trình nội và ngoại điển. Tại chi nhánh này, nguyên trước kia là một trường Trung học Tư thục Hàm Long, do Giáo hội Tăng già quản trị. Từ ngày Phật học đường Báo Quốc biến thành chi nhánh của Viện Trung ương Nha Trang, Trung học Tư thục Hàm Long cũng thống thuộc theo luôn.


2. Chi nhánh Phật Học Viện Phổ-Đà Đà Nẵng. - Số Học Tăng ở nơi đây mới trên 20, chuyên học nội điển, thêm một ít giờ bổ túc về Quốc văn và sinh ngữ. Chi nhánh này chính thức khai giảng ngày 19-2 PL. 2504 (1960). Trường ốc đặt tại chùa Phổ Đà do Hội Phật học Đà Thành cúng cho Phật Học Viện. Hiện còn cần lo xây dựng thêm mới có đủ tiện nghi cho Học chúng tu học.


Cả hai chi nhánh Báo Quốc và Phổ Đà đều đặt dưới quyền điều khiển của Phật Học Viện tại Nha Trang và đều cùng nhắm mục đích đào tạo Tăng tài. Học Tăng sau thời gian tu học cả hai chi nhánh có trình độ khá, sẽ được đưa về tiếp tục tu học ở Viện chính tại Nha Trang, trước khi được phân phối ttheo khả năng đi phụ trách các ngành.



X- THƯ VIỆN.


Nhằm mục đích sưu tầm tài liệu cho Học Tăng nghiên cứu học hỏi, Viện đã cho thành lập một Thư viện từ năm 1958. Nhờ sự cố gắng sưu tầm của những vị phụ trách và nhờ hảo tâm góp phần xây dựng của các Đàn việt cũng như của các nhà xuất bản, hiện Thư viện của Viện có một số sách trên một nghìn quyển, bằng Quốc văn và ngoại ngữ, với một số báo chương tạp chí giá trị cần thiết cho sự nghiên cứu học thuật văn hóa. Đó chưa kể một bộ Đại tạng bằng Hán văn và bộ Thái Hư toàn thư mà các trường Phật học xứng đáng tên ấy phải có đủ.



HẬU TỰ

Từ khi bước chân lên đòi chùa Hải Đức, du khách đã cùng chúng tôi đi xem phòng ốc khắp Phật Học Viện, kể luôn cả chi nhánh; và ngược dòng thời gian du khách cũng đã tìm hiểu sự liên tục phát triển của Viện.


Có điều cần nói thêm là trong thời gian ngắn ngủi bốn năm qua, hai Tổng trị sự cũng như quý Thượng tọa trong Ban Quản trị Viện đã đem hết tâm lực mình phục vụ Chánh pháp, phục vụ thế hệ đương lên, để thế hệ này khi trưởng thành sẽ đảm đương Phật sự ngày mai. Quý thượng tọa tự cho rằng mình đã hết lòng, hết sức với Học Tăng, không quản gian lao bên trong, không hề chướng ngại bên ngoài. Hoài bảo thâm thiết của quý Thượng tọa là được thấy, được sống trong bầu không khí tin yêu của môt đại gia đình: Gia đình Phật Học Viện, một gia đình mà cha phải tìm thấy sung sướng được hy sinh cho con và được thấy con về sau thành đạt hơn mình, mà vẫn một lòng sùng kính và biết ơn cha. Có như thế, nhiệm vụ truyền đăng mới được nối tiếp bất tận và luôn luôn ngời sáng. Hoài bảo ấy, tâm lượng ấy, nếu được Học Tăng chúng ta cảm thông thì thật là một sự hài lòng hoan hỷ, thúc đẩy Ban Quản trị càng cương quyết hơn trên bước đường phục vụ của mình.


Đối với nhân dân quần chúng, Phật Học Viện cũng đã gây được một ảnh hưởng tuy chưa sâu lắm nhưng cũng đã khá rộng. Bằng chứng là không ai không biết Phật Học Viện Nha Trang. Bằng chứng nữa là các phái đoàn du lịch đến Nha Trang không thể quên được Phật Học Viện. Với thức giả, đây có thể được gọi là một cơ quan văn hóa trọng đại; với du khách, đây là một danh lam của Phật giáo Nha Trang cũng như của Phật giáo nước nhà.


Đối với ngoại quốc, Phật Học Viện cũng đã gây được ít nhiều ảnh hưởng. Các vị Pháp sư, cũng như các nhà học giả ngoại quốc danh tiếng đến Việt Nam, không thể quên đến viếng Phật Học Viện. Đây chỉ đơn cử một vài trường hợp làm tiêu biểu:


Pháp sư Diễn Bồi (Trung Hoa) đến thăm Phật Học Viện ngày 15-7-58.


Đại đức Narada (Tích Lan) đến thăm Phật Học Viện ngày 6-12-59.


Giáo sư Richard A. Gard (Đại học đường Yale Mỹ) đến thăm Phật Học viện và tìm hiểu tổ chức PGVN ngày 4-8-1960.


Các vị trên đây đến thăm Phật Học Viện đã tỏ vẻ hoan hỷ mãn nguyện, vì đã hằng nghe tiếng và mong mỏi có ngày đặt chân đến đây. Lúc ra đi, họ không quên để lại lưu bút tỏ ý đặt nhiều tin tưởng và Phật giáo Việt Nam hiện tại cũng như ngày mai qua hình ảnh của Phật Học Viện mà họ được trông thấy.


Kính lạy Đức Thế Tôn!


Thành kính cúi xin Ngài phóng hào quang che chở cho Ban Trị sự và toàn thể Học Tăng chúng con được mọi việc an lành, Bồ đề tâm kiên cố, không vì một lẽ gì mà xao lãng lý tưởng của chúng con.


Cúi xin Đức Từ bi chứng giám.


(trích trong tập ĐỜI SỐNG ĐẠO PL 2.504_ Đặc san kỷ niệm đệ IV chu niên Phật Học Viện Trung Phận tại Nha Trang, do Học-Tăng biên soạn)



---o0o---

Các Ngôi Chùa ở Khánh Hòa

---o0o---
Ảnh : Võ Văn Tường

Ảnh và trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/03/2014(Xem: 6522)
Chùa Hoa Tiên tọa lạc đường Phân Bội Châu, thị trấn Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa (ngày xưa là ấp Phật Tỉnh, nhân việc đào giếng được tượng, nên ấp lấy tên là Phật Tỉnh) Theo thi sĩ Quách Tấn, tác giả Xứ Trầm Hương, Chùa Hoa Tiên vốn là quan tự, do tỉnh lập năm Gia Long thứ 10 (1811). Chùa ngày xưa thờ Quan Thánh đời Tam quốc, ở gian giữa, thờ bà Thiên Y A Na ở bên hữu, thờ Phật ở bên tả.
11/03/2014(Xem: 2819)
Từ Trung tâm thành phố Nha Trang, dọc theo đường 23 tháng 10 về hướng Nam khoảng 3 km, qua khỏi cầu Dứa, đến ngã rẽ hương lộ Vĩnh Thái rẽ trái, rồi rẽ phải đi về hướng Nam một đoan khoảng 2 km nữa là đến chùa An Dưỡng.
20/09/2013(Xem: 15135)
Mùa hè 1969, mới học lớp Đệ nhị mà tôi đã bắt đầu biết ngao du lãng tử rồi. Khi cha qua đời thì tôi đang rong rêu phiêu bạt ở Nha Trang. Nhận được điện tín của người bạn từ Đà Nẵng khẩn cấp gởi vào, tôi liền vội vã quy hồi cố quận.
19/09/2013(Xem: 27302)
Không biết tự khi nào, tôi đã lớn lên trong tiếng chuông chùa làng, cùng lời kinh nhịp mõ. Chùa An Dưỡng (xem tiểu sử), ngôi chùa làng, chỉ cách nhà tôi chừng 5 phút đi bộ. Nghe Sư phụ kể lại, chùa được xây dựng vào khoảng từ 1690 đến năm 1708, do công khai sơn của Hòa Thượng Thiệt Phú, người Tàu sang Việt Nam truyền giáo cùng với các thiền sư khác. Trong chuyến đi hoằng pháp vào đàng trong, Ngài đã xây dựng ngôi chùa này. Chùa nằm trên một khu đất cao nhất làng, quanh năm bao phủ một màu xanh biếc của những khóm dừa, những lũy tre làng thân thương.
11/09/2013(Xem: 2519)
Từ trung tâm Thị xã Ninh Hòa theo dọc đường quốc 1 vê phía Đông Nam khoảng 5 km, rẻ về bên tay phải theo con đường hương lộ đi hơn 4 km nửa nhìn về tay phải là chùa Thiền Sơn. Chùa Thiền Sơn, còn gọi là chùa Lỗ Mây tọa lạc dưới chân hòn Ðộc (hòn Một) thuộc thôn Trường Lộc, xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
22/08/2013(Xem: 14666)
Lễ Vu Lan ở các chùa tại thành phố Nha Trang
20/06/2013(Xem: 3563)
Phường Ba Ngòi Thị Xã Cam RanhTỉnh Khánh Hòa, ĐT. 058.3951120
20/06/2013(Xem: 4681)
Thôn Thủy Triều, Xã Hải Đông, Cam Ranh, T. Khánh Hòa
20/06/2013(Xem: 2199)
Xã Cam Thịnh Đông, H. Cam Ranh, T. Khánh Hòa
20/06/2013(Xem: 2040)
Khánh Hòa Do 2, H. Cam Ranh, T. Khánh Hòa, ĐT: 857099
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]