Tôi chẳng biết sẽ viết những gì, và nhũng gì cần phải viết…Bởi, trong khoảng thời gian 20 năm thật là dài, đủ để cho một em Oanh Vũ từ mở mắt – cánh mềm – chân cứng – tung bay … trở thành một chàng trai tuấn tú, một cô gái đáng yêu đầy đủ đạo hạnh cuả một người Phật tử chân chính, trong khi đó thì tôi chỉ mới có bốn năm tham gia sinh hoạt GĐPT tại PHỔ HIỀN và được ghi tên trong hàng ngũ huynh trưởng GĐPTVN / ÂC chỉ vưà mới một năm hơn.
Thế nên, khi nghe chị Tâm Bạch (trưởng BHD GĐPTVN/ ÂC) mời viết bài cho kỷ yếu 20 năm, và anh Minh Lý (Tổng thư ký BHD GĐPTVN/ Pháp quốc) kêu gọi ACE huynh trưởng Pháp hãy hưởng ứng lời kêu gọi cuả anh Tâm Hùng là người phụ trách ấn loát kỷ yếu vào khoảng tháng 10 này . Mình thật không biết phải đóng góp bài như thế nào, và viết gì ? Lòng phân vân mãi…nhưng trước sự hối thúc cuả các anh, chị trưởng khó lòng mà từ chối và cuối cùng cũng phải đành cầm bút hý hoáy đôi dòng. Thôi thì, với một đoạn đường ngăn ngắn tập tễnh vào " nghề " huynh trưởng, xin được chia sẻ cùng các anh chị em Lam viên Âu Châu.
Nguệch ngoạc đôi dòng gửi chị, anh
Bút thi thì có, văn không rành
Nhưng vì chị cả đành cầm viết
Tâm sự ghi vào lưu bút xanh
…Trở ngược lại thời gian cách đây cuả rất nhiều..nhiều…năm, khi vưà đặt chân lên đất Pháp (tháng 12/1985) tôi chỉ với mớ hành trang đeo bên mình đó là chút ít vốn liếng văn hoá Việt Nam.
Giai đoạn đầu mấy ai trong chúng ta không tránh khỏi những hụt hẫng, lo lắng, ưu tư…trong đầu luôn ngổn ngang những câu hỏi: – Phải làm gì để sống khi mà chỉ với hai bàn tay trắng? Hoàn cảnh chính trị đất nước đã đưa đẩy dòng ngưòi tỵ nạn trôi đi xa khắp bốn phương trời…
Song, với tinh thần bất khuất cuả ông cha để lại, với bản chất hiền lương, tính chăm chỉ, cần cù; nên hầu như đại đa số ngưòi dân Việt chúng ta đều tương đối thành công theo khả năng cuả từng mỗi người. Nhất là các thế hệ trẻ các đàn em, con, cháu chúng ta đều rất thành công và hoà nhập dễ dàng với cuộc sống mới nơi trời viễn xứ này.
Thật tâm mà nói, thì thời gian từ thập niên 90 trở về trước thì người Việt chúng ta gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống bởi ngôn ngữ bất đồng, phải rất nhiều cố gắng mời có thể vượt qua để có cuộc sống kinh tế khả quan như ngày hôm nay. Nhưng, về mặt tinh thần thì không ít bậc phụ huynh luôn lo lắng vì họ rất bận bịu trong việc sinh kế nên không có nhiều thời gian để dạy tiếng Việt cho con em mình tại gia, và các em được đưa đến trường, trưa ăn ở cantine tới chiều tối mới về, cả gia đình trong một ngày từ 8 đến 10 tiếng xa cách nhau, khi trở về nhà sau buổi cơm tối là …mạnh ai nấy ngơi nghỉ để lấy sức cho công việc làm, việc học cuả ngày mai… bởi thế, trong gia đình cha mẹ và con cái không có nhiều thời gian để gần gũi nhau, quan tâm nhau…dần dần các em hoà nhập và quen theo lối sống cuả người Tây nên trở ra độc lập về mọi thứ, đi học về là cánh cưả phòng khép kín lại, chẳng biết các em làm gì học hay chơi? Mà khi cha mẹ hỏi đến thì dễ có sự bất hoà, hơn nưã cha mẹ nói tiếng Việt dầu có rày rà các em cũng chỉ loáng thoáng hiểu theo thái độ biểu lộ chứ thiệt ra có hiểu được là ba mẹ đang muốn nhắn nhủ đến mình điều gì, cha mẹ thì không thông thạo tiếng Pháp và vì thế khoảng cách giưã cha mẹ và con cái dần dần quá xa…
Trong khoảng thời gian 1989 hoàn cảnh gia đình tương đối ổn định nên tôi đã tham gia vào Hội thân Hữu Người Việt Tỵ Nạn tại Strasbourg do bác Phạm Việt Tuyền (đã quá vãng) cựu giáo sư đại học Văn Khoa làm Hội Trưởng. Tôi đã cùng với anh Nguyễn Văn Anh (bố cuả chị huynh trưởng Minh Nhã) dạy tiếng Việt cho các em thanh, thiếu, nhi đồng Việt Nam. Qua ý kiến cuả các phụ huynh, chúng tôi rất lấy làm vui vì nhũng em có tham gia đi học lớp tiếng Việt, về nhà gần gũi với ba mẹ hơn và hiểu hon những gì ba mẹ muốn dạy dỗ, các em lớn qua Pháp lưá tuổi 15, 16 thì có lớp luyện thi lấy tiếng Việt làm sinh ngữ thứ hai khi đi thi Tú Tài Pháp ( nay ch ương trình đó chính phủ Pháp đã bỏ). Nhờ vậy mà các em thời đó (nay đã gần 40 tuổi) đều nhờ vào điểm Việt văn để bù cho môn Pháp văn bị ít điểm, và hiện nay trong đa số các em ấy có em là những kỹ sư, bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ hay chuyên viên ở các ngành chuyên nghiệp khác…
Trong thời gian ấy, thì các con cuả tôi đang tuổi bắt đầu biết nhìn qua cưả sổ, thích học đòi sao cho bằng bạn bè, tôi cảm thấy sợ nên đã xin chỉ đi làm nưả buổi, và xin thôi dạy học tiếng Việt để thời gian còn lại chăm sóc con cái, dìu dắt chúng theo hướng tưong lai mà chúng chọn cho đến nơi đến chốn, để không như mình khi tuổi thanh xuân với nhiều hoài bão mà không thể nào vói tới…Bởi một khi vận mệnh cuả đất nước đã thay đổi , dòng đời chông chênh thì con người cũng phải chịu ảnh trôi nổi, bập bềnh theo dòng chảy.Và mỗi khi nghĩ đến lòng luôn cảm thấy rưng rưng…
Học làm thầy chưa đạt
Phu quét lá chẳng xong
Rời xa tổ Lạc Hồng
Làm cánh chim viễn xứ
Lại không rành ngoại ngữ
Đành làm kẻ bán hàng
Mong kiếm tiền cưu mang
Nuôi đàn con khôn lón
May mắn thay…Trời Phật gia hộ, các con tôi nay cũng đều thành tài có công danh sự nghiệp rất vững vàng trên đất Pháp, đó là niềm hạnh phúc tột cùng cuả riêng tôi, cuả những bậc làm cha mẹ.
…Và rồi…thời gian cứ trôi…
Khi con cái trưởng thành, niềm vui chưa trọn thì tôi lại không may mắn chuyện hôn nhân sau 27 năm chung sống, dòng đời thay đổi và tình người cũng đổi thay, thuyền rời sang bến mới, tôi như cánh lục bình dập dềnh theo con nước chẳng biết trôi về đâu…
Nếu một mai sông nói lời từ biệt
Có nghiã là duyên nghiệp cũng đã tan
Tình kia như gió mây ngàn
Thôi thì buông thả vương mang làm gì
Vui buồn có mấy vần thi …
Thời gian đó (2007), tôi đã đến chuà thưòng xuyên hơn, ở lại lâu hơn và tìm thấy một sự ấm cúng vô cùng dưới mái Phổ Hiền Tự do sư bà Thích Nữ Như Tuấn chủ trì, nay Ngài vì Phật sự thường hay đi xa nên sư cô Thích Nữ Như Quang thay thế. May mắn thay, tôi được gần gũi với Sư Cô, thường được Sư Cô bảo ban khích tấn, học hạnh nguyện Bồ Tát vì chúng sanh mà hoá độ…với khả năng và kinh nghiệm dạy tiếng Việt cho trẻ em ở hải ngoại và chút ít năng khiếu dạy vũ nên tôi đã theo lời mời cuả các anh chị huynh trưởng tại đơn vị tham gia vào chăm sóc và dạy tiếng Việt, dạy muá cho các em, để mỗi hằng năm chuà tổ chức văn nghệ mừng Xuân cho đồng bào Việt Nam có cơ hội đến bên nhau thưởng thức chén trà Xuân, nghe ca hát, xem kịch muá…tìm lại chút hương vị ngày nào cuả quê hương.
Gia đình Phật tử Phổ Hiền thời gian trước khi tôi chưa tham gia có lắm thăng trầm, là vô thưòng mà…thì làm sao tránh khỏi lúc có lúc không, khi đến khi đi, chia ly rồi sum họp… Năm 2008 với sự tham gia nhiệt tình cuả Minh Nhã, chị ấy đã soạn thảo chương trình , đi kêu gọi các em đến chuà sinh hoạt. Các em từng bước đi vào nề nếp hoạt động theo tôn chỉ cuả sinh hoạt đoàn GĐPT, với sự phụ trách cuả các anh Nguyên Đức, Quảng Phước, các chị Minh Nhã, Diệu Phương, Diệu Bạch, Mỹ Tiên và Diệu Đạo (pháp danh tôi), trực tiếp phụ trách và thường xuyên nhất là các chị Minh Nhã, Diệu Phương còn tôi mãi đến nưả niên khoá 2008 mới tham gia chính thức. Sinh hoạt GĐPT Phổ Hiền như quật khởi, vươn lên thấy rõ, các em say sưa học tập về giáo lý cũng như tiếng Việt. Nương theo đà phát triển đó đến bây giờ thì số lượng và chất lượng cuả các em đoàn sinh khả quan hơn. Đó là nhờ sự thương yêu, quan tâm đặc biệt cuả Sư Cô trụ trì và vợ chồng bác Gia trưởng Minh Trọng-Diệu Anh luôn nhắc nhở, góp ý xây dựng. Công việc khi tái hoạt động dĩ nhiên có những khó khăn phải đương đầu, nhưng với sự nổ lực của ban huynh trưởng chúng tôi ngày nay đã đưa mọi sinh hoạt cuả GĐPT Phổ Hiền tương đối vào nề nếp, tuy còn nhiều điều chưa đạt như ý nhưng cơ bản cũng đã thành công. Các em đoàn sinh ngày càng nhiều, mới đầu chỉ có 9 em, sau vài tháng tăng lên khoảng 12 em và hơn một năm đã lên tới 21 em . Tính cho tới năm nay thì có lúc đã lên đến 51 em đoàn sinh mà chỉ có hai huynh trưởng phụ trách là Nguyên Đức và Diệu Đạo tôi.
Riêng tôi, sau hơn một năm làm việc được chị Diệu Hồng trưởng BHD Pháp quốc (nay là Sư Cô Nguyên Hồng) đã về đơn vị Phổ Hiền chứng và đặc cách cho tôi được làm huynh trưởng, và khuyên nên theo khoá hoc Lộc Uyển để chính thức làm huynh trưởng , chính chị là người đã gắn huy hiệu Hoa Sen cho tôi trong buổi phát nguyện và tuyên thệ trước Tam Bảo và Ban Liên Đoàn.. Ôi, cảm động xiết bao…miệng lí nhí cám ơn cùng những dòng lệ xúc động vì vui mừng và hạnh phúc trong tình Lam ấm cúng. Cảm giác ấy tôi không bao giờ quên được…
Ôi, những giọt nước mắt
Biểu lộ một tình thương
Giọt tròn xoe trong vắt
Như ngọc sáng diệu thường
…Và từ ấy chị Diệu Hồng luôn quan tâm, ủng hộ, chia sẻ với tôi, chị là người đầu tiên đưa tôi đến gần những hoạt động cuả GĐPT châu Âu, năm 2009 khi về tham dự hai ngày sinh hoạt tu tập và thi lên bậc cho các em Oanh Vũ, chị đã đề nghị lê n BHD Âu châu cho tôi tham gia một tay trông coi các em ngành Oanh Vũ cuả Khoá Học Phật Pháp Âu Châu lần thứ 21 tại Bỉ cùng với những anh chị em ở các quốc gia khác.Kể từ đó, những gương mặt các chị trưởng Tâm Bạch, Diệu Hồng, Từ Đường, các anh Phúc Tâm, Từ Khoa, Quảng Long, …(còn những ai nưã mà tôi quên mất vì lúc ấy còn mới lạ quá) đâu có ngờ bây giờ các anh, chị là nhũng gương mặt thật là thân thương, gần gũi với tôi như anh chị em trong một gia đình …đến bây giờ tình thân đó lan rộng hơn…xa hơn… qua khoá tu học Lộc Uyển – A Dục năm 2010 sợi dây thân ái càng khắng khít hơn, nơi đây tôi quen với rất nhiều anh chị Htr. đến từ các nước, và các anh chị trưởng trong BHD Âu Châu (nhiều quá nhớ hổng nổi ) nhưng không thể nào quên giọng Huế cuả chị trưởng BHD nghe rất êm tai song chưá đầy một sự dũng cảm, ý chí quả quyết, sự chân tình lo lắng như một người cha cuả anh Thiện Chơn, hễ đoàn sinh đàn em ai bị mệt, bịnh là anh có mặt ngay với một ít dụng cụ rất đơn sơ nhưng nhờ vào bàn tay « mát mẻ » ‘ cuả anh mà các anh chị đó khoẻ ngay. Hay thật !!!!
Và lại, càng không thể nào quên đêm tâm tình lam dưới nhũng ngọn nến lung linh, giọng nói cuả anh Như Liên, anh Tâm Hùng sao mà êm nhẹ quá đi thôi, làm cho không khí càng thêm lắng đọng, chỉ có thể nghe nhịp con tim reo vui trong tình Lam thân thiết… Còn nữa mỗi khóa anh Thị Thiện đều có một sáng tác mới cho ACE huynh trưởng chúng tôi. Mặc dầu tuổi tác rất chênh lệch nhau trong hàng huynh trưởng nhưng dường như đã không còn thấy được khoảng cách khi bên nhau trong sinh hoạt tập thể, trò chơi…già trẻ chung vai đuà giỡn hát ca rộn ràng cả góc trời NEUSS / Đức quốc ở khoá tu học PPÂC kỳ thứ 22 rất là thân thiết, làm sao quên được tiếng nói sang sảng cuả anh Minh Lý khi ráng gân cổ để mà tập các ACE Lam viên hát bài TRẠI ÁO LAM do anh phổ nhạc từ thơ cuả Diệu Đạo, lần đầu tiên tập hát không ai có thể cầm nhũng giọt nước mắt xúc động rơi lăn trên đôi má, chất mằn mặn, hương vị lan thấu tận trái tim Lam ngọt ngào hơn cả …mật ong hay chocolat nưã đó.
Mỗi người một đóm lưả
Góp lại cháy bùng lên
Vai kề vai cùng tưạ
Lưả tâm sáng hơn đèn
Chúng mình là huynh trưởng
Có chung một niềm tin
Cùng chung một chí hướng
Vì đàn em quên mình
Sau đêm nay tung cánh
Bay về khắp muôn nơi
Nhớ hoài nơi đất trại
Tình áo Lam thắm tươi…
Rồi tiếp đến lại được anh Phúc Tâm mời tham dự cùng với các ACE huynh trưởng toàn châu Âu lo cho lớp đại học Oanh Vũ cuả khoá học PPCÂ kỳ 23 tại Áo quốc, chúng tôi gồm có 14 Htr. từ các nước Đan mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Sỹ, Pháp…từ các đơn vị khác nhau nhưng rất hoà hợp chia sẻ những công việc, kinh nghiệm, để dạy cho các em. Làm sao có thể quên được giọng nói nhẹ nhàng, phong cách dịu dàng cuả chi Thiện Tịnh (đúng là lương y như từ mẫu vì chị là bác sĩ mừ), giọng cười giòn cuả Thanh Trì, giọng Huế từ tốn nhưng ẩn chưá cả một sự hóm hĩnh cuả Thanh My, tiếng thỏ thẻ cuả Thanh Ngọc, giọng nói chất Sài Gòn đặc sệt cuả chị Diệu Phương khi tập thể dục cho các em mỗi buổi sáng,sự nhiệt tình cuả Huệ Thiên , rất quan tâm lo cho bà chị Diệu Đạo, luôn sát cánh khi đi nhận thức ăn cho lớp ĐHOV ngày ba bưã, giọng hùng hồn cuả Quảng Lộc, giọng nói khàn đục bởi « la to và nói nhiều quá » cuả Huệ Sơn và Diệu Đạo , đặc biệt không thể nào quên tấm thân gầy còm cuả anh « Thái Giám » (bởi anh đóng kịch trong vai này) mà tôi thiệt tình không thể nhớ nổi pháp danh cuả anh, dầu có hỏI mấy lần và bây giờ sau khi gặp gỡ ở Lyon thì chắc chắn là DĐ không thể quên cái pháp danh rất ‘ mỹ miều ‘ là Minh Phương đâu nha… còn …và còn nhiều lắm …tôi không thể nào nói hết nơi đây, nếu các ACE muốn biết tường tận thì mời vào bản tin Lam Viên Âu Châu tháng 8 đọc bài thơ lục bát rất dí dỏm dễ thương cuả Htr. Huệ Sơn thì sẽ rõ ‘ GIA ĐÌNH HUYNH TRƯỞNG ĐẠI HỌC OANH VŨ ‘… Vâng, làm sao mà quên được những tiếng cười rộn rã, sảng khoái khi vưà làm vưà đuà nghịch với nhau, thú thật bên các em huynh trưởng trẻ tôi như cũng trẻ theo, làm không biết mệt là gì…nhưng khi đêm về ngã mình trên chiếc ghế bố tại trại thì người lả mếm như cọng bún, thế mà ngày hôm sau lại tỉnh táo, khoẻ khoắn lạ thường. Đó là nhờ ở tinh thần hoà hợp cùng chung sức nhau làm việc với cả một " tấm lòng vì đàn em quên mình".
Các anh chị em huynh trưỏng ơi…giờ này có lẽ các bạn đã ngủ hết rồi, riêng tôi vẫn còn ngồi đây gõ từng con chữ trong niềm xúc cảm vô bờ…
Ôi, thương quá là thương
Làm sao tôi nói hết
Bao tình thương qúy mến
Cuả các, Anh,Chị, Em
Hồn ngây ngất say mèm
Bởi hương sen tinh khiết
Một mối tình bất diệt
Lam ơi, yêu suốt đời…
Xin các anh chị em hãy cùng tôi lắng lòng tận hưởng cảm giác yêu thương đang dâng lên tràn ngập cả tâm hồn…
Trời Âu lành lạnh hơi sương
Lòng ta ấm áp … diệu thường tình Lam.
Diệu Đạo 11.10.2011
Phổ Hiền – Pháp quốc
https://chua.phohien.fr/vannghe/van/tuy-but-tam-tinh-lam/