Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Người Huynh Trưởng: Những Bước Chân Tiên Phong, Những Tấm Lòng Xây Dựng

08/05/201613:48(Xem: 3129)
Người Huynh Trưởng: Những Bước Chân Tiên Phong, Những Tấm Lòng Xây Dựng

 

 TT Thich Tu Luc-6




Người Huynh Trưởng:
Những Bước Chân Tiên Phong, Những Tấm Lòng Xây Dựng
 
(Viết cho Trại Vạn Hạnh I – 2016 tại Trung tâm Tu học và Huấn luyện Thích Quảng Đức, San Bernadino, California, Hoa Kỳ)
 


Theo tập truyền, mỗi lần họp mặt của tổ chức Gia đình Phật tử, chúng ta thường mượn pháp hiệu một cao tăng với ít nhiều tâm trạng hướng về và gửi gắm. Quy ngưỡng để tìm ra từ sự nghiệp cống hiến của một bậc chân tu những giá trị trong suy nghĩ và hành động cần được phát triển, ứng dụng và thực thi trên con đường hoạt động cho giới trẻ. Gửi gắm hay ký thác là một hình thức bày tỏ ước vọng được thành hình trên căn bản những điều gặt hái được.

Thiền sư Vạn Hạnh là một vị cao tăng, chứng đạo, độ đời, giúp nhà Lý khởi nguyên và hưng vượng được 216 năm. Người thấu rõ quy luật phát triển của các thực thể hay định chế xã hội khi từ chối vị thế và vai trò độc tôn của một hệ thống tư tưởng và tâm linh là Phật giáo đương thời để tìm thế tồn tại trong ổn định lâu dài là sự hòa hợp trong bình đẳng và an bình. Chủ trương được mệnh danh “tam giáo đồng nguyên” là một đặc điểm dung hóa các nguồn tư tưởng thời bấy giờ vào mục đích chung: giúp nước giàu mạnh, làm cho lòng dân yên ổn. Một việc làm không phải dễ, không phải cá nhân hay thế lực nào cũng làm được cho một vận hội lớn lao như thời nhà Lý, nhà Trần. Phải có trí tuệ dẫn đường, phải có lòng từ bi vô hạn thì mới đạt được mục đích mà không bị danh lợi dính chân.

Mời quý Anh Chị đọc lại bài kệ đắc pháp của Ngài:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

dịch nghĩa:

Thân như bóng chớp chiều tà

Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rời

Sá chi suy thạnh việc đời

Thạnh suy như hạt sương rơi đầu cành.

Con người không còn âu lo, chán chường trước lẽ vô thường của vạn vật và của kiếp người một khi  đã thẩm thấu nghĩa lý của nguồn đạo. Bởi vì việc hưng vong, thành bại, thịnh suy trong cuộc đời chỉ là kết quả từ những nhân duyên biến hiện theo sự vận hành của vạn pháp. Thời Lê Ngọa triều, nước nhà điêu linh, dân chúng ta thán vì chính sách bạo ngược của triều đình, vì sự tham đắm dục lạc của vua quan, cho nên là hoàn cảnh và cơ hội chính đáng đưa Lý Công Uẩn lên ngôi báu với sự giúp đỡ tích cực của thiền sư Vạn Hạnh cho dầu mưu định được chuẩn bị từ lâu và tại một xứ sở mà việc tranh chấp quyền lực còn thường xuyên tiếp diễn. Theo tài liệu của giáo sư Hoàng Quốc Hải, trích từ Đại Việt sử ký toàn thư, việc chuẩn bị được thực hiện khi Lý Công Uẩn mới lên năm nhưng đã được Vạn Hạnh gửi gắm trong hoài bão khác thường “Đứa bé này không phải là người thường, sau này lớn lên tất có thể giải quyết được mọi việc khó khăn, làm vua giỏi trong thiên hạ”.

Nhưng, lịch sử cho thấy sự dự phần của thiền sư Vạn Hạnh vào việc củng cố triều đại nhà Lý chỉ có ý nghĩa hoằng dương một chính sách đặt nền tảng trên tinh thần nhân bản nghĩa là từ bi và trí tuệ, là tinh yếu của tinh thần nhà Phật, mà không nhằm phát huy Phật giáo như một ý thức hệ chính thống duy nhất

- Trong tình thế bây giờ, con phải làm gì để an lòng dân, mở đường dựng nước?

- Hãy làm ngược lại những gì Ngoạ triều làm, và phải lấy sự ấm no của dân làm gốc, thì vương triều sẽ vững mạnh.

Đó là lời dạy của vị Thầy có trí tuệ, có từ bi. Nghĩa là lấy phật tâm quán chiếu khi cần nhận thức và giải quyết mọi việc cần thiết trong cuộc đời.  Con đường "dung hóa" bắt nguồn từ từ bi, trí tuệ  đã góp phần giữ vững lâu dài một triều đại và rõ rệt hơn là đã tiêu trừ mầm mống phân hóa, tranh chấp vốn đã hoành hành trên xứ sở.               

Sử sách ghi lại lời tán dương của vua Lý Anh tông như sau:

Vạn Hạnh dung tam tế

Chân phù cổ sấm thi

Hương quan danh Cổ pháp

Trụ tích trấn vương kỳ.

Hành động "dung tam tế" của người chính là việc nhìn nhận sự tồn tại những khuynh hướng tư tưởng không chỉ nơi ba tôn giáo chính mà cả nơi các nguồn tư tưởng cổ truyền, bằng việc duy trì sự hiện diện có ý nghĩa của chúng trong đời sống tinh thần, tâm linh của người dân và như là triết lý hành động trong tổ chức quốc gia. Có thể nghĩ rằng hành động mang tính chất dung hóa về mặt tư tưởng của Vạn Hạnh đã góp phần hình thành tình trạng dung hợp đặc biệt trong tinh thần người dân Việt từ phong cách sống, lề lối suy nghĩ  đến thói quen, làm việc trong đời sống. Tính chất đặc thù của các nguồn tư tưởng Nho, Lão, Phật chỉ làm phong phú thêm đời sống tinh thần và khả năng kiến tạo cho lợi ích chung như lời ghi nhận: “ một vấn đề khác có giá trị tư tưởng và sáng tạo của nhà Lý là ở chỗ dung hợp cả ba tôn giáo: Phật, Nho, Đạo và khai thác ở mỗi tôn giáo một tính chất ưu việt để làm định hướng cho sự xây dựng và phát triển xã hội."

Trở về những điều chúng ta muốn gửi gắm, Trại huấn luyện Vạn Hạnh mang ý nghĩa gợi ý và nhắc nhở các anh chị Huynh trưởng trên con đường hành động.

        Một là, cần thấu đạt tinh thần dấn thân, đem Đạo vào Đời mà không bị những cám dỗ của đời lung lạc hay xoay chuyển. Từ nhiều thập niên trước, cùng với sự phát triển của tổ chức, bước chân những Huynh trưởng tiền bối xuất hiện khắp nơi trên hai miền Nam Bắc, mang châm ngôn Bi Trí Dũng, Hòa Tin Vui đến với mọi thành phần tuổi trẻ. Những bước đi hào hùng cũng có, mà âm thầm, lặng lẽ cũng có, khiến chúng ta, thế hệ kế thừa, ngưỡng vọng những bước tiên phong, những bàn tay đặt phiến đá căn bản và vững vàng cho tiền đồ của tổ chức. Thế hệ đi đầu ấy vững tiến, không biết mỏi mệt, trên đoạn đường nhiều gian khổ, mà tuyệt nhiên, không mong đợi một đặc ân, một phần thưởng nào ! Họ được hồn thiêng sông núi cảm thông, hay được sự gia hộ âm thầm của những tâm niệm cứu đời cao tột như ngài Vạn Hạnh, như anh Như Tâm, như chị Quách Thị Trang… Theo tôi, thay vì chúng ta cất công tìm hiểu nguyên do thì tốt hơn, chúng ta hãy chân thành mở lòng đón nhận linh khí vĩ đại đó để nuôi dưỡng thêm tinh thần phụng sự của mình.

Hai là, lấy tinh thần “dung hóa tất cả để làm lợi ích tất cả” nghĩa là chấp nhận dị biệt để phục vụ cho sự tồn tại chung. Dung hóa, như thế không phải là sự nhượng bộ trá hình hay mưu tính dàn xếp mà là con đường đúng đắn để cộng tác trong bình đẳng và thành thực. Ta không thể tồn tại trong an lành nếu không nhìn nhận sự có mặt của kẻ khác. Do vậy, chúng ta không tin sự thống nhất về mọi mặt là mục tiêu tối thượng của tổ chức trong khi, trên thực tế và về bản chất, những cái dị biệt chỉ khiến cho một thực thể thêm phong phú và đa dạng.

Tinh thần dung hóa cần được phát triển trong mọi trường hợp, đặc biệt là khi sự dị biệt có nguy cơ trở thành đầu mối phân hóa. Hơn nữa, tinh thần dung hóa không nằm ngoài tinh thần  châm ngôn Bi Trí Dũng, vốn là nền tảng tinh thần vững chắc trong hành hoạt của chúng ta.

Trong chiều hướng suy nghĩ như trên, nhất là trong tình trạng phân hóa như hiện tại, chúng ta cần suy nghĩ và hành động ra sao trước anh linh những người đã tận hiến cho lý tưởng,  anh linh chư Thánh tử đạo, những bậc tiền bối hữu công, trước bao thao thức, trăn trở của nhiều lớp Huynh Trưởng về tiền đồ phát triển của tổ chức và cả những Lam viên khắp nơi đang trông ngóng ở chúng ta một định hướng rõ rệt, những quyết định sáng suốt, can đảm  nhằm đem lại  sinh khí mới, niềm tin mới cho tổ chức. Tôi xin mạn phép đưa ra vấn đề như vậy để chúng ta cùng phân tích, thảo luận và hy vọng, ai cũng thêm được niềm vui, tự tin sau khóa học này.

Theo thiển ý của tôi, bên cạnh việc quán triệt tinh thần dung hóa, không thể thiếu phần thực tập Phật pháp trong đời sống của mình. Một cách đơn giản, thử áp dụng mấy lời quán ngữ dưới đây:

nguyện rũ bỏ âu lo

học tha thứ, bao dung

cho tâm tư nhẹ nhõm

Khi thấy người và ta cùng một bản chất, cùng ở trong thế gian tạm bợ, cùng hứng chịu những nhân duyên cọng nghiệp thì chúng ta sẽ bỏ qua được hết những dị biệt, phiền trách mà cùng nắm tay xây dựng mái nhà thân thương, vui vẻ. Mình vui mà người khác cũng vui, nhất rồi, còn muốn gì nữa!

Nhiều thế kỷ trước, thiền sư Vạn Hạnh đưa ra định hướng “dung hóa”, từ đó, đã góp sức làm cho triều đại vững mạnh lâu dài, lòng người yên ổn. Sắp tới đây, Tổ chức GĐPT tại Hoa Kỳ của chúng ta sẽ kỷ niệm 40 năm sinh hoạt tại xứ sở này, có bao giờ chúng ta, những trại sinh Vạn Hạnh, hãy phát huy tinh thần Vạn Hạnh, dành chút thì giờ quán chiếu : dựa vào vận hội nào, khai triển tinh thần nào để chúng ta có thể thực thi công việc của thế hệ hữu trách trước khi trao truyền cho thế hệ kế thừa, cho đàn Em thân yêu của mình, một niềm vui trong tin yêu và hy vọng.


Hayward ngày 12 tháng 4 năm 2016

Thích Từ Lực

Email: thichtuluc@yahoo.com

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567