Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 3: Xin hỏi Bạch cư sĩ: đường nào về xứ Phật ?

02/03/201607:48(Xem: 2834)
Bài 3: Xin hỏi Bạch cư sĩ: đường nào về xứ Phật ?


Tam Kiem Bach Hoa Mai


Xin hỏi Bạch cư sĩ: đường nào về xứ Phật?

 

Anh Tâm Kiểm (Bạch Hoa Mai) thân mến,

Bên ấy, trời trở lạnh, lại có tuyết nữa, Anh có được khỏe không? Hôm có dịp hàn huyên với Anh, đặt máy xuống, từ đó lòng cứ mãi băn khoăn, thao thức. Cảm thông sâu đậm với Anh đã đành mà mong Anh gặp được thiện duyên “ngàn năm một thuở” để hoàn thành tâm nguyện, thanh hóa thân tâm; mong ước ấy lại càng thêm tha thiết.

Hôm nay, tôi viết thư này, trước hết để riêng mình thỏa tấm lòng tri ngộ bấy lâu. Không biết, có bàn tay sắp đặt của hóa công không, chứ Anh, một Huynh trưởng kỳ cựu của tổ chức GĐPT, già dặn kinh nghiệm, nhiệt tâm, nhiệt tình, hăng hái đóng góp cho Tổ chức, đối với tôi là một hình ảnh tuyệt vời, gợi lại một mẫu mực mà tôi tìm thấy khi còn niên thiếu.

Khi ấy, ở tuổi 14 tuổi, tôi sinh hoạt trong đơn vị Lương Văn, Thừa Thiên, với bác Gia trưởng là Bạch Văn Tuần, một người mẫu mực, có vóc dáng một trưởng giả nhiều thiện nghiệp lại thêm tướng mạo phương phi, khiến ban đầu gặp anh, tôi có ít nhiều liên tưởng. Được sự cộng tác hữu hiệu của ban Huynh trưởng, bác Tuần đã duy trì được sự KẾT HỢP hoạt động chặt chẽ  giữa trong và ngoài tổ chức và trở thành gạch nối khó thay thế giữa Khuôn hội địa phương và tổ chức Gia đình Phật tử.

Năm xưa, có dịp gặp Anh, được thấy thiện chí, lòng nhiệt thành, sức đóng góp của anh, đặc biệt trong Trại kỷ niệm 50 năm ngày thành lập GĐPT/VN tổ chức tại Saratoga, miền Bắc California năm 1993; đến nay, tôi vẫn còn nhớ rõ dù đã hơn hai mươi năm dâu bể. Anh đến  sớm hơn một tuần lễ để lo việc thiết lập cổng trại, hoạch định tổ chức, phân công điều động làm việc, mà kết quả là gây được sự chú ý trong cộng đồng địa phương về sự có mặt, mục đích hoạt động và tiềm năng đóng góp của tổ chức màu Lam cho sự thăng tiến chung. Sau đó, dẫu có dị biệt, dị nghị nảy sinh nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn giữ lòng tin cậy nơi Anh và không quên thiện chí phục vụ, tinh thần đóng góp nhiệt thành cho tổ chức và những cống hiến đặc biệt mà anh dành cho thế hệ trẻ. Khi nhìn lại những khó khăn, thử thách mà cá nhân hay tổ chức phải trải qua trên con đường hoạt động, tôi lại càng thêm tin cậy vào tinh thần hướng thượng, ý chí phấn đấu cần thiết để chiến thắng bản thân nơi mỗi cá nhân mà trường hợp của Anh cũng không là một ngoại lệ. Anh biết không, điều làm tôi cảm động là lời bày tỏ chân thật của Anh hôm trước. Anh nói, đã thọ giới Bồ tát tại gia lâu rồi, mà chưa trường chay được, nhưng dạo này con sẽ phát nguyện trường chay, thưa Thầy. Tôi tin lời Anh, cảm thấy mang ý nghĩa của lời phát nguyện và thầm nghĩ, với anh, một người nặng lòng tin Phật bấy lâu, có thể đường về xứ Phật đã có một khởi điểm.

Giờ đây, ngoài trời mưa gió vẫn còn nhiều. Cứ mặc, để tôi kể chuyện kiếm hiệp cho Anh nghe. Trong bộ truyện Cô Gái Đồ Long của Kim Dung có đoạn rất hay, đó là lúc Tạ Tốn bị giam ở chùa Thiếu Lâm. Tạ Tốn là một anh hùng đương thời, có hiệu là Kim mao Sư vương, mà theo tôi hiểu đây là hình ảnh của Ngài Văn Thù Sư Lợi, thường được tạc hình ngồi trên lưng sư tử, tượng trưng cho hạnh trí tuệ. Tạ Tốn là một trong bốn hộ pháp của Minh giáo, võ công trác tuyệt. Lẽ đó, khi giam ông, họ phải đào một cái hầm giữa sân rộng, phía trên, bốn hướng phải nhờ 4 vị Cao Tăng, mà pháp hiệu là Độ Ách, Độ Nạn… canh giữ. Hàng ngày, quý Ngài chỉ ngồi yên và tụng Kinh Kim Cang. Tạ Tốn ngồi dưới lòng đất sâu nghe kinh mà dần dần hiểu pháp. Tôi đoán, ông cư sĩ đạo hữu “dễ thương” này tu pháp môn văn tư tu, nên càng nghe lời kinh Phật, suy gẫm thì càng hiểu sâu, hiểu rộng, càng nhận rõ những lầm lỗi trước kia. Nào chuyện ân oán với Thành Khôn đã giết chết gia đình ông, nào là chuyện ông làm khổ gia đình Trương Thúy Sơn, và bao nhiêu chuyện  trên chốn giang hồ " hiểm ác" nữa. Nhưng từng câu kinh giải oan, từng lời dạy ân cần đầy thương cảm của Phật thấm vào tâm ông, và cuối cùng, soi sáng cho ông thấy được con đường trở về tự tánh của mình, vốn muôn đời vẫn rỗng không, vắng lặng. Ông giác ngộ, có vay thì trả, có buộc thì mở, mình làm mình chịu, buông ra là thoát, có gì đâu mà  tranh giành, hơn thua. Ông hết sợ hãi, lo âu, oán giận, và ngồi yên như ngồi chơi nơi miền Tịnh Độ. Vì vậy, khi Trương Vô Kỵ liều mình vượt  qua bao  thử thách, gian khổ  xuống địa lao cứu ông, ông từ chối thoát thân vì theo suy nghĩ riêng, ông đã thóat rồi! Cuối cùng, chư vị Cao Tăng nhận chân, tán thán: Lành thay, Tạ cư sĩ. Và chấp nhận cho Tạ Tốn vào chùa làm đệ tử  đức Thế tôn.

Trở lại hình ảnh 4 vị Cao Tăng hóa độ cho Tạ Tốn thoát khỏi vòng oan trái của kiếp người. Con số 4 người là đơn vị căn bản mà đức Phật đã chế định cho Tăng giới, để trở thành Tăng bảo khi sinh hoạt chung với nhau. Đó là đơn vị tượng trưng của đời sống tập thể, nhằm nương tựa nhau trên đường tu tập hầu đạt đạo giải thoát. Tổ chức GĐPT của chúng ta cũng được xây dựng trên căn bản là gia đình, nghĩa là qui tụ những người cùng một lý tưởng, chung một niềm tin, cùng quyết tâm vượt lên trên  bản ngã cá nhân  khi HỘI NHẬP vào tổ chức để thực hành ý nguyện.

Theo thiển ý, ở một khía cạnh nào đó, Tạ Tốn đã thực tập được châm ngôn Bi Trí Dũng của tổ chức GĐPT chúng ta.

Ông đã thể hiện Từ Bi vì không muốn vì mình mà  Trương Vô Kỵ phải liều mạng sống. Là một cao thủ thượng thừa, hơn ai hết, ông biết Trương Vô Kỵ vì muốn cứu ông đã lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn. Dù vượt được địa lao, lên được sân chùa, dù võ công cái thế, Trương Vô Kỵ  cũng khó  đương đầu được 4 vị Cao Tăng Thiếu Lâm có trên trăm năm công lực hợp sức đối phó. Cho nên, việc cứu Tạ Tốn thóat khỏi chùa Thiếu Lâm còn khó hơn lên trời! Hơn nữa, Tạ Tốn đã giác ngộ được lẽ nhân quả của nhà Phật và từ đó thấu triệt cái vòng oan nghiệp của đờì mình.

Tạ Tốn còn thể hiện Trí vì  biết dừng lại đúng lúc mà trở về với cửa Phật. Cũng như Ông có đức Dũng khi tự nguyện chịu mọi trừng phạt đối với  những lỗi lầm đã gây ra, không oán than, không trách móc. Tôi đọc quyển tự truyện của Nelson Mandala, được biết đâu phải người không nghi ngờ hay không hề phiền giận những người phụ tá của mình hay chính quyền phân chủng Nam Phi, nhưng lúc nào Mandala cũng khẳng khái nhận lấy trách nhiệm trong cuộc tranh đấu giành quyền bình đẳng, tự chủ cho đồng bào.

Nhưng anh Tâm Kiểm ơi, sống ở đời phải có một chút thơ mộng cho vui nghe! Làm người Huynh trưởng mà lúc nào cũng để nội quy, quy chế, dự án ... chi phối, không có sự buông xả, thư thái tâm hồn thì cực nhọc lắm. Còn gì hơn là thả tâm tư theo ý thơ đượm màu giải thoát và vần điệu trác tuyệt trong bài  “Nguyện Cầu” của Vũ Hòang Chương

Ta còn để lại gì không

Kìa non đá lở, này sông cát bồi

Lang thang từ độ luân hồi

U minh nẻo trước xa xôi dặm về

Trông ra bến hoặc, bờ mê

Nghìn thu nửa chớp bốn bề một phương

Ta van cát bụi bên đường

Dù nhơ, dù sạch đừng vương gót này…

Nghe rất hay, rất đúng với giáo lý vô thường của Phật. Hơn thua, được mất, cuối cùng, khi  nằm xuống, tay trắng lại hoàn trắng tay thôi. Nên, sống ở đời, biết dừng lại mà thúc liễm thân tâm, làm chủ ba nghiệp, để “dù nhơ, dù sạch đừng vương gót này” mà sống đời an nhiên tự tại là hợp lẽ hơn cả.

Tiện đây, tôi xin giới thiệu đến Anh bài thơ của ôn Chơn Điền, bút hiệu Ngốc Tử, một vị Thầy, hiện trú ở Houston, Texas. Anh muốn thọ giáo thơ Ôn thì tìm về chùa Quan Âm, xin Ôn ở lại chơi vài bữa. Có một bài thơ của Ôn tựa đề là Thế thái nhân tình, mỗi lần đọc lên, tôi thấy “khỏe, nhẹ” ra một chút, Anh à. Nguyên văn có 8 câu, mà theo tôi, hai câu cuối là tuyệt vời, hay theo cách nói của nhà văn Duyên Anh, là tuyệt cú mèo!

Thế thái nhân tình đã chán chưa

Sơn lâm cùng cốc cũng tranh đua

Nuôi trò, trò chưởi như phun nước

Độ chúng, chúng gây muốn bể chùa

Dạy võ, võ về mưu sát chủ,

Can đời, đời tính chuyện hơn thua

Đố ai đo được lòng người nhỉ

Ta tát trùng dương đếm chuyện đùa.

Qua tuổi sáu mươi rồi, trọn một hoa giáp rồi, lục thập nhi nhĩ thuận, còn gì để mình luyến tiếc nữa, anh Tâm Kiểm hè!

Tôi mong Anh vững lòng tiến bước, giữ tấm lòng trung trinh phụng sự Tổ chức Hoa Sen Trắng cho trọn kiếp người. Khi nào mệt mỏi, mời Anh về Phổ Trí thăm chơi vài ngày. Tôi xin sẵn sàng ủng hộ vé máy bay cho Anh – một chiều hay hai chiều – tùy Anh quyết định. Cửa Phật vẫn luôn mở rộng để đón bước chân Anh như những ngày pháp nạn dạo trước Sư bà Thể Quán, Cát Tường đã cưu mang, bảo bọc anh. Chúc Anh một ngày an lành, vui vẻ.


Hayward ngày 15 tháng 12 năm 2014.

Mô Phật,

Thích Từ-Lực

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567