Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Truyện thơ: Nai Gió Và Cỏ Mật

20/06/201922:31(Xem: 3817)
Truyện thơ: Nai Gió Và Cỏ Mật

buddhaand deer_ painting
NAI GIÓ VÀ CỎ MẬT

 

Thành Ba La Nại thuở xưa

Có vườn ngự uyển của vua trong này

Ông làm vườn chăm chỉ thay

Hàng ngày chăm sóc luôn tay chẳng ngừng.

Cạnh bên là một khu rừng

Mỗi khi súc vật tìm đường qua đây

Vào vườn phá phách cỏ cây

Ông làm vườn báo vua hay biết liền

Thấy ông bực tức than phiền.

Nhà vua bèn phán: "Rừng bên thú nhiều

Thú qua phá chẳng bao nhiêu

Nếu là giống lạ hãy theo bắt về!"

Ông làm vườn một ngày kia

Thấy con nai giống lạ kỳ hiện ra

Cuối vườn ở tận phía xa

Thấy người thoáng hiện nai ta biến rồi

Chạy nhanh như gió ngoài trời

Gọi là "Nai Gió" ông thời đặt tên

Nai nhút nhát, nai lành hiền

Giống này rất quý, khắp miền hiếm thay.

Ông làm vườn báo vua ngay

Vua bèn hỏi: "Bắt nai này khó chăng?"

Ông làm vườn vội thưa rằng:

"Mật ong nếu có, dễ dàng bắt nai

Đưa nai vào tận lâu đài

Không gì trở ngại, xin ngài an tâm!"

Vua nghe ưng ý vô ngần

Vội vàng truyền lệnh cho quân triều đình

Mật ong đem đựng đầy bình

Đưa ông xử dụng, mặc tình thoả thuê.

*

Chú Nai Gió rất say mê

Cỏ non, hoa quả xum xuê vườn này

Lân la nai đến ăn đây

Thấy người thấp thoáng hàng ngày mà thôi

Ông làm vườn tránh mặt rồi

Để nai quen chỗ, quen người, an tâm

Rồi ông lấy mật âm thầm

Trét lên trên cỏ chỗ gần nai ăn,

Hương thơm cỏ ngọt nhẹ lan

Mon men nai đến ăn càng thêm ưa

Càng thèm khát, càng say sưa

Quẩn quanh lảng vảng sớm trưa vườn này

Chỉ ham cỏ mật hương bay

Ngoài ra không thích đổi thay món gì.

Ông làm vườn chẳng vội chi

Lân la đến cạnh nai kia thêm gần.

Thoạt tiên nai bỏ chạy luôn

Nhưng rồi hết sợ thấy không hại gì

Từ thân thiện đến cận kề

Dù ông cầm cỏ nai thì vẫn ăn

Còn đâu trở ngại khó khăn

Lòng tin nai đã gia tăng nhiều rồi.

Ông làm vườn ngầm sai người

Dựng lên phên chắn dọc nơi con đường 

*

Từ xa mãi phía cuối vườn

Dẫn vào đến tận trong sân lâu đài

Hai bên phên chắn kín rồi

Nai đâu còn thấy bóng người ở quanh!

Sau khi kế hoạch hoàn thành

Ông làm vườn vội đeo bình mật ong

Tay ôm bó cỏ thong dong

Dụ nai ăn cỏ theo ông dần dà

Tiến vào đường đã vẽ ra

Để rồi kết thúc thật là đẹp thay

Nai theo cỏ mật trên tay

Cuối cùng bị lọt vào ngay lâu đài,

Lính canh đóng cửa nhốt nai

Con mồi vào bẫy có tài nào ra.

Khi nai trông thấy người ta

Đột nhiên xuất hiện, thật là hoảng kinh

Quay đầu nai chạy loanh quanh

Mong tìm đường thoát ra nhanh chốn này.

*

Nhà vua ghé tới nơi đây

Ngắm con Nai Gió loay hoay cuống cuồng

Vua bèn nói: "Thật lạ thường

Làm sao nai lại bị vương thảm sầu!

Thấy người ở tại chốn nào

Cả tuần nai chẳng dám bao giờ về

Còn nơi hiểm hóc gian nguy

Nai thường hoảng sợ, lánh đi cả đời,

Nhưng nhìn kìa! Nai khổ rồi!

Thú hoang nhút nhát quen nơi núi rừng

Bỗng thành nô lệ bi thương

Cho mùi vị ngọt thơm vương cỏ làn

Để rồi xa chốn non ngàn

Vào thành, nằm bẫy, điêu tàn xác thân!"

Vua kêu gọi: "Hỡi thần dân

Đạo sư cao cả bao lần nhắc ta

Đừng nên quyến luyến thiết tha

Đừng nên tham đắm! Cố mà buông nhanh!

Này hương vị, này sắc thanh

Đều như gió thoảng qua mành mà thôi!"

Với từ tâm, với tình người

Vua ra lệnh thả chú nai tức thì.

Kể từ ngày đó trở đi

Nai không lai vãng trở về vườn vua.

Tiếc chi mùi vị xa xưa

Hương thơm cỏ mật đã thừa đớn đau!

*

(Nhận diện tiền thân:

Vua thành Ba La Nại là tiền thân Đức Phật.)

*

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

(thi hóa, phỏng dịch theo bản văn xuôi

THE WIND-DEER AND THE HONEY GRASS

của Ven. Kurunegoda Piyatissa & Tod Anderson)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/10/2010(Xem: 3946)
Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc Tôi chờ người đến với yêu đương
07/10/2010(Xem: 3486)
Ôi ánh mắt con đường vào dữ liệu Để một lần virus tình yêu Truyền qua mạng bằng cái nhìn say đắm Khiến con tim điên đảo thất thường
07/10/2010(Xem: 3693)
Em biết anh là nhà thơ bụi bặm Thơ viết xong, anh để lại dọc đường Mỗi buổi sáng, em thường đi ngang đó Nhặt thơ về, em cất kỹ trong rương!
05/10/2010(Xem: 4504)
Gió đưa xác lá về đường Thu sang nhuộm cả sầu thương một trời Sầu thương nhuộm lấy hồn tôi, Đêm qua ngồi đọc thơ người xa xăm.
05/10/2010(Xem: 3865)
Khi biết lòng anh như đã chết Mây thôi hồng, và lá cũng thôi xanh Màu hoa tươi cũng héo ở trên cành Và vũ trụ thảy một màu đen tối
05/10/2010(Xem: 4908)
Cư trần lạc đạo thả trùy duyên Cơ tắc xan hề khốn tắc miên Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch Đối kính vô tâm mạc vấn thiền
04/10/2010(Xem: 5223)
So lao tâm lao lực cũng một đàn, Người trần thế muốn nhàn sao được ? Nên phải giữ lấy nhàn làm trước, Dẫu trời cho có tiếc cũng xin nài.
04/10/2010(Xem: 5525)
Thông minh nhất nam tử Yêu vi thiên hạ kỳ Trót sinh ra thì phải có chi chi, Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu.
04/10/2010(Xem: 4055)
Năm xưa con mặc áo Mẹ chắt chiu đêm ngày Vì nhà mình nghèo thiếu Mẹ phải tự may tay
04/10/2010(Xem: 4382)
Như hòn sỏi nghìn năm im lặng Lì với đời, trơ với nắng sương Dòng kí ức xanh rêu ngày cũ Mộng xa xưa lặng bước đăng trình.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]