Xin Mời Bộ Hành Theo Dòng Kinh Phật
Nguyên Giác
Bộ hành là bước đi của chân. Nơi đây, trong bài này, chỉ có ý nói rằng xin mời gọi bước đi của tâm: khuyến tấn cả nước cùng nhau bộ hành theo dòng Kinh Phật, cùng tập thói quen đọc kinh, suy nghĩ về kinh, để tâm hướng theo lời kinh dạy, và hàng ngày hãy làm như thế trong những điều kiện có thể của từng Phật tử, từng ngôi chùa. Nói theo chữ cổ, hàng ngày hãy tự xem hành động đọc, nghĩ, và làm theo lời Phật dạy cũng là một hạnh đầu đà.
Nếu chúng ta đi bộ bằng chân, độ dài chỉ có thể đo bằng kilômét trong lãnh thổ Việt Nam. Trong khi, nếu chúng ta bước đi bằng tâm, hàng ngày mở trang kinh ra, để đọc, để nghĩ và để làm – thì độ dài của kinh và luận sẽ là nhiều ngàn năm, trải rộng cả Ấn Độ, Tích Lan, Trung Hoa, Việt Nam, Hoa Kỳ, Úc châu… Và sẽ không làm cản trở giao thông của bất cứ ai, bất cứ nơi nào.
Hiện nay là đã tới mùa hè, học sinh hầu hết đang nghỉ hè. Rất nhiều chùa đã, đang và có thể sẽ mở ra các sinh hoạt thích nghi cho các em. Đó là những sinh hoạt rất là tốt. Tuy nhiên, bài viết này chỉ muốn nói chung rằng: xin mời các chùa toàn quốc mở ra các tủ kinh sách (nhiều tủ kinh sách đang phủ đầy bụi, và không mấy ai mở ra), và cùng mời Phật tử tới đọc kinh, nghe giảng kinh. Không nhất thiết phải chờ cho đông Phật tử. Cũng không nhất thiết phải làm riêng trong mùa hè, mà nên là quanh năm. Bởi vì, tại sao không đọc kinh sách, tại sao không suy nghĩ và thực tập theo lời Phật dạy?
Ngay cả nơi các kiểng chùa vắng, khi chỉ có một Phật tử tới thăm, chùa cũng nên mời vào, thăm hỏi, hàn huyên, trả lời thắc mắc về đạo, và nếu có ai quan tâm thì nên hướng dẫn ngồi thiền đơn giản, tập tỉnh thức với hơi thở, với cảm thọ. Nếu tất cả các chùa trong và ngoài Việt Nam làm được như thế, cả nước sẽ bình an, và đó sẽ làm thời thịnh pháp. Bởi vì, lời dạy của Đức Phật rất đơn giản: hãy lìa tham, sân, và si. Tuy là đơn giản như thế, nhưng rất khó làm, vì công trình tu học này phải thực hiện trong từng niệm của tâm, trong từng lời nói, và trong từng cử chỉ của thân. Do vậy, rủ nhau hàng ngày “bộ hành” theo dòng Kinh Phật là một phương tiện tu học tuyệt vời.
Chương trình bộ hành theo dòng Kinh Phật nên bắt đầu như thế nào? Bản thân người viết không phải là một học giả, cũng không có bất kỳ một thẩm quyền nào về các phương diện liên hệ, nơi đây chỉ nói từ lòng say mê Kinh Phật đã có từ thời đi học. Nhìn lại, nếu dạy cho trẻ em, các chùa nên dạy đầu tiên bằng Kinh Pháp Cú, và kèm theo mỗi bài kệ là một truyện kể. Đó cũng là phương pháp truyền thống của Đức Phật. Bởi vì, không gì dễ lôi cuốn bằng các truyện cổ tích. Thêm nữa, nếu chưa có bản giấy, các bản trên mạng cũng có sẵn, chỉ cần tìm qua Google, phổ biến nhất hiện nay là Kinh Pháp Cú dịch từ tiếng Pali, rồi tới Pháp Cú Hán Tạng và sau cùng là Pháp Cú Tây Tạng. Trường hợp bạn muốn tìm tích truyện, tức là khi Đức Phật đọc một bài kệ là ngài kể một truyện liên hệ, bạn có thể vào Google và tìm “Tích Truyện Pháp Cú” do Thiền Viện Viên Chiếu dịch.
Trường hợp, nếu vị trụ trì muốn dạy kèm tiếng Anh cho trẻ em, thì có thể tìm đọc bản tiếng Anh cả kinh và truyện, qua bản “The Dhammapada: Verses and Stories” của ngài Daw Mya Tin có sẵn trên mạng. Đây có lẽ là bản tiếng Anh dễ đọc, dễ hiểu nhất. Nơi đây chỉ là gợi ý theo nhận định riêng thôi, thực tế, mỗi chùa và mỗi vị trụ trì hiển nhiên là có thể có lựa chọn khác để thích nghi với từng trình độ và sở thích của Phật tử. Học kinh như thế sẽ không tốn giấy mực, vì mỗi học sinh có thể mở điện thoại ra là vào mạng được, sẽ thấy bản kinh hiện ra trước mắt liền. Trường hợp phức tạp hơn, nên vào Google tìm các chữ “Phật học căn bản” hay “Phật học phổ thông” hay bất cứ những gì quan tâm. Vấn đề là, tại sao không rủ nhau học Chánh pháp bằng cách du hành theo dòng Kinh Phật để đi qua hơn hai ngàn năm và mấy vòng quanh thế giới?
Đối với các em thiếu niên, trong khi dạy Kinh Phật đơn giản, vị trụ trì có thể chỉ cho các em nhìn thấy Kinh Pháp Cú được các họa sĩ Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện… vẽ minh họa thế nào. Có thể vào trang: https://images.google.com/ và gõ nhóm chữ “dhammapada illustrations” để xem các tranh người xưa. Sau đó, mời các em lấy bút chì màu ra tự vẽ, minh họa các tích truyện Pháp Cú theo mắt nhìn của các em. Như thế, sẽ gây hào hứng hơn cho các em, và những buổi học Kinh đó cũng sẽ trở thành các buổi vẽ minh họa Kinh. Để rồi, hành trang vào đời của các em sẽ phong phú hơn, thiện lành hơn.
Đối với những giáo viên và sinh viên Phật tử có trình độ tiếng Anh, các vị trụ trì có thể đề nghị làm những dự án thích nghi hơn. Thí dụ, tìm các truyện cổ Việt Nam có tinh thần Phật giáo, viết lại cho đơn giản và dịch sang tiếng Anh. Trong nước có lẽ đang có cả ngàn vị giáo sư tiếng Anh và cả chục ngàn giáo viên tiếng Anh xuất sắc. Nếu bài phức tạp quá, như các luận thư thì sẽ khó dịch, và có thể dịch sai. Nhưng khi truyện cổ Việt Nam viết lại cho đơn giản, thì dịch ra tiếng Anh không khó. Có thể sẽ có vài chùa có thể làm được các công trình này, và như thế sẽ giúp được các Phật tử hải ngoại học Phật qua truyện cổ tích Việt Nam. Khi dịch và in được một tuyển tập như thế, nên ghi tên tất cả các dịch giả, xin đừng ghi riêng một tên của vị trụ trì thì sẽ tai tiếng, không đẹp tí nào. Dịch như thế cũng là một hạnh đầu đà: dò lại bước đi và hiển lộ hành trình Phật học của ông bà mình.
Nơi đây, chỉ nói về những gì đơn giản nhất, dễ hiểu nhất, thích nghi cho mọi truyền thống của Phật tử Việt Nam. Chưa bàn tới các chương trình học Phật phức tạp hơn, chuyên ngành hơn, của các tông môn. Thực tế, các vị trụ trì nên tìm cách biến tất cả những sinh hoạt học Phật đời thường của Phật tử để trở thành những gì đơn giản nhất. Ngày xưa, trong rất nhiều kinh, Đức Phật cũng dạy rất đơn giản.
Thí dụ, bài Bát Nhã Tâm Kinh toàn chữ Hán, rất khó hiểu. Nhưng nếu chúng ta dò tận gốc, sẽ thấy Tâm Kinh là dựa vào nhiều bản kinh cổ. Trong đó có một Kinh rất ngắn, Kinh SN 18.2, nơi đây, chúng ta sẽ dịch toàn văn từ tiếng Anh ra tiếng Việt, dựa vào bản của Bhikkhu Sujato. Trong Kinh này, Đức Phật dạy ngài La Hầu La, toàn văn như sau:
Tại thành Xá Vệ. “La Hầu La, ngươi nghĩ thế nào? Những cái được thấy là thường hay vô thường?”
“Bạch Thế Tôn, là vô thường.”… “những cái được nghe… được ngửi… được nếm… được chạm xúc… được nghĩ ngợi tư lường là thường hay vô thường?”
“Bạch Thế Tôn, là vô thường.”…
“Thấy như thế, một thánh đệ tử học nhiều sẽ nhàm chán những cái được thấy, nghe, ngửi, nếm, chạm xúc, nghĩ ngợi tư lường. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát.” (1)
Hãy dạy đơn giản như Đức Phật. Do vậy, nếu các vị trụ trì học theo phương pháp dạy rất mực đơn giản kiểu như Đức Phật, thì lời mời gọi du hành theo dòng Kinh Phật sẽ là những hành trình rất mực hào hứng, sẽ kéo dài qua 26 thế kỷ và trải qua các sắc màu văn hóa của Ấn Độ, Thái Lan, Miến Điện, Tây Tạng, Trung Hoa, Việt Nam, Úc châu và vân vân.
Đặc biệt, khi các vị trụ trì ngồi bên các Phật tử cùng rủ nhau học Phật, rồi sẽ từ từ nhìn thấy nhiều dự án cần thực hiện cho nhu cầu học Phật, cả trong và ngoài Việt Nam. Đây mới thực sự là những bước đi khó đi, và là những việc khó làm, mà Phật giáo Việt Nam đang cần tới.
GHI CHÚ:
(1) Kinh SN 18.2: https://suttacentral.net/sn18.2/en/sujato