Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10. Hạ thứ hai tại Venuvana (năm -588)

01/03/201420:35(Xem: 20439)
10. Hạ thứ hai tại Venuvana (năm -588)
phatthichca2

Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh

(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)

2- Hạ thứ 2 tại Venuvana (năm -588)

Phật độ vua Bimbisàra[1]

Từ Gayàsìsa đức Phật đi Ràjagaha (Sanscrit: Ràjagriha, hiện nay là Rajgir, Vương Xá) để gặp lại vua Seniya Bimbisàra (Tần Bà Ta La, Bình Sa Vương) theo lời hứa trước khi ngài thành đạo. Đại đức Uruvelà Kassapa xin Phật cho cả giáo đoàn đi theo. Ông trình bày với Phật là sẽ không có trở ngại gì cho việc 1000 vị khất sĩ về tới kinh đô xứ Magadha (Ma Kiệt Đà). Gần thủ đô Ràjagaha có nhiều khu rừng để các vị khất sĩ cư trú. Họ có thể đi khất thực ở các vùng ngoại ô và ngay cả trong thủ đô để có dịp giáo hóa dân chúng miền này. Sau khi nghe Đại đức Uruvelà Kassapa trình bày, đức Phật bằng lòng cho tất cả 1003 vị khất sĩ (Tỳ kheo) đi theo người về thành Ràjagaha (Vương Xá).

Ba anh em Kassapa tổ chức tăng đoàn rất nghiêm minh. Một ngàn vị khất sĩ được chia ra thành 40 chúng, mỗi chúng gồm 25 vị trong đó có một vị làm chúng trưởng. Đạo phong của các vị khất sĩ nhờ khéo tổ chức nên càng ngày càng sáng rỡ, đầy đủ uy nghi. Từ Gayà đến Ràjagaha chỉ khoảng 52 km mà tăng đoàn phải đi đến 10 ngày. Vì mỗi buổi sáng các vị khất sĩ (Tỳ kheo) phải chia nhau ghé vào các thôn xóm để khất thực. Sau đó họ tập họp lại trong một khu rừng hoặc trên một bãi cỏ để thọ trai trong im lặng. Thọ ngọ trai xong, họ lại lên đường, đi thành từng chúng. Hình dáng các vị khất sĩ khoác áo cà-sa màu vàng đi trầm lặng trên đường lần hồi gây một ấn tượng sâu đậm và đẹp đẽ trong lòng dân chúng.

Đến Ràjagaha, Đại đức Uruvelà Kassapa hướng dẫn đức Phật và tăng đoàn về tạm cư ở khu rừng Latthivana (Rừng Kè, Palm Grove), tại đền Suppatthita cách thủ đô Vương Xá độ 2 km về phía tây nam. Sáng hôm sau, giáo đoàn được phép ôm bát vào thành khất thực. Các vị khất sĩ chia ra thành từng chúng 25 người, đi thành hàng một, bước từng bước khoan thai và có ý thức, mắt nhìn thẳng xuống phía trước mặt, dáng điệu uy nghi và lặng lẽ. Theo lời Phật dạy, họ im lặng dừng lại trước mỗi nhà, không phân biệt giàu nghèo, khoảng năm phút, rồi tiến tới trước cổng nhà bên cạnh. Trong khi đứng im lặng chờ đợi được cúng dường thức ăn vào bát, họ theo dõi hơi thở và thực tập phép quán niệm mà đức Phật đã dạy. Khi được cúng dường, họ chỉ lặng lẽ nghiêng mình cám ơn mà không nói lời khen chê nào về thực phẩm được cúng dường. Người cúng dường sau khi sớt thức ăn vào bát vị khất sĩ, có thể đặt một vài câu hỏi. Các vị khất sĩ đã được lệnh ân cần trả lời về những câu hỏi đó. Đại ý, các vị cho biết là mình tu học trong Giáo Đoàn Khất Sĩ, dưới sự hướng dẫn của sa môn Gotama dòng Sàkya, thường được gọi là Phật; họ được thầy dạy về Bốn Sự Thật, Năm Giới và Tám Thánh Đạo. Tất cả các vị khất sĩ đều được lệnh trở về trú sở trước giờ ngọ để ăn trưa chung với nhau và sau đó nghe pháp thoại. Buổi chiều và buổi tối dành cho sự tu học và thiền tập. Vì vậy từ giữa trưa cho đến rạng sáng ngày hôm sau, không ai còn thấy bóng dáng một khất sĩ áo vàng nào trong thành phố nữa.

Chỉ trong vòng nửa tháng, phần lớn dân chúng thủ đô đã biết tới sự có mặt của giáo đoàn khất sĩ do Phật lãnh đạo. Vào những buổi chiều khi trời đã mát, nhiều vị thí chủ tìm tới Latthivana (Rừng Kè) gặp Phật và tăng đoàn để học hỏi về đạo lý tỉnh thức. Đức Phật chưa kịp đi thăm vua Seniya Bimbisàra[2]thì nhà vua đã được báo cáo về Phật và giáo đoàn khất sĩ đông đảo của người. Nhà vua được biết người lãnh đạo giáo đoàn này chính là vị sa môn trẻ tuổi mà mình đã gặp trước đây nơi đạo tràng của đạo sư Uddaka Ràmaputta. Một buổi chiều, nhà vua cùng với hoàng hậu Videhi và thái tử Ajàtasattu (A Xà Thế)[3]ngồi xe tứ mã đến Latthivana (Rừng Kè) để thăm Phật. Nhà vua có mời đi theo mình một trăm hai mươi vị nhân sĩ, trí thức và lãnh đạo cao cấp trong giới Bà-la-môn. Đến ven rừng, nhà vua xuống xe đi bộ vào. Hoàng hậu Videhi cầm tay thái tử Ajàtasattu theo sau. Một trăm hai mươi vị tân khách Bà-la-môn cũng làm như thế.

Nghe tin vua đến, đức Phật cùng Uruvelà Kassapa đi ra đón tiếp. Tất cả 1003 vị khất sĩ đều có mặt, ngồi vây quanh. Đức Phật mời vua, hoàng hậu, thái tử và các vị tân khách an tọa. Vua Seniya Bimbisàra bắt đầu giới thiệu các nhân sĩ Bà-la-môn với Phật. Trong số các vị tân khách này có nhiều người lảu thông kinh điển và giáo lý Vệ Đà. Họ thuộc đủ các khuynh hướng đạo học và tôn giáo trong vùng.

Phần lớn các vị nhân sĩ này đã từng nghe danh đạo sĩ Uruvelà Kassapa, và một số đã được gặp ông, nhưng ngoài quốc vương Bimbisàra chưa ai được gặp Phật lần nào. Thấy thái độ cung kính của Uruvelà Kassapa đối với Phật, nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên. Uruvelà Kassapa đã trên 100 tuổi trong lúc đức Phật chỉ mới 35 tuổi. Các quan khách thì thầm với nhau, không biết ai là thầy ai là đệ tử. Biết ý họ, đức Phật liền nói với đại đức Uruvelà Kassapa:

Này hiền giả Kassapa, hiền giả hãy nói cho Đại Vương và thính chúng biết vì sao hôm nay hiền giả có mặt nơi này.

Đại đức Uruvelà Kassapa liền đứng dậy, đi tới trước mặt Phật, chắp tay nói chậm rãi rõ ràng từng tiếng:

Kính bạch đức Bổn Sư Gotama, bậc giác ngộ hoàn toàn, kính thưa Đại Vương, thưa quý vị, từ khi biết được Giáo Pháp vi diệu của đức Bổn Sư, tôi đã từ bỏ tế đàn ở Uruvelà, thực hành Chánh Pháp và đạt được an lạc Niết-bàn, không còn chấp thủ lạc thú gì ở trần gian.

Nói xong đại đức liền quỳ xuống đảnh lễ đức Phật và long trọng tuyên bố:

Con là Uruvelà Kassapa xin cung kính đảnh lễ đức Bổn Sư Gotama Thế Tôn. Con là Uruvelà Kassapa xin cung kính đảnh lễ đức Bổn Sư Gotama Thế Tôn.

Đức Phật đỡ đại đức Kassapa dậy, bảo ông ngồi xuống bên tay trái của người. Bây giờ tất cả cử tọa đều hoàn toàn im lặng. Đức Phật lên tiếng nói cho mọi người nghe kinh Mahà Narada Kassapa Jàtakanói về Uruvelà Kassapa đã có nhân duyên làm đệ tử Phật từ nhiều kiếp trước. Kế đó đức Phật giảng về bố thí, giữ giới, các cõi trời, tai hại của các dục, ích lợi của xuất ly, Tứ Diệu Đế, tính vô thường, vô ngã và duyên sanh của con người và vạn vật, chỉ dạy cách diệt trừ mê lầm và đau khổ bằng cách thực hành đời sống tỉnh thức, giữ giới luật thanh tịnh, định tâm và quán chiếu. Rồi đức Phật kết luận bằng bài kệ:

“Không nên làm điều ác.

“Cố gắng làm việc lành.

“Giữ tâm ý trong sạch.

“Lời chư Phật dạy rành.[4]

Giọng Phật trong sáng, vang xa như tiếng chuông đồng, ấm áp như nắng xuân, trầm hùng như tiếng hải triều. Hơn một ngàn người lắng tai nghe trong im lặng, ai nấy đều vui mừng được thấy tâm mình bừng sáng, đầy hy vọng an lạc. Bao nhiêu nghi vấn trong lòng dần dần được cởi mở. Khi đức Phật dứt lời, vua Bimbisàra, vừa đắc quả Tu-đà-hoàn, nở một nụ cười sung sướng, rạng rỡ. Ông đứng dậy chắp tay cung kính bạch Phật :

Thưa Thế Tôn, hồi còn nhỏ trẫm có năm điều ước nguyện. Bây giờ năm điều ước nguyện ấy đều đã được thành tựu. Ước nguyện thứ nhất là được làm lễ quán đảnh và lên ngôi vua; ước nguyện ấy đã thành. Ước nguyện thứ hai là được gặp một bậc đạo sư giác ngộ; ước nguyện ấy cũng đã thành. Ước nguyện thứ ba là có duyên kính ngưỡng bậc giác ngộ ấy; ước nguyện này cũng đã thành. Ước nguyện thứ tư là được bậc giác ngộ ấy dạy cho trẫm con đường Chánh Pháp; ước nguyện này cũng đã thành. Ước nguyện thứ năm là có thể hiểu được Giáo Pháp của bậc giác ngộ ấy; ước nguyện này vừa được thành tựu. Thưa Thế Tôn, trẫm đã bắt đầu hiểu được giáo lý mầu nhiệm của ngài. Hôm nay, xin Thế Tôn hoan hỉ nhận trẫm làm đệ tử tại gia của ngài.

Đức Phật mỉm cười im lặng chấp thuận. Nhà vua lại thỉnh cầu Phật và tất cả tăng đoàn đến thọ trai ở đền vua vào ngày trăng tròn sắp tới. Đức Phật cũng hoan hỉ nhận lời.

Phật giảng năm giới của người cư sĩ[5]

Vua Seniya Bimbisàra có chủ ý tổ chức một cuộc đón rước Phật và tăng đoàn thật long trọng. Vua cho mời rất nhiều nhân sĩ đến nghe Phật thuyết pháp. Tất cả các quan chức trong triều cũng đều được mời đến dự. Dân chúng được lệnh treo đèn kết hoa trên những con đường mà Phật và tăng đoàn sẽ đi qua. Trong lúc nhà vua đang chuẩn bị thì 90 vị khất sĩ đã xuất gia theo Phật ở Lộc Uyển, Isipatana, đang đi hoằng hóa các nơi lần lượt tập họp về khu lâm viên Latthivana (Rừng Kè) gặp Phật để chuẩn bị nhập hạ sắp tới.

Ngày trăng tròn đã tới. Khoảng mười giờ sáng, đức Phật cùng trên một ngàn vị khất sĩ (Tỳ kheo) mặc áo cà-sa màu vàng, tay ôm bình bát, đi vào thành Ràjagaha (Vương Xá), đáp lại lời mời của vua Bimbisàra. Đoàn người trang nghiêm lặng lẽ đi qua các con đường đã được dân chúng treo cờ, kết hoa. Dân chúng đứng xem đông nghịt hai bên đường.

Vua Seniya Bimbisàra cùng các triều thần và nhân sĩ ra tận ngọ môn đón Phật và tăng đoàn. Vào đến sân rộng lớn trước đền vua, đã được che rạp, trang trí, kết hoa lộng lẫy, đức Phật được mời ngồi vào ghế danh dự, một bên có vua Bimbisàra, bên kia có Tỳ kheo Uruvelà Kassapa. Thái tử Ajàtasattu mang nước và khăn ra cho Phật rửa chân tay. Tiếp theo, quân hầu cũng mang nước và khăn ra cho tất cả các vị khất sĩ rửa chân tay. Lễ tẩy tịnh đã xong, nhà vua đứng dậy long trọng chào mừng và giới thiệu quan khách, rồi cung kính sớt các thức ăn vào bát của Phật. Hoàng hậu Videhi cũng đứng lên chỉ dẫn quân hầu trong hoàng cung cúng dường thức ăn cho các vị khất sĩ và tiếp đãi quan khách.

Đến giờ ngọ, đức Phật và giáo đoàn khất sĩ mặc niệm và chú nguyện trước khi ăn. Vua Bimbisàra và tất cả quan khách cũng đều giữ im lặng trong thời gian dùng bữa. Tất cả đều cảm nhận tính chất thanh tịnh và an lạc thoát ra từ nhân cách của đức Phật và của giáo đoàn khất sĩ. Sau khi đức Phật, tăng đoàn và quan khách đã thọ trai xong, bình bát của các vị khất sĩ được quân hầu đem rửa rồi giao trả lại cho mỗi vị.

Vua Bimbisàra hướng về đức Phật, cung kính chấp tay. Đức Phật hiểu ý, lên tiếng giảng về năm giới của người Phật tử tại gianhư là phương thức xây dựng, bảo vệ hòa bình và hạnh phúc cho quốc gia dân tộc; năm giới cũng là nguyên tắc sống chung hòa bình và an lạc trong gia đình cũng như ngoài xã hội :

Giới thứ nhất là không sát hại. Giữ giới này là để nuôi dưỡng lòng từ bi. Tất cả các loài sinh vật đều ham sống sợ chết. Ta biết quý sự sống của ta thì ta cũng phải quý trọng sự sống của những loài sinh vật khác. Nuôi dưỡng lòng từ bi, thương người, thương cả muôn vật làm cho cuộc đời bớt khổ và đẹp đẽ thêm lên. Nếu mọi người trong nước đều biết giữ giới không sát hại thì đất nước sẽ không bị loạn lạc, dân chúng được yên ổn làm ăn. Khi mọi người thương nhau và đoàn kết với nhau thì dân giàu nước mạnh.

Giới thứ hai là không xâm phạm đến tài sản của kẻ khác. Mình muốn cho người khác tôn trọng tài sản của mình do công lao khó nhọc của mình làm ra, thì mình cũng phải tôn trọng tài sản của người khác. Không được trộm, cướp, lường gạt hoặc dùng quyền lực của mình để cưỡng chiếm tài sản của kẻ khác. Không được lợi dụng sự khờ dại hoặc hoàn cảnh khó khăn của kẻ khác để thủ lợi cho mình. Nếu dân chúng biết giữ giới này thì trong nước sẽ có công bằng xã hội, an cư lạc nghiệp.

Giới thứ ba là không xâm phạm tiết hạnh của kẻ khác. Giới này giúp cho vợ chồng tin tưởng nhau, gia đình được an vui, đầm ấm, cùng nhau xây dựng tương lai, hạnh phúc cho con cháu, xây dựng một xã hội lành mạnh.

Giới thứ tư là không nói dối, không nói những lời thô bỉ, không gây chia rẽ căm thù. Lời nói phải phù hợp với sự thật: có thì nói có, không thì nói không, không thêm bớt làm sai lệch sự thật. Lời nói chân thật tạo niềm tin và hạnh phúc. Lời nói thô bỉ và gây chia rẽ tạo sự thù nghịch, oán hận và chiến tranh.

Giới thứ năm là không uống rượu và không sử dụng các chất ma túy. Rượu và các chất ma túy làm cho con người mất tự chủ, mất sáng suốt, dễ làm những điều xằng bậy gây tai vạ cho bản thân, gia đình và xã hội. Nếu Đại vương và các quan trong triều đều gìn giữ giới này và khuyến cáo dân chúng gìn giữ giới này thì đó là một đại phước cho quốc gia.

“Đại vương, bậc quốc vương đứng đầu một nước cần sống trong tỉnh thức, trong sự sáng suốt, để biết những gì đang xảy ra trong vương quốc mình. Nếu Đại vương làm cho trong triều và dân chúng hiểu sự ích lợi và thực hành năm giới thì vương quốc Magadha sẽ trở thành vương quốc cường thịnh nhất trong hoàn vũ.

Đức Phật vừa dứt lời, vua Bimbisàra sung sướng tiến tới trước Phật đảnh lễ. Hoàng hậu Videhi cũng đứng lên cầm tay thái tử Ajàtasattu đi tới trước Phật, bà dạy thái tử chấp tay vái chào Phật.

Phật kể chuyện cây bông sứ[6]

Hoàng hậu Videhi đảnh lễ Phật, rồi nói :

Bạch Thế Tôn, hôm nay có thái tử Ajàtasattu, con của con, và nhiều trẻ em khác con của các vị vương tử, đại thần và quan khách. Các cháu đông có đến bốn trăm đứa. Xin đức Thế Tôn đem lòng thương xót chỉ bày cho thiếu nhi con đường của tình thương và sự tỉnh thức.

Nói xong hoàng hậu sụp xuống lạy Phật. Thái tử Ajàtasattu cũng làm theo bà. Đức Phật mỉm cười đưa tay ra cầm tay thái tử. Hoàng hậu Videhi quay lại ra dấu cho các thiếu nhi đến tập họp trước mặt Phật. Đây toàn là trẻ em nhà quyền quý nên em nào cũng được phục sức rất tươm tất. Trai cũng như gái đều có đeo vòng ở cổ tay và cổ chân. Các em gái mặc những chiếc áo sari lộng lẫy đủ màu, trông thật tươi mát. Tất cả đều ngồi xuống trước mặt Phật.

Đức Phật nói :

Này các con, trước khi ta được làm người, ta đã từng làm đất, đá, cây cối, chim chóc và muông thú. Các con cũng vậy. Trong những kiếp xa xưa, các con cũng đã từng làm đất, đá, cây cối, chim chóc và muông thú. Ngày hôm nay ta được gặp các con cũng có thể là vì trong những kiếp trước ta và các con đã từng gặp nhau. Chúng ta đã có thể làm cho nhau sung sướng. chúng ta cũng đã có thể làm cho nhau đau khổ.

“ Hôm nay ta muốn kể cho các con nghe một chuyện đã từng xảy ra từ hàng vạn kiếp trước. Đây là chuyện một con cò, một con cua, một cây bông sứ và rất nhiều tôm cá. Hồi đó ta là cây bông sứ[7]. Và trong số các con, có thễ có đứa đã làm con cò, có đứa đã làm con cua, và nhiều đứa làm tôm cá.

“ Trong câu chuyện này, con cò là một đứa nham hiểm, có tính hay lường gạt. Nó đã làm cho biết bao nhiêu con khác chết chóc và đau khổ. Lúc đó ta là cây bông sứ, ta cũng đã đau khổ vì nó. Nhưng ta đã học được một bài học quý báu. Đó là: Khi mình lường gạt và làm kẻ khác đau khổ thì chính mình cũng sẽ bị lường gạt và bị đau khổ trở lại.

“ Lúc đó ta làm cây bông sứ bên cạnh một hồ sen vừa thơm vừa mát, nhưng không có cá. Gần đó có một cái ao nhỏ hẹp, dơ bẩn, nóng bức, nhưng lại có nhiều tôm cá. Một con cò đi ngang qua đó thấy tôm cá quá nhiều mới nảy sinh ra một mưu kế. Nó tới đứng bên bờ ao, làm ra vẻ đăm chiêu suy nghĩ. Bọn cá thấy, hỏi :

Bác cò ơi, bác suy nghĩ gì đấy ?

Ta đang suy nghĩ đến số phận của các cháu. Ở đây ao hẹp, nước ít lại nóng bức, dơ bẩn. Các cháu lại thiếu thức ăn. Đời sống của các cháu có vẻ khổ cực, ta thương lắm.

Vậy bác có cách gì giúp tụi cháu không, bác cò ?

Nếu tụi bây để tao mang từng đứa tới bỏ xuống cái hồ sen đằng kia thì ở đó tụi bây được tha hồ bơi lội trong nước mát có vô số thức ăn.

Bác cò ơi, từ thuở cha mẹ sinh ra chúng cháu chưa bao giờ nghe nói loài cò mà lại có lòng tốt với loài tôm cá. Bác bày ra cách đó chẳng qua là để ăn thịt tụi này từng đứa, phải không ?

Tụi bây đa nghi lắm. Tao là bác của tụi bây, không lý tao lại nói gạt tụi bây sao. Sự thật là đằng kia có một cái hồ sen rộng lắm, nước nhiều mà lại mát nữa. Nếu tụi bây không tin thì một đứa hãy theo tao qua đó xem. Rồi tao lại mang nó về đây kể lại cho tụi bây xem có đúng không.

“ Bọn tôm cá châu đầu vào nhau bàn luận một hồi, rồi cử một con cá nhám đi với cò. Con cá nhám này đã già, thân thể rất cứng chắc. Nó bơi lội giỏi đã đành, mà còn có thể di chuyển dễ dàng trên đất cạn. Con cò cặp con cá nhám vào mỏ, bay đến hồ sen, thả con cá vào hồ cho nó bơi lội thỏa thích khắp nơi trong hồ, rồi lại mang con cá nhám trở về ao. Cá nhám thuật lại tất cả những gì nó đã thấy trong hồ sen. Bọn tôm cá nghe kể rất lấy làm vui sướng. Chúng tranh nhau yêu cầu con cò chở chúng sang hồ sen. Cò bằng lòng. Nó cắp con cá đầu tiên vào mỏ và bay đi. Nhưng thay vì thả cá xuống hồ sen, nó bay về phía cây bông sứ, đặt cá vào cháng ba của thân cây, dùng mỏ rỉa thịt cá ra ăn, rồi hất xương cá xuống gốc cây bông sứ. Ăn xong nó lại bay về ao để mang một con cá khác đến ăn, xương cá dưới gốc cây càng ngày càng nhiều, chồng chất lên nhau.

“ Ta là cây bông sứ. Ta chứng kiến tất cả những điều này. Ta rất tức giận con cò nhưng ta không thể nào ngăn cản nó được. Các con biết không, cây bông sứ chỉ có thể đâm rễ sâu xuống đất, mọc cành, mọc lá, trổ hoa, nhưng không thể chạy đến ao để báo tin dữ cho bọn cá tôm được, cũng không thể vươn cành ra để ngăn cò ăn thịt cá. Nhựa cây chảy dồn dập trong thân, cây bông sứ rung rung như muốn khóc. Con cò không để ý tới. Ngày này sang ngày khác, nó cứ mang cá đến cây bông sứ để ăn thịt. Hết cá đến tôm. Ta rất đau lòng nên thầm nguyện sau này nếu được làm thú hay làm người ta sẽ ra sức bênh vực kẻ yếu và ngăn chận không cho kẻ hung bạo và gian xảo lừa gạt và tàn sát kẻ khác.

“ Vài ngày sau, cá tôm dưới ao đã hết, chỉ còn lại một con cua kình khá lớn. Lúc đầu cò chê. Nhưng sau đói bụng quá, nó đến gần bờ nước nói với cua:

Này cháu, tất cả tôm cá mà ta chở đến hồ sen hiện đang vui sướng vẫy vùng bên đó. Cháu lại đây bác chở qua đó luôn cho.

Bác làm sao chở cháu được ? Cháu là con cua, mình cứng, trơn và nặng. Lỡ bác đánh rơi thì cháu tan xác mất.

Đừng sợ, bác sẽ ngậm cháu thật chặt.

“ Con cua suy nghĩ: Có thể là cò đã thả tất cả tôm cá xuống hồ sen; cũng có thể cò đã ăn thịt tất cả họ hàng nhà tôm nhà cá. Ta phải cẩn thận đề phòng. Nó nói với cò :

Bác ơi, cháu sợ lắm. Nếu bác cho cháu bám hai càng vào cổ bác thì cháu mới đỡ sợ.

“ Cò bằng lòng để cua bám vào cổ nó rồi vỗ cánh bay đi. Nhưng thay vì bay thẳng xuống hồ, nó bay đến đậu trên cây bông sứ. Cua hỏi :

Bác ơi, sao bác không đưa cháu xuống hồ mà lại đậu trên cây cao thế này, cháu sợ lắm.

Ai dại dột gì mà đi chở mướn không công cho bọn bây. Tao cũng đâu phải là đầy tớ của bọn bây. Tao chỉ muốn chở tụi bây tới đây để ăn thịt từng đứa mà thôi. Hãy xem đống xương dưới gốc cây kia kìa.

Bác cò độc ác ơi, bọn tôm cá dại dột quá mới bị bác lừa dối và ăn thịt. Nhưng với cháu thì bác đừng có hòng. Bác hãy mang cháu xuống hồ, nếu không cháu sẽ kẹp đứt cổ bác cho mà xem.

"Nói xong, cua siết càng vào cổ cò. Cò đau quá kêu lên :

Thôi thôi, anh Hai ơi, anh Hai đừng kẹp tôi đau quá. Để tôi đưa anh Hai xuống hồ.

“ Cò bay đáp xuống bờ hồ, đứng gần mé nước. Cua sợ buông cổ cò ra sẽ bị cò ăn thịt như bọn tôm cá trước. Nó nghiến răng kẹp hai cái càng lại thật mạnh khiến cho cổ cò đứt rời ra. Cò ngã lăn ra chết. Cua đi xuống nước.

“ Các con ơi, lúc đó ta là cây bông sứ. Ta chứng kiến tất cả tấn thảm kịch từ đầu đến cuối. Tuy ta không làm gì được, nhưng ta đã học được một bài học quý báu: Ở đời, ăn ở hiền lành sẽ được nhiều người giúp đỡ; ăn ở độc ác sớm muộn gì cũng sẽ lâm vào cảnh thảm thương. Ta nguyện đời đời sẽ làm việc lợi ích cho muôn loài. Nhờ phát nguyện như thế, ta đã được làm người trong hàng ngàn kiếp. Giờ đây, gặp các con, ta muốn truyền lại bài học quý báu đó cho các con.”

Tất cả các thiếu nhi có mặt chăm chú nghe đức Phật kể chuyện tiền thân của ngài. Đứa nào cũng thương cho cây bông sứ và cho tất cả những con tôm cá bị lừa gạt. Đứa nào cũng căm giận con cò nham hiễm độc ác, và khen con cua sáng trí và biết lo xa.

Vua Bimbisàra đứng dậy, đến trước mặt Phật chấp tay đảnh lễ và nói :

Hôm nay đức Thế Tôn đã ban cho người lớn và trẻ em một bài học thật quý giá. Trẫm mong thái tử Ajàtasattu thấm nhuần được lời dạy của ngài. Vương quốc Magadha rất may mắn được ngài dừng chân hoằng hóa nơi đây. Trẫm có một món quà muốn dâng lên bậc Giác ngộ và tăng đoàn, không biết ngài có chịu cho trẫm cái hân hạnh được dâng cúng món quà ấy không ?

Đức Phật im lặng đưa mắt nhìn vua.

Vua Bimbisàra cúng dường ngự uyển Venuvana[8]

Vua Bimbisàra nói tiếp :

Về phía bắc thủ đô Ràjagaha chừng một dặm (1 km 6) có một vườn tre rất rộng, vừa yên tịnh vừa mát mẻ, trẫm gọi là Venuvana (Veluvana, Trúc Lâm). Trẫm muốn hiến dâng công viên ấy để Thế Tôn và tăng đoàn dùng làm tinh xá hành đạo và tu học. Được như vậy trẫm và dân chúng nơi đây sẽ có nhiều cơ hội đến thọ giáo với ngài. Mong đức Từ bi chấp nhận cho lòng thành của trẫm.

Đức Phật nghĩ đến mùa an cư kiết hạ sắp đến, cần có nơi thuận tiện cho chư tăng tu học, ngài mỉm cười gật đầu ưng thuận. Vua Bimbisàra vô cùng mừng rỡ. Vua nghĩ rằng tinh xá Venuvana sắp được thành lập sẽ giữ được bậc Giác ngộ lâu dài trong vương quốc mình. Trong số các vị tân khách có nhiều người thuộc giới lãnh đạo Bà-la-môn không mấy hoan hỉ về quyết định này của vua, nhưng họ giữ im lặng.

Vua truyền đem ra một bình nước bằng vàng. Ngài tự tay làm lễ rót nước trong bình lên bàn tay phải của Phật và trân trọng tuyên bố :

Bạch Thế Tôn, cũng như nước trong chiếc bình vàng này chảy vào tay ngài, khu vườn Venuvana đã được trẫm dâng tặng cho ngài và giáo đoàn do ngài lãnh đạo để làm tinh xá tu học cho chư Tăng.

Lễ bàn giao đã xong. Lễ cúng dường trai phạn cũng đã hoàn mãn. Đức Phật và giáo đoàn khất sĩ từ giã hoàng cung trở về đền Suppatthita ở khu lâm viên Latthivana.

Hai ông Sàriputta, Moggallàna và 155 người bạn xuất gia[9]

Trong thời gian Phật ngụ tại đền Suppatthita ở lâm viên Latthivana (Rừng Kè), cách thành Ràjagaha (hiện nay là Rajgir) khoảng 2 km về phía tây nam, thì 90 vị khất sĩ đã được Phật hóa độ trước kia ở Lộc Uyển (Migadaya) tại làng Isipatana (Sarnath) gồm nhóm ông Kondanna (5 người), nhóm ông Yasa (55 người) và nhóm ông Punna Mantàniputta (30 người) cũng lần lượt đến Latthivana nhập vào tăng đoàn để chuẩn bị kỳ nhập hạ thứ nhì như Phật đã dặn.

Trong làng Upatissa còn gọi là Nàlaka (hiện nay là Kalapinaka hay Sarichak), thuộc quận Nàlandà, ở phía bắc thành Ràjagaha, có một thanh niên rất thông minh tên Sàriputta (Xá Lợi Phất), cha tên Vangantà[10], mẹ tên Rùpa Sari. Sàriputta có một người anh là Upasena, 2 em trai là Revata và Cunda, và 3 em gái là Càlà, Upacàlà và Sìsùpacàlà. Vì Sàriputta nổi tiếng thông minh lại sanh trưởng trong gia đình quyền quý nhứt trong làng nên người trong vùng ấy gọi chàng là Upatissa. Sàriputta có một người bạn chí thân tên Moggallàna (Mục Kiền Liên), con bà Moggali (hay Moggallani, Thanh Đề), ở làng Kolita (hiện nay là Kulika), bên cạnh làng Upatissa. Moggallàna cũng rất thông minh và thuộc gia đình quyền quý nhứt trong làng nên có biệt danh là Kolita. Sàriputta và Moggallàna sanh ra cùng một ngày. Gia đình của cả hai người đều theo truyền thống Bà-la-môn giáo. Một hôm, cả hai rủ nhau đến dự lễ cúng tế long trọng nhiều ngày trên đỉnh núi gần thành Ràjagaha. Ngày đầu họ cùng vui chơi với mọi người, nhưng đến ngày thứ ba, đang ngồi nghỉ dưới bóng cây, bỗng Sàriputta nghĩ đến 100 năm sau tất cả mọi người đang nô đùa hỗn tạp nơi đây sẽ chết hết và cảnh vật nơi đây sẽ hoàn toàn thay đổi, vậy mà hiện nay ai nấy đều thản nhiên vui chơi trước cuộc đời vô thường. Ông buồn bã nói ý nghĩ của mình cho Moggallàna nghe, rồi hai người bạn rủ nhau đi tìm thầy học đạo. Cả hai tìm đến xin thọ giáo với đạo sư Sanjaya Belatthiputta, lúc ấy có 250 đệ tử. Không bao lâu hai người đã lãnh hội tất cả giáo lý của thầy. Nhưng cảm thấy chưa thỏa mãn, bèn dắt nhau tìm đến nhiều vị đạo sư Bà-la-môn nổi tiếng khác. Cuối cùng cũng thất vọng. Hai người bèn quyết định chia tay nhau đi xa hơn để tìm minh sư. Ông Sàriputta đi về phương nam, còn ông Moggallàna đi về phương bắc. Hẹn nhau khi gặp minh sư sẽ thông báo cho nhau biết để cùng đến học.

Một hôm, đang đi trong thành Ràjagaha, ông Sàriputta bỗng nhìn thấy một tu sĩ y bát trang nghiêm, tướng đi từ tốn, mắt nhìn xuống độ vài thước trước chân, nét mặt trầm tĩnh thong dong, biểu lộ sự vắng lặng sâu xa bên trong. Vị Đại đức đáng tôn kính nọ khoan thai đi từ nhà này sang nhà khác để nhận lãnh chút ít vật thực tùy lòng quảng đại của thí chủ. Cốt cách siêu phàm của Đại đức Assaji làm cho ông Sàriputta chú ý[11], ông yên lặng đi theo sau quan sát, không dám lên tiếng quấy rầy. Đại đức Assaji đi bát xong, tìm một nơi thích hợp để ngồi lại thọ thực. Khi đại đức Assaji thọ thực xong, ông Sàriputta bèn đến bên cạnh, rót nước vào chén dâng Đại đức rồi bạch rằng :

Kính bạch Đại đức, ngũ quan của ngài thật là trong sáng và thanh tịnh. Xin ngài hoan hỉ cho con biết vì sao ngài thoát ly thế tục ? Ai là vị tôn sư của ngài ? Ngài truyền bá Giáo Pháp của ai ?

Này đạo hữu, Đại đức Assaji đáp, bần tăng chỉ là một tu sĩ sơ cơ, chưa đủ khả năng giảng giải Giáo Pháp đầy đủ và rành rẽ cho đạo hữu.

Kính bạch Đại đức, con là Sàriputta ở làng Upatissa, kính xin Đại đức tùy hỷ chỉ giáo ít nhiều, con sẽ cố gắng tự tìm hiểu được phần nào hay phần nấy. Xin ngài dạy cho con vài điểm thiết yếu, tóm lược cho con một vài ý quan trọng trong giáo lý mà ngài đã học được.

Đức bổn sư Gotama chỉ dạy rất nhiều, nhưng bần tăng chỉ thuộc được bốn câu kệ sau đây. Vậy bần tăng xin đọc cho đạo hữu nghe :

Ye dhamma hetuppabhava

tesam hetum tathagato.

Aha tesan ca yo nirodho

evam vadi mahà samano.

(Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 1: 65)

Có nghĩa là :

Các pháp đều do nhân sanh.

Như Lai chỉ rõ các nhân ấy.

Nhân diệt thì pháp diệt.

Đại Sa môn dạy như thế[12].

Bốn câu kệ đó vừa tóm tắt lý nhân duyên về sự sanh diệt của các pháp (vạn vật vô thường) vừa chỉ cách tu tập giải thoát (diệt trừ tham ái = chấm dứt sanh tử luân hồi). Ông Sàriputta vốn rất thông minh, vừa nghe xong hai câu đầu liền bừng ngộ và đắc quả Tu-đà-hoàn (Sotàpatti), biết rằng cái gì có sanh thì có diệt. Từ đó về sau, để tỏ lòng biết ơn đối với Đại đức Assaji, mỗi khi nghe Đại đức Assaji ở nơi nào thì ông Sàriputta quay về hướng ấy chấp tay đảnh lễ, và lúc ngủ luôn luôn quay đầu về hướng ấy.

Đúng theo lời cam kết, Sàriputta đi tìm Moggallàna báo tin và đọc lại bốn câu kệ trên. Nghe xong ông Moggallàna cũng đắc quả Tu-đà-hoàn. Hai ông liền đến thầy cũ là đạo sư Sanjaya Belatthiputta báo tin và mời thầy cùng đến thọ giáo với Phật. Đạo sư Sanjaya từ chối, nhưng có 155 đệ tử[13]của ông cùng theo hai ông Sàriputta và Moggallàna đến Venuvana (Trúc Lâm) xin thọ giáo với Phật. Được tin này đạo sư Sanjaya tức đến ói máu. Đức Phật chấp nhận tất cả vào tăng đoàn với lời kêu “Hãy lại đây, các Tỳ kheo ! Hãy sống đời thánh thiện theo Chánh Pháp để chắm dứt mọi đau khổ”. Một tuần lễ sau, lúc đang ở gần làng Kallavàla, Đại đức Moggallàna được Phật dạy quán Tứ Đại (đất, nước, gió, lửa), đắc quả A-la-hán. Đến tuần thứ hai, khi nghe đức Phật thuyết kinh Vedanà Pariggaha cho đạo sĩ Dìghanakha ở động Sùkarakhata, Đại đức Sàriputta đắc quả A-la-hán. Chiều ngày hôm ấy, đức Phật triệu tập tất cả các đệ tử đến quanh ngài để tấn phong Đại đức Sàriputta làm đệ nhứt đệ tử, trí tuệ bậc nhứt, và Đại đức Moggallàna làm đệ nhị đệ tử, thần thông bậc nhứt.

Kể từ đây số đệ tử Phật lên đến 1250 vị[14], đều đắc quả A-la-hán (Arahattà).

Phật thành lập tinh xá đầu tiên Venuvana

Đã sắp đến mùa an cư kiết hạ nên qua ngày hôm sau, sau buổi cúng dường trai tăng tại đền vua, sứ giả của vua đưa Phật và các vị trưởng lão trong tăng đoàn đến viếng Venuvana (Trúc Lâm). Thật là một nơi cư trú lý tưởng cho giáo đoàn khất sĩ. Khu vườn rộng vào khoảng bốn mươi mẫu tây, cách trung tâm thủ đô Ràjagaha (Vương Xá) khoảng 2 km về phương bắc. Trong vườn tre mọc xanh tươi, đủ các loại, và có rất nhiều sóc tung tăng đùa giởn. Giữa vườn tre có hồ Kalandaka (hay Karanda) nước trong veo. Những chiếc thảo am có thể được dựng lên rải rác để làm chỗ cư trú cho các vị đại đức lớn tuổi. Các vị đệ tử lớn như Kondanna, Kassapa, Sàriputta, Moggallàna đều rất hoan hỉ họp nhau lại hoạch định cách tổ chức Trúc Lâm thành một tinh xá[15]có quy củ. Đức Phật dạy :

Mùa mưa không tiện cho việc du hành khất thực. Các vị tỳ kheo cần có nơi an cư thanh tịnh để cùng nhau tinh tấn tu học, vừa tránh được sự ướt át dọc đường, vừa khỏi dẫm đạp lên các loài côn trùng bò ra đầy đường. Trong ba tháng an cư[16], thiện nam tín nữ có thể mang thực phẩm tới cúng dường tại các trung tâm an cư. Và mỗi ngày họ sẽ được các vị xuất gia giảng dạy về giáo lý trong các thời khóa giảng, ngoài ra họ có thể nêu câu hỏi để được giải đáp thêm.

Truyền thống an cư kiết hạ được thiết lập từ đây. Chỉ còn mười lăm hôm nữa mùa an cư thứ hai sẽ bắt đầu với đầy đủ 1250 vị tỳ kheo A-la-hán.

Dưới sự điều động của đại đức Moggallàna, các vị khất sĩ trẻ tuổi dựng lên một am nhỏ cho Phật và nhiều am nhỏ khác cho các vị khất sĩ lớn tuổi. Tất cả đều được làm bằng tre, tranh và đất bùn. Am của Phật tuy nhỏ nhưng rất xinh xắn. Phía sau có một bụi tre vàng. Bên trái có một khóm tre xanh. Thầy Nàgasamàla đóng cho Phật một cái chõng tre và hai cái ghế, và đặt một lu nước cạnh bụi tre để Phật có nơi rửa mặt và tay chân. Thầy Nàgasamàla là một vị khất sĩ trẻ. Trước đây thầy là đệ tử của đại đức Uruvelà Kassapa. Từ ngày đến Venuvana đại đức Uruvelà Kassapa tiến cử thầy Nàgasamàla làm thị giả đầu tiên cho Phật.

Đại đức Sàriputta tiếp xúc với một cư sĩ ở thành Ràjagaha; vị này cúng dường cho tinh xá Venuvana một cái chuông đồng treo gần hồ Kalandaka, dưới một cành cây cổ thụ. Tiếng chuông báo hiệu giờ giấc tu học. Phật dạy mỗi khi nghe tiếng chuông, tất cả mọi người đều phải theo dõi hơi thở và thực hành chánh niệm.

Các vị đệ tử cư sĩ của Phật ngày nào cũng tới Trúc Lâm để giúp đỡ công trình kiến thiết. Đại đức Uruvelà Kassapa lãnh đạo tăng đoàn rất giỏi, mà điều hợp sự hỗ trợ của các cư sĩ cũng tài. Thầy hội họp với các vị thí chủ về việc cúng dường trai tăng, giúp cho mỗi vị khất sĩ đều có đầy đủ cà-sa, bình bát, tọa cụ, khăn lau mặt, vợt lọc nước, vân vân...

Ngày an cư đến. Thời khóa biểu tu học do đức Phật cùng các đại đệ tử soạn thảo từ trước được ban hành và được tăng đoàn chấp hành nghiêm chỉnh. Buổi sáng vào đầu canh tư có chuông báo thức. Sau khi rửa mặt, các vị khất sĩ bắt đầu thiền tập ngay tại chỗ ngủ của mình. Mọi người thực tập thiền tọa và thiền hành nhiều lần cho đến khi mặt trời lên tới đầu ngọn tre. Sau đó là giờ đi khất thực. Đại chúng chỉ nghỉ đi khất thực vào những ngày có thí chủ cúng dường thực phẩm đầy đủ cho cả tăng đoàn. Vào những ngày này, các vị khất sĩ có thể sử dụng thì giờ buổi sáng để gặp y chỉ sư của mình hầu tham vấn về những điều mình chưa nắm vững trong lãnh vực giáo nghĩa cũng như trong lãnh vực thực hành chỉ (samatha) quán (vipassanà). Y chỉ sư là một vị khất sĩ đã đạt được nhiều tiến bộ trên đường tu tập. Các vị đại đức Kondanna, Assaji, Kassapa, Sàriputta, Moggallàna, Bhaddiya, Vappa, Mahànàma Kulika, v.v... đều là những vị y chỉ sư lớn. Mỗi vị phụ trách hướng dẫn năm sáu mươi vị khất sĩ mới học. Có những vị y chỉ sư hướng dẫn mười người, hai mươi người hoặc ba mươi người. Mỗi vị khất sĩ mới học đều có y chỉ sư của mình. Đó là người huynh trưởng trong đạo mà mình cần nương tựa để học hỏi. Đại đức Uruvelà Kassapa đã cùng đại đức Sàriputta làm công việc phân phối này rất kỹ lưỡng trước ngày an cư.

Vào đầu giờ ngọ, các vị khất sĩ đều có mặt tại tinh xá, đứng thành hàng dài ở sân cỏ cạnh bờ hồ. Sau khi đã được phân phát thức ăn, mọi người ngồi xuống bãi cỏ và bắt đầu thọ trai trong im lặng.

Buổi trai phạn hoàn tất vào cuối ngọ. Sau đó đức Phật thường thuyết pháp cho đại chúng. Có khi ngài giảng dạy cho các vị khất sĩ thì các cư sĩ được dự thính. Có khi ngài giảng dạy cho các cư sĩ thì các khất sĩ được dự thính. Lại có những buổi ngài giảng dạy cho các thiếu nhi thì các cư sĩ và khất sĩ đều dự thính. Thường thường trong các buổi giảng cho trẻ em, đức Phật hay kể lại những chuyện tiền thân của ngài.

Có khi các đại đệ tử đứng ra giảng dạy thay Phật thì Phật ngồi nghe. Sau đó ngài thường chỉ điểm thêm và khen ngợi những phần được chỉ bày rành rẽ. Sau giờ thuyết pháp, giới cư sĩ lần lượt ra về, các tu sĩ được nghỉ ngơi một thời gian. Sau đó chuông lại báo hiệu giờ thiền tọa và thiền hành. Kế đến giờ tự do tham vấn và học hỏi. Đến giờ hợi (21 giờ) là giờ chỉ tịnh, mọi người đều im lặng nghỉ ngơi. Đức Phật và các đại đệ tử thường thiền tọa cho đến giờ tý (canh ba, nửa đêm) và dậy sớm hơn các vị trẻ tuổi.

Vua Bimbisàra rất thường đến Trúc Lâm thăm Phật và tăng đoàn. Ngài chỉ đem theo hoàng hậu Videhi, thái tử Ajàtasattu và vài người hầu cận. Ngài để xe tứ mã và quân hầu ở ngoài cổng và đi bộ vào tinh xá. Có một hôm thấy các vị khất sĩ ngồi dưới mưa để nghe giảng, vua bạch với Phật xin xây cất một giảng đường để các vị xuất gia có thể thọ trai hoặc nghe pháp. Từ ngày giảng đường được xây dựng xong, đời sống trong tinh xá bắt đầu có đủ tiện nghi. Giảng đường rộng lớn, chẳng những có thể che mưa nắng cho 1250 vị khất sĩ mà còn có thể chứa thêm khoảng một ngàn cư sĩ nữa.

Kàludàyi thỉnh Phật về thăm vua Suddhodana[17]

Từ ngày đức Phật thành đạo dưới cội Bồ đề tại Bodhgayà, và thuyết pháp lần đầu tiên tại Vườn Nai (Lộc Uyển) ở Isipatana, tiếng tăm của ngài càng ngày càng loan rộng và truyền đến tai vua Suddhodana (Tịnh Phạn) ở Kapilavatthu. Nhà vua và hoàng tộc rất vui mừng, lòng thương nhớ thái tử Siddhattha lại càng gia tăng. Vua Suddhodana chín lần sai sứ đi thỉnh thái tử Siddhattha về triều. Nhưng tất cả chín vị sứ thần, sau khi nghe Phật thuyết pháp, đều xin xuất gia và đắc quả A-la-hán. Khi đã đắc quả A-la-hán rồi, các ngài không còn thiết tha đến việc trần gian nên không nghĩ đến sứ mạng thỉnh Phật về Kapilavatthu nữa.

Sau chín lần thất vọng, lần này vua Suddhodana cẩn thận dặn dò vị trung thần Kàludàyi (Kala-Udayin), vốn sanh cùng ngày và là bạn thân của thái tử Siddhattha thuở nhỏ, phải ghi nhớ sứ mạng không được sơ suất. Ông Kàludàyi cam kết làm tròn sứ mạng nhưng xin một điều kiện là vua cho phép ông xuất gia theo Phật. Công chúa Yasodharà xin phép vua cho Channa (Xa Nặc) đi theo để nhắc nhở ông Kàludàyi.

Kàludàyi và Channa đến Venuvana (Trúc Lâm) khoảng một tháng sau ngày khai mạc mùa an cư kiết hạ. Kàludàyi và Channa rất sung sướng khi gặp đức Phật trước am của ngài. Đức Phật hỏi thăm về Phụ vương, Hoàng hậu, Yasodharà, Nandà, Sundarì Nandà, Ràhula và tất cả những người thân thuộc. Kàludàyi và cả Channa đã trở thành những người già dặn. Kàludàyi đang giữ chức vụ quan trọng trong triều và đã trở nên một trong những người phụ tá thân tín của vua Suddhodana. Theo lời Kàludàyi thì sức khỏe của vua đã có phần suy giảm, nhưng ngài vẫn còn sáng suốt mặc dù đã 78 tuổi, và hiện nay có nhiều người phụ tá giỏi trong công việc triều chính. Hoàng hậu Gotamì đã 77 tuổi, vẫn còn tráng kiện. Hoàng tử Nandà đã 35 tuổi, nhỏ hơn Phật một tuổi, có đầy đủ 30 tướng tốt, chỉ kém Phật hai tướng bạch hào (lông mày trắng và dài) và trái tai hơi ngắn. Hoàng tử Nandà đã đính ước với một tiểu thư con nhà dòng dõi tên Janapada Kalyani. Sundarì Nandà, em gái Phật, đã trở nên một thiếu nữ kiều diễm. Từ ngày Phật xuất gia, công chúa Yasodharà không còn trang điểm như xưa nữa, bà ăn mặc rất giản dị, bà vẫn tiếp tục công việc giúp đỡ người nghèo khổ và trẻ em bệnh hoạn. Nghe nói Phật ăn chay mỗi ngày một bữa, bà cũng ăn theo như vậy. Ràhula đã trở thành một cậu bé bảy tuổi, xinh đẹp, khỏe mạnh, hai mắt đen láy, thông minh và quả cảm, rất được ông bà nội yêu quý. Cuối cùng Kàludàyi hỏi Phật chừng nào có thể trở về quê hương, tất cả mọi người đang mòn mỏi mong chờ được gặp lại ngài. Đức Phật đáp :

Sau mùa an cư kiết hạ này Như Lai sẽ trở về. Bây giờ đang mùa mưa, đi xa bất tiện. Hơn nữa Giáo đoàn khất sĩ vừa mới thành lập, đang cần sự có mặt của Như Lai để giáo hóa họ. Kàludàyi và Channa hãy ở lại đây chơi độ một tháng rồi sẽ trở về báo tin cho Phụ vương ta hay.

Kàludàyi và Channa lưu lại tinh xá Venuvana như những người khách. Họ làm quen với các vị khất sĩ, quan sát nếp sống thanh tịnh an lạc của người xuất gia, làm quen với giáo lý tỉnh thức và giải thoát. Kàludàyi ngày nào cũng tìm cách gần gũi Phật. Ông nhận thấy Phật lúc nào cũng có vẻ thảnh thơi nhàn hạ, dường như ngài không còn mong muốn hay tìm cầu một cái gì nữa. Phật như một con cá thảnh thơi trong nước, như một đám mây lơ lửng trên không, hoàn toàn an trú trong hiện tại. Đi, đứng, nằm, ngồi, mỗi cử động đều bộc lộ tinh thần thong dong tự tại, hầu như không còn gì có thể ràng buộc hay làm ngài xao động nữa. Kàludàyi bỗng ước ao được sống đời sống thanh tịnh của kẻ xuất gia dưới sự hướng dẫn của Phật. Sau khi được nghe vài thời pháp, ông ngỏ ý xin xuất gia và được Phật chấp thuận.

Channa (Xa Nặc) là một người hầu cận rất trung thành. Thấy Kàludàyi xuất gia, ông cũng muốn được xuất gia. Nhưng ông nghĩ rằng ông không thể xuất gia nếu không được phép của lệnh bà Yasodharà trước. Vì vậy ông tự bảo phải chờ đến khi Phật trở về Kapilavatthu đã.

Phật độ ông Dìghanakha[18]

Một hôm, trong mùa an cư tại Venuvana, đại đức Sàriputta và Moggallàna đưa du sĩ Dìghanakha (Trường Trảo Phạm Chí) đến động Sukarakhata ở Gridhakuta (Linh Thứu) gặp Phật. Du sĩ Dìghanakha là cậu ruột của đại đức Sàriputta. Ông không phải là đệ tử của đạo sư Sanjaya nhưng cũng là một đạo sĩ rất nổi tiếng. Nghe Sàriputta và Moggallàna xuất gia theo Phật, ông tìm đến hỏi thăm về Giáo Pháp của đức Thế Tôn. Hai vị đại đức liền đưa ông đến trực tiếp gặp Phật.

Dìghanakha hỏi :

Thưa sa môn Gotama, ngài dạy Giáo Pháp gì ? Chủ thuyết của ngài ra sao ? Riêng tôi, tôi không thích một chủ trương hay lý thuyết nào hết, vì tôi không tin một chủ trương hay lý thuyết nào hết.

Vậy này Aggivessana, Phật đáp, ông có thích cái chủ trương “không thích” của ông không? Ông có tin cái chủ trương "không tin" của ông không ?

Thưa sa môn Gotama, việc tôi thích hay không thích, tin hay không tin, không quan hệ gì. Tôi chỉ xin ngài nói cho tôi biết chủ thuyết của ngài.

Một khi đã bị kẹt vào một chủ thuyết rồi thì người ta mất hết tự do tư tưởng. Người đó trở nên độc đoán, cho rằng chỉ có chủ thuyết của mình mới là chân lý, còn tất cả những chủ thuyết khác đều là tà đạo. Những tranh chấp và cãi cọ phát sinh từ thái độ cố chấp này có thể kéo dài bất tận, làm mất rất nhiều thì giờ và có thể gây ra xung đột, chiến tranh. Do đó “kiến thủ” là trở ngại lớn lao nhất trên đường tu học.

Kiến thủ là gì ?

Kiến là nhận thức, là quan điểm. Thủ là sự cố chấp. Kiến thủ là cố chấp vào một nhận thức, một quan điểm. Cố chấp như vậy là bị kẹt. Vì bị kẹt cho nên cánh cửa chân lý không còn cơ hội mở ra cho mình nữa.

“Này ông bạn, để tôi kể cho ông bạn nghe câu chuyện này. Có một người lái buôn góa vợ kia đang sống với một đứa con trai tám tuổi. Anh ta rất cưng chiều con, xem đứa nhỏ là lẽ sống của đời mình. Một bữa nọ, trong khi anh ta đi bổ hàng vắng nhà, kẻ cướp đến đốt xóm, cướp bóc và bắt đứa con của anh đi theo. Khi về tới nơi, anh ta thấy thi hài một em bé cháy đen nằm bên căn nhà đã cháy rụi của mình. Anh ta tin ngay rằng con mình đã chết. Anh ta khóc lóc, làm lễ hỏa thiêu thân xác đứa bé, rồi để tro vào một cái túi gấm, đi đâu cũng mang theo bên mình. Mấy tháng sau, đứa con của anh ta thoát được tay kẻ cướp và tìm về nhà cũ lúc nửa đêm. Nó gõ cửa đòi vào. Lúc ấy anh ta đang ôm cái túi gấm đựng tro, than khóc một mình. Anh ta không chịu ra mở cửa, cứ đinh ninh là con mình đã chết thật rồi, và đứa trẻ đang gõ cửa là một đứa trẻ hàng xóm mất dạy nào đó đến trêu chọc anh. Đứa bé kêu mãi không được, tưởng là cha mình đã dời nhà đi nơi khác, nên thất thểu ra đi ... Và người cha khốn khổ kia vĩnh viễn mất đứa con yêu duy nhất.

“Này ông bạn, nếu ta cố chấp vào một chủ nghĩa hay một chủ thuyết và cho đó là chân lý tuyệt đối, ta sẽ lâm vào tình trạng của người cha trẻ kia. Lúc ấy, nếu chân lý có tới gõ cửa tìm ta, ta cũng sẽ từ chối không mở cửa.

Dìghanakha hỏi :

Vậy Giáo Pháp của ngài dạy có phải là một chủ nghĩa hay một chủ thuyết không ? Cố chấp vào nó có phải là kiến thủ không ?

Giáo Pháp của tôi chỉ dạy không phải là một chủ nghĩa hay một chủ thuyết. Nó không do công phu suy luận của trí năng như những chủ thuyết về bản chất của vũ trụ, cho rằng bản chất ấy là lửa, là nước, là đất, là gió hay là thần linh; hoặc cho rằng vũ trụ là hữu hạn, là vô hạn, là hữu biên, là vô biên, v.v... Không, Giáo Pháp tôi dạy không phải là một chủ thuyết xây dựng trên sự suy luận của trí năng. Giáo Pháp tôi dạy là do kinh nghiệm thực chứng. Những gì tôi nói ra đều do tôi đã thực chứng. Và ông bạn cũng có thể kiểm chứng lại bằng kinh nghiệm thực chứng của chính ông bạn. Tôi nói vạn vật là vô thường, không có tự ngã. Điều này tôi đã chứng nghiệm và các bạn cũng có thể chứng nghiệm. Tôi nói vạn vật nương vào nhau mà sinh khởi, tồn tại và hoại diệt, chứ không phải xuất phát từ một nguyên nhân đầu tiên nào hết. Điều này tôi cũng đã chứng nghiệm và các bạn cũng có thể chứng nghiệm. Tôi nói quán chiếu để nhận thức rõ ràng về vô thường, vô ngã và duyên sinh có thể đưa chúng ta đến giải thoát và an lạc. Điều này tôi cũng đã chứng nghiệm và các bạn cũng có thể chứng nghiệm. Những điều tôi nói không có mục đích thuyết minh về vũ trụ mà chỉ có mục đích hướng dẫn sự thực tập để chứng nghiệm thực tại. Lời nói không diễn tả được thực tại. Chỉ có kinh nghiệm trực tiếp mới giúp ta nhận thức đúng thực tại.

Hay lắm, hay lắm, sa môn Gotama! Nhưng nếu có người cho rằng Giáo Pháp của ngài là một chủ thuyết thì sao ?

Này Aggivessana, câu hỏi của ông hay lắm. Giáo Pháp của tôi không phải là một chủ thuyết do trí năng tạo ra, nhưng sau này, và ngay cả bây giờ, đã có những người xem Giáo Pháp ấy như một chủ thuyết. Tôi cần xác định rõ : Giáo Pháp của tôi là một phương tiện đi vào thực tại, chứ không phải để mô tả thực tại. Cũng như ngón tay chỉ mặt trăng. Phải nương ngón tay để thấy mặt trăng, chứ ngón tay không phải là mặt trăng. Giáo Pháp của tôi là để thực tập, thực hành để đi đến thực chứng, chứ không phải để tôn thờ, hoặc để bàn luận và ca ngợi. Giáo Pháp của tôi là chiếc bè đưa người qua sông mê bể khổ, đến bờ giác ngộ giải thoát. Khi đến bờ rồi thì chiếc bè đó trở thành vô dụng.

Xin đức Thế Tôn chỉ bày cho tôi con đường vượt qua những cảm thọ sầu khổ.

Này Dìghanakha, ông hãy nghe kỹ. Cảm thọ có ba loại: cảm thọ dễ chịu (lạc thọ), cảm thọ khó chịu (khổ thọ) và cảm thọ trung tính (xả thọ). Cả ba loại cảm thọ đều có gốc rễ hoặc trong thân thể, hoặc trong tâm ý và nhận thức. Các cảm thọ đều có sinh có diệt như bất cứ hiện tượng tâm lý hay vật lý nào. Phương pháp tôi chỉ bày là phương pháp quán chiếu. Quán chiếu để thấy rõ bản chất và nguồn gốc của các cảm thọ, dù là lạc thọ, khổ thọ hay xả thọ. Một khi đã nhận thức rõ ràng bản chất và nguồn gốc của các cảm thọ là vô thường, vô ngã, duyên sinh, không thật, thì tâm nhàm chán xa lìa các cảm thọ phát sanh; do đó các cảm thọ lần hồi sẽ mất tác dụng của chúng. Các cảm thọ đau khổ của con người đều bắt nguồn từ nhận thức sai lầm về thực tại. Một khi vô minh đã diệt, giác ngộ hiện tiền, thì mọi đau khổ đều tan biến. Điều này chỉ có thể đạt được bằng cách thực hành thiền quán chứ không thể nhờ cầu nguyện và cúng tế[19].

Trong khi Phật giảng cho du sĩ Dìghanakha thì các vị Sàriputta, Moggallàna, Nàgasamàla, Kàludàyi và Channa đều có mặt. Nhưng đại đức Sàriputta là người thấu hiểu sâu sắc nhất. Ngài thấy tâm trí sáng lên, liền đắc quả A-la-hán. Không ngăn được xúc cảm, ngài chấp tay sụp xuống lạy Phật. Đại đức Moggallàna và du sĩ Dìghanakha cũng sụp xuống đảnh lễ Phật. Dìghanakha xin được xuất gia theo Phật. Kàludàyi và Channa được chứng kiến cảnh này cũng rất xúc động, lòng thành kính và tin tưởng đối với Phật càng gia tăng.

Vài hôm sau hoàng hậu Videhi đưa thực phẩm đến Venuvana cúng dường. Bà đem theo một cây bông sứ để trồng bên cạnh am của Phật. Hoàng hậu nhớ mãi câu chuyện tiền thân về cây bông sứ mà Phật đã kể cho trẻ em nghe trong đền vua.

Dư luận chống đối Phật tại Ràjagaha[20]

Phật đến Ràjagaha (Vương Xá) chưa đầy một năm mà danh tiếng ngài đã vang dội gần xa với sự thành lập tinh xá Venuvana (Veluvana,Trúc Lâm), sự quy y Tam Bảo của vua Bimbisàra, sự xuất gia của ba anh em ông Uruvelà Kassapa cùng với một ngàn đệ tử, sự xuất gia của Sàriputta (Xá Lợi Phất), Moggallàna (Mục Kiền Liên) cùng với gần hết đệ tử của Sanjaya và rất nhiều thanh niên trai tráng trong vùng. Lục sư ngoại đạo mất sự ủng hộ của vua và quần chúng, bắt đầu chỉ trích và nói xấu Giáo đoàn khất sĩ : Sa môn Gotama đã mê hoặc quần chúng bằng một Giáo Pháp xa lạ làm cho cha mất con, không người nối dõi, vợ mất chồng, phải sống cô đơn, gia đình tan rã, ruộng vườn thiếu người canh tác. Những người chống đối, mỗi khi gặp các khất sĩ, họ đọc lên bài vè sau đây :

“Sa môn Gotama

“Đến thủ đô Magadha

“Lấy hết đệ tử của Sanjaya

“Rồi sắp đến phiên ai nữa ?

Các vị khất sĩ mỗi khi vào thành khất thực, nghe dư luận nói xấu trên và nghe đọc bài vè, lấy làm khó chịu, về bạch lại với Phật, xin Phật có biện pháp đối phó. Đức Phật bảo :

Này các vị khất sĩ, các thầy chớ buồn phiền về những dư luận đó. Chỉ trong vòng bảy ngày những dư luận đó sẽ im bặt. Nếu có ai đọc bài vè trên thì các thầy hãy đọc bài kệ sau đây :

“Thánh nhân Giác ngộ ra đời

“Dạy Pháp cao thượng cho người;

“Ai dám xầm xì chế nhạo

“Thánh nhân truyền dạy Luật Trời ?

Quả nhiên sau bảy ngày, dư luận trên không còn nữa. Nhưng nhóm Lục sư ngoại đạo lần lượt rời thủ đô Ràjagaha xứ Magadha, dời đến thủ đô Sàvatthi xứ Kosala, mong tìm được sự ủng hộ của vua Pasenadi và dân chúng nơi đó.

Ambapàli gặp Phật[21]

Vào đầu tháng mười năm 588 trước tây lịch, khi mùa an cư gần mãn, có một thiếu phụ rất đẹp đến Venuvana (Trúc Lâm) xin gặp Phật. Nàng đi xe song mã màu trắng, cả hai con ngựa cũng màu trắng. Thiếu phụ bước xuống xe, nàng trang sức cực kỳ lộng lẫy với dáng điệu rất quý phái. Một khất sĩ trẻ tuổi đưa nàng từ cổng tinh xá đến trước am Phật. Gặp lúc Phật đang đi thiền hành, vị khất sĩ mời thiếu phụ ngồi xuống cái ghế tre đặt trước sân.

Một lát sau Phật về tới, cùng với Sàriputta, Kàludàyi và thầy thị giả[22]Nàgasamàla. Thiếu phụ đứng dậy vái chào. Đức Phật mời hai người ngồi xuống, rồi tự mình ngồi vào chiếc ghế thứ hai được đặt sẵn.

Mặc dù đã quen sống trong triều nội, Kàludàyi chưa bao giờ thấy một người đàn bà xinh đẹp lộng lẫy và duyên dáng như thế. Thầy mới xuất gia được một tháng nên rất bỡ ngỡ, không biết nhìn ngắm một người đàn bà đẹp như vậy có đúng phép không. Thầy thị giả Nàgasamàla cũng có phản ứng như thế. Cả hai thầy đều nhìn xuống đất. Chỉ có Phật và Sàriputta nhìn thẳng vào mặt thiếu phụ mà thôi. Sàriputta nhìn thiếu phụ rồi quay sang nhìn Phật. Thầy thấy sắc diện Phật hiền lành trong sáng như mặt trăng rằm. Hào quang tự tại và an lạc của Phật thấm vào lòng thầy.

Ambapàli cũng đang nhìn Phật. Bà chưa thấy ai nhìn bà như vậy bao giờ. Từ trước đến nay mỗi khi có một người đàn ông hay một thanh niên nhìn bà, bà đều thấy trong ánh mắt người đó một thoáng bối rối, một thoáng mơ ước, hoặc một dự tính chiếm hữu. Phật đang nhìn bà như nhìn một đám mây, một dòng sông hay một đóa hoa. Hình như ngài thấy được những cảm nghĩ sâu kín trong tâm hồn bà. Ambapàli chắp tay bạch :

Con là Ambapàli, con đã được nghe nói về thầy và con rất ao ước được có duyên lành tới học hỏi cùng thầy.

Tốt lắm, vậy mỗi khi rỗi rảnh bà cứ tự tiện tới Venuvana để học hỏi với quý thầy.

Ambapàli đã tưởng rằng Phật chỉ là một đạo sư nổi tiếng như những đạo sư nổi tiếng khác mà bà đã từng gặp. Nhưng không, bà chưa từng gặp một đạo sư nào như Phật. Bà chưa thấy ai có tư cách đáng kính phục và quý mến như Phật. Qua cái nhìn dịu hiền và từ ái của Phật, bà có cảm tưởng như ngài đã thấu hiểu tất cả những tâm sự khổ đau thầm kín của bà, bà không cần phải nói ra. Được gần Phật, bà cảm thấy vơi bớt rất nhiều nỗi khổ. Một giọt nước mắt ứa ra trên khóe mi, bà nói :

Lạy thầy, đời con khổ lắm. Tuy rằng con không thiếu thốn gì về phương diện vật chất, nhưng con chưa bao giờ có được một niềm tin. Hôm nay là ngày sung sướng nhất của đời con.

Ambapàli năm nay độ 32 tuổi. Nàng là một ca nhi già giặn, tài ba, sắc sảo, nhưng nàng không hát cho bất cứ ai. Những người mà nàng nhận thấy thiếu phong độ và tư cách thì dù có trả bao nhiêu tiền nàng cũng từ chối. Từ năm 16 tuổi, nàng đã gặp một cuộc tình duyên trắc trở làm cho nàng đau khổ. Nỗi khổ càng tăng với lòng ganh ghét và thù hận. Nàng quý tự do như bảo vật duy nhất còn lại trong đời nàng. Cho nên từ ấy đến nay chưa ai trói buộc được nàng.

Phật bảo Ambapàli :

Nhan sắc cũng chịu luật sinh diệt và cũng sẽ tàn phai theo thời gian như bao nhiêu hiện tượng khác. Của cải và sự giàu sang cũng vậy. Chỉ có niềm an lạc và cái tự do do công phu thiền định và quán chiếu đem tới mới là hạnh phúc chân thật mà thôi. Này Ambapàli, đã đến lúc bà phải tập sống đời sống tỉnh thức an lạc. Phải quý trọng từng giây phút còn lại của đời mình, đừng lãng phí đời bà trong sự vui chơi để tìm quên lãng. Điều này rất quan trọng cho hạnh phúc của bà.

Rồi Phật dạy cho Ambapàli cách tổ chức lại cuộc sống hằng ngày, cách hành trì năm giới, cách thở, cách ngồi thiền, cách sử dụng thì giờ, cách cúng dường và làm việc phước thiện. Ambapàli sung sướng ngồi nghe những lời dạy quý báu của Phật. Cuối cùng, trước khi từ giã Phật, bà nói :

Tại ngoại ô thành Vesàlì, con có một vườn xoài rất mát mẻ và thanh tịnh ở làng Amvara. Con mong thầy và chư vị khất sĩ, trên đường đi hoằng hóa, có dịp ghé nơi ấy nghỉ ngơi. Điều đó sẽ là một vinh hạnh lớn cho con. Kính xin đức từ bi hoan hỉ nhận lời.

Phật mỉm cười nhận lời. Bà Ambapàli đi rồi, thầy Kàludàyi xin phép được ngồi xuống bên Phật. Thầy thị giả mời đại đức Sàriputta ngồi trên chiếc ghế còn lại, còn thầy thì khoanh tay đứng hầu sau lưng Phật. Một số khất sĩ đang đi thiền hành gần đấy, thấy khung cảnh ấm cúng cũng ghé vào. Đại đức Sàriputta mỉm cười nhìn Kàludàyi và thầy thị giả Nàgasamàla rồi hỏi Phật :

Thưa Thế Tôn, người xuất gia nên có thái độ nào đối với phái nữ ? Sắc đẹp của phái nữ có phải là một trở ngại cho công phu tu tập không ?

Phật nhìn Nàgasamàla và các vị khất sĩ trẻ, đáp :

Này các thầy, tự tính của vạn vật không có đẹp xấu. Đẹp xấu là do cảm thọ hay nhận thức của mỗi người tùy nghiệp riêng của mình mà phát sanh. Do nhãn căn tiếp xúc với sắc trần mà sanh ra nhãn thức. Nhãn thức tùy nghiệp của mỗi người mà sanh ra cảm thọ dễ chịu hay khó chịu. Cảm thọ dễ chịu sanh ra ý niệm đẹp, Cảm thọ khó chịu sanh ra ý niệm xấu. Một nghệ sĩ và một nông dân chất phác có quan niệm khác nhau về đẹp và xấu. Do đó, tùy theo quan niệm của mỗi người mà một dòng sông, một đám mây, một chiếc lá, một bông hoa, một tia nắng sớm, một buổi chiều vàng có vẻ đẹp khác nhau. Nhưngkhông có sắc đẹp nào có thể trói buộc và làm mất ý chí của nam nhi bằng sắc đẹp của người phụ nữ. Không có thanh, hương, vị, xúc nào làm say đắm tâm trí đàn ông bằng thanh, hương, vị, xúc của đàn bà. Tham đắm vào nữ sắc thường làm mất chí nguyện và sự nghiệp lớn lao của nam giới. Vì vậy Như Lai muốn căn dặn quý thầy hãy rất cẩn thận đối với nữ sắc (Tăng Chi Bộ, chương 1 pháp, kinh 1: Nữ sắc).

Đối với những người đã đạt đạo, đã tự giải thoát ra khỏi sự khống chế của cảm thọ, ái dục và ý thức, đã vượt ra ngoài những ý niệm đối đãi đẹp/xấu, hay/dở, phải/quấy thì mọi việc đều được dễ dàng, mỗi lời nói, cử chỉ, hành động đều hợp Chánh Pháp. Nhưng đối với những người tu hành chưa đủ công phu, quán chiếu chưa được thuần thục, định tuệ chưa đủ sức mạnh, thì Như Lai khuyên họ không nên gần gũi nữ sắc, mà phải để hết thì giờ vào việc học hỏi và thiền tập. Chỉ có cái đẹp của tâm giải thoát và lòng từ bi là cái đẹp vĩnh cửu mang đến cho ta niềm an lạc chân thật.

Kàludàyi, Nàgasamàla và các vị tỳ kheo có mặt đều rất sung sướng được nghe lời Phật dạy.

Khi mùa an cư hoàn mãn, vào ngày trăng tròn tháng Assayuja, Phật bảo Kàludàyi và Channa về Kapilavatthu trước để báo tin cho vua Suddhodana và Yasodharà hay ngày Phật trở về.

Phật về Kapilavatthu, ngụ tại vườn Nigrodha[23]

Về đến Kapilavatthu, Kàludàyi vào cung báo tin ngày về của Phật cho vua Suddhodana, hoàng hậu Pajàpati và Yasodharà. Rồi thầy lại một mình ôm bát ra đi trở về hướng đông nam để đón Phật. Thầy áp dụng phép khất thực của giáo đoàn khất sĩ, ngày đi đêm nghỉ, chỉ dừng lại các thôn xóm vào giờ khất thực mà thôi. Tới đâu thầy cũng báo tin là thái tử Siddhattha xuất gia thành đạo sắp trở về. Đi được chín hôm thì thầy gặp Phật và đoàn khất sĩ. Mừng rỡ, thầy gia nhập phái đoàn và cùng đi về Kapilavatthu. Chỉ có đại đức Sàriputta và khoảng ba trăm khất sĩ theo Phật, còn những vị khác ở lại Venuvana với đại đức Moggallàna, Kondanna và Uruvelà Kassapa. Đức Phật và giáo đoàn đi đến đâu cũng được dân chúng tiếp đón niềm nở.

Sau 60 ngày đường, ngày đi đêm nghỉ, đức Phật và giáo đoàn về đến Kapilavatthu, ngụ tại công viên Nigrodha (Ni Câu Đà) ngoài cổng thành. Sáng hôm sau, Phật và tăng đoàn ôm bát vào kinh thành khất thực. Cảnh tượng ba trăm vị khất sĩ khoác áo cà-sa vàng, tay ôm bình bát, lặng lẽ trang nghiêm đi khất thực trong thành phố đã gây một ấn tượng lớn trong lòng người thủ đô. Chẳng mấy chốc tin này được báo vào hoàng cung. Vua Suddhodana, hoàng hậu Pajàpati và công chúa Yasodharà được báo rằng thái tử Siddhattha hiện đang đi xin ăn trong thành với hằng trăm khất sĩ khác. Vua truyền đánh xe đưa ngài đi gặp thái tử. Hoàng hậu và hai mẹ con Ràhula hồi hộp ngồi chờ trong cung. Xa giá vừa đến cổng thành thì gặp đoàn khất sĩ. Vị võ quan hầu cận bên vua nhận ngay ra thái tử.

Tâu bệ hạ, vị khất sĩ đi đầu kia đúng là thái tử.

Vua chợt nhận ra con mình. Dáng điệu của Phật uy nghi, từ tốn, đang ôm bình bát đứng trước một căn nhà nghèo nàn. Ngài đứng trang nghiêm, lặng lẽ, làm như việc xin ăn là việc quan trọng nhất trong đời. Một thiếu phụ ăn mặc xềnh xoàng từ trong nhà bước ra, tay cầm một củ khoai, quỳ xuống lễ dưới chân Phật rồi kính cẩn đặt củ khoai vào trong bình bát. Đức Phật kính cẩn nghiêng mình đáp lễ, rồi lặng lẽ từ giã, bước sang ngôi nhà bên cạnh.

Vua bước xuống xe đi thẳng về phía Phật. Đức Phật cũng vừa nhận thấy nhà vua. Đôi mắt nhìn nhau đầy tình thương trìu mến. Nhà vua không dằn được xúc động, gọi:

Siddhattha !

Phụ vương !

Phật trao bình bát cho thầy thị giả, rồi nắm lấy hai tay vua cha trong tay mình. Hai giọt nước mắt từ từ lăn xuống trên đôi má nhăn nheo của vua. Đức Phật nhìn vua với đôi mắt dịu dàng, đầm ấm để an ủi người. Vua biết rằng Siddhattha bây giờ không còn là một đông cung thái tử nữa mà là một sa môn, một đạo sư tên tuổi với hằng ngàn đệ tử. Nhà vua muốn ôm Phật vào lòng, nhưng biết làm như vậy không ổn. Cuối cùng vua chấp tay nghiêng mình đảnh lễ Phật theo thể thức của một vị quốc vương làm lễ một vị đạo sĩ. Vị võ quan hầu cận cũng bắt chước vua chấp tay nghiêng mình đảnh lễ Phật. Đức Phật đáp lễ rồi quay sang nói với đại đức Sàriputta :

Thầy hãy tiếp tục hướng dẫn tăng đoàn đi khất thực, rồi trở về công viên Nigrodha thọ thực và an nghỉ. Như Lai và Nàgasamàla vào thăm hoàng gia, thọ ngọ trai tại đó và chiều nay chúng tôi sẽ trở về với quý thầy.

Đại đức Sàriputta nhận lệnh xong, nghiêng mình đảnh lễ vua và Phật rồi lui gót. Vua nhìn Phật nói với vẻ trách móc :

Ta tưởng con về tới là vào cung ngay để thăm cha mẹ vợ con rồi ăn cơm luôn. Sao con không về thẳng hoàng cung mà lại đi khất thực ngoài phố?

Thưa Phụ vương, con đâu có đi một mình. Còn có cả giáo đoàn khất sĩ theo con, con có trách nhiệm hướng dẫn nơi ăn chốn ở và sinh hoạt của giáo đoàn.

Nhưng sao con làm mất mặt hoàng gia như thế ? Sao con lại phải xin ăn tại những nhà nghèo hèn như thế ? Dòng họ Sàkya từ đời vua Mahà Sammàta (Đại Mao Thảo) đến nay có ai làm như thế đâu !?

Thưa Phụ vương, dòng họ vua chúa thì không ai làm như thế, nhưng chư Phật và dòng họ khất sĩ từ đời Phật Dìpankara (Nhiên Đăng) đến đời Phật Kassapa (Ca Diếp) thì ai cũng làm như thế. Thưa Phụ vương, đi khất thực cũng là một pháp môn tu nhằm thực hiện tinh thần khiêm cung và bình đẳng. Khi con nhận một củ khoai của một gia đình nghèo khổ, con cũng phải có thái độ cung kính như khi con nhận một món ăn sang trọng do một vị đế vương cúng dường, vì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có khả năng đạt tới giải thoát và giác ngộ. Trong xã hội có nhiều sự chênh lệch về tài sản và quyền thế. Trong Giáo Pháp mà con tìm ra thì mọi người đều bình đẳng vì đều có đầy đủ khả năng giác ngộ thành Phật. Thưa Phụ vương, đúng vậy, chính Phụ vương cũng có đầy đủ khả năng giác ngộ thành Phật, con mong Phụ vương từ nay dõng mãnh thực hành lối sống thanh tịnh của thánh nhân. Bất cứ ai sống đời đạo đức thánh thiện đều sẽ được nhiều hạnh phúc ngay trong đời này và cả đời sau nữa(Kinh Pháp cú, bài 168).

Nghe Phật nói xong, vua Suddhodana liền đắc quả Tu-đà-hoàn. Vua ngạc nhiên và vui mừng nhận ra con mình bây giờ đã trở nên một vị lãnh đạo tinh thần đáng kính. Hai cha con lặng lẽ đi bên nhau trở về hoàng cung.

Trong khi ấy hoàng hậu Gotamì, công chúa Yasodharà, công chúa Sundarì Nandà và Ràhula đang đứng trên lầu cao nhìn xuống, thấy tất cả những gì đang xảy ra. Khi vua và Phật về gần đến hoàng cung, Yasodharà, một tay nắm lấy tay con, một tay chỉ Phật và bảo :

Này Ràhula, con có thấy ông thầy tu đang đi bên cạnh ông nội đó không?

Dạ, con có thấy.

Người ấy là cha của con đó. Con chạy xuống chào cha con đi. Cha con có gia tài quý báu lắm. Con xuống hỏi cha xin gia tài của con đi.

Ràhula nghe lời mẹ chạy xuống lầu, băng qua sân chầu, chạy đến cổng hoàng cung, nắm lấy tay Phật, vừa thở vừa nói :

Ông thầy tu ơi, mẹ con bảo xuống hỏi ông xin gia tài. Gia tài của con đâu, ông đưa cho con đi.

Đức Phật ngồi xuống ôm Ràhula vào lòng, nói :

Gia tài của con hả ? Được rồi, thong thả rồi cha sẽ trao cho.

Đức Phật, tay trái nắm tay Ràhula, tay phải cầm tay vua cha, cả ba người tiến vào hoàng cung.

Hoàng hậu Gotamì lên tiếng bảo Yasodharà và Sundarì Nandà cùng xuống sân chầu đón vua và Phật. Yasodharà thưa :

Thưa mẫu hậu, thái tử ra đi giữa đêm khuya không một lời từ giã con. Suốt bảy năm nay cũng không hề có nhắn tin tức gì về cho con. Mọi tin tức về thái tử đều do con thăm dò mà biết. Vậy bây giờ thái tử về đây, nếu còn thương nghĩ đến con thì hãy vào cung tìm con.

Hoàng hậu Gotamì tìm lời an ủi Yasodharà rồi bảo Sundarì Nandà cùng mình xuống sân chầu. Vừa tới sân chầu, thấy vua và Phật đi vào vườn thượng uyển, hai người cùng đi theo vào.

Trời bắt đầu mùa nắng ấm. Trong vườn thượng, trăm hoa đua nhau khoe sắc. Chim chóc líu lo trên cành. Cảnh vật thật vui tươi mừng ngày đoàn tụ. Vừa thấy hoàng hậu Gotamì và Sundarì Nandà bước đến, Phật chào hỏi :

Thưa mẹ ! Em Sundarì ! Còn Yasodharà và em Nandà[24]đâu ?

Em con đang đi tập võ, chắc nó cũng sắp về tới. Còn Yasodharà thì phiền trách con ra đi không một lời từ giã nó, và suốt bảy năm nay con không hề có tin tức gì về thăm nó. Nó nói nếu con còn nghĩ đến nó thì hãy vào cung mà gặp. Tội nghiệp ! Yasodharà là một người đàn bà rất can đảm. Sau khi con đi, có nhiều hoàng thân quý tộc dòng Ksatriya[25]ngắm nghé đến hỏi nhưng nó đều từ chối. Khi nghe tin con sống đời tu sĩ thì nó cũng cổi hết vòng vàng châu báu và đắp y vàng. Nó thường theo dõi tin tức con và rất đau buồn trong thời gian con tu khổ hạnh tại Uruvelà. Khi được biết con chỉ ăn mỗi ngày một bữa, nó cũng ăn mỗi ngày một bữa; khi được biết con không nằm giường cao, nó cũng nằm dưới thấp. Yasodharà quả là một thiếu phụ đáng thương, tiết hạnh vẹn toàn.

Thưa mẹ, con biết. Mẹ và Yasodharà là hai người phụ nữ can đảm và đức hạnh. Chốc nữa con sẽ vào thăm Yasodharà. Chà em Sundarì Nandà chóng lớn quá !

Siddhattha, vua nói, con hãy kể lại cho mọi người nghe về những năm con đi tìm thầy học đạo, tu khổ hạnh và thành đạo như thế nào. Ai cũng mong muốn biết rõ con sống như thế nào trong bảy năm qua.

Vâng lời vua, Phật bắt đầu kể sơ lược lúc ngài rời hoàng thành ra đi, lúc học với đạo sư Àlàra Kàlàma và đạo sư Uddaka Ràmaputta, lúc tu khổ hạnh tại Uruvelà với năm anh em ông Kondanna, lúc ngài thành đạo dưới cội cây Pippala (cây Bồ-đề), lúc ngài chuyển Pháp luân tại Isipatana, lúc ngài gặp lại vua Bimbisàra và được vua tổ chức một buổi cúng dường vĩ đại và tặng ngự uyển Venuvana để làm tinh xá tu học cho tăng đoàn. Tiếng Phật đầm ấm. Ngài kể khái quát những gì đã xảy ra, và nhân cơ hội này ngài gieo những hạt giống Chánh Pháp vào lòng những người thân đang lắng nghe. Đức Phật vừa kể xong thì nhà vua đắc quả Tư-đà-hàm (Sakadàgàmi) và hoàng hậu Mahà Pajàpati đắc quả Tu-đà-hoàn (Sotàpatti). Nandà, em cùng cha khác mẹ với Phật cũng vừa về tới. Đức Phật nhìn Nandà bảo :

Em về rồi đó à! Chà, trông em lúc nào cũng vui tươi và khoẻ mạnh. Em đã đính hôn rồi phải không ? Bao giờ thì làm lễ cưới ?

Dạ, mọi người chờ anh về vài hôm sẽ làm lễ cưới. Em trông anh cũng khác xưa lắm.

Phải đấy, hoàng hậu Gotamì nói, Cha con chờ con về để làm lễ tấn phong Nandà làm thái tử cùng một lúc với lễ cưới Janapada Kalyani làm vợ.

Hoàng hậu Gotamì bảo Nandà nên chắp tay xá Phật theo cách lễ một đạo sĩ. Nandà vui vẻ làm theo. Theo lệnh của hoàng hậu Gotamì, bữa ăn chay thịnh soạn được dọn ra ngay trong vườn thượng vào đầu giờ ngọ. Vua hỏi :

Hồi nãy hai thầy đã khất thực được những gì rồi ?

Dạ, con mới được có một củ khoai. Còn thầy Nàgasamàla thì chưa được gì hết.

Vậy để ta cúng dường hai thầy.

Vua đứng dậy để sớt thức ăn vào bát cho Phật và thầy Nàgasamàla. Đức Phật, thầy Kàludàyi và thầy Nàgasamàla chú nguyện xong, mọi người thọ thực trong im lặng giữa tiếng chim hót líu lo trên cành.

Cơm nước xong, hoàng hậu Pajàpati Gotamì khuyên Phật nên vào cung thăm Yasodharà. Đức Phật cùng thầy Kàludàyi và thầy thị giả Nàgasamàla đến phòng Yasodharà. Đức Phật ngồi vào chỗ đã dọn sẵn cho ngài. Ngài nói với mọi người hãy để công chúa đảnh lễ theo ý thích, không nên nói gì. Công chúa Yasodharà và các thị nữ đều mặc y phục màu vàng, đến đảnh lễ dưới chân Phật. Xong, công chúa cung kính ngồi lại một bên, hai giọt lệ chảy dài trên má. Đức Phật khen ngợi đức hạnh của bà và thuật lại câu chuyện Canda Kinnara (Tiểu Bộ, Jàtaka 485) về mối tình thần tiên giữa ngài và công chúa trong một tiền kiếp, và nhắc lại lời hứa của công chúa trong một kiếp khác, lúc hai người mang bảy hoa sen cúng đức Phật Dìpankara (Nhiên Đăng). Trong kiếp ấy công chúa hứa với Sumedhà (tiền thân đức Phật) rằng nếu nàng được kết duyên với Sumedhà thì khi chàng muốn xuất gia, nàng sẽ hết lòng giúp đỡ chứ không cản trở. Nhờ thần lực của đức Phật, Yasodharà nhớ lại rõ ràng lời hứa của mình, không còn buồn phiền nữa.

Đức Phật, Yasodharà, thầy Kàludàyi và thầy Nàgasamàla trở ra vườn thượng gặp lại vua và hoàng hậu. Mọi người lại có dịp hỏi Phật những điều họ còn chưa hiểu rõ về cuộc sống của Phật và giáo lý của ngài. Cuối cùng, hoàng hậu Pajàpati Gotamì khuyên Phật về ngụ trong hoàng cung, nhưng Phật bảo ngài phải cùng ở bên cạnh giáo đoàn khất sĩ tại công viên Nigrodha, và như vậy tiện hơn. Vua hỏi thăm Phật về cách thức sửa sang và xây cất thêm trong vườn Nigrodha để tăng đoàn có đủ tiện nghi, và ngài cũng có ý tổ chức một đại lễ cúng dường như vua Bimbisàra ở nước Magadha để tất cả triều thần, nhân sĩ và đại chúng được nghe Phật giảng bày Giáo Pháp. Đức Phật đồng ý.

Mặt trời đã xế bóng. Đức Phật đứng lên từ giã để trở về công viên Nigrodha. Vua truyền đem xe tứ mã ra đưa Phật đi, nhưng ngài từ chối, bảo rằng tất cả khất sĩ đều đã lập hạnh chỉ đi bộ mà thôi.

Vua Suddhodana ra lệnh cho dân chúng treo cờ, kết hoa để làm lễ tấn phong Thái tử và lễ cưới cho Nandà, đồng thời rước Phật và giáo đoàn đến hoàng cung thọ trai. Công viên Nigrodha được sửa sang để có đủ tiện nghi về vệ sinh, thời tiết và sinh hoạt cho giáo đoàn. Dân chúng và một số nhân sĩ đã bắt đầu lui tới công viên để cúng dường, giúp các công tác xây dựng, và học hỏi giáo lý. Thái tử Nandà đã đến thăm Phật được hai lần vào buổi chiều, và đã nghe Phật giảng dạy cho những điều căn bản trong giáo lý giác ngộ và giải thoát. Nandà rất thương kính Phật, và cảm thấy thích nếp sống an vui thanh tịnh của các vị khất sĩ. Nhưng khi về đến cung điện, được ở bên cạnh công chúa Janapada Kalyani đáng yêu đáng quý thì không còn ý nghĩ xuất gia nữa. Chàng rất phân vân tự hỏi không biết nên chọn con đường nào.

Đến ngày đại lễ, cả thủ đô tưng bừng náo nhiệt, treo cờ, kết hoa, y phục đủ màu rực rỡ. Người ta vui vẻ, nô nức tập họp dọc theo hai bên đường mà Phật và giáo đoàn sẽ đi qua từ công viên Nigrodha đến hoàng thành. Ai cũng muốn nhìn thấy Phật. Trong hoàng cung hằng ngàn tân khách gồm các nhân sĩ chính trị, văn hóa, tôn giáo đã tề tựu đầy đủ. Hoàng hậu Gotamì và Yasodharà đích thân điều khiển cuộc tiếp đãi. Mọi người đều trang phục lộng lẫy.

Đức Phật và ba trăm khất sĩ mặc áo cà-sa vàng, tay ôm bình bát, im lặng, trang nghiêm, bước từng bước khoan thai, tiến dần đến cổng thành mở rộng. Vua Suddhodana và các đại thần ra tận cổng thành đón Phật. Khi đức Phật sắp đến cổng thành thì các vị cao niên ngã mạn dòng Sàkya bảo nhau :

Vị sa môn kia chẳng qua chỉ vào hàng con cháu của chúng ta thôi. Vậy hãy để bọn trẻ tuổi chào đón đạo sĩ, chúng ta đã già rồi, cứ ngồi yên một chỗ cũng được.

Đức Phật biết được, e rằng sự cống cao ngã mạn trước một vị Phật sẽ làm cho các vị ấy mất nhiều phước đức và không còn đủ sáng suốt và chú tâm để nghe Phật giảng giáo lý cao thượng. Đức Phật bèn dùng thần thông Yàmaka Patihariya[26], bay lên giữa lừng trời, thân mình vừa phún ra lửa (màu đỏ) vừa phún ra nước (màu xanh) từ các lỗ chân lông, rồi ngài từ từ đi trên cầu vòng năm màu đến cổng thành đáp xuống cùng một lúc với đám mưa phùn nhẹ nhàng mát mẻ.

Vua Suddhodana kính cẩn chấp tay đảnh lễ Phật và thầm nhủ rằng đây là lần thứ ba[27]cha đảnh lễ con. Tất cả các vị hoàng thân, lòng ngã mạn tiêu tan, đều noi gương vua, cung kính đến lễ Phật.

Sau lễ tấn phong Thái tử và lễ cưới của Nandà và Janapada Kalyani, vua Suddhodana thỉnh Phật đến ngồi trên một bành ghế cao đã dọn sẵn. Khi Phật và các vị khất sĩ đã an tọa, vua ra hiệu cho các người hầu mang thức ăn ra cúng dường. Chính tay vua sớt thức ăn vào bát của Phật và thầy Sàriputta. Trong khi hoàng hậu và Yasodharà hướng dẫn quân hầu thừa tiếp các vị khất sĩ và quan khách, trong đó có nhiều đạo sĩ Bà-la-môn, các du sĩ và cả các tu sĩ khổ hạnh. Tất cả đều thọ trai trong im lặng.

Khi mọi người đã thọ trai xong, bát của Phật và chư vị khất sĩ được quân hầu rửa, lau và giao trả lại cho từng người. Vua Suddhodana đứng dậy chấp tay thỉnh Phật thuyết pháp. Đức Phật ngồi im lặng một lát để quán chiếu tâm ý của đại chúng. Rồi ngài bắt đầu nói kinh Vessantàra Jàtaka[28], thuật lại nhân duyên đời trước lúc Phật làm vua Vessantàra (Hộ Minh), thác sanh về cõi trời Tusita (Đâu Suất) rồi giáng sanh tại Kapilavatthu. Kế đó đức Phật nói sơ lược về ý chí tìm đạo, kinh nghiệm học đạo và tu tập của mình. Rồi ngài khai thị cho đại chúng về tính cách vô thường, vô ngã và duyên sinh của vạn vật. Khi thấy đại chúng đã tiếp nhận được quan niệm mới mẻ này rồi, ngài giảng tiếp về Tứ Diệu Đế: nhận thức sự có mặt của đau khổ trong cuộc sống, chỉ rõ nguyên nhân của đau khổ là vô minh và tham ái, chỉ rõ sự hiện hữu của cảnh giới an lạc niết bàn, và con đường tu tập để diệt khổ hầu tiến tới cảnh giới an lạc niết bàn. Đó là con đường tỉnh thức, giác ngộ và giải thoát, đưa đến hạnh phúc chân thật. Đức Phật xác nhận rằng những điều ngài vừa trình bày đều do ngài thực chứng khi ngài đạt được Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh và Lậu Tận Minh trong đêm thành đạo dưới cội Bồ-đề. Đó là những thực tại do ngài trực nhận bằng Tam minh (Tevijjo) của trí bát-nhã, chứ không phải do óc suy luận. Để kết thúc, đức Phật nói tiếp :

Thưa Đại vương và quý vị, tất cả mọi khổ đau của ta đều bắt nguồn từ vô minh, cố chấp, tham ái. Muốn thoát khỏi khổ đau phải diệt trừ vô minh, cố chấp và tham ái bằng cách dùng trí tuệ quán chiếu muôn vật đúng như thật. Người chưa đủ trí tuệ phải thực tập từ từ bằng phép quán hơi thở (Ànàpàna sati), minh sát tuệ (Vipassanà), phải trì giới để ba nghiệp thân miệng ý được thanh tịnh; nhờ ba nghiệp thanh tịnh nên tâm ý được định; nhờ tâm ý định nên trí tuệ phát sanh; nhờ trí tuệ phát sanh nên vô minh, cố chấp, tham ái không còn; đau khổ do đó cũng chấm dứt. Thưa quý vị, quán chiếu và giới, định, tuệ là con đường duy nhất đưa tới giải thoát và hạnh phúc chân thật (niết bàn).

Khi đức Phật chấm dứt pháp thoại, một số người đã chứng được quả Tu-đà-hoàn (Sotàpatti), trong đó có công chúa Yasodharà, hoàng hậu Mahà Pajàpati chứng quả Tư-đà-hàm (Sakadàgàmi),riêng vua Suddhodana đắc quả A-na-hàm (Anàgàmi).

Sau buổi thuyết pháp đó, có rất nhiều người tới công viên Nigrodha xin xuất gia hoặc thọ trì năm giới của người cư sĩ. Nhiều thanh niên trong dòng họ Sàkya cũng đến xin xuất gia. Yasodharà cũng thường đi chung với hoàng hậu Pajàpati và Ràhula đến thăm Phật, cúng dường chư tăng và nghe thuyết pháp.

Nandà xuất gia[29]

Nửa tháng sau, vua Suddhodana thỉnh Phật tới thọ trai trong hoàng cung để vua và hoàng gia lại có cơ duyên được nghe Phật thuyết pháp. Lần này vua chỉ mời Phật, thầy Sàriputta, thầy Kàludàyi và thầy Nàgasamàla. Trong không khí gia đình, sau bữa ngọ trai, Phật đã giảng dạy về cách quán niệm hơi thở, quán chiếu các cảm thọ của 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), phương pháp thiền hành và thiền tọa. Ngài chú trọng đến cách thức quán chiếu để vượt qua những phiền muộn, nóng giận trong đời sống hằng ngày. Ngài chỉ cách duy trì chánh niệm và an trú trong chánh niệm. Yasodharà, Ràhula, Nandà[30]và Sundarì Nandà đều có mặt trong buổi thuyết pháp này. Ràhula rất thích ở bên cạnh thầy Sàriputta và nắm lấy tay thầy.

Khi Phật ra về, mọi người đưa ngài ra đến cổng hoàng thành. Đức Phật trao bình bát của ngài cho Nandà cầm, chấp tay xá chào vua Suddhodana và từ giã mọi người. Nandà đứng ôm bát, chờ Phật chào xong thì trả bát lại. Nhưng Phật không lấy bát lại mà lặng thinh, trang nghiêm, thong thả, nhìn thẳng xuống đất phía trước mặt, bước lần về tu viện Nigrodha. Nandà không dám quấy rầy, lặng yên cầm bát theo sau.[31]

Về tới tu viện, Phật bảo Nandà ở lại chơi và sinh hoạt năm bảy hôm tại đây. Vừa thương vừa kính Phật, Nandà vâng lời. Thấy nếp sống ở đây rất thanh tịnh và thoải mái, vị thái tử trẻ đem lòng mến mộ. Một hôm Phật hỏi Nandà có muốn xuất gia theo Phật tu học một thời gian không. Nandà đáp có. Phật bảo thầy Sàriputta làm lễ xuất gia cho Nandà. Nandà vì quá nể Phật nên chịu lễ xuất gia, nhưng trong lòng vẫn thương nhớ người vợ đẹp mới cưới là Janapada Kalyani[32].

Việc xuất gia của Nandà đã được Phật thảo luận trước với vua Suddhodana. Vua đồng ý với Phật rằng tuy Nandà rất thông minh và hiền lành nhưng thiếu tánh cương quyết cần có của một nhà lãnh đạo. Phật đề nghị với vua cho Nandà đi theo tu học và gần gũi với Phật một thời gian để Phật rèn luyện cho chàng những đức tính cần thiết. Nhà vua đồng ý.

Ràhula xuất gia[33]

Ràhula thấy chú là Nandà được xuất gia ở suốt ngày với Phật thì thích lắm. Ràhula xin mẹ được xuất gia như chú Nandà, nhưng bà bảo cậu còn nhỏ lắm, chừng nào lớn bằng chú Nandà bấy giờ mới xuất gia được.

Một hôm tăng đoàn khất thực gần hoàng cung. Ysodhara và Ràhula đứng trên lầu trông thấy. Ràhula xin phép được xuống thăm Phật. Cậu chạy ra cửa hoàng cung, đến nắm tay Phật. Cậu rất sung sướng đi bên cạnh Phật, cậu nói :

Thầy ơi! Được đi bên cạnh thầy con cảm thấy mát mẻ dễ chịu lắm.

Một lát sau, cậu hỏi :

Thầy ơi! Gia tài của con đâu ?

Phật đáp:

Về đến tinh xá thầy sẽ trao cho con.

Đến tinh xá Nigrodha, Ràhula được xếp ngồi bên cạnh Phật và đại đức Sàriputta. Cậu thấy chú Nandà ngồi ở đàng xa. Thầy Sàriputta chia phần ăn cho Ràhula và dạy cậu cách ngồi ăn trong im lặng. Lần đầu tiên Ràhula rất ngạc nhiên thấy rằng ăn trong im lặng làm cậu có cơ hội thưởng thức mùi vị của từng món ăn. Ăn xong cậu được đại đức Sàriputta dắt về am mình nghỉ. Ràhula nói với đại đức Sàriputta là cậu muốn được ở lại tinh xá như chú Nandà. Đại đức Sàriputta bảo muốn ở luôn tại tinh xá thì phải xuất gia, nhưng phải đến hai mươi tuổi mới xuất gia được. Ràhula nũng nịu nắm tay thầy Sàriputta nói “Con muốn xuất gia bây giờ hà!”. Đại đức Sàriputta dắt Ràhula đến bạch Phật ý muốn xuất gia của Ràhula. Phật bảo :

Vậy thầy hãy làm lễ nhập chúng cho cháu tập sự xuất gia, thọ giới khu-ô sa di[34]. Chừng đến hai mươi tuổi sẽ thọ giới Tỳ kheo.

Thầy Sàriputta xuống tóc cho Ràhula và cho cậu thọ tam quy và bốn giới: không giết hại, không trộm cắp, không nói dối, không uống rượu. Thầy dạy cho Ràhula cách khoác y và ôm bát. Ràhula được lệnh ở bên cạnh thầy Sàriputta, trong lúc ngủ cũng như trong lúc đi khất thực, để học hỏi và thực tập nếp sống khất sĩ. Ngoài bữa ăn ngọ, Ràhula được ăn thêm một lần nữa vào buổi chiều. Trong các giờ ngồi thiền, Ràhula có nhiệm vụ đuổi quạ một cách êm thắm để giữ yên tĩnh cho các thầy.

Được tin Ràhula xuất gia, vua Suddhodana, hoàng hậu Gotamì và bà Yasodharà đến tinh xá Nigrodha. Phật ra cổng đón tiếp, có cả Nandà và Ràhula đi theo. Ràhula muốn chạy đến gặp mẹ, nhưng thầy Sàriputta bảo chú phải thong thả đi chứ không được chạy. Yasodharà ôm con vào lòng, nước mắt ràn rụa. Vua Suddhodana xá Phật, rồi nói với giọng trách móc :

Thế Tôn, trẫm đã đau xót vô cùng khi thái tử bỏ nhà đi xuất gia. Rồi mới đây Nandà cũng bỏ trẫm. Trong lúc tuổi già, trẫm nay đã 78 tuổi rồi, ngai vàng hiện không còn ai kế nghiệp, chỉ còn Ràhula là nguồn an-ủi duy nhất. Bây giờ Thế Tôn lại khuyến dụ Ràhula xuất gia làm khất sĩ. Nó còn nhỏ quá, chỉ mới bảy tuổi, trẫm sợ nó không kham nỗi lối sống rày đây mai đó không nhà cửa. Thế Tôn cũng nên nghĩ đến nỗi khổ của mẹ nó là Yasodharà. Đối với người tại gia, tình cha con, tình mẹ con, tình ông cháu rất nặng. Niềm đau xa cách cũng như dao cắt vào da. Cắt vào da xong, lại cắt sâu vào thịt. Cắt sâu vào thịt rồi lại cắt luôn vào gân, vào xương, vào tủy. Niềm đau khổ tìm ẩn nơi đó không sao tả hết được. Xin Thế Tôn và các Đại đức từ nay đừng nhận cho người còn nhỏ tuổi xuất gia nếu không có sự ưng thuận của cha mẹ chúng.

Đức Phật quay lại nói với thầy Sàriputta và các Đại đức bên cạnh :

Từ nay trở đi, các thầy không nên chấp nhận cho trẻ em xuất gia nếu không có sự đồng ý của phụ huynh các em. Xin đại đức ghi vào quy chế như vậy. Nếu phụ nữ có chồng muốn xin xuất gia thì cũng phải có sự đồng ý của chồng.

Rồi đức Phật tìm lời an ủi vua, hoàng hậu Gotamì và Yasodharà. Ngài thuyết pháp cho các vị đó rõ thêm sự thực về vô thường và vô ngã. Ngài nói đến công phu tu tập tinh tiến hằng ngày như là cửa ngõ duy nhất để tự giải thoát ra khỏi mọi đau khổ. Ngài nói Nandà và Ràhula đang thực hành nếp sống theo Chánh Pháp để đạt đến hạnh phúc chân thật không thể nghĩ bàn. Đó là một điều may mắn và tốt đẹp đáng được khuyến khích. Ngài khuyên đức vua, hoàng hậu và Yasodharà cũng nên tinh tiến tu tập đạo giải thoát trong nếp sống tỉnh thức hằng ngày. Có quen với nếp sống tỉnh thức thì sau khi qua đời mới còn đủ sáng suốt để gặp lại nhau, nếu không lo tu tập ngay bây giờ thì sau này mù mù mịt mịt, còn gì là tình nghĩa mẹ con, vợ chồng, ông cháu nữa.

Phật thuyết pháp lần thứ ba trong hoàng cung[35]

Thấm thoát mà giáo đoàn đã ở lại Kapilavatthu gần sáu tháng. Số người đến xin xuất gia với Phật hoặc với các vị khất sĩ lớn đã lên tới gần năm trăm vị. Số cư sĩ tại gia thì đông quá không thể đếm xiết. Vua Suddhodana đã dâng cúng cho giáo đoàn một cơ sở mới để có đủ chỗ trú ngụ cho các vị khất sĩ. Đó là cung điện mùa hè ngày xưa của thái tử Siddhattha, có vườn cây rộng mát nằm về phía bắc Kapilavatthu. Đại đức Sàriputta đưa vài trăm vị khất sĩ về tu viện này. Tăng đoàn đặt được cơ sở vững chắc cho sự hành đạo tại vương quốc Sàkya.

Trước khi đức Phật trở về tinh xá Venuvana cho kịp mùa an cư như đã hứa với vua Bimbisàra và tăng đoàn tại đó, vua Suddhodana thỉnh Phật vào cung để cúng dường và nghe pháp. Cả hoàng tộc và triều đình đều đến tham dự.

Trong buổi thuyết pháp này, đức Phật nói về đạo đức và chính trị :

Thưa quý vị, đạo đức là ngọn hải đăng soi sáng cho con thuyền chính trị. Người làm chính trị nên nương theo đạo đức để thực hiện công bằng xã hội, đem lại hòa bình và hạnh phúc cho mọi người dân. Người làm chính trị phải biết tu dưỡng bản thân, dùng lòng từ bi bác ái tổ chức guồng máy chính trị và kinh tế. Không nên sống đời giàu sang thái quá, không nên mải mê thụ hưởng dục lạc, nên dành nhiều thì giờ lo việc ích nước lợi dân và khuyến khích dân chúng sống đời đạo đức, giữ gìn 5 giới ...

Vua Suddhodana (Tịnh Phạn) và quần thần chăm chú lắng nghe. Hoàng thúc Dhotodana (Hộc Phạn), chú ruột của Phật, nói :

Con đường đức trị mà Thế Tôn vừa nêu ra thật đẹp đẽ. Nhưng có lẽ ở đây chỉ có Thế Tôn mới có đủ tư cách và đức độ để thực hiện mà thôi. Vậy Thế Tôn nên ở lại Kapilavatthu để kế nghiệp hoàng huynh Suddhodana, giữ lấy giềng mối chính trị tại vương quốc Sàkya này hầu tạo an lạc và hạnh phúc cho muôn dân.

Tuổi trẫm đã cao, vua Suddhodana nói, nếu Thế Tôn chịu ở lại thì trẫm sẽ thoái vị ngay. Với đạo đức, uy tín và tài trí của Thế Tôn, trẫm tin chắc là quốc dân sẽ hoàn toàn ủng hộ, và chẳng bao lâu vương quốc sẽ trở nên giàu mạnh, lẫy lừng.

Tâu Phụ vương và hoàng thúc, đức Phật mỉm cười đáp, con đã xuất gia, giờ đây con không còn là người của một gia đình, của một dòng họ hay của một tổ quốc nữa. Hiện nay gia đình của con là nhân loại, nhà cửa của con là trời đất, địa vị của con là một khất sĩ sống nhờ vào hột cơm bố thí của mọi người. Con đường mà con đã chọn là con đường của người tu sĩ chứ không phải con đường của nhà chính trị. Con nghĩ là con sẽ phụng sự hữu ích hơn cho nhân loại và chúng sanh với tư cách của một tu sĩ.

Hoàng hậu Gotamì và Yasodharà chăm chú cúi mặt ngồi nghe với hai dòng nước mắt chảy dài trên má.

Đức Phật tiếp tục thuyết giảng về tam quy, ngũ giới và cách thức hành trì năm giới trong phạm vi gia đình và xã hội để đem lại đời sống an lành cho mọi người.

Phật đến thành phố Anupiya thuộc xứ Malla[36]

(Ànanda[37], Anuruddha[38], Bhaddiya[39], Bhagu, Devadatta, Kimbila[40]và Upàli[41]xuất gia)

Đức Phật rời Kapilavatthu đi về phía tây nam với một trăm hai mươi khất sĩ, đến thành phố Anupiya[42]thuộc xứ Malla, tạm trú trong một vườn xoài bên bờ sông Anomà. Đi theo Phật còn có các đại đức Sàriputta, Kàludàyi, Nandà và chú sa di Ràhula.

Lúc Phật còn ở tinh xá Nigrodha thuộc ngoại ô Kapilavatthu, nhiều thanh niên trong hoàng tộc đã đến xin xuất gia, phần nhiều thuộc những gia đình có từ ba người con trai trở lên. Sau khi Phật rời Kapilavatthu độ một tuần, có hai anh em ruột tên Mahànàma và Anuruddha, con của hoàng thúc Sukkodana (Bạch Phạn)[43], cũng muốn xin xuất gia. Thấy nhiều bạn hữu của mình trong hoàng tộc đã đi xuất gia với Phật, Mahànàma cũng muốn được đi xuất gia. Chàng bàn với em :

Này Anuruddha, nhà ta chưa có ai xuất gia theo Phật cả, vậy một trong hai anh em mình nên có một đứa đi xuất gia.

Thân em ốm yếu hơn anh, chắc em không kham nổi đời sống khất sĩ, vậy anh đi xuất gia đi.

Được rồi, vậy phần em ở lại nhà lo việc ruộng vườn nhé !

Lo việc ruộng vườn là làm sao ?

Là phải trông nom việc cày bừa, trồng trọt, gặt hái, vân vân cho đúng mùa màng thời tiết để thu hoạch được nhiều hoa lợi cho gia đình.

Thôi thôi, những việc đó em hoàn toàn mù tịt. Để em đi xuất gia làm khất sĩ có vẻ khoẻ hơn.

Em muốn đi xuất gia cũng được. Tùy ý em chọn lựa.

Anuruddha liền đến xin phép mẹ đi xuất gia, bà Kàligodhàya nói :

Chừng nào bạn của con là Bhaddiya đi xuất gia thì mẹ sẽ đồng ý cho con đi xuất gia.

Bà nói vậy vì bà nghĩ rằng Bhaddiya là người có chức vị cao, danh vọng và quyền hành lớn, chắc không thể bỏ đi tu. Anuruddha nghe mẹ nói liền tìm tới Bhaddiya hiện đang trấn thủ các tỉnh miền bắc vương quốc Sàkya. Dưới quyền chàng có nhiều đội binh. Dinh thự của chàng có lính gác bốn phía. Kẻ hầu người hạ tấp nập. Bhaddiya tiếp Anuruddha như một thượng khách. Anuruddha bảo bạn :

Tôi muốn đi xuất gia theo học với Phật, nhưng không đi được cũng tại vì anh.

Tại sao vì tôi mà anh không xuất gia được ? Bhaddiya cười hỏi. Tôi cấm anh xuất gia hồi nào ? Trái lại tôi sẽ làm đủ mọi cách cho anh xuất gia nữa là khác.

Anuruddha kể lại đầu đuôi câu chuyện, rồi nói tiếp :

Anh vừa hứa với tôi là anh sẽ làm đủ mọi cách cho tôi được xuất gia. Nhưng chỉ có cách duy nhất là anh cùng đi xuất gia với tôi.

Bhaddiya bối rối, thấy mình sơ ý bị kẹt lời hứa. Không phải chàng không hâm mộ Phật với đạo lý giác ngộ giải thoát của người. Chàng cũng có ý định xuất gia, nhưng không phải ngay bây giờ. Chàng nói :

Bảy năm nữa tôi sẽ đi xuất gia. Anh cứ yên chí đợi tôi.

Bảy năm nữa thì lâu quá. Biết tôi có còn sống đến lúc ấy hay không ?

Sao anh bi quan quá vậy ? Bhaddiya cười nói. Nhưng thôi, tôi cũng chìu ý anh. Vậy anh hãy đợi tôi ba năm nữa.

Ba năm cũng còn lâu !

Thôi thì bảy tháng. Tôi còn phải thu xếp gia đình, xin từ chức và bàn giao quyền hành lại cho người khác.

Đã xuất gia thì cần gì phải sắp đặt lâu như thế. Xuất gia là từ bỏ tất cả để đi theo con đường xuất trần siêu thoát. Đợi lâu như thế lỡ anh đổi ý thì sao?

Anh đã nói vậy thì bảy hôm nữa tôi sẽ đi với anh. Thôi, anh yên chí về đi.

Anuruddha mừng rỡ về báo cho mẹ và anh biết tin. Bà mẹ không ngờ quan tổng trấn Bhaddiya lại chịu bỏ chức tước, danh vọng một cách dễ dàng như thế. Bà chợt ý thức được tầm cao siêu của đạo lý giải thoát và bằng lòng cho con xuất gia.

Anuruddha rủ thêm được một số bạn hữu nữa cùng đi xuất gia, gồm có Ànanda, Bhagu, Devadatta và Kimbila. Ànanda là con của hoàng thúc Amitodana (Cam Lộ Phạn). Devadatta là con của vua Suppabuddha (Thiện Giác) và hoàng hậu Amità. Suppabuddha là anh ruột của Mahà Màyà và Pajàpati Gotamì. Amità là em gái của vua Suddhodana. Devadatta cũng là em trai của Yasodharà. Trong số sáu vị vương tử sắp xuất gia thì cao niên nhất là Bhaddiya, lớn hơn đức Phật vài tuổi, nhỏ nhất là Ànanda mới được mười tám tuổi, được phép cha là hoàng thúc Amitodana cho xuất gia.

Sáu vị vương tử đi bằng xe tứ mã đến sát biên giới xứ Malla thì xuống xe, cho xe trở về, rồi cùng nhau đi bộ đến Anupiya, cách biên giới không xa. Anuruddha đề nghị mọi người cởi bỏ hết đồ trang sức quý giá, chỉ ăn mặc thật đơn giản trước khi qua biên giới. Mọi người tán thành. Họ cởi những xâu chuỗi ngọc và những chiếc vòng bằng vàng bằng bạc ra gói lại trong một cái áo. Khi vừa đến một làng nhỏ thì họ gặp một tiệm hớt tóc nghèo nàn. Anh thợ hớt tóc là một thanh niên trạc tuổi họ, mặt mày khôi ngô nhưng ăn mặc rách rưới. Anuruddha ghé vào quán hỏi thăm đường đi đến thành phố Anupiya. Anh thợ hớt tóc cho biết tên anh là Upàli và tình nguyện dắt sáu người khách lạ đi một đoạn đường sang biên giới.

Upàli đưa các vương tử qua khỏi biên giới xứ Malla, chỉ đường đi Anupiya, rồi vái chào các vương tử để trở về. Anuruddha cám ơn Upàli và trao cho Upàli cái áo gói đầy châu báu trong đó. Chàng nói :

Này Upàli, chúng tôi muốn theo Phật xuất gia. Chúng tôi không cần dùng những thứ trang sức châu báu này nữa. Chúng tôi tặng lại anh. Từng ấy châu báu vàng bạc đủ để anh sống sung sướng suốt đời.

Các vương tử từ giã Upàli rồi lên đường. Anh thợ hớt tóc mở chiếc áo ra. Vàng ngọc làm anh ta lóe mắt. Anh không tin đây là sự thật. Bỗng nhiên anh cảm thấy lo sợ, anh cảm thấy mất hết sự an ổn thảnh thơi hằng ngày. Anh sợ kẻ tham biết được sẽ giết anh để cướp đoạt. Anh sợ quan quân biết được sẽ cho anh là kẻ trộm cắp. Upàli suy nghĩ. Anh thấy các vương tử giàu sang đến thế, quyền hành như thế mà vẫn bỏ hết để đi xuất gia, thì chắc việc xuất gia phải có cái gì quý báu hơn giàu sang danh vọng. Anh chợt có ý nghĩ liệng bỏ gói châu báu để đi theo các vị vương tử. Anh treo gói châu báu lên một cành cây gần đó, thầm nhủ rằng ai là người đầu tiên thấy gói châu báu này thì gói châu báu này sẽ thuộc về người ấy. Rồi anh lật đật chạy theo các vương tử.

Các vương tử ngạc nhiên thấy Upàli chạy theo vừa tới. Devadatta hỏi :

Upàli, anh chạy theo chúng tôi làm chi ? Bọc châu báu anh để đâu ?

Upàli thở hổn hển, rồi kể lại câu chuyện. Anh ta nói đã treo gói châu báu lên một cành cây, vì khi cầm gói châu báu ấy trên tay anh cảm thấy lo sợ cho tánh mạng, tâm không an. Anh xin các vị vương tử cho phép anh cùng đi theo đến Anupiya để xin xuất gia với Phật. Devadatta cười ha hả :

Anh mà cũng muốn đi xuất gia như chúng tôi à ?

Nhưng Anuruddha và Bhaddiya tán thành ngay :

Hay lắm, như vậy chúng ta cùng đi. Có anh dẫn đường càng dễ dàng cho chúng tôi.

Phật và tăng đoàn đang cư trú trong một vườn xoài bên bờ sông Anomà, gần thành phố Anupiya thuộc xứ Malla. Bảy người tìm tới nơi xin gặp Phật. Bhaddiya thay mặt cả nhóm trình lên Phật ý nguyện của họ xin được xuất gia. Phật im lặng chấp thuận. Bhaddiya nói :

Chúng con xin Thế Tôn cho Upàli được xuất gia trước. Như vậy chúng con phải xem Upàli như một sư huynh để trừ ý niệm phân biệt kỳ thị còn sót lại trong lòng chúng con.

Đức Phật khen ngợi cả bảy người, rồi cho Upàli xuất gia trước, sau đến sáu vị vương tử. Ànanda tuy mới mười tám tuổi cũng được xuất gia, nhưng chỉ thọ giới sa di[44](tiểu giới, Pabbajjà) và học theo hạnh khất sĩ. Đúng hai mươi tuổi chàng mới được thọ giới khất sĩ (đại giới, upasampada). Lúc bấy giờ Ànanda là người trẻ nhất trong tăng đoàn, trừ Ràhula. Ngay trong năm đó đại đức Bhaddiya chứng được Tam minh, Anuruddha chứng được Thiên nhãn, Ànanda chứng quả Dự lưu, Devadatta đạt được các thần thông.

Bhaddiya ngộ đạo[45]

Đại đức Bhaddiya tu học rất tinh tấn. Ông theo hạnh đầu đà, thiểu dục tri túc, chỉ cư trú dưới gốc cây, không cần am thất. Ông học tập rất chuyên cần và sử dụng phần lớn thì giờ của ông vào việc thực tập thiền quán. Một hôm, trong lúc ngồi thiền dưới một cội cây nơi vườn xoài ở Anupiya, bỗng ông cảm nhận được một niềm vui sướng khó tả. Ông thốt lên :

Ôi, hạnh phúc ! Ôi, hạnh phúc !

Lúc ấy trời đã khuya. Có một vị khất sĩ ngồi thiền cách ông không xa nghe được tiếng ấy. Sáng hôm sau vị này tới gặp Phật, thưa :

Bạch Thế Tôn, hồi khuya, trong lúc thiền tập, con có nghe thầy Bhaddiya thốt lên hai lần "Ôi, hạnh phúc !". Con nghĩ là thầy hối tiếc nếp sống giàu sang danh vọng khi còn làm tổng trấn. Con xin trình bày để Thế Tôn biết và định liệu.

Phật gật đầu. Trưa hôm ấy, sau giờ thọ trai và thuyết pháp, Phật gọi đại đức Bhaddiya đến hỏi :

Hồi khuya này, trong lúc thiền tọa, thầy có thốt lên "Ôi, hạnh phúc ! Ôi, hạnh phúc !". Có đúng thế không ?

Bạch Thế Tôn, quả thật con có thốt lên những tiếng đó.

Thầy hãy nói cho đại chúng nghe tại sao.

Bạch Thế Tôn, ngày trước làm tổng trấn, con sống trong giàu sang phú quý và có nhiều quyền lực. Đi đâu con cũng có một đội binh theo hầu cận và bảo vệ. Dinh phủ của con luôn luôn có binh lính canh gác ngày đêm, bên trong cũng như bên ngoài. Vậy mà lúc nào con cũng lo lắng, cảm thấy thiếu an ninh. Bây giờ đi một mình trong rừng, ngồi một mình dưới cội cây trong đêm vắng, vậy mà con không hề có cảm tưởng nghi ngại và sợ hãi. Con cảm thấy một nguồn thảnh thơi an lạc chưa từng có. Thưa Thế Tôn, đời sống xuất gia thật là thoải mái đối với con. Con không sợ ai, con không sợ mất gì, con không có gì để sợ mất. Trong khi thiền định đêm qua con nhận thức rõ niềm thảnh thơi vui thú đó nên con buột miệng kêu lên “Ôi, hạnh phúc !” làm kinh động đến Thế Tôn và các bạn đồng tu. Con xin thành tâm sám hối.

Hay lắm, Bhaddiya. Thầy đang đi những bước vững chãi trên con đường tự tại, vô úy. Niềm an lạc của thầy đến cả chư thiên còn mong ước, huống chi người đời.

Devadatta biểu diễn thần thông trước Ajatasattu[46]

Sau khi ngụ tại Anupiya một thời gian, Đức Phật và Giáo đoàn du hành đến thành phố Kosambì thuộc xứ Vatsa, ở tại lâm viên Ghosita. Tại đây, chẳng bao lâu Devadatta đạt được các thần thông phàm tục.

Rồi từ Kosambì Đức Phật và Giáo đoàn du hành dọc theo bờ sông Yamunà và sông Gangà đến Baranasì (Benares), rồi từ Baranasì đến tinh xá Venuvana (Trúc Lâm) ở Rajagaha (Vương Xá).

Một hôm trong lúc thiền tịnh, Devadatta khởi lên ý nghĩ tìm một thí chủ có đầy đủ khả năng mang đến cho ông nhiều lợi lộc và vinh hiển sau nầy. Ông nghĩ đến hoàng tử Ajàtasattu xứ Magadha vừa được sáu tuổi. Devadatta liền biến hình thành một đứa bé sáu tuổi mình quấn đầy rắn ngồi cạnh Ajàtasattu. Ajàtasattu hoảng sợ trố mắt nhìn, chưa kịp kêu thét lên thì Devadatta đã tươi cười nói:

Hoàng tử chớ sợ, tôi đến đùa chơi với hoàng tử đây mà.

Ngươi là ai ?

Tôi là Devadatta, là một đại sa môn đầy đủ thần thông, hiện đến đây để đùa chơi với thái tử cho vui thôi.

Nếu ngươi là sa môn đầy đủ thần thông, vậy hãy hiện nguyên hình ra xem.

Devadatta liền hiện nguyên hình thành sa môn khất sĩ với đầy đủ y bát rồi bảo :

Nào, hoàng tử hãy đảnh lễ sa môn đi chứ.

Ajàtasattu liền cung kính đảnh lễ dưới chân Devadatta. Khi ấy, Devadatta với tâm đã bị ám ảnh, bị chế ngự bởi lợi lộc, vinh hiển, và danh vọng, đã khởi lên lòng tham muốn: “Ta sẽ quản trị hội chúng tỳ kheo.” Chính do sự sanh khởi của tâm ô nhiễm này mà Devadatta đã mất hết thần thông vừa đạt được, đành phải trốn ra khỏi cung vua rồi đi bộ về tinh xá Venuvana.



[1]Xem Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 1: 56-59.

[2]Vua Bimbisàra được 30 tuổi, nhỏ hơn đức Phật 5 tuổi.

[3]Ajàtasattu vừa được 4 tuổi, nhỏ hơn Ràhula 2 tuổi..

[4]Bài kệ tiếng Pali: Sabbapapassa akaranam. Kusàlassa upasampada. Sacitta pariyodapanam. Etam buddhana sasanam. (Kinh Pháp Cú, kệ 183)

[5]Xem Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 1: 60-63.

[6]Xem Đường Xưa Mây Trắng, trang 185-189; Tiểu Bộ, Jàtaka, kinh 38: Chuyện con cò (Baka).

[7]Theo kinh Jàtaka 38 (Chuyện con Cò) thì lúc bấy giờ đức Phật là vị thần ngụ tại cây Vanara.

[8]Xem Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 1: 63.

[9]Xem Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 1: 64-72; Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ, kinh 259: Sàriputta; The Life of The Buddha của A. Foucher, trang 164-170.

[10]Theo The Buddha and his Teaching, trang 114; Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ, kinh 238: Upasena.

[11]Theo kinh Lăng Nghiêm, quyển 5, thì ông Sàriputta và ông Moggallàna đang đi ngoài đường nghe ba anh em ông Uruvelà Kassapa bàn luận về lý nhân duyên của Phật giảng, hai ông liền ngộ đạo.

[12]Bài kệ bằng chữ Hán như sau: “Chư pháp tùng duyên sanh,

“Diệc tùng nhân duyên diệt.

“Ngã, Phật, Đại sa môn,

“Thường tác như thị thuyết.

[13]Theo Tạng Luật Pali thì toàn bộ 250 đệ tử của Sanjaya đều xuất gia theo Phật. Nhưng phải kể là 155 mới đúng số hội chúng 1.250 tỳ kheo A la hán đệ tử Phật lúc bấy giờ.

[14]Theo bộ Trường A Hàm, quyển 1, phần 1, kinh Sơ Đại Bản Duyên thì đức Phật Thích Ca có 1 hội thuyết pháp với số đệ tử thường dự là 1250 người.

[15]Tinh xá(Vihara) : gốc tiếng Hán Việt, có nghĩa là nhà học, học viện, trung tâm tu học, tu viện.

[16]Lúc bấy giờ ba tháng an cư(vassa) bắt đầu từ ngày trăng tròn tháng 7 đến ngày trăng tròn tháng 10 dương lịch. Mười hai tháng của Ấn Độ lúc đó tương đương với 12 tháng dương lịch ngày nay.

[17]Xem Đại Chánh TTĐTKinh 186: Phật thuyết Phổ Diệu Kinh; Đại Chánh TTĐT Kinh 157: Phương Quảng Đại Trang Nghiêm Kinh; Lalitavistara (Tiểu Sử Đức Phật); Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ, phẩm 10 kệ, số 223 (Kàludàyin).

[18]Xem Trung Bộ 74: kinh Dìghanakha; Đại Chánh TTĐT Kinh 584: Trường Trảo Phạm Chí Thỉnh Vấn Kinh.

[19]Xem Đường Xưa Mây Trắng, trang 198-201; Trung Bộ 74: Dìghanakha sutta.

[20]Xem Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 1: 73-76; Đường Xưa Mây Trắng, trang 202; The Life of The Buddha của A. Foucher, trang 171-172.

[21]Xem Đường Xưa Mây Trắng, trang 203-207.

[22]Thị giả(antevasin, upatthaka) là người hầu cận sư phụ hay một vị trưởng lão.

[23]Xem Đường Xưa Mây Trắng, trang 208-222; Buddhist Legends, quyển I, trang 217-220; Buddhist Legends, quyển II, trang 2-3; Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 1: 118; Tiểu Bộ, Jàtaka 485: Canda Kinnara; Đại Chánh TTĐT Kinh 187: Phương Quảng Đại Trang Nghiêm Kinh.

[24]Nandà có nghĩa là “Hoan hỉ” vì lúc sanh ngài cả hoàng tộc đều vui mừng.

[25]Xã hội nước Ấn khi xưa có 5 giai cấp:1- Bràhmana, Bà-la-môn, dòng tu sĩ, dòng thánh.

2- Ksatriya, Sát-đế-lợi, dòng vua chúa, dòng tướng.

3- Vaisya, Phệ-xá, dòng thương gia, trưởng giả.

4- Sudra, Thủ-đà, dòng làm ruộng, tiểu công nghệ.

5- Candala, Chiên-đà-la, dòng nô-lệ, hạ tiện.

[26]Yàmaka Patihariyalà phép thần thông mà chỉ một vị Phật mới có. Xem bản chú giải Patisambhidamagga 1.125.

[27]Vua Suddhodana đảnh lễ Phật lần thứ nhứt khi thấy hoàng tử, lúc mới sanh, gác chân lên đầu tóc đạo sĩ Asita; lần thứ nhì trong lễ hạ điền, khi thấy thái tử ngồi thiền định dưới gốc cây nigrodha.

[28]Xem Tiểu Bộ, Jàtaka 547.

[29]Xem Đường Xưa Mây Trắng, trang 229-230; The Life of Buddha as Legend and History, trang 101; The Buddha and His Teachings, trang 139-140.

[30]Nandà có nghĩa là hoan hỉ, vì lúc sanh ngài cả hoàng tộc đều vui mừng (Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ, 139: Nanda).

[31]Xem Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ, kinh 139: Nanda.

[32]Xem The Buddha and his teachings, trang 139-140; Buddha and the Gospel of Buddhism, trang 41; Buddhist Legends, quyển I, trang 218-219.

[33]Xem Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 1: 118; Đường Xưa Mây Trắng, trang 230-233; The Buddha and His Teachings, trang 128-130; The Life of Buddha as Legend and History, trang 101-102.

[34]Khu ô sa di là hàng sa di từ 7 đến 13 tuổi, lo việc đuổi quạ trong lúc các vị khất sĩ ngồi thiền.

[35]Xem Đường Xưa Mây Trắng, trang 233-236.

[36]Xem Đường Xưa Mây Trắng, trang 237-243; The Life of Buddha as Legend and History, trang 102-103; Buddhist Legends, quyển III, trang 267-269; Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: 337-344.

[37]Xem Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ, kinh 260: Ànanda (Ànanda có nghĩa là “Khánh hỷ” vì bà con thân tộc nói ngài sanh ra mang đến điềm lành vui vẻ cho cả gia đình).

[38]Anuruddha (A Na Luật, A Nậu Lâu Đà) Xem Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ, kinh 256: Anuruddha.

[39]BhaddiyaKàligodhàyaputta (Bạt Đề), còn gọi là Bhaddiya Sukhavihàri, là con của Dhotodana (Hộc Phạn vương). Dhotodana là em vua Suddhodana (Tịnh Phạn).

[40]Kimbila: Kim Tỳ La, Khâm Bà La.

[41]Xem Tiểu Bộ (Khuddaka nikàya), Trưởng Lão Tăng Kệ, kinh 180: Upàli.

[42]Trong tuần lễ đầu tiên khi mới xuất gia thái tử Siddhattha cũng đã ở tại đây.

[43]Theo Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ, kinh 256 (Anuruddha), thì Anuruddha và anh là Mahanama là con của Amitodana (Cam Lộ Phạn).

[44]Sa di(sàmanera), sa di-ni(sàmaneri) là ngườI tập sự xuất gia nam và nữ, từ 15 tuổi trở lên.

Sa di phải thọ 10 giới: 1-Không sát sanh; 2-Không trộm cắp; 3-Không dâm dục; 4-Không nói dối; 5-Không uống rượu; 6-Không ngồi ghế cao, nằm giường rộng; 7-Không xức nước hoa, đeo đồ trang sức; 8-Không múa hát xướng ca, không xem, không nghe; 9-Không cầm giữ tiền bạc và vật quý giá; 10-Không ăn phi thời.

[45]Xem Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: 345-347; Tiểu Bộ, Udàna II.10; Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ 254: Bhaddiya Kàligodhàyaputta; Tiểu Bộ, Jàtaka, kinh 10: Sukhavihàri; Đường Xưa Mây Trắng, trang 242-243; Đại Chánh TTĐT Kinh 1428: Tứ Phần Luật.

[46]Xem Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: 349-357.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/03/2012(Xem: 54005)
Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt (tập 4), mục lục: Sắc đẹp hoa sen Chuyện hai mẹ con cùng lấy một chồng Cảm hóa cô dâu hư Bậc Chiến Thắng Bất Diệt - Bạn của ta, giờ ở đâu? Đặc tính của biển lớn Người đàn tín hộ trì tối thượng Một doanh gia thành đạt Đức hạnh nhẫn nhục của tỳ-khưu Punna (Phú-lâu-na) Một nghệ sĩ kỳ lạ Vị Thánh trong bụng cá Những câu hỏi vớ vẩn Rahula ngủ trong phòng vệ sinh Voi, lừa và đa đa Tấm gương học tập của Rahula Bài học của nai tơ Cô thị nữ lưng gù
02/01/2012(Xem: 3254)
Đức Thế Tôn thành đạo bằng con đường nào? Bằng con đường chí thiện, có nội dung đoạn trừ các lậu hoặc, để thành tựu Niết-bàn và giáo hóa chúng sanh. - Điểm Đến Chí Thiện Sau những ngày từ bỏ vương cung, cạo bỏ râu tóc, mặc áo hoại sắc, làm người xuất gia, Thế Tôn nói: “Mặc dù cha mẹ không bằng lòng, than khóc nước mắt đầy mặt, ta vẫn cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống đời sống thoát ly gia đình. Ta xuất gia như vậy, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, đi tìm con đường vô thượng tối thắng, hướng đến tịch tịnh”.[1]
25/12/2011(Xem: 3320)
“Bạch đức Thế Tôn! Xin Ngài hãy thuyết pháp! Bạch đức Thiện Thệ, xin Ngài hãy thuyết pháp! Có những chúng sanh ít nhiễm bụi đời sẽ bị nguy hại, nếu không được nghe Chánh pháp. Nếu những vị này được nghe Chánh pháp họ sẽ thông hiểu” Theo kinh Āriyapariyesana, sau khi đức Thế Tôn thành đạo, Ngài chiêm nghiệm và quán chiếu sâu vào pháp do Ngài mới chứng được, là sâu thẳm, là vi diệu, cao quý, siêu lý luận, chỉ có người trí mới thấu hiểu, còn phần nhiều chúng sanh thì đam mê ái dục, chạy theo ái dục, khómà thấy được pháp lý duyên khởi, khó mà thấy được định lý tất cả hành là tịch tịnh…
08/01/2011(Xem: 2874)
Bạn có nghĩ rằng ta là người vĩ đại và quan trọng? Dĩ nhiên, hầu hết chúng ta đều nghĩ thế, ít nhất ra là vào một thời điểm nào đó. Nhưng mà rất khó để ôm giữ cái cảm giác quan trọng đó nếu bạn chịu khó suy xét đến cái thế giới không gian huyền diệu mà con người lần đầu tiên vừa thăm dò đến. Ta hãy nhìn nó như thế này:
07/01/2011(Xem: 2707)
Chiều 28-12-2000, phi trường Quốc tế Indra Gandhi, New Delhi rộn rịp đầy bóng những tăng ni sinh Việt Nam với những bó hoa tươi nhiều màu trên tay, những đôi mắt long lanh ngời sáng, những nụ cười hoan hỷ luôn nở trên môi… tất cả đang rộn ràng, hớn hở, chờ đợi đón phái đoàn hành hương từ Việt Nam sang do HT. Thích Trí Quảng, Trưởng Ban Hoằng pháp Trung Ương GHPGVN, Trưởng Ban Trị Sự Thành Hội TPHCM, và Tổng Biên tập báo Giác Ngộ làm trưởng đòan.Tháp Đại Giác ghi dấu sự thành đạo của đức Phật
05/01/2011(Xem: 3133)
Ngược dòng thời gian hơn 25 thế kỷ, kể từ thời điểm trọng đại đánh dấu một chiến công lẫy lừng trong lịch sử nhân loại, một con người bình thường bằng đấu tranh nội tại đã tự mình vượt thoát khỏi mọi sự trói buộc của khổ đau sanh tử luân hồi. Một đại vĩ nhân xuất hiện. Những lời tuyên bố đầu tiên của Ngài mãi mãi về sau vẫn là một khúc ca khải hoàn, chấm dứt trường chinh chống bọn giặc Ma vương phiền não, đưa một con người từ phàm phu lên vị trí một Bậc Giác ngộ, Bậc Đạo Sư của trời người. Từ đó nhân gian tôn xưng Ngài là Đức Phật -- Bậc Giác ngộ tối thượng. Và như thế, hằng năm đến ngày mùng tám tháng chạp, mọi người con Phật trên khắp năm châu đều nô nức đón chào một sự kiện lịch sử: Đức Phật Thích Ca Thành Đạo. Hòa với niềm vui chung của muôn loài, hôm nay chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về ý nghĩa Thành Đạo của Đức Bổn Sư.
05/01/2011(Xem: 4057)
Mỗi năm đến ngày mùng 8 tháng Chạp, giới Phật giáo Bắc tông cử hành lễ kỷ niệm Ngày Thành đạo của đức Phật Thích Ca nhưng theo truyền thống Phật giáo Nam tông, ngày đức Phật Đản sanh, Xuất gia, Thành đạo và Niết bàn đều là ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch. Riêng đối với tôi, ngày tháng Thành đạo là ngày nào không quan trọng mà vấn đề chính chúng ta cần tìm hiểu về ý nghĩa của sự Thành đạo. Kỷ niệm đức Phật Thành đạo theo tinh thần kinh Hoa Nghiêm để cùng tiến bước trên con đường chánh pháp, xây dựng cuộc sống an lạc tốt đạo đẹp đời.
05/01/2011(Xem: 2890)
Tháng chạp âm lịch, sương khuya phủ dầy cảnh vật; cách 5m không thấy nhau, đoàn người lầm lủi đi trong màn đêm.
04/01/2011(Xem: 52892)
QUYỂN 5 MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI BỐN (Năm 574 trước TL) 91 CÁC LOẠI CỎ Đầu Xuân, khi trời mát mẻ, đức Phật tính chuyện lên đường trở về Sāvatthi. Thấy hội chúng quá đông, đức Phật bảo chư vị trưởng lão mỗi vị dẫn mỗi nhóm, mỗi chúng phân phối theo nhiều lộ trình, qua nhiều thôn làng để tiện việc khất thực. Hôm kia, trời chiều, cạnh một khu rừng, với đại chúng vây quanh, đức Phật ngắm nhìn một bọn trẻ đang quây quần vui chơi bên một đám bò đang ăn cỏ; và xa xa bên kia, lại có một đám trẻ khác dường như đang lựa tìm để cắt những đám cỏ xanh non hơn; ngài chợt mỉm cười cất tiếng gọi:
04/01/2011(Xem: 9576)
Có bốn ý nghĩa của thành đạo là: (i) con đường đi đến Giải Thoát là Trung Đạo; (ii) bằng nỗ lực của tự thân, với sự tu tập đúng Pháp, con người có thể giác ngộ ngay tại đời này; (iii) nội dung của Thành Đạo là giải thoát, giải thoát đây là giải thoát khỏi tham ái, chấp thủ mà không cần thiết phải chạy trốn khỏi cuộc đời, và (iv) mười đạo quân của ma vương không phải là một thế lực vô minh từ bên ngoài mà chính là ngay tại tâm ta.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]