Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ánh trăng với ý nghĩa chân lý trong đêm thành đạo.

08/04/201316:28(Xem: 8651)
Ánh trăng với ý nghĩa chân lý trong đêm thành đạo.

ducphatthichca

ÁNH TRĂNG VỚI Ý NGHĨA CHÂN LÝ

TRONG ĐÊM THÀNH ĐẠO

Thích Tâm Tôn

Cùng với thời gian vô cùng tận, không gian vô biên tế, cái đẹp cũng tồn tại với một ý nghĩa rất bao la mà con người khó có thể khám phá cho thật tường tận bằng tri thức của mình. Cuộc đời đức Phật là cả một lịch sử hùng tráng hướng đến tìm kiếm cái đẹp và xây dựng lý tưởng cái đẹp trong cuộc đời. Giáo lí được Ngài thiết lập là một hệ thống mỹ học thể nghiệm nội tại, có ý nghĩa vô cùng phong phú đối với đời sống nhân sinh. Cái sinh động trong hệ tư tưởng của Ngài là ở chỗ, từ những gì đạt được chính mình, bằng mọi phương tiện Ngài hướng đến khai triển cho tất cả cùng được thể nhập. Đó là ý nghĩa kỳ diệu của ngón tay chí về cái đẹp - vầng trăng. Vầng trăng ấy chính là biểu tượng hàm chứa cái chân lý toàn vẹn ý nghĩa sống không chỉ cho phạm trù nhân sinh mà còn có ý nghĩa cho khắp tất cả vạn hữu trong vũ trụ này. Vì vậy, ý nghĩa hiện sinh của ánh trăng về chân lí trong đêm thành đạo của ẩn sĩ Siddhattha Gotama không chỉ có ý nghĩa biểu trưng ý thức về cái đẹp, mà còn hướng đến xây dựng hoàn mãn cái đẹp đối với hoàn cảnh một nhân sinh và thiết lập biểu tượng chân lí về chánh pháp.Đó là ba ý nghĩa hàm chứa trong một sự thể “thành tựu giác ngộ” thông qua hình ảnh “vầng trăng” sẽ được khai triển nơi đây.

Ý NGHĨA VỀ Ý THỨC CÁI ĐẸP

Có một điểm đặc biệt mà truyền thống Phật giáo ghi nhận là hầu hết những sự kiện quan trọng trong cuộc đời đức Phật đều diễn ra vào những đêm trăng tròn. Ngài đản sanh vào đêm trăng tròn tháng tư, xuất gia và nhập diệt vào đêm trăng tròn tháng hai, và đặc biệt điểm móc son sáng ngời nhất là sự kiện thành đạo vào đêm trăng tròn tháng chạp. Đây phải chăng là điểm khơi nguồn cho một hệ tư tưởng mới về ý nghĩa chân lí vừa mang giá trị thẩm mỹ, vừa mang tính giá trị giải thoát thông qua ánh trăng mà ẩn sĩ Siddhattha muốn thiết lập.

Xét về khía cạnh nghệ thuật, có thể nói ánh trăng là hình ảnh toàn vẹn nhất biểu tgrưng cho cái đẹp lẫn ý nghĩa hiện hữu.Bao giờ trăng cũng là nguồn cảm hứng vô tận đối với tâm hồn nghệ sĩ để hướng đến sự sinh động trong thế giới nghệ thuật. Ngay cả một dũng tướng chỉ quen với chuyện đao binh như Trần Hưng Đạo mà cũng không kềm nỗi cái thú trước một “bến trăng thanh” để rồi cảm khái:

“Đêm nghỉ bến trăng thanh

Bỗng hay đầy thú lạ

Thơ theo bút tuôn dòng”.

Nhưng cũng có thể nhìn nhận, chính do sự toàn bích không bị chi phối bởi những giới hạn của nó mà khiến cho cái cảm thụ chịu sự chi phối bởi những giới hạn của con người hình thành nên những “khuyết tật” trong tâm thức. Có nghĩa là, cũng ánh trăng đó nhưng khi đi vào tâm hồn có khi nó làm cho người ta cảm thấy tịch liêu hiu quạnh đến ngút ngàn, có khi lại gợi buồn khúc chiết miên man, có khi lại tạo ra cái bâng khuâng cảm khái sâu xa, có khi lại là cái hồn nhiên nhàn nhã…Mà tất cả đó có thể đều là những tâm trạng cần đạt tới nơi tâm hồn nghệ sĩ thế gian. Bởi đỉnh cao của nghệ thuật trần gian được người ta đánh giá như là sự lạc mất trong tiếp xúc thẩm mỹ. Và sự lạc mất này chính là tiêu chí xác định mức độ say mê hay ngay ngất trong nghệ thuật. Giai thoại thi hào Tô Đông Pha hiểu nhầm chữ “minh nguyệt” trong câu thơ Vương An Thạch tặng là một trong những minh chứng cho cái “khuyết tật” thẩm mỹ ấy. Đó có lẽ là do ảnh hưởng cái bệnh của hồn thi sĩ bị “nàng nguyệt” ám ảnh, mà rõ ràng ông cũng đã từng có lần nhầm trong tâm thức khi ngắm ánh trăng rằm trên sông Xích Bích: “vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương”- vời trông người đẹp ngập phương trời.

Và cũng có thể vì cái khuyết tật bởi căn bệnh say tình với “nàng nguyệt” mà Lý Bạch đã nhào xuống sông để rồi phải ôm trăng mà chết, không kịp nhìn nhận sự lạc lầm.

Có lẽ cũng vì lí do đó mà đức Phật có vẻ như phản đối tính cách hấp dẫn của mọi hình thái nghệ thuật. Theo Ngài, nghệ thuật có ảnh hưởng gây cảm xúc và đưa cảm xúc đi xa, gợi lên một cảm ứng hoà điệu, làm cho tâm trí khó hướng nội. Nó có khuynh hướng khơi dậy các mối dục vọng đam mê phấn khích, trong khi quan điểm của Ngài là cần làm lắng dịu dục vọng. vì thế mà trong Giới học căn bản, đức Phật có dạy rằng: “Bất ca vũ, xướng, kỹ; bất vãng quan, thính”-không được ca, múa, hát, đàn; và cũng không được đi xem, nghe. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy đức Phật không phủ nhận một cách tuyệt đối tính chất nghệ thuật có chiều hướng tích cực như trong kinh Trường Bộ. Sau khi nghe một khúc nhạc do nhạc thần Càn Thát Bà tên Ngũ Kế biểu diễn, Ngài khen ngợi chàng nhạc sĩ ấy về sự hoà điệu giữa giọng ca và âm ba trình tấu qua dây đàn bằng gỗ vàng Beluva với bài hát xiển dương chánh pháp.

Điều đó có thể ví von rằng, bầu không khí luôn cần cho sự sống của con người, nhưng mỗi người có một hơi thở khác nhau tuỳ theo thể trạng và tâm trạng mỗi người. Cũng vậy, cái đẹp của ánh trăng nói riêng và cái đẹp trong nghệ thuật nói chung luôn là mọt phần tất yếu của cuộc sống. Song nó ảnh hưởng đến đời sống như thế nào đều là do thái độ và cách cảm thụ ở mỗi người. Cũng ánh trăng đó nhưng nó sáng sủa hay tịch liêu, lạc lõng hay nồng nàn, buồn hay vui, động hay tịnh…đều tuỳ thuộc tâm trạng của mỗi người. Nhưng dầu sao cũng đồng tình với quan điểm của Platon- một triết gia Hy Lạp cổ đại: “cái đẹp là hào quang của chân và thiện”. Đó chính là cái đẹp về phong thái nghệ thuật giải thoát ở thiền sư.Tức thiền sư bao giờ nhìn về, tâm cũng thoát khỏi sự say mê để thể nhập vào nguyên lí tịch tịnh sáng soi nội tại mà Phật giáo gọi là chơn tâm. Cái chơn tâm ấy chính là điểm mà Nguyễn Du hướng đến và được thi vị hoá qua ánh trăng:

“Đạt chân tâm kính quang như nguyệt

Xử sĩ môn tiền thanh giả sơn”.

-Tâm người đặng sáng tỏ như trăng

Trước nhà ẩn sĩ non xanh biết.

Đó chính là phong thái ngắm trăng của người nghệ sĩ Phật giáo. Trước sự huyền ảo của trăng, người nghệ sĩ Phật giáo ngắm trăng không phải để đưa hồn mình vào sự mê mẫn của những thứ sắc màu hấp dẫn đê mê, mà là liên tưởng đến cái bình diện của ý thức để nhận thấy những cái hão huyền hư ảo, để tìm về với cái chân thật của thế giới tự tại ung dung giải thoát:

“A ha trăng nát nửa vừng

Trải vàng áo rồng bên đường người đi

Bụi mờ che khuất tà huy

Phất phơ ảnh mộng bước về ngã không”

Hồ Ngạn Ngữ

Khi thoát khỏi tầng độ cảm xúc thì rõ ràng không còn đòi hỏi phải có một đối tượng về một cái đẹp mới cảm thụ được, mà có thể tất cả lúc này đều trở nên đẹp và đẹp tyuệt vời. Lúc này, chỉ có sự thể nhập hoà điệu trong các pháp để hoá thân vào cái vô cùng tận của thế giới nhiệm mầu đầy ý nghĩa theo cái nhìn của Phật giáo:

“Trong khoảnh khắc- tìm thấy cái vĩnh hằng,

Thấy thế giới bao la- trong từng hạt cát,

Trong lòng bàn tay- thấy cái vô cùng tận,

Và thấy cả bầu trời- trong một đoá hoa.”

-W. Bleik-

Ý NGHĨA XÂY DỰNG HOÀN MÃN CÁI ĐẸP

Trong cuộc hành trình đi tìm cái đẹp, nếu người nghệ sĩ nhân gian đi theo tiếng gọi xa xăm nào đó đồng cảm với những huyết mạch thổn thức nơi tâm hồn, thì người nghệ sĩ Phật giáo lại hướng về cái thực tại nơi chính nó. Nguyên lí đích thực của thực tại này khởi nguồn từ một nhân cách mang tính hoàn thiện. Lý tưởng thẩm mỹ Phật giáo là ở chỗ “Thành tựu giác ngộ”, hay nói theo châm ngôn Hy Lạp là “Hãy thành tựu thể tánh của mi”. Trong tiến trình xây dựng cái lí tưởng ấy luôn có một sự thử thách lớn lao, đó là sự đối đầu đầy cam go giữa ý chí, nghị lực, tinh thần đại dũng với những vọng tình mê muội. Tất cả đó đều được minh chứng bằng quá trình chiến đấu nội tại để thành đạo của đức Phật. Minh chứng đó chúng ta cũng có thể liên tưởng thông qua sự hiện hữu của ánh trăng trong quá trình hoàn thiện giá trị thẩm mỹ trong nó. Đây là ý nghĩa của năng lực vận hành đi lên của hình ảnh ánh trăng, hay chính là năng lực hoàn thiện Thánh quả từ mọt chúng sanh.

Nếu mặt trời luôn y nhiên tự tại, không có một loại sinh thành nào; thì trái lại mặt trăng là một tinh tú có đầy có vơi, một tinh tú hiện hữu tuân theo định luật sinh thành chung của các pháp. Cũng như loài người, mặt trăng có một lịch sử cảm động vì sự suy giảm của nó như một tất yếu của đặc tánh luân hồi. Sự biến lặng của trăng vào bóng tối không phải là vĩnh viễn. Tự bản chất nó phục sinh nhờ năng lực vận hành của riêng nó. Đó là biểu trưng cho năng lực giải thoát nhân sinh được phát huy trong vòng luân chuyển bằng năng lực chính mình. Sự phản hồi bất tuyệt về hình tướng nguyên thuỷ tròn đầy của trăng chính là biểu tượng của quá trình “Thành tựu thể tánh” một cách viên mãn. Như vậy, thì ra chính vòng tuần hoàn không dứt ấy làm cho mặt trăng trở thành tinh tú của nhịp điệu sống vô cùng sinh động. Những tuần trăng là biểu hiện cho những quá trình sống tiến triển thăng hoa của nhân sinh vũ trụ mà đức Phật chính là điển hình tuyệt đối nhất.

Ánh sáng của trăng tròn không rực rỡ chợt choé bừng lên như một tia chớp, và cũng không chói lọi gay gắt như ánh sáng mặt trời giữa trưa, nhưng nó có thể soi tỏ cả càn khôn vũ trụ.

“Nguyệt bạc vừng xanh, soi mọi chỗ thiền hà lai láng;

Liễu mềm hoa tốt, ngất quần sanh tuệ nhật sâm lâm”. _Trần Nhân Tông_

Sự giác ngộ hay thành đạo của đức Phật không bộc phát một cách bất ngờ như tia chớp cắt ngang một vầng mây ám, mà là một quá trình xua tan tất cả những ngăn ngại mê mờ, để cuối cùng là sự tự soi sáng và chiếu tỏ muôn phương; và thế là màn vô minh biến mất, tựa “khi ánh sáng xuất hiện thì bóng tối tự tan dần”. Theo lời tường thuật của đức Phật trong Kinh Trung Bộ (MN-36), ta thấy rằng sự kiện giác ngộ của đức Phật kéo dài suốt ba canh. Điều này phù hợp với Ngài xác định “Giáo lí của Ngài theo tiến trình tuần tự, không có sự thể nhập đột ngột tự phát của tri kiến; ví như bờ biển không đột ngột sâu xuống mà cứ tuần tự xuôi dần”.

Như vậy, ta có thể hình dung ra sự giác ngộ của đức Phật kéo dài trong nhiều giờ khắc. Với tâm trí cực kì minh mẫn, mọi khả năng trí tuệ của Ngài được điều động và tập trung lại vào cùng một thời điểm, để rồi toả sáng như ánh trăng. Không có gì gọi là “xuất thần” trong sự giác ngộ này cả, vì đó không phải là một trạng thái ở ngoài tự thân hay mê mẫn tâm trí. Cách tìm cầu trạng thái này của đức Phật cũng không phải là sự mò mẫn mù quáng trong đêm tối. Ngài biết thật chính xác đối tượng nào cần hướng đến. Ngài nhìn thẳng vào thực trạng (Khổ đế) của cuộc đời, tìm nguyên nhân (Tập đế), rồi xác định con đường hướng đến (Đạo đế). Như vậy, đó phải là cả một quá trình của sự vận hành năng lực trí tuệ để cho nguồn sáng chân lí toả chiếu diệu dụng như ánh trăng vào đêm thành đạo.

Sự giác ngộ ấy còn tiến xa hơn nữa để khai triển cái tri kiến ra nhiều lĩnh vực nhận thức mới. Cái tri kiến Ngài khám phá bên ngoài cùng với tuệ giác tinh hoa ở nội tâm chan hoà như những khối pha lê đúc kết thành một giáo pháp tinh anh như vầng mặt nguyệt. Trong ánh hoà quang sáng ngời của sự giác ngộ, một hệ tư tưởng mới được tạo nên từ những yếu tố mới và cũ hoà đồng một cách vi diệu, và cuối cùng vượt hẳn lên mọi tri kiến để trở thành chân lí phổ quát soi tỏ vạn hữu.

Truyền thống Phật giáo nguyên thuỷ cho rằng, sự đắc quả vô thượng giác ngộ của đức Phật đã biến Ngài từ một nghệ sĩ thành một nhà tư tưởng và cuối cùng vượt hơn tất cả để trở thành người chứng đạt chân lí. Điều hi hữu là dònặot tưởng sáng tạo của đức Phật chứng tỏ vẫn tiếp diễn ngay cả sau khi Ngài giác ngộ. Đó là ý nghĩa diễn tiến liên tục của nguồn sáng ánh trăng biểu trưng cho giá trị tồn tại vĩnh hằng của chân lí được đức Phật thể nghiệm. Chân lí ấy là nguyên lí vận hành vô hạn khắp không gian và không thay đổi cùng thời gian, được Nguyễn Du ta thán:

“Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên,

Y y bất cải cựu thuyền quyên”.

_Sân vắng đầu năm trăng sáng khắp,

Vẫn y nhiên tại đẹp nguyên màu.

Và cái chân lí ấy cũng được nhà thơ thiền hiện đại tự hoá điên Bùi Giáng gợi hỏi gả “Cùng tử” đang lang thang trong cuộc đời này:

“Em về mấy thế kỷ sau,

Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không.”

Nếu ánh sáng của mặt trăng là sự hợp nhất của những gì huyền diệu tự nhiên, xua tan sự u tịch của đêm trường, lan rộng bao trùm khắp muôn loại; thì ánh sáng hào quang dịu vợi của đức Phật lại toả soi khắp bản thể vô biên, làm tan biến mọi tối tăm của bao cực đoan quan kiến nơi tâm hồn nhân loại. Thật là toàn mỹ biết bao khi hai vầng sáng nội tại và ngoại tại cùng chan hoà nhịp nhàng trong nguồn sáng vô tận, khiến cho toàn thể sâu thẳm của cuộc đời đều được khai sáng một cách tuyệt vời nhất:

“Thử phong, thử nguyệt, dữ thử nhân;

Hợp thành thiên hạ tam kì tuyệt.”

-Trần Anh Tông-

Ý NGHĨA THIẾT LẬP CHÂN LÍ CHÁNH PHÁP

Tư tưởng không thể hoàn mãn mà không có sự hỗ trợ tối thiểu của ngôn ngữ biểu tượng. Để đi vào thuyên giải biểu tượng, không chỉ có nương vào những phương tiện liên hệ trong vũ trụ, cũng như ý nghĩa cũa ngôn từ mà còn bằng cả thể nghiệm về nó. Ý nghĩa của biểu tượng là cái mà trong đó ta đối diện với sự thật một cách cần thiết để hướng tới nắm bắt thực tại tính được chỉ rõ trong chúng. Do đó, thể nghiệm biểu tượng là mọt tát yếu căn bản giúp chúng ta trưởng thành sự chân thật.

Nếu ngôn từ có thể chuyển tải toàn vẹn mọi sự thể ở thế gian này, thì có lẽ sẽ không còn một hình tượng nào được xem là biểu tượng của những gì cao tột nữa. Phải chăng, chính sự giới hạn của ngôn ngữ ấy mà mọi pháp đều còn hiện hữu một cái gì đó huyền bí của riêng mình. Để khám pha những miền huyền bí vi diệu, phần còn lại là đi tìm sự thật bằng nguồn tâm thức lắng đọng vượt ra ngoài ngôn ngữ. Vì vậy mà đức Phật tuyên bố: “Nhất thiết Tu-đa-la giáo như tiêu nguyệt chỉ”-tất cả Kinh Phật thuyết chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng mà thôi. Đó chính là giá trị của sự tịch nhiên tĩnh lặng mà đức Phật thể nhập được ở bản thể tịnh minh dưới ánh trăng của đêm thành đạo để rồi tiến tới hình thành tư tưởng biểu tượng cho chân lí.

Tiêu chí của sự kết tinh những vầng trăng tri kiến giác ngộ trong thiền học chính là: “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”. Phương thức ấn chứng ấy điển hình ở sự bắt đầu từ cái mĩn cười của Ngài Ca Diếp khi đức Phật đưa cành hoa sen lên giữa hội chúng tại Linh Sơn. Và phải chăng cũng bởi cái “khuyết tật” của ngôn ngữ “hữu tự” chính thiền học tĩnh giác ấy mà tiểu thuyết gia Ngô Thừa Ân dựng lên cái nạn cuối cùng của thầy trò Đường Tăng trên sông Thông Thiên Hà trong Tây Du Ký. Vì cho ràng thầy trò Tam Tạng đã chứng quả nên A-Nan và Ca-Diếp truyền cho Vô Tự Chân Kinh (Bất thuyết nhất ngữ) mà Phật đã tuyên bố lúc cuối cuộc đời: “Suôt 49 năm, Như Lai không nói một lời”. Thấy Kinh “ vô tự” Tam Tạng đổi lại Kinh “hữu tự”. Vì không thực hiện lời hứa hỏi về nguyên thuỷ kiếp rùa cho rùa thần Thuỷ Nguyên, nên thầy trò Tam Tạng bị hất cả xuống sông, làm cho tất cả Kinh “hữu tự” bị ướt. Kinh ướt phải phơi, khi phơi Kinh thì trang cuối bị dính vào đá bóc không ra, và bộ Kinh thiếu phần kết. Thiếu phần kết nên Kinh “hữu tự” trở thành Kinh “vô tự”. Thế là cái nghiệp chấp danh tự được giải quyết xong và thầy trò Tam Tạng không còn gặp tai nạn nữa.

Đó cũng là cái chết mà Trần Nhân Tông tỉnh giác trong bài Hữu Cú vô Cú:

“Hữu cú vô cú

Tự xưa tự nay

Quên trăng ngắm ngón

Chết đuối trên bờ”.

Ánh trăng được xem như là biểu tượng của sự tĩnh lặng (vô ngôn) hay là cái thể của chân lí. Đối với Bồ Tát, im lặng là đặc tính của sự tỉnh giác: “Im lặng là sanh địa quyền năng, im lặng đồng nghĩa với quyền năng tối thượng”. Khi đạt đến sự im lặng, tức là đạt đến đỉnh cao của sự hợp nhất giữa con người và thực tại tính xã ly:

“Ngồi trong vườn nguyệt lộ

Hôn một màu trăng non,

Nghe lòng vui cười rộ

Chạy băng đồi vô ngôn”.

-Quảng Hạnh-

Tất cả mọi sự chấp thủ dù là tích cực hay tiêu cực đều là mê lầm. Chính vì chấp thủ mà phải bị giam hãm mãi, giống như một con nhện tự giam mình trong màng lưới do chính mình kết nên. Vượt khỏi mọi sự bám víu chính là trạng thái siêu thoát của nguyên lí vô thức tịch tĩnh trong thiền học, hay còn gọi là trạng thái Ba-La-Mật mà Phật giáo hướng tới. đạt đến đó tức là đã thể nhập cùng ánh trăng chân lí giữa bến miền an nhiên tịch tịnh vô biên:

“Một thân nhàn nhã dứt muôn duyên

Hơn bốn mươi năm những hão huyền,

Nhắc bảo các người đừng gạn hỏi

Bên kia trăng gió rộng vô biên”.

-Pháp Loa-

Và cái miền “Bên kia trăng gió rộng vô biên” ấy được phát hoạ qua bức tranh thiền sư Siddhattha đang ngồi an tịnh, hồn nhiên với đôi mắt lim dim thư thái hướng về ánh trăng chiếu sáng xa xa nơi phương trời, như gợi nơi tâm ta một niềm hân hoan thanh nhàn tự tại.

Cuối cùng, cũng vào đêm trăng tròn tĩnh lặng giữa rừng Sala, đức Phật đã ân cần di giáo cho toàn thể đệ tử với những lời giáo huấn thiết tha như gởi lại tất cả tâm huyết của cuộc đời mình: “Khi nói tới chân lí, Như Lai không hề có bàn tay nắm chặt của người Thầy còn muốn giữ lại điều gì.” Thế nên chân lí đã được Ngài thi thiết và khai triển sáng ngời ở thế gian như biểu tượng vầng mặt nguyệt tròn đầy tỏ soi.

Thời gian cứ trôi qua, mọi thứ đều đã, đang và sẽ nhạt nhoà trong lớp bụi của nó, chỉ có viên ngọc bích toàn chân giải thoát là vẫn mãi toả sáng rạng ngời với muôn thuở. Mặc dầu đức Phật đã tịch diệt từ lâu, song chúng ta vẫn còn thấy Ngài như vẫn gần gũi với chúng ta, tiếng nói của Ngài vẫn còn vang vọng bên tai ta, khẽ bảo ta đừng lìa xa sự phấn đấu, hãy bình tĩnh mà đối phó với vọng tình, hãy nhìn thẳng vào cuộc đời để nhận ra những cơ hội lớn hơn, tự rèn luyện mình trở thành một nhân cách trác tuyệt, một chân thiện mỹ trong cuộc đời. Thông qua ý nghĩa thành đạo, ướt mong sao tất cả đều biết phấn đấu để tự hoàn thiện mình trở thành một hiện hữu mang đủ ý nghĩa của cái đẹp và xa hơn nữa là để làm biểu tượng cho cuộc đời này. Đó cũng là những gì mà người viết muốn thông quấnh trăng để làm tiêu đề dẫn đạt ý tưởng trong đêm thành đạo của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni chúng ta.

Nha Trang, Linh Sơn Pháp Bảo-PL 2551.

Thích Tâm Tôn

---o0o---
Trình bày: Anna

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/05/2017(Xem: 11027)
Giáo lý đạo Phật là gì? Giáo lý đạo Phật là phương tiện để điều trị thân bệnh và tâm bệnh, là dược liệu của sự chân thật giúp cho người bệnh hiểu rõ bản chất của sự thật, của chân tâm để đạt đến sự giác ngộ rốt ráo. Chúng sinh do tâm bệnh nên có thân bệnh phát tác và mãi trong chuỗi dài sinh tử luân hồi, con người phải trải qua bốn giai đoạn là sinh, già, bệnh, chết; là quy luật tất yếu của thế giới sinh – diệt, chúng sinh nào muốn liễu sinh thoát tử, phải điều trị bệnh bằng các bài thuốc mà đức Phật đã chỉ dạy.
22/05/2017(Xem: 53697)
Trong bước đầu học Phật, chúng tôi thường gặp nhiều trở ngại lớn về vấn đề danh từ. Vì trong kinh sách tiếng Việt thường dùng lẫn lộn các chữ Việt, chữ Hán Việt, chữ Pali, chữ Sanscrit, khi thì phiên âm, khi thì dịch nghĩa. Các nhân danh và địa danh không được đồng nhứt. Về thời gian, nơi chốn và nhiều câu chuyện trong sự tích đức Phật cũng có nhiều thuyết khác nhau làm cho người học Phật khó ghi nhận được diễn tiến cuộc đời đức Phật. Do đó chúng tôi có phát nguyện sẽ cố gắng đóng góp phần nào để giúp người học Phật có được một tài liệu đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ tra cứu khi cần.
13/02/2017(Xem: 5633)
Này Ananda, nếu có Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ nào thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng. (Đại Bát Niết Bàn – Trường Bộ Kinh)
05/01/2017(Xem: 12708)
Sao Mai từ góc trời lên Tử sinh đã dứt não phiền đã tan Mười phương thế giới hân hoan Mừng đấng Chánh Giác với ngàn lời ca. Mừng ngày Đức Phật thành đạo (8-12 âm lịch). Đây là hình ảnh rất thiêng liêng và cao quý đối với người Phật tử, vì đây là lúc thái tử Siddhartta Gautama đã tìm ra được đạo lớn sau 49 ngày thiền định miên mật dưới gốc cây Bồ Đề, và nhờ đó Phật giáo đã có mặt và tồn tại suốt 2600 năm qua, mang lại lợi ích cho vô lượng vô số chúng sinh.
01/10/2016(Xem: 8016)
Vào khoảng năm 1978, chùa chúng tôi xảy ra một biến cố làm cho tất cả mọi người có thêm kinh nghiệm về việc tái sinh và nghiệp báo. Nếu biến cố này xảy ra trước 1975 thì chắc những tờ nhật báo tha hồ khai thác để làm tiền thiên hạ, và chùa chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng không ít vì cảnh “dập dìu tài tử giai nhân” đua nhau tới chùa tìm hiểu sự vụ, hòng kiểm chứng những lời tường thuật của báo chí. Nhưng nhờ sự cố đã xảy ra vào một thời rất căng cho các chùa chiền, thêm nữa chùa chúng tôi ở nơi thật hẻo lánh trên núi thì ai biết được sự cố hy hữu đã xảy đến.
27/12/2015(Xem: 9573)
Lễ Vía Đức Phật A Di Đà 2015 tại TV Minh Quang Sydney, Úc Châu, Chủ Nhật 26-12-2015
02/06/2015(Xem: 14496)
Trước khi ôn lại Tiểu Sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, để người đọc nhận định dễ hơn về ngày tháng ghi trong tiểu sử của Ngài, chúng tôi xin nhắc lại là Đức Phật Thích Ca sanh vào năm 624 trước Tây Lịch. Ngài nhập Niết Bàn lúc 80 tuổi vào năm 544 trước Tây Lịch. Sáu trăm hai mươi bốn năm sau, Tây Phương mới bắt đầu chọn năm sinh của Đức Chúa Jesus Christ làm khởi điểm cho Dương lịch. Như vậy tính đến nay là năm 2015 thì Đức Phật đã ra đời được 2,639 năm và chiếu theo Phật lịch khởi đầu từ năm Đức Phật viên tịch (năm 544 trước TL) thì Ngài đã nhập Niết Bàn được 2,559 năm. Việt Nam và các quốc gia thuộc khu vực Đông Á như Nhật Bản, Trung Hoa, Triều Tiên ... từ xưa đều làm Lễ Phật Đản vào ngày mồng 8 tháng Tư Âm Lịch. Tên gọi tắt dành cho ngày Lễ Phật Đản là "Ngày mồng Tám tháng Tư" đã lưu truyền hằng bao thế kỷ, trở thành phong tục tập quán cổ truyền, ghi đậm vào tâm khảm của mọi người kể cả người theo hay không theo Phật giáo.
30/01/2015(Xem: 9713)
Hôm mồng 08 tháng 12 Âm lịch (27/01/2015), Tổ đình Thiền tông Thiếu Lâm Tự tổ chức nấu Cháo Bát Lạp, để dâng cúng dường Kỷ niệm ngày đức Thích Ca Mâu Ni thành Phật, hoạt động này đã thu hút hàng trăm Phật tử tham gia chế biến món truyền thống với hương vị đặc trưng này. Hôm nay cũng là Lễ hội Cháo Bát Lạp nhân Kỷ niệm ngày đức Thích Ca Mâu Ni thành Phật, được gọi là “Pháp Bảo Tiết”. Vào buổi sáng lúc 08 giờ 30 phút, Hòa thượng Thích Vĩnh Tín, Phương trượng Thiếu Lâm Tự, cùng đại chúng vân tập Đại Hùng Bửu điện cử hành cung phụng Pháp hội, những tình nguyện viên, thiện nam tín nữ Phật cầu Phúc.
29/01/2015(Xem: 5946)
Nam Mô Bồ Đề Thọ Hạ Đại Thắng Ma Quân Dạ Đổ Minh Tinh Đạo Thành Chánh Giác Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Sao Mai từ góc trời lên Tử sinh đã dứt não phiền đã tan Mười phương thế giới hân hoàn Mừng Đấng Giác Ngộ với ngàn lời ca.
27/01/2015(Xem: 8775)
DƯỚI GỐC CÂY NÀY, NẾU TA KHÔNG ĐẮC ĐẠO VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ, DẦU CHO TAN THÂN NÁT THỊT QUYẾT KHÔNG ĐỨNG LÊN. Lời nguyện vĩ đại trên Đức Phật đã đánh đổ tất cả thành trì, vương tước và khước từ cuộc sống vị kỷ, hạn hẹp tình vợ chồng con cái trong chốn nhung lụa, giàu sang của hoàng tộc. Lời nguyện siêu tuyệt trên Đức Phật đã băng rừng, lội suối trải qua bao gian khổ, nhọc nhằn hiểm nguy để tìm ra chân lý giải thoát khổ đau cho tất cả muôn loài.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]