Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

5. SỰ TÍCH PHẬT LỰC THỨ NĂM

30/05/201318:52(Xem: 6124)
5. SỰ TÍCH PHẬT LỰC THỨ NĂM

 

Tám Sự Tích Phật Lực

Tỳ khưu Hộ Pháp
(Dhammarakkhita Bhikkhu)

Phật lịch 2545 (TL 2001)

---o0o---

SỰ TÍCH PHẬT LỰC THỨ NĂM

ĐỨC PHẬT THẮNG NÀNG CINCÀMÀNAVIKÀ

-ooOoo-

Đức Phật thắng nàng kỹ nữ Cincàmànavikà, nhờ pháp an tịnh.

(Bộ Chú giải Dhammapadatthakathà, chuyện Cincànavikà; bộ Chú giải Jàtaka ...)

Thuở ấy, Đức Thế Tôn ngự tại chùa Jetavana gần thành Savàtthi, nhóm các tu sĩ ngoại đạo âm mưu với nàng kỹ nữ Cincàmànavikà vu oan, mắng nhiếc Đức Phật, để làm mất uy tín của Ngài trước tứ chúng đệ tử(Chuyện xảy ra vào khoảng thời gian sau hạ thứ 7, chưa đến hạ thứ 8 của Đức Phật).

Vào thời kỳ đầu của chánh pháp, các hàng đệ tử ngày một thêm đông, chư thiên, Phạm thiên, nhân loại đã chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả vô số không sao kể xiết. Vì vậy, danh thơm tiếng tốt của Đức Phật lan toả khắp mọi nơi. Đại đa số quần chúng trước kia có truyền thống theo các giáo phái ngoại đạo, nay đã trở thành đệ tử của Đức Phật. Đó là điều mà các tu sĩ ngoại đạo cảm thấy bị tổn thương, những tín đồ cũ không giữ lại được, tín đồ mới không thêm, sự cúng dường lợi lộc càng ngày càng giảm dần.

Khi thấy quần chúng lũ lượt kéo nhau đi nghe pháp cúng dường tứ vật dụng đến Đức Phật và Tăng chúng, các tu sĩ ngoại đạo đã ra đứng chặn giữa đường rồi lớn tiếng thuyết phục:

- Không chỉ Sa môn Gotama là Đức Phật mà chúng tôi đây cũng là Phật. Bố thí cúng dường đến Sa môn Gotama có phước nhiều, quả báu nhiều, thì bố thí cúng dường đến chúng tôi cũng như vậy!

Mặc dù các tu sĩ ngoại đạo gắng sức rao truyền quảng cáo, cũng không thể đem lại đức tin cho quần chúng được nữa. Khi mà đức tin đã mất thì danh vọng, lợi lộc của chúng đều bị suy giảm. Bởi vậy, chúng họp bàn với nhau bày mưu kế thâm độc để hạ uy tín của Đức Phật.

Thời ấy, trong thành Savatthi có người kỹ nữ duyên dáng, xinh đẹp như thiên nữ tên là Cincàmàna-vikà, nàng vốn là đệ tử thuần thành của các tu sĩ ngoại đạo. Thấy sắc đẹp tuyệt trần của nàng Cincà-mànavikà, các tu sĩ ngoại đạo nghĩ ra diệu kế: "Chúng ta dùng nàng kỹ nữ Cincàmànavikà giả mang thai với Sa môn Gotama, gây ra sự hiểu lầm làm mất uy tín của y!".

Mưu kế ấy được họ chấp nhận.

Một hôm, như lệ thường nàng Cincàmànavikà đến tu viện ngoại đạo, làm lễ các tu sĩ xong, nàng ngồi một bên. Nàng Cincàmànavikà rất ngạc nhiên không hiểu sao hôm nay các tu sĩ ngồi im lặng không nói với nàng một câu nào. Nàng thoáng nghĩ: "Mình có lỗi gì đây".

Nàng bạch vị Trưởng lão rằng:

- Kính bạch Ngài, con đã lễ bái quý Ngài ba lần rồi, nhưng con không biết con có lỗi gì mà quý Ngài không nói với con một lời nào?

Vị trưởng lão tỏ vẻ nghiêm nghị nói với nàng:

- Không! Này con, con là một đệ tử rất tốt, con không có lỗi gì! Hiện nay đời sống của quý thầy khổ sở, thiếu thốn lắm con à, vì vậy, quý thầy buồn bực, khổ tâm, không ai buồn nói với ai điều gì nữa.

Nàng Cincàmànavikà ngạc nhiên nóng lòng hỏi:

- Kính bạch quý Ngài, trước đây đời sống của quý Ngài được đầy đủ lắm, sao hiện nay lại lâm vào hoàn cảnh khổ cực như vậy?

- Này Cincàmànavikà, con không biết gì hay sao? Chính Sa môn Gotama đã làm khổ quý thầy, chính Sa môn Gotama đã làm mất hết cả uy tín, danh vọng và những lợi lộc cúng dường... cho nên, quý thầy phải sống trong cảnh thiếu thốn khổ cực như vậy.

Nàng Cincàmànavikà cảm thấy rất đau lòng, chân tình thưa:

- Vậy mà con có hay biết gì đâu? Không biết con có thể làm gì, để giúp đỡ cho quý Ngài?

Các vị tu sĩ ngoại đạo giả vờ im lặng một lúc rồi có vị nói:

- Chỉ sợ con ngại khó, mà không giúp quý thầy đó thôi.

Nàng Cincàmànavikà mau mắn đáp:

- Không, khó khăn gì con cũng có thể làm được, miễn là làm sao cho quý Ngài được sống an lạc, thế là con mãn nguyện lắm rồi.

Vị tu sĩ ngoại đạo nghiêm chỉnh nói:

- Đây là việc rất hệ trọng, đòi hỏi con phải khôn khéo. Nếu con thật tình muốn giúp đỡ quý thầy, thì chỉ có một phương pháp duy nhất là con hãy dùng cái sắc đẹp duyên dáng đầy quyến rũ của con, làm thế nào đó giả mang thai với Sa môn Gotama. Con làm được như vậy, sẽ làm giảm uy tín của Sa môn Gotama, như thế thì phần đông tín đồ của Sa môn Gotama sẽ trở về lại với chúng ta.

Nàng Cincàmànavikà hớn hở nói:

- Đúng vậy, kế này rất hay! Xin quý Ngài hãy tin tưởng nơi con, con sẽ cố gắng làm tròn bổn phận để đền đáp công ơn của quý Ngài đối với con.

Từ hôm ấy, cứ vào mỗi buổi chiều dân chúng trong thành Sàvatthi sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp tại chùa Jetavana xong, đảnh lễ Đức Phật trở về nhà, họ thường gặp nàng Cincàmànavikà ăn mặc đẹp đẽ rất quyến rũ, cầm một bó hoa trên tay đang đi trên đường hướng đến chùa Jetavana, có người tò mò dừng lại hỏi:

- Chiều tối rồi, cô đi đâu mà ăn mặt đẹp vậy?

Nàng Cincàmànavikà trả lời cố ý tạo ra một sự nghi ngờ:

- Tôi đi đâu là việc của tôi, quý vị biết phỏng có ích lợi gì!

Nói xong, nàng bước đi theo hướng đến chùa Jetavana, nhưng lại nghĩ qua đêm tại một tu viện ngoại đạo ở gần đó.

Rồi sáng hôm sau, khi có một số cận sự nam, cận sự nữ đem vật dụng đến chùa Jetavana để cúng dường Đức Phật và Tăng chúng, thì thấy nàng Cincà-mànavikà từ hướng chùa Jetavana trở lại thành Savatthi, người ta lại hỏi nàng:

- Đêm hôm qua cô nghỉ ở đâu mà sáng nay lại vào thành sớm vậy?

Nàng Cincàmànavikà ỡm ờ đáp:

- Tôi nghỉ đâu có nơi có chỗ của tôi, quý vị biết phỏng có lợi ích gì!

Và từ đó, cứ vào mỗi buổi chiều và mỗi buổi sáng, từ tháng này sang tháng khác, nàng Cincàmàna-vikà đều làm như vậy. Cho đến một hôm, có số người cận sự nam, cận sự nữ khác hỏi rằng:

- Đêm hôm qua cô nghỉ ở đâu mà sáng nay lại vào thành sớm vậy?

Nàng Cincàmànavikà thấy đã đến lúc cần phải nói, để bắt đầu gây ra sự ngờ vực.

- Chuyện riêng tư của tôi mà quý vị muốn biết hay sao? Sớm muộn gì quý vị cũng sẽ biết thôi mà! Nếu quý vị muốn biết bây giờ tôi xin khai thật: "Đêm qua tôi nghỉ ở Gandhakuti chung với Sa môn Gotamađể phục vụ Ngài, là một niềm vinh dự lớn lao của đời tôi". Nói xong, nàng tỏ vẻ đắc ý bỏ vào thành.

Khi nghe nàng Cincàmànavikà nói vậy, có số cận sự nam, cận sự nữ thiểu trí nên sanh tâm bán tín bán nghi cho đến khi trải qua 3-4 tháng, nàng Cincà-mànavikà lấy vải độn bụng, mặc áo lụng thụng che bên ngoài làm như người đang mang thai. Có một số người không có trí tuệ, không hiểu biết về giáo pháp của Đức Phật nghĩ là cô Cincàmànavikà thật sự có thai với Sa môn Gotama rồi.

Thời gian đã đến 9 tháng, màn kịch hạ uy tín Đức Thế Tôn đến hồi chung cuộc. Nhóm tu sĩ ngoại đạo gọi nàng Cincàmànavikà đến, họ dùng một miếng gỗ đẻo hình dạng giống như cái thai sắp đến ngày sinh nở, có bốn đầu giây ràng, bảo nàng Cincà-mànavikà mang vào buộc chặt sau lưng, mặc áo phủ kín lại, nhìn giống như người mang thai thật, xong nhóm tu sĩ ngoại đạo dùng cây đánh ở sống bàn tay, bàn chân cho sưng lên nhìn đúng là người đàn bà sắp đến thời kỳ sinh nở.

ĐỨC PHẬT THẮNG NÀNG CINCÀMÀNAVIKÀ

Vào một buổi chiều, khi Đức Phật đang ngự trên pháp toà, tại giảng đường chùa Jetavana, tứ chúng đệ tử đang ngồi im lặng lắng nghe pháp như thường lệ, thì nàng Cincàmànavikà từ ngoài xồng xộc đi vào, đến trước Đức Phật, chỉ tay buông lời mắng nhiếc:

- Này ông đại Sa môn Gotama! Ông thuyết pháp thật là hay, thật là giỏi, ông tế độ biết bao nhiêu người, còn tôi sao ông không tế độ? Tôi bụng mang dạ chửa là vì ông, ông nói ngon nói ngọt với tôi, bảo là sẽ giúp tôi thế này, thế nọ.... Hôm nay, sắp đến ngày sinh nở, ông lo thuyết pháp tế độ người khác, chẳng đoái hoài gì đến tôi. Dầu ông bận không lo cho tôi được, thì ông bảo những người hộ độ ông như Đức vua Pasenadi, ông phú hộ Anàthapindika, bà Visàkhà... lo cho tôi cũng được. Nhưng đằng này, ông chỉ biết thoả mãn dục vọng cá nhân, ông không hề biết đến nỗi khổ của tôi phải chịu bụng mang dạ chửa như thế này đây!

Nghe nàng Cincàmànavikà mắng nhiếc, Đức Phật ngưng thuyết pháp, vẫn ngồi an nhiên tự tại, an tịnh trên pháp toà rồi từ tốn nói:

"Bhagini, tayà kathitassa tathabhàvam và vitathabhàvam và ahameva ca tvanca jànàma".[*]

- Này cô em! Cô nói lời chân thật hay giả dối chỉ có Như Lai và cô biết rõ mà thôi?

[*] Bộ Chú giải Dhammapadatthakathà, chuyện Cincàmànavikàvatthu

Nàng Cincàmànavikà liền đáp:

- Đúng vậy, này ông đại Sa môn! Chỉ có ông và tôi biết rõ mà thôi!

Ngay giây phút ấy, tại cung trời Tam thập tam thiên, bảo toà của vua trời Sakka nóng lên, bằng thiên nhãn quan sát nguyên nhân, vua trời thấy rõ ràng nàng Cincàmànavikà đang mắng nhiếc Đức Phật trước tứ chúng đệ tử, bởi những chuyện không có thật. Đây là âm mưu thâm độc của nhóm tu sĩ ngoại đạo, dùng cô kỹ nữ Cincàmànavikà vô liêm sỉ, cố ý làm hạ uy tín của Đức Phật trước tứ chúng đệ tử. Vua trời Sakka quyết định phải làm sáng tỏ chuyện này. Vua trời cùng bốn thiên nam xuất hiện xuống giảng đường chùa Jetavana ngay tức khắc. Bốn vị thiên nam, theo lệnh của vua trời hoá thành bốn con chuột, cùng một lúc bò lên cắn đứt bốn sợi dây cột tấm gỗ, hình dạng giống bào thai ràng buộc sau lưng nàng Cincàmànavikà, đồng thời vua trời hoá một luồng gió thổi cho tấm gỗ kia rơi xuống đất đụng nhằm hai bàn chân của nàng Cincàmànavikà, làm cho đôi chân của nàng bầm máu.

Sự việc xảy ra trong thời gian ngắn ngủi, mọi sự thật hiển nhiên phơi bày trước mắt tứ chúng đệ tử. Nàng Cincàmànavikà bị mắng nhiếc không tiếc lời, có người đánh đập, nhổ nước bọt rồi xua đuổi nàng ra khỏi khuôn viên chùa. Nàng Cincàmànavikà thất vọng, thất tha thất thểu bước đi ra vừa khuất tầm mắt của mọi người, mặt đất liền nứt ra làm hai, phát lên một tia lửa thiêu cháy nàng rồi rút xác nàng xuống sâu dưới lòng đất.Sau khi nàng Cincàmànavikà chết, do ác nghiệp ấy cho quả tái sanh vào đại địa ngục Avìci chịu quả khổ do ác nghiệp đã tạo.

Chuyện nàng Cincàmànavikà vu khống Đức Phật đã lan truyền khắp mọi nơi, từ xứ này sang xứ khác. Và ai ai cũng đều biết đó là âm mưu thâm độc đê tiện của nhóm tu sĩ ngoại đạo. Một số người trước kia còn hộ độ nhóm tu sĩ ngoại đạo, nay họ nghe thấy như vậy, mất hết đức tin, nên không còn phát tâm cúng dường các món vật dụng cho nhóm tu sĩ ngoại đạo nữa, đời sống của nhóm tu sĩ ngoại đạo thiếu thốn khổ cực nay lại càng tệ hại hơn nữa.

Trái lại, dân chúng khắp mọi nơi phát sanh thiện tâm trong sạch cúng dường Đức Phật và chư Tăng các món vật dụng sung túc, bởi vì, số người nào chưa có đức tin thì nay lại có đức tin nơi Tam bảo, số người nào đã có đức tin nơi Tam Bảo rồi lại càng thêm tăng trưởng.

Đức Phật đã thắng lời vu khống của nàng Cincàmànavikà nhờ pháp an định.

CÂU CHUYỆN TIỀN KIẾP

Ngày hôm sau, trong giảng đường chùa Jetavana, chư Tỳ khưu hội họp bàn luận chuyện nàng Cincàmànavikà vu khống, mắng nhiếc Đức Phật, do đó, nàng bị lửa thiêu, đất rút chết rồi sa vào cõi điạ ngục Avìci, chịu quả khổ lâu dài do ác nghiệp của mình đã tạo, vừa lúc ấy, Đức Thế Tôn ngự đến, Ngài hỏi:

- Này chư Tỳ khưu, các con đang bàn luận về chuyện gì vậy?

Chư Tỳ khưu bạch với Đức Thế Tôn rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, chúng con đang bàn luận về chuyện nàng Cincàmànavikà.

Đức Phật dạy:

- Này chư Tỳ khưu, không phải chỉ kiếp hiện tại này, nàng Cincàmànavikà mới vu khống, mắng nhiếc Như Lai, để dẫn đến quả khổ tai hại đất rút chết rồi sa vào địa ngục Avìci, mà trong kiếp quá khứ của cô ta cũng từng làm như vậy.

Nghe dạy vậy, muốn biết chuyện tiền kiếp của nàng Cincàmànavikà, chư Tỳ khưu kính thỉnh Đức Phật thuyết lại chuyện tiền kiếp của nàng.

Tóm lược như sau:

Một thời quá khứ xa xưa, có Đức vua Brahma-datta trị vì xứ Bàranasì. Lúc ấy, Đức Bồ Tát hạ sanh vào lòng Hoàng hậu của Đức vua Brahmadatta. Khi Đức Bồ Tát chào đời, Đức vua, Hoàng hậu và cả hoàng tộc đều vui mừng hớn hở, nhìn thấy Đức Bồ Tát đẹp đẽ và dịu hiền như một đoá hoa sen mới nở, nên đặt tên cho Thái tử là Paduma.

Thái tử trưởng thành, tài trí và đức hạnh đều vẹn toàn, được Đức vua, Hoàng hậu, hoàng tộc và cả triều đình thảy đều quý mến. Vì muốn cho Thái tử văn võ thảy đều song toàn, nên Đức vua đã gửi Thái tử đi học ở xứ Takkasilà. Lúc Thái tử thành tài trở lại hoàng cung thì Hoàng hậu đã quy thiên, Đức vua phong một người thứ phi còn trẻ lên ngôi Hoàng hậu và tấn phong cho Thái tử làm phó vương.

Nhằm lúc biên thùy nổi loạn, Đức vua thân chinh cầm quân dẹp loạn. Trước khi ra đi, Đức vua bảo Hoàng hậu rằng:

- Này ái khanh, ái khanh ở lại bảo trọng sức khoẻ, còn trẫm phải ra biên thùy dẹp loạn, chẳng bao lâu, trẫm sẽ trở về!

Đức vua dạy Thái tử phó vương:

- Bây giờ hoàng nhi thay cha cầm quyền trị nước! Đối với quần thần, con phải anh minh sáng suốt, phán xét mọi việc công minh chánh trực. Đối với Hoàng hậu con phải phụng dưỡng giống như mẫu hậu của con vậy!

Đức Bồ Tát phó vương tuân lệnh, rồi đưa tiễn vua cha lên đường.

Đức vua đi rồi, phó vương ở lại chăm lo việc triều chính một cách nghiêm minh, quần thần đều mến phục. Phó vương thỉnh thoảng ghé thăm Hoàng hậu, vấn an sức khoẻ, thăm hỏi ân cần, lễ độ đúng theo bổn phận làm con, như vua cha truyền dạy. Nhưng Hoàng hậu nhìn thấy phó vương trẻ đẹp như vị thiên thần nên phát sanh tâm dục vọng. Tuy nhiên, chính sự lễ độ, tôn trọng của phó vương làm cho bà chưa dám hành động xấu.

Đức vua dẹp loạn xong, dẫn quân trở về kinh thành. Giữa đường Đức vua ra lệnh cho tướng sĩ dựng trại nghỉ ngơi, rồi truyền các quan báo tin cho Thái tử phó vương trang hoàng nội cung để ăn mừng chiến thắng. Thái tử được tin phụ vương sắp trở về nên lo trang hoàng cung điện thật lộng lẫy. Lúc ấy, Thái tử một mình đến thăm kế mẫu. Riêng bà Hoàng hậu đã có tâm dục vọng thấp hèn từ lâu, nên vừa nhìn thấy Thái tử liền phát sanh tâm ái dục.

Thái tử làm lễ xong bèn thưa:

- Kính thưa mẫu hậu, mẫu hậu cần việc gì để con phụng sự?

- Bà lả lơi nói rằng: "Từ nay chàng đừng gọi em là mẫu hậu nữa!".

Rồi bà bước xuống nắm tay Thái tử và bảo:

- Chàng hãy bước lên cùng em.

Thái tử quá đỗi ngạc nhiên và thưa:

- Thưa mẫu hậu, người nói gì vậy?

Bà mĩm cười khiêu gợi, dịu dàng nói:

- Chàng và em hưởng lạc trong lúc Đức vua chưa trở về.

Vẽ mặt Thái tử trang nghiêm thưa:

- Thưa mẫu hậu, mẫu hậu là Hoàng hậu của phụ vương, là kế mẫu của con, con đâu dám làm chuyện tày trời như thế được?

Bà Hoàng hậu nài nỉ hai ba lần, Thái tử vẫn một mực từ chối. Bực mình quá, bà vừa ra lệnh vừa hăm doạ:

- Nếu ngươi cả gan không chịu làm theo lời của ta, ta sẽ trình tâu với Đức vua, ngươi dụ dỗ ta không được nên cưỡng bức, hãm hiếp ta! Lúc ấy, Đức vua sẽ hành tội giết chết ngươi.

Thái tử vẫn dõng dạc nói:

- Thưa mẫu hậu, con chẳng bao giờ làm trái với luân thường đạo lý, còn mẫu hậu trình tâu với Đức vua thế nào tuỳ mẫu hậu!

Thái tử xin phép lui ra.

Bà hoàng hậu vừa tức giận, vừa hổ thẹn, và lúc ấy bà sực tỉnh mà sợ rằng:

"Nếu Thái tử Paduma tâu Đức vua biết chuyện này, thì ta khó sống nỗi, vậy ta phải hạ thủ trước mới được!".

Thế rồi đ? thực hiện việc dã tâm, bà bắt đầu nhịn ăn, mặc y phục cũ, lấy tay cào cấu thành vết trầy trụa trên thân thể rồi dạy bảo các người hầu nữ rằng:

- Này các em, Đức vua trở về có hỏi đến ta thì nói Hoàng hậu lâm bệnh nặng.

Nói xong, bà bước vào hậu cung đóng kín cửa.

Đức vua về đến kinh thành, Đức phó vương dẫn bá quan ra tận cổng thành nghinh đón Đức vua, quỳ lạy và tung hô vạn tuế. Đức vua Brahmadatta hài lòng hỏi han công chuyện ở triều đình, Đức phó vương trình tâu vắn tắt nhưng đầy đủ, bước vào cung điện, thấy trần thiết huy hoàng, các quan đứng theo vị trí rất chỉnh tề và thứ tự. Đức vua không ngớt khen ngợi là phó vương có đầu óc, biết tổ chức và xắp xếp mọi việc.

Sau khi bá quan lui ra, quân lính trở về doanh trại đợi lệnh khen thưởng, Đức vua liền đi thẳng vào nội cung, không thấy Hoàng hậu đón tiếp như mọi lần, Đức vua bèn hỏi người hầu nữ:

- Hoàng hậu ở đâu mà sao trẫm không thấy?

- Tâu đại vương, lệnh bà lâm bịnh nặng đang nằm trong hậu cung.

Đức vua đến nơi thăm hỏi, nhưng hỏi thế nào hoàng hậu vẫn im lặng không đáp, Đức vua lấy làm bực mình hỏi gắt:

- Này ái khanh, lý do gì mà ái khanh không nói chuyện với trẫm?

Bà ngồi dậy khóc ấm ức, tức tửi tâu rằng:

- Tâu Hoàng thượng, thần thiếp là Hoàng hậu của Hoàng thượng thế mà có người bức hiếp thần thiếp đến như thế này!

Chưa rõ nguồn cơn ra sao, Đức vua đã nổi trận lôi đình.

- Ai dám bức hiếp ái khanh? Hãy nói cho trẫm biết ngay, trẫm sẽ trị tội chết.

Bà hoàng hậu tâu:

- Tâu Hoàng thượng, Hoàng thượng trao quyền cho ai trông coi kinh thành này, lúc Hoàng thượng đi dẹp loạn?

- Chẳng lẽ là hoàng nhi, phó vương Paduma?

Bà cất giọng khẳng định:

- Tâu Hoàng thượng, chính là vị phó vương cao quý của bệ hạ, chính y đến nơi đây muốn cưỡng bức thần thiếp cho thoả mãn dục vọng của y, mặc dầu thần thiếp khẩn khoản van xin: "Này hoàng nhi, con đừng làm việc tội lỗi loạn luân như vậy, dù sao ta cũng là Hoàng hậu của phụ vương con, là kế mẫu của con!".

Nghe thần thiếp nói vậy, Thái tử buông lời ngạo mạn khi quân: "Ngoài ta ra, còn ai là Hoàng thượng nữa, vậy em hãy cùng ta hưởng lạc thú ái ân!".Thần thiếp không chịu làm theo ý ngông cuồng của Thái tử, lúc ấy Thái tử tức giận nắm lấy đầu tóc của thần thiếp lôi đi, đánh đập thần thiếp một cách dã man, không thoả mãn dục vọng của mình, phó vương tức giận bỏ đi ra.

- Tâu bệ hạ, xin bệ hạ cứu thần thiếp!

Đức vua nhìn thấy những vết trầy trụa trên thân hình của Hoàng hậu, người nổi cơn thịnh nộ, rồi tức tốc ra lệnh cho nhóm ngự lâm quân đến lâu đài của phó vương Paduma, bắt phó vương trói lại bằng sợi dây xích sắt, lôi đi quanh thành, đồng thời cho lính dùng loa tuyên bố tội trạng của phó vương cho muôn dân được biết:

"Phó vương toan phạm tội loạn luân, dùng vũ lực bức hiếp Hoàng hậu là mẹ kế của mình".

Đức phó vương biết rõ đây là âm mưu thâm độc của Hoàng hậu muốn hại mình, nên nói với dân chúng rằng: "Ta không phải là con người xấu xa đê tiện như vậy! Ta hoàn toàn vô tội!".

Dân chúng trong thành Bàranasì từ lâu biết Đức phó vương là bậc Thiện trí, chẳng bao giờ làm đều trái luân thường đạo lý, chắc chắn đó là âm mưu độc ác vu khống đức phó vương, mọi người nghẹn ngào khóc than rằng: "Sự việc này không đáng xảy ra cho đức phó vương, chúng tôi biết Ngài bị hàm oan".

Nhóm ngự lâm quân giải Đức phó vương đến quỳ dưới chân Đức vua Barahmadatta, vừa thấy mặt Đức phó vương, Đức vua nổi cơn giận dữ tuyên bố giữa đám quần thần rằng:

- Thái tử này chưa phải là vua mà tự xưng mình là vua trước mặt Hoàng hậu, ấy là khi quân, phạm thượng - tội thứ nhất.

- Tội thứ hai, dám cả gan toan bức hiếp Hoàng hậu, kế mẫu của y, phạm tội loạn luân.

Nay ta phán lệnh án:

- Các ngươi đem Thái tử ném xuống vực sâu, chỗ thường hay hành hình bọn cướp, cho nó chết tan xương nát thịt.

Thái tử có vẻ điềm tĩnh, từ tốn tâu phụ hoàng rõ:

- Tâu phụ vương, con biết rõ, con không làm điều gì nên tội, con hoàn toàn vô tội, xin phụ vương hãy nên suy xét lại cho phân minh, chính chắn, xin đừng tin những lời của kế mẫu, mà giết oan con.

Lúc ấy, hàng trăm cung phi mỹ nữ ôm nhau than khóc tỏ ý vô cùng thương tiếc vị Thái tử hiền lành phúc hậu, các vị bô lão trong hoàng tộc và các quan đại thần trong triều đồng bước ra quỳ xuống trình tâu:

- Muôn tâu bệ hạ, Đức phó vương là người có tài đức vẹn toàn, có đức hạnh cao quý, lẽ nào lại làm việc trái với luân thường đạo lý? Xin bệ hạ hãy suy xét phân minh, trước khi phán quyết tội trạng kẻo hối hận thì đã muộn rồi!

Đức vua giận dữ mà phán rằng:

- Tại sao các ngươi đồng bênh vực cho Thái tử, lại chẳng có ai lên tiếng bảo vệ Hoàng hậu là người đức hạnh đoan trang, hiền thục vậy!

Ta truyền lệnh: "Đem Thái tử Paduma ném xuống hố sâu, chỗ thường hay ném các tên cướp ngay!".

Lệnh phán truyền tối hậu của Đức vua làm cho mọi người bàng hoàng, một số ngất đi, một số ngậm ngùi than khóc.

Nhìn cảnh tượng ấy, Đức vua suy nghĩ: "Ai ai cũng tỏ vẻ thương tiếc Thái tử cả, trước tình trạng này, thì chính ta phải đích thân theo lên núi truyền lệnh cho lính nắm hai chân hắn đưa lên trên, đầu dốc ngược xuống, rồi ném xuống vực thẳm. Nếu không có ta, bọn lính kia thương mến Thái tử, âm mưu tha chết cho Thái tử, ta làm sao biết được!".

Dầu biết mình sắp chết, Đức phó vương vẫn rải tâm từ đến Đức vua, Hoàng hậu, tất cả mọi người, tâm không sân, không hận, chư thiên ở núi rừng thương mến Đức Bồ Tát nên hiện ra cốt để cho một mình Đức Bồ Tát nhìn thấy, rồi thưa rằng:

- Xin Thái tử an tâm, có chúng tôi cứu Ngài.

Khi Thái tử vừa rơi xuống vực sâu, Long vương hiện ra dùng thần thông đón nhận Thái tử một cách nhẹ nhàng, Long vương cung thỉnh Đức Bồ Tát về long cung, rồi chia cho Đức Bồ Tát một nửa giang sơn để cùng nhau trị vì.

Đức Bồ Tát hưởng an lạc tại cõi Long cung được một năm, sau đó Đức Bồ Tát khẩn khoản xin Long vương trở lại cõi người với ý nguyệnxuất gia làm đạo sĩ, Long vương rất kính phục Đức Bồ Tát và tôn trọng nguyện vọng của Ngài nên làm lễ tiễn đưa Ngài đến tận núi Himavantu.

ĐỨC BỒ TÁT XUẤT GIA LÀM ĐẠO SĨ

Đức Bồ Tát vào dãy núi Himavantu xuất gia làm đạo sĩ, hằng ngày sống bằng các loại trái cây và thực hành pháp hành thiền định, một thời gian không lâu, Ngài đã chứng đắc Bát thiền (4 bậc thiền hữu sắc và 4 bậc thiền vô sắc),và đắc ngũ thông (thần thông, nhãn thông, nhĩ thông, túc mạng thông và tha tâm thông).

Một hôm có người thợ săn gặp Đức Bồ Tát đạo sĩ, nhìn thấy hình dáng, khuôn mặt của Đức Bồ Tát, người thợ săn vô cùng ngạc nhiên, kính cẩn hỏi rằng:

- Kính thưa đạo sĩ, có phải Ngài là Thái tử Paduma không?

Đức Bồ Tát đạo sĩ chân thật đáp:

- Phải, trước đây, bần đạo ta Thái tử Paduma, con của Đức vua Brahmadatta.

Người thợ săn gặp lại Thái tử Paduma là đạo sĩ cảm thấy rất hãnh diện, vui mừng nên tình nguyện ở lại vài ngày để hầu hạ đạo sĩ. Mấy hôm sau trở lại kinh thành, ngươi thợ săn ngay lập tức đến cung điện xin bệ kiến Đức vua Brahmadatta rồi tâu trình rằng:

- Muôn tâu Hoàng thượng, hạ thần có gặp một đạo sĩ, chính là Thái tử Paduma con của Hoàng thượng, ở trong một cốc lá tại núi Himavantu, hạ thần đã ở đó mấy hôm để hầu hạ Ngài.

Đức vua Brahmadatta đích thân ra lệnh ném Thái tử xuống vực sâu trong lúc nóng giận, không suy xét chín chắn, lúc bình tĩnh, Đức vua hồi tưởng lại gương mặt hiền hậu và thông minh sáng suốt của Thái tử, đặc biệt nhất là tính tình trung thực, từ nhỏ đến lớn chưa hề nói lời dối trá, dầu là việc nhỏ. Thái tử làm thế nào, nói thế ấy; nói thế nào, làm thế ấy. Đức vua nhớ lại lời Thái tử tâu "Con hoàn toàn vô tội, xin phụ vương hãy suy xét lại cho phân minh chín chắn, xin đừng tin những lời của kế mẫu mà giết oan con!".Chắc chắn đó là những lời chân thành của Thái tử, giờ đây văng vẳng bên tai. Và còn những lời của các vị trung thần tâu: "Đức phó vương là người có tài đức vẹn toàn, có đức hạnh cao quý, lẽ nào lại làm việc trái với luân thường đạo lý, xin bệ hạ hãy suy xét phân minh trước khi phán quyết tội trạng, kẻo hối hận thì đã muộn rồi!".

Đúng là bây giờ ta ăn năn hối hận thì đã muộn rồi!

Bây giờ nghe người thợ săn báo tin Thái tử còn sống, Đức vua xiết bao vui mừng, cất giọng hỏi dồn dập:

- Quả thật vậy không? Chính ngươi thấy tận mắt ư? Đúng đạo sĩ là Thái tử Paduma con của trẫm đó chứ?

Người thợ săn khẳng định chắc chắn một lần nữa:

- Đúng vậy, tâu bệ hạ, chính hạ thần đã nghe rõ vị đạo sĩ đã xác nhận: "trước đây, bần đạo là Thái tử Paduma con của Đức vua Brahmadatta", hạ thần đã ở hầu Thái tử mấy ngày qua.

Vô cùng vui mừng, ngay tức khắc Đức vua ra lệnh chuẩn bị xa giá, triệu tập các vị bô lão trong hoàng tộc, các quan đại thần cùng quân lính rầm rộ kéo đến núi Himavantu để nghinh đón Thái tử, có người thợ săn dẫn đường.

Đến bìa rừng, Đức vua ra lệnh đóng quân, còn Đức vua cùng các vị bô lão, đại thần đi bộ đến cốc lá của Thái tử Paduma.

Đức Bồ Tát đón tiếp, vấn an phụ vương và các quan rồi mời dùng trái cây rừng thanh đạm. Đức vua nhìn thấy Thái tử sắc diện tươi trẻ, trầm tỉnh đáng kính, hàn huyên câu chuyện, Đức vua tò mò hỏi lý do làm sao Thái tử đã rơi xuống vực sâu mà còn sống được?

Đức Bồ Tát thành thật kể lại rằng:

- Thưa phụ vương, khi con vừa rơi xuống thì có chư thiên và Long vương cứu giúp. Long vương thỉnh xuống long cung chia một nửa giang sơn cho con trị vì, được một năm, con xin trở lại cõi người để xuất gia làm đạo sĩ.

Nghe xong, Đức vua vô cùng hoan hỷ bèn quỳ xuống, Đức Bồ Tát liền đỡ vua cha lên, Đức vua nói:

- Này hoàng nhi, phụ vương hoàn toàn tin theo lời của con, phụ vương là người si mê, đã tin theo lời người đàn bà làm cho con khổ, phụ vương đã biết lỗi của mình, chính con là bậc có giới đức trong sạch hoàn toàn.

Đức vua nói xong, liền quỳ xuống đảnh lễ đạo sĩ và tiếp:

- Này hoàng nhi, xin con từ bi tha thứ những lỗi lầm của phụ vương.

Đức Bồ Tát đạo sĩ thưa:

- Kính thưa phụ vương, sự việc đã qua rồi, con không dám bắt lỗi phụ vương đâu, con chỉ xin phụ vương dầu việc nhỏ hay lớn, phụ vương nên suy xét cho chu đáo, phân minh rồi mới phán quyết, để cho thần dân thiên hạ được nương nhờ đức lành của bậc thiên tử.

Đức vua hoan hỷ tiếp lời:

- Này hoàng nhi, phụ vương xin thỉnh mời con về triều, phụ vương sẽ làm lễ truyền ngôi cho con theo truyền thống của dòng tộc. Nếu được vậy, thứ nhất là phụ vương có cơ hội chuộc lại lỗi lầm, thứ hai là chứng tỏ con đã thật sự tha thứ cho phụ vương và thứ ba là thần dân trăm họ được hưởng đức lành của đấng minh quân.

Đức Bồ Tát đạo sĩ thưa:

- Con xin tri ân phụ vương, con xin phép thưa phụ vương rằng: ví như người nuốt phải lưỡi câu, may mắn làm sao, người ấy nhả được lưỡi câu dính đầy máu kia ra rồi, được an lạc như thế nào, người xuất gia làm đạo sĩ cũng cảm thấy mình như thế ấy.

Đức vua bèn hỏi:

- Này con, xin giải thích cho cha hiểu:

"Cái gì gọi là lưỡi câu?".

"Cái gì gọi là lưỡi câu dính đầy máu?".

"Thế nào gọi là nhả lưỡi câu dính đầy máu?".

Đức Bồ Tát đạo sĩ điềm nhiên giải thích.

- Kính thưa phụ vương, kính xin phụ vương hiểu như vầy:

* Ngũ trần: sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc êm ấm gọi là lưỡi câu.

* Ngai vàng, danh vọng, vợ đẹp, con yêu, ngọc ngà, châu báu của cải, sự nghiệp... gọi là lưỡi câu dính đầy máu.

* Sự từ bỏ tất cả đi xuất gia, không dính mắc gì cả gọi là nhả lưỡi câu dính đầy máu.

Đức Bồ Tát đạo sĩ thưa tiếp:

- Thưa phụ vương, bây giờ con đã xuất gia trở thành đạo sĩ rồi, nên việc phụ vương truyền ngôi cho con là không thể chấp nhận được. Kính xin phụ vương tiếp tục trị vì xứ sở bằng thiện pháp; đừng để bốn pháp thiên vị:thiên vị vì thương, thiên vị vì ghét, thiên vị vì si mê, thiên vị vì sợ chi phối làm ô nhiễm tâm trí của phụ vương, hầu đem lại sự an vui, hạnh phúc cho thần dân thiên hạ, đem lại thái bình thịnh vượng cho xứ sở.

Đức vua vô cùng cảm kích trước tấm lòng cao quý của Thái tử và cảm động quá, Đức vua đã khóc thật, những giọt nước mắt của sự ăn năn biết lỗi, nhưng đành phải từ giã Thái tử cao quý, bậc đạo sĩ cao thượng có giới đức trong sạch, có trí tuệ siêu phàm trở lại hoàng cung.

Trên đường về, Đức vua hỏi các quan:

- Trẫm phải xa cách Thái tử, người con cao quý, bậc có giới đức và trí tuệ trong sáng, lý do bởi đâu hở các khanh ?

Một lão thần tâu:

- Tâu bệ hạ, bởi do Hoàng hậu.

Đức vua truyền lệnh bắt Hoàng hậu ném xuống vực sâu, chỗ trước đây đã ném Thái tử.

Từ đó về sau, Đức vua Brahmadatta trị vì đất nước bằng thiện pháp, tránh bốn pháp thiên vị, đem lại sự an lạc cho hoàng tộc và thần dân thiên hạ trong xứ sở.

Đức Phật thuật lại chuyện tiền thân ở quá khứ. Bây giờ, kiếp hiện tại những nhân vật là:

- Bà kế mẫu kiếp trước kia, nay kiếp hiện tại này là nàng Cincàmànavikà.

- Phụ vương Brahmadatta, kiếp hiện tại này là Tỳ khưu Devadatta.

- Long vương cứu Thái tử, kiếp hiện tại này là Đại đức Ànanda.

- Chư thiên hộ trì Thái tử, kiếp hiện tại này là Đại đức Sàriputta.

- Thái tử Paduma, kiếp hiện tại này chính là Như Lai.


---o0o---
Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/03/2012(Xem: 53827)
Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt (tập 4), mục lục: Sắc đẹp hoa sen Chuyện hai mẹ con cùng lấy một chồng Cảm hóa cô dâu hư Bậc Chiến Thắng Bất Diệt - Bạn của ta, giờ ở đâu? Đặc tính của biển lớn Người đàn tín hộ trì tối thượng Một doanh gia thành đạt Đức hạnh nhẫn nhục của tỳ-khưu Punna (Phú-lâu-na) Một nghệ sĩ kỳ lạ Vị Thánh trong bụng cá Những câu hỏi vớ vẩn Rahula ngủ trong phòng vệ sinh Voi, lừa và đa đa Tấm gương học tập của Rahula Bài học của nai tơ Cô thị nữ lưng gù
02/01/2012(Xem: 3250)
Đức Thế Tôn thành đạo bằng con đường nào? Bằng con đường chí thiện, có nội dung đoạn trừ các lậu hoặc, để thành tựu Niết-bàn và giáo hóa chúng sanh. - Điểm Đến Chí Thiện Sau những ngày từ bỏ vương cung, cạo bỏ râu tóc, mặc áo hoại sắc, làm người xuất gia, Thế Tôn nói: “Mặc dù cha mẹ không bằng lòng, than khóc nước mắt đầy mặt, ta vẫn cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống đời sống thoát ly gia đình. Ta xuất gia như vậy, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, đi tìm con đường vô thượng tối thắng, hướng đến tịch tịnh”.[1]
25/12/2011(Xem: 3316)
“Bạch đức Thế Tôn! Xin Ngài hãy thuyết pháp! Bạch đức Thiện Thệ, xin Ngài hãy thuyết pháp! Có những chúng sanh ít nhiễm bụi đời sẽ bị nguy hại, nếu không được nghe Chánh pháp. Nếu những vị này được nghe Chánh pháp họ sẽ thông hiểu” Theo kinh Āriyapariyesana, sau khi đức Thế Tôn thành đạo, Ngài chiêm nghiệm và quán chiếu sâu vào pháp do Ngài mới chứng được, là sâu thẳm, là vi diệu, cao quý, siêu lý luận, chỉ có người trí mới thấu hiểu, còn phần nhiều chúng sanh thì đam mê ái dục, chạy theo ái dục, khómà thấy được pháp lý duyên khởi, khó mà thấy được định lý tất cả hành là tịch tịnh…
08/01/2011(Xem: 2872)
Bạn có nghĩ rằng ta là người vĩ đại và quan trọng? Dĩ nhiên, hầu hết chúng ta đều nghĩ thế, ít nhất ra là vào một thời điểm nào đó. Nhưng mà rất khó để ôm giữ cái cảm giác quan trọng đó nếu bạn chịu khó suy xét đến cái thế giới không gian huyền diệu mà con người lần đầu tiên vừa thăm dò đến. Ta hãy nhìn nó như thế này:
07/01/2011(Xem: 2704)
Chiều 28-12-2000, phi trường Quốc tế Indra Gandhi, New Delhi rộn rịp đầy bóng những tăng ni sinh Việt Nam với những bó hoa tươi nhiều màu trên tay, những đôi mắt long lanh ngời sáng, những nụ cười hoan hỷ luôn nở trên môi… tất cả đang rộn ràng, hớn hở, chờ đợi đón phái đoàn hành hương từ Việt Nam sang do HT. Thích Trí Quảng, Trưởng Ban Hoằng pháp Trung Ương GHPGVN, Trưởng Ban Trị Sự Thành Hội TPHCM, và Tổng Biên tập báo Giác Ngộ làm trưởng đòan.Tháp Đại Giác ghi dấu sự thành đạo của đức Phật
05/01/2011(Xem: 3132)
Ngược dòng thời gian hơn 25 thế kỷ, kể từ thời điểm trọng đại đánh dấu một chiến công lẫy lừng trong lịch sử nhân loại, một con người bình thường bằng đấu tranh nội tại đã tự mình vượt thoát khỏi mọi sự trói buộc của khổ đau sanh tử luân hồi. Một đại vĩ nhân xuất hiện. Những lời tuyên bố đầu tiên của Ngài mãi mãi về sau vẫn là một khúc ca khải hoàn, chấm dứt trường chinh chống bọn giặc Ma vương phiền não, đưa một con người từ phàm phu lên vị trí một Bậc Giác ngộ, Bậc Đạo Sư của trời người. Từ đó nhân gian tôn xưng Ngài là Đức Phật -- Bậc Giác ngộ tối thượng. Và như thế, hằng năm đến ngày mùng tám tháng chạp, mọi người con Phật trên khắp năm châu đều nô nức đón chào một sự kiện lịch sử: Đức Phật Thích Ca Thành Đạo. Hòa với niềm vui chung của muôn loài, hôm nay chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về ý nghĩa Thành Đạo của Đức Bổn Sư.
05/01/2011(Xem: 4056)
Mỗi năm đến ngày mùng 8 tháng Chạp, giới Phật giáo Bắc tông cử hành lễ kỷ niệm Ngày Thành đạo của đức Phật Thích Ca nhưng theo truyền thống Phật giáo Nam tông, ngày đức Phật Đản sanh, Xuất gia, Thành đạo và Niết bàn đều là ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch. Riêng đối với tôi, ngày tháng Thành đạo là ngày nào không quan trọng mà vấn đề chính chúng ta cần tìm hiểu về ý nghĩa của sự Thành đạo. Kỷ niệm đức Phật Thành đạo theo tinh thần kinh Hoa Nghiêm để cùng tiến bước trên con đường chánh pháp, xây dựng cuộc sống an lạc tốt đạo đẹp đời.
05/01/2011(Xem: 2890)
Tháng chạp âm lịch, sương khuya phủ dầy cảnh vật; cách 5m không thấy nhau, đoàn người lầm lủi đi trong màn đêm.
04/01/2011(Xem: 52610)
QUYỂN 5 MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI BỐN (Năm 574 trước TL) 91 CÁC LOẠI CỎ Đầu Xuân, khi trời mát mẻ, đức Phật tính chuyện lên đường trở về Sāvatthi. Thấy hội chúng quá đông, đức Phật bảo chư vị trưởng lão mỗi vị dẫn mỗi nhóm, mỗi chúng phân phối theo nhiều lộ trình, qua nhiều thôn làng để tiện việc khất thực. Hôm kia, trời chiều, cạnh một khu rừng, với đại chúng vây quanh, đức Phật ngắm nhìn một bọn trẻ đang quây quần vui chơi bên một đám bò đang ăn cỏ; và xa xa bên kia, lại có một đám trẻ khác dường như đang lựa tìm để cắt những đám cỏ xanh non hơn; ngài chợt mỉm cười cất tiếng gọi:
04/01/2011(Xem: 9553)
Có bốn ý nghĩa của thành đạo là: (i) con đường đi đến Giải Thoát là Trung Đạo; (ii) bằng nỗ lực của tự thân, với sự tu tập đúng Pháp, con người có thể giác ngộ ngay tại đời này; (iii) nội dung của Thành Đạo là giải thoát, giải thoát đây là giải thoát khỏi tham ái, chấp thủ mà không cần thiết phải chạy trốn khỏi cuộc đời, và (iv) mười đạo quân của ma vương không phải là một thế lực vô minh từ bên ngoài mà chính là ngay tại tâm ta.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]