Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

11. Phương pháp giáo hóa của đức Phật -Phong Giao

21/05/201318:03(Xem: 2496)
11. Phương pháp giáo hóa của đức Phật -Phong Giao

Tập san Pháp Luân 2

SỐ ĐẶC BIỆT : MỪNG PHẬT ĐẢN PL.2548

--o0o---

PHƯƠNG PHÁP GIÁO HÓA CỦA

ĐỨC PHẬT

Phong Giao

Đề cập đến phương pháp giáo hóa của đức Phật là chúng ta bàn về những phương tiện, cách thức mà đức Phật nhiếp phục, giáo hóa chúng sanh. Với trí tuệ siêu việt của đấng Đại Giác, tùy theo căn cơ, hoàn cảnh của chúng sanh mà đức Phật có những phương thức giáo hóa riêng biệt để thích hợp đối tượng tiếp nhận. Hằng ngày, trước khi muốn độ một ai, Ngài quan sát kĩ căn tánh, nhân duyên đối tượng ấy; vì những người có căn cơ đã chín mùi nên tiếp nhận giáo pháp của Ngài một cách nhanh chóng. Cách quán sát nhân duyên như thế đem lại sự dễ dàng trong việc giáo hóa của đức Phật.

Một trong những phương pháp nhiếp phục mà chúng ta được biết đến trong kinh là Ngài dùng thân giáo. Với báo thân phước trí trang nghiêm, hầu hết những ai thân cận Ngài đều cảm nhận sự an tịnh, bình thản và tình thương bao dung của Ngài. Lúc bấy giờ, họ dễ dàng phát sanh lòng tôn kính, ngưỡng mộ vô bờ và khát khao đón nhận những lời giáo huấn.

Một trong những người diện kiến đức Phật lần đầu tiên là tu sĩ Upaka. Kể cả khi chưa biết đức Thế Tôn là ai, mà vị nầy đã tán thán Ngài như sau: “Nầy Đạo hữu, ngũ quan của Đạo hữu thật vô cùng trong sáng. Nước da của Đạo hữu thật trong trẻo và tươi tắn. Nầy Đạo hữu, vì sao Đạo hữu từ bỏ đời sống gia đình? Thầy của Đạo hữu là ai? Đạo hữu truyền bá giáo lý của ai?”.Khi Ngài đến vườn Nai, mặc dù năm vị đạo sĩ đã dự định trước “không niềm nở tiếp đón và cung kính phục vụ” nhưng khi đức Phật bước tới gần, oai nghi thoát tục của Ngài đã cảm hóa năm Đạo sĩ đến lạ lùng. Và không ai bảo ai, người đến mang y và bát, người dọn chỗ ngồi, người đi lấy nước cho Ngài rửa chân, và họ sẵn sàng tiếp nhận giáo pháp của Ngài ngay sau đó. Khi đức Phật hồi hương, cậu bé La-hầu-la ngây thơ làm theo lời mẹ, chạy theo đòi gia tài của Phật và cậu đã thốt lên lời nói vô cùng kính mến trước dung mạo của đức Thế Tôn: “Bạch Sa môn, chỉ cái bóng của Ngài, cũng làm cho con hết sức mát mẻ an vui”,như một sự tương tác linh thiêng nào đó, cậu liền theo Phật về tịnh xá xuất gia. Trong suốt cuộc hành hóa 45 năm, đến đâu đức Như Lai cũng được tôn kính. Ngài đi từ thành thị đến thôn quê, hầu hết, ở đâu người ta cũng đón rước Ngài với lòng tôn kính vô biên. Đấng Thiện Thệ đi vào những hội chúng với hình ảnh hùng dũng của dáng sư tử vương, rống lên tiếng rống của sư tử khiến ngoại đạo phải khiếp sợ và quy phục.

Một đặc điểm nữa trong những phương pháp giáo hóa của đức Phật là không dùng thần thông. Hay nói đúng hơn, Ngài dùng thần thông rất kín đáo, tế nhị và chỉ khi nào thật sự cần thiết. Trong suốt 45 năm du hóa, Ngài đi bộ từ xứ nầy qua xứ khác. Ngài băng rừng, trèo núi, đi vào giảng đường, vào hội chúng, vào nhà với uy nghi bình thường của một vị Khất sĩ. Ngài không dùng thần thông để lóa mắt thiên hạ. Ngài đã nhiều lần quở trách, thậm chí cấm các đệ tử dùng thần thông để giáo hóa. Ngài xem thần thông là những kết quả thứ yếu trong quá trình đạt đến giác ngộ, chúng không chứng minh được gì về tính chất chân chính của một giáo lý cả và lại còn hướng dẫn con người đi lạc đường vào tà đạo vì nhiều người có thể lầm tưởng chúng là cứu cánh của nỗ lực tu tập. Do vậy, Ngài công khai nêu rõ chúng là nguy hiểm, đáng chê, cần được bác bỏ.

Một đặc điểm nữa trong phương pháp giáo hóa khiến mọi người cảm tình với Ngài là giáo hóa bình đẳng, không phân biệt. Lời tuyên bố đầu tiên trong cuộc hành hóa của Ngài là: “Cửa vô sanh bất diệt đã mở cho chúng sanh, hãy để cho ai có tai muốn nghe đặt trọn niềm tin tưởng”.Trong suốt 45 năm hóa duyên, Ngài không chỉ độ cho thân quyến, những bậc quyền quý như vua Bimbisàra, Pasenadi mà còn tế độ cho thành phần bần cùng như thợ cạo Upali, thợ rèn Cunda. Không những bậc quý phái cao sang, đạo tâm như Anàthapindika, Visàkhà, Jìvaka thấm nhuần giáo pháp mà những thành phần cực đoan xã hội như Angulimàla, Ambapàli cũng được ân triêm pháp nhũ…tất cả đều được dung hóa trong giáo pháp của Ngài như tất cả dòng nước từ mọi con sông đều được dung chứa trong đại dương bao la.

Đặc điểm trong phương pháp thuyết giảng là Ngài dùng lời nói từ hòa để thính chúng đặt trọn niềm tin. Ngài dùng những phương tiện thiện xảo của ngôn ngữ và những hình ảnh gần gũi để phân tích, chứng minh cho những giáo lý cao siêu. Với những câu hỏi từ thính giả, Ngài thường dùng bốn cách để trả lời : Trả lời thẳng thắn, ví dụ, im lặng, và phản vấn. Ngài trả lời thẳng thắn với những câu hỏi thiết thực và đem lại ích lợi cho người hỏi. Ngài ví dụ để trả lời diễn đạt cho người nghe những giáo lý cao siêu mà ngang qua hình ảnh ví dụ đó, thính giả ngộ ra chân lý. Ngài im lặng đối với những câu hỏi không thiết thực, không đem lại lợi ích nào, không liên hệ gì đến mục đích phạm hạnh giải thoát như trường hợp những câu hỏi về siêu hình. Ngài dùng phương pháp phản vấn để người hỏi tự trả lời và tự nhận ra chân lý. Ngài cũng thường dùng phương pháp phản vấn nầy để tranh luận với ngoại đạo. Với phương pháp luận như vậy, Ngài được ngoại đạo xem là một đối thủ đáng nể, khó thắng được. Chẳng hạn, Pighatapassin, đệ tử của Mahàvira đã phát biểu như sau: “Sa môn Gotama đầy mưu lược, vị ấy biết nhiều xảo thuật mê hoặc lôi cuốn (tức cảm hóa) các đệ tử ngoại đạo”.

Một phương pháp nữa mà đức Phật thường sử dụng là: “Phương pháp phóng quang”.Ngài miêu tả phương pháp nầy như sau: vị Tỳ kheo ngồi theo tư thế thiền định ở một nơi vắng lặng và an tịnh tâm hành để tâm không còn ảnh hưởng bởi các ngoại giới tác động. Theo cách nầy, vị ấy có cảm thọ an lạc và định tĩnh. Khi đã được chuẩn bị thích hợp như vậy, vị ấy liền “phóng quang”với từ tâm tràn ngập, “từ” trước tiên hướng về một phương, kế phương thứ hai, thứ ba, phương thứ tư, rồi phía trên, phía dưới. Vị ấy chiếu sáng cùng khắp thế giới với từ tâm quảng bác, đại hành vô biên, không hận, không sân. Cũng theo cách nầy, vị ấy chiếu sáng khắp thế giới với bi tâm (kaninà),hỷ tâm (mudità)và xả tâm (upekkhà).

Ở phương pháp nầy, đức Phật ban rải tâm bi đến đối tượng giáo hóa khiến họ cảm thấy tâm mình mát mẻ và bị cuốn hút bởi năng lực từ bi tâm ấy. Tất cả mọi phiền não, mê muội đều lắng xuống và sẵn sàng cho sự tiếp nhận giáo pháp. Trong nhiều trường hợp, năng lực từ bi tâm của Ngài truyền đến đối tượng ở xa khiến họ thoát khỏi ách nạn hoặc từ bỏ ác tâm. Chẳng hạn, Ngài “phóng quang”đến để giải cứu cho Anan thoát khỏi sự mê hoặc do chú Phạm thiên của Ma-đăng-già hoặc Ngài phóng từ bi tâm để điều phục voi dữ do Devadatta thả ra mưu hại Ngài, khiến nó từ bỏ ác tâm và quy phục dưới chân Ngài.

Trên đây, chúng ta đã đề cập một vài phương pháp trong vô vàn phương pháp giáo hóa của bậc Đạo sư. Mùa Đản sanh lần thứ 2628 của đức Thế Tôn đang về trong niềm hân hoan chào đón của nhân loại. Chúng ta nguyện cầu hồng ân của Ngài gia bị để nhân loại được thấm nhuần những lời dạy đầy tình thương và trí tuệ của Ngài và thể hiện những lời dạy ấy ngay trong cuộc sống hiện tại để đem lại an lạc cho chính mỗi người và hòa bình thịnh lạc trên khắp địa cầu.

---o0o---

Source: http://www.phatviet.net/

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]