Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

05. Dòng lệ A-tư-đà -Đồng Thành

21/05/201317:57(Xem: 2592)
05. Dòng lệ A-tư-đà -Đồng Thành

Dòng lệ A Tư Đà

Thích Đồng Thành

Vào một buổi sáng kia, kinh thành Ca Tỳ La Vệ bỗng trở nên nhộn nhịp, tươi vui và khác lạ hơn mọi ngày. Bầu trời hôm ấy thật quang đãng và trong mát, cấy cối tươi thẳm lạ thường, muôn hoa ngời sắc dưới nắng hồng và toả ra những làn hương thoang thoảng dịu ngát, từng đàn chim ríu rít vui hót trên những hàng cây xanh và xa xa vọng lại những những âm thanh trầm lắng của từng lời kinh, từng hồi chuông vang vọng từ các ngôi đền nguy nga, cổ kính. Tin vui về Hoàng Hậu Ma Da vừa sinh hạ được một hoàng nam đã nhanh chóng vang đi khắp chốn trong vương quốc của bộ tộc Thích Ca, lan truyền đến các quốc gia lân cận, đến cảnh giới của chư thiên xa xôi, đến những bậc hiền sĩ đang ẩn tu trên những đỉnh núi cao quanh năm phủ đầy tuyết trắng của dãy Hy Mã Lạp Sơn, trong đó có đạo sĩ A Tư Đà.

A Tư Đà vốn là con trai của một Bà La Môn xứ Ujjenì thơ mộng và trù phú. Với tư chất thông tuệ, uyên bác, ông đã sớm trở thành một người đức độ, thông thái và được dân chúng xứ ấy tôn xưng là hiền giả khả kính. Khi danh tiếng vang xa khắp nơi, A Tư Đà được Sìhahanu, thân phụ của vua Tịnh Phạn, mời về cung để truyền dạy đạo lý siêu thế cho mình. Được phép Vua Sìhahanu, A Tư Đà bèn cất một am tranh tại một khu vườn trong kinh thành Ca Tỳ La Vệ để tu trì và cũng để vua có dịp được học hỏi thêm những khi rảnh rang việc triều chính. Tại am thất đơn sơ này, với những nỗ lực cao độ của mình, chẳng bao lâu, A Tư Đà đã thành tựu tám cấp độ thiền định và chứng đắc ngũ thông. Vì quá khao khát với lý tưởng giải thoát, muốn vượt qua những sở chứng hiện có, ông liền từ giã chốn đô thị huyên náo, lên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn và dành trọn quãng đời còn lại của mình trong cảnh u tịch vắng vẻ của chốn thâm sơn hoang dã.

Kinh Lalitavistara (Thần Thông Du Hí) kể lại rằng vào một ngày kia, với thiên nhĩ thông của mình, A Tư Đà bỗng nghe chư thiên trên cung trời Tam Thập Tam hân hoan ca múa và truyền nhau tin vui rằng: “ Một hoàng nhi vừa chào đời tại kinh thành Ca Tỳ La Vệ. Hoàng nhi ấy sau này sẽ trở thành một đấng toàn giác, một bậc đạo sư của chư thiên và loài người.” “Ta có nghe lầm chăng?” A Tư Đà tự hỏi, và rồi ông dùng thiên nhãn quan sát và biết được rằng Hoàng Hậu Ma Da đã hạ sanh được một hoàng nhi tại vườn Lâm Tỳ Ni, hài nhi đã được đưa về thành Ca Tỳ La Vệ. Thân của hài nhi này có đầy đủ đức tướng hy hữu và toả ra những vầng hào quang kỳ diệu vô ngần. Liền khi ấy, A Tư Đà liền dẫn người thị giả và cũng là cháu của mình là Naradatta về kinh thành Ca Tỳ La Vệ để tận mắt chiêm ngưỡng đức tướng của một thánh nhân vừa giáng trần.

Khi đến trước cổng hoàng cung, A Tư Đà thấy hàng ngàn người đang tụ hội tại đây, họ từ khắp nơi đổ về mang theo những tràng hoa đẹp nhất, thơm nhất, những cổ trầm hương quí nhất, ngạt ngào nhất cùng vô số lụa là, vật báu để dâng lên đức vua, mừng cho dòng tộc Thích Ca vừa sanh được một hoàng nhi cao quí, người sẽ tiếp nối sự nghiệp của hoàng triều và sẽ làm rạng rỡ đất nước này. A Tư Đà đến bên người lính gác cổng và nhờ anh ta vào báo với hoàng gia.

Được tin có một đạo sĩ từ đỉnh Hy Mã Lạp Sơn đến thăm, Vua Tịnh Phạn vô cùng mừng rỡ và liền cho mời A Tư Đà vào đại sảnh. Sau khi thi lễ chào hỏi xong, nhà Vua bèn cất tiếng:

- Thưa Đạo Sĩ, Trước đây quả nhân chưa từng gặp ngài, vậy thì vì mục đích gì mà hôm nay ngài quang lâm đến đây?.”

- Muôn tâu Hoàng Thượng, ngài vừa có được một người nối dõi cao quý và xứng đáng, lão đến đây để mong được tận mắt xem hoàng nhi ấy.

Khi nhìn thấy hài nhi có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, thân ánh lên những vầng hào quang siêu việt hơn cả phước tướng của Đế Thích, Phạm Thiên và tất cả các thiện thần hộ thế khác, A Tư Đà liền thốt lên rằng:

- Kỳ diệu thay! Bậc thánh nhân này là phước lành cho cõi thế.

Liền khi ấy, A Tư Đà liền rời khỏi chỗ ngồi, chắp tay đảnh lễ và cúi đầu đặt trán hôn lên đôi chân bé nhỏ của hài nhi, rồi lại đi nhiễu bên phải hài nhi một vòng. Ngắm nhìn kỹ diện mạo và kim tướng của hài nhi, A Tư Đà lặng người lại, những giọt nước mắt chợt lăn xuống đôi gò má già nua, nhăn nheo đầy phong sương của Đạo Sĩ. A Tư Đà đã khóc, niềm bi cảm dâng trào trong tâm hồn thanh khiết của một bậc hiền nhân.

Nhìn những giọt nước mắt cùng cử chỉ ảo não, đau xót của A Tư Đà, Vua Tịnh Phạn vô cùng ngạc nhiên và lo âu. Người bước đến bên cạnh Đạo Sĩ và cung kính thưa rằng:

- Thưa Đạo Sĩ, sao ngài lại đau xót và than khóc như vậy? Có điềm gì bất hạnh sẽ xảy đến với hài nhi này chăng?

- Tâu Hoàng Thượng, lão khóc là không phải khóc cho hài nhi này, sẽ không có điều gì bất hạnh xảy ra đối với một con người thánh thiện như thế cả. Lão khóc là khóc cho chính mình. Vì sao vậy? Tâu Hoàng Thượng, lão đã già nua, yếu ớt, thân thể cằn cỗi như một cỗ xe rệu rã, còn hài nhi này chắc chắn sẽ trở thành một bậc toàn giác tối thượng, Ngài sẽ chuyển bánh xe chánh pháp mà từ xưa nay chưa có một Đạo Sĩ, Sa Môn, Bà La Môn, Thiên thần, Ma Vương…trên thế gian này chuyển được như vậy. Vì lợi ích và hạnh phúc cho nhân gian, Người sẽ tuyên thuyết chánh pháp sơ thiện, trung thiện và hậu thiện, với nghĩa lý và văn tự đầy đủ. Tâu Đại Vương, hoa Ưu Đàm ngàn năm mới nở một lần, cũng thế trải qua vô lượng kiếp chư Phật mới thị hiện trên thế gian này. Hoàng nhi này chắc chắn sẽ chứng ngộ trí tuệ vô thượng, sẽ dẫn dắt vô số chúng sinh vượt thoát đại dương luân hồi để đến cảnh giới giải thoát, bất tử. Nhưng lão sẽ không gặp được một Đức Phật cao quý như thế. Đại Vương ơi, lão khóc là khóc cho mình bạc phước kém duyên, thọ mạng không còn bao lâu nữa để được nghe Đấng Giác Ngộ tuyên giảng chánh pháp, để được đảnh lễ và cúng dường bậc đạo sư của chư thiên và loài người…”

Những giọt lệ của A Tư Đà là kết tinh của chí nguyện, ưu tư và sự tha thiết của một hành giả đã dành trọn đời mình để tầm cầu chân lý tối hậu. Những tri thức cao siêu, thâm sâu và đầy vẻ u huyền trong những bộ thánh kinh Vệ Đà ông đã thông suốt, những kinh nghiệm tu trì siêu tuyệt đương thời ông đã trải qua, những sở chứng cao tột nhất ông đã đạt được, nhưng vấn nạn về lẽ tử sinh cứ mãi bám víu, đeo đẳng tâm hồn của bậc Đạo Sĩ.

A Tư Đà không phải như những phàm nhân tầm thường chỉ biết quanh quẩn trong kiếp người với những giả tạm, phù phiếm của trần thế. Ông là một người có chí khí, có tri thức uyên bác và khát vọng cao thượng, và vì thế ông đã từ bỏ tất cả những vướng bận của trần duyên, đã đi khắp nơi học hỏi đạo lý và đã đạt được những kinh nghiệm tâm linh cao cả nhất mà đương thời ít có ai bì kịp. Với thiên nhĩ thông, thiên nhãn thông, tha tâm thông…ông có thể lắng nghe, nhìn thấy và thấu cảm được những việc xa xăm trong vũ trụ, những cảnh thăng trầm của cuộc thế huyễn mơ, những tâm tư của bao trái tim khác, nhưng oái oăm thay, ông lại không trực nhận, không lắng nghe và cũng chẳng tỏ ngộ được tự tánh thanh tịnh của chính mình. Những triền phược của vô minh vi tế không để cho ông được tự tại, thong dong trong cảnh giới giải thoát viên mãn. A Tư Đà đã khóc và cảm thấy tự thẹn cho chính mình không đủ phước duyên để được nghe diệu pháp của Đức Phật, không được qui ngưỡng và hành trì theo pháp môn của Ngài.

Có lẽ A Tư Đà không chỉ khóc cho chính mình mà còn khóc cho những ai vẫn đang chơ vơ, lạc lõng, mờ mịt, không tìm được hướng đi sáng lạng trong cuộc đời thật ngắn ngủi này. Trong cuộc sống, có biết bao người đã đến và đi trong lo âu, phiền muộn, mang theo mình nỗi buồn của lẽ tử sinh. Những con người ấy cũng chẳng khác chi những hạt bụi đang lãng du, phiêu bồng trên những sa mạc khô cằn, hun hút. Chúng đến và đi, sanh khởi và hoại diệt trong cô đơn, quạnh quẽ. Từ thuở hồng hoang của nhân loại cho đển tận hôm nay và có lẽ đến tận mai sau nữa, khát vọng tìm về với chân lý, với ý nghĩa đích thực của cuộc sống vẫn là một động lực mãnh liệt, thôi thúc bao lớp người từ mọi phương trời khác nhau dấn thân vào những cuộc hành trình tâm linh xa xôi và kỳ vĩ, và rồi những ai chưa đủ duyên lành để gặp gỡ và an trú vào chánh đạo sẽ là nhưng người bất hạnh nhất trên cuộc đời này. Nghèo đói, mồ côi, bệnh tật v.v…được xem là những nỗi bất hạnh trong đời người, song người ta có thể khắc phục những chướng duyên ấy bằng cách này hay cách khác. Sống mà không gặp được các bậc chân sư soi sáng và dẫn lối cho đời mình, để nhận diện và trở về an trú trong con người thật của chính mình thì đó mới là nỗi bất hạnh lớn lao và đáng sợ nhất.

Cha mẹ cho chúng ta hình hài trong trắng, cuộc đời cho chúng ta nguồn sống bao la, bạn bè cho chúng ta hơi ấm của tình người, và các vị thầy tâm linh đã cho chúng ta kho báu chánh pháp, dìu dắt chúng ta về với nếp sống chánh đạo an tịnh mà sâu lắng, bình dị mà thiêng liêng. Chánh pháp của Đức Thế Tôn là vô giá vì diệu dụng của nó thật bất khả tư nghì. Kinh tạng Nguyên Thuỷ và Đại Thừa và có kể rằng trong nhiều kiếp quá khứ, khi còn là một hành giả đang tầm đạo, Đức Phật đã hy sinh bất cứ điều gì, ngay cả tánh mạng của mình để mong học được giáo pháp chân chính. Những ai đón nhận và thọ trì chánh pháp với tâm niệm nhiệt thành thì mới thể nghiệm được sự vi diệu của nó. Thiện Tài Đồng Tử, nhị tổ Huệ Khả, pháp sư Huyền Trang, thiền sư Lâm Tế…là những tấm gương toả sáng về tinh thần tha thiết, khát ngưỡng, cầu học chánh pháp trong Đạo Phật.

Càng về sau, những tấm gương cầu pháp như thế thật hiếm hoi. Cuộc sống trong xã hội văn minh đã cuốn hút con người vào quĩ đạo của guồng máy vật chất và hưởng thụ. Con người phần nhiều chỉ biết an phận với những niềm vui thế tục mà mình đang hiện có. Có một lần, lạt ma Dorje Khensen đưa sư phụ mình là Dudjom Rinpoche ngang qua một nghĩa trang. Nhìn những ngôi mộ thẳng tắp chạy dọc trên những thảm cỏ xanh cùng những luống hoa đủ màu đang khoe sắc, ông khen rằng:

- Thầy ơi, người Tây Phương quả thật văn minh. Ngay cả nơi dành cho xác chết cũng đẹp đẽ, sạch sẽ.

Hoà Thượng Dudjom mỉm cười và trả lời:

- Đúng, họ văn minh, con cũng thấy rằng nơi dành cho “xác sống” còn đẹp và sạch hơn thế nữa kia.

Phần lớn con người sống mà mơ hồ, không ý thức được sự sống. Họ cũng chẳng khác gì với những xác chết biết đi. Người ta sống theo một khuôn mẫu đã vạch sẵn: nhỏ thì học hành, trưởng thành thì lo kiếm việc làm, sau đó thì lập gia đình, sinh con, đẻ cái, lo mua nhà cửa, xe cộ, đến tuổi trung niên thì lo danh vọng, địa vị, tài sản…Hình như họ chỉ biết lo chứ không biết sống. Vì cứ mải miết lo như vậy nên những nội kết cứ tích chứa ngày càng nhiều trong tâm thức, đến một lúc nào đó một biến cố bất ngờ xảy, dù là nhỏ nhoi, cũng làm cho họ chao đảo và rơi vào nhưng bi kịch thương tâm. Vì thế khi sống mà không tiếp xúc được với ý nghĩa thực sự của cuộc sống thì con người đâu có khác chi những “xác sống” trong dòng đời.

Khác với A Tư Đà ngày xưa, người đời sau này cũng đã khóc, khóc vì thời cuộc nhiễu nhương, vì chiến tranh thiên tai, vì lòng người tao loạn, vì vô thường nguy biến…những cái khóc như thế thường mang tính cảm quan của tâm thức phàm tục. Một hôm Vua Linh Công cùng với Di Tử Hà và các quan đại thần trong triều cùng lên núi cao để du sơn ngoạn cảnh. Nhìn thấy muôn người sống trong cảnh phồn vinh, giang sơn gấm hoa một dãi mênh mông, vua không cầm lòng được và chợt khóc oà lên: “ Ôi đất nước ta đẹp quá, giang sơn cẩm tú đẹp quá, nhưng các khanh ơi, trẫm đã già nua, sẽ chẳng còn sống bao lâu nữa để tận hưởng mọi thú vui của cuộc đời này.”Lúc ấy, các quan thấy thế cũng hùa theo mà khóc, riêng Di Tử Hà thì cười ngặt nghẽo, cười như bao giờ được cười. Di Tử Hà đã cười cho tham vọng hão huyền của nhà vua cứ muốn sống mãi và làm vua mãi để hưởng thụ những cái vui thoáng chốc của cuộc đời, lại cười cho hàng quan lại không phân định được đúng sai, phải trái của thế sự mà chỉ biết làm theo một cách mù quáng để lấy lòng nhà vua mà thôi.

Thuở xưa, có đôi lúc các bậc hiền nhân cũng đã khóc, nhưng sự rung động của những trái tim kỳ vĩ, cao cả đó không phải là sự bi luỵ trước những vô thường, thịnh suy của cuộc sống mà thay vào đó là niềm thao thức, là tâm niệm vị tha, hướng thượng của đời mình. Doãn Am Thiền Sư là một bậc cao tăng đức độ, giới luật nghiêm trì. Mỗi khi chiều xuống, Ngài đứng nhìn mặt trời đang khuất dần nơi chân trời xa thẳm mà rơi lệ, lòng tự thẹn rằng một ngày đã qua mà mình chưa tiến bộ được bao nhiêu trên trong con đường giải thoát. Sau đó Liên Trì Đại Sư mỗi khi nhìn mặt trời lên, ngài thường nhắc lại lời than thở của Doãn Am Thiền Sư và tự khuyến tấn mình rằng : “ Kim hựu hoán nhật. Tạc nhật dĩ thành không quá, vị tri kim nhật công phu như hà?”( Hôm nay lại sang một ngày mới. Hôm qua công phu đã chưa được gì, không biết hôm nay ta có đạt được công phu gì chăng?). Ngài Liên Trì vốn là một hành giả Tịnh Độ nổi tiếng, một bậc chân tu tinh nghiêm, nhưng vẫn luôn dè dặt, cẩn trọng và luôn tự khuyến tấn mình. Quả thật, đó là một tấm gương sáng để những hành giả thời nay phải suy tư.

Theo Kinh Phật Bản Hạnh, khi Bồ tát giáng sanh tại vườn Lâm Tỳ Ni, thân ngài toả ra những vầng hào quang trong suốt, trái đất chấn động, chư thiên trên sáu tầng trời cõi dục ca hát và loan truyền nhau tin vui này. Lúc ấy, A Tư Đà từ cung trời Tam Thập Tam trở về nơi ẩn tu và dẫn một môn đồ của mình vào thành Ca Tỳ La Vệ. Khi sắp đến thành, A Tư Đà nghĩ rằng không nên thi triển thần thông mà hãy đi bộ vào thành. Hôm ấy mọi người trên phố nhìn Đạo Sĩ với vẻ hiếu kỳ, có kẻ đứng trước cửa, có người từ cửa sổ, người khác thì dựa vào bao lơn…chăm chú theo từng bước đi của ông. Họ nhìn ông và thì thào với nhau:

- Trước đây, khi vào thành, vị đạo sĩ này nương thần thông mà đến thẳng hoàng cung, nhưng sao hôm nay ông lại bước chầm chậm như vậy?

Khi xem tướng thái tử, Đạo Sĩ luôn tỏ vẻ cung kính và ngưỡng mộ trước đức tướng của một thánh nhân. Bao nhiêu vật báu mà Vua Tịnh Phạn dâng tặng, Đạo Sĩ đều đem dâng cúng cho thái tử. Ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp trên người của thái tử đã nói lên một sự thật là thái tử sau này hoặc trở thành Chuyển Luân Thánh Vương, hoặc trở thành một Đấng Giác Ngộ. A Tư Đà tỏ vẻ cung kính, bi cảm rơi lệ, thương cho thân phận mình vì ông biết rằng hoàng nhi này sẽ không là một Chuyển Luân Thánh Vương thông thường mà nhất định sẽ trở thành một Đức Phật.

Chuyển Luân Thánh Vương là danh từ chỉ cho một vị đại vương tài đức,dùng chánh pháp cai trị cả bốn châu thiên hạ. Vị vua này có đủ bốn đức: sống lâu, không bệnh tật, dung mạo đẹp đẽ và kho báu dồi dào. Tuy nhiên, những phước đức hữu lậu đó không thể sánh với những phẩm tính siêu việt của một Đức Phật. Có lần Bà La Môn Sela được chiêm ngưỡng đức tướng của Đức Phật, ông bèn thốt lên rằng:

- Thưa đức Cồ Đàm, Ngài có đầy đủ phước tướng của một Chuyển Luân Thánh Vương, người sẽ cai trị cả bốn châu thiên hạ.

Đức Phật liền đáp:

- Đúng thế Sela, ta là quốc vương, nhưng vương quốc của ta là chánh pháp, nơi đó không có tước vị. Ta cũng chuyển pháp luân, nhưng pháp luân ấy không hề thoái chuyển.

Bản sớ giải của kinh Tương Ưng có giải thích rằng nếu Chuyển Luân Thánh Vương có bảy báu là xe báu, voi báu, ngựa báu, tướng quân báu, châu báu, nữ báu và gia chủ báu thì Đức Phật cũng có bảy món báu tương ưng (Thất Giác Chi) khác:niệm, trạch pháp,tinh tấn, hỷ, khinh an, định và xả. Còn bản chú giải của kinh Tăng Chi thì so sánh năm phẩm chất giữa Chuyển Luân Thánh Vương với Đức Phật như sau: nếu Chuyển Luân Thánh Vương biết thiện; biết pháp( truyền thống và phong tục truyền thừa); biết thời (lúc nào nên đăng triều, lúc dạo chơi, lúc xem xét thiên hạ); biết chúng ( phân định hàng quí tộc, Bà La Môn…); và biết lượng ( thưởng phạt công tâm), thì Đức Phật cũng biết năm đặc tánh của thiện; biết pháp Tứ Đế; biết lúc nào nên giảng pháp; biết đâu là quí tộc, Bà La Môn, Tỳ Kheo…; và biết thọ nhận tri túc tứ sự cúng dường. Trưỡng lão Vagisa từng tán thán rằng Đức Phật cũng như một vị Chuyển Luân Thánh Vương(có ngàn người con và cận thần bao quanh) có ngàn vị Tỳ Kheo kề cận hộ trì. Trong Kinh Trung Bộ, Tôn giả Vô Não đã ca tụng rằng Đức Phật đã hoá độ hàng đệ tử mình với tâm lượng từ dung, không thúc ép và bức bách một ai cũng như Chuyển Luân Thánh Vương luôn cai trị muôn dân mà không dùng đến binh đao, gậy gộc. Các bản kinh Pali thường khắc hoạ và nhấn mạnh đến tính thế tục trong hình ảnh của Chuyển Luân Thánh Vương khác biệt với hình ảnh siêu thoát của một Đức Phật, bậc đạo sư của thế giới tâm linh.

Mọi hình thái, thể chế xã hội được thiết lập theo những khuôn mẫu trong phạm vi tương đối của mỗi quốc gia và chủng tộc. Theo đà tiến hoá chung, các cơ cấu ấy sẽ được thay đổi theo điều kiện và nhu cầu của thức tế. Có lẽ đỉnh cao của mọi hình thái đó là một thế giới hưng vượng mà mẫu người lãnh đạo đó là Chuyển Luân Thánh Vương. Nhưng rồi thế giới ấy có lúc cũng phải biến đổi và có những vị Chuyển Luân Thánh Vương vì thấu rõ tính vô thường nên xả bỏ tất cả để sống một cuộc đời phạm hạnh viễn ly ( Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống).

Không như Chuyển Luân Thánh Vương ngồi trên ngai vàng để cai trị thiên hạ, Đức Phật với tấm y hoại sắc và bình bát đơn sơ đã du hoá khắp nơi để trang trải ánh sáng của tình thương và tuệ giác. Ngài đã vượt qua những con đường dài hun hút đầy sỏi đá chông chênh, an nhiên, điềm tĩnh với cái nóng hừng hực của mùa hạ, cái lạnh thấu xương của mùa đông, bình thản trước mọi thị phi, hiềm thù của nhân thế. Nơi Ngài ngồi giảng pháp và nghỉ ngơi là những phiến đá xanh, những bãi cỏ hiền hoà thơ mộng nằm cạnh những dòng nước tươi mát, thơm trong, bên dưới những tàn cây rậm rợp và hùng vĩ. Mỗi hành vi, cử chỉ và lời nói của Ngài là những bài học thâm thuý cho bất cứ ai trên cõi đời này. Đạo sĩ A Tư Đà đã suy nghiệm được bài học ấy, đã cảm nhận được sư giao thoa mầu nhiệm, thiêng liêng của Đức Phật ngay từ khi Ngài còn là một hài nhi sống trong nhung lụa vàng son. A Tư Đà buồn tủi vì biết mình sẽ không sống được bao lâu nữa để trở thành một thành viên trong gia đình tâm linh thanh tịnh, một thần dân trong vương quốc chánh pháp của Đức Phật. Vương quốc tâm linh đó được khơi nguồn từ tâm hồn sâu lắng của Đức Thế Tôn tại Bồ Đề Đạo Tràng, lan toả đến năm nhà khổ hạnh tại Lộc Uyển, thấm nhuần đến một nghìn hai trăm năm mươi vị thánh tăng tại Ma Kiệt Đà, Kiều Tất La…, và rồi đến hàng triệu con tim trên khắp hành tinh này.

Thế hệ Phật tử hôm nay và mai sau sẽ luôn cảm thấy tự hào và sung sướng vì giữa một thế giới đầy sầu hận bi hoang, họ đã được diễm phúc hội ngộ và an trú trong suối nguồn chánh pháp thanh lương và an lạc. Họ sẽ luôn biết nâng niu, trân quí những gia tài pháp bảo mà các bậc tiền nhân đã để lại, luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn kỳ quan chánh pháp và sẽ sống bằng trọn trái tim hiểu biết và hướng thượng như lời nhắn nhủ của Hoà Thượng Nàrada: “ Có những quốc gia hình thành rồi tan rã, có những đế quốc được xây dựng trên bạo lực và cường quyền đã trở nên hưng thịnh rồi suy vong, nhưng vương quốc chánh pháp của Đức Phật, được kiến tạo bằng tình thương và tuệ giác sẽ mãi phồn thịnh và tiếp tục thịnh vượng cho đến khi nào người con Phật biết vâng giữ những nguyên tắc cao thượng của chánh pháp.”

Mùa Phật Đản PL 2548

Thích Đồng Thành

Tài liệu tham khảo:

The Lalitavistara, Tr by R.L. Mitra, Delhi, 1998

Malalasekera G.P, Encyclopaedia of Buddhism, Vol II , Ceylon, 1966

Nàrada, The Buddha and His Teachings, Malaysia, 1988

Samuel Beal,The Romantic Legend of Sàkya Buddha, M.Banarsidass, 1985

Thomas Ed, The Life of Buddha as Legend and History, M.Munshiram, 1992

Wimalaratana, Concept of Great Man, B. Singapore, 1998

---o0o---
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com