Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

06. Vài nét về Phật giáo đất phương Nam -Sơn Tùng

21/05/201317:58(Xem: 2712)
06. Vài nét về Phật giáo đất phương Nam -Sơn Tùng

Tập san Pháp Luân 2

SỐ ĐẶC BIỆT : MỪNG PHẬT ĐẢN PL.2548

--o0o---

Vài nét về Phật giáo Đất Phương Nam 

Sơn Tùng

Nét chính

III. Đất Phương Nam

1. Vùng đất bốn phương quần tụ

Là vùng đất khí hậu nghiệt ngã, nơi nổi tiếng là lam chướng núi rừng, là vùng nê địa đất “Sơn bất cao, thủy bất thâm. Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” như lời Nguyễn Ánh đã từng nhận định. Nơi đây lũ lụt, hạn hán, đói kém, mất mùa, tai trời, nạn nước thường xuyên đe dọa cuộc sống con người. Tuy nhiên, bên cạnh điều khó khổ kia, thiên nhiên cũng ưu đãi những vật thủy sản, hải sản, lâm sản v.v… nhờ đó mà đất nầy cũng có điều hấp dẫn thu hút những ai tìm đường sống - những kẻ giang hồ tứ chiến. Có thể nói đất nầy là nơi bốn phương quần tụ, nhất là nó luôn hấp dẫn những kẻ tha hương muốn làm lại cuộc đời; những kẻ muốn tìm cho mình một mái ấm. Thật vậy,

Hò hơ ơ...ơ...ơ... đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ,

Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu,

Anh về anh học chữ nhu o ờ. Hò hơ, ơ...ơ...ơ...

Anh về anh học chữ nhu o ờ,

Chín trăng em đợi o ờ, mười thu em o o chờ…

2. Vùng đất văn hóa giao lưu, tộc người gặp gỡ

Đất Phương Nam nơi đây hội đủ tộc người Miên-Việt-Chăm-Hoa, tất cả cùng sống chung hài hòa thân quen nhau trong cùng một tín ngưỡng, tôn giáo, đó là đạo Phật. Tôn giáo đã là chất liệu gắn bó các tộc người với nhau và trong cuộc sống đời thường, không hề có giai cấp trong sinh hoạt xã hội, nhất là trong đời sống lứa đôi, tuổi thanh xuân, trai-gái

Gái Tầm Vu một xu ba đứa,

Trai Thủ Thừa cưỡi ngựa sang mua.

Tuy nhiên không hẳn là trai làng nào cũng sáng giá hết đâu, có lúc các cô thôn nữ cũng ra giá, nếu muốn được vào cặp mắt xanh của các nàng thì:

Làm trai cho đáng nên trai,

Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng.

Trai mà được vậy thì các cô không nỡ bỏ qua:

Anh về để áo lại đây,

Đêm khuya em đắp, kẻo em lạnh lùng.

Thế nhưng, trai khôn cũng biết tìm vợ chợ Đông. Chàng cũng làm ra vẻ có giá:

Có lạnh lùng lấy mùng mà đắp,

Trả áo anh về, đi học kẻo trưa.

Thế nhưng có lúc các cậu cũng hạ mình:

Trúc xinh trúc mọc bên đình,

Em xinh em [dựa cột] đình cũng xinh.

Rồi thế, thường thì các cô cũng dễ xuôi lòng:

Qua đình ngã nón trông đình,

Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu.

Thế rồi, ông tơ bà nguyệt se duyên đến gần:

Bao giờ cạn lạch Đồng Nai,

Nát chùa Thiên Mụ mới sai lời nguyền.

Nhìn chung, trên vùng đất văn hóa giao lưu, tộc người gặp gỡ, yếu tố Đất và Người đã chan hòa nhau và tạo nên con người Đất Phương Nam một phong cách sống: chuộng nhân nghĩa, trọng hiền tài, cao hiếu kính, đa tài tử. Yêu quê hương, gắn bó làng nước, mõ sớm chuông chiều đã để lại dấu ấn không hề phai trong lòng người và ấn tượng ấy đã trở thành nếp sống văn hóa trong cuộc sống con người Đất Phương Nam:

“Bao giờ tôi bỏ quê tôi,

Bỏ trăng bỏ gió, chao ôi bỏ Chùa”.

Từ đây, văn hóa Phật giáo đã chan hòa trong cuộc sống:

“Đức Bụt thật từ bi, mong nhiều kiếp nguyện cho thân cận”.

3. Vùng đất đa tôn giáo-tín ngưỡng

Vốn là nơi hội tụ của nhiều nguồn văn hóa, do vậy tôn giáo, tín ngưỡng cũng có màu sắc thật phong phú: đạo Phật, đạo Cao Đài, đạo Phật giáo Hòa Hảo, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Hồi, Tín ngưỡng Vật linh, v.v... tất cả đã cùng gặp gỡ trên vùng Đất Phương Nam, đó là lý do để giải thích vùng đất nầy là vùng đất đa tôn giáo-tín ngưỡng. Tính chất đa tôn giáo-tín ngưỡng nầy được biết như là:

Đối tượng Thờ phụng

·Tiên, Thần, Thánh

· Mẫu (điển hình là Bà chúa xứ)

·Hành, Tiên Cô, Cửu Huyền,

· Hiền, Hậu Hiền; (bậc công thần mở đất lập làng) những vị nầy được tôn là thần hoàng, bổn cảnh, v.v...

·Tánh-Hương Linh (các loại âm hồn)

·Vị (không rõ tên)

Hình thức Thờ phụng

·Chùa, sau miếu.

·Miếu sau chùa (tiền đình hậu Phật)

Cơ Sở Thờ Phụng

· Chùa Am, Cốc, Tu Viện, Tịnh Thất, Tịnh Xá

Lễ hội

Cúng-kiến trong những ngày Sóc, Vọng, Giỗ, Mừng,

Cúng Phật-kiến Thần hay ngược lại là cúng Thần-kiến Phật. Hình thức nầy gọi là cúng-kiến. Khi diễn ra lễ hội thì trong chùa làm chay cúng Phật; bên ngoài hát bội cúng Thần. Đây gọi là lễ hội “trong chay, ngoài bội”

4. Vùng đất Tông-phái dung hợp

Đất nầy, Phật giáo Đất Phương Nam là nơi đón nhận nhiều dòng văn hóa, là nơi giao lưu nhiều tộc người, do đó nhiều Dòng-Phái Phật giáo cũng đã gặp nhau trong sinh hoạt tu học. Do đó có thể nói rằng, Phật giáo Đất Phương Nam có màu sắc Dòng-Phái dung hợp. Những dòng phái chính có mặt trên vùng Đất Phương Nam đó là:

Dòng phái

Người mở đạo đầu tiên

Đạo-Bổn-Nguyên

NguyênThiều-Siêu Bạch

Thiệt-Tế-Đại

Thiệt Diệu-Liễu Quán

Trí-Huệ-Thanh

Trí Thắng-Bích Dung

IV. Người Phương Nam

Người Đất Phương Nam nổi bật những đặc tính như: trực tánh, chân tình, mộc mạc, chuộng nhân nghĩa, trọng hiền tài, cao hiếu kính, đa tài tử.

Trực tánh:

Cày sâu ngã mệt lên bờ,

Mùng em có trống nghỉ nhờ một đêm

Chân tình:

Hò hơ... nghe anh hay chữ, em muốn hỏi thử đôi lời,

Chứ thuở mới tạo thiên lập địa.. à ơ ơ.ơ.o.o.o hò hơ. ơ ơ.ơ chứ thuở mới tạo thiên lập địa. . . ông trời. .ai . . sanh?

Hò hơ.o.ơ ơ.ơ nghe em hỏi mắc anh trả lời phác cho rồi.

Chứ thuở mới tạo thiên lập địa.. à ơ ơ.ơ.o.o.o hò hơ. ơ ơ.ơ chứ thuở mới tạo thiên lập địa. . . hai đứa mình chưa. . sanh

Đa tài tử:

Ra đi gặp vịt cũng lùa, gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu.

V. Phật giáo Đất Phương Nam

Phật giáo Đất Phương Nam mang tính dung hợ, không cao xa; mang nặng tính triết học, hay nặng tính thi ca như tính chất của dòng thiền Vô Ngôn Thông mà có thể nói rằng nó gần với phong cách nhập thế của dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi hơn. Có hai dòng phái thiền lớn mạnh hơn cả đã đóng vai trò chủ lưu trong dòng chảy Phật giáo Đất Phương Nam đó là dòng thiền Đạo-Bổn-Nguyên và phái Thiệt Diệu-Liễu Quán.

Những bậc Tổ đạo của Phật giáo Đất Phương Nam điển hình như: Phật Ý-Linh Nhạt, Tổ Tông-Viên Quang, Tiên Giác-Hải Tịnh (Giác Lâm-Gia Định), Minh Thông-Hải Huệ (Bửu Lâm, Cái Bèo-Đồng Tháp), Như Hiển-Chí Thiền (Phi Lai, Núi Voi-Châu Đốc), Như Nhãn-Từ Phong (Giác Hải, Chợ Lớn), Như Trí-Khánh Hòa (Tuyên Linh, Mõ Cày-Bến Tre), Hồng Hưng-Thạnh Đạo, Khánh Anh (Phước Hậu, Trà Ôn-Vĩnh Long), Giác Hải, Trừng Tùng-Chơn Thoại (Linh Sơn, núi Bà Đen-Tây Ninh), Tâm Hòa-Chánh Khâm (Linh Sơn, núi Bà Đen-Tây Ninh) v.v…

Tư tưởng học lý Bát nhã mà điển hình là sách Kim Cang Chư gia rất được phổ biến trong giới Tăng sĩ. Nhiều nơi còn lại trên tháp Tổ đạo ở chốn Tổ đình đều thấy có bài kệ “Bồ-đề bổn vô thọ; minh cảnh diệc phi đài”. Nó đủ cho thấy phong cách dòng Tào Khê của Tổ Huệ Năng Trung Hoa còn ảnh hưởng đậm nét trên vùng Phật giáo Đất Phương Nam.

Nhiều câu đối liễn ở nhiều chùa Nam Bộ cho thấy tính dung hợp giữa Thiền-Tịnh như câu: “Nương phước báu chuyển sanh, nói rộng ba thừa mở đường giác. Lòng từ độ người, dạy cho mười niệm đến ao sen” (Phước lực thọ sanh diễn thuyết tam thừa khai giác lộ. Hậu tâm tiếp vật, chỉ giáo thập niệm đáo liên trì). Nổi bật hơn cả là học lý Bát nhã vô chướng ngại, điều mà biểu hiện qua câu đối nổi danh: “Nhất trần bất nhiễm Bồ-đề địa; vạn thiện đồng qui Bát nhã môn”.

Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ 20 được phát khởi đầu tiên ở miền Nam. Cho dù phong trào chưa thành công lớn mạnh nhưng nó đã đóng vai trò chuyển tiếp, tạo nền tảng vững chắc cho sự thành hình Giáo hội về sau. Từ Gia giáo, trường Hương (khóa Hạ),trường Kỳ (Đại giới đàn)đến hội Phật học, đến trường Phật học, v.v… tất cả đã cho thấy tâm nguyện Tổ đạo: Tiếp độ người sau lòng không mỏi. Cảm niệm ân xưa, thật không thể nói hết, nói cho trọn vẹn công hạnh Tổ đạo trên vùng Phật giáo Đất Phương Nam mà chỉ biết rằng:

Hương xưa còn mãi miền sông Hậu,

Hạnh, Giải chan hòa bảy núi thiêng.

Thay lời kết

Phương Nam nơi đây đã tạo nên Đất và Người là hai nhân tố tốt để bậc Tổ đạo gieo mầm hoa giác ngộ, đó cũng chính là nền tảng để định hình nên vùng trời: Phật giáo Đất Phương Nam. Trải cùng năm tháng, Phật giáo Đất Phương Nam đã bén rể, tươi cành, xanh lá trổ hoa trên vùng đất mới từ Đồng Nai-Biên Hòa, Gia Định được coi là đất lành, nơi đây nổi tiếng là đất văn vật. Trí thức Gia Định luôn mượn cảnh trí chùa Phụng Sơn làm nơi thưởng ngoạn, tiêu dao. Câu “nhất trần bất nhiễm Bồ-đề địa”vốn là cương lĩnh tâm yếu của thiền môn mà cũng là khẩu khí của hàng thượng lưu trí thức qua những tao đàn thi ca, cũng như lúc bên chung trà, chén rựơu. Nơi đây, Đất Phương Nam cũng một thời có tiếng là “đất lành chim đậu”; người chuộng nhân nghĩa, trọng hiền tài, nhà nhà khắp thôn xã đều ngâm ca câu hữu đạo: Tử viết, Kinh vân. Mây lành che phủ, bao thập niên bốn mùa hoa đạo xinh tươi. Từ chim hót, suối reo đều là vang vọng tiếng pháp mầu, thanh bình là thế. Rồi bỗng chốc Tây xâm thành nội, Pháp chiếm Nam Kỳ, năm 1862 Đông Nam bộ rơi vào tay giặc, năm 1884 cả nước Việt nhượng giao cho Pháp. Trần Văn Thành (Bảy Thưa)lập cứ địa ở Láng Linh (Châu Đốc),vùng Bảy núi vốn là nơi cho chí sĩ ẩn thân chờ thời cơ để cứu nguy xã tắc. Khi vận nước ngửa nghiêng cũng là lúc đạo pháp chìm trong tủi nhục. Bậc Tổ đạo cố duy trì giềng mối; nào Gia giáo Giác Lâm-Gia Định, khi mở hạ Vĩnh Tràng-Mỹ Tho; lúc khai kỳ Tây An-Châu Đốc, lúc Tam Bảo-Hà Tiên.

Trăng Lăng Già, sen Bát nhã vốn là tông chỉ Tâm tông, nguồn thiền Tổ đạo của Phật giáo Lý-Trần, ấy mà nay lại phảng phất hương đưa về bảy núi, sông thiêng. Tông chỉ “Trong núi vốn không có Phật của thiền Tổ Trúc Lâm cũng theo thời mà hóa thân, để dung hợp với dòng thiền Đạo-Bổn-Nguyên, điều mà như ta thấy có: Nguyên Thiều-Siêu Bạch (Thập Tháp-Bình Định) xuống đến Minh Thông-Hải Huệ (Bửu Lâm-Đồng Tháp), Như Hiển-Chí Thiền (Phi Lai, Núi Voi-Châu Đốc), Như Nhãn-Từ Phong (Giác Hải-Chợ Lớn), Như Trí-Khánh Hòa (Tuyên Linh-Bến Tre); cũng từ đó mà đèn Tổ tiếp nối, tâm đăng sáng lòa. Minh khiêm-Hoằng Ân (Giác Lâm-Gia Định) ở tuổi 22 mà đã lên đàn dẫn thỉnh trợ hóa cho thầy mình là Tiên Giác-Hải Tịnh trong đàn “chọn người làm Phật” ở Tây An cổ tự (núi Sam-Châu Đốc). Như Hiển-Chí Thiền (Phi Lai, núi Voi-Châu Đốc, người mà Thích Thiện Hoa (viện trưởng VHĐ) luôn ca ngợi vào hàng:“danh đức sáng chói miền Nam một thuở”.

Do từ công hạnh Tổ đạo mà thông điệp Phật-đà đượm nhuần cây cỏ, núi sông và hương đức hóa còn mãi trên khắp vùng sông thiêng, núi linh. Tổng trấn Gia Định-Trịnh Hoài Đức đã ca ngợi lão Pháp sư Tổ Tông-Viên Quang điều nầy được ghi lại trong Gia Định thành thông chí. Cũng như Tổng đốc An Giang-Doãn Uẩn đã dựng chùa Tây An, núi Sam (Châu Đốc), rồi thỉnh Tổ Hải Tịnh-Tiên Giác về làm trụ trì. Bấy nhiêu đó cũng đủ cho thấy bên cạnh sự nghiệp của các bậc Tiền hiền “sanh vi tướng, tử vi thần”,người mà được dân làng tôn vinh còn có công hạnh của bậc Tổ đạo người thêm sức sống cho đất nầy nở hoa. Thật vậy:

Mái chùa che chở hồn dân tộc,

Nếp sống muôn đời của Tổ tông.

Đó chính là sắc màu về chân dung toàn cảnh Phật giáo Đất Phương Nam, điều mà không thể nói khác đi được. Như vậy, đạo pháp-dân tộc chỉ với chừng ấy đã đủ mà không cần phải thêm thắt gì khác theo kiểu “vẽ rắn thêm chân”. Phật giáo luôn tự khẳng định mình rằng: “không thể có được một đạo pháp huy hoàng bên cạnh một dân tộc điêu linh”;rằng “mặt trời mặt trăng cùng sáng, mỗi cái có vẻ chiếu sáng riêng của nó” (nhật nguyệt câu minh, các hữu sở chiếu)[1]đó chính là Tông phái dung hợp (dung hợp Tông) mà cũng là cương lĩnh Phật lý trong hành trang “lật đá khơi ngòi giếng”của Tổ đạo Phật giáo Đất Phương Nam. Tất cả đều theo Tông chỉ Vô Tận Đăng ở thành Tỳ-da-ly ngày trước mà làm nên việc Phật, góp phần đưa vận nước, thế đạo qua hồi lửa đạn, chiến tranh.

Việc Phật luôn trong lòng người con Phật. Xem việc Đạo như việc nhà (hoằng pháp vi gia vụ);lấy lợi sanh là sự nghiệp, đó là gương sáng ngàn đời của bậc Tổ đạo Phật giáo Đất Phương Nam cho thế hệ Tăng trẻ ngày nay noi theo.

Những gì cao, sâu, mầu, diệu của Tổ ấn hay những Phật lý với năm tầng “nghĩa huyền”(ngũ trùng huyền nghĩa)thì đó là việc của nhà chuyên môn. Ở đây, trong lòng người bình dân Nam bộ không hỏi điều cao xa theo kiểu “ngàn sông có nước, trăng ngàn bóng, muôn dặm không mây, muôn dặm trời” (Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt, vạn lý vô vân vạn lý thiên)mà chỉ xin cho một câu bình dị để làm lời mẫu mực cho cuộc sống đời thường. Thì xin thưa rằng: Tổ đạo đã Phật sự viên thành, huyễn thân giả biệt, thế nhưng “Trước chùa sông núi ấy chân hình” (viện tiền sơn thủy thị chân hình). Pháp thân kệ cũng chính là Xá Lợi Pháp Thân, như người sau theo hướng đó mà đi thì chắc rằng sẽ cùng với Tổ đức mà chung dòng bạn đạo (pháp lữ chung dòng). Mà Pháp thân kệ là gì? Ai ơi,

Trên điện báu canh dài mõ trổi rằng:

Nhất trần bất nhiễm Bồ-đề địa,

Dưới xóm nghèo đêm thâu trẻ khóc nầy:

Vạn thiện đồng qui Bát nhã môn.

Đó cũng chỉ là nét phác họa bước đầu bức tranh toàn cảnh về Phật giáo Đất Phương Nam còn những gì cao xa hơn mà chưa được sáng tỏ, thì người học sau còn đang trông đợi ở những nhà chuyên môn.

(Hết)



[1]Mâu Tử, Lý hoặc luận

---o0o---

Source: http://www.phatviet.net/

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]