Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cuồng ngôn trên mạng xã hội và những hệ lụy cần lưu ý

15/10/202414:55(Xem: 768)
Cuồng ngôn trên mạng xã hội và những hệ lụy cần lưu ý

mang xa hoi


Cuồng ngôn
trên mạng xã hội và những hệ lụy cần lưu ý




“Cuồng ngôn” là một trong những cụm từ ngày nay xuất hiện khá nhiều ở một số thành phần có thói quen sử dụng ngôn ngữ vượt quá sự thật, mang tính đề cao giá trị bản thân hoặc công kích người khác quá đà với sự trợ giúp từ mạng xã hội. Cuồng ngôn xuất phát từ tâm lý tự tin vào bản thân một cách thái quá hoặc bản chất tham – sân – si còn quá nặng, điều đó sẽ hình thành trong suy nghĩ và bộc phát thành lời nói. Ngày nay, nhiều người lợi dụng mạng xã hội để thể hiện bản chất cuồng ngôn như một thói quen, sở thích mà nhìn chung chỉ mang lại hiệu ứng tiêu cực nhiều hơn tích cực.

Người cuồng ngôn đa phần sử dụng ngôn ngữ như một cách phô trương bản thân hoặc đấu tố công kích qua lại lẫn nhau, sự cuồng ngôn càng mạnh, càng thu hút nhiều người theo dõi, từ đó người cuồng ngôn rơi vào trạng thái “ảo giác” hay còn gọi là “sống ảo” bởi sự ca tụng, tung hô, tiếp sức từ những thành phần khác và người cuồng ngôn bỗng trở thành những người nổi tiếng.

Thế nhưng mạng xã hội là con dao hai lưỡi, nó có thể đẩy mình lên cao thì cũng có thể đạp đổ mình xuống thấp. Người thường sử dụng các nền tảng mạng xã hội để đánh bóng bản thân sẽ dễ trở thành nạn nhân bị lệ thuộc vào những hành vi, cảm xúc giả từ người khác mang lại, vì thế nhiều người sẽ bị lầm tưởng bản thân với những giá trị không như thực tế, họ cũng có thể bị trầm cảm, bị ức chế tâm lý khi hình ảnh, bài viết không có nhiều lượt tương tác, từ đó họ phải tìm cách này hay cách nọ để thu hút lượt xem, lượt thích, lượt theo dõi cho thật quy mô để lấy đó làm thước đo giá trị, sự nổi tiếng của bản thân. Họ hả hê, khoái trá và tự xem mình là những chiến thần livestream, những tay cừ khôi trong làng bốc phốt, là người nổi tiếng bất đắc dĩ, không cần dựa trên nền tảng của trí tuệ, sáng tạo và giá trị nhân văn.

Người cuồng ngôn thông thường dựa vào hai yếu tố: Sự giàu có và địa vị trong xã hội. Có những người cho rằng khi có tiền là có tất cả, tiền quyết định “sai thành đúng, đúng thành sai”, có tiền thì nói gì cũng được, làm gì cũng là hay. Khi họ cho đi một số tiền, đồng nghĩa họ sẽ gắn vào trong đó một thành tích hoặc công trạng nào đó cho người đời ngưỡng mộ, thậm chí họ còn đánh đồng quan điểm “đã bỏ tiền làm từ thiện thì dù họ có làm gì sai cũng phải xem như họ đúng”, là phải ưu ái, phân biệt và đối xử với họ kính trọng hơn người, nếu không, họ cho rằng người khác là vô ơn. Có thể nói, đó là một cách từ thiện, bố thí đầy mục đích và chưa đủ sự vô tư khi họ xem trọng đồng tiền mà họ đã bỏ ra và buộc người khác phải mang vác cái ơn của họ không được xóa nhòa.

Người cuồng ngôn vì có tiền hay người cuồng ngôn vì có quyền đều giống như nhau, đó là tự xây cho mình một thành trì rồi tự dung túng cho mình thói quen nuông chiều cảm xúc, họ thích thú với sự tung hê của người khác mà không cần biết thật giả, đúng sai. Họ khoái trá khi lực lượng ủng hộ mình đông đảo và áp đảo người khác mà không cần biết giá trị khuôn mẫu trong xã hội thật sự cần thiết điều gì. Ai chống đối họ, trái ý họ, mặc nhiên họ xem đó là đối thủ.

Những hình thái cuồng ngôn loạn ngữ diễn ra dường như bất tận, không có điểm dừng khi con người bám víu vào mạng xã hội để phô bày mọi thứ trên đời, khi tính tham – sân – si trong mỗi người còn quá nặng, khi nền khoa học công nghệ văn minh đưa con người đến gần nhau hơn, mọi chia sẻ nhanh trong từng khoảnh khắc, và đó là lý do để ngày nay, người ta có nhiều điều kiện và cơ hội để thể hiện bản thân thông qua lời nói và hành động, lẽ tất nhiên nó bao gồm cả lợi và hại.

Chúng ta đều hiểu một điều rằng, mạng xã hội không phải là cái để chúng ta tự do bộc lộ tất cả mọi cảm xúc và hành vi trên đó bởi nó có thể mang lại cho bạn bất kỳ sự rắc rối nào. Bạn có thể chia sẻ những vui buồn, đúng sai, bạn có thể hờn trách hoặc nói không tốt về ai đó, nhưng nó chỉ trong phạm vi giới hạn ở gia đình bạn, ở một người thân, một người mà bạn tin cậy hoặc cần trao đổi trực tiếp, còn khi lời nói của chúng ta xuất hiện ở nơi công cộng, ở chốn đông người, lẽ tất nhiên chúng ta sẽ phải chấp nhận mọi sự phán xét, đồng tình hay phản đối. Chúng ta phải có ý thức, trách nhiệm trước mọi lời nói của mình khi phát biểu trước đám đông, đó cũng là cách thể hiện sự tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác.

Người ta có câu “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” để cho thấy bản chất con người là điều khó ai thay đổi được, và dường như chúng ta chỉ thay đổi khi chính mình đã gặp những sự cố, những trở ngại từ chính hành vi, lời nói, lối sống mình gây ra mới giúp chúng ta tỉnh ngộ, bởi ai cũng nghĩ “chẳng ai sống cuộc đời người khác”, cũng chẳng ai đủ tư cách dạy dỗ cho mình, thậm chí có người còn hằn học, nổi giận, tự ái khi có người góp ý, đó là do cái “Tôi” của chúng ta quá lớn, bản chất con người vốn chấp thủ nhiều hơn khoan dung.

Ngày 13 tháng 10 năm 2024, câu chuyện về một người được xem là có tiếng trong làng bốc phốt, “chiến thần livestream” là danh từ mà người ta gắn cho một cá nhân quen thuộc. Khi đoạn clip được lan truyền trên mạng xã hội với đa phần những lời bình luận phản đối nhiều hơn là đồng ý, bởi sự sân si hiện rõ trên gương mặt của người này với những lời cuồng ngôn loạn ngữ nhắm vào một người tu hành tứ đại giai không và sau đó là những lời mang nặng tính mỉa mai nhạo báng để chỉ trích những nhà tu hành khác về hành vi mà người này cho rằng chưa phù hợp.

Chưa cần biết người này nói đúng hay sai nhưng trước mắt, người ta nhìn thấy một người tâm chưa an tịnh, bản chất còn đầy rẫy “tham-sân-si” trong từng câu nói, từng cử chỉ, khi đưa ra những quan điểm đề cao giá trị vật chất hơn giá trị tinh thần. Việc tùy tiện cho rằng “Người tu hành là họ tu cho họ, họ được phước cho họ chứ đâu cho ai” đã đi ngược lại giá trị hoằng pháp độ sanh mà nhà Phật mang lại bởi đức Phật cũng là người từ bỏ tất cả hư vinh, từ bỏ vật chất ngai vàng để tìm ra con đường giác ngộ và thoát khổ cho nhân loại. Những giá trị Ngài mang lại không từ vật chất mà từ sâu thẳm chân tâm để con người biết buông bỏ bớt những bon chen tham vọng, ngũ dục lục trần, có hiểu được chân lý của đau khổ mới giúp con người thoát khổ. Và một minh chứng mà chúng ta nhìn thấy ngay trước mắt, đó là dù có ở trong cung vàng điện ngọc nhưng lòng chưa buông bỏ được sân si, vẫn còn đề cao giá trị vật chất, vẫn còn chìm đắm trong hoang tưởng hơn thua, vẫn còn thích sự tung hô giả tạm thì tâm vẫn còn ngụp lặn trong đau khổ.

Cuồng ngôn vọng ngữ trong cách nhìn nhà Phật

Cuồng ngôn loạn ngữ được xem là hành vi của người thiếu kiểm soát trước đám đông, người mang tâm kiêu mạn, có những lời lẽ đề cao bản thân hoặc hận thù thái quá, đó cũng là một trong những khẩu nghiệp trong đạo Phật. Trong Kinh, đức Phật khai thị rằng: “Thà nên hy sinh thân mạng của chính mình, không nên phạm giới vọng ngữ”. 

Cuồng ngôn thường xuất phát từ nhiều lý do nhưng ảo tưởng về bản thân là điều chính yếu. Người cuồng ngôn thường luôn cho mình là đúng, mọi lời nói, hành vi của mình là chân lý, là chính xác tuyệt đối và không chấp nhận những sự khác biệt, những quan điểm trái chiều. Người cuồng ngôn sẽ cảm thấy đau khổ, bức bách đến vô tận khi có ai đó phản biện hoặc có những hành vi tư tưởng đối kháng với mình. Họ phán xét, miệt thị người khác mà ít khi nhìn lại bản thân. Người cuồng ngôn thường khó làm chủ cảm xúc và thích sống dựa vào những lời tung hô từ người khác.

Thông thường, con người luôn có những quan điểm khác nhau trong những vấn đề xã hội, ai cũng ít nhiều có những lập trường riêng và từ đó sẽ hình thành những tư duy, lập luận khác nhau, tuy nhiên lập luận trên quan điểm đi đến thống nhất hoặc giải tỏa tranh chấp, mâu thuẫn sẽ khác với người có lời nói cuồng ngôn, ngay cả khái niệm “bảo thủ” cũng chưa chạm đến mức độ cuồng ngôn bởi cuồng ngôn thường dẫn đến loạn ngữ, nó liên quan đến yếu tố thần kinh và tâm lý.

Bố thí trong đạo Phật

Trong đạo Phật luôn đề cao tinh thần bố thí, hạnh bố thí là một trong những hạnh được tán thán và được xem là việc làm cao quý, xuất phát từ tâm lương thiện. Người biết bố thí đúng nghĩa sẽ không đề cao giá trị vật chất mình đã cho đi, họ trân trọng người được nhận và xem sự bố thí, cúng dường, trao tặng của mình là “đang nhận lại cho mình” chứ không phải tạo ra gánh nặng mang ơn từ người khác.

Người bố thí đúng nghĩa theo nhà Phật luôn giữ một lương tâm trong sáng, thanh tịnh, vì mục đích cao thượng, không cần kể công cũng không đòi hỏi người nhận đeo mang vì cái ơn phải trả.

Ngày nay, chúng ta thấy có nhiều nhà tỷ phú sẵn sàng dành cả gia tài cho các tổ chức thiện nguyện, có người chấp nhận sống một đời sống du hành để trải nghiệm cuộc sống tự do sau khi trao tặng toàn bộ số tài sản của mình. Họ vẫn an vui, hạnh phúc với đời sống giản đơn không tham đắm, họ không kể lể, cũng chẳng khoe khoang, họ không cần người nghèo nào phải nhìn họ bằng cặp mắt mang ơn, họ cũng không cần làm ồn ã một cộng đồng xã hội vì những gì họ dành cả đời để tặng.

Tạo ra giá trị của cải vật chất để trao tặng là đáng quý, đạo Phật không khuyến khích người ta bỏ hết công việc mưu sinh chỉ để đi tu, bởi mỗi người sinh ra đều có một sứ mệnh của riêng mình nhưng đạo Phật hướng con người đến một đời sống cân bằng giữa vật chất và tinh thần, giữa bên ngoài lẫn bên trong. Đạo Phật giúp con người khai thác được giá trị nội sinh tiềm ẩn trong bản thể để từ đó, con người biết vận dụng tâm thức và tri thức để sống an vui, sống tử tế, biết yêu thương chia sẻ. Khi con người có nội tâm phong phú, có một đời sống tinh thần an ổn thì mới có được nguồn năng lượng tích cực để tạo ra của cải, phục vụ cộng đồng.

Giá trị vật chất luôn đồng hành cùng giá trị tinh thần, nếu một trong hai không cân bằng thì đời sống con người sẽ rơi vào ngổn ngang khủng hoảng, thế nên việc đề cao giá trị tiền của dành cho xã hội là hơn giá trị tinh thần, tâm linh tín ngưỡng hoặc ngược lại đều là sự so sánh không phù hợp.


Lời kết:

Tạo ra giá trị của cải và đóng góp cho xã hội là điều đáng trân trọng, tuy nhiên chúng ta không vì thế mà hình thành thói cuồng ngôn bởi có những điều không mua được bằng tiền, đó là trí tuệ và nhân cách sống. Mỗi người đều có một sứ mệnh và giá trị đóng góp khác nhau mới tạo nên sự cân bằng xã hội nên mọi câu hỏi “nếu ai cũng làm việc này thì ai làm việc khác?” sẽ luôn là câu hỏi phiến diện một chiều và chúng ta cũng hãy luôn thận trọng với những giá trị ảo mà mạng xã hội đang phủ trùm lên đời sống chúng ta. Đừng biến mình thành một cỗ máy lệ thuộc vào những đánh giá, những lời tâng bốc sáo rỗng để rồi một ngày trượt ngã từ chính những điều ảo tưởng.

Cuồng ngôn trên mạng xã hội vốn đã để lại nhiều hệ lụy cho không ít người, nó gây ra nhiều bất ổn xã hội nếu không có những giải pháp hoặc biện pháp can thiệp, chế tài bởi con người sống trong xã hội vẫn cần sự khiêm tốn và đối đãi văn minh. Người thường đề cao giá trị vật chất thì thường hạn hẹp về tư duy và trí tuệ, nếu có thì đó cũng chỉ là lớp ngoài ngụy tạo.

Những giá trị chân thật và ý nghĩa trong đời sống luôn được ghi nhận và trân trọng mà đôi khi chúng ta không cần gào thét hay chiêng trống ồn ào, bởi thế nên kim cương tuy nhỏ nhưng lại giá trị hơn những thứ sáo rỗng bên ngoài. Làm người, chúng ta cũng hãy biết ý thức và xây dựng những giá trị bền bỉ vĩnh cửu cho bản thân thay vì phải tạo ra một bề nổi vô tiền khoáng hậu, bởi sau tất cả, điều con người cần nhất vẫn là sự bình yên!

Tác giả: An Tường Anh



hoasen_10

 

Thuận thời & Tự vệ cảm xúc ! 

Nhân đọc bài viết của Cư sĩ An Tường Anh về “Cuồng ngôn trên mạng xã hội và những hệ lụy cần lưu ý”, con chợt nhớ đến câu “Thức thời mới là trang Tuấn kiệt “. Kính dâng Thầy bài thơ đã cảm tác thay cho bài viết ủng hộ Cư sĩ An Tường Anh.


Đến tuổi nào đó, chợt tư duy hiểu được: 

“ mọi thứ đều có một chu trình của nó.”

Nếu không biết thời thế , 

sẽ chỉ dẫn tới thất bại đắng cay! 

Phải luôn dự tính trước

 cái thời khoảng “của một ngày”, 

Mà quy luật phát triển của xã hội…

 cũng như dòng sông cuồn cuộn chảy! 

Và người tài giỏi, thức thời 

vận dụng xu hướng của thời đại! 

Phải chăng đúng như 

“Thức thời vụ giả vi tuấn kiệt”, từng đọc qua ? (1) 

Có lẽ cần  luyện rèn cho mình 

bản lĩnh kiềm chế cảm xúc, trông rộng nhìn xa 

Điều kiện cần và đủ để được gọi là “có trí tuệ” (2) 

Một nhân loại tiến bộ 

là nhân loại dựa trên nền tảng cảm xúc tự vệ 

Làm nên giá trị tốt đẹp, cao thượng, yêu thương 

Thức thời là kết nối…

 “Tư duy toàn cầu – Lợi thế địa phương”

Với nguyên tắc “Chung sức, chân thành và chia sẻ”! 

Tuy con người trong vũ trụ thật là nhỏ bé 

Thuận Thời, lại  mang tính chất của cá nhân.

Thích nghi cuộc sống quanh mình, ôn cố tri tân

Mời nghe Khổng Tử 

và Aristotle từng lưu lại cho nhân thế (3) 

Huệ Hương 




*********

(1) Thành ngữ cổ có câu: “Thức thời vụ giả vi tuấn kiệt”, kẻ thức thời là trang tuấn kiệt. Câu nói này thường được mọi người hiểu là người có khả năng thích ứng với tình thế, nhận rõ sự lên xuống của thời đại thì được xưng là anh hùng hào kiệt

Thật ra Thức thời là biết nắm bắt cơ hội trong điều kiện tưởng chừng như không thể

Thức thời là gì – thức thời là biết thời thế

Tuấn kiệt là gì – tuấn kiệt là người tài giỏi

Thế nhưng có “thức thời” thì mới là “tuấn kiệt”, tại sao?

Câu nói của người xưa đã gói gọn vào một đại ý, ….người tài giỏi không phải lchỉ có tài năng là  tất cả nếu như không được đặt đúng chỗ, chọn đúng thời điểm, và phù hợp với hoàn cảnh thực tế của xã hội.

(2) Theo “Thuật Dụng Nhân “ của tác giả Hạo Thái :

-1 người gọi là có trí tuệ thì họ phải biết ĐÚNG THỜI, ĐÚNG VẬN.

-1 người có trí tuệ cao hơn chút nữa họ sẽ biết CHỜ THỜI , thế nào cho đúng lúc 

( có thể nói đây là người có bản lĩnh có phẩm giá hơn người rồi). 

-Nhưng một người biết THUẬN THỜI ( thuận với thiên địa) thì ta không thể dùng từ nào để đánh giá họ được, ngay cả từ “CÓ CHÍ KHÍ”. 

(3)”TRI THỨC CẦN MANG TÍNH CHẤT TRUNG DUNG KHÔNG THÁI QUÁ” - Khổng Tử 

Chỉ có người không thái quá trong nhận định của mình mới có thể đưa ra một nhận định chính xác hơn “-Aristotle

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/08/2014(Xem: 13236)
Theo tin trang mạng của Báo Giác Ngộ đăng ngày 24 tháng 7 năm 2014 thì chính quyền Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tại Thành phố HCM đã quyết định di dời tượng đài Danh Tướng Trần Nguyên Hãn và tượng đài Cố Liệt Nữ Quách Thị Trang trong Công Viên Quách Thị Trang trước Chợ Bến Thành đi nơi khác để xây dựng tuyến đường sắt. Riêng tượng đài Cố Liệt Nữ Quách Thị Trang thì theo bản tin này cho biết sẽ được đưa vào Viện Bảo Tàng Thành phố HCM.
11/08/2014(Xem: 9915)
Ngày 7 tháng 8 năm 2014, chúng tôi nhận được email của một vị Thượng tọa khả kính từ Úc Châu thông báo về một vị Sư, trụ trì một ngôi chùa ở thành phố San Jose, Bắc California đã trả lời phóng viên của trang điện báo Việt Vùng Vịnh về lá thư nặc danh tố cáo vị Sư này phạm tội sắc dục. Trong nội dung cuộc phỏng vấn, vị Sư này có nhắc đến “trang mạng …ở miền Nam (California) như … Thư Viện Hoa Sen …” (phút 4.08 đến 4.18 của Video phổ biến trên YouTube:http://www.youtube.com/watch?v=tyeUk_gf7ck). Vì có nhắc đến Thư Viện Hoa Sen (ở Nam California) đã tiếp tay loan tải lá thư nặc danh nói trên, nên chúng tôi đã tìm hiểu nội vụ và xuất xứ các nguồn tin, bởi lẽ Thư Viện Hoa Sen từ trước đến nay không hề loan tin nào, không hề bàn luận gì, không hề nói gì tới bất kỳ lá thư nặc danh nào về bất kỳ ngôi chùa nào dù trong hay ngoài nước.
05/08/2014(Xem: 6833)
Không phải ngẫu nhiên mà cố Hòa Thượng Thích Hành Trụ (1904 – 1984)(1) cho ghi câu cổ ngôn người xưa vào ngay trang đầu của quyển Kinh Hiền Nhân do Ngài dịch thuật rằng: “Trường đồ tri mã lực Cửu xử thức Hiền Nhân” (Đường dài mới biết ngựa hay Ở lâu mới biết ai người Hiền Nhân) Bởi vì đây là bộ kinh gói gọn trong phương pháp xử thế mà xưa kia đức Thế Tôn đã ân cần khuyến hóa cho các vị quốc vương, hàng đệ tử và đặc biệt cư sĩ Tu Đạt. Giá trị và ý nghĩa của bộ kinh này luôn là bài học ngàn vàng cho nhân thế, đặc biệt với con nhà Phật đang sống, tu học cùng nhau trên mảnh đất đời người chật hẹp nhưng có vô vàn hiểm họa rình rập từng ngày. Vì thế, trong nhiều giới luật Phật chế, có rất nhiều những định thể chặt chẽ, ràng buộc như thể là thức ăn nuôi sống cho thân mạng này, để chư hành giả biết nương tựa vào nhau
04/08/2014(Xem: 6117)
Cho đdến khi dự án xây dựng tuyến xe điện ngầm (metro) Bến Thành-Suối Tiên được khởi công thực hiện vào trung tuần tháng bảy vừa rồi, và ngày 22/7 bắt đầu chặt các hàng cây cổ thụ trước nhà hát thành phố, người dân Sàigon mới biết công trường Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành, trong có có tượng anh hùng dân tộc Trần Nguyên Hãn (?-1429) và đặc biệt tượng nữ Phật tử Quách Thị Trang (1946 – 1963) Pháp danh Diệu Nghiêm, học sinh trường tưmthục Trường Sơn , là đoàn sinh Gia Đình Pậht Tử Minh Tâm, cũng sẽ chung số phận buộc phải di dời. nhường không gian cho dự án nhà ga số 1.(ánh)
22/07/2014(Xem: 6896)
Xin các anh chị dành tặng cho 5 phút như một sự ban bố tình thương để nghe những điều tôi tha thiết muốn nói… Vừa đọc xong 1 số tin báo viết mà đau đáu lòng. Xin tha thiết cúi đầu trước các anh chị rất chân thành về 1 vấn đề share thông tin của tất cả chúng ta.. Gần đây có quá nhiều bài viết của báo không rõ nguồn gốc, không đủ bằng chứng cũng như không có giám định của cơ quan chức năng về vấn đề của Chùa hay Thầy. Và từ đó được chúng ta thẳng tay share đi khắp chốn bằng một cú click chuột mà không hề do dự thật hư thế nào..
18/07/2014(Xem: 15180)
Có một Phật tử gửi thư cho tôi và đặt câu hỏi về vấn đề quy y. Tôi xin ghi lại và trả lời, mong rằng có thể giải tỏa khúc mắc cho những người cùng cảnh ngộ. Nguyên văn lá thư: Kính bạch thầy, Đây là câu chuyên có thật 100% nơi con ở, nhưng con xin phép dấu tên những nhân vật trong câu chuyện.
13/06/2014(Xem: 5727)
Đất nước mình nằm tựa lưng với biển Đông, luôn được tắm mát bởi tinh thần và giá trị bốn ngàn năm văn hiến, một nửa trong đó là vốn sống, cách sống thắm đượm tinh hoa Phật giáo với hai ngàn năm un đúc nên mẫu người dân Việt hiền hòa nhân vị.
25/05/2014(Xem: 5556)
Thiền sư là người ra đi không để lại dấu vết, chính điều đó nói lên tinh thần thiền tông ( bất lập văn tự ), khiêm hạ, ẩn danh, vô ngã. Tuy nhiên có điều bất lợi so với cách luôn ghi chép từng biến cố nhỏ lớn, từng sự kiện nhỏ to, trong đời mình cũng như trong xã hội mình đang sống như người phương tây, nên Phật giáo Việt Nam chúng ta tư liệu thật nghèo thiếu một phần nữa là do ngoại nhân đưa về Kim Lăng đốt để huỷ diệt văn hoá, chính điều đó khiến tiểu sử các vị thiền sư lại càng sơ sài, ngắn gọn. Một vài trường hợp quá ngắn như tiểu sử thiền sư Pháp Thuận . Thiền uyển tập anh còn ghi lại tiểu sử Ngài tóm tắt như sau :
16/05/2014(Xem: 8977)
Năm nay Phật Giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc –Vesak 2014 PL 2558, lần thứ hai trong 11 kỳ tổ chức kể từ năm 1999. Đây là sự kiện quan trọng luôn được sự quan tâm trong tinh thần phấn khích của tăng ni và Phật tử Việt Nam.
15/05/2014(Xem: 11613)
Tôi, một người công dân Việt Nam, không quyền chức, không giai cấp, không vị thế trong xã hội, thay mặt những người dân bình thường nhất, xin trang trọng kính đến quý ông lời chào TÌNH NGƯỜI. Thưa ông, gần đây trên các phương tiện truyền thông Quốc Tế đã phổ biến một quyết định của Đảng và nhà nước Trung Quốc về việc thành lập huyện Tam Đảo nhằm quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam chúng tôi. Đó là lý do chúng tôi kính đến quý ông lá thư nầy!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]