DI DỜI TƯỢNG ĐÀI QUÁCH THỊ TRANG
CẤT VÀO LỊCH SỬ HAY KHÉP LẠI LỊCH SỬ ?
Cho đến khi dự án xây dựng tuyến xe điện ngầm (metro) Bến Thành-Suối Tiên được khởi công thực hiện vào trung tuần tháng Bảy vừa rồi, và ngày 22/7 bắt đầu chặt các hàng cây cổ thụ trước nhà hát thành phố, người dân Saigon mới biết công trường Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành, trong có có tượng anh hùng dân tộc Trần Nguyên Hãn (?-1429) và đặc biệt tượng nữ Phật tử Quách Thị Trang (1946 – 1963) Pháp danh Diệu Nghiêm, học sinh trường tư thục Trường Sơn, là đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Minh Tâm, cũng sẽ chung số phận buộc phải di dời. Nhường không gian cho dự án nhà ga số 1.( ảnh)
Tượng võ tướng Trần Nguyên Hãn dự kiến sẽ được di dời và đặt ở công viên tuốt trong Phú Lâm. Riêng tượng bán thân Phật tử Quách Thị Trang chưa biết di dời nơi đâu nhưng theo nhiều thông tin dự kiến sẽ đặt trong…viện bảo tàng!
Phần lớn những người được hỏi cảm tưởng đều tỏ ra hụt hẫng lẫn tiếc nuối. Một số khác thì cho rằng phải chi người dân được cho góp ý trong thời gian trước thì sẽ đỡ ngỡ ngàng và sẽ thỏa lòng hơn. Còn lại, tất cả đều hối hả trong tâm cảnh bồi hồi, nhanh chân đến công trường Quách Thị Trang ghi lại những hình ảnh cuối cùng về một nơi có đầy ắp kỷ niệm trong hơn nửa thế kỷ qua. Với những người con Phật ở thành phố này, điều đó còn buồn hơn gấp bội phần.(ảnh 2-3)
Với tượng bán thân Quách Thị Trang, hơn những ai hết, đó còn là niềm tự hào to lớn của thanh niên, sinh viên, học sinh Phật tử Sai gon thời chống lại ách kỳ thị gia đình trị họ nhà Ngô Đình. Cô đã ngã xuống trước họng súng của bạo quyền với chiếc áo dài trắng lấm tấm giọt máu hồng tuổi thanh xuân. Từ nơi ngã xuống, cô đã trở thành liệt nữ và bay bổng ngự giữa mây ngàn, hóa thành ngôi sao sáng. Đó cũng là chất liệu lung linh nhất cho nhạc sĩ Nguyễn Hiền liền ngay khi ấy cảm tác nên bài nhạc bất hủ về cô “Em là vì sao sáng”. Chúng ta hãy lắng lòng nghe lại bài hát này qua sự thể hiện của ca sĩ Trang Mỹ Dung (đính kèm mp3-nguồn: nhaccuatui). (Em Là Vì Sao sáng-mp3-nhaccuatui)
Theowikipedia, Tượng Quách Thị Trang được dựng đúng vào ngày tiểu tường của cô một năm sau đó với sự vận động của Hội Học Sinh Sinh Viên Saigon do sinh viên Vũ Quang Hùng làm trưởng ban và lấy chính ngày ấy tổ chức biểu tình chống tướng Nguyễn Khánh hầu dàn cảnh, che mắt lực lượng an ninh cho anh em dựng tượng. Hai năm sau đó nữa, Thượng tọa Thích Mãn Giác thay mặt Hội Đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN gắn biển đồng “Liệt Nữ Quách Thị Trang” ngay bên dưới thân tượng. Sau năm 1975, chính phủ nước CHXHCNVN chính thức công nhận Quách Thị Trang liệt sĩ và nơi chị ngã xuống cũng chính thức mang tên công trường Quách Thị Trang” cho đến tận bây giờ.(ảnh 5)
Nếu như từ thời Pháp thuộc, chùa chiền, đình miếu của người Việt bị dẹp bỏ với nhiều hình thức lý do, và nếu có là những ngôi chùa trôi dạt sâu vào vùng xa hẻo lánh, nhường khu trung tâm đô thị cho những tham vọng ngang ngược của kẻ xâm lược. Mãi cho đến thời hai chế độ Tổng thống
Sẽ di dời tượng vào một ngôi chùa nào ư? Xin thưa ngay tại trung tâm thành phố không có ngôi chùa nào và nếu có thì không gian không xứng đáng. Đem vào công viên 23/9 như có ý kiến nêu ra ư? Xin thưa nơi đó không vết máu và nhân chứng lịch sử ghi nhận. Nếu trước đây cụm tượng đài Bồ tát Thích Quảng đức có một dự kiến xây ngay giữa ngả tư CMT8 và Nguyễn Đình Chiểu không khả thi vì có lập luận dự kiến bên dưới là đường hầm của tuyến Tân Sơn Nhất vào nội đô, thì giờ đây một tượng bán thân Quách Thị Trang nhỏ bé chiếm một khoảng không gian khiêm nhường, không đáng kể, sẽ không ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của dự án nhà ga ga số 1 khi xây dựng xong và đi vào hoạt động sau này. Quan trọng nhất vì đó là nơi cô ngã xuống cho tinh thần tuổi trẻ Saigon đứng dậy, và tất nhiên cũng chính là nơi tuổi trẻ Phật giáo Saigon gởi gấm nhiều tiếng nói xuyên thấu qua nhiều thế hệ.
Đã có những nhận định chua chát rằng, như vậy cơm áo, gạo tiền và những phương tiện vật chất tiên tiến mang danh phục vụ đời sống chính mình muôn đời vẫn có sức mạnh riêng của nó, bất chấp hàng cây người ta trồng nhiều thế hệ và những di tích lịch sử có máu và nước mắt cũng của chính mình đổ xuống.
Sau Vu Lan, cụ thể mồng 1 tháng 8 âm lịch, nhằm ngày 25/8/2014 chúng ta sẽ lại kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 51 năm của Quách Thị Trang, chúng ta có còn đến trước tượng người đặt vòng hoa tưởng nhớ một thời Bi Hùng Lực của PGVN. Sao lại gần gũi và trùng hợp đến vậy? Chắc ở nơi xa Hương linh cô Diệu Nghiêm-Quách Thị Trang cũng hiểu cho cõi lòng người còn sống.
Bây giờ có còn kịp nữa không để Phật giáo nói lên tiếng nói của mình trước một di tích sắp biến mất giữa lòng thành phố, cũng là giữa trái tim mọi người.