Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 2: Trở Về Đạo Phật Nguyên Chất

10/09/201620:09(Xem: 3957)
Bài 2: Trở Về Đạo Phật Nguyên Chất

NHẬN XÉT VỀ BÀI

TRỞ VỀ ĐẠO PHẬT NGUYÊN CHẤT

ĐỂ PHỤNG SỰ NHÂN SINH

CỦA THƯỢNG TỌA Thích Nhật Từ

(Trả lời vấn đáp trong mùa An cư tại Tịnh xá Trung Tâm, ngày 27/5/2014)

Toàn Không

(Tiếp theo)

 

 

Câu hỏi 2: 

Theo Thượng tọa, ngoài đời cũng như trong đạo, bối cảnh chính trị cũng như môi trường đạo pháp, để làm một cuộc cách mạng lớn liệu có khó không, có phức tạp không? Động lực nào sẽ dẫn tới sự thay đổi lớn?

 

Trả lời: Về vấn đề trọng đại đó, chúng ta cần phải đánh giá dưới hai góc độ: Hoàn cảnh thực tiễn và thái độ về hoàn cảnh đó.

Các khó khăn về hoàn cảnh không phải là nguyên nhân chính, nhưng thái độ về hoàn cảnh đã làm cho một số người ngại khó, sợ bị cô lập, bị chỉ trích, bị lên án.  Điều này khiến cho các nỗ lực cải cách Phật giáo khó thành công. Thật ra, nền minh triết Đạo Phật quá sâu sắc và không cần tới cải cách. Cải cách tôi nói ở đây là việc điều chỉnh cách làm đạo, trở về với đức Phật lịch sử, và mỗi vị tăng sĩ là một công cụ, là cánh tay nối dài để làm tỏa sáng nền minh triết (pháp) và đạo đức (luật) của Đức Phật. Như vậy, cải cách Phật giáo không phải là tạo ra một trường phái mới, một hình thái Phật giáo mới, mà là quay trở về càng gần với đức Phật chừng nào thì càng thành công chừng đó.

 

Nhận xét:     Đồng ý cải cách đây không phải là tạo ra trường phái mới, cũng chẳng phải quay trở về, mà là những gì không là của Phật giáo thì bỏ đi như đốt vàng mã, cúng sao giải hạn, bỏ những chữ Hánthay bằng chữ Việt và những tiêu biểu không có tính cách Phật giáo dân tộc ra khỏi Đình Chùa Lăng Miếu. Không đọc tụng kinh bằng chữ Hán Việt mà đa số Phật tử không hiểu, còn những gì là của Phật giáo thì giữ lại như tất cả kinh điển của Bắc truyền và Nam truyền, vì đều là của Phật cả, nên phải giữ lại và phát triển mạnh hơn lên.

 

Đại sư Thái Hư của Trung Quốc trong những thập niên đầu của thế kỷ 20 đã chủ xướng cải cách Phật giáo, gồm cải cách giáo lý, cải cách hành chính Phật giáo và cải cách giáo sản, tức là làm kinh tế để có tài chính làm các Phật sự. Cải cách giáo lý thì không cần bởi vì không ai có tuệ giác hơn đức Phật. Chúng ta cần giải thích giáo lý đúng với lời Phật dạy. Bản chất giáo pháp của đức Phật là không thay đổi. Điều chúng ta cần thay đổi là cách lý giải về đạo Phật cũng như cách ứng dụng Phật pháp trong đời sống.

 

Nhận xét:     Như trên đã bàn những thứ cần bỏ và những thứ cần giữ để phát triển  hơn lên, còn làm kinh tế thì chỉ nên tùy duyên mà thôi. Chúng tôi có cùng quan điểm với tác giả về“Cải cách giáo lý thì không cần bởi vì không ai có tuệ giác hơn đức Phật. Chúng ta cần giải thích giáo lý đúng với lời Phật dạy”.

 

Trong bối cảnh của Việt Nam thì những điều sau đây là trở ngại lớn cho cải cách Phật giáo Việt Nam. Thứ nhất, phần lớn lãnh đạo Phật giáo của Việt Nam trên toàn quốc theo môn phái Tịnh độ tông và trường phái này đã có chỗ đứng vững trong lịch sử Việt Nam gần 2000 năm rồi. Thực phẩm tạo thành thói quen tiêu thụ, kinh điển và cách thức hành trì tạo thành thói quen làm đạo. Thói quen làm cho người ta dễ kháng cự những gì khác và xa lạ với mình, giống như kháng thể có khuynh hướng nếu không loại trừ các vật lạ có mặt trong cơ thể thì công việc của nó làm là khoanh vùng vật lạ đó lại, không để vật lạ này lan rộng trong cơ thể. Tương tự, nếu không khéo, ta sẽ tạo ra một “hệ thống kháng thể” từ một trường phái Phật giáo đã quá mạnh tại Việt Nam, sẵn sàng ngăn chặn những quan điểm khác và không tán đồng khuynh hướng quay trở về với đạo Phật gốc.

Do đó, khi thực hiện việc đổi mới đạo Phật, ta phải xác định rất rõ rằng đây không phải là việc lập ra một trường phái Phật giáo mới để ta trở thành một vị tổ sư mới. Ta chỉ đang trở thành một công cụ giúp cho lời Phật dạy được nhiều người tiếp nhận hơn mà thôi. Lấy đức Phật làm hệ quy chiếu, lấy chính pháp làm cơ sở chân lý để ta tránh bị hiểu lầm, hiểu sai, khi đó sự hưởng ứng cho phong trào quay trở về với đức Phật gốc mới dễ dàng thực hiện thành công.

 

Nhận xét:Chúng ta nên biết, tông Tịnh độ chỉ mới phát triển ở Việt Nam trên 400 năm nay, bắt đầu từ nhà Hậu Lê mà thôi như đã dẫn chứng ở trên. Nếu muốn dẹp bỏ Tịnh độ tông thì nên có chứng minh hợp lý chính đáng thì sẽ được nhiều người hưởng ứng. Nếu không chứng minh được sự sai trái của Tịnh độ tông thì nên để người nào muốn tu thì tu, chứ không nên cho là của người Trung Hoa. Thực sự Tịnh độ tông do Tổ thứ 12 Mã Minh và Tổ thứ 14 Long Thọ bên Ấn Độ truyền, căn cứ vào lời Phật dạy, các Tổ bên Trung Hoa chỉ dựa vào ba kinh căn bản: A Di Đà, Vô Lượng Thọ và Quán Phật Vô Lượng Thọ mà hành trì và phổ biến mà thôi.

     Còn nói rằng “lập một phong trào quay trở về với đức Phật gốc”, nếu làm như vậy chẳng khác nào ví như Đức Phật dạy cho chúng ta học từ Tiểu học căn bản dần lên Trung học, rồi lên Đại học, bây giờ lại bảo người đang học theo Trung hay Đại học là không đúng của Phật, mà nên quay lại học theo Tiểu học mới là đúng của Phật, thì có lẽ khó có ai chịu làm theo lời khuyên này.

 

Điều hai, phong trào cải cách Phật giáo cần có tinh thần đề cao Tam bảo và việc truyền bá Phật pháp cần phải được thực hiện bằng ít nhất là một nhóm nhân sự có cùng quan điểm và khuynh hướng. Nhóm hạt giống đó có thể bao gồm các tu sĩ đến từ các trường phái Phật giáo khác nhau, nhưng có cùng lý tưởng, bất chấp sự khác biệt hoặc phản đối từ những người đồng tu trong trường phái mà mình đang là thành viên. Nếu nhóm hạt giống này làm việc một cách có tổ chức, có phương pháp, có sự chia sẻ kinh nghiệm, có những nỗ lực vượt qua khó khăn thì từ một mô hình thí điểm thành công, phong trào cải cách sẽ được nhân rộng ra nhiều nơi khác. Nếu không có mô hình thành công đó thì ta dù có nghe biết cũng chỉ khen suông, chứ không theo. Do đó, phong trào cải cách Phật giáo cần đến chất xám tập thể và các bàn tay của nhiều chư tôn đức.

 

Nhận xét:Đồng ý với tác giả vềđề nghị này nên được Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật giáo bàn thảo về những gì cần làm để có một đường lối chung.

 

Điều ba, một trong những hướng đi tạo ra sự cải cách Phật giáo là thay đổi toàn bộ nghi thức tụng niệm trong các chùa, vốn ảnh hưởng từ Phật giáo Trung Quốc. Nghi thức tụng niệm của Việt Nam hiện nay chia thành bốn thời vào các buổi khuya, trưa, chiều, tối, chủ yếu nhắm tới các đối tượng: Người già và người bệnh (nghi thức cầu an), người chết (nghi thức cầu siêu) và người có tội (nghi thức sám pháp).

Các nghi thức ảnh hưởng từ Phật giáo Trung Quốc không giới thiệu các bài kinh về thế giới quan, nhân sinh quan, xã hội quan, đạo đức quan, tu tập quan và giải thoát quan. Hệ quả là, nhiều thành phần xã hội đã đánh giá đạo Phật quá thấp hoặc vô tình hiểu sai đạo Phật, đang khi phần lớn giới trí thức, giới chính trị, giới kinh doanh và giới trẻ quay lưng lại với đạo Phật.

 

Nhận xét:Đồng ý, về vấn đề này cần phải đưa ra Hội Đồng Phật Giáo để thảo luận và quyết định đường lối cho từng loại lễ nghi khác nhau cần phải đọc tụng những gì, như ở một vài chùa làm lễ cầu an bằng cách lễ cúng sao giải hạn đầu năm là mê tín. Lễ cầu an mà tụng đọc kinh Phổ Môn để xin Bồ Tát Quán Thế Âm cứu khổ cứu nạn là sai ý Phật, chỉ nên tụng kinh Bát Đại Nhân Giác, Bát Nhã Tâm Kinh, chú Đại Bi v.v… Lễ cầu siêu mà đọc tụng kinh Địa Tạng để xin Bồ Tát Địa Tạng cứu khỏi sa địa ngục cũng là không đúng ý Phật, chỉ nên tụng kinh A Di Đà, chú vãng sinh v.v…Nếu chùa nào có làm những điều sai trái thì cần phải được chấn chỉnh sửa đổi theo đường lối chung. Nên ghi nhận rằng trong các buổi lễ, không nên chiếm thời gian qúa lâu, vì sẽ làm cho người Phật tử tại gia tham dự chán nản bỏ về giữa chừng, nên việc sắp xếp những gì cần phải có cho buổi lễ nên được chọn lựa cân nhắc kỹ càng cho đúng với ý nghĩa của buổi lễ.

 

Trong một nghi thức, tạm gọi là nghi thức cộng thông được sử dụng trên toàn quốc phải bao gồm ít nhất các nhóm kinh vừa nêu. Mỗi nhóm kinh nên chọn trung bình năm đến mười bài kinh. Toàn bộ nghi thức cộng thông này có thể lên tới một ngàn trang. Nếu đọc trung bình 45 phút/ thời Kinh, tức khoảng 20-25 trang sách mỗi lần tụng, thì sau khi đọc xong một ngàn trang với khoảng 70 bài kinh, khó có thể xảy ra trường hợp người ấy sẽ sống với mê tín và sợ hãi. Đơn giản vì người đọc tụng Kinh theo nghi thức tụng niệm mới sẽ hiểu rõ một cách toàn diện về những lời dạy minh triết và đạo đức của Phật, do vậy, các Phật tử sẽ bớt đi sự lệ thuộc vào tăng sĩ như hiện nay.

Phật tử tại gia có thể trực tiếp tu Phật mà không cần thông qua các bài kinh pháp môn. Theo chúng tôi, đây là vấn đề cốt lõi nhất. Nếu chúng ta không thay đổi nghi thức tụng niệm theo hướng thuần Việt, có nhiều bài kinh khác nhau thì các nỗ lực cải cách Phật giáo chỉ là các nỗ lực, không thể có kết quả thật sự.

Không riêng gì các nước theo trường phái Đại thừa ảnh hưởng từ Trung Quốc, ngay cả nghi thức tụng niệm tại các nước Phật giáo Nam tông do hoặc vua hoặc các học giả Phật giáo nổi tiếng biên soạn. Các nghi thức này thiên về phước báu, về quả phúc tái sinh về các cảnh giới an lành, nên sử dụng quá ít các bài kinh về đạo đức và xã hội của đức Phật. Các quốc gia Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia đi theo mô tuýp này.

Riêng Phật giáo Nam tông Việt Nam có các nghi thức khác nhau. Một nghi thức do hòa thượng Hộ Giác và nhóm đệ tử của hòa thượng ở Hoa Kỳ chủ xướng. Nhóm nghi thức thứ hai gắn với chùa Kỳ Viên, Q3, TP.HCM. Nhóm nghi thức thứ ba do Hòa thượng Bửu Chơn, người sáng lập ra trường phái Phật giáo Nam tông của người Kinh cách đây 60 năm. Ba nghi thức căn bản này khác nhau ít nhiều nhưng giống nhau ở chỗ chọn nhiều bài kinh khác nhau gồm kinh phước báu, kinh Tam bảo, kinh Tứ niệm xứ… nhằm giúp cho người đọc tụng có cơ hội tiếp xúc với “buffet kinh điển”, thay vì “gạo lức muối mè kinh điển”, tức là chỉ có một vài bài kinh theo phong cách của đạo Phật pháp môn của Trung Quốc.

Về phương diện cải cách nghi thức tụng niệm thì thiền sư Nhất Hạnh là người đi tiên phong. Vào năm 1994 ấn bản kinh điển "Làng Mai đại toàn" ra đời. Nghi thức "Làng Mai đại toàn" ấn bản năm 2000 hoàn chỉnh hơn. Các thời khóa được chia thành hai buổi sáng và chiều, trung bình mỗi buổi, hành giả đọc tụng từ một đến ba bài kinh; tổng số các bài kinh được đọc tụng trong một tuần lễ khoảng 25 bài. Như thế, ít nhất người đọc tụng không bị nhàm chán về tâm lý, bởi bất kỳ cái gì bị lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ dẫn tới việc đọc bằng thói quen, mà thói quen thì ít để cho lý trí dẫn dắt. Chưa đọc, người ta đã có cảm giác hiểu rồi. Thiền sư Nhất Hạnh đã hiểu rõ điều đó nên ngài giới thiệu khoảng 25 bài kinh trong nghi thức thuần Việt của ngài.

Cùng thời điểm này, tôi xuất bản cuốn "Kinh tụng hàng ngày" gồm 49 bài kinh của hai truyền thống Nam tông và Bắc tông, gồm 1000 trang. Năm 2011, tôi xuất bản cuốn "Kinh Phật cho người mới bắt đầu" với mười bài kinh căn bản, và năm 2013, tôi xuất bản quyển "Kinh Phật cho người tại gia," tuyển tập 63 bài kinh, phân làm năm nhóm kinh, bao gồm các kinh về đạo đức, các kinh về gia đình, xã hội, các kinh về triết lý, các kinh về thiền chuyển hóa và các kinh về Tịnh độ, nhằm giúp cho người tại gia có sự lựa chọn giữa các thực phẩm tâm linh một cách phong phú, tự bổ sung cho mình các thực phẩm tâm linh mà mình đang thiếu.

 

Nhận xét:Cần phải có Hội Đồng Phật Giáo thảo luận, phải làm sao phối hợp được giữa Phật giáo Bắc truyền và Nam truyền. Những khóa tụng kinh cho Phật tử tại gia thì tùy theo khóa tu để sắp xếp tụng một kinh hay nhiều kinh và thời gian tụng có thể kéo dài mà không có trở ngại như các buổi lễcần phải giới hạn thời gian mà chúng tôiđã nêu ra ở trên.

 

Điều bốn, các Phật tử cần phải ý thức rõ là không nên theo các chùa, các thầy một cách mù quáng. Phải dùng lý trí như đức Phật đã khích lệ trong bài kinh “Mười cơ sở của đức tin chân chính”. Các Phật tử không nên góp phần biến đạo Phật trở thành mê tín. Các Phật tử phải lấy chính tín làm nền tảng, không thờ thượng đế và thần linh trong nhà. Muốn thế thì phải học Phật pháp để không còn bị nỗi sợ hãi chi phối.

Các Phật tử phải siêng năng nghiên cứu Phật pháp và kinh điển, không nên quá bận tâm về phước báu. Có trí tuệ là có phước báu, có trí tuệ là thành tựu sự nghiệp, có trí tuệ là có hạnh phúc. Hãy đầu tư vào trí tuệ, thay vì tin vào sự ban phước, vào tính mầu nhiệm, vào sự thiêng liêng vốn không có thật, ngoài nhân quả. Tất cả mọi thứ trong đời là quá trình của nhân quả, người mê tín thì giải thích đó là mầu nhiệm, người có trí tuệ nói đó là tiến trình của nhân quả. Có làm có kết quả, có tu có an lạc, không có mầu nhiệm ngoài nhân quả.

Đó là một số điều căn bản mà ta cần lưu tâm để cùng nỗ lực và cam kết tạo ra một đạo Phật theo phong cách Việt Nam sớm được thành công.

 

Nhận xét:Những tư tưởng mà tác giả nêu ra trong đoạn này đều có giá trị cả.Muốn cho Phật tử tại gia hiểu Phật pháp, phải có một chính sách chung từ Giáo Hội Phật Giáo cho đến tất cả các chùa về việc phổ biến và thuyết giảng thường xuyên hàng tuần, phổ biến giáo lý, bài giảng trên báo chí, truyền thông, các mạng từng bài ngắn. Nếu làm được điều này trong toàn quốc, thì chỉ trong năm mười năm có thể cải bỏđược sự mê tín mà hiện nay còn đang thịnh hành.

     Hiện nay nhiều Phật tử cầu phước, như cúng sao giải hạn, đốt vàng mã, cầu Phật và Bồ Tát ban cho buôn may bán đắt, may mắn, tai qua nạn khỏi, v.v…. Nếu Phật tử hiểu giáo lý của Phật rồi thì họ sẽ biết tất cả buôn may bán đắt, may mắn, tai qua nạn khỏi đều do nhân mà có qủa, làm nhân lành thì không cần cầu vẫn có qủa tốt.Tránh làm ác thì không có nhân xấu, do đó không có qủa khổ, không thể cầu xin mà làm cho thay đổi nhân qủa; do đó họ sẽ tạo nhân lành để có qủa tốt, và sự mê tín chắc chắn phải giảm xuống.

 

 

Câu hỏi 3Thế nào là “đạo Phật nguyên chất” và thế nào là “đạo Phật pháp môn”?

 

Trả lời: Khái niệm “Đạo Phật nguyên chất” được tôi vay mượn từ thiền sư Nhất Hạnh trong tác phẩm cùng tên được xuất bản vài năm trở lại đây. Dùng khái niệm này chúng tôi muốn mô tả về một hình thái đạo Phật do chính đức Phật Thích Ca truyền bá và nó tồn tại đến 300 năm sau khi đức Phật qua đời. Trong văn học của Phật giáo thế giới, người ta gọi là Phật giáo giai đoạn đầu hay là Phật giáo sớm (Early Buddhism), ở Việt Nam thường gọi là Phật giáo nguyên thủy, mà đúng ra phải là Phật giáo Thượng tọa bộ (Theravada Buddhism). Phật giáo nguyên thủy là một khái niệm gây ra các tranh cãi và mâu thuẫn hệ phái. “Nguyên chất” ở đây chỉ cho những lời dạy của đức Phật, chưa có sự chỉnh sửa của các nhà biên tập kinh điển. Đạo Phật nguyên chất lấy Tứ diệu đế làm pháp môn duy nhất, cách thức tu tập được thể hiện qua bát chính đạo với ba phương diện: đạo đức, thiền định, trí tuệ.

 

Nhận xét:Về vấn đề này, như chúng ta đã biết lịch sử Phật giáo, trong những thế kỷ đầu sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn đã trải qua một thời gian dài xung đột tư tưởng và phân chia phe phái qúa trầm trọng, lại bất hạnh là thời đó chưa có chữ viết, vì chữ viết chỉ xuất hiện hơn 4 thế kỷ sau khi Đức Phật nhập diệt, nên vấn đề càng trở nên khó khăn.

Mặc dù vậy, khi nói đến những gì gọi là căn bản hay nguyên chất của đạo Phật thì ai cũng phải công nhận là: Tất cả từ Khổ (Bốn Diệu Đế), Vô Thường, Sinh Tử Luân Hồi, Vô Ngã, Nhân Qủa Nghiệp Báo, Sáu Độ (Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, Trí Tuệ), Bốn Vô Lượng Tâm, Mười Hai Nhân Duyên, Tám Chính Đạo, v.v…

Tất cả đều là căn bản giáo lý của đạo Phật, mà mọi Phật tử không phân biệt Nam truyền hay Bắc truyên đều phải học. Bốn Diệu Đế là lời giảng đầu tiên cho năm vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật khi Ngài bắt đầu chuyển Pháp Luân, thìđó là Ngài giảng cái căn bản nhất và dễ hiểu nhất. Về sau, càng ngày trình độ của các đệ tử tiến lên thì Ngài mới giảng những cái khó hơn, cao siêu hơn.

 

Cốt lõi của đạo Phật nguyên chất là xây dựng một thế giới an lạc và hạnh phúc bây giờ và tại đây, chứ không đưa ra những hứa hẹn cho con người sau cái chết. Đạo Phật nguyên chất xây dựng một hình thái đạo Phật cho hai đối tượng: Tại gia và xuất gia. Ai muốn giác ngộ, trở thành thánh nhân thì phải chọn con đường xuất gia, tu chuyển hóa tham ái và tính dục, những người còn lại là người tại gia, không bận tâm đến con đường giải thoát, vì có muốn cũng không được. Người tại gia sống đời sống đạo đức, tôn trọng luật pháp, không đắm nhiễm phước báu có được, trở thành những người giàu có, biết chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh và họ là cánh tay nối dài của minh triết Phật trong đời sống. Những ai không thỏa mãn với hạnh phúc thế tục thì có thể chọn con đường xuất gia.

Ngoài bát chính đạo, sự thực tập của đạo Phật nguyên chất còn liên hệ đến 37 phẩm trợ đạo mà nội dung của nó đều xoay quanh bát chính đạo, ở phương diện này hay phương diện khác. Yếu tố đa văn và trí tuệ được lặp lại vài lần. Điều này cho thấy đức Phật rất đề cao vai trò của trí tuệ trong việc chuyển hóa khổ đau.

 

Nhận xét:Trên nguyên tắc thì đúng như vậy, quan trọng là phải hiểu Phật pháp, phải thực hành theo lời Phật dạy để được qủa báo tốt. Có người vì lý do này hay vì lý do khác họ không xuất gia, họ có cơ duyên học Phật pháp; khi họ hiểu Phật pháp rồi thì họ thực hành những lời Phật dạy về làm lành tránh làm ác, v.v… Họ còn đi xa hơn nữa là tiến tới tu hành mà không cần phải xuất gia,tuy những người này không thể bằng được người xuất gia, vì có nhiều gò bó ràng buộc;nhưng không phải là họ không tu được, thì đây cũng là điều tốt, hơn người không thích học hỏi Phật pháp rất nhiều.

Ngoài ra, ngày nay người tại gia tu hành không phải là ít, vì Phật đâu có cấm Phật tử tại gia tu hành, nên họ chẳng cần phải xuất gia mà vẫn có thể tu nhiều thì được lợi nhiều, tu ít thì được lợi ít, vẫn hơn là người không biết Phật pháp hay người biết Phật Pháp mà không tu.

 

 “Đạo Phật pháp môn” là khái niệm chúng tôi sử dụng để chỉ “đạo Phật tổ sư” do Trung Quốc khởi xướng, lấy những vị khai sáng tông phái làm hệ quy chiếu chân lý. Đạo Phật tổ sư và đạo Phật pháp môn dựa vào một (vài) bài kinh, tối đa là ba bài kinh làm nền tảng giới thiệu đạo Phật. Cách làm đạo này mang tính phiến diện. Những bài kinh khác thì các hành giả theo các pháp môn này được kích lệ không nên đọc.

 

Nhận xét:     Nếu nói pháp môn thì phải nói là chính Đức Phật là Tổ sư của tất cả các pháp môn, vì tất cả các pháp môn đều dựa vào lời của Phật, chứ chẳng phải các vị Tổ tự sáng chế ra.

Chúng ta cùng phân biệt cho rõ ràng rằng người tu một pháp môn thì không cần biết tới pháp môn khác là điều cần thiết, vì nếu tu theo đường lối của pháp môn này rồi mà lại còn học pháp môn khác thì ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng nói: “Ví như một người đến nhiều nhà hàng nếm mỗi nhà hàng một chút, như thế người ấy chẳng thể no được”. Người tu, khi bắt đầu nên học về Phật giáo căn bản để có kiến thức là cần thiết, đến khi đã chọn một pháp môn tu rồi thì không nên nghiên cứu pháp môn khác nữa, đó là điều dễ hiểu.

 

Trong đạo Phật tổ sư hay đạo Phật pháp môn, phương pháp chính của đức Phật không được giới thiệu đến. Ý chủ quan của các vị tổ sư sáng lập ra pháp môn đã được mọi người nâng lên thành chân lý. Chẳng hạn Pháp Hoa tông thì lấy Kinh Pháp Hoa làm nền tảng, nhưng nội dung của Kinh Pháp Hoa quá cao siêu, không phù hợp với Phật tử sơ cơ. Tại các trường đại học trên thế giới, Kinh Pháp Hoa được giảng dạy cho sinh viên thạc sĩ năm thứ hai. Ở Mỹ và Nhật, Kinh Pháp Hoa được dạy ở cấp tiến sĩ năm thứ nhất. Trong khi đó, tại Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Nam Bắc Triều, Kinh Pháp Hoa được sử dụng đọc tụng như kinh điển vỡ lòng cho người mới bắt đầu. Thực tế, Phật tử sơ cơ chưa đủ kiến thức để hiểu Kinh Pháp Hoa. Hiểu không nổi thì mê tín kinh điển, họ chỉ chú trọng vào bảy ngàn hai trăm công đức mà Kinh Pháp Hoa mô tả. Thế là từ một bài kinh triết lý, Kinh Pháp Hoa trở thành một bài kinh tín ngưỡng cho người tín ngưỡng.

Cực đoan hơn, nhiều người đọc một chữ Kinh thì lạy một lạy, tức là tín ngưỡng hóa kinh điển, thay vì ứng dụng trí tuệ của kinh điển để giải quyết các vấn nạn khổ đau. Như vậy, các vị tổ sư sáng lập tông phái và pháp môn thích cái gì thì chỉ truyền đạt và giới thiệu cái đó. Do đó, người theo đạo Phật pháp môn sẽ không hiểu được đạo Phật một cách toàn diện, mà lẽ ra, cần phải như thế.

 

Nhận xét:Về việc này cần phải được Hội Đồng Trị Sự Phật Giáo Việt Nam thảo luận để điều chỉnh sửa đổi cho hợp lý, vì không hiểu kinh nên mới làm sai, sự làm sai chẳng phải các Tổ mà do các vị Phật tử hiểu nghĩa kinh sai, nên tu sai hành sai. Ví dụ: Tổ bảo tụng kinh Pháp Hoa có nhiều lợi ích, nghĩa là tụng kinh Pháp Hoa để hiểu kinh và thực hành theo kinh thì có lợi ích. Nhưng Phật tử tại một vài chùa, lại hiểu sai mà cho là kinh Pháp Hoa linh hiển, Bồ Tát Quan ThếÂm hiển linh cứu đủ các thứ tai ách; đọc tụng, lễ lạy càng nhiều thì càng có phúc đức nhiều. Vì hiểu sai như thế là lọt vào mê tín thần quyền, những người tụng kinh với ý cầu phúc làsaiý của Phật sẽ mất thời giờ vôích mà chẳng được lợi lộc gì cả;còn người dẫn dắt người khác hành trìsai như thế, thì có thểbị tội đọa vào ba đường dữ.

 

Vì vậy, muốn trở về với đức Phật gốc và đạo Phật gốc, chúng ta cần thấy rõ rằng đạo Phật nguyên chất vốn vượt lên trên rất cao so với đạo Phật tổ sư và đạo Phật pháp môn. Nếu không nhìn ra vấn đề này, ta sẽ không mạnh dạn làm, hoặc khi làm chỉ cần bị phê bình, chỉ trích, chúng ta sẽ bỏ cuộc giữa chừng. Không ít người lý luận rằng, mấy chục thế kỷ đã trôi qua, bao nhiêu vị Bồ-tát, bao nhiêu vị A-la-hán, bao nhiêu tổ sư chấp nhận đạo Phật tổ sư, đạo Phật pháp môn, tại sao bây giờ chúng ta phải đặt lại vấn đề. Ông/ bà đặt vấn đề đó có bằng các vị tổ sư, các vị cao tăng, A-la-hán, Bồ-tát không? Đó là cách lý luận theo kiểu "cả vú lấp miệng em". Ta có thể vận dụng cùng phương thức đó để lý luận như sau: Các vị tổ sư, A-la-hán, Bồ-tát có bằng với đức Phật không? Câu trả lời là không. Như vậy, tại sao chúng ta không theo Phật mà phải theo tổ Trung Quốc?

 

Nhận xét:Nói: “Đạo Phật nguyên chất vốn vượt lên trên rất cao so với đạo Phật tổ sư và đạo Phật pháp môn”, là thiên lệch, không nên phân biệt như vậy, vì dù tu theo cách nào thì kết qủa cũng giống nhau. Ví dụ như thùng đựng nước và sáu căn như sau: Người không tu giống như cái thùng bị chảy 6 lỗ, người tu theo Nam truyền như cái thùng được bít kín cả 6 lỗ, còn người tu theo Bắc truyền như làm cho cái thùng rỗng không, nên kết qủa tu theo hai cách cũng như nhau. Nhưđã phân tích ở trên, các vị Tổ sư không tự sáng chế ra pháp môn, mà đều dựa vào kinh Phật để khai thị cho chúng sinh biết rằng lời Phật giảng trong kinh nọ kinh kia có bao hàm những chỗ có thể tu và từ đó đạt kết qủa. Do đó chúng ta mới có nhiều phương pháp để tu hành, cũng giống như có nhiều phương thuốc khác nhau để trị bệnh trầm kha “Sinh Tử Luân Hồi Khổ Ải” của chúng sinh. Như thế thì chúng ta không nên chấp chặt đòi dẹp bỏ các pháp môn, làm cho kho tàng của Phật trở thành cạn hẹp vậy!

 

Sau khi nhận diện sự khác biệt giữa đạo Phật nguyên chất và đạo Phật tổ sư, công việc làm đạo của chúng ta là “không phải tôn vinh mình mà là tôn vinh Phật; không phải ca ngợi kiến thức của mình, cách làm đạo của mình, mà thông qua đó để ca ngợi chính pháp.” Chúng ta không phải là người giỏi, mà vì chính pháp của đức Phật quá siêu việt, cho nên chỉ cần làm đúng 50% thôi, chúng ta đã trở nên vĩ đại rồi. Huống hồ, chúng ta tiếp cận và sử dụng càng nhiều những lời dạy nguyên chất của đức Phật.

Không ai có thể phủ nhận một điều rằng càng xa thời của đức Phật thì càng có thể xảy ra sự biên tập, sự lý giải khác với những gì mà đức Phật chủ trương. Ngày nay chúng ta có lợi thế là được sống trong thời kỳ kĩ thuật số trở thành một công cụ mới, một loại phước báu mới. Trước đây, để có được một quyển kinh là rất khó. Kinh viết trên lá bối, khắc trên đá, kinh bản đồng, kinh bản gỗ, kinh bản giấy… tốn rất nhiều tiền, nhiều công sức, vì thế, việc truyền bá kinh cho quảng đại đa số là rất nan giải. Bây giờ, chúng ta có kinh điển dạng internet, kinh điển dạng sách nói... Chùa Giác Ngộ đi tiên phong trong lĩnh vực âm thanh hóa Kinh điển. Từ năm 2004 chùa Giác Ngộ đã truyền bá kinh điển sách nói miễn phí, do các giọng đọc tiêu chuẩn của các phát thanh viên đài truyền hình, đài truyền thanh TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

Trong tương lai, theo dự đoán của chúng tôi, kinh sách dạng giấy sẽ mất dần chỗ đứng. Tới một lúc nào đó, kinh sách in sẽ ngưng xuất bản, thay vào đó là kinh sách dạng E-book, audio-book. Chỉ cần có một Ipad hoặc Iphone, chúng ta có thể trữ cả một thư viện Kinh, dễ dàng mang theo người, đọc bất cứ lúc nào mà  không tốn tiền bao nhiêu. Có lẽ chừng bảy chục năm sau, vai trò của E-book sẽ mờ nhạt dần và thay vào đó là sách vở và kinh điển nói dạng âm thanh, rất tiện. Với kinh sách nói, chúng ta có thể vừa nghe vừa làm các việc khác. Đó là khuynh hướng phát triển chung của thế giới mà chúng ta không thể cưỡng lại được, không thể đi ngược được.

Đạo Phật Đại thừa dạy chúng ta sử dụng trí tuệ phương tiện, tận dụng các công cụ mới, các phương tiện mới nhằm giới thiệu Phật pháp. Nếu không làm mới cách làm đạo, chúng ta sẽ bị bỏ lại sau lưng bởi các tôn giáo khác. Nếu biết khéo léo sử dụng các phương tiện hiện đại để giới thiệu đạo Phật nguyên chất, chúng tôi tin rằng trong thời gian 10 năm, 20 năm, sự mê tín dị đoan của quần chúng Phật tử sẽ giảm dần. Không có tăng sĩ nào có thể đi thuyết pháp khắp mọi nơi vì sức khỏe và thời gian không cho phép. Nếu sử dụng các phương tiện hiện đại để truyền bá Phật pháp thì đồng nghĩa với việc tạo ra các giảng sư di động, các giảng đường di động cho quần chúng ở mọi lúc, mọi nơi.

Chùa Giác Ngộ có bốn trang websites. Trang www.daophatngaynay.com giới thiệu Đạo Phật dưới hình thức học thuật. Trang www.chuagiacngo.com giới thiệu kinh sách Phật giáo, sách nói Phật giáo, âm nhạc Phật giáo và mấy ngàn bài giảng Phật pháp. Trang www.phatam.com giới thiệu âm nhạc, phim ảnh, sách nói, và trên hai chục ngàn video pháp thoại của gần một trăm giảng sư trong nước và nước ngoài để quần chúng Phật tử dễ dàng lựa chọn. Trang www.banhoangphap.comtuyển tập khoảng 1000 bài giảng của các giảng sư của khóa tu một ngày an lạc. Đây chính là nguồn tham khảo tốt cho các Phật tử sống tại những nơi không có Tăng bảo, hoặc ở nơi thiếu giảng sư.

Điều chúng tôi mơ ước là khi hình thái đạo Phật nguyên chất được phát triển mạnh thì ở tất cả ngôi chùa các vị trụ trì đều phải giảng kinh thuyết pháp tối thiểu một tuần một lần vào ngày chủ nhật. Chùa lớn, chùa vừa, chùa nhỏ đều phải tổ chức thuyết giảng cho quần chúng. Hiện nay, trên 70% các chùa không có thuyết giảng, nhiều tỉnh hội Phật giáo lớn chỉ có một hoặc hai giảng đường. Như thế, việc Phật tử bị mù chữ Phật pháp là điều dễ hiểu.

Nhiều tăng sĩ quá thờ ơ với hạnh phúc của Phật tử nên đã đánh mất trách nhiệm truyền bá lời Phật dạy cho họ một cách có hệ thống, giúp họ nương vào lời Phật, dạy sống hạnh phúc hơn, gia đình của họ an lạc và phát triển bền vững hơn. Để làm được việc này, sự góp mặt của tất cả chư tôn đức là một nhu cầu không thể thiếu.

 

Nhận xét:     Phật pháp siêu việt, rộng lớn không bờ bến, không nên giới hạn lại cho nhỏ hẹp đi vì như vậy là không đi đúng đường lối của Phật. Nếu có kinh điển nào đọc thấy có vẻ trái với giáo lý căn bản thì phải quán chiếu, mang ra thảo luận tìm nghĩa thật của kinh để hướng dẫn các Phật tử xuất gia và tại gia hành theo đúng với ý nghĩa Phật dạy.

     Chúng tôi cùng có một quan điểm với tác giảđãnêu ra về kỹ thuật tân tiến thuận lợi cho việc phổ biến Phật pháp, thuyết giảng giáo lý của Phật hàng tuần tại tất cả các chùa. Phổ biến giáo lý của Phật trên các hệ thống truyền thông và báo chí; tất cả các việc này nên được Hội Đồng Phật Giáo thảo luận cho có đường lối chung trong việc truyền bá và hành đạo.

 

Câu hỏi 4:  (Còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/09/2016(Xem: 6222)
NHẬN XÉT VỀ BÀI TRỞ VỀ ĐẠO PHẬT NGUYÊN CHẤT ĐỂ PHỤNG SỰ NHÂN SINH CỦA THƯỢNG TỌA Thích Nhật Từ (Trả lời vấn đáp trong mùa An cư tại Tịnh xá Trung Tâm, ngày 27/5/2014) Toàn Không (Tiếp theo)
15/09/2016(Xem: 5475)
Dưới đây là thư trả lời người đạo hữu thân thiết Nguyên Hoàng - Lê Văn Kim trong vấn đề mang tính thời sự đất nước đang đứng trước vấn nạn biển đông do người anh em láng giềng Trung Quốc hăm he. Qua đó có nhiều ý kiến muốn lật lại toàn bộ ảnh hưởng Phật giáo Trung Quốc đối với Phật Giáo Việt Nam (PGVN) chúng ta. Mỗi người mỗi ý và mỗi trình độ khác nhau nhìn nhận vần đề, việc để đánh đuồi một con chuột mà không làm đổ bể những lọ hoa quý lại đang lo ngại hơn cà!
12/09/2016(Xem: 4547)
1- Chớ có tin vì nghe truyền thuyết, 2- Chớ có tin vì nghe truyền thống, 3- Chớ có tin vì nghe người ta nói đồn, 4- Chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng, 5- Chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình, 6- Chớ có tin vì đúng theo một lập trường, 7- Chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dự kiện, 8- Chớ có tin vì phù hợp với định kiến của mình, 9- Chớ có tin nơi phát xuất có uy quyền, 10- Chớ có tin vì bậc Sa Môn là Đạo Sư của mình, v.v..
01/09/2016(Xem: 7695)
Chúng tôi hân hạnh được Cư Sĩ Phạm Nguyên Khôi trong nhóm Thân Tâm An Lạc tại vùng Bắc California Hoa Kỳ gửi cho bài “TRỞ VỀ ĐẠO PHẬT NGUYÊN CHẤT ĐỂ PHỤNG SỰ NHÂN SINH” của Thượng Tọa Thích Nhật Từ viết ngày 27 tháng năm năm 2014, và có lời yêu cầu: “Xin vui lòng cho biết ý kiến về bài này​”. Nhận thấy bài viết năm câu Hỏi tự Đáp của Thượng Tọa Thích Nhật Từ không những có liên quan đến nền Phật Giáo Việt Nam trong nước mà cũng liên quan đến Phật Giáo Việt Nam ở Hải ngoại, nên chúng tôi theo từng đoạn mà Thượng Toạ Thích Nhật Từ nêu ra để có ý kiến nhận xét hầu góp phần nền tảng cho đường lối của Phật Giáo Việt Nam. Chúng tôi dùng chữ “nhận xét” mà không dùng chữ “phản biện” nói lên ý nghĩa của bài viết mang tính cách xây dựng, những gì đúng thì đồng ý, những gì không đúng thì viết lời nhận xét biện giải. Chúng tôi dùng chữ nghiêng cho lời của tác giả Thích Nhật Từ, chữ đứng là ý kiến nhận xét bàn luận, chúng ta cùng lần lượt phân tích từng điểm dưới đây. Bắc California ngày 28 tháng
21/08/2016(Xem: 8201)
Mùa Vu Lan năm nay, có nhiều việc bất thường, vui cũng nhiều mà buồn không ít. Cũng như Tổng Thống Obama qua Việt Nam, không ai rũ ai, thế mà cùng nhau đứng dưới mưa đón chào TT Obama một cách nhiệt thành, trái với chuyến đi của Tập Cận Bình một cách lặng lẽ, buộc các bé học sinh phải phe phẩy cờ một cách buồn bã. Cũng thế, từ Bắc chí Nam, từ Cao nguyên đến đồng bằng, từ thành thị đến thôn quê, mọi người đi chùa ồ ạt một cách bất thường vào mùa Vu Lan năm nay.
26/07/2016(Xem: 101948)
Nhóm hoạt động mang tên Tây Tạng Tự do (The Free Tibet) có trụ sở tại Luân Đôn (Anh quốc) cho biết, Trung Quốc đã và đang bắt đầu phá dỡ các nơi lưu trú của Học viện Phật giáo Larung Gar, một trong những trung tâm đào tạo Phật học lớn nhất ở Tây Tạng. Cũng theo nguồn tin này, việc phá dỡ tại học viện đã bắt đầu từ hôm thứ Tư qua (ngày 20-7) và nhiều Tăng Ni đang sống trong khuôn viên học viện bị trục xuất ra khỏi đây. Việc phá dỡ này là theo lệnh của chính quyền địa phương được ban hành hồi tháng rồi “nhằm mục đích cắt giảm số lượng Tăng Ni lưu trú trong học viện xuống còn khoảng 5.000 người”.
23/07/2016(Xem: 7366)
Lịch sử thường bị hiểu sai do người nghiên cứu thiếu sử liệu, mang tính chính trị thời đại, bạn bè, nặng cảm tình tôn giáo hoặc thiếu lương tâm trách nhiệm với “sản phẩm” của mình. Vì thế, mấy thập niên qua người ta vinh danh nhiều kẻ đáng lên án và lên án kẻ cần được vinh danh. Ông Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), Trần Lục, Trương Vĩnh Ký và Ngô Đình Diệm thuộc thành phần cần lên án, nhưng ít nhiều, lại được vinh danh, do có người vì mặc cảm tôn giáo, óc địa phương và hoặc bất chấp những sự kiện xác tín của lịch sử.
21/05/2016(Xem: 10786)
Úc Châu biểu tình chống Formosa và cầu nguyện cho VN
19/05/2016(Xem: 31460)
Bắt đầu từ ngày 06 tháng 4 năm 2016, cá biển tự nhiên và cá nuôi lồng bè của ngư dân ven biển chết hàng loạt, bắt nguồn từ khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), lan xuống các tỉnh lân cận (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam-Đà Nẵng…) suốt dọc trên 200 cây số bờ biển. Ngay cả rạn san hô, “nhà ở” của các sinh vật dưới biển, cách bờ biển từ 1-6 hải lý, chạy dài từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh Quảng Bình, cũng đã bị phá hủy trong các đợt cá chết vừa qua; san hô chết, nhiều sinh vật biển chết theo (theo báo cáo ngày 06.5.2016 của chính quyền địa phương thôn Nhân Nam, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).
13/05/2016(Xem: 9768)
Thứ Bảy 14/05/2016, CĐNVTD tại 3 tiểu bang Victoria, NSW và Nam Úc đồng loạt tổ chức Lễ Thắp Nến, tiếp sức và đồng hành với người dân trong nước lên tiếng trước thảm trạng môi trường Việt Nam.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]