Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Yếu tố cần thiết cho một giảng sư

09/08/201316:45(Xem: 5513)
Yếu tố cần thiết cho một giảng sư

tinh_minh_dncYẾU TỐ CẦN THIẾT CHO MỘT GIẢNG SƯ

TỊNH MINH

Theo thông lệ, sứ mạng của giảng sư là nói, là diễn thuyết giáo lý hay vấn đề được ấn định; còn vai trò của thính chúng là nghe, là tiếp thu và nhận định nội dung biện thuyết. Hằng ngày, chúng ta nghe thấy rất nhiều loại thông tin trên đài hay trên màn ảnh truyền hình, như văn học nghệ thuật, quảng cáo tiếp thị, chiến tranh hòa bình, y tế giáo dục, tôn giáo tín ngưỡng, thế giới đó đây v.v…, nhưng làm thế nào để có một bài thuyết giảng hấp dẫn, đượm tính thuyết phục trước thính chúng? Đây là vấn đề dày công rèn luyện, liên quan trực tiếp đến quá trình chuẩn bị bài giảng, kỹ năng diễn thuyết và đặc điểm hàm tàng của giảng sư trên pháp tòa.

1. Đặc Điểm Hàm Tàng:

Giảng sư khi lên bục giảng thấy tự nhiên, bình tĩnh, và hưng phấn trước thính chúng là nhờ có những đặc điểm như sau:

1.1 Tư tưởng mới lạ: Nhiều người nói năng lưu loát, quảng diễn tài hoa, nhưng nội dung hạn chế, kinh viện sáo mòn, khó gây ấn tượng trước thính chúng. Giảng sư sâu sắc, giàu kinh nghiệm, khéo chinh phục nhân tâm, là người đọc nhiều, hiểu rộng, thường nội quán tư duy, khám phá ra những ý tưởng mới lạ, vi tế, ẩn tàng trong kinh văn, giáo điển, nhất là biết cách vận dụng ngôn ngữ đa dạng, đủ sức chuyển tải ngữ nghĩa đã được sàng lọc. Giảng sư tài ba quả thực là những nhà tư tưởng thâm thúy.

1.2 Dàn dựng tư duy: Giảng sư được ưu ái là người khéo sắp xếp ngôn từ, nội dung truyền đạt theo một hệ thống nhất quán, lôgic; tức là trình bày thông tin, quan điểm, hay giáo điển dưới dạng diễn dịch hay quy nạp; minh họa bằng hình ảnh hay truyện tích v.v… Có thể nói kỹ năng then chốt trong các khóa đào tạo diễn thuyết là kỹ thuật dàn ý liên hoàn, mạch lạc, hợp lý.

1.3 Chọn từ đạt ý: Theo Jonathan Swift: “Style is proper words in proper places.” (Văn phong là nghệ thuật vận dụng ngôn từ phù hợp trong mọi môi trường thích ứng.) Nói cách khác, ngôn ngữ chọn lọc và cách sắp xếp chúng đã tạo thành văn phong riêng biệt của từng giảng sư. Nó có thể cực kỳ đơn giản hay đậm nét thi ca. Và, đã làø giảng sư chuyên nghiệp thì hẳn là khá quen với cách chọn từ gợi ý.

1.4 Quảng diễn tài tình: Một trong những trọng trách của giảng sư là trình bày nội dung pháp thoại hay tư tưởng chuyên ngành bằng mọi ngôn ngữ tự thân: hành vi, cử chỉ, ánh mắt, nụ cười, âm thanh, động tác v.v… sao cho hài hòa, sinh động, phù hợp với môi trường diễn thuyết. Thính giả phần lớn sẽ đánh giá sự thành công hay thất bại của buổi diễn thuyết trên khả năng quảng diễn, bất kể đề tài nào. Do đó, nếu giảng sư thích thú và quán triệt chủ đề thì mọi hình thức phô diễn đều phản ánh nhịp nhàng, linh hoạt với nội dung truyền đạt. Nắm vững vấn đề thì thuyết giảng lưu loát.

1.5 Dày công nghiên cứu: Woodrow Wilson đã có lần thừa nhận rằng: “I use not only all the brains I have, but all that I can borrow.” (Tôi không chỉ sử dụng đầu óc vốn có của tôi, mà tôi còn phải tận dụng tất cả những gì tôi có thể vay mượn được.” Tư tưởng cao siêu huyền diệu cũng cần được xây dựng trên cơ sở tri kiến hiện thực. Mọi công trình văn minh, văn hóa đều nhắm đến việc phát huy trí tuệ và mang lại thanh bình, tươi đẹp cho con người tại thế. Giảng sư nhiệt huyết, thân thiết với ngành nghề là người thường xuyên sử dụng thư viện, đọc sách tham khảo, theo dõi báo chí, cập nhật thông tin, và hiệu quả nhất là sao chép, ghi chú, phân loại tư liệu theo từng đề mục.

1.6 Trưởng dưỡng đạo hạnh: Giảng sư đạo hạnh thường có ý thức tự trọng và nói đúng sự thật, tức là không vì thành kiến, tín ngưỡng, hay hệ phái môn phong mà bảo thủ cố chấp, dụng tâm xuyên tạc. Giảng sư đạo hạnh sử dụng tư liệu rất công minh, chính xác, không bao giờ tùy nghi dựng chuyện để tô điểm cho mục tiêu ẩn tàng của mình. Tóm lại, giảng sư đạo hạnh là người nói năng nhu nhuyến, cẩn trọng, và đúng sự thật. Thế Tôn từng dạy môn đệ của Ngài:

Tỳ kheo điều phục lưỡi,

Khiêm ái không tự cao,

Diễn giải nghĩa kinh điển,

Lời êm dịu ngọt ngào.

(PC. 363)

2. Chuẩn Bị Bài Giảng:

Nói năng giao tiếp là nếp sinh hoạt tự nhiên, hằng ngày của mọi người trong cộng đồng xã hội, nên ta ít khi dừng lại để phân tích, đánh giá những gì ta đã nói. Giờ đây, ngồi bên bàn giấy, trầm tư suy nghĩ về đề tài sắp trình bày, giảng sư không khỏi hoang mang tự hỏi rằng mình phải làm gì trước tiên:

2.1 Nhắm đến thính chúng: Tại sao phải đặt trọng tâm vào thính chúng, không tập trung suy nghĩ về việc tuyển chọn chủ đề, thiết lập dàn ý, hay sưu tầm tư liệu? Sự thật đơn giản là vì thính chúng sẽ là nguồn lực xung động, ảnh hưởng trực tiếp đến đề tài và các bước tiến hành diễn thuyết của giảng sư sau đó. Đánh giá đúng trình độ lĩnh hội và ước vọng của thính chúng là bắt trúng mạch, đi đúng hướng, và dễ đạt đến mục tiêu diễn thuyết. Chính nhu cầu, quan điểm, tôn giáo, tín ngưỡng và cá tính của thính chúng giữ vai trò chủ đạo trong việc giúp giảng sư chuẩn bị và trình bày bài giảng.

2.2 Giới hạn chủ đề: Đã đặt trọng tâm vào thính chúng thì dứt khoát phải giới hạn chủ đề. Giảng sư không nên tùy hứng, chọn những chủ đề bao hàm, khái quát, mà phải giới hạn chúng theo khả năng chuyên môn và quá trình hoạt động của mình. Một chuyên gia kinh tế khó có thể quán triệt đường hướng giáo dục hay sách lược chính trị của một quốc gia. Một pháp sư quán thông Tam tạng giáo điển cũng không thể nào thuyết giảng rốt ráo bộ kinh Pháp Hoa trong một buổi, mà ít ra phải 28 buổi cho 28 phẩm. Chủ đề diễn thuyết hấp dẫn và đạt hiệu quả cao thường phát xuất từ kinh nghiệm cá nhân. Giới hạn chủ đề còn có tác dụng phù hợp với thời hạn và môi trường diễn thuyết.

2.3 Xác định mục đích: Theo quan niệm thông thường, một khi đã chọn chủ đề thì bắt đầu tiến hành công tác nghiên cứu. Tuy nhiên, trước khi sưu tầm tài liệu, giảng sư nên xác định mục đích diễn thuyết theo hướng phổ quát hay đặc biệt, tức là để truyền đạt thông tin, khơi gợi thuyết phục, hay giúp vui giải trí. Tuy phân loại tách bạch như thế nhưng đôi lúc chúng cũng được thể hiện đan xen với nhau.

2.4 Xây dựng ý chính: Ý chính là trọng tâm tư tưởng của một đoạn, hay một đề tài diễn thuyết. Ý chính xác định nội dung cốt lõi của chủ đề. Giảng sư uyên bác thường xây dựng ý chính thành những câu, những đoạn ngắn gọn, hàm súc, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ đọng lại trong tâm tư tình cảm của thính chúng; để rồi từ đó triển khai, diễn giải, minh họa thế nào cho phù hợp với thời hạn, chủ đề, và khung cảnh diễn thuyết. Nói cách khác, thời hạn và chủ đề quyết định phạm vi dàn dựng ý chính.

2.5 Thu thập tài liệu: Sau bước hình thành ý chính là tiếp đến tiến trình thu thập thông tin hỗ trợ cho mục tiêu diễn thuyết. Tư liệu dẫn chứng càng nhiều, nội dung diễn thuyết càng phong phú, và tất nhiên là thính giả càng tin tưởng, thích thú. Danh ngôn có câu: “An ounce of illustrations is worth a ton of talk.” (Một lượng minh họa đáng giá một tấn đàm thuyết.) Giảng sư nên sử dụng những tư liệu sống động, thực tiễn, gắn liền với phong tục, tập quán, và nếp sinh hoạt hằng ngày của họ. Những mẩu chuyện nho nhỏ nhưng hàm chứa hương vị sâu lắng của thế nhân rất dễ thu hút thính chúng đến tận cân não. Tóm lại, đối với hội chúng, bằng chứng cụ thể hấp dẫn hơn ý tưởng trừu tượng, bởi vì chúng không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị giác mà còn kích thích được tiềm năng hoạt dụng của xúc giác, thính giác, khứu giác, và vị giác.

2.6 Tổ chức bài giảng: Một nhà hiền triết Tây phương nói: “If effort is organized, accomplishment follows.” (Nếu nỗ lực tổ chức, thành tựu liền theo sau.) Còn tục ngữ Trung Quốc thì: “Cuộc hành trình xa xôi vạn dặm, điểm khởi đầu bằng một bước chân.” Nội dung hai câu này cho thấy rằng quyết đi thì đến đích, thực hành ắt thành công. Ý niệm diễn thuyết vừa khởi lên thì công tác nghiên cứu, tổ chức, dàn dựng bài giảng cũng bắt đầu từ đó. Bài giảng được cấu trúc chặt chẽ, mạch lạc, lôgic thì giảng sư an tâm, tự tin, bình tĩnh, và nhạy bén trên pháp tòa; còn thính chúng thì dễ tiếp thu nội dung tư tưởng và hài lòng với ước vọng của họ.

Tóm lại, để cho bài diễn thuyết hay pháp thoại có chất lượng, đạt hiệu quả, giảng sư nên nhớ lời khuyên của tiềân nhân: “Hãy nói với thính chúng những gì mà bạn định nói trong nhập đề, trong thân bài, và trong kết luận.” Nói chung là phải nhất quán.

2.7 Tích cực thao luyện: Như trên đã nói, thuyết giảng là một loại hình hoạt động sân khấu, tức là giữa người nói và người nghe có mối quan hệ hỗ tương chặt chẽ. Thuyết giảng cũng giống như diễn xuất hay trình diễn một vở tuồng; mục đích của chúng là mang lại nguồn vui tinh thần hay kích động tư duy của khán thính giả. Do đó, mỗi diễn giả hay giảng sư phải là một nghệ sĩ, một diễn viên trên sân khấu. Và đã là diễn viên thì phải khổ công luyện tập, nếu muốn nâng cao tay nghề và được quần chúng hoan nghênh, mến mộ. Quy luật dành cho diễn viên cũng giống như phép tắc của nghề thợ mộc: “Hai lần đo, một lần cưa” (Measure twice, saw once). Giảng sư càng luyện tập, thao diễn, khi đứng trên bục giảng, càng tự nhiên, nhập diệu. Và cách rèn luyện hiệu quả nhất là dụng tâm thể hiện phong thái, cử chỉ, ngữ điệu y hệt như đang diễn giảng trên pháp tòa.

2.8 Tuyên thuyết chủ đề: Đây là bước cuối cùng trong tiến trình chuẩn bị bài giảng. Sau khi được giới thiệu, giảng sư nên bình tĩnh, tự tin, và thư thả tiến ra trước diễn đàn; tươi cười, đảo mắt nhìn một lượt khắp thính chúng, rồi cất lời khai mạc. Nếu là ứng khẩu thì phải quán triệt dàn bài, nhớ lượng thời hạn. Nên nói với âm vực rõ ràng, tự nhiên và đủ lớn cho thính chúng dễ nghe, dễ tiếp nhận. Đặc biệt là thường xuyên đưa mắt tiếp xúc thính chúng để kịp thời điều chỉnh ngôn ngữ và sắc thái diễn thuyết.

3. Biện Pháp Trấn An:

Lần đầu tiên đứng trên diễn đàn hay pháp tòa, giảng sư nào cũng cảm thấy ít nhiều băn khoăn, hồi hộp. Và một cuộc điều nghiên mới đây cho thấy rằng tâm trạng lo sợ diễn giảng trước thính chúng được liệt vào hạng số một đối với mọi người, chiếm 41%, trong khi sợ chết chỉ chiếm 6%. Nhiều công trình nghiên cứu nữa cũng cho thấy rằng khoảng 20% sinh viên rất ái ngại giao tiếp với người khác. Tuy nhiên, đã có hiện tượng phát sinh thì hẳn phải có biện pháp khắc phục. Sau đây là một số gợi ý có thể giúp giảng sư chế ngự được tính rụt rè, e ngại trước hội chúng.

3.1 Biết rõ thính chúng: Để được bình tĩnh, tự tin và biến hóa trên bục giảng, giảng sư phải nắm được giới tính, trình độ và nguyện vọng của người nghe. Nhìn thấy nét phản ứng thể hiện qua gương mặt và hành vi của thính chúng, giảng sư dễ uốn nắn lại phong cách và ngôn từ diễn thuyết. Giảng sư hoạt bát, xảo diệu là người giỏi lượng định và thích ứng với nhu cầu mong đợi của thính chúng.

3.2 Chuẩn bị cẩn trọng: Mô thức tiêu biểu cho các trường hợp diễn giảng tự nhiên, lưu loát, hấp dẫn và chan hòa ấn tượng là: “Chuẩn bị nội dung diễn giảng càng chu đáo bao nhiêu thì giảng sư càng thấy thoải mái, tự tin, và thành quả thuyết giảng càng được tốt đẹp bấy nhiêu.” Chuẩn bị viên mãn có nghĩa là dày công nghiên cứu chủ đề, sắp xếp tư liệu, và thao diễn nhiều lần trước khi lên pháp tòa diễn giảng.

3.3 Tuyển chọn chủ đề: Giảng sư cảm thấy ít băn khoăn, lo lắng khi đứng trước thính chúng là nhờ quán triệt nội dung chủ đề và ứng dụng tiềm lực chuyên môn của mình. Giảng sư không nên phiêu lưu mạo hiểm, cường điệu tuyên dương với những đề tài mới lạ, thời thượng, vượt ngoài tầm hiểu biết hay chuyên ngành của mình. Suy diễn theo cảm tính riêng tư là hàm hồ thô thiển, nếu không muốn nói là xem thường trình độ tư duy của thính chúng. Tinh thần hưng phấn với ngôn ngữ điêu luyện chỉ khi nào chủ đề gắn liền với cuộc sống và môi trường hoạt động của giảng sư.

3.4 Diễn tập như thật: Khi luyện tập, giảng sư hãy tưởng tượng rằng mình đang diễn giảng thật sự trên pháp tòa. Trước tiên là chỉnh đốn trang phục, từ chỗ ngồi đứng lên tự nhiên, từ từ tiến ra hội trường, bước lên bục giảng, đưa mắt tươi cười nhìn thính chúng một lượt, sau đó cất lời trịnh trọng chào mừng quan khách, thính chúng, và bắt đầu vô đề diễn giảng. Thường xuyên luyện tập diễn giảng sẽ giúp giảng sư vững tâm, tự tin, biến hóa, nếu không muốn nói là đạt đến trạng thái “vô công dụng xứ” trước thính chúng.

3.5 Quán triệt nhập đề, kết luận: Giảng sư thường thấy băn khoăn, xúc động nhất vào thời điểm khai mở diễn đàn, hay giới thiệu chủ đề. Kinh nghiệm cho thấy rằng nói năng lưu loát, diễn đạt khúc chiết ngay từ đầu là thủ thuật chinh phục lòng người, và kích hoạt tư duy, uy lực trên bục giảng. Do đó, vào đề phải mạch lạc, trôi chảy, và tốt nhất là phải nằm lòng. Kết luận cũng thế. Phải dừng lại đúng lúc. Kết luận có duyên, có hậu sẽ là lối ra êm ả của giảng sư, và món quà ưu ái cho thính chúng.

3.6 Mường tượng thành công: Các công trình nghiên cứu cho thấy rằng cách chế ngự tâm trạng băn khoăn, lo sợ tốt nhất đối với diễn giả là hãy tưởng tượng ra một khung cảnh trang trọng với hàng ngàn thính chúng đang chăm chú theo dõi từng phong cách trình bày và ngôn từ diễn đạt của mình trên diễn đàn. Hình dung ra bóng dáng thao thao, hấp dẫn của mình trước thính chúng sẽ giúp giảng sư bình tĩnh, tự tin, và có thừa nghị lực với mọi thử thách.

3.7 Chuyển vận hơi thở: Một trong những triệu chứng cho thấy tâm trạng hồi hộp, lo sợ là sự thay đổi hơi thở và nhịp tim của chủ thể. Người nói năng bồn chồn, xúc động thường hay thở ngắn và nông. Để chế ngự nhược điểm này, trước khi vào đề tài diễn thuyết, giảng sư nên hít thở từ từ và thật sâu vài ba lần. Không ai phát hiện được phương pháp thầm lặng, vi tế, và cực kỳ hiệu quả trong việc kết nạp năng lượng mà bạn đang vận dụng thư giãn trên ghế ngồi hay lối đi của bạn.

3.8 Phong thái bình tĩnh: Bằng chứng cho thấy tâm trạng xúc động thế nào thì hành động lúng túng thế đó. Vì vậy, nếu muốn vững tâm, kiên định thì phải hành động bén nhạy, dứt khoát. Để tránh cử chỉ vội vã, hấp tấp, ảnh hưởng đến tâm lý đăng đàn, giảng sư nên đến nơi diễn thuyết trước giờ qui định ít nhất là mười lăm phút. Thư giãn thoải mái, giao tiếp chừng mực, tránh hưng phấn huyên thuyên với mọi người chung quanh. Trong khi chờ đợi được giới thiệu, giảng sư nên giữ tư thế nghiêm trang, tự nhiên, bình tĩnh. Đảo mắt nhìn thính chúng một lượt, trụ ánh mắt tại một nơi chứa chan thiện cảm, rồi vào đề thoải mái. Nên nhớ: Hãy bình tĩnh trong tư duy, trong hành động, và trong cảm xúc.

3.9 Chuyên tâm nhất quán: Càng suy nghĩ, lo lắng về buổi diễn thuyết, mức độ hồi hộp, bồn chồn càng gia tăng. Tốt hơn là chỉ nghĩ đến những gì ta sắp trình bày, loại trừ tạp niệm. Vài phút trước khi bắt đầu diễn thuyết, giảng sư hãy dùng định lực tư duy quét qua một lượt các trọng điểm ở nhập đề, thân bài, và kết luận. Tóm lại, hãy tập trung đầu óc vào tư tưởng diễn thuyết hơn là vào các mối băn khoăn, lo sợ.

3.10 Ước vọng đăng đàn: Kinh nghiệm thuyết giảng càng nhiều, tâm trạng lo lắng càng ít, và khả năng linh hoạt, biến hóa trên diễn đàn càng cao. Sau vài lần thuyết giảng thành công, tâm trạng hưng phấn và tự tin của giảng sư càng thêm củng cố. Đúng là: Thành công rạng rỡ dung nghi, tự tin là lực phát huy sở trường. Giảng sư nên thường xuyên quán chiếu vai trò diễn giảng, và thầm cảm ơn khi được thỉnh giảng, vì đó là cơ hội cải tiến tư duy và phát huy sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, lợi lạc hữu tình của mình.

4. Nguyên Lý Biện Thuyết:

Theo Phật giáo, là giảng sư thì phải vận dụng được bốn nguyên lý biện thuyết mà thuật ngữ thiền môn gọi là Tứ Tất Đàn. Tất đàn (siddharta) có nghĩa là thành tựu. Sứ mệnh duy nhất của giảng sư hay pháp sư là xây dựng thành tựu đức tin chánh pháp và bồi dưỡng trí tuệ quán chiếu cho thính chúng, Phật tử.

4.1 Thế giới tất đàn: thế giới hiện tượng, bao gồm những thực tại cụ thể, có thật, phổ quát, và mọi người đều công nhận như thế. Giảng sư lịch lãm, giàu kinh nghiệm, thường hướng dẫn thính chúng thông hiểu Phật pháp, phát huy tuệ giác qua từng thực trạng trên đời như lời xác quyết của Lục tổ Huệ Năng trong kinh Pháp bảo đàn:

“Phật pháp tại thế gian

Bất ly thế gian giác

Ly thế mịch bồ đề

Hiệp như cầu thố giác”.

(Phật pháp chan hòa khắp thế gian

Chẳng xa trần thế chứng niết bàn

Xa rời cuộc lữ cầu chánh giác

Như tìm sừng thỏ giữa nhân gian.)

4.2 Vị nhân tất đàn: thích nghi với thính chúng. Giảng sư phải tùy theo căn cơ (khế cơ) và trình độ nhận thức của thính chúng (khế lý) mà tuyển chọn chủ đề, hệ thống tư tưởng, quảng diễn ngôn từ, và thể hiện phong cách. Ví dụ cùng một chủ đề pháp thoại nhưng nội dung và phương pháp trình bày của giảng sư có phần uyển chuyển, linh hoạt, mục đích là đáp ứng được nhu cầu và ước vọng của thính chúng.

4.3 Đối trị tất đàn: hàng phục đối phương. Giảng sư, pháp sư, đạo sư thường dùng ngôn ngữ và thí dụ đối lập, dĩ nhiên là phải nhu nhuyến và hữu lý, để minh giải khái niệm hay khai thông vấn đề. Ý nghĩa đối trị được thể hiện rõ nét qua bài kệ:

Từ bi thắng sân hận

Hiền thiện thắng hung tàn

Bố thí thắng xan tham

Chân thật thắng hư ngụy.

(PC. 223)

Còn thiền sư, tổ sư thường dùng những hành vi, cử chỉ thẳng thắn hơn, mãnh liệt hơn để khống chế vọng niệm, hàng phục biên kiến của môn đồ hay hành giả, như tổ Đan Hà thản nhiên chẻ nhỏ tượng Phật ra đốt sưởi ấm với mật ý triệt tiêu kiến chấp, khai sáng huệ tâm cho thầy giám tự. Điều quan trọng và nên nhớ là thể cách đối trị chỉ được vận hành trên bình diện tham thông và cộng hưởng.

4.4 Đệ nhất nghĩa tất đàn: mục tiêu chuyển mê khai ngộ. Đây là yếu tố tiên quyết và tối hậu cho đạo nghiệp hoằng hóa của giảng sư. Hành vi, ngôn ngữ, cử chỉ, điệu bộ của giảng sư hay pháp sư trên pháp tòa chỉ có ý nghĩa khi chúng chuyển tải được chân lý giải thoát đến từng ánh mắt, nụ cười của thính chúng.

Tứ tất đàn là nền tảng lý luận, phân tích, quảng diễn mà Thế Tôn đã thiết lập và ứng dụng trong suốt 45 năm hóa độ chúng sanh. Ngài đã sử dụng nguyên lý đối trị tất đàn mà nhiếp phục được 62 hệ phái thần học khác nhau ở Ấn Độ lúc bấy giờ, mang lại nguồn hỷ lạc và ý thức trách nhiệm tự thân cho toàn nhân loại đến tận ngày nay.

5. Năng Lực Biện Thuyết:

Nhưng để vận dụng hiệu quả Tứ tất đàn, giảng sư cũng phải quán triệt và thường xuyên nuôi dưỡng bốn năng lực biện thuyết lưu loát, tự tại, gọi là: Tứ vô ngại trí, Tứ vô ngại biện, hay Tứ vô ngại giải; gọi tắt là: Tứ Vô Ngại. Vô ngại tức là thông suốt, không bị ngăn ngại, vướng mắc trong quá trình lý luận, biện chứng.

5.1 Pháp vô ngại: quán thông giáo pháp. Điều kiện ắt có cho mỗi giảng sư, pháp sư là phải phối hợp được tư tưởng tinh yếu của ba tạng thánh giáo: Kinh – Luật – Luận với ba lĩnh vực nghiên cứu: Giới – Định – Tuệ, gọi là Tam vô lậu học, tức là ba môn học giúp học viên phát huy trí tuệ, phá vỡ vô minh, hàng phục vọng tâm, thoát ly khổ lụy. Kinh thuộc về Định học, Luật thuộc về Giới học, Luận thuộc về Tuệ học.

5.2 Nghĩa vô ngại: thông đạt nghĩa lý. Một khi giảng sư đã nghiền ngẫm và thông hiểu giáo pháp thì nghĩa lý biện giải rốt ráo, phù hợp trình độ căn cơ, giải tỏa tâm trạng hoài nghi, và tất nhiên là nâng cao được khả năng nhận thức. Ví dụ pháp sư có thể cho thính chúng thấy rõ ý nghĩa hỗ tương liên đới của Giớ-Định-Tuệ với tham-sân-si. Có Giới, có Định, có Tuệ thì không có tham, sân, si; và ngược lại, có tham, có sân, có si thì không có Giới, Định, Tuệ. Vậy thì, theo lý duyên khởi: do cái này sanh nên cái kia sanh, do cái này diệt nên cái kia diệt (thử sanh tắc bỉ sanh, thử diệt tắc bỉ diệt), ta có thể khẳng định: Tham, sân, si chính là Giới, Định, Tuệ; và Giới, Định, Tuệ chính là tham, sân, si. Phiền não tức là bồ đề. Niệm trước mê: mặt mũi chúng sanh, niệm sau ngộ: diện mục Phật Tổ. Tâm-Phật-Chúng sanh: tam vô sai biệt. Một khi sự lý dung thông thì diệu pháp hiển hiện.

5.3 Từ vô ngại: ngôn từ tài hoa và nhu nhuyến. Giảng sư không những chuyên tâm nghiên cứu giáo pháp, luận giải nghĩa lý thâm uyên, mà còn phải biết cách tiếp thu ngôn từ hiện đại, thâu hóa bút pháp đa phương, nhất là kỹ thuật vận hành máy móc trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, khoa học kỹ thuật đăng quang, làm cho vốn từ giao tiếp đương đại được ngày thêm phong phú, dễ thích nghi với mọi tầng lớp Phật tử trong khi thuyết pháp.

5.4 Lạc thuyết vô ngại: hoan hỷ truyền bá chánh pháp. Mục đích và sứ mạng của Tăng Ni là tu đạo giải thoát và hóa độ quần sanh. Giảng sư nên hân hoan đảnh lễ pháp giới hữu tình khi thấy mình được cung thỉnh đăng đàn thuyết pháp. Chính nhờ hạnh nguyện vị tha, rộng ban pháp thí mà bước chân giảng sư ngày thêm vững chắc, tâm lượng ngày thêm rỗng rang, và trí tuệ ngày thêm biện tài vô ngại.

Tứ tất đàn và Tứ vô ngại đích thị là hành trang tối cần và tư lương thiết yếu cho giảng sư trên suốt lộ trình hoằng dương chánh pháp.

Trên đây mới chỉ là gợi ý một số yếu tố cơ bản cho một giảng sư. Để đạt được hiệu quả cao trong lãnh vực biện thuyết, diễn giảng trước thính chúng, giảng sư phải tự thân nỗ lực, rèn luyện, và sáng tạo ra những chiêu thức mới lạ, đượm tính thuyết phục; nhất là phải luôn luôn ghi nhớ và phát huy tôn chỉ: “Tâm thông tức thuyết thông.”

(Tịnh Minh, tham luận, trình bày tại Đại Hội Hoàng Pháp, hội trường chùa Vĩnh Ngiêm, sáng ngày 25/01/2007, và đã đăng trong Kỷ Yếu Tọa Đàm - Sứ Mệnh Hoằng Pháp Thời Hiện Đại.)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/10/2010(Xem: 4578)
Giới chuyên môn Tây Phương dùng chữ APOCRYPHA – KINH ĐIỂN NGỤY TẠO để gọi văn học Phật giáo phát triển ở nhiều khu vực Á châu giả mạo những văn bản Phật giáo có gốc từ Ấn độ. Mớ bong bong của ngụy thư có nhiều nét chung, nhưng chúng không bao giờ thống nhất bằng cùng một kiểu mẫu (style) văn học hay cùng một nội dung.
13/10/2010(Xem: 5086)
Chiến tranh đi liền với sát sanh. Chiến tranh đồng nghĩa với tội ác. Sát sanh là nhân, chiến tranh là quả và ngược lại. Hai yếu tố này hỗ trợ cho nhau để tạo nên chia lìa, đau đớn, khủng hoảng, tan tóc, đau thương cho cuộc đời. Khi nào còn chiến tranh, nghĩa là con người còn phải gánh chịu đau khổ, giết hại, thù hằn, đấu tố. Chiến tranh sẽ không bao giờ chấm dứt nếu con người còn tâm địa giết hại thú vật không thương tiếc, giẫm lên mạng sống của muôn vật, không biết quý trọng mạng sống của đồng loại! Nhân trả lời một nghi vấn của một Phật tử: “Tổng thống Bush có phạm tội sát sanh hay không khi đem quân đi đánh Afghanistan hay không?” Người viết xin trình bày sơ bộ các cách phán đoán tội của một người phạm tội sát sanh cũng như các cấp độ của sát sanh và vài vấn đề liên hệ đến chiến tranh để bổ sung cho câu trả lời trên.
02/10/2010(Xem: 4658)
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA NÓI VỀ CHÚA GIÊSU Nguyên tác: LE DALAI LAMA PARLE DE JÉSUS Éditions Brepols, Paris. 1996 Người dịch : VĨNH AN nhà XUẤT BẢN: THIỆN TRI THỨC, 2003 Một Viễn Cảnh Phật Giáo Về Những Lời Dạy của Đức Giêsu
02/10/2010(Xem: 5082)
Trong bài tham luận ngắn này, người viết giới thiệu khái quát về truyền thống khất thực như một pháp tu trong Phật giáo, thông qua đó phân tích hiện tượng khất thực phi pháp của những kẻ ăn xin giả dạng người tu, làm hoen ố truyền thống tâm linh của Phật giáo. Bên cạnh đó, người viết xin đề xuất phương án ngăn chận tệ nạn này. Đồng thời, đề nghị giải pháp ngăn chận tình trạng “khách không mời mà đến” làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của các ngày kỷ niệm tổ sư khai sáng các chùa và các lễ cúng dường trai tăng nói chung.
30/09/2010(Xem: 5958)
Hân hạnh gửi đến quý vị một vài ý nghĩa phiến diện về những điều đè nặng tâm trí tôi trong suốt thời gian ở tù. Nhưng điều trước tiên tôi muốn bày tỏ ở đây là sự tri ân của tôi đối với đồng bào hải ngoại, với sự cộng tác của quốc tế, đã can thiệp một cách có hiệu quả khiến cho bản án tử hình dành cho tôi trở thành bản cáo trạng dành cho những người tự cho có quyền xét xử tôi và phán xét những người đã hành động theo lương tâm.
08/09/2010(Xem: 4357)
Cánh cửa của thế kỷ 20 sắp khép lại, tất cả chúng ta đều nhận thấy rằng thế giới đã trở nên nhỏ hơn, loài người trên hành tinh đã trở thành một cộng đồng lớn, các liên minh về chính trị và quân sự đã tạo ra những khối đa quốc gia, làn sóng của thương mại và công nghiệp thế giới đã cho ra nền kinh tế toàn cầu, những phương tiện thông tin của thế giới đã loại bỏ những chướng ngại về ngôn ngữ và chủng tộc...
06/09/2010(Xem: 3861)
Hiện tượng này do sư cô Thích Chiếu Huệ khởi xướng và ngày càng lan rộng, nhận định về hiện tượng này và tìm hiểu nguyên nhân mà nó phát sinh cần có cái nhìn toàn diện về xã hội và Phật giáo Đài Loan. 1) Xã hội phát triển theo xu hướng nam nữ bình quyền. Đài Loan đã trở thành một trong bốn con rồng Châu Á và đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của những tư tưởng phát triển từ phương tây, do đó trong xã hội ngày nay quyền bình đẳng luôn được phụ nữ Đài Loan vận động và tranh đấu. Phong trào nữ quyền ở Đài Loan đã đạt được những thành tựu nhất định. Nữ giới dần có địa vị cao trong mọi lĩnh vực của xã hội. Quan điểm "nam nữ bình quyền" đã được tuyệt đại đa số quần chúng ủng hộ và nó cũng tác động vào sau cánh cổng chùa đến tầng lớp ni giới của Đài Loan.
04/09/2010(Xem: 9768)
Tôi được một vị Tăng sinh ở Saigon mời góp ý kiến về Bát Kính Pháp khoảng hai tuần trước, nhưng vì khá bận rộn với những công việc tại đây (vừa lo thi cử cho việc trường lớp xong thì lại có duyên sự Phật sự 10 ngày tại Minnesota) nên đã khất hẹn với vị ấy là: khi nào tranh thủ được thời gian thì tôi sẽ xem xét vấn đề kỹ hơn để bàn cùng quý vị. Lúc ấy tôi nghĩ rằng: những vị Tăng sinh này sẽ tìm được câu trả lời cho những nghi vấn liên quan đến Bát Kính Pháp nhanh chóng thôi, vì ở Việt Nam hiện có rất nhiều chư Tôn Đức chuyên nghiên cứu, hiểu sâu sắc và hành trì Luật tạng miên mật, các vị dễ dàng đến đảnh lễ thưa hỏi.
04/09/2010(Xem: 3796)
Vì họ nghĩ rằng, Bát kỉnh pháp là điều khoản bất công với Ni giới, nếu chấp nhận sự có mặt của Bát kỉnh pháp trong hệ thống kinh luật, tức là chấp nhận đức Phật không có từ bi, thiếu tuệ giác và chúng ta tự đào thải mình. Rồi qua một số lý luận không có cơ sở khoa học vững chắc, họ suy đoán rằng các điều khoản trong Bát kỉnh pháp được hình thành là do sự mâu thuẫn giữa Tăng Ni trong một giai đoạn lịch sử nào đó, nên các bậc tiền nhân đã áp đặt ra để đè đầu cỡi cổ mấy cô Ni, chứ điều đó không phải do Phật nói. Cho nên, để thích hợp với xã hội toàn cầu hóa ngày nay, chúng ta phải mạnh dạng xóa bỏ điều này.
30/08/2010(Xem: 3306)
Đất nước hiện nay cần phải phát triển kinh tế để dân giàu nước mạnh. Muốn vậy, người dân Việt phải tăng gia sản xuất tất cả các ngành nghề, cần phải cạnh tranh trong tất cả các lãnh vực kinh tế. Chăn nuôi gia súc, nuôi cá, nuôi tôm là các ngành không thể thiếu để cung ứng thị trường nội địa và xuất khẩu để thu ngoại tệ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567