Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cái mũi của Darwin: Có ai thích ông nội là cà khọt cà khẹt?

23/10/201005:23(Xem: 3631)
Cái mũi của Darwin: Có ai thích ông nội là cà khọt cà khẹt?

09-darwinCÁI MŨI CỦA DARWIN:
Có ai thích ông nội là cà khọt cà khẹt?
GS. Cao Huy Thuần

"Chẳng có gì hổ thẹn cho một người có ông nội là khỉ. Nếu có gì đáng hổ thẹn về tổ tiên của tôi, thì đó là vì tổ tiên của tôi là người: một người có trí thức nông cạn và bất nhất, một người không biết tự bằng lòng với thành công trong lĩnh vực riêng của mình, lại hăm hở can thiệp vào những vấn đề khoa học hoàn toàn xa lạ, làm tối tăm vấn đề bằng thứ từ chương rỗng tuếch, đánh lạc hướng chú ý của cử tọa để khỏi đi vào những vấn đề thực sự đặt ra bằng lối nói lạc đề đầy hùng biện và những hô hào đầy thành kiến tôn giáo".

LTS:Theo GS Cao Huy Thuần: "Viết về Darwin, dù là chỉ về cái mũi của ông, khó lòng không nghĩ ngay đến khỉ". Tuần Việt Nam xin được giới thiệu bài viết bốn kỳ của GS về nhà khoa học lừng danh Darwin với tựa đề: Cái mũi của Darwin.

Khỉ

Chuyện xảy ra ngày 30-6-1860. Hôm đó, "Hiệp hội phát triển khoa học" họp tại Đại học Oxford. Quyển sách của Darwin "Nguồn cội của các chủng loại" xuất bản đã được nửa năm, từ tháng 11 năm 1859, gây sóng gió trong giới khoa học cũng như trong dư luận. Giám mục Samuel Wilberforce tuyên bố sẽ nhân buổi họp này "thanh toán Darwin".

Ngồi đối diện với ông trong phòng họp là Thomas Huxley, kỳ phùng địch thủ của ông và bạn chí thân của Darwin, lính tiền đồn trên mặt trận lý thuyết tiến hóa. Trước cử tọa đông cả ngàn người, giám mục xung kích: "Thưa ông Huxley, tôi muốn hỏi ông: ông nghĩ rằng ông đến từ con khỉ, vậy là từ ông nội ông hay là từ cha ông?"

darwin213mercatornet.com1
Charlie Darwin. Ảnh: mecatornet.com

Huxley đứng phắt dậy, lính tiền đồn như thường lệ: "Tôi nghĩ rằng chẳng có gì hổ thẹn cho một người có ông nội là khỉ. Nếu có gì đáng hổ thẹn về tổ tiên của tôi, thì đó là vì tổ tiên của tôi là người: một người có trí thức nông cạn và bất nhất, một người không biết tự bằng lòng với thành công trong lĩnh vực riêng của mình, lại hăm hở can thiệp vào những vấn đề khoa học hoàn toàn xa lạ, làm tối tăm vấn đề bằng thứ từ chương rỗng tuếch, đánh lạc hướng chú ý của cử tọa để khỏi đi vào những vấn đề thực sự đặt ra bằng lối nói lạc đề đầy hùng biện và những hô hào đầy thành kiến tôn giáo". Sinh viên vỗ tay như sấm (1).

Từ đó đến nay, chuyện khỉ vẫn không tiến hóa, chiến trận đả đảo Darwin vẫn diễn ra, nhất là với giới Nhà Thờ ở Mỹ. Giống như mọi chiến tranh, bạn và thù phải phân minh tách bạch, ai nhận mình là khỉ thì qua bên kia, ai nhận mình là con cháu Adam thì qua bên này, hoặc là Darwin, hoặc là Thánh kinh. Lý thuyết "chọn lọc tự nhiên" tế nhị là thế, bỗng được đơn giản hóa tối đa, chỉ trắng với đen, quần chúng chỉ được trả lời trên một câu hỏi: có ai thích ông nội của mình là cà khọt cà khẹt?

Kết quả là phe ta đại thắng: từ 60 đến 87% dân chúng Mỹ, tùy hãng phỏng vấn, từ khước Darwin (2). Tội nghiệp ông Darwin, chết vẫn không yên, chỉ vì dám quả quyết. Quả quyết hai chuyện động trời sau một chuyến thám hiểm không tiền định.

Hai quả quyết làm ngứa ngáy thần học

Tội nghiệp ông, cho đến khi bước chân lên tàu Beagle để thám hiểm vùng biển Nam Mỹ, có bao giờ ông xa Thượng đế đâu? Thuở chín mười tuổi, mỗi lần ham chơi suýt trễ học, ông vừa chạy vừa "thành khẩn" cầu Thượng đế và lần nào Thượng đế cũng giúp ông; về già ông còn nhớ ơn Thượng đế (3). Ông học không giỏi, định học y khoa, nhưng nhát gan không dám nhìn mổ xẻ, suýt chọn nghề mục sư. Nghiêm túc, ông đọc nhiều sách thần học, tin "từng chữ", dù "không thể hiểu" vì "tối tăm ý nghĩa" (4) .

Về già, ông dí dỏm: "Mỗi khi tôi nhớ lại mình đã bị các nhà tôn giáo tấn công thô bạo thế nào, tôi không khỏi nghĩ một cách khôi hài rằng trước đây mình đã có ý định trở thành mục sư" (5). Sách gối đầu giường của ông trong chương trình năm cuối đại học Cambridge là các sách thần học và triết học của William Paley mà ông say mê uống từng chữ (6).

Trong khi lênh đênh trên chiếc Beagle, ông vẫn nghĩ Paley đã rèn luyện trí óc của ông. Paley dạy gì? Dạy rằng: Thượng đế có ý định, và vấn đề là phải tìm cho ra bằng chứng của ý định ấy nơi mọi sự mọi vật trong Thiên Nhiên. Vì sao? Vì "không thể có ý định mà không có người tạo ra ý định ấy; không thể có sự phát minh mà không có người phát minh; không thể có trật tự mà không có lựa chọn; không thể có sắp đặt mà không có người có khả năng sắp đặt; không thể có sự nương nhờ và hướng theo mục đích mà không có người vạch ra mục đích; không thể có những phương tiện thích hợp cho một cứu cánh hoặc đã được sửa đổi để thích nghi với cứu cánh mà không có cứu cánh đã định trước.

Sửa đổi, sắp đặt thành phần, tìm những phương tiện sao cho ứng dụng với cứu cánh, những dụng cụ sao cho thích hợp với thực hành, tất cả bao hàm sự có mặt của một năng khiếu thông minh và một trí óc" (7).

Luận lý ấy là nòng cốt của "thần học tự nhiên", là nước giếng mà Darwin đã uống như ông đã uống nước giếng toán học của Euclide. Trong Thiên Nhiên, cũng như trong cơ thể của sinh vật, chẳng phải ở đâu cũng thấy dấu hiệu của Ý Định đó sao? Hãy nhìn Thiên Nhiên: trong trật tự mầu nhiệm cũng như trong cuồng nộ thoáng qua, sao chẳng thấy bàn tay sắp đặt cực kỳ thông minh ấy? Thượng đế sáng tạo theo một "dây chuyền sinh loại", từ sinh loại thấp nhất, thô nhất, đến sinh loại cao nhất là con người, và qua con người, mọi sự mọi vật đều móc xích với Thượng đế. Mọi sự mọi vật đều dính mắc với nhau, chuyển động trong trật tự hài hòa, không sai chậy, giống như cái đồng hồ chính xác, và Thượng đề là Ông Đồng Hồ toàn hảo.

Dù là Galilée, dù là Newton, các đại khoa học gia ở thế kỷ 16-18 đều phải nhận có Ông Đồng Hồ để trước là yên thân với chính mình, sau là yên thân với Nhà Thờ. Gần với Darwin hơn cả và trước ông, Lamarck (1744-1829) cũng đã thuyết giảng về tiến hóa của các sinh loại theo chiều "tiến bộ" như thế, đi dần từ thấp lên cao, càng ngày càng hoàn hảo hơn, dưới áp lực của một "sức mạnh" sáng tạo và cưỡng bách, để thích nghi với môi trường bên ngoài.

Vì sự cưỡng bách đó, các cơ thể phải kinh qua kinh nghiệm của các "nhu cầu", và các "nhu cầu" này thay đổi theo với các "hoàn cảnh" ở bên ngoài. Từ các "nhu cầu" đó, sinh ra những "thói quen" mới, làm biến đổi những thủy lượng (fluide) đã tạo nên cơ thể. Từ đó, sinh ra những đặc tính mới có tính di truyền, truyền từ đời này qua đời sau, mỗi đời mỗi tích lũy thêm. Cho nên con hươu cao cổ trở thành con hươu có cái cổ cao vòi vọi: từ từ, dần dần, cái cổ cứ cao thêm để cái lưỡi nó vói tới lá cây trên cao trong những miền mà khí hậu dần dần bị hấp khô. Cái cổ của các chú - và nàng - hươu ấy phải rướn lên vì thèm ăn, vì đói, vì cố gắng, vì kiên nhẫn, vì... cứng đầu từ cố tổ cao tằng của dòng họ hươu trải qua bao thời đại.

Lamarck đã viết như thế từ 1802 và Darwin đã đọc: "Từ thế kỷ này qua thế kỷ kia, trải qua một chuỗi dài thế kỷ, không thể tránh được việc có thể có các loại sinh vật mới xuất hiện..." Nói như thế, trong thời đại Lamarck, đã là bạo lắm rồi, nhưng nhà sinh vật học ấy vẫn chưa thoát khỏi ý nghĩ cổ điển về trật tự của thiên nhiên trong đó đã ngầm sẵn một ý nghĩa. Trật tự đó đi từ thấp lên cao, hoàn hảo, toàn bích, dưới bàn tay thông minh của một Đấng Sáng Tạo.

Vậy thì, khi chàng thanh niên Darwin 22 tuổi bước lên tàu Beagle, chàng là người tin đạo, trong đầu cũng như trong tim, trong trắng, thơ ngây. Chàng viết: "Trên chiếc Beagle, tôi là tín đồ chính thống; tôi còn nhớ đã làm các sĩ quan trên tàu cười phì khi tôi cứ trích dẫn Thánh kinh như bằng chứng không gì chối cãi được để biện minh cho một vấn đề luân lý nào đó" (8). Năm năm nghiên cứu sinh vật trên các ven biển, khoa học đã làm ông mở mắt.

Ông mở mắt từ từ, "hoài nghi xâm chiếm tôi rất chậm nhưng cũng rất chắc. Tiến triển ấy chậm đến nỗi tôi không cảm thấy một chút áy náy gì, và từ đó đến nay chưa có một giây phút nào tôi nghi ngờ về tính xác thực của khám phá của tôi". Ông viết thêm về nguồn suối Paley: "Lý luận xưa cũ về một cứu cánh trong thiên nhiên, như Paley trình bày, mà ngày trước tôi thấy không gì xác thực hơn, bây giờ rơi vỡ tan tành xuống đất từ khi tôi khám phá ra luật chọn lọc tự nhiên.

Giờ đây, ta không thể nói, chẳng hạn, rằng cái bản lề xinh đẹp khép mở nơi hai tấm vỏ sò phải là sáng tác của một đấng thông minh giống như cái bản lề khép mở nơi cánh cửa là sáng tác của người thợ mộc. Trong muôn loài sinh vật hữu cơ và trong tác động của chọn lọc tự nhiên, chẳng hề có một cứu cánh nào lớn hơn phương hướng của một làn gió thổi. Tất cả trong thiên nhiên đều là kết quả của những định luật bất biến" (9).

Những định luật gì? Chân lý khoa học mà Darwin khám phá rất đơn giản:

1. Các cơ thể sinh vật đều biến chuyển và những biến chuyển ấy được truyền lại - ít ra là một phần - cho con cháu.

2. Các sinh vật sinh ra con cháu nhiều hơn là số con cháu sống sót.

3. Trên nguyên tắc, con cháu nào biến chuyển trong chiều hướng mà môi trường chung quanh ưu đãi thì sống sót và sinh sản. Như vậy, sự biến chuyển thích hợp mà sinh vật nào cũng phải tuân theo được diễn ra do chọn lọc tự nhiên.

Về điểm thứ nhất, "tiến hóa" không phải là khái niệm mới trong thời đại của Darwin. Trước Darwin và chung quanh ông, các nhà sinh vật đã biết đến rồi. Nhưng "tiến hóa" trong khám phá của Darwin không phải "tiến hóa" theo quan niệm của người đương thời. Cho đến lúc đó, khái niệm "tiến hóa" bao hàm một trật tự có sẵn, đi từ thấp lên cao, từ thô đến tế, từ đơn giản đến phức tạp, càng ngày càng hoàn thiện. Darwin chống lại quan niệm đó, tránh dùng những từ "thấp" với "cao" khi mô tả cấu trúc của các cơ thể sinh vật.

Giữa con người và con a-míp, không ai cao ai thấp nếu xét về khả năng thích nghivới môi trường chung quanh. Bởi vậy, Darwin tránh dùng từ "tiến hóa" chẳng có liên quan gì với tiến bộ hiểu theo nghĩa thông thường cũng như hiểu theo nghĩa của các nhà khoa học tin ở Thượng đế. Ông nhắc lui nhắc tới: sự thay đổi trong cơ thể của sinh vật chẳng hướng theo cứu cánh gì cả, chỉ vì tự nhiên phải bắt buộc làm cho cơ thể thích nghi tốt hơn với môi trường chung quanh, chứ tuyệt đối không phải để rập theo một ý nghĩ trừu tượng về tiến bộ, phức tạp hơn, thông minh hơn. Thay vì "tiến hóa", Darwin dùng từ dài hơn để chính xác hơn: "truyền thừa với thay đổi".Mình thay đổi, rồi truyền thừa sự thay đổi đó cho hậu duệ.

Hậu duệ thay đổi thế nào? Ở đây, Darwin đổi mới hoàn toàn so với những quan niệm có trước. Trước ông, người ta nghĩ rằng cả một giống sinh vật thay đổi. Ông khám phá ra điều khác: không phải cả giống thay đổi mà cá nhân trong mỗi giống thay đổi (điều 2 và 3 ở trên). Cá nhân thay đổi rồi truyền thừa thay đổi của mình cho đời sau, khiến các giống sinh vật được tạo ra rồi được biến đổi theo. Cá nhân nào thay đổi? Chỉ những cá nhân nào thích nghi giỏi với môi trường chung quanh.

Đây là cái lõi của khám phá, mang tên là "chọn lọc tự nhiên", nghe chẳng có gì ghê gớm mà kỳ thật là kinh thiên động địa đối với thế giới thần học. "Chọn lọc" diễn ra bằng những thay đổi rất nhỏ, rất vi tế, trong cơ thể của các cá nhân; đến một lúc nào đó, một thay đổi nào đó mang lại cho một cơ thể nào đó một lợi thế khiến nó thắng các cá nhân khác trong cuộc đấu tranh tất nhiên phải xảy ra để giành nhau các phương tiện sống; thay đổi đó được truyền lại cho hậu duệ, hậu duệ này sinh sản phát triển lên với một hình thức khác với hình thức trước đó. Đâu là cách mạng mà Darwin mang lại?

Thứ nhất, Darwin quả quyết: thiên nhiên chẳng hàm chứa một ý định thiêng liêng của một đấng nào. Tiến hóa chẳng có một mục đích gì ráo. Các cá nhân tranh đấu để làm tăng lên sự hiện diện của gène trong hậu duệ, chỉ thế thôi, chấm hết (10).

Thứ hai, Darwin nói rõ: những "thay đổi vi tế" nhờ đó các cá nhân được chọn lọc để sinh tồn xảy ra do "tình cờ" - tình cờ với nghĩa là không có một chương trình nào đã được vạch sẵn trước. Cả hai quả quyết làm ngứa ngáy thần học.

Tiến hóa? Các nhà thần học và các nhà làm khoa học tin ở Thượng đế có thể chấp nhận được chừng nào họ còn biện minh được bằng giải thích: đó là ý muốn của Thượng đế. Họ nói: Thượng đế đã nắm trong tay các định luật cai trị vũ trụ, đã tạo và truyền sự sống, đã cho phép các loài sinh vật thay đổi với thời gian, và - ở một thời điểm thần bí nào đó - đã chích một mũi tâm linh vào sinh vật mà sau này được gọi là Homo Sapiens, thủy tổ của loài người. Với thuyết "chọn lọc tự nhiên" của Darwin, luận lý đó hết chỗ đứng. Không những "chọn lọc tự nhiên" đã thay thế ý định của Thượng đế, mà hậu quả của thuyết đó lại còn độc địa hơn: con người mất cái quy chế đặc biệt là được Thượng đế chọn và sinh ra theo hình dáng của Ngài.

Tình cờ? Ngẫu nhiên? Độc địa không kém. Darwin giải thích trong "Nguồn cội...": thay đổi trong cơ thể sinh vật xảy ra để đáp ứng với "những điều kiện của đời sống", khó khăn, nguy biến - khí hậu khe khắt, thực phẩm khan hiếm, nơi ở bất an... Nhưng ông nói thêm: những thay đổi xảy ra "bằng cách không định trước được" (11). Nghĩa là gì? Trong quyển "Nguồn cội...", ông dùng từ "may rủi" và giải thích: "Nói rằng "do may rủi" là một cách nói không đúng, là nói theo nghĩa thông thường, cốt chỉ "để thừa nhận rành rọt ta chẳng biết gì về nguyên nhân" của mỗi thay đổi. Cách nói đó không đúng vì những thay đổi quả là có những nguyên nhân vật chất; chúng không hề có một cứu cánh gì định trước.

Chẳng hạn, một hạn hán có thể làm tăng tốc độ những thay đổi nơi một loài sinh vật mà không nhất thiết thúc đẩy những thay đổi đặc biệt nào để làm tốt hơn sức chịu đựng của một sinh vật đối với hạn hán. Hoặc là một hạn hán có thể làm sinh ra một thay đổi để chịu đựng hạn hán cộng thêm 5 thay đổi nữa nhưng vô dụng hoặc có hại. Nếu thế, chọn lọc tự nhiên có thể có khuynh hướng bảo tồn và nhân lên thay đổi đó. Chọn lọc tự nhiên là có phương hướng; thay đổi, cung cấp nguyên liệu cho quá trình chọn lọc thì không.

Không có phương hướng: "may rủi" là như vậy, là không có ý định gì cả. Trong một thư viết năm 1870 cho một bạn đồng nghiệp, J. D. Hooker, ông nói thêm: "Tôi không thể nhìn vũ trụ như là kết quả của một ngẫu nhiên mù lòa, tuy vậy tôi không thấy một bằng chứng gì về một cứu cánh tốt lành, ngay cả bất cứ một cứu cánh gì, trong những chi tiết" (12).

Mời đọc tiếp kỳ 2: CÁI MŨI CỦA DARWIN: TIẾN HÓA VÀ TÌNH CỜ NGÂU NHIÊN- GS. Cao Huy Thuần

--------------------

Chú thích:

1. Dominique Lecourt, L'Amérique entre la Bible et Darwin, PUF, 1992, trang 33-34.

2. David Quammen, The Reluctant Mr Darwin, Great Discoveries Series, Atlas Books, W.W. Norton & Company, New York-London, 2006, trang 15.

3. Charles Darwin, L'Autobiographie, Seuil, 2008, trang 26.

4. Như trên, trang 55.

5. Như trên, trang 56.

6. Sách của William Paley là: Natural Theology; or Evidences of the Existence and Attributes of the Deity collected from the Appearances of Nature, 1802, và Moral and Political Philosophy, 1785.

7. Lecourt, trang 44.

8. L'Autobiographie, trang 81.

9. Như trên, trang 83.

10. Stephen Jay Gould, Darwin et les grandes énigmes de la vie, Pygmalion, 1979, trang 11.

11. Quammen, trang 207.

12. L'Autobiographie, trang 151.

(Nguồn: Tuần Việt Nam)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/08/2010(Xem: 7052)
Không giống những tôn giáo khác và những lý thuyết hiện đại về kinh tế học, đạo Phật cho rằng kinh tế học gắn liền với đạo đức học và lý thuyết về hành vi (kamma). Mặc dù nhiều nhà kinh tế xem kinh tế học là một khoa học “tích cực” của một loại hiện tượng xã hội, nhưng dưới cái nhìn của đạo Phật, kinh tế học có quan hệ đặc biệt với đạo đức học. Lý thuyết kinh tế học của đạo Phật nhấn mạnh quan điểm về sự chủ tâm (cetan(, tác ý) trong việc giải thích tư cách đạo đức con người. Trong bài này, tác giả cố gắng giải thích vài khái niệm quan trọng trong kinh tế học như đã được mô tả trong kinh điển đạo Phật để cho thấy rằng đạo đức học đóng một vai trò quan trọng trong kinh tế học và do đó có một tầm quan trọng lớn đối với kinh tế học và ngược lại.
28/08/2010(Xem: 4074)
Để đánh dấu sự hoàn thành Trung Tâm Giáo Dục Phật Giáo Thế Giới của Pháp Cổ Sơn, Hoà thượng Thích Thánh Nghiêm, 76 tuổi, bạn học đồng trường sau khoá với HT. Thích Trí Quảng tại đại học Rissho, Nhật Bản, đã có sáng kiến tổ chức ba toạ đàm quốc tế vào ngày 20 và 22-10-05, với chủ đề: “Từ Nội Tâm đến Nhãn Quan Toàn Cầu.”
28/08/2010(Xem: 4943)
Tình cờ tôi thấy trong thư viện đại học Wisconsin-Madison bài "The Buddhist Approach to Education", đăng trong tờ Vạn Hạnh cách đây hơn hai mươi năm của Giáo Sư Đoàn Viét Hoạt. Nhận thấy đây là một bài viết đặc sắc nói lên trung thực phần nào thực chất Phật Giáo và quan niệm giáo dục của Phật Giáo cho nên tôi dịch ra tiếng Việt để cống hién quý độc giả; và cũng để ghi nhận sự đóng góp cho Phật Giáo của Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt trong vấn đề giải hoặc một số ngộ nhận về Phật Giáo mà vì lẽ nào đó đã kéo dài trong tâm cảnh ngay cả những lãnh tụ "tôn giáo bạn" cho tới tận ngày nay.
27/08/2010(Xem: 6248)
Đạo Phật, đạo của từ bi và trí tuệ, luôn luôn tôn trọng và đề cao cuộc sống của tất cả chúng hữu tình. Đức Phật xuất hiện trên thế gian này vì muốn mang hoà bình và hạnh phúc đến cho chư thiên và loài người. Thực vậy, từ xưa đến nay, Đạo Phật đã không bao giờ đem khổ đau cho bất cứ ai. Đạo Phật chỉ đưa ra con đường chuyển hoá đau khổ cho những ai có tâm tìm hiểu và mong muốn để đạt đến con đường đó. Đó là lời mở đầu của Sư cô Thích nữ Giới Hương trong buổi hội thảo về Quan điểm của Phật giáo về án tử hình tại chùa Phước Hậu Milwaukee ngày 28-10-2006.
27/08/2010(Xem: 3955)
Tôi được biết hiện nay có ít nhất là hai đoàn thể cư sĩ Phật giáo tại Hoa Kỳ người Việt và người bản xứ, tự xưng là Tăng đoàn Phật giáo mặc dầu không có một vị Tăng hay Ni nào trong tổ chức. Họ tự gọi là “Tăng thân” gì đó (không liên hệ gì đến giáo hội Làng Mai), hoạt động độc lập, tự tổ chức các khoá tu học, giảng đạo lý, hành thiền. Họ không thuộc bất kỳ một tổ chức giáo hội hay tự viện nào. Vậy xin hỏi quý ban biên tập tăng đoàn là gì và một tập hợp cư sĩ có thể là một tăng đoàn không?
27/08/2010(Xem: 3668)
Tôi là một Ni sinh, hiện đang học Trường TCPH TP.HCM. Trước đây, khi học xong chương trình phổ thông, huynh đệ và bạn bè đều khuyên thi đại học (các trường đại học bên ngoài) nhưng tôi nghĩ học đạo ở các trường Phật học là đủ rồi nên vẫn giữ quyết định của mình. Đến nay, được tin sư chị thi đậu đại học thì vừa mừng cho chị ấy, vừa cảm thấy tủi cho bản thân mình. Đôi khi, trong lòng cũng gợn buồn vì huynh đệ và gia đình có phần xem tôi là người thất bại trong chuyện học hành. Trong bối cảnh các Tăng Ni trẻ hiện nay học hành tất bật ở cả trường đạo lẫn trường đời, cả trong nước lẫn ngoài nước khiến tôi phân vân không biết quyết định trước đây của mình là đúng hay sai?
27/08/2010(Xem: 4923)
Bạn tôi là Phật tử và đã trót lỡ lầm mang thai với người yêu. Sau khi sự việc xảy ra, người yêu của bạn ấy đã chối bỏ trách nhiệm, còn gia đình thì giận dữ xua đuổi. Quá đau khổ và không biết chia sẻ cùng ai nên bạn ấy đã quyết định trút bỏ giọt máu của mình (thai nhi đã trên 1 tháng tuổi). Giờ đây, bạn ấy rất đau khổ, bị dằn vặt về việc làm của mình, bạn ấy mong muốn được sám hối. Xin quý Báo cho biết quan điểm của Phật giáo về tội lỗi phá thai và chỉ cho bạn ấy phương cách sám hối cùng những lời sẻ chia.
27/08/2010(Xem: 4726)
Tôi là Phật tử thường tham gia tu tập Bát quan trai. Tôi được biết trong giới luật nhà Phật có giới cấm không được ca hát và xem nghe. Tuy nhiên, tôi nhận thấy các chùa vẫn thường tổ chức văn nghệ, các Phật tử và chư Tăng cũng hay ca hát đạo ca trong các khóa tu và những dịp lễ. Vậy điều đó có mâu thuẫn không? Nếu không thì nên phát huy vì đạo ca làm cho người nghe nhớ mãi lời Phật dạy.
27/08/2010(Xem: 4289)
An tử, hay “cái chết êm đềm” được thực hiện bằng “máy tự tử” do bác sĩ Jack Kevorkian, chuyên nghiên cứu bệnh học tại nhiều bệnh viện khác nhau ở California và Michigan, thiết kế năm 1989 dưới tên gọi “mercitron”. Máy này nhằm giúp những người mắc bệnh nan y không còn cơ hội chạy chữa, chỉ còn sống lại những ngày tháng “chờ chết” trong đau đớn tột cùng được chết theo ý nguyện của họ, một cái chết “nhanh chóng, nhẹ nhàng” hơn là phải sống trong nỗi khổ đau giày vò triền miên.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567