Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ta Mất Đi Nền Văn Hóa Độc Lập?

03/06/201001:19(Xem: 4149)
Ta Mất Đi Nền Văn Hóa Độc Lập?
chualinhmu-thapphuocduyenGS Cao Huy Thuần:
TA MẤT ĐI NỀN VĂN HÓA ĐỘC LẬP?

"Phải có gì của riêng ta thì mới dung thông được với cái của người. Khi ta không biết ta là ai mà mở cửa đón nhận thì mất luôn cả mình. Điều đáng sợ nhất trong văn hóa VN là đánh mất bản sắc của mình, vậy nhưng, hình như ta còn chưa nhất trí được bản sắc của mình là gì nữa" - GS Cao Huy Thuần.

Cái gì đã làm ta thành ta?

Chiều 23/5, thuyết trình "Thiền đời Trần - Thiền Việt Nam" là buổi thuyết trình cuối cùng của Tuần lễ văn hóa Phật giáo 2010 hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Giữa cái nắng gay gắt của buổi trưa xứ Huế, GS Cao Huy Thuần không chỉ đưa người nghe trở ngược lịch sử 7, 8 thế kỷ để cùng hồi tưởng về triều Trần - triều đại huy hoàng bậc nhất trong lịch sử, mà còn sang tận đất nước Nhật Bản xa xôi để làm phép so sánh, xem người Nhật đã chuyển hóa thiền Trung Hoa thành của báu của nước Nhật đã được cả thế giới công nhận là rất riêng như thế nào?, xem "Cái gì làm họ đã thành họ, xét cho kỹ, biết đâu ta sẽ thấy ra cái gì đã làm ta thành ta?".

GS Cao Huy Thuần tự nhận ngay từ đầu buổi thuyết trình, trả lời hai câu hỏi mà Tuần Việt Nam đã đặt ra "Có hay không một dòng thiền mang sắc thái Việt Nam? Có đúng hay không dòng thiền Yên Tử đã tạo nên sức mạnh cho Việt Nam để đánh bại xâm lăng Nguyên Mông?" trong hoàn cảnh vấn đề đã được thảo luận quá nhiều trong sách vở và trong các cuộc hội thảo, thật khó có thể nói thêm điều gì mới lạ trong tình trạng tư liệu ít ỏi đã được khai thác lâu nay.

Bởi thế, GS Cao Huy Thuần đã làm phép so sánh hai nhân vật lỗi lạc, thiền sư Đạo Nguyên (Dogen), người đã xây dựng nên thiền tông Nhật mà ảnh hưởng vẫn còn sâu đậm trên thiền học thế giới cho đến ngày nay, và vua Trần Thái Tông - nhà tư tưởng lớn nhất của Việt Nam, và Trần Nhân tông, vị tổ thiền của Việt Nam.

Cùng một thời đại, cùng là những nhà cải cách, những tư tưởng gia cỡ lớn, cùng bắt tay đặt nền móng cho ngôi nhà thiền, mỗi người trên dải đất của mình, nhưng GS Thuần đã khắc họa sự khác nhau là vô cùng căn bản: thiền của Đạo Nguyên cực đoan, thiền của đời Trần dung hợp hài hòa các yếu tố khác biệt.

Thiền sư Đạo Nguyên sau khi vượt biển sang Trung Hoa (của nhà Tống) đã học, đã ngộ lúc 26 tuổi, trở thành tổ thứ 8 của phái thiền Tào Động. Trở về Nhật, có người hỏi ông đã học được gì ở Trung Hoa, ông nói: học được mắt ngang mũi dọc. Ông đả kích việc tụng kinh, đả kích cả Khổng giáo và Lão giáo, đanh thép cứng rắn với cả quan niệm thông thường về chữ hiếu. Chân lý của ông cũng chắc nịch như mũi thì dọc, mắt thì ngang. Chỉ ngồi, chỉ ngồi, chỉ ngồi. Không làm gì. Không tìm gì. Không chờ đợi gì. Nhờ định, tuệ sáng. Như con rồng gặp nước, như con cọp gặp rừng. Ngay cả người không hiểu gì cả, người dốt, người ngu vẫn có thể vượt qua người thông minh, đầy kiến thức, nếu cứ kiên trì tọa thiền, lấy ánh sáng từ định. Thực hành, thực hành, thực hành: tọa thiền với giác ngộ là một. Cho đến nay, sách ông viết vẫn là chữ nghĩa gối đầu giường ở Âu Mỹ, ông thuộc làu kinh kệ, thơ của ông thơm tho trong sử thiền của thế giới.

Ngược lại, với Trần Thái Tông thì tinh thần dung thông, tránh cực đoan, nổi bật như trăng sáng giữa trời. Với ông, ngồi thiền không loại bỏ niệm Phật, học kinh, cũng không loại bỏ Khổng với Lão. Khổng Tử, Lão Tử xuất hiện nhiều lần trong Khóa Hư Lục, với tất cả thành kính của Vua. "Sách Nho dạy: "Thi ân bố đức".Kinh Đạo dạy: "Ái vật háo sanh".Điểm Việt Nam nhất là Trần Thái Tông dung thông tất cả dưới ánh sáng của thiền. Như so sánh của GS Thuần, Đạo Nguyên dạy: cứ ngồi, đừng làm gì cả, đừng tìm gì, tìm là hỏng, vướng vào cái chuyện tìm, dính mắc chuyện chứng đắc là tâm dính bụi, là kẹt. Trần Thái Tông cũng dạy như vậy, bằng thơ:

Nước chảy xuống non đâu có ý

Mây bay qua núi vốn không tâm.

Nghĩa là, cả hai cùng tu một pháp, cùng vào một cửa, cùng ngộ như nhau, nhưng khi truyền đạt, giáo huấn, dạy dỗ, áp dụng, một bên thì cực đoan, một bên thì diệu dụng. Lý do là bởi, một bên chỉ là ông thiền sư với vài trăm đệ tử, còn bên kia ông thiền sư còn là ông vua của cả một nước, cả triệu dân. "Trị nước mà cực đoan thì hỏng. Huống hồ trị một nước nhỏ phải đối phó với xâm lăng như mối họa truyền kiếp. Đố ai tìm được một mưu chước nào khác để giữ nước ngoài quốc sách đoàn kết toàn dân".

Kiếm báu vẫn còn nằm trong hộp ?

Từ nhận định này, GS Cao Huy Thuần nhẹ nhàng trả lời câu hỏi thứ hai, đúng là dòng thiền Yên Tử mà Phật hoàng Trần Nhân Tông là tổ đã giúp Việt Nam đánh bại xâm lăng, "vì lẽ giản dị mà ai cũng đều nói: một trong những yếu tố chính giúp nhà Trần đánh bại Nguyên Mông là đoàn kết quốc gia. Đoàn kết quốc gia là một. Lãnh đạo giỏi là hai. Cả hai yếu tố đều nằm trong thiền tông Việt Nam đời Trần, y như kiếm báu nằm trong hộp".

Đời Trần để lại một gia bảo vô song cho văn hóa Việt Nam: "lấy thiền tông làm chỗ tựa để dung hợp Khổng, Lão vào một nhà"

Thiền đời Trần là thiền Việt Nam, tư tưởng của Việt Nam. Việt Nam cần đoàn kết để chống xâm lăng trước mắt; ông vua là tư tưởng gia; dung hợp là quốc sách; thực tế ấy đi vào tư tưởng thiền của ông vua; thiền ấy kết tinh thực tiễn Việt Nam; ấy là thiền Việt Nam, đặc biệt Việt Nam.

Vua Trần Nhân Tông, sơ tổ của thiền Trúc Lâm, vân du nhiều nơi trong nước để khuyên dân tu trì ngũ giới và làm mười điều thiện. Bởi vì Vua biết: tu thiền không phải ai cũng tu được, ngược lại, trì ngũ giới và hành thập thiện thì toàn dân ai cũng tu được cả, nói như Hòa thượng Thanh Từ là Phật giáo được quần chúng hóa. Từ đó, GS Cao Huy Thuần nhận định, Phật giáo đời Trần vừa rộng vừa sâu, rộng ở nền móng, sâu ở thượng đỉnh, dưới trên đều cùng một tư tưởng thông suốt, như lời nhận xét của Nho gia Lê Quát "Nhà Phật lấy họa phúc để cảm động lòng người sao mà được người tin theo sâu bền như thế! Trên từ vương công, dưới đến dân thường, hễ bố thí vào việc nhà Phật dù đến hết tiền của cũng không sẻn tiếc... Cho nên trong tự kinh thành, ngoài đến châu phủ, cho đến thôn cùng ngõ hẻm, không phải ra lệnh mà tuân theo, không bắt phải thề mà giữ đúng". Đố luật pháp trên thế gian này chỗ nào có điều thần kỳ ấy.

Vậy Thiền Việt Nam đã ảnh hưởng thế nào lên tài ba lãnh đạo của các vua Trần của ta? Theo GS Cao Huy Thuần, Trần Hưng Đạo có được cái khí thế "Nếu Bệ hạ muốn hàng, hãy chặt đầu thần trước đã" là bởi ông tin ở gan dạ của quân đội, ông tin ở khí thế của các tướng, ông tin ở ông, và trên hết, ông tin ở tài lãnh đạo. Tài của ông, và tài của vua thiền Trần Nhân Tông, người đã đưa vào trận mạc, vào chính sự, vào đời sống, vào hành động, tính không khiếp sợ của triết lý có/không trong Bát Nhã, kinh ruột của thiền tông. "Bồ tát nương trí tuệ bát nhã nên tâm không ngăn ngại; vì tâm không ngăn ngại nên không sợ hãi..."

Cho nên khi Nhân Tông nói "không" thì ngài lên Yên Tử. Mà khi ngài nói "có" thì đích thân ngài lãnh đạo chống xâm lăng. Mà đã nói "có" thì tam thiên đại thiên thế giới đều nằm gọn trên một mũi kim, như thiền tông nói. Vua, tướng, quân, dân cùng nói "có" với nhau trong tiếng "có" phi thường của người lãnh đạo, có đoàn kết nào vững hơn, có lãnh đạo nào chắc hơn?

Thế đó, Lịch sử gọi ngài là vua Phật, là Phật hoàng. GS Cao Huy Thuần xác nhận lại một nhận định đã cũ nhưng dưới một góc nhìn mới "Vua Phật lãnh đạo cuộc chiến chống xâm lăng, làm sao tách rời đâu là vua, đâu là Phật trong mỗi hành động của ngài? Ở Nhật có tinh thần samourai trong cuộc chiến, nhưng ở Việt Nam có cả một ông vua Phật và cả một hàng ngũ tướng lĩnh thấm nhuần thiền. Phật giáo Việt Nam ở đời Trần là một hiện tượng kỳ lạ, độc đáo: không ở đâu khác, một ông vua vừa là tướng cầm quân, vừa là thiền tổ. Nơi ông vua ấy, kết tinh một tư tưởng, vừa là cơ sở lý thuyết, vừa là nền tảng giáo dục, lại vừa là thực tiễn hành động. Đó là một đạo Phật đặc biệt Việt Nam".

Ta mất đi nền văn hóa độc lập?

Thuyết trình của GS Cao Huy Thuần không chỉ dừng lại ở sự xác nhận những giá trị huy hoàng của Thiền đời Trần, mà phần thảo luận tưởng như không thể dừng lại sau đó mở ra những ưu tư, xót xa khi nhìn lại lịch sử, vì sao giá trị huy hoàng ấy đã hoàn toàn đứt gãy sau đời Trần?

Đã so sánh với Nhật Bản, thì không thể không so sánh cách Việt Nam và Nhật Bản nhìn Trung Hoa, bởi từ cái nhìn mới xác định ra cách đối phó.

Xót xa thay khi Việt Nam đã "thua" Nhật Bản hẳn ở phương diện này, trong tiếp xúc với Tống Nho của Trung Hoa, Nhật Bản có sự kính phục, nhưng chỉ đến thế kỷ 14, 15 họ đã bắt đầu cái nhìn xét lại, để từ đó có sự canh tân về tư tưởng, trước cả khi có sự tiếp xúc với văn hóa phương Tây thời Minh Trị Thiên Hoàng.

Còn Việt Nam, như GS Thuần đau xót thừa nhận "Sau đời Trần, dường như ta mất đi nền văn hóa độc lập, văn hóa Việt Nam, ta nhìn Trung Quốc theo cách quá sức tôn thờ mà không đặt lại vấn đề", và GS khẩn thiết đề nghị phải nhìn lại ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam. "Phải có gì của riêng ta thì mới dung thông được với cái của người. Khi ta không biết ta là ai mà mở cửa đón nhận thì mất luôn cả mình. Điều đáng sợ nhất trong văn hóa VN là đánh mất bản sắc của mình, vậy nhưng, hình như ta còn chưa nhất trí được bản sắc của mình là gì nữa".

Thừa nhận Phật giáo hiện nay phát triển rộng, nhưng lại thiếu chiều sâu, mong mỏi của GS Cao Huy Thuần, cũng là mong mỏi của rất nhiều trí thức có mặt trong buổi thuyết trình, là làm sao phục hưng lại tinh thần sâu sắc của đạo Phật thời Trần.

Đáng để chúng ta phải khóc !

Một điều đau xót cho những người muốn tìm lại những giá trị của ông cha là nguồn sử liệu quá ít ỏi còn lại, khiến chúng ta không thể hiểu sâu sắc những giá trị huy hoàng cùng những chặng đường thịnh suy của dân tộc. Liệu có phải Khổng giáo được nhà Lê đưa lên hàng đầu để củng cố quyền lực của triều đình, bởi Khổng giáo là lý thuyết giúp chính trị một cách hữu hiệu hơn? Hay bởi chúng ta đã "10 phần di sản không còn được một" sau cuộc xâm lăng của nhà Minh, khiến chúng ta bị đứt đoạn với quá khứ, phải áp dụng tư tưởng Tống Nho của Trung Hoa?

Nói như GS Cao Huy Thuần khi kết thúc buổi thuyết trình, dân tộc chúng ta quá bất hạnh khi bị đứt đoạn với cái gia tài rực rỡ của đạo Phật rất phương phi, vạm vỡ thời Trần Thái Tông. Nhà Minh đã phá hoại, lục bắt tất cả những di sản vật thể và di sản tinh thần của chúng ta, khiến chúng ta hiện nay chỉ hiểu biết lờ mờ về những thành tựu của quá khứ. "Đó là một tội ác đối với lịch sử, tương đương với tội ác diệt chủng, bởi không có gì tàn bạo hơn, sát hại hơn là diệt chủng về văn hóa, khiến chúng ta không biết chúng ta là ai, khiến chúng ta thành nô lệ về đầu óc. Điều đó đáng để chúng ta phải khóc".

Theo: tuanvietnam.net
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/01/2011(Xem: 4297)
Những người mưu toan cải đạo tín đồ Phật giáo sang các tôn giáo phương Tây luôn săn tìm những không gian thuận lợi để tổ chức thực hiện việc cải đạo. Tất cả mọi địa điểm đều được chú ý đến, đặc biệt là những địa điểm công cộng như trường học, bệnh viện, kể cả những không gian di động, nhưng có nhiều thời gian để hành sự, như xe đò đường dài, xe lửa…
31/12/2010(Xem: 3523)
Khi thấy những không gian ngập tràn sách trong ngày hội sách đang diễn ra ở nhiều thành phố lớn, lòng tôi rộn lên một niềm vui khó tả. Tôi bỗng nhớ về những ngày chật vật gom từng cuốn sách từ nước ngoài về Việt Nam, thời chúng ta còn hiếm sách.
27/12/2010(Xem: 3714)
Người dịch: Xuất bản lần đầu vào năm 1995 (tái bản 2001), “Phật Giáo và Đạo Đức Sinh Học” (Buddhism and Bioethics) là một đống góp có ý nghĩa của Damien Keown* cho Phật giáo về một đề tài chưa được giới Phật giáo nghiên cứu nhiều trước đó. Nội dung cuốn sách tập trung thảo luận về đạo đức học Phật giáo và liên hệ nó với những vấn đề đạo đức hiện đại như phá thai, hạn chế sinh sản, nghiên cứu phôi thai, trợ tử, việc kéo dài trạng thái sống thực vật.v.v… Cuốn sách cũng bàn đến vấn đề khi nào thì đời sống một con người được xem chính thức bắt đầu, và khi nào cái chết được coi chính thức xảy ra.
24/12/2010(Xem: 4526)
Phật giáo Việt-Nam trải qua nhiều bước thăng trầm. Đời Lý, Trần Phật giáo cực thịnh, là quốc đạo. Triều Lê Phật giáo bắt đầu suy vi. Đến triều Nguyễn Phật giáo sa sút, mất hẳn vị trí trong chính trị văn hóa và xã hội ở Việt-Nam.
19/12/2010(Xem: 4447)
Gần đây có người nói rằng Phật Giáo Đại Thừa là Bà La Môn Giáo, là tà ma ngoại đạo. Thật ra lời nói này không có gì mới lạ, nó đã có từ thời xưa, khi Phật Giáo đang ở trong thời kỳ phát triển. Tuy nhiên, nhằm tránh sự hoang mang cho những người mới bước chân vào đạo Phật và cho những Phật tử không có nhiều thì giờ nghiên cứu về sự khác biệt giữa hai tôn giáo nên chúng tôi viết bài dưới đây. Chúng tôi không có ý so sánh hai tôn giáo lớn của nhân loại, vì việc làm này là của các nhà học gỉa, mà chúng tôi chỉ đưa ra vài điểm khác biệt quan yếu có tính cách nền tảng giữa đạo Phật nói chung, Phật Giáo Đại Thừa nói riêng so với Bà La Môn Giáo.
18/12/2010(Xem: 14819)
Nhận Xét Của Thượng Tọa Thích Đức Thắng Về Quyển Sách: Đường Về Xứ Phật Thích Thông Lạc
08/12/2010(Xem: 4918)
“Tăng ly chúng tăng tàn”, còn chúng tại gia ly chúng xuất gia thì ra sao? Thế nào là “cư sĩ ly tăng”? Đâu là nguyên nhân và đâu là cách giải quyết vấn đề? “Tăng ly chúng” là một vấn đề đã được bàn luận nhiều.
24/11/2010(Xem: 10050)
Mấy ngày qua, cả nước oằn mình trước sự tàn phá đầy tang thương của cơn bão Ketsana. Cũng thời điểm đó “cơn bão” bất khoan dung của chính quyền tỉnh Lâm Đồng kéo đến tu viện Bát Nhã, gây nên tình cảnh bất an cho khoảng 400 Tăng Ni tu theo pháp môn Làng Mai. Hai cơn bão đến cùng một lúc khiến cho lòng người Phật tử Việt Nam thêm quặn thắt.
23/10/2010(Xem: 3621)
"Chẳng có gì hổ thẹn cho một người có ông nội là khỉ. Nếu có gì đáng hổ thẹn về tổ tiên của tôi, thì đó là vì tổ tiên của tôi là người: một người có trí thức nông cạn và bất nhất, một người không biết tự bằng lòng với thành công trong lĩnh vực riêng của mình, lại hăm hở can thiệp vào những vấn đề khoa học hoàn toàn xa lạ, làm tối tăm vấn đề bằng thứ từ chương rỗng tuếch, đánh lạc hướng chú ý của cử tọa để khỏi đi vào những vấn đề thực sự đặt ra bằng lối nói lạc đề đầy hùng biện và những hô hào đầy thành kiến tôn giáo".
16/10/2010(Xem: 3814)
Tuần vừa qua, một cuốn phim Đại Hàn ra mắt khán giả Paris, được khen ngợi. Báo Mỹ cũng khen. Tên của phim là : Xuân Hạ Thu Đông ... rồi Xuân (1). Không phải là người sành điện ảnh, đọc tên phim là tôi muốn đi xem ngay vì nên thơ quá. Xuân hạ thu đông thì chẳng có gì lạ, nhưng xuân hạ thu đông ... rồi xuân thì cái duyên đã phát tiết ra ngoài. Huống hồ, ở trong phim, xuân rồi lại xuân trên một ngôi chùa nhỏ ... trên một ngôi chùa nhỏ chênh vênh giữa núi non.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567