*BAN HƯỚNG DẪN PHẬT TỬ
VÀ NGÀNH GIÁO DỤC
Giáo dục là gì? Hiện nay khó mà định nghĩa dứt khoát; có rất nhiều định nghĩa khác nhau, ví dụ:
Như trong cuốn "The Educator’s encyclopedia" của ba học giả Mỹ E.W. Smith, S.W. Krouse và M.M. Atkinson, 1969, USA, cho rằng khái niệm giáo dục chuyển tiếp từ Phương Đông đến thái độ Phương Tây và trong Larouse Universelle của Pháp định nghĩa: "Giáo dục là toàn thể những cố gắng có ý thức để giúp tạo hóa trong việc phát triển các năng lực thể chất, tinh thần và đạo đức của con người, hướng về sự toàn thiện, hạnh phúc và sứ mạng xã hội của con người".
(Trích dẫn từ Sư Phạm Lý Thuyết, nhiều tác giả, nhà xuất bản trẻ năm 1971).
Thế nhưng, theo W. O. Lester Smith, Giáo Sư Đại Học Luân Đôn, Chủ Tịch Hội nghiên cứu giáo dục Anh Quốc đã nói: "Khi nghĩ về giáo dục chúng ta không được quên rằng giáo dục có tính cách trưởng thành của một cơ thể sinh động. Trong khi có những tùy thuộc thường xuyên nó vẫn liên tục thay đổi tự thích ứng với những nhu cầu mới và hoàn hảo mới".
Theo từ điển Từ Hải cho rằng "Giáo" là cho biết, "Giáo" là đánh để dạy con (người trẻ) bắt chước theo điều hay lẽ phải. "Dục" là nuôi dưỡng, sinh ra, làm cho lớn lên, v.v... Tóm lại, "Giáo Dục" là nếu người trên đặt ra thì người dưới phải bắt chước làm theo và nuôi con khiến cho con làm điều thiện.
Từ Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ Học, Trung tâm từ điển học, nxb Giáo dục, 1994, trang 379 có ghi: "Giáo dục 1. (động từ). Hoạt động nhằm tác động một cách có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của một đối tượng nào đó, làm cho đối tượng ấy dần dần có được những phẩm chất và năng lực như yêu cầu đề ra. 2. (danh từ). Hệ thống các biện pháp và cơ quan giảng dạy giáo dục của một nước".
Như trong quyển "Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống" của Krishnamurti viết: "Mục đích của giáo dục đích thực là rèn luyện trau dồi mối tương giao chính đáng không chỉ giữa các cá nhân, nhưng cũng giữa cá nhân và xã hội".
Bấy nhiêu cũng cho thấy định nghĩa về giáo dục khó mà toàn vẹn; vì thế, đôi khi giáo dục cũng có nghĩa rèn luyện, truyền trao kinh nghiệm, áp đặt... theo một khuynh hướng nhất định.
A/ ĐỐI TƯỢNG GIÁO DỤC
Giáo dục không đủ giá trị khi nó đứng một mình; giáo dục là giáo dục cái gì, giáo dục ai. Trong xã hội, giáo dục mang tính quần chúng, cộng đồng; trong học đường, giáo dục nhắm đến những đối tượng học sinh, sinh viên; trong chuyên ngành, giáo dục nhắm đến cán bộ, nhân viên; trong đảng phái, hội đoàn... đối tượng được giáo dục là đảng viên, hội viên... Thì trong Phật giáo nói chung và ngành "Hướng dẫn Phật tử" nói riêng đã có một đối tượng rõ ràng, nhưng là tập thể đối tượng gồm nhiều thành phần và trình độ khác nhau, tuổi tác khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, đó là điều kiện đặc thù mà không một tổ chức nào gặp phải. Chính vì vậy, việc giáo dục không thể đi sâu vào chuyên biệt, không thể nào bằng tập thể đối tượng như thế để làm việc một cách máy móc. Muốn đạt hiệu quả trong việc giáo dục quần chúng Phật tử, nhất là chuyên ngành của "ban hướng dẫn Phật tử", cần có một phương án, một giáo trình rõ ràng cho từng nhóm đối tượng. Ví dụ nhóm tiểu thương, nhóm văn nghệ sĩ, nhóm giáo chức, chuyên viên, doanh nhân, thanh thiếu niên, học sinh sinh viên...
Trước 1975 và sau 1981, Phật giáo đều có Tổng vụ hoặc Ban ngành hướng đến quần chúng Phật tử như "tổng vụ cư sĩ" Thanh niên, sinh viên học sinh Phật tử vụ "Ban "hướng dẫn Phật tử", nhưng hầu như chỉ có ngành Gia Đình Phật tử cũng như ngành Thanh niên học sinh trước kia là có chương trình sinh hoạt, đào tạo rõ ràng. Vài năm gần đây, một số Ban ngành đã chịu khó hoạt động mà trước kia có tên nhưng không có kế hoạch sinh hoạt hiệu quả, do vị đứng đầu ngành không có kế hoạch hoạt động, không quen điều hành, không biết khởi sự hoạt động từ đâu và hoạt động thế nào cho có hiệu quả. Hiện nay, tuy vài ban ngành có chuyển biến, nhưng nặng hình thức trình diễn hơn là nội dung hoạt động để đạt hiệu quả. Riêng ngành "Hướng dẫn Phật tử" của Trung ương, chương trình thăm viếng các đơn vị địa phương, và vài hoạt động khác như để xác định sự có mặt mà vẫn chưa đưa ra mô hình và đề án giáo dục Phật tử cụ thể cho các ban "Hướng dẫn Phật tử" địa phương, vì thế, một số địa phương vẫn ì ạch dậm chân tại chỗ, thậm chí không có phương hướng rõ ràng để hoạt động theo đúng tinh thần Hiến chương và giáo lý.
B/ PHƯƠNG HƯỚNG VÀ PHONG CÁCH GIÁO DỤC
Suốt tam tạng giao điển của nhà Phật là cả một phương trình giáo dục tổng thể từ cõi Nhân-Thiên cho đến Bồ Tát, Arahan và quả vị Phật. Riêng cõi Nhân và Thiên, đức Thế Tôn chú hướng tỉ mỷ đến từng động thái nhỏ nhặt dành cho tín đồ tại gia cũng như các bậc xuất sĩ. Là bậc thầy của cõi Nhân Thiên, đức Phật tùy đối tượng, tùy thời khắc và tùy địa phương, thổ ngữ, trình độ mà có cách giáo hóa khác nhau, thuật ngữ gọi là: - khế cơ - khế lý - khế thời.
Giáo dục chúng sanh, đức Phật chia làm hai hạng, một là trách nhiệm của cư sĩ tại gia đối với gia đình và hộ trì Tam Bảo, tu tập bản thân để hưởng phước Nhân Thiên, vì người còn gia đình, bị ràng buộc trách nhiệm với xã hội và bổn phận với con cái, khó áp dụng cho việc giải thoát sanh tử, vì thế, "ngũ giới" và "thập thiện" là phương tiện rèn luyện nhân cách cho con người còn sống trong xã hội và phương hướng hoàn thiện hướng đến tương lai. Ngoài ra, Phật còn dạy tín đồ tại gia về cung cách cư xử trong gia đình như kinh Thiện Sinh. Dạy "tứ trọng ân" đối với cuộc sống...
Trong giới xuất sĩ, để hoàn thiện nhân cách của bậc thoát ly khi còn mang thân phàm, còn phạm phải nhiều sai lầm, đức Phật phải chế giới, giải thích giá trị của việc trì giới để từ đó sanh định, phát Tuệ. Thọ giới Sa Di, cũng đã phải thuộc lòng bốn bộ luật: Tỳ ni- oai nghi - Sadi - Cảnh sách.
Tập cho một người tập sự chuẩn bị thọ đại giới, phải tập chú từ cách đi đứng, nằm ngồi, ăn uống, mặc đồ... đó là cách giáo dục khá hoàn chỉnh cho một tu sĩ. Một câu chuyện thật cảm động và tế nhị trong việc giáo huấn cho bậc xuất sĩ, La Hầu La là biểu tượng sơ đẳng cho việc chế giới và giáo dục:
"Khi đức Phật đến, La-hầu-la mang thau nước đến cho đức Phật rửa chân. Sau khi rửa chân, đức Phật đổ nước, chỉ để lại một ít trong chậu và hỏi La-hầu-la: “Con có thấy còn lại một ít nước dơ ở trong chậu không”. Câu trả lời “Dạ có thấy”. Đức Phật dạy: “Hạnh của một người tu cố ý nói dối cũng ít ỏi, chỉ đáng bằng một chút nước dơ còn lại trong chậu, không đáng kể đến, không được quan tâm”. Với những hành động tiếp theo cũng tương tự như vậy, với mục đích chỉ rõ tác hại của việc nói dối. Phật đổ hết nước trong thau và dạy con: “Người cố ý nói dối là người không có giá trị, không thể sử dụng vào bất cứ việc gì nên cũng đáng đổ đi, vứt bỏ đi như vậy”. Rồi Ngài lật úp chậu xuống: “Chậu lật úp nên không thể đựng bất kỳ vật gì vào trong đó, Sa môn hạnh của kẻ cố ý nói dối cũng bị lật úp, đảo lộn như cái chậu, không thể sử dụng được”.
Phật lật cái chậu lên và chỉ cho Ràhula thấy sự trống rỗng của nó: “Sa môn hạnh của kẻ cố ý nói dối cũng trống rỗng, trống không, không có gì”.
Để nhấn mạnh cho La Hầu La hiểu rõ vấn đề, Đức Phật đưa ra một ví dụ cụ thể hơn: “Như con voi lâm trận biết bảo vệ cái vòi là biết giữ mạng sống; nếu nó dùng luôn cả cái vòi tức đã thí mạng, vì khi vòi bị thương thì mạng sống của voi sẽ khó đảm bảo”. Cũng vậy, một người tu cố ý nói dối không biết tàm quý thì không điều ác nào, không có tội lỗi xấu xa nào mà không làm, điều đó sẽ làm cho kẻ ấy tổn phước, tổn đức và dẫn đến ác thú trong hiện tại và tương lai. Vì vậy, Phật cương quyết răn nhắc “không được nói dối, dù nói để đùa chơi”.
Khi La-hầu-la đã nhận ra lỗi lầm của mình rồi, đức Phật tiếp tục tiến xa hơn một bước nữa là dạy con thường phản tỉnh để thấy rõ và làm chủ tất cả những lời nói, hành động, suy nghĩ của mình. Ngài hỏi: “Cái gương dùng để làm gì”. “Bạch Đức Thế Tôn, gương dùng để soi”. Đức Phật dùng ví dụ cái gương để nhắc nhở La-hầu-la phải thường xuyên tư duy, tỉnh thức để nhìn lại mình, thấy rõ những hành động về thân, khẩu, ý của mình trong 3 thời: đã làm, đang làm và sắp làm. Đức Phật lại dạy: “Trong khi chuẩn bị làm điều gì bằng thân, khẩu, ý, con phải quán chiếu: hành động này có gây tổn hại cho mình hoặc cho kẻ khác không. Nếu, sau khi suy xét, con thấy rằng hành động đó sẽ có hại, thì con hãy đừng làm. Còn nếu con thấy rằng hành động đó có ích lợi cho con và cho kẻ khác, thì con hãy làm.”
Thay vì la mắng như hầu hết các bậc cha mẹ, đức Phật nhẹ nhàng ôn tồn giải thích, khuyên bảo. Cách hàng ngàn năm về trước mà đức Phật đã đạt đến trình độ giáo dục một cách khoa học như thế, mãi đến hàng ngàn năm sau, một số quốc gia tiến bộ mới áp dụng, cho thấy, việc giáo dục của Phật giáo là phương pháp sư phạm tuyệt đỉnh, thế mà, một số tu sĩ giáo dục điệu chúng hiện nay vẫn chưa thỏa đáng theo tinh thần nhà Phật, hà huống các cư sĩ học được những gì trong việc giáo dục của chư Tăng nói chung và Ban hướng dẫn Phật tử hiện nay?
Đối với hàng xuất gia trẻ tuổi, đức Phật rất chú trọng và quan tâm đến họ, dẫn dắt họ đi đúng đường hướng. Như trường hợp tôn giả Samiddhi xuất gia lúc còn niên thiếu, Ngài đã giáo dục tôn giả:
“Hãy từ bỏ tính toán,
Không chạy theo hư tưởng,
Từ bỏ mọi tham ái,
Đối danh sắc ở đời,
Vị ấy đoạn triền phược,
Không lo âu, không ái.”[1]
[1] Kinh Tương Ưng (2013).Tập I. Tương Ưng Chư thiên. Phẩm Vườn Hoan Hỷ. Hà Nội: NXB Tôn Giáo. tr.48-49
Rút ra từ kinh nghiệm giáo dục của Phật, để thích hợp với trình độ thời đại, Ban hướng dẫn Phật tử cũng như chư Tăng cần sáng tạo phương cách giáo dục bằng sự gợi ý thay vì nhồi sọ từ chương theo lối cổ xưa, cũng không dùng hình thức đe dọa như địa ngục ma quỷ mà cần chỉ cho tín chúng thấy con đường sáng và quả báu tốt đẹp khi ly dục, ly bất thiện pháp trong cuộc sống hiện thực. Nhân quả hiện thời chứ không phải đợi đến kiếp sau, có như thế mới tránh cho tín đồ xem đạo Phật là đạo của cửa tử! Một khi tín đồ nhận thức đúng đắn giáo lý thì việc hưng thịnh của Phật giáo tự nó xuất hiện, không sợ tà giáo quỷ quái xâm hại Phật giáo; kẻ tà tâm làm mất uy tín nhà Phật tự nó cũng được quần chúng phát hiện. Và quần chúng sẽ không bao giờ mất niềm tin Tam Bảo trước những nghịch cảnh.
C/ TIÊU CHÍ GIÁO DỤC
Chẳng những nêu lên giá trị của việc chế giới trong cách giáo dục, cách so sánh, tỷ giảo theo lối giáo dục của đức Phật, mục tiêu vẫn là hướng con người đến một nhân cách toàn thiện. Đạo đức theo nghĩa lý nhà Phật là không làm khổ mình, làm khổ người và làm khổ chúng sanh. Vì vậy, để có một nhân cách hữu hảo, cư sĩ cũng như xuất sĩ cần lấy giới luật làm đầu; giới luật để ngăn ngừa bản thân tránh mọi sa đọa, còn có giá trị bảo vệ củng cố tổ chức giáo đoàn được trang nghiêm thanh tịnh. Người Phật tử có nhân cách thì vấn đề đi vào tín ngưỡng tâm linh mới được dễ dàng, đóng góp mọi công ích cho xã hội, cho nghiệp vụ, cho tổ chức mới đầy đủ ý nghĩa.Mục tiêu giáo dục của nhà Phật là nâng cao tầm nhận thức của tín đồ trước cuộc sống, đối trị trước những vấn nạn mà giáo dục thế gian không thể đáp ứng.
Thí dụ, cho dù là nhà đại trí thức thế tục, nhưng còn tiềm ẩn lòng tham thì xã hội vẫn còn bất an, tín đồ Phật giáo hiểu luật vô thường và nghiệp quả thì lòng tham sẽ được hạn chế, tệ nạn xã hội cũng sẽ giảm thiểu.Giáo dục Phật giáo không chỉ nâng tầm kiến thức phật học cho quần chúng mà còn giúp quần chúng chuyển hóa tập khí bất thiện tự bản thân.
Con người là đơn vị của xã hội, giải quyết nhân tố cơ bản tự khắc xã hội được thuần tịnh. Giáo dục Phật giáo khác với giáo dục thế gian ở điểm cơ bản nầy. Giáo dục thế gian áp đặt kiến thức lên tập thể, buộc đối tượng tuân thủ theo định hướng được truyền đạt, ngược lại, tinh thần tự giác của nhà Phật, tự thân ý thức chuyển hóa làm nền tảng để chuyển hóa xã hội. Chủ đích giáo dục của nhà Phật là con người chứ không phải là xã hội, và chính con người quyết định thành bại của đời mình chứ không do một ngoại lực siêu hình. Giáo dục Phật giáo chú trọng vào tâm thức trong khi giáo dục thế tục chú hướng vào kiến thức. Giáo dục Phật giáo của Ban hướng dẫn Phật tử phải thể hiện được bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam và tinh thần nhập thế của đạo Phật.
D/ NỘI DUNG GIÁO DỤC
Giáo dục theo trường lớp khác với diễn giảng trước đại chúng. Diễn giảng là một chủ đề mang tính chung chung cho quần chúng có trình độ vừa phải, thường có khuynh hướng tâm lý xã hội, nhân cách đạo đức tương thích với giáo lý phổ thông. Còn giáo dục chuyên ngành có nghĩa như một lớp giáo lý chuyên biệt, để người cư sĩ nắm bắt được yếu lý cơ bản.
"Ban hướng dẫn Phật tử" cần soạn những giáo lý cơ bản như: Thập nhị nhân duyên - nhân quả - tứ nhiếp pháp - lục độ - tứ diệu đế - 37 phẩm trợ đạo - quy y và ý nghĩa quy y; nhân cách của tín đồ đối với Tam Bảo. Thái độ đối với kẻ giả danh tu sĩ làm mất uy tín của Đạo.Trách nhiệm đối với gia đình và xã hội, cách bảo vệ đạo pháp.Ngoài ra, cần giúp cho tín đồ chọn một phương cách, một pháp môn tương thích với căn cơ để học và hành song song. Rất nhiều tín đồ suốt đời đến với chùa chỉ biết cúng dường và cầu nguyện, không được ai hướng dẫn giáo lý, không biết tu là thế nào, chính vì vậy không thể phân biệt chánh tà, dễ đi vào con đường lầm lạc của tà giáo. Gần đây, nội tình Phật giáo thường lên tiếng tà giáo thâm nhập vào đạo Phật, quần chúng Phật tử theo tà thần ngoại đạo, nhưng không bao giờ tự hỏi tại sao xuất hiện những hiện tượng đó mà các tôn giáo khác không hề có? Phải chăng chư Tăng không trang bị cho tín đồ một kiến thức Phật học căn bản và đức tin chân chánh? Lỗi đó không thuộc về tín đồ. Có những tín đồ được hướng dẫn phát tâm suốt đời tụng kinh Pháp Hoa hay bộ kinh nào đó mà không bao giờ hiểu ý nghĩa bộ kinh mình đang trì tụng, không được thầy hướng dẫn giải thích giáo lý, cứ xem đó là tạo phước, là cách tu, trong khi ý nghĩa Phước Huệ song tu là vừa làm lợi ích cho đời, vừa trao dồi trí tuệ cho mình. Không trễ lắm, Ban hướng dẫn Phật tử trung ương cần soạn thảo chương trình giáo dục cụ thể để nâng tầm kiến thức Phật pháp cho đạo chúng khi họ đã phát tâm dẹp bỏ mọi cám dỗ thế gian để đến với đạo.Từ đó, tín đồ mới có cơ sở để thực tập Văn - Tư - Tu.
E/ THÂN GIÁO-KHẨU GIÁO-Ý GIÁO
Một điều đặc sắc của nền giáo dục Phật học, ngoài trao truyền kiến thức, giáo lý nhà Phật, một vị thầy hướng dẫn, đồng nghĩa với giáo thọ sư phải thể hiện ngôn hành hợp nhất, đó thân giáo - khẩu giáo và ý giáo. "Y giáo bất y nhân" là câu nói trốn trách nhiệm của vị thầy thiếu nhân cách.Một bậc chân tu, lời nói và hành động luôn tương thích.Bậc chân tu không thể nói - hãy nghe lời tôi dạy, đừng nhìn vào nhân cách của tôi.Nhân cách của đức Thế Tôn luôn là bài học vô ngôn để đạo chúng, Tăng đoàn học hỏi. Cách đi, cách đứng, cách nói, cách làm của Đức Phật luôn là bài học sáng giá cho mọi người, chưa bao giờ nghe Phật bảo - hãy làm theo lời ta dạy mà đừng nhìn vào đời sống của ta. Thân giáo có một giá trị tạo niềm tin cho quần chúng, cho dù vị đó chưa bao giờ khuyên dạy một lời nào, đó là nhân cách đạo đức cần phải có của bậc thầy tâm linh đối với quần chúng; khẩu giáo là lời dạy chứng minh cho thân giáo, hay thân giáo cũng chứng minh cho khẩu giáo. Thân khẩu tương thích và song hành khi ý giáo được biểu thị qua ngoại tướng, đó là ý nghĩa của câu: "Thử tại tâm trung xuất hình ư ngoại".
Phẩm song yếu của Pháp Cú cũng dạy:
10/ Ai rời bỏ uế trược
Giới luật khéo nghiêm trì
Tự chế, sống chơn thật
Thật xứng áo cà sa
Ban Hướng Dẫn Phật Tử, vị đứng đầu ngành phải ý thức trọng trách mô phạm của mình ở cương vị đang có. Chư Tăng đủ uy tín thì đức tin tín chúng mới được kiên cố.Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:
“Trước hết tự đặt mình
Vào những gì thích đáng
Sau mới giáo hóa người
Người trí khỏi bị nhiễm”
(PC-158)
F/ MỤC ĐÍCH CỦA GIÁO DỤC
Tóm lại, giáo dục là hệ thống định hướng truyền đạt với một mục tiêu nhất định. Một khi thực hiện việc giáo dục, thành quả tiếp biến là tiếp thu, hoán cải, sáng tạo và nâng cao tầm hiểu biết, sự nhận thức, biến thành chất liệu chuyển hóa nhân cách. Ngoài phương cách giáo dục như áp đặt, nhồi sọ, từ chương, hoặc hỗ trợ sự sáng tạo bằng cách gợi ý, hướng dẫn truy nhập kiến thức, truy tầm tài liệu hướng đến sự tốt đẹp và lợi ích cộng đồng, lợi ích cho nhiều thế hệ, bổi đắp sự hiều biết theo chiều hướng mới; giáo dục đôi khi bị những khuynh hướng đen tối lợi dụng để truyền đạt những phẩm chất xấu, nguy hại, bạo động. Vì thế, trong phạm vi tôn giáo, tín ngưỡng trở thành một hệ quả của quá trình thâm nhiễm nền giáo dục đạo đức tối yếu, đôi khi, từ nền giáo dục đạo đức chân chánh vượt khỏi phạm trù tín ngưỡng, chúng trở thành một hình thức đạo đức tổng thể của loài người - đó là lòng từ bi, tình thương vô điều kiện, không biên giới. Đức Thánh thiện Đạt Lai Lạt Ma nói:
"Không nhất thiết phải theo một tôn giáo nào mới biến cải được tâm thức mình. Dù tin hay không tin vào tôn giáo thì bất cứ một con người nào cũng đều có thể biến cải tâm thức mình. Dù rằng các truyền thống tâm linh có đưa ra các phương tiện giúp đạt được mục đích ấy, thì đấy không phải là con đường duy nhất buộc mình phải theo.
Chính vì lý do thật dứt khoát ấy nên tôi vẫn thường quảng bá về một "nền tảng đạo đức ngàn năm" có thể áp dụng cho tất cả mọi con người, dù có đức tin hay không"
Và: "Tất cả mọi chủ trương đặc thù về tôn giáo hay văn hóa đều đi đến chỗ lỗi thời, chính vì thế nên tất cả mọi người mới có thể đến gần với nhau trên một nền tảng đạo đức phi tôn giáo, được thiết lập dựa vào các nguyên tắc nhân bản mang tính cách toàn cầu hơn.
Đấy mới đúng là một cuộc cách mạng đích thực dựa trên những phẩm tính của con người như lòng từ bi, tình thương yêu, lòng khoan dung, sự kính trọng và biết ý thức trách nhiệm của mình."
Đây là một mẫu đối thoại ngắn giữa Thần học gia người Brazil, Leonardo Boff, và Đức Đạt Lai Lạt Ma:
“Hãy suy tư cẩn thận vì TƯ TƯỞNG sẽ biến thành LỜI NÓI,
Hãy ăn nói cẩn thận vì LỜI NÓI sẽ biến thành HÀNH ĐỘNG,
Hãy hành xử cẩn thận vì HÀNH ĐỘNG sẽ biến thành THÓI QUEN,
Hãy chú trọng THÓI QUEN vì chúng hình thành NHÂN CÁCH,
Hãy chú trọng NHÂN CÁCH vì nó hình thành SỐ MỆNH,
Và SỐ MỆNH của anh sẽ là CUỘC ĐỜI của anh.
… và …
Không có TÔN GIÁO nào cao trọng hơn SỰ THẬT."
Đó là những thành quả cơ bản của quá trình giáo dục có định hướng thánh thiện trong một tôn giáo chân chánh. Tuy nhiên cũng cần có sự tương liên giữa gia đình - xã hội - môi trường giáo dục của tôn giáo và kế hoạch tác động của "ban hướng dẫn Phật tử". Giáo dục thế học đang mằn mò tìm kiếm một phương án giáo dục mới cho tương thích trình độ kiến thức thời đại, thì "Ban hướng dẫn Phật tử nói riêng và Phật giáo nói chung cũng cần định hình về hiệu quả một lối giáo dục mới để thoát khỏi lối mòn giáo dục truyền thống thiếu hiệu quả và xơ cứng, nhàm chán!
Việc giáo dục của thế học giúp con người thoát khỏi ngu dốt, lạc hậu, đói nghèo, bất công, bạo lực, vẫn còn lẫn quẩn trong khổ đau sanh tử cho dù sống trên mọi tiện nghi vật chất, thì giáo dục của Phật giáo, ngoài việc cung ứng kiến thức về giáo lý, truyền đạt cốt tủy của Phật học, còn hướng đến giúp cho nhân thân mỗi tín đồ là một mẫu sống an lạc, tự tại giữa bao ràng buộc của gia đình và xã hội. Nếu chưa đủ điều kiện đi đến giải thoát như các bậc xuất sĩ, thì an lạc ngay hiện tại chứ không phải đợi đến kiếp sau.Được như thế, việc giáo dục Phật học không biến người tín đồ thành kẻ thế trí biện thông chuyên lộng ngôn hý ngữ.
"Theo quan điểm KRISHNAMURTI ông cho rằng giáo dục không chỉ là một vấn đề huấn luyện tâm trí.Huấn luyện đưa tới hiệu năng nhưng không toàn vẹn, chỉ kéo thêm quá khứ, và một tâm trí như vậy có thể chẳng bao giờ khám phá ra được điều mới mẽ nào cả, đó là do đâu mà tìm kiếm những gì là nền thích đáng. Là một nhà tư tưởng lãnh đạo tinh thần phương Tây, ông đã ngao ngán với kiểu giáo dục con người bằng vật chất và máy móc, bằng giáo điều và quy luật. Với mục đích như vậy chỉ đem đến sự bất toàn và vô hiệu, ông cũng đề ra mục đích giáo dục để đem lại sự hòa điệu, sự khám phá và phát minh, sáng tạo những cái mới, bằng tinh thần vô tư và tự giác. Ông cho rằng phải tự đánh thức trí thông minh của mình bằng cách khảo sát cái tự tri là một điều quan trọng và cần yếu. Cũng như hoa hồng đang khoe sắc rực rỡ bên bờ suối dưới ánh nắng ban mai, nó đẹp thật hồn nhiên đến lạ lùng, khi ta chưa có một ý niệm nào biểu thị về nó và gán ghép cho nó có một ý nghĩa riêng."
Sở dĩ xã hội từng đạt đến một mục đích của giáo dục mà sự khổ đau vẫn tồn tại, vì việc giáo dục của thế tục đã đánh mất tinh túy cá nhân để chạy theo mục tiêu của xã hội, hay nói một cách khác, làm tăng trưởng bản chất xấu của cá nhân khi có tham vọng đạt đến một nhu cầu vật chất và ảo ảnh của hạnh phúc. Còn cố gắng đạt đến một xã hội công bằng thịnh vượng giàu sang mà hư chất trong mỗi cá nhân chưa được hóa giải thì vẫn là một xã hội tồn tại trên núi lữa khổ đau, đó vẫn là mầm móng của bạo loạn.
HT. Thích Thiện Siêu nhận định trong bài viết: "Bàn về mục tiêu của Giáo Dục Phật Giáo": "Bao lâu ý nghĩa hạnh phúc chưa được xác lập thì xã hội còn phải mò mẫn phương hướng phát triển. Lịch sử đã ghi nhận bao nền văn minh đã sụp đổ vì những mục tiêu sai lạc trong phương hướng phát triển... chiến tranh, đói nghèo, bệnh tật suy thoái đạo đức, ô nhiễm môi sinh... là kết quả của những sai lạc ấy.Giáo dục phải chia sẻ trách nhiệm và xã hội trước những hậu quả gây khổ đau khôn lường đó".
Vì vậy, giáo dục nhà Phật không những không đánh mất tinh túy của con người mà còn triển khai bản chất cao đẹp tự thân tương thích với hoàn cảnh sống theo luật hỗ tương giữa con người và xã hội với chiều hướng phát triển tốt đẹp. Trong sự giáo dục đó luôn liên kết với huyết thống gia tộc, truyền thống tâm linh và quy tắc tập quán của xã hội. Quan trọng là sự giáo dục con người theo khuynh hướng nào, ích kỷ hay vị tha? Do không định hướng đúng mức, xã hội đã sanh ra lắm giai cấp, đảng phái chủ thuyết, đưa đến bạo loạn. Do quan điểm "sống là tranh đấu" và "đấu tranh giai cấp" với đạo đức của học thuyết mà xã hội bị đánh mất đạo đức nhân tính. Đức Phật đã thấy nguy cơ của những giáo lý, học thuyết chia rẽ con người, chia rẽ xã hội, nên ngài tuyên bố - tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, hay vạn vật đồng nhất thể để xóa mọi ranh giới cố chấp đem lại khổ đau cho cuộc sống. Giáo dục theo Phật giáo nhằm đem lại sự cảm thông, hiểu biết lẫn nhau, biết hy sinh, vị tha và tánh buông xả, biết khơi dậy những ưu điểm cá nhân có lợi cho mình và cho mọi người. Những tập khí huân tập trong quá khứ hay hiện kiếp, sẽ được chắt lọc và điều hướng theo khuynh hướng từ bi, trí tuệ và nhân hậu, phát triển cái thiện, chế ngự chuyển hóa cái ác. Cuộc sống luôn vận hành, những kiến thức thu nhập hoặc truyền đạt bị khô cứng sẽ biến thành tác nhân nguy hại. Do vậy, ngoài việc truyền đạt những giáo lý nền tảng, học chúng còn được đánh thức và khuyến khích tính "tự giác" để trở thành bông hoa "tự ngộ" khai nở cá biệt giữa biển giáo lý mênh mang của nhà Phật. Tự làm chủ thân-khẩu-ý là mục tiêu giáo dục của phật giáo, học chúng, hành giả không tự đánh mất mình bởi những ngoại duyên, xây dựng được những viên gạch nền tảng như thế là một thành công của các ban ngành Phật giáo nói chung và ban hướng dẫn Phật tử nói riêng. "Thắng muôn vạn quân không bằng tự chiến thắng mình, tự chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất". Đó là câu nói được kết tinh bởi bao vấp ngã đau thương trước khi giác ngộ thực tế trong cuộc sống.
Với giá trị ưu việt của nền giáo dục Phật giáo, không riêng Albert Einstein mà Herbert George Wells (1866 - 1964) nhà cải cách xã hội, sử gia triết học người Anh đã nhận định: "Phật giáo mang lại sự tiến bộ cho thế giới văn minh và văn hóa chính đáng nhiều hơn bất cứ ảnh hưởng nào khác trong tiến trình nhân loại".
"Sự nghiệp giáo dục chỉ có thể thành công chừng nào sự nghiệp ấy trở thành ý thức và trách nhiệm chung của tất cả mọi người. Thiếu mất ý thức và trách nhiệm này, chúng ta không thể nói đến giáo dục hay xây dựng một môi trường tốt đẹp cho con người". HT T. Minh Châu đã nói.
Thái Hư đại sư (1889 - 1947) đã nói: “Nhân thành tức Phật thành”.
Kết luận:
Giáo dục Phật giáo khởi xuất lúc đức Thế Tôn truyền đạt cho năm anh em Kiều Trần Như tại vườn Nai, từ đó, huấn giáo được triển khai cho mọi tầng lớp xã hội, giáo dục làm người, làm trời, làm Phật qua nhiều ẩn dụ, trực chỉ, khuyến hóa, vấn đáp, tự thuyết suốt 49 năm không ngơi nghỉ. Các thế hệ kế thừa luôn cung ứng cho xã hội và nhân loại những bậc chân đức thánh thiện vị tha mà lấy đức từ bi làm nền tảng và trí tuệ làm đuốc soi với trái tim cháy bỏng. Từ đó, cho ta thấy giáo dục phật giáo không chỉ sản sanh những con người có khối óc mà lẫn trái tim. Theo Platon, giáo dục Phật giáo là con đường đưa con người đến một viễn cảnh của sự toàn chân, toàn thiện và toàn mỹ.
Ban hướng dẫn Phật tử chọn mục tiêu nào để hoàn thành sứ mạng của mình???
MINH MẪN
12/9/2015