Tôi là một Ni sinh, hiện đang học Trường TCPH TP.HCM. Trước đây, khi học xong chương trình phổ thông, huynh đệ và bạn bè đều khuyên thi đại học (các trường đại học bên ngoài) nhưng tôi nghĩ học đạo ở các trường Phật học là đủ rồi nên vẫn giữ quyết định của mình. Đến nay, được tin sư chị thi đậu đại học thì vừa mừng cho chị ấy, vừa cảm thấy tủi cho bản thân mình. Đôi khi, trong lòng cũng gợn buồn vì huynh đệ và gia đình có phần xem tôi là người thất bại trong chuyện học hành. Trong bối cảnh các Tăng Ni trẻ hiện nay học hành tất bật ở cả trường đạo lẫn trường đời, cả trong nước lẫn ngoài nước khiến tôi phân vân không biết quyết định trước đây của mình là đúng hay sai?
ĐÁP:
Chuyện tu và học của người xuất gia trẻ vốn rất quan trọng. Bởi những thành tựu trong sự nghiệp tu học về sau phần lớn dựa trên nền tảng của sự phấn đấu, nỗ lực khi đang còn tuổi trẻ. Vì thế, ưu tư về sự tu học của cô trong hiện tại là cần thiết và thật đáng trân trọng.
Trước hết, cô phải xác định sứ mạng của người xuất gia là thượng cầu, hạ hóa hay tự độ, độ tha. Do đó, mọi sự phấn đấu của tự thân đều phải gắn liền với các tiêu chí này. Nếu đi lệch với định hướng giải thoát và độ sanh thì xem như mọi sự cố gắng của người tu sẽ chỉ là “dã tràng xe cát” mà thôi.
Là người tu Phật, điều cần yếu nhất, ưu tiên hàng đầu là học Phật để tự tu, tự độ.Học để hiểu rõ giáo lý, nắm vững phương pháp tu hành nhằm ứng dụng vào thực tiễn của tự thân để chuyển hóa phiền não. Sẽ đáng buồn và thiệt thòi cho những ai tu tập mà không am tường giáo điển cùng với các kỹ năng tu tập, thực hành thiền định. Và như thế, hiện tại cô đang theo học Phật để kiện toàn nhận thức về Phật pháp, phương thức tu hành là hoàn toàn đúng đắn.
Mặt khác, với một người xuất gia trẻ, sau khi tốt nghiệp phổ thông bước ngay vào đại học (ngoài) mà chưa trang bị một kiến thức nền về Phật học (sơ, trung cấp chẳng hạn) thì chưa hẳn đã là điều hay. Hiện khá nhiều vị bổn sư trăn trở về điều này trong việc định hướng học hành cho đệ tử và hầu hết chư vị đều cho rằng cần phải kinh qua những khóa đào tạo căn bản Phật học, sau đó mới theo học bên ngoài. Điều này thật ra cũng không mới mẻ gì bởi Luật Trường hàng, nền tảng cho mọi người xuất gia, đã khẳng định.
Như thế, việc học của cô hiện đang đi đúng hướng và con đường học hành vẫn thênh thang trước mặt. Nghĩa là sau khi học xong trung cấp Phật học, nếu muốn học thêm thì cô thi vào học viện Phật giáo và sau đó có thể theo học thạc sĩ hay tiến sĩ ở nước ngoài hoặc vào một đại học nào đó vẫn chưa muộn.
Nhưng cô phải luôn tâm niệm rằng sự học hành (đạo lẫn đời) chỉ là phương tiện để trợ duyên cho tu tập, là thứ yếu; tu hành, chuyển hóa tự thân mới là điều chính yếu.Thực tế cho thấy, một người tu có thể không có những học vị cao nhưng nhờ công năng tu hành vẫn tu tập, hoằng hóa, độ sanh hiệu quả.
Ngoài ra, cần phải giữ lập trường trước dư luận, khen chê. Không ai hiểu rõ và thương mình bằng chính mình, vì thế tự thân phải biết chọn lựa và quyết định cho tương lai tu học của chính mình theo Chánh pháp. Chúng tôi nghĩ rằng, chỉ cần thông suốt giáo điển và phát triển công phu, dụng công tu tập thực sự thì (trong chừng mực nào đó) đã đầy đủ phương tiện tự độ và độ tha. Tất nhiên, có thêm kiến thức thế học để trợ duyên thì càng tốt.
Trong xu thế học hành tưng bừng và sôi động của những người xuất gia trẻ hiện nay là một tín hiệu đáng mừng về mặt tri thức nhưng điều đó chưa phản ánh rõ rệt cũng như khẳng định thành tựu Giới- Định-Tuệ, sự nghiệp then chốt của người học Phật. Một người xuất gia trẻ cần phải xác định mục tiêu và lập trường tu học của mình là giác ngộ, giải thoát và hoằng hóa, lợi sanh. Trong đó, Giới-Định-Tuệ là định hướng, tiêu điểm để phấn đấu, hướng đến và thành tựu.
Một khi đã nắm vững mục đích, con đường tu tập rồi thì chuyện học gì, lúc nào, ở đâu hay bổ trợ, kiện toàn các pháp phương tiện nói chung là tùy duyên. Con đường tu học của mỗi người tùy theo nhân duyên và nghiệp lực mà có khác nhau nhưng không ngoài mục tiêu giải thoát. Cô đã xác định được con đường và hướng đi đúng đắn cho chính mình, vậy thì cứ vững tin và tiến bước.