Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thảo luận về Đại Thiên (2)

08/04/201312:39(Xem: 4981)
Thảo luận về Đại Thiên (2)

Đại Thiên là ai ? (2)

Giác Dũng

Thân gởi Thầy Hạnh Bình, tôi nghĩ cuộc thảo luận giữa tôi và Thầy có thể kéo dài nên để tiện việc theo dõi, tra cứu, từ nay trở đi, tôi sẽ đánh số thứ tự các bài viết tiếp theo của tôi. Trước khi đi vào thảo luận, tôi đề nghị chúng ta cần có một quy ước rõ ràng và tuân thủ quy ước đó trong suốt qúa trình thảo luận. Có như thế cuộc thảo luận mới mang tính chất khoa học, tìm hiểu sự thật chứ không phải là cuộc cãi vã qua lại vô ích. Tôi đề nghị ba quy ước như sau :

  1. Nói lời chân thật : “Đúng” nói “Đúng”, “Sai” nói “Sai”
  2. “Nói có sách mách có chứng”
  3. Trình bày rõ quan điểm của mình trước và sau bài viết

Ba điều này tôi tạm gọi là Ba Quy ước. Ngoài ra, thấy cần thêm điều nào, xin thầy góp ý. Trước khi đi vào nội dung thảo luận chính, tôi giải thích cặn kẽ Ba Quy ước này.

1.Nói lời chân thật : “Đúng” nói “Đúng”, “Sai” nói “Sai”

Trong Lá thơ gởi cho tôi vào ngày 25/12/2007 (sẽ viết tắt : Lá thơ 25/12), thầy viết : “Thầy (tức giác dũng) được phép làm theo suy nghĩ của mình, nhưng không nên nói :“Chỉ có tôi là đúng, người khác sai.””. Ở đây tôi thấy cần nói hai điều.

Điều thứ nhất : Nếu như tôi có phê bình tác phẩm Nghiên Cứu, về phong cách nghiên cứu của thầy thì tất cả những lời nhận định, phê bình đó đều đáp lại lời kêu gọi tha thiết, lời mong mỏi chân thành của thầy trong ‘Lời nói đầu’ của Nghiên Cứu và được thầy trích dẫn một lần nữa trong Lá thơ 25/12 : “Mặc dù rất cố gắng khi viết tác phẩm này, nhưng khó tránh những lầm lỗi. Nơi đây tôi rất mong được sự góp ý của các bậc thiện tri thức.”. Trong Nghiên Cứu, thầy tha thiết kêu gọi các bậc thiện tri thức chỉ ra những ‘lầm lỗi’ của Nghiên Cứu. Trong khi đó, trong Lá thơ 25/12, thầy lại ghi : “nhưng không nên nói :“Chỉ có tôi là đúng, người khác sai.”. Không sai thì làm sao có lầm lỗi ? Nếu không nói thầy sai thì làm sao chỉ ra được ‘lầm lỗi’ của thầy? của Nghiên Cứu. Nếu Nghiên Cứu không sai, không lầm lỗi thì tại sao các quyển sách trước của thầy không ai phê bình, không có bài viết nào phản bác mà quyển Nghiên Cứu có tới ít nhất hai bài phê bình? Nếu Nghiên Cứu không sai, không lầm lỗi thì tại sao có tới hai người phản bác trong khi bài viết về lịch sử Phật giáo Việt Nam của giáo sư Nguyễn Tài Thư chỉ có một người phản đối? Thầy không sai, không lầm lỗi trong Nghiên Cứu thì tại sao Lá thơ 25/12 có ít nhất hai chỗ thầy nhận khuyết điểm[1]và ít nhất hai chỗ thầy cám ơn tôi[2]? Nếu không nhờ người khác nói thẳng, nói thật, chỉ ra chỗ sai của mình thì làm sao mình thấy được lầm lỗi của mình? Bởi vì không ai chỉ ra chỗ sai của thầy, thầy không thấy được chỗ sai của mình nên trong tác phẩm Đạo Phật (II. 2006, tr.44)[3]thầy đã lặp lại nhận định sai lầm về tư liệu của Đại Chúng bộ :“Kế đến là nguồn tư liệu của Phật giáo Đại chúng bộ. Ở đây, chúng ta cần hiểu rằng, Phật giáo Đại chúng bộ không phải là Phật giáo Đại thừa, nhưng tư tưởng Phật giáo Đại chúng bộ là nguồn gốc để hình thành tư tưởng Phật giáo Đại thừa nhưng đáng tiếc nguồn tư liệu của Phật giáo Đại chúng bộ đã bị thất lạc[4], hiện nay chúng ta chỉ có thể ngang qua những kinh điển của Phật giáo Đại thừa để tìm hiểu về tư tưởng của Phật giáo Đại chúngmà thôi[5].” .Lại nữa, nếu nhận định của thầy không sai tại sao thầy không ra sức bảo vệ nhân vật Đại Thiên Tổ 100 SN?

Điều thứ hai : Tôi biết câu này là lời dạy của đức Phật nhưng rất tiếc thầy đã trích dẫn và áp dụng một cách máy móc, không đúng chỗ. Câu này đúng trong cuộc sống giao tế hàng ngày :“bằng mặt không bằng lòng”, đúng trong phạm trù ý niệm nhưng không đúng trong nghiên cứu khoa học, không đúng trong phạm trù sự việc. Lời dạy của đức Phật thực sự đem lại hạnh phúc và an lạc cho chúng sanh khi và chỉ khi hội đủ hai yếu tố : Khế lý và khế cơ : Phải hợp với chân lý và phải hợp với căn cơ chúng sanh, phải hợp với hoàn cảnh, không gian và thời gian. Nhân sâm không phải là thuốc độc nhưng nhân sâm được sử dụng không đúng hoàn cảnh sẽ giết chết người. Đó là trường hợp :“Phúc thống phục nhân sâm tắc tử.” : Đau bụng uống nhân sâm thì sẽ chết. Phép quán bất tịnh do đức Phật dạy có thể đem lại hạnh phúc an lạc cho chúng sinh nhưng không phải lúc nào cũng có thể đem phép quán bất tịnh ra chỉ dạy cho chúng sinh được. Còn bây giờ, trong cuộc thảo luận giữa tôi và thầy, cần phải áp dụng đúng lời dạy của đức Phật : “Phải nói, phải viết lời chân thật”. Câu này mới đúng trong hoàn cảnh thảo luận giữa tôi và thầy. Tóm lại, câu của thầy trích dẫn chỉ đúng trong trường hợp tranh luận một đề tài thuộc về phạm trù ý niệm, không đúng trong trường hợp tranh luận một đề tài thuộc phạm trù sự việc.

- Thế nào là ý niệm? Có một con mèo trước mặt tôi và thầy. Thầy nói “Con mèo này đẹp.”. Tôi nói :”Con mèo này xấu.”. “đẹp” và “xấu” ở đây thuộc về phạm trù ý niệm, suy tư, nhận định, tư tưởng... của mỗi cá nhân. Ý niệm của mỗi cá nhân thì tùy thuộc vào nghiệp cảm duyên khởi, môi trường xã hội, sự giáo dục của gia đình,... mà hình thành nên. Do đó, mỗi người có một ý niệm, một nhận định, một suy tư, một cảm nghĩ, một quan điểm, ... khác nhau, không ai giống ai. Có như thế mới là xã hội, mới là một thế giới trăm hồng ngàn tía, muôn hình muôn vẻ, trùng trùng duyên khởi. Trong trường hợp thuộc về ý niệm này, câu “Không nên nói :Chỉ có tôi là đúng, người khác sai.” là đúng, hoàn toàn đúng. Không phải chỉ có Phật giáo mà xã hội xưa nay vẫn sống theo tiêu thức này. Nói cách khác, tự do phải được bảo đảm trong phạm trù ý niệm. Có như thế thì con người mới có thể phát huy tư duy, sáng tạo của mình và mới đúng nghĩa là con người. Nếu như có sự phán quyết đúng sai trong phạm trù ý niệm thì con người trở thành kẻ nô lệ cho một ý thức hệ và đó là con đường diệt vong của nhân loại vì con người không còn cơ hội phát triển bẩm chất cao qúy, thiêng liêng của mình. Đó là sự nguy hiểm, rất nguy hiểm. Nhưng ở đây, sự thảo luận giữa tôi và thầy hoàn toàn không thuộc phạm trù ý niệm. Nó thuộc phạm trù sự việc.

-Thế nào là sự việc ? Có một con mèo màu đen trước mặt tôi và thầy. Thầy nói :“Con mèo này màu đen.”. Tôi nói :“Con mèo này màu trắng.”. Như vậy, “mèo màu đen” hay “mèo màu trắng” bây giờ không còn là ý niệm nữa mà là sự việc. Sự việc có thể là một nhân vật, một sự kiện, một sự vật,... hiện hữu : có thể cân, đong, đo, đếm,... được. Không ai muốn nói gì thì nói. Đối với sự việc, chỉ có “đúng” và “sai” chứ không thể “không đúng”, “không sai” như trong phạm trù ý niệm. Phạm trù sự việc đi theo một con đường nhất định chứ không thể phát triển một cách tự do như trong phạm trù ý niệm. Trong phạm trù sự việc phải chấp nhận hoặc “đúng” hoặc “sai” thì chân lý mới phát hiện và nhân loại nhờ đó mà phát triển. Khoa học tự nhiên phát triển trên tiêu chí này. Ngay trong lãnh vực khoa học tự nhiên, luôn luôn có sự tái đánh gía lại các công trình nghiên cứu, các thành qủa khoa học trước đó. Trong qúa trình tái đánh gía, cái nào khiếm khuyết thì bổ xung, cái nào sai thì phủ định, cái nào đúng thì khẳng định, có thái độ rõ ràng, dứt khoát. Nhờ thế mà văn minh nhân loại mới được phát triển. Còn công việc giữa tôi và thầy đang thảo luận thuộc lãnh vực khoa học xã hội. Sự nghiên cứu trong khoa học xã hội không có công cụ cân, đong, đo, đếm,...minh bạch rõ ràng như trong khoa học tự nhiên nên xác xuất sai lầm của nó khá lớn. Do đó, luôn luôn cần có sự tái đánh gía đối với các công trình nghiên cứu trong lãnh vực này nói chung, trong nghiên cứu Phật học nói riêng mà cụ thể là về nhân vật Đại Thiên. Cũng trong chiều hướng này, quan điểm của học gỉa André Bareau, cụ thể là quan điểm về Đại Thiên Tổ 137 SN cần phải được đánh gía lại. Thực ra việc này không phải bây giờ tôi mới đưa ra mà các học gỉa trước giờ vẫn theo nguyên tắc này. Cụ thể, pháp sư Ấn Thuận nói rõ ngài Huyền Tráng đã sai khi nhận định có hai Đại Thiên (tôi sẽ đề cập vấn đề này ở sau)[6]. Hơn nữa, “Đúng” nói “Đúng”, “Sai” nói “Sai” chính là “chân thật ngữ”, chính là lời dạy của đức Phật.

2. “Nói có sách mách có chứng” : Phải ghi đầy đủ xuất xứ của luận điểm, đoạn văn mà mình trích dẫn, dẫn chứng.

Trong Lá thơ 25/12, sau khi trích dẫn nguyên văn quan điểm của học gỉa André Bareau, thầy viết :“Sự dẫn chứng trên không mang ý nghĩa kéo bầy kéo lũ ‘Thấy người sang bắt quàng làm họ’ để bảo vệ ý kiến của tác giả.”. Không. Tôi không đồng tình cách viết này. Trong nghiên cứu khoa học và nhất là trong cuộc thảo luận, chúng ta không nên viết như thế. Ngược lại, như là một quy tắc, chúng ta cần phải trích dẫn một cách đầy đủ quan điểm, luận thuyết của tất cả các công trình nghiên cứu, các học gỉa khác để bảo vệ quan điểm; luận thuyết của mình. Tôi nhắc lại tôi tán thành việc thầy trích dẫn quan điểm của học gỉa André Bareau và đặc biệt có ghi xuất xứ rõ ràng. Nhưng tôi không chấp nhận cách viết chỉ ghi tên một số học gỉa như thầy ghi :“Từ những căn cứ trên chúng ta có thể nói lên điều: 5 việc chính là 5 việc của Đại Thiên, điều mà tác giả cuốn NC5VĐT đã nghiên cứu và nhận xét, nó không phải là người nhận xét đầu tiên cũng không phải là người nhận xét duy nhất, mà nó còn được học giả Andre Bareau, Ấn Thuận, Lữ Trưng, Thánh Nghiêmcũng có nhận định như thế.”. Bởi vì khi xem lại, và cũng như tôi sẽ trích dẫn toàn bộ quan điểm của ba học gỉa này dưới đây, quan điểm của học gỉa Lữ Trưng, pháp sư Ấn Thuận và nhất là pháp sư Thánh Nghiêm hoàn toàn trái ngược với kết luận của thầy trong Nghiên Cứu cũng như trong Lá thơ 25/12. Họ phủ nhận nhân vật Đại Thiên Tổ 100 SN và đặc biệt pháp sư Ấn Thuận còn nói rõ rằng ngài Huyền Tráng đã sai lầm khi nhận định có hai Đại Thiên. Nên sử dụng tư liệu gốc. Tránh sử dụng bản dịch, bản photo (như thầy đã phạm phải sai lầm văn bản nghiêm trọng khi sử dụng bản photo “Dị bộ tông tinh thích” (sẽ viết tắt Dị Bộ Thích), một bản photo thiếu đầu thiếu đuôi). Được phép sử dụng tư liệu đăng tải trên mạng nhưng phải ghi rõ địa chỉ của trang Web đó.

3. Phải trình bày rõ quan điểm của mình trước và sau bài viết

Bài ‘Đại Thiên là ai ?’ của tôi chỉ có một mục đích duy nhất là phủ nhận Đại Thiên Tổ 100 SN. Thầy không đồng ý, viết Lá thơ 25/12 phản bác. Tôi nghĩ rằng thầy sẽ thảo luận với tôi về nhân vật Đại Thiên Tổ 100 SN nhưng không ngờ, thầy không đưa ra một chứng cứ gì để bảo vệ quan điểm của thầy mà lại đi chấp nhận thuyết Đại Thiên Tổ 137 SN của André Bareau. Điều đó có nghĩa thầy đã phủ định Đại Thiên Tổ 100 SN.

Tóm lại, tôi nghĩ rằng thầy có thể chấp nhận thảo luận trong khuôn khổ Ba Quy ước trên. Tuy nhiên, trong qúa trình thảo luận nếu thấy cần thêm, bớt thì chúng ta có thể thảo luận với nhau. Bây giờ tôi đi vào phần chính. Tôi nhắc lại quan điểm của tôi :

1. Chỉ có một dịch bản Tạng văn duy nhất thuộc Dị Bộ luận của ngài Thế Hữu. Đó là Gshung lugs kyi bye brag bkod pa'i 'khor lo như tôi đã ghi trong bài Đại Thiên là ai?

2. Phủ nhận Đại Thiên Tổ 100 SN như tôi đã trình bày trong bài ‘Đại Thiên là ai?’. Tôi nhấn mạnh quan điểm của tôi là phủ nhận Đại Thiên Tổ 100 SN được giới thiệu trong “Dị bộ tôn luân luận” (sẽ viết tắt : Dị Bộ luận) của ngài Huyền Tráng và “A tì đạt ma đại tì bà sa luận” (sẽ viết tắt : Bà Sa luận), được kết luận trong Nghiên Cứu chứ không phải phủ nhận Đại Thiên 100 SN (Đại Thiên này không phải là Tổ lãnh đạo Đại Chúng bộ. Đại Thiên này là nhân vật lịch sử.) trong các nguồn sử liệu Phật giáo khác. Xin thầy lưu ý cho và tôi cũng phủ nhận thuyết cho rằng Năm việc của Đại Thiên đưa đến phân phái gốc, phân chia thành Đại Chúng bộ và Thượng Tọa bộ.

3. Chân tướng của Đại Thiên ?

Bây giờ tôi đi vào chi tiết từng phần một.

1.Dịch bản Tạng văn thuộc Dị Bộ luận của ngài Thế Hữu

Trong Lá thơ 25/12, thầy có đề cập đến bản dịch Nhật ngữ từ Tạng văn của Dị Bộ Thích. Thầy đã đưa ra một tác phẩm không có xuất xứ, không đầy đủ và lại cho đó là bản dịch Tạng văn Dị Bộ luận của ngài Thế Hữu. Đây là lần thứ hai thầy phạm sai lầm nghiêm trọng về mặt văn bản học nếu không muốn nói là rơi vào sai lầm của trường hợp “người mù sờ voi”. Chứng tỏ thầy hoàn toàn không có kiến thức sơ đẳng về văn bản học[7]. Nói cụ thể, phần (không thể gọi là quyển, không thể gọi là một tác phẩm hoàn chỉnh) Dị Bộ Thích nằm trong tay thầy chỉ là một phần ba (nếu xét về mặt nội dung) và chỉ một phần mười (nếu xét về mặt số lượng) của dịch phẩm của Teramoto và tác gỉa của Dị Bộ Thích nó không phải là ngài Thế Hữu. Là một nhà nghiên cứu sử học, chuyên viết về lịch sử, tại sao thầy có thể dám tranh luận về văn bản học trong khi thầy không có văn bản hoàn hảo? Đây là điều tuyệt đố cấm kị trong nghiên cứu và trong tranh luận. Xin thầy chú ý cho. Tác gỉa của Dị Bộ Thích là Bhavya, không phải là Vasumitra (Thế Hữu). Xin thầy đọc kỹ lại bản đang nằm trên tay của thầy về thông tin này.

Trở lại vấn đề, tên dịch phẩm mà thầy ghi :“寺本婉雅等編譯註《異部宗精釋》” không tồn tại trong bất cứ thư viện nào trên thế giới vì nó không phải là tên dịch phẩm đầy đủ của Teramoto. Tên đầy đủ của dịch phẩm của Teramoto phải là : “寺本婉雅平松友嗣共編訳註《蔵漢和三訳対校異部宗輪論異部宗精釈異部説集》(Ở bìa sách, 異部宗輪論được in lớn hơn tất cả các từ khác.). Bản in đầu tiên : 1935, 黙働社; bản in lần thứ hai : 1974, 国書刊行会. Cả hai bản in đều có kết cấu như nhau tức dịch gỉa giới thiệu và dịch sang Nhật ngữ cả ba bản Tạng văn có liên quan đến sự phân phái của Phật giáo, cả ba tựa đề đều có mang từ ‘Dị bộ’. Bây giờ tôi đi vào chi tiết.

1.1 : Dịch bản Tạng văn của Dị Bộ luận :

Nghiên Cứu (I.2006, tr.2) ghi rõ tựa đề chữ Sanskrit của “Dị bộ tôn luân luận” là “Samayabheda-uparacana-cakra” chứ không phải là “Nikàyabhedavibhangavyàkhyàna”. Thực ra câu hỏi của thầy rằng có một hay hai dịch bản Tây tạng của Dị Bộ luận đã được trả lời gần 100 năm nay rồi. Cụ thể là vào năm 1912 khi Mochizuki bắt đầu biên tập bộ Phật học đại từ điển (mà các học gỉa Phật giáo Việt Nam thường gọi là Từ điển Vọng Nguyệt). Do đó, nó không mới mẻ gì đối với giới nghiên cứu Phật học. Trước khi giải thích, tôi đưa ra kết luận trước : “Chỉ có một dịch bản Tạng văn duy nhất thuộc Dị Bộ luận của ngài thế Hữu. Đó là bản mà tôi đã giới thiệu trong bài ‘Đại Thiên là ai?’”. Nay tôi ghi lại tựa đề bằng Tạng văn, chữ Sanskrit và cả tên tác gỉa (hai mục này tôi đã không ghi trong bài ‘Đại Thiên là ai?’). Tựa đề bằng Tạng văn : “Gshung lugs kyi bye brag bkod pa'i 'khor lo” (sẽ viết tắt : Gshung); tựa đề bằng chữ Sanskrit : “Samayabhedoparacanacakra” (sẽ viết tắt : Samaya); tác gỉa : Vasumitra (Thế Hữu).

Phật Quang (1989, tr.5155b)[8], ghi bản Sanskrit của Dị Bộ luận là “Samayabhedoparacanacakra”. André Bareau (2003, tr.27) cũng ghi giống như Phật Quang (1989, tr.5155b) :“2. Dị-bộ-tôn-luân-luận (Samayabhedoparaca-nacakra), của Vasumita (Thế Hữu) . Có một bản Tạng dịch và ba bản Hán dịch;”. Ở đây không thấy bóng dáng “Nikàyabhedavibhangavyàkhyàna” của thầy đưa ra. Còn Mochizuki ( 1973, Q.I, tr.169) ghi rõ tên Tạng văn Dị Bộ luận của ngài Thế Hữu là Gshung lugs kyi bye brag bkod pa'i 'khor lo (không phải là bản Sde pa tha dad par byed pa dan rnam par bshad pa của Thầy đưa ra). Như vậy qúa rõ ràng, chỉ có một dịch bản Tạng văn duy nhất thuộc Dị Bộ luận của ngài Thế Hữu : “Gshung lugs kyi bye brag bkod pa'i 'khor lo”. Còn dịch bản Dị Bộ Thích mà thầy đề cập trong Lá thơ 25/12 là gì? Dị Bộ Thích có tên chữ Tây Tạng như thầy đã ghi : “Sde pa tha dad par byed pa dan rnam par bshad pa” (sẽ viết tắt là Sde pa), chữ Sanskrit : “Nikàyabhedavibhangavyàkhyàna”, tác gỉa : Bhavya (có thể dịch là Thanh Biện hay Phân Biệt Minh, không thể dịch là Thế Hữu). Nếu thầy đem bản Sde pa của Bhavya so sánh với các dịch bản Hán văn Dị Bộ luận của ngài Thế Hữu thì mắc phải một sai lầm nghiêm trọng khác về văn bản học vì Bhavya không phải là Vasumitra. Về bộ phái thì bản Sde pa của Bhavya hoàn toàn không phải của Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ. Điều quan trọng hơn hết, từ trước đến nay, kể cả Teramoto, không ai làm công việc so sánh bản Sde pa của Bhavya với các bản Hán dịch của Vasumitra cả.

1.2 : Dịch bản Tạng văn Sde pa ?

Dịch bản Sde pa này cũng được André Bareau trích dẫn trong tác phẩm “Các bộ phái Phật giáo Tiểu thừa” (sẽ viết tắt : Các Bộ Phái). Bản dịch Sde pa có tên Dị Bộ Thích có ba chương thì lại thuộc ba bộ phái khác nhau : Đại Chúng bộ, Chánh Lượng bộ và Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ vùng Kashmir. Thuyết Đại Thiên 137 SN mà thầy trích dẫn trong Lá thơ 25/12, và André Bareau ghi là tư liệu của Chánh Lượng bộ do Bhavya ghi lại, chính là chương thứ hai của Dị Bộ Thích bản dịch Nhật ngữ đang nằm trên tay thầy, có số trang từ 8-17.

1.3 : Bản dịch Nhật ngữ Dị Bộ Thích :

Dị Bộ Thích chỉ là một 1/3 quyển sách của Teramoto xét về mặt nội dung. Quyển sách như tôi đã trình bày ở trên, tựa đề đầy đủ phải là : “Tạng Hán Hòa tam dịch đối hiệu Dị bộ tôn luân luận Dị bộ tông tinh thích Dị bộ thuyết tập” (sẽ viết tắt : Tam Dịch Đối Hiệu). Trong đây, Teramoto giới thiệu và dịch sang Nhật ngữ ba bản Tạng văn mà tựa đề đều có tên là Dị Bộ. Rất tiếc, người photo cho thầy đã không photo trọn vẹn tác phẩm. Tác phẩm nếu photo đầy đủ phải là 314 trang. Lại nữa, cách phân trang của tác gỉa rất khác với tất cả các cuốn sách khác nên phần photo của thầy chắc chắn bắt đầu từ trang 1. Do đó, thầy lầm tưởng Teramoto chỉ giới thiệu một bản Tạng văn duy nhất là Dị Bộ Thích.Nay tôi trình bày đầy đủ mục lục tác phẩm của Teramoto. Xin Thầy chú ý xem cách đánh số trang của Teramoto :

- Lời nói đầu 1-8

- Giải đề 1-18

- Lời bạt 1-2

- Phàm lệ 1- 3

1Hán Tạng tứ dịch đối hiệu Thế Hữu tạo Dị Bộ Tông Luân luận dịch chú 1- 86

2Tây Tạng sở truyền Bạt Tì Da[9]tạo Dị Bộ Tông Tinh thích dịch chú 1-34

3Tây Tạng sở truyền Điều Phục Thiên[10]tạo Dị Bộ Thuyết tập dịch chú 35-46

4Tây Tạng nguyên văn Thế Hữu tạo Dị Bộ Tông Luân luận 1-17

5Tây Tạng nguyên văn Bạt Tì Da tạo Dị BộTôngTinh Thích 18-39

6Tây Tạng nguyên văn Điều Phục Thiên tạo Dị Bộ Thuyết tập 40-46

- Dị bản đối chiếu Tạng văn nguyên văn hiệu đính biểu 1-9

- Tạng Phạn Hán các bộ phái đối chiếu danh xưng sách dẫn 1-2

- Tạng Hán Hòa đối chiếu từ vựng tinh kỳ bổ di 1-38

- Hán Tạng Phạn đối chiếu sách dẫn 1-7

- Phụ lục Tây Tạng sở truyền Dị bộ phân phái biểu 1-4

Tổng cộng có 314 trang và có tới 12 trang mang số 1 (tất cả số trang được đánh bằng chữ Hán). Chắc chắn bản photo trong tay thầy có mang số 1 và chỉ mang số trang từ 1 đến 34 chứ không phải 1 đến 46. Vì từ trang 35 đến 46 là bản dịch “Dị bộ thuyết tập” lại là một bộ khác cũng nói về phân phái Phật giáo nhưng không phải của ngài Thế Hữu mà là của Vinìtadeva : Điều Phục Thiên. Thầy chỉ có vỏn vẹn 34 trang trong một tác phẩm 314 trang, chỉ có 1/10 của tác phẩm mà dám đặt vấn đề tranh luận về văn bản học. Một việc làm qúa ư nguy hiểm ! Như vậy, tác phẩm Tam Dịch Đối Hiệu của Teramoto có ba bản Tạng dịch nói về sự phân phái của Phật giáo và André Bareau (2000, tr.49)[11]ghi theo thứ tự : “Vasumitra, Bhavya, Vinìtadeva.”.

- Bản của Vasumitra chính là bản của ngài Thế Hữu tức bản Gshung mà tôi giới thiệu, được dịch là “Dị bộ tôn luân luận”, thuộc Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ.

- Bản của Bhavya chính là bản của Thanh Biện tức bản Sde pa mà Thầy đưa ra, hiện thầy đang có trong tay bản photo, được dịch là “Dị bộ tông tinh thích”, một tác phẩm có ba chương lại thuộc ba bộ phái khác nhau.

- Bản của Vinìtadeva chính là bản của Điều Phục Thiên, tên chữ Sanskrit là Samayabhedoparacara Cakrasyanikàya bhedopadarsana nàmasamgraha, tên Tạng văn là Gshung tha dad pa rim par klag pai khor lo las sde pa tha dad pa bstan pra bsdur pa shes bya ba, được dịch là “Dị bộ thuyết tập”, thuộc Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ.

Nếu thầy có đủ toàn phần tác phẩm của Teramoto thì thầy sẽ thấy từ trang 1 đến trang 86, khi làm bản so sánh bốn bản dịch Dị Bộ luận của ngài Thế Hữu, Teramoto đã sử dụng bản Gshung mà tôi đưa ra chứ không phải bản Sde pa do thầy giới thiệu. Trong bài ‘Đại Thiên là ai?’, tôi đã viết rằng thầy “hoàn toàn không đề cập tới văn bản, không xử lý văn bản”. Sự việc đó càng được chứng minh qua bản photo của bản dịch Dị Bộ Thích này. Thật sự tôi rất buồn và rất hổ thẹn khi viết những dòng chữ này. Như tôi đã trình bày chi tiết và tỉ mỉ ở trên, bản dịch Tạng văn Dị Bộ luận của ngài Thế Hữu đã được xác định hàng 100 năm nay rồi, đã sáng như ban ngày, đã rõ như 1+1 : 2. Thế mà thầy hoàn toàn không hề hay biết, trong Lá thơ 25/12 thầy còn ghi :“Trở lại vấn đề, còn lại bản dịch của Tây Tạng mà Thầy Giác Dũng đã đưa ra trong bài phê bình của mình, với tôi đây là một tư liệu mới, tôi sẽ nghiêm túc nghiên cứu tư liệu này.”. Thật tôi không thể nào hiểu nỗiCần gì phải nghiên cứu cho to chuyện? Thầy chỉ cần bỏ ra 5 phút, tra bất cứ cuốn từ điển Phật học nào cũng có thể biết được thông tin đó. Tội nghiệp cho Phật giáo Việt Nam. Xót xa qúaCả việc Đại Thiên và Năm việc cũng vậy, đã được nhiều người nghiên cứu và đã nghiên cứu hàng trăm năm nay rồi chứ không phải bây giờ thầy là người đầu tiên viết về (không phải nghiên cứu) Đại Thiên. Thế mà bây giờ thầy lại viết lại những điều cũ rách, cũ nát, chẳng những không đúng mà sai và tầm bậy không thể tưởng tượng, không thể chấp nhận được, nhất là phần nói về tư tưởng của Năm việc, cho rằng A la hán là Phật, phủ nhận Nhất thiết trí của đức Phật, quay ra phỉ báng đức PhậtXót xa qúa

2.Phủ nhận Đại Thiên Tổ 100 SN

Đại Thiên Tổ 100 SN : Tổ : Tổ lãnh đạo Đại Chúng bộ. 100 SN : Sau đức Phật nhập niết bàn khoảng 100 năm.Nhân vật này, thầy Hạnh Bình ghi : “Đại Thiên là một nhà cải cách Phật giáo, là vị tổ lãnh đạo Đại chúng bộ, và cũng là người phát huy tinh thần Phật giáo Đại thừa; thế nhưng hơn hai nghìn năm qua, tư tưởng của Ngài đã bị các nhà Thượng tọa bộ làm mờ nhạt. Tác phẩm này nhằm làm sáng tỏ và phục hồi lại tư tưởng của Ngài.” (Nghiên Cứu[12], I.2006, bìa 4).

Trong Lá thơ 25/12, thầy viết : Tôi nghĩ Thầy có muốn bỏ hay không là quyền của Thầy, nhưng vấn đề lịch sử Phật giáokhông thể tùy thuộc vào ý niệm của thầy, nói bỏ là bỏ.. Thầy viết đúng, tôi hoàn toàn đồng ý nhưng xin hỏi thầy : Sự việc thầy tấn phong cho Đại Thiên 100 SN làm Tổ lãnh đạo Đại Chúng bộ thuộc “vấn đề lịch sử” hay “thuộc vào ý niệm”? Xin thầy lưu ý : Thế nào là vấn đề lịch sử Phật giáo? Vấn đề quan trọng là ở chỗ này. Bài ‘Đại Thiên là ai?’ tôi phủ nhận nhân vật Đại Thiên Tổ 100 SN chứ tôi không phủ nhận vấn đề lịch sử Phật giáo. Nói cách khác, những gì không thuộc lịch sử Phật giáo phải loại bỏ chúng, đừng thương tiếc. Đại Thiên Tổ 100 SN không phải là nhân vật lịch sử Phật giáo, không có dính dáng gì đến lịch sử Phật giáo, chưa từng tồn tại trong lịch sử Phật giáo. Đại Thiên Tổ 100 SN chỉ là bóng ma, một bóng ma không hơn không kém, sống lây lất, vất vưởng trong đêm dài, thật dài của vô minh, của tối tăm, của ngu muội, của điên đảo, của vọng tưởng : “Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn, tắt mặt trời lẩn thẩn tìm ra”. Đại Thiên Tổ 100 SN đã để lại một qúa khứ qúa ư lầm lạc trên con đường thiên lý viễn du hoang tưởng của những kẻ vọng tưởng, đảo điên, mặc áo cà sa của đức Phật lại quay ra phỉ báng đức Phật. Đại Thiên Tổ 100 SN chưa từng là một nhân vật lịch sử và càng không phải là nhân vật lịch sử của Phật giáo, một tôn giáo lấy giác ngộ làm cứu cánh, lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Hai nhân vật, hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Lại nữa, không phải chỉ có một mình tôi phủ nhận Đại Thiên Tổ 100 SN mà có rất nhiều học gỉa như tôi sẽ trình bày dưới đây, và đau đớn, xót xa hơn hết, trong số những người phủ nhận Đại Thiên Tổ 100 SN có cả thầy, người “đã bỏ một thời gian khá dài để tìm hiểu vấn đề”, đã làm cho “chân tướng hiển lộ”, đưa ra một công trình sáng gía mà hơn hai ngàn năm qua chưa ai làm được : “thế nhưng hơn hai nghìn năm qua, tư tưởng của Ngài đã bị các nhà Thượng tọa bộ làm mờ nhạt. Tác phẩm này nhằm làm sáng tỏ và phục hồi lại tư tưởng của Ngài.”,rồi còn phong cho ông ta lên làm Tổ lãnh đạo Đại chúng bộ nhưng cuối cùng thầy, chính thầy đã bỏ mặc Đại Thiên Tổ 100 SN, để ông ta chết một cách âm thầm, lạnh lẽo, bơ vơ không biết nương tựa vào đâu, thật đáng thương và muôn vàn tội nghiệp : “Đau đớn nhẽ không hương không khói, hồn ngẩn ngơ dòng suối rừng sim.”.

Trong Lá thơ 25/12, thầy ghi :“Từ những căn cứ trên chúng ta có thể nói lên điều: 5 việc chính là 5 việc của Đại Thiên, điều mà tác giả cuốn NC5VĐT đã nghiên cứu và nhận xét, nó không phải là người nhận xét đầu tiên cũng không phải là người nhận xét duy nhất, mà nó còn được học giả André Bareau, Ấn Thuận, Lữ Trưng, Thánh Nghiêmcũng có nhận định như thế.”.Tôi không hiểu tại sao thầy có thể viết được những dòng chữ như thế. Nói cách khác, đây là lần thứ hai thầy đưa ra bằng chứng ngụy tạo, chứng tỏ sự gian dối của người cầm viết. Như tôi sẽ dẫn chứng dưới đây, các học gỉa trên đều phủ nhận Năm việc của Đại Thiên, phủ nhận sự kiện do Năm việc của Đại Thiên làm phân chia bộ phái gốc giữa Thượng Tọa bộ và Đại Chúng bộ. Những gì các học gỉa này kết luận hoàn toàn trái ngược với kết luận của thầy trong Nghiên Cứu và cả trong Lá thơ 25/12. Có rất nhiều học gỉa phủ nhận Đại Thiên Tổ 100 SN chứ không phải chỉ riêng mình tôi (thực ra nhân vật này chưa từng hiện hữu trong lịch sử Phật giáo) nhưng nay tôi chỉ nêu tên và dẫn chứng thuyết của các học gỉa mà thầy hoàn toàn quen biết, và thầy có đề cập trong Lá thơ 25/12 : Ngài Lữ Trưng, Pháp sư Ấn Thuận, Pháp sư Thánh Nghiêm, Hirakawa, Teramoto và sau cùng là André Bareau.

2.1. Học gỉa Lữ Trưng

Sở dĩ tôi chọn học gỉa Lữ Trưng đầu tiên vì ông là một học gỉa lớn trên thế giới, được chính thầy tán dương một cách trân trọng trong Lời giới thiệu bản dịch “Khái luận Phật học tư tưởng Ấn Độ” của Lữ Trưng : “"Khái luận tư tưởng Phật học Ấn độ" là một tác phẩm nghiên cứu Phật học của học giả người Trung Hoa Lữ Trưng . Quan điểm của ông đối với việc nghiên cứu Phật học là chính đáng, vì phương pháp nghiên cứu của ông gắn liền với sử học, nghĩa là tư tưởng và bối cảnh xã hội không thể tách rời nhau. Hiện tại, tuy ông đã qua đời nhưng tác phẩm của ông được xem như là một bó đuốc dẫn đường cho những ai say mê nghiên cứu Phật học, thậm chí người Nhật và người Tây Phương cũng phải kính nể về sự uyên bác Phật học của ông. Tuy ông chỉ để lại một vài tác phẩm , nhưng tư tưởng của ông đã nở rộ ở Đài Loan qua sự khai thác và kế thừa của Pháp sư Ấn Thuận. Có thể nói đây là một hệ thống, phương pháp mới đối với giới học thuật trên thế giới.”[13]. Tôi hoàn toàn đồng ý với thầy về nhận định này. Trong tất cả các bài văn, các quyển sách của thầy, tôi thấy đoạn này hay nhất, đúng nhất và chân thật ngữ nhất.

Thuyết của Lữ Trưng có liên quan đến bản dịch của ngài Huyền Tráng. Về ngài Huyền Tráng, trong Lá thơ 25/12, thầy có nêu câu hỏi: “Nếu như thầy căn cứ cách cộng trừ vừa rồi để giải đáp thì người hỏi cũng sẽ đưa ra lập luận rằng: Huyền Trang là một học giả lớn của Phật giáo Trung quốc, đứng về mặt thành tựu này Chân Đế không bằng, cho nên bản dịch của Huyền Trang là chính xác, bản dịch của Chân Đế mới là sai. Theo thầy nghĩ như thế nào về giả thuyết này?”. Thầy hỏi thì tôi phải trả lời : Câu hỏi này thật ngớ ngẩn. Thực tế là gì ? : “Thánh còn lầm”. Một điều quan trọng nữa, trong nghiên cứu khoa học, không có vấn đề lý lịch. Chỉ có tôn trọng lẽ phải, phủ nhận điều sai lầm. Điều này cũng được đức Phật dạy trong “Kinh Tăng chi bộ”: “ Đừng tin tưởng vào một điều gì vì văn phong. Đừng tin tưởng điều gì vì vin vào một tập quán lưu truyền. Đừng tin tưởng điều gì vì cớ được nhiều nói đi nhắc lại. Đừng tin tưởng điều gì dù là bút tích của thánh nhân. Đừng tin tưởng điều gì dù thói quen từ lâu khiến ta nhận là điều ấy đúng. Đừng tin tưởng điều gì do ta tưởng tượng ra lại nghĩ rằng một vị tối linh đã khai thị cho ta. Đừng tin tưởng bất cứ một điều gì chỉ vin vào uy tín của các thầy dạy các người. Nhưng chỉ tin tưởng cái gì mà chính các người đã từng trải, kinh nghiệm và nhận là đúng, có lợi cho mình và người khác. Chỉ có cái đó mới là đích tối hậu thăng hoa cho con người và cuộc đời. Các người hãy lấy đó làm chỉ chuẩn.”. Như vậy, chúng ta nên theo lời dạy của đức Phật, ai đúng thì chấp nhận, ai sai thì phủ nhận. Chỉ có thế thôi. Tôi nhấn mạnh, ở đây không phải tôi phủ định toàn bộ công trình dịch thuật vĩ đại của ngài Huyền Tráng. Xin thầy lưu ý. Bây giờ chúng ta hãy đọc thật kỹ những dòng chữ của học gỉa Lữ Trưng viết về nhân vật Đại Thiên và nguyên nhân đưa đến sự phân phái gốc trong Phật giáo.

Sau khi nói rõ : Do vấn đề thọ lãnh tiền bạc đã đưa đến sự phân phái gốc của Phật giáo diễn ra vào kỳ Kết tập 700 người, Lữ Trưng (1979, tr.26)[14]viết :“ Còn như thuyết của Dị Bộ luận của Bắc truyền cho rằng phân phái gốc phát sinh ngoài cuộc kết tập này, lại nói rằng nguyên nhân phân phái là do Năm việc của Đại Thiên mà phát sinh, lại nói rằng diễn ra vào thời vua A Dục thì không phù hợplại có sự sai lầm(thác ngộ) rõ ràng về niên đại.”. Lữ Trưng viết hoàn toàn khác với kết luận của thầy. Nếu muốn nói đúng, phải nói ngược lại : Kết luận của thầy trong Nghiên Cứu hoàn toàn trái ngược với Lữ Trưng. Ở đây Lữ Trưng ghi rõ Dị Bộ luận tức bản dịch của ngài Huyền Tráng chứ không phải tất cả ba bản dịch thuộc Dị Bộ luận hệ. Chỉ có bản dịch của ngài Huyền Tráng mới có thêm sự kiện phân phái gốc vào thời vua A Dục và do Năm việc của Đại Thiên. Bây giờ tôi trích dẫn tiếp nhận định của pháp sư Ấn Thuận về nhân vật Đại Thiên Tổ 100 SN trong bản dịch của ngài Huyền Tráng.

2.2: Pháp sư Ấn Thuận

Trong Lá thơ 25/12, thầy có hỏi : “Lại nữa, theo cách so sánh những bản dịch này của thầy, thầy có thể lý giải vấn đề tại sao hai bản dịch của Chân Đế không có nhân vật Đại Thiên ở lần tranh cãi về 5 việc sau Phật Niết bàn, nhưng riêng bản dịch của Ngài Huyền Trang thì lại thêm vào nhân vật Đại Thiên này không? Lý do tại sao? Huyền Trang được lợi gì ? Có ý đồ gì trong việc thêm này?”. Một câu hỏi rất hay, rất đúng logic trong phương pháp nghiên cứu. Câu hỏi này thuộc vấn đề xử lý văn bản. Khi đọc bất cứ văn bản nào, điều đầu tiên chúng ta phải tìm cho ra được ý đồ của tác gỉa hay dịch gỉa của tác phẩm hay dịch phẩm đó. Rất tiếc, ở đây thầy đã không cố gắng tiến thêm một bước nữa, tìm lời giải đáp cho câu hỏi mang tính khoa học này. Thầy đã bỏ qua một cơ hội thật đáng tiếc. Câu hỏi đó đã được pháp sư Ấn Thuận trả lời cách đây 56 năm rồi, cụ thể vào năm 1952, khi ngài in cuốn Phật Diệt lần thứ nhất.

Sau khi trích dẫn đoạn văn có liên hệ đến Đại Thiên và Năm việc của ba bản dịch Hán văn, theo thứ tự : Bản của ngài La Thập[15], ngài Chân Đế và ngài Huyền Tráng, Pháp sư Ấn Thuận1952, tr.35; 2000 số 22, tr.148ghi: “Tranh luận vào thời vua A Dục, bản dịch của ngài La Thập và ngài Chân Đế đều không ghi rõ là do Đại Thiên. Bản dịch của ngài Chân Đế ghi :“Năm nhân duyên của ngoại đạo”. Ngài Huyền Tráng dựa vào Bà Sa luận dịch thêm thành “Năm việc Đại Thiên”. Đại Thiên thật là Đại Thiên ngoại đạo xuất gia. Vì trong Bà Sa luận có ghi rằng “Đại Thiên là con của thương chủ” cho nên bản dịch của ngài Huyền Tráng phân chia một cách sai lầm(ngộ)thành ‘Đại Thiên con của chủ tàu’ và ‘Đại Thiên tặc trụ’.”. ‘Đại Thiên con chủ tàu’ mà pháp sư Ấn Thuận đề cập chính là Đại Thiên Tổ 100 SN của Dị Bộ luận hiện hữu trong bản dịch của ngài Huyền Tráng. Còn ‘Đại Thiên tặc trụ’ chính là Đại Thiên ngoại đạo xuất gia mà cả ba bản dịch Hán văn Dị Bộ luận đều nói tới, tức Đại Thiên 200 SN. Ở đây, Pháp sư Ấn Thuận đã nói thẳng là “ngài Huyền Tráng phân chia một cách sai lầm” chứ không nói úp mở gì cả. Trong nghiên cứu khoa học phải như thế, cần có một thái độ dứt khoát, rõ ràng, cái gì của lịch sử, trả về cho lịch sử. Đó mới là “chân thật ngữ”. Pháp sư Ấn Thuận cho rằng vì bị ảnh hưởng của Bà Sa luận mà ngài Huyền Tráng đã đi đến sai lầm này để tốn không biết bao nhiêu thời giờ và giấy mực của các thế hệ sau. Chúng ta có thể kiểm chứng lại thuyết của pháp sư Ấn Thuận một cách dễ dàng. Bà Sa luận được ngài Huyền Tráng dịch vào năm 656-659. Năm 662 ngài mới bắt đầu dịch Dị Bộ luận nên ngài bị ảnh hưởng truyền thuyết Đại Thiên Tổ 100 SN của Bà Sa luận là điều dễ hiểu, dễ nhận thấy.

2.3: Pháp sư Thánh Nghiêm

Pháp sư Thánh Nghiêm cũng chấp nhận thuyết này của ngài Lữ Trưng và Ấn Thuận tức loại bỏ hẳn nhân vật Đại Thiên 100 Tổ SN trong bản dịch của ngài Huyền Tráng. Trong mục ‘Hai nhân vật Đại Thiên’, Pháp sư Thánh Nghiêm (1999,tr.95)[16]viết : “ Tên chữ Phạn của Đại Thiên là Ma Ha Đề Bà. Tiểu sử của Đại Thiên thấy trong “Dị bộ tông luân luận”, “Thập bát bộ luận” và “Dị chấp bộ luận” đều ghi rằng sau khi đức Phật nhập niết bàn 200 năm có một người ngoại đạo tên là Đại Thiên xuất gia trong Đại Chúng bộ, ở tại núi Chi Đề(Caiyagiri), cũng có tên là núi Chế Đa, trong bộ Ma Ha Tăng Kỳ lại thành lập ba bộ.”. Như vậy, rõ ràng, đoạn này pháp sư Thánh Nghiêm đang tìm niên đại của Đại Thiên nhưng ngài đã không đề cập gì đến nhân vật Đại Thiên Tổ 100 SN trong bản dịch của ngài Huyền Tráng. Cho dù không nói thẳng rằng chấp nhận quan điểm của pháp sư Ấn Thuận nhưng với cách trích dẫn sử liệu như thế, rõ ràng pháp sư Thánh Nghiêm muốn nói rằng nhân vật Đại Thiên Tổ 100 SN trong bản dịch của ngài Huyền Tráng không thể tin tưởng, không thể chấp nhận. Chắc chắn ngài Thánh Nghiêm có đọc các tác phẩm của học gỉa Lữ Trưng, pháp sư Ấn Thuận nên mới viết ngắn gọn và rõ ràng như thế.

Lại nữa, trong Lá thơ 25/12, thầy có hỏi tôi :“Nếu Thầy phủ nhận Đại Thiên không phải là tác giả của 5 việc sau Phật Niết bàn 100 năm, thì ít ra Thầy cũng phải lý giải nhân vật nào đã đưa ra 5 việc này chứ. Không thể chỉ có 5 việc mà không có người tạo việc. Chúng ta không thể giải quyết theo cách sợ nhà mình nhơ đem rác đổ ngoài đường[17].”.

Câu hỏi này cũng đã được Pháp sư Thánh Nghiêm (1999, tr.99)trả lời : “Lại nữa, Năm việc của Đại Thiên cũng chưa chắc do một mình ngài Đại Thiên khởi xướng.Trong Luận Sự (Nam Truyền Đại Tạng kinh, quyển 57, 221-258) có nói đến Năm việc. Trong luận thuyết Tây Tạng và trong luận thuyết của Tam tạng Chân Đế của Bắc truyền đều có nói đến Năm việc. Sự giải thích hoàn toàn không giống nhau. Cho nên, các học gỉa gần đây, có người cho rằng Năm việc này là thuyết chung của các bộ phái gốc và ngọn trong ̣Đại Chúng bộ. Đại Thiên chẳng qua chỉ là người tập hợp nó lại, dùng kệ tụng mà thôi.”.Thầy nghĩ sao? Tôi nhắc lại pháp sư Thánh Nghiêm viết : “Năm việc của Đại Thiên cũng chưa chắc do một mình ngài Đại Thiên khởi xướng.”.Qua đoạn văn trên, chúng ta thấy ngài Thánh Nghiêm viết hoàn toàn khác với những gì thầy ghi trong lá thơ 25/12, hoàn toàn khác với những gì thầy kết luận trong Nghiên Cứu .

2.4: Hirakawa

Tên tuổi của Hirakawa cũng hoàn toàn không xa lại gì đối với thầy nói riêng, đối với giới nghiên cứu Phật học trên toàn thế giới nói chung. Sau khi nói rõ : Vào năm 100 SN, do Mười điều phi pháp làm giáo đoàn Phật giáo phân chia thành hai bộ phái đầu tiên là Đại Chúng bộ và Thượng Tọa bộ, Hirakawa (1995, tr.112)[18]viết :“Trong số các tư liệu được lưu truyền ở Bắc phương Phật giáo, có bộ “Dị bộ tôn luân luận” trình bày sự phát triển và giáo lý của các bộ phái. “Dị bộ tôn luân luận” cho rằng nguyên nhân làm phân phái gốc là do Năm việc của Đại Thiên. Thuyết này đã lấy nguyên nhân phân phái ngọn làm nguyên nhân phân phái gốc nên bị rất nhiều học gỉa cho là sai lầm.”.

Thuyết cho rằng “nguyên nhân làm phân phái gốc là do Năm việc của Đại Thiên” trong Dị Bộ luận mà Hirakawa đề cập chính là thuyết chỉ được ghi trong bản dịch của Ngài Huyền Tráng và đã được thầy dựa vào đó, kết luận Đại Thiên 100 SN là Tổ lãnh đạo của Đại Chúng bộ. Theo đoạn văn tôi vừa trích dẫn thì không những một mình Hirakawa mà rất nhiều học gỉa đã phủ nhận thuyết Đại Thiên Tổ 100 SN và phủ nhận nguyên nhân cho rằng do Năm việc của Đại Thiên mà đưa đến phân phái gốc.Về nhân vật Đại Thiên Tổ 100 SN trong bản dịch của ngài Huyền Tráng tôi coi như giải quyết xong. Bây giờ chúng ta giải quyết Đại Thiên Tổ 100 SN trong Bà Sa luận. Tôi sẽ trích dẫn thuyết của Teramoto.

2.5: Teramoto

Teramoto (1974)[19]cũng không xa lạ đối với thầy, chính là dịch gỉa của Dị Bộ Thích mà thầy đã giới thiệu trong Lá thơ 25/12. Liên hệ tới tác phẩm này tôi sẽ nói rõ hơn ở phần sau. Ở đây tôi chỉ trích dẫn quan điểm của Teramoto về nhân vật Đại Thiên Tổ 100 SN trong Bà Sa luận. Dĩ nhiên đoạn trích sau đây không có trong bản photo mà thầy đang sở hữu. Tôi sẽ giải thích lý do tại sao trong phần sau. Trong Lời giới thiệu, Teramoto (1974, tr.5-6) ghi :“Căn cứ vào các sử liệu trên đây, Năm việc này là đề tài thảo luận về tâm tướng ngộ đạo của các đệ tử đức Phật liên quan đến qủa vị A la hán, Niết bàn, Bát chánh đạo,... trong giáo đoàn nguyên thủy chứ không phải là đề tài tranh luận do Ma Ha Đề Bà (Đại Thiên), nhân vật trong thời đại của vua A Dục khởi xướng. Lại nữa, Phát Trí luận[20]tuy có nói đến Năm việc nhưng không nói đến tên Đại Thiên. Do đó, chúng ta có thể suy ra rằng khi biên tập Bà Sa luận, người ta đã trích dẫn Năm việc của Phát Trí luận, mượn nhân vật Ma Ha Đề Bà (Mahàdeva) rồi ngụy tạonên thuyết cho rằng đó là Năm việc của Đại Thiên để chủ trương ý kiến của các luận sư.”. Teramoto đã phủ nhận Đại Thiên Tổ 100 SN, cho rằng Đại Thiên Tổ 100 SN trong Bà Sa luận là nhân vật hư cấu, và cả Năm việc cũng là ngụy tạo, không phải của Đại Thiên[21].

Điều mà Teramoto đặt vấn đề cũng đã được tôi nêu lên. Trong bài Đại Thiên là ai? tôi cố tình trích dẫn nguyên văn của Phát Trí luận cũng như Bát Kiền độ[22]về Năm việc để sau đó nêu lên nghi vấn :“Trong khi Phát trí luận cũng như Bát kiền độ và Kathàvatthu hoàn toàn không nói gì đến Đại Thiên thì A Tì Đạt Ma (tức Bà Sa luận)lấy đâu ra nhân vật Đại Thiên người làm phân chia bộ phái gốc?”. Không hiểu trọng tâm ý của tôi, không trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi, trong Lá thơ 25/12, thầy nêu một thí dụ dài dòng về chuyện đi ăn trộm rồi bị mang ra tòa xử v.v... lạc đề, mất thời gian, vô ích.

2.6: André Bareau :

Trong Lá thơ 25/12, thầy có đưa ra thuyết Đại Thiên Tổ 137 SN của André Bareau, còn cho rằng thuyết đó “hợp lý” (?). Như thế, André Bareau và thầy đã phủ nhận Đại Thiên Tổ 100 SN.

Nhận định : Đúng ra, trong tác phẩm Nghiên Cứu, thầy phải có phần hay đúng hơn phải có một chương nêu lại quan điểm, luận thuyết của tất cả các học gỉa như tôi vừa trích dẫn ở trên (dĩ nhiên, phải còn nhiều hơn nữa). Một tác phẩm với tựa đề “nghiên cứu” phải tuân theo quy luật của nó. Trước hết, điều quan trọng nhất, ngay chương đầu tiên, tác gỉa phải nói rõ lý do nghiên cứu đề tài. Quan trọng hơn, trong phần này tác gỉa phải trình bày lịch sử nghiên cứu đề tài trước đó và phải đưa ra nhận định phê bình đối với các thuyết đó.. Nhưng rất tiếc, vì không có phần này nên khi thấy thuyết của André Bareau, thầy cho rằng hợp lý và chấp nhận ngay mà không kiểm chứng bằng phương pháp sử học ! Một tác phẩm nghiên cứu không có phần này thì không còn gía trị của tác phẩm nghiên cứu nữa.

3.Chân tướng của Đại Thiên?

Trong Lá thơ 25/12, thầy ghi :“Cũng vì tính tò mò, mà tôi đã bỏ một thời gian khá dài để tìm hiểu vấn đề này, khi tìm hiểu mới biết vấn đề khá phức tạp,... Thế nhưng, khichân tướng hiển lộ thì nó đi ngược lại với tình cảm và thói quen suy nghĩ của nhiều người, trở thành sự ác cảm đối với tác giả.”. Thầy ghi “chân tướng” đây nghĩa là gì? Nghĩa là “chân tướng” Đại Thiên Tổ 100 SN? Nếu Đại Thiên Tổ 100 SN là “chân tướng” thì tại sao bây giờ thầy lại chạy theo chấp nhận thuyết Đại Thiên Tổ 137 SN của André Bareau ? để quay ra phủ nhận Đại Thiên Tổ 100 SN? và thầy trả lời như thế nào đối với các đoạn tôi đã trích dẫn của Lữ Trưng, Teramoto, v.v...?

Còn câu thầy viết “ác cảm đối với tác gỉa” nghĩa là gì? Thế nào là “ác cảm”? Ai ác cảm với thầy? Trong Lời nói đầu của Nghiên Cứu, thầy viết :“Mặc dù rất cố gắng khi viết tác phẩm này, nhưng khó tránh những lầm lỗi. Nơi đây tôi rất mong được sự góp ý của các bậc thiện tri thức.”. Bài ‘Đại Thiên là ai?’ của tôi viết trên tinh thần đó. Tôi chỉ ra chỗ sai về luận thuyết, về quan điểm về lịch sử của thầy. Chính vì vậy mà trong Lá thơ 25/12 có ít nhất hai chỗ thầy nhận khuyết điểm và ít nhất hai chỗ thầy cám ơn tôivà một chỗ thầy ghi rõ “Những đóng góp tích cực” (mục thứ 5) của tôi. Như thế thì sao gọi là “ác cảm”? Nếu thầy không viết sai trong Nghiên Cứu thì tại sao thầy phải nhận khuyết điểm, và hứa sẽ “sửa chữa trong lần tái bản tới” và tại sao thầy lại cám ơn tôi?Thầy không viết sai lịch sử thì tại sao bây giờ thầy không ra sức bảo vệ nhân vật Đại Thiên Tổ 100 SN một cách quyết liệt mà lại vội vàng chạy theo thuyết của André Bareau chấp nhận Đại Thiên Tổ 137 SN và đẩy niên đại vua A Dục xuống 160 SN (một việc làm phi lịch sử)?Cũng bởi vì chấp nhận, mong muốn có sự thảo luận nên thầy đã tha thiết kêu gọi :“Nếu có thể được, tôi mong các cơ quan hữu quan trong hoặc ngoài nước tạo một môi trường văn hóa lành mạnh, để thế hệ trẻ chúng tôi được bày tỏ tâm tư và nguyện vọng của mình, cũng như trao đổi về học thuật về văn hóa Phật giáo.”. Thực tình mà nói, thầy viết nhiều chỗ tôi không biết câu nào là “chân thật ngữ”, câu nào là không chân thật ngữ của thầy.

Tóm lại, quan điểm của tôi :

1.Chỉ có một dịch bản Tạng văn duy nhất thuộc Dị Bộ luận của ngài Thế Hữu là “Gshung lugs kyi bye brag bkod pa'i 'khor lo”.

2.Không có Đại Thiên Tổ 100 SN, không có sự kiện do Năm việc đưa đến phân phái gốc.

3.Không có cái gọi là “chân tướng” Đại Thiên, cũng không có cái gọi là “chân tướng” Năm việc của Đại Thiên.

Còn về nhân vật Đại Thiên Tổ 137 SN, tôi sẽ trả lời trong bài sau, có thể với tựa đề ‘Đại Thiên là ai? (3)’ (chân tướng Đại Thiên Tổ 137 SN) vì bài này cũng đã qúa dài. Cuối cùng tôi muốn hỏi thầy hai câu hỏi và rất mong được thầy trả lời, xin đừng tránh né :

  1. Lập trường của thầy về nhân vật Đại Thiên Tổ như thế nào tức là thầy chấp nhận nhân vật nào giữa hai nhân vật Đại Thiên Tổ 100 SN và 137 SN ?
  2. Trong Lá thơ 25/12, thầy ghi : “Hơn nữa, nếu Sư cho rằng tôi là người hủy báng Phật, Pháp, có tà kiến, vì tôi không đồng tình cách lý giải trong Kathavatthu cũng như trong “Đại Tỳ Bà Sa”, như vậy không phải chỉ một mình tôi là kẻ có tà kiến, hủy báng Phật Pháp và A La Hán mà còn có cả Long Thọ, Đề Bà, Vô Trước, Thế Thân….”. Xin thầy trích dẫn rõ ràng cụ thể chỗ nào các ngài Long Thọ, Đề Bà,.. không đồng tình cách lý giải trong Kathavatthu cũng như trong “Đại Tỳ Bà Sa”,... hủy báng Phật pháp và A la hán?

Rất mong nhận được sự trả lời của thầy./.

Phương ngoại am, 25/1/2008



[1]Khuyết điểm thứ nhất được ghi trong mục thứ 5, Những đóng góp tích cực, thầy ghi :“... Vì “Kinh Tăng Nhất A hàm” là bản kinh của Đại Chúng Bộ, do vậy không thể nói, nó là của Thượng tọa bộ. Tôi hoàn toàn đồng ý lời góp ý của Thầy và tôi sẽ sửa chữa trong lần tái bản.”.Không sai thì tại sao phải “sửa chữa”?

Khuyết điểm thứ hai được ghi trong mục thứ 8 :“ Thật ra, 4 dịch bản này, tác gỉa của NC5VĐT cũng đã đề cập trong tác phẩm của mình, nhưng chỉ vì trong lúc viết không tìm được dịch bản của tiếng Tây Tạng, nên không dám đưa vào danh sách thảo luận, mà chỉ đề cập đến tên của bìa sách mà thôi. Đây là một việc làm thiếu sót, cần rút kinh nghiệm.

[2]Lần thứ nhất thầy ghi :“Trước nhất tôi xincảm ơn Sư Chánh Minh và thầy Giác Dũng đã bỏ thời gian viết bài thẳng thắn phê bình phản bác tác phẩm NC5VĐT của tôi.”

Lần thứ hai, trong phần đối thoại với tôi, thầy giành riêng một mục thứ 4, ghi rõ “Lời cám ơn”.

[3]Đạo Phật : Hạnh Bình, “Đạo Phật xưa và nay”, Nhà Xuất bản Tôn giáo, Qúy II, 2006.

[4]Thật ra, tư liệu của Đại Chúng bộ không phải chỉ có “Ma ha tăng kỳ luật” và “Kinh Tăng nhất a hàm” mà còn ít nhất hai bộ sử thư nữa có liên hệ rất mật thiết đến sự phân phái của Phật giáo, đến nhân vật Đại Thiên.

[5]Câu “có thể ngang qua những kinh điển của Phật giáo Đại Thừa để tìm hiểu về tư tưởng của Phật giáo Đại Chúng” qủa là một phương pháp nghiên cứu hết sức mới và lạ, bất khả tư nghì! Thầy có thể trình bày cụ thể phương pháp này không?

[6]Liên hệ đến vấn đề đúng sai này, chỗ khác, pháp sư Ấn Thuận (2000, tr.138) đã chỉ trích chỗ sai lầm của ngài Nghĩa Tịnh như sau :“Ngài Nghĩa Tịnh vào đời nhà Đường cuối thế kỷ 7, trong “Nam hải ký quy truyện” quyển I cho rằng Ấn Độ không có thuyết Năm bộ. Đây phạm vào một sai lầm rất lớn là lấy mới làm cũ.”. pháp sư Ấn Thuận (2000) : 印順著『佛教史地考論』妙雲集22, 正聞出版社 中華民国89(2000) (sẽ viết tắt : Phật Địa).

[7]Lần thứ nhất, trong Nghiên Cứu thầy viết :“Nhưng ở đây có một vấn đề mà chúng ta không thể đề cập là các nhà nghiên cứu Phật học đều cho rằng, Kinh A Hàm và Nikàya thuộc về Thượng tọa bộ.” (Nghiên cứu, I.2006, tr.13). Câu này chứng tỏ không những thầy sai lầm về mặt băn bản học mà nó chứng tỏ bản chất gian dối của người cầm viết vì như trong bài ‘Đại Thiên là ai?’ tôi đã nêu ra, không có nhà nghiên cứu nào nhận định như thế hết cả. Nói cách khác, thầy đã đặt ra một câu văn ngụy tạo, đưa ra một bằng chứng ngụy tạo, không có thật. Rất nguy hiểm.

[8]Phật Quang (1989) : 星雲大師監修『佛光大辞典』佛光出版社, bản in lần 3, 1989.

[9]Bạt Tì Da : Bhavya: Thanh Biện, Phân Biệt Minh.

[10]Điều Phục Thiên : Vinìtadeva.

[11]André Bareau (2000) : André Bareau, “Các bộ phái Phật giáo Tiểu thừa”, Pháp Hiền dịch, Nhà Xuất bản Tôn giáo, 2000. Tác phẩm của André Bareau được xuất bản bằng Pháp văn vào năm 1955.

[12]Nghiên Cứu : Hạnh Bình, “Nghiên cứu về 5 việc vủa Đại Thiên”, Nhà Xuất bản Tôn giáo, I.2006.

[13]Bài này được đăng trên : http://www.quangduc.com. Rất tiếc, trên trang này, tôi chỉ thấy đăng ba tiết, và cả ba tiết này đều thuộc vào thời kỳ Nguyên thủy Phật học (theo nguyên tác của Lữ Trưng). Nếu thầy có đọc hay dịch tiếp tới phần hai nói về Bộ phái Phật học (370 BC- 150AD) thì thầy sẽ thấy Lữ Trưng nói rất rõ, rất khúc chiết, rất cặn kẽ về vấn đề phân phái gốc, về nhân vật Đại Thiên về nguyên nhân đưa đến tranh luận Năm việc, về địa điểm xẩy ra tranh luận, về sự tham gia của các bộ phái tranh luận. Lữ Trưng nói rất rõ trong phần hai này.

[14]Lữ Trưng (1979) : 呂澂著『印度佛学源流略講』上海人民出版社1979. Thực ra tác phẩm này được Lữ Trưng hoàn thành vào năm 1954. Mãi đến năm 1979 mới in thành sách và lưu hành như hiện nay.

[15]Bản của ngài La Thập chính là “Thập bát bộ luận” (sẽ viết tắt : Thập Bát), thuộc Đại Chánh tạng quyển 49, số 2032. Trong bài Đại Thiên là ai? tôi ghi : “không biết chính xác tên dịch gỉa” bởi lẽ một người tức là ngài Chân Đế lại đi dịch một lúc hai bộ cùng có nội dung như nhau thì mất thời giờ và phi lý qúa. Hơn nữa, ngay cuối bản Hán văn này cũng nêu ra nghi vấn của dịch gỉa. Năm 1912, Mochizuki ( 1973, Q.I, tr.169) đã nêu vấn đề này và cho rằng Thập Bát có thể do ngài La Thập dịch. Mochizuki ( 1973) : Mochizuki Shinkyò: 望月信享(1869-1948), 『佛教大辞典』世界聖典刊行協会、1973. Bản đầu tiên được in năm 1933. Nhưng ngày nay tất cả các học gỉa đều chấp nhận Thập Bát không phải do ngài Chân Đế mà do ngài La Thập dịch. ngài Ấn Thuận cũng chấp nhận thuyết này.

[16]Pháp sư Thánh Nghiêm (1999) : 聖厳法師著『印度佛教史』法鼓全集二之一 台北 法鼓文化1999.

[17]Trong Nguyệt san báo Giác Ngộ, câu “Chúng ta không thể giải quyết theo cách sợ nhà mình nhơ đem rác đổ ngoài đường” đã bị cắt bỏ.

[18]Hirakawa (1995) : Hirakawa Akira : 平川彰 『インド仏教史』上巻、春秋社、1995. Bản in lần thứ nhất vào năm 1974. Thầy có thể tham khảo bản dịch Anh ngữ của tác phẩm này : “A history of Indian Buddhism : From Sàkyamuni to early Mahàyàna” Hirakawa Akira, translated and edited by Paul Groner, Honolulu, University of Hawaii Press, 1990 (Asian stdies at Hawaii, no. 36); 1st Indian, Delhi, Motilal Banarsidass, 1993 (Buddhist traditions, v.19). Như vậy, tác phẩm của Hirakawa được dịch sang Anh ngữ và đã được hai nơi in lại. Thầy chịu khó tham khảo.

[19]Teramoto(1974): Teramoto Enga và Hiramatsu Tomotsugu 寺本婉雅平松友嗣『蔵漢和三訳対校 異部宗輪論 異部宗精釈 異部説集』Mokudosha , 1935; 国書刊行会, 1974.

[20]Phát Trí luận như tôi đã giới thiệu trong bài Đại Thiên là ai? Nay tôi nhắc lại. Phát Trí luận tên gọi đủ là “A tì đạt ma phát trí luận”, thuộc Đại Chánh tạng quyển 26, số 1544, do ngài Ca Đa Diễn Ni tạo và do ngài Huyền Tráng dịch năm 657-660.

[21]Vì bài đã qúa dài. Bài đầu tiên tôi viết 28 trang. Ban Biên tập Nguyệt san Báo Giác Ngộ yêu cầu tôi biên tập lại còn khoảng 20 trang để in trong hai kỳ nên tôi đã cắt bớt khá nhiều và do đó không thể trình bày chi tiết hơn về nhân vật Đại Thiên Tổ 100 SN trong Bà Sa luận. Tôi sẽ trình bày mục này kỹ hơn trong lần khác. Xin thầy nhớ nhắc tôi.

[22]Bát Kiền Độ :“ A tì đàm bát kiền độ luận”, thuộc Đại Chánh tạng quyển 26, số 1543, do ngài Ca Chiên Diên tạo, ngài Tăng Gìa Đề Bà và Trúc Phật Niệm dịch vào năm 383.

----o0o---

Xem bài 01

----o0o---

Trình bày: Vĩnh Thoại

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/08/2013(Xem: 9946)
Mấy năm gần đây, nhất là trong năm đánh dấu 50 năm pháp nạn Phật Giáo Việt Nam, 1963-2013, một hiện tượng xấu ác xảy ra khi một vài người chuyên môn ném hỏa mù vào biến cố lịch sử này bằng những bài viết tung lên các diễn đàn và gửi email đi khắp nơi. Mục đích của số người này là gây hoang mang, ngộ nhận, hiểu lầm về biến cố lịch sử pháp nạn 1963 để qua đó chạy tội cho chế độ nhà Ngô và chụp mũ Phật Giáo Việt Nam
02/07/2013(Xem: 6430)
Ngay khi khởi đầu cuộc tranh đấu chống chính sách kỳ thị tôn giáo của ông Ngô Đình Diệm, các vị lãnh đạo đã ra một bản Tuyên ngôn đọc ngày 10-5-1963 tại chùa Từ Đàm, trong đó phương pháp bất bạo động được long trọng xác định: “Phương pháp tranh đấu mà chúng tôi áp dụng là bất bạo động. Chúng tôi phải thể hiện tư tưởng của Phật giáo ngay trong cuộc tranh đấu của chúng tôi. Chúng tôi chấp nhận một sự hy sinh đến cùng độ và lấy sự hy sinh ấy làm sức mạnh để rung chuyển tận lòng người chứ không phải chỉ rung chuyển chính sách mà thôi. Ngay từ bây giờ chúng tôi có thể tuyên bố minh bạch rằng những người Tăng sĩ của Phật giáo là những người sẵn sàng noi gương Gandhi - vị Thánh của sức mạnh bất bạo động”.
29/06/2013(Xem: 18337)
1963 – 2013! Năm mươi năm đã trôi qua… Một nửa thế kỷ là khoảng thời gian đủ dài để có thể soát xét và suy nghiệm xem từ biến cố đó ta rút ra được những bài học lịch sử gì.
29/06/2013(Xem: 18298)
Nhằm mục đích góp phần giúp thế hệ trẻ Việt Nam ở trong nước cũng như ở hải ngoại biết rõ lịch sử Việt Nam trong năm 1963 xảy ra như thế nào và nhất là để có nhận thức sâu sắc hơn về điều mà dân tộc đã khẳng định: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một”.
29/06/2013(Xem: 20946)
Đạo Phật chỉ xem hành động là có, còn tất cả đều không. Chống, là chống hành động, không chống con người. Cho nên sự chống đối ấy, từ đầu, mang tính văn hóa, đạo đức, chứ không phải chính trị.
22/06/2013(Xem: 30604)
16 Lý Do Để Ghét Việt Nam: Sự gian dối Kiểu nói thách giả cả Tiếng ồn Ngôn ngữ Giao thông Phí xin thị thực để vào Việt Nam Những tòa nhà mỏng Cách người Việt làm cản trở lối ra vào trước cửa hàng Tôm hùm Cái ghế nhựa, con gián và bệnh dịch tả Cái mũ cối (mũ bộ đội) Tài xế taxi ở Việt Nam Món ăn ở Việt Nam Sự vô ý vô tứ (vô ý thức) Khả năng về kiến thức và thông tin kém của người Việt Sự khác biệt văn hóa, góc nhìn cá nhân
06/06/2013(Xem: 6487)
Pháp nạn năm 1963 mở đầu cho một sự tham dự trực tiếp của Phật giáo vào tình hình của thời cuộc gây nên do chiến tranh và sự lợi dụng chiến tranh để nắm giữ quyền hành của dư đảng ông Diệm. Lần đầu tiên, tên gọi "Phật giáo dấn thân" xuất hiện trên báo chí. Phật giáo làm chính trị chăng?
05/06/2013(Xem: 5938)
“Thời gian đó tôi là phóng viên nhiếp ảnh của chính quyền Sài Gòn nên tôi có những điều kiện đi lại, tác nghiệp trong thời kì đấu tranh của Phật giáo lúc ấy. Tôi là người phụ trách trong khu vực Quận 3 nên tôi luôn theo dõi 24/24 những diễn biến của các chùa ở đây. Trước ngày đó chúng tôi được tin bên Giáo hội sẽ có cuộc mít tinh đi ra Hạ Viện (tức là bây giờ nó là Nhà hát Thành phố) Tăng Ni sẽ mit tinh, mổ bụng để phản đối kì thị tôn giáo. Đồng thời đến 11/6 (tức 20/4/1963) chúng tôi bắt đầu đi công tác và thấy các Tăng Ni tập trung ở đường Cao Thắng, trước Phật Bửu tự, bên cạnh Tam Tông miếu, có khoảng 300 Tăng Ni, với biểu ngữ và y phục vàng.
30/05/2013(Xem: 5765)
Mở đầu cuộc đấu tranh, Phật giáo ra một tuyên ngôn, đọc tại chùa Từ Đàm, Huế, ngày 10-5-1963, trong đó đoạn cuối nói về phương pháp tranh đấu như sau: "Phương pháp ấy là "bất bạo động". Chúng tôi ý thức đang ở trong hoàn cảnh mà chính trị và quân sự cực kỳ phức tạp. Chúng tôi, hơn thế nữa, phải thể hiện tư tưởng của Phật giáo ngay trong công cuộc tranh đấu của chúng tôi. Vì những lý do đó, chúng tôi chấp nhận một sự hy sinh đến cùng độ và lấy sự hy sinh ấy làm sức mạnh để rung chuyển tận lòng người chứ không phải chỉ rung chuyển chính sách mà thôi. Ngay từ bây giờ, chúng tôi có thể tuyên bố minh bạch rằng những người tăng sĩ của Phật giáo là những người sẵn sàng noi gương Gandhi - vị thánh của sức mạnh bất bạo động".
30/04/2013(Xem: 6619)
Thưa Đại Vương, những người, có được tài sản lớn, mà không bị chúng làm say đắm... rất hiếm hoi trên đời này... Diệu Liên Lý Thu Linh
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]