Chương trình phát thanh Radio Về Với Chân Tâm
(Santa Anna, California, Hoa Kỳ)
( download file MP3)
Vạn Hạnh xưa và nay
***
Vạn Hạnh xưa & nay
TK Thích Nguyên Tạng
Nhắc đến hai chữ Vạn Hạnh ai cũng biết đó là đạo hiệu của một vị Thiền sư Việt Nam nổi tiếng, Thiền Sư Vạn Hạnh (938 -1025), cũng là một nhà tiên tri trong lịch sử VN. Ngài có nhiều đóng góp to lớn trong việc mở ra triều đại nhà Lý, một trong những triều đại danh tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam. Ngài được xem là cố vấn của Vua Lê Đại Hành và là Sư Phụ của Vua Lý Thái Tổ, người đã hướng dẫn cho vị vua này một thời gian dài trước và sau khi triều Lý thành lập.
Năm nay khóa An Cư của Giáo Hội được tổ chức tại Tu Viện Vạn Hạnh, thủ đô Canberra, nên chúng ta có cơ hội để tìm hiểu về vị Thiền sư này và đôi nét về việc tạo dựng ngôi Tu Viện mang tên của Ngài tại Úc Châu.
Thiền Sư Vạn Hạnh chào đời vào năm 938 tại châu Cổ Pháp, làng Đình Bảng thuộc xã Từ Sơn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Từ nhỏ Ngài đã tỏ ra thông minh xuất chúng, học một biết mười, theo học cả Nho, Lão và Phật, đặc biệt là đọc hàng trăm bộ luận Phật giáo, coi thường công danh phú quý, do vậy đến năm 21 tuổi Ngài đã xuất gia đầu Phật với Thiền Sư Định Tuệ và học Phật với Đại Sư Thiền Ông (902-979) tại chùa Lục Tổ (còn gọi là Chùa Đà) ở làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức. Đại Sư Thiền Ông được xem là lầu thông vạn pháp, ngộ lý thiên cơ và là truyền nhân đời thứ hai của Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Rõ ràng, do căn lành từ nhiều đời nên Ngài Vạn Hạnh đã có nhân duyên thù thắng hội ngộ được bậc minh sư trong kiếp này, Ngài đã tinh tấn đêm ngày không mỏi mệt học hỏi và tu tập dưới sự dẫn dắt của Sư Phụ Thiền Ông.
Sau khi Đại Sư Thiền Ông viên tịch, Ngài Vạn Hạnh đã kế thừa trụ trì chùa này và bắt đầu tu tập theo Mật Giáo. Ngài thọ trì miên mật pháp môn "Tổng trì tam ma địa" trong một thời gian dài. Tam ma địa chính là Đại Định của Phật, những hành giả bậc thượng thừa thường đạt đến định này, khi đó thân và tâm không còn xao động, những vọng kiến và vọng tưởng điên đảo không thể xâm nhập vào đại định này. Đắc Tam ma địa này hành giả hoàn toàn nhập vào pháp thân của Đức Đại Nhật Như Lai cũng như hết thảy chư Phật trong mười phương. Ngài Vạn Hạnh có thể đã đạt đến đại định này nên mỗi khi Ngài thốt ra lời gì đều được thiên hạ cho là những lời tiên tri và sấm ký, tức là những lời nói báo trước những sự kiện quan trọng sắp xảy ra. Cũng chính vì tiếng lành tiên tri này cộng với đức hạnh tu tập của Ngài đã khiến cho Vua Lê Đại Hành thời bấy giờ hết mực tôn kính và nể phục.
Niên hiệu Thiên Phúc năm thứ nhất (980), tướng nhà Tống bên Trung Hoa là Hầu Nhân Bảo kéo quân sang đánh nước ta, đóng binh ở Cương Giáp, Lạng Sơn, vua Lê Đại Hành mời Ngài Vạn Hạnh vào cung để hỏi ý kiến nếu đánh thì thắng hay bại. Ngài đáp trong vòng từ ba đến bảy ngày giặc sẽ rút lui. Lời của ngài đã ứng nghiệm. Năm Nhâm Ngọ (982), vua Lê Đại Hành muốn kéo quân vào đánh Chiêm Thành để cứu sứ giả bị xứ này bắt giữ nhưng còn do dự, thì Ngài nói đây là cơ hội ngàn vàng đừng để mất. Sau đó lời khuyên này cũng đúng vì trận đánh ấy, quân Lê đã thành công.
Về công cuộc thành lập triều đại nhà Lý, duyên do là vào năm 981 (Tân Tỵ) Ngài Vạn Hạnh được Thiền Sư Lý Khánh Vân trụ trì Chùa Cổ Pháp gởi gắm người con nuôi 7 tuổi làm đệ tử, đó là Lý Công Uẩn. Ngài Vạn Hạnh đã nhận ra vương tính khi nhìn thấy đứa trẻ này và ngợi khen rằng: "Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ". Nên Ngài ra sức dạy dỗ, hun đúc chí nguyện và hoài bảo để mai sau đứa bé này có thể trở thành bậc minh quân cho xứ sở và là một vị vua Phật tử để chấn hưng Phật Giáo tại Việt Nam. Từ ước nguyện đó, Ngài đã tiến cử Lý Công Uẩn vào Kinh Đô Hoa Lư (Ninh Bình) làm quan dưới triều vua Lê Đại Hành. Sau đó Lý Công Uẩn theo giúp hoàng tử Lê Long Việt, con trưởng của vua Lê Đại Hành. Năm 1005, vua Lê Đại Hành băng hà, Lê Long Việt giành được ngôi báu, trở thành vua Lê Trung Tông, nhưng chỉ được 3 ngày Trung Tông bị em cùng Cha khác Mẹ là Lê Long Đĩnh sát hại để chiếm ngai vàng. Lúc đó các quan quân đều sợ hãi bỏ chạy, chỉ có Lý Công Uẩn chạy đến ôm xác Lê Trung Tông mà khóc lóc. Lê Long Đĩnh thấy vậy không những không trị tội mà còn khen Lý Công Uẩn là người trung nghĩa, tiếp tục trọng dụng và phong làm Tứ Sương Quân Phó Chỉ Huy Sứ, rồi sau đó thăng lên chức Tả Thân Vệ Điện Tiền Chỉ Huy Sứ (thời nay tương đương với chức Bộ Trưởng Quốc Phòng).
Khi nhìn thấy Vua Lê Long Đĩnh (986-1009) là vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê, trị vì xứ sở với chính sách tàn bạo và độc ác, như nhốt tù binh dưới nước cho chết ngạt khi thủy triều dâng lên hoặc róc mía trên đầu Tăng sĩ... khiến cho dân chúng oán giận căm hờn. Nên Thiền Sư Vạn Hạnh đã sắp xếp mọi việc để đưa Lý Công Uẩn lên làm vua, mở ra một trang sử mới cho triều đại nhà Lý. Sách Thuyền Uyển Tập Anh có ghi rằng: " Lúc bấy giờ điềm lạ xuất hiện nhiều nơi, như xoáy lông trên lưng con chó trắng ở Viện Hàm Toại; chùa Ứng Thái Tâm, châu Cổ Pháp có hình chữ Thiên tử; cây gạo bị sét đánh để lại vết tích chữ viết; xung quanh mộ Hiền Khánh đại vương ban đêm nghe tiếng tụng kinh râm ran; cây đa ở chùa Song Lâm có vết sâu ăn hình chữ “quốc”v.v...". Những hiện tượng này không là tự nhiên mà đều do Thiền Sư Vạn Hạnh thực hiện và biện giải đầy đủ ý nghĩa, tất cả đều hợp với điềm cho thấy sự suy vong của nhà Lê và nhà Lý sẽ lên thay thế.
Đại Việt Sử Lược cũng ghi nhận việc này rằng: trong làng vua có cây bông gạo bị sét đánh, để dấu vết thành bài văn, trong đó có những câu: "Thụ căn yểu yểu, Mộc biểu thanh thanh, Hòa đao mộc lạc, Thập bát tử thành", có nghĩa là: Gốc rễ thăm thẳm, Vỏ cây xanh xanh, Lúa dao cây rụng, Mười tám hạt thành". Theo phép chiết tự chữ Hán, câu thơ này ẩn ý nhà Lê sẽ mất (cây rụng) và nhà Lý (thập (十) + bát (八) + tử (子) thành chữ lý (李)) sẽ nổi lên. Thiền sư Vạn Hạnh cho mời Thân vệ Lý Công Uẩn đến và nói rằng: “Gần đây tôi thấy nhiều lời sấm lạ báo hiệu nhà Lê phải mất mà nhà Lý tất phải lên thay. Người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai khoan từ nhân đức bằng ông, đương nắm binh quyền trong tay lại được lòng dân chúng. Người đứng đầu muôn dân chẳng phải Thân vệ còn ai đương nổi. Tôi đã hơn 70 tuổi rồi, mong được thư thả hãy chết để xem đức hóa của ông ra thế nào. Tôi chỉ ân hận không kịp thấy đời thịnh trị mà thôi...”.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào ngày 19-11 năm 1009, vua Lê Long Đĩnh mất, các con còn nhỏ, quan Điền tiền chỉ huy sứ là Lý Công Uẩn được sự ủng hộ của Chi nội là Đào Cam Mộc cùng Thiền Sư Vạn Hạnh đã lên ngôi hoàng đế, các quan trong triều cũng đều nhất trí suy tôn.
Lúc Lý Công Uẩn lên ngôi Ngài đang ở chùa Lục Tổ mà biết trước sự việc. Ngài nói với người chú và người bác của Lý công Uẩn: " Thiên tử đã băng hà, Lý thân vệ đang ở nhà. Người nhà thân vệ túc trực trong thành nội có hàng ngàn. Nội trong ngày, thân vệ ắt sẽ được thiên hạ". Thiền Sư Vạn Hạnh cũng cho người niêm yết bài thơ này ở các ngả đường: " Tật lê trầm Bắc thủy, Lý tử thụ Nam thiên, Tứ phương can qua tỉnh, Bát biểu hạ bình an", (Tật Lê chìm biển Bắc, Cây Lý mọc trời Nam, Bốn phương binh đao lặng, Tám hướng chúc bình an).
Sau khi lên ngôi, lấy miếu hiệu là Lý Thái Tổ, niên hiệu là Thuận Thiên (trị vì từ 1009 đến 1028) Vua Lý Thái Tổ đã suy tôn Sư phụ của mình là Thiền Sư Vạn Hạnh làm Quốc Sư, từ đó những việc quan trọng của đất nước, vua đều cầu thỉnh sự chỉ dạy của Ngài.
Thiền sư Vạn Hạnh cũng là người cố vấn cho Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, vì đất Hoa Lư, cố đô của Đại Cồ Việt chật hẹp không thể mở mang được, nên phải dời đô về thành Đại La (hay La Thành), ngày nay là Hà Nội. Khuyên vua rời bỏ hẳn một kinh đô từ vùng núi non hiểm trở để ra vùng đồng bằng, cho thấy tầm nhìn và bản lãnh phi thường của một Thiền sư tu chứng mà không quên chuyện quốc sự, mang lại ánh sáng và hạnh phúc cho muôn dân về sau.
Toàn cảnh bên trong Hoàng thành Thăng Long
Vào ngày rằm tháng 5 năm Thuận Thiên thứ 16 (tức 13 tháng 6 năm 1025), khi công hạnh đã viên mãn, Thiền sư Vạn Hạnh gọi chúng đệ tử lại dặn dò, đọc bài kệ rồi thị tịch. Vua Lý Thái Tổ và tất cả triều thần nhà Lý đến làm lễ Trà tỳ, thỉnh Xá lợi của Ngài về thờ tại chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh). Đây là bài kệ Ngài để lại trước khi viên tịch:
"Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
(Thân như bóng chớp chiều tà
Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rời
Sá chi suy thịnh việc đời
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành)
(HT.Thích Mật Thể dịch)
Về sau vì cảm mến đức độ và tài năng của của Thiền Sư Vạn Hạnh mà Vua Lý Nhân Tông (1072-1127), vị vua thứ tư của triều đại nhà Lý, có bài kệ tán thán công đức của Ngài rằng:
Vạn Hạnh dung tam tế
Chân phù cổ sấm cơ
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ.
(Vạn Hạnh thông ba cõi
Thật hợp lời sấm xưa
Quê hương tên Cổ Pháp
Chống gậy trấn kinh vua).
Dù Thiền Sư Vạn Hạnh đã viên tịch nhưng công hạnh tu tập và đức độ giáo hóa của Ngài vẫn còn vang vọng mãi với không gian vô biên và với thời gian bất diệt.
Bảo Tháp & tôn tượng Thiền Sư Vạn Hạnh
tại Chùa Tiêu ở Tiên Sơn, Bắc Ninh
Vạn Hạnh ngày nay
Tại Việt Nam từ 1964 đến 1975 đã có một viện đại học mang tên Ngài là Đại học Vạn Hạnh ở đường Trương Minh Giảng, Sàigòn, nhiều thế hệ Tăng Ni và Phật tử xuất thân từ mái trường Vạn Hạnh đã giúp làm lớn mạnh cho nền Phật Giáo Việt Nam trong và ngoài nước. Hiện nay, tại nhiều thành phố lớn ở Việt Nam có những con đường được đặt tên "Sư Vạn Hạnh" để tưởng nhớ một vị Thiền sư đã ghi lại nhiều dấu ấn trong lịch sử dân tộc. Ở hải ngoại, nếu tại miền Tây nước Pháp, thị trấn Saint Herblain, có Chùa Vạn Hạnh do TT Thích Nguyên Lộc trụ trì; tại thành phố San Diego, Hoa Kỳ, có Chùa Vạn Hạnh, thì tại thủ đô Canberra, Úc Châu, có Tu Viện Vạn Hạnh do HT. Thích Quảng Ba sáng lập.
Tu Viện Vạn Hạnh tọa lạc tại thị trấn Lyneham, cách trung tâm Thủ Đô Canberra khoảng 5 cây số. Canberra được chọn làm thủ đô của liên bang Úc vào năm 1913, vị trí nằm giữa 2 tiểu bang Victoria và New South Wales, lý do là hai tiểu bang này, nơi nào cũng dành phần đặt thủ đô về thành phố của mình là Melbourne hay Sydney, nên cuối cùng Quốc Hội Liên Bang phải bỏ phiếu tìm một địa điểm thích hợp mọi mặt cho việc phát triển thành một thủ đô tầm vóc. Sau nhiều năm tìm kiếm, đệ trình, chọn lựa, so sánh của một toán kỷ sư địa chất tài giỏi, cuối cùng đã được Quốc Hội Liên Bang Úc thời ấy quyết định chọn Canberra làm thủ đô của quốc gia này.
Hình ảnh công trình xây dựng Tu Viện Vạn Hạnh (xem tiếp)
Tu Viện Vạn Hạnh, do HT.Thích Quảng Ba tạo lập tại thủ đô này vào đầu năm 1984, chỉ vài tháng, sau khi Ngài rời trại tỵ nạn Mã Lai để đến định cư tại Úc. Trong 4 năm đầu tiên, rất nhiều khó khăn, Tu viện Vạn Hạnh đã di chuyển sinh hoạt trong một căn hộ thuê nhỏ hẹp. Năm 1987, theo đơn xin dưới đạo luật Church Land Leases Ordinance 1921, Hội Phật Giáo Việt Nam Thủ Đô Canberra do hai Thầy Quảng Ba và Thầy Quảng Trừ làm Chánh/Phó Hội Trưởng Đại Diện, được chính phủ Liên Bang hiến tặng một miếng đất rộng 16,650m2. Năm 1988, từ hai bàn tay trắng, HT Quảng Ba cùng chư Tăng Ni và các Phật tử thuần thành đã quyết định tiến hành việc xây cất một Trung tâm Tu Học Phật Giáo trên mảnh đất này. Đó là một ước mơ mà Thầy đã ấp ủ từ lâu, cùng lúc, vừa phải tiếp tục củng cố tổ chức còn đơn sơ, vừa lo tu tập, lo việc hoằng pháp, từ thiện, giao tế, cứu giúp Giáo Hội quê nhà, vừa lo tổ chức tu học cho Phật tử địa phương và các nơi v.v…
Công trình xây cất Tu Viện Vạn Hạnh đã trải qua các giai đoạn sau: (1)- Năm 1988 xây Phật đài lộ thiên đức Bổn Sư cao 6,5m và Tu viện Vạn Hạnh, 400m2 có chánh điện tạm, thư viện nhỏ, 2 văn phòng, phòng sinh hoạt Phật tử, 4 phòng Tăng, 2 phòng Ni, nhà bếp, nhà kho, nhà tắm, vệ sinh v.v… (2)- Năm 1993 xây Tượng đài lộ thiên Quán Thế Âm cao 6,5m, hồ sen 64m2, khu vườn cảnh 100m; (3)- Năm 1997-2001 xây Đại Bi đường và Cư xá La Hầu La với 4 dãy 52 căn hộ chung cư để cho người Úc nghèo thuê ở, tất cả hơn 1,600m2; (4) Năm 2002-2005 xây Ni xá Diệu Không 420m2, Tăng xá Bửu Quang 480m2, Tam Quan Bất Nhị cao 11m rộng, 15m, sâu 5m, và Tháp Hồng Chung Linh Cảm cao 9m và rộng 64m2.
Từ 2008 cho đến 2015, một đồ án mới đã xin được giấy phép, đang tiếp tục xây dựng các công trình sau: (1)- Thư viện Long Thọ 650m gồm cả Trung Tâm Xã Hội-Từ Thiện Văn Lang và đoàn quán GĐPT, (2)- Phật Học Viện Giác Tánh 750m với 4 giảng đường, 2 văn phòng, phòng nghiên cứu, phòng thu hình thu âm, và các tiện nghi cư trú dài hạn cho 2 Giáo thọ, (3)- Bảo Tháp Xá lợi Hòa Bình Thế Giới, nền vuông 100m, cao 21m với 5 tầng lục giác; (4)- Quan trọng nhất là Đại Điện Bát Nhã, 2 tầng 1,600m2 luôn cả trên lầu là Phật điện, bao lơn, hành lang, sân đón, chung cổ lâu, Tổ đường, Báo ân đường, Phương trượng, và tầng trệt là Hội trường Huyền Quang, cũng là Giảng đường đa dụng, Trai đường và các tiện nghi công cộng xử dụng cho khoảng 700 người. Tính đến nay, năm 2012, sau hơn 24 năm liên tiếp xây cất, với một ngân khoản đã và sẽ cần đến là hơn 10 triệu Úc kim.
Hòa Thượng Thích Quảng Ba
Qua bao nhiêu gian nan, thử thách, ngày nay mảnh đất hoang sơ không điện nước ban đầu, đã chính thức trở thành “Tu viện Vạn Hạnh”, một Trung Tâm Tu Học Phật Giáo Việt Nam, có kiến trúc hài hòa giữa những nét cổ kính Đông Phương và Tây Phương hiện đại, là một trung tâm Phật Giáo lớn nhất ở Canberra và có tầm vóc đáng kể của cả quốc gia Úc.
Người tạo dựng Tu Viện Vạn Hạnh này là Hòa Thượng Thích Quảng Ba, sinh năm 1955 tại Bình Định, Việt Nam. Ngài xuất gia vào năm 1964 với Cố Hòa Thượng Thích Bửu Quang (1927-1995) và Đại Lão Hòa Thượng Thích Giác Tánh (1911-1987) tại Tổ Đình Hưng Long. Ngài thọ giới Sa Di năm 1970 tại Giới Đàn Vĩnh Gia, Đà Nẵng, thọ Cụ Túc Giới vào tháng 5 năm 1974 tại Đại Giới Đàn Khánh Anh tại Long Xuyên. Hòa Thượng đã từng theo học tại các Phật Học Viện Nguyên Thiều (1968-1969), Phật Học Viện Trung Đẳng Chuyên Khoa Phước Huệ,Thập Tháp (1970-1973) và Viện Cao Đẳng Phật Học Chuyên Khoa Hải Đức, Nha Trang (1973-1975). Đến tháng 3 năm 1983 Hòa Thượng vượt biển tỵ nạn ở Mã Lai và đến ngày 2/11/1983, Ngài đã xin được đến định cư tại Úc Châu. Từ 1987 đến 1999, Hòa Thượng được cử giữ chức Tổng Thư Ký Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan. Từ 1999 đến nay 2012, Hòa Thượng là Phó Hội Chủ Ngoại Vụ thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan.
Do những công đức tu tập, hoằng dương Phật Pháp kể trên mà Giáo Hội PGVNTN Hải Ngoại tại UĐL-TTL đã tác pháp yết ma tấn phong Ngài lên ngôi vị Hòa Thượng vào ngày thứ Hai, 2/1/2012 tại kỳ họp định kỳ của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương (nhân Khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu kỳ 12 ở vùng Kyneton, Victoria từ 30-12-10 đến 03-01-2012) và nghi thức lễ Tấn Phong đã được tổ chức trưa thứ bảy, 7-7-2012 (xem hình) trong khóa An Cư tu học kỳ 13 của Giáo Hội, được tổ chức ngay tại Tu Viện Vạn Hạnh của Ngài.
Chúng con xin thành tâm tán thán công đức, chúc mừng và chấp tay nguyện cầu cho Hòa Thượng Thích Quảng Ba pháp thể khương an, tuệ đăng thường chiếu và mọi Phật sự của Ngài sớm viên thành như ước nguyện.
Nam Mô A Di Đà Phật
Viết tại Khóa An Cư 2012 tại Tu Viện Vạn Hạnh
Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Tài liệu kham thảo:
- Đại Việt sử ký toàn thư (Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, v.v...(xem)
- Thuyền Uyển Tập Anh (do Ngô Đức Thọ & Nguyễn T Nga dịch) (xem)
- Kỷ Yếu 10 Khóa Tu Học PP Úc Châu (2010) (xem)
***