Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

18. Ngày mười tám

07/05/201311:44(Xem: 8036)
18. Ngày mười tám

GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY

Một bài giảng khúc chiết về con đường đạt đến giác ngộ

(Liberation in the Palm of Your Hand-

Aconcise discourse on the path to enlightenment)

Pabongka Rinpoche

Edited by Trijang Rinpoche

Translated by Michael Richards

Thích Nữ Trí Hảidịch

--- o0o ---

PHẦN NĂM

PHẠM VI LỚN

NGÀY MƯỜI TÁM

Kyabje Pabongka Rinpoche cho một mẫu chuyện ngắn để chúng tôi khởi động lực. Ngài trích dẫn đức Tsongkapa vĩ đại:

Bị cuốn trong bốn dòng thác mạnh,

Bị trói bởi xiềng xích các nghiệp khó dứt,

Bị tóm vào cái bẩy sắt ngã chấp,

Bị ngạt thở trong luồng khói ám vô minh,

Hữu tình mãi mãi tái sinh trong thế gian

Và liên tục bị hành hạ bởi ba loại khổ…

Ngài nhắc lại những đề mục trên và ôn lại việc luyện tâm bồ đề bằng bảy lớp nhân quả. Phần thứ hai của thân bài này là pháp luyện tâm bồ đề bằng cách trao đổi địa vị mình với người. Có 5 đoạn: (1) Quán mình và người bình đẳng; (2) Quán những lỗi lầm phát xuất từ ngã ái; (3) Quán những lợi ích cho sự thương mến người khác; (4) Pháp quán thực sự về trao đổi địa vị mình với người; (5) dùng cho những điều trên làm căn bản để thiền quán về Cho và Nhận. Ngài ôn lại ba điểm đầu trên trên đây, rồi tiếp tục:

(iv) Pháp quán thực thụ đổi địa vị mình với người

Chúng ta đã bàn về những lỗi lầm do ngã ái, và những đức tính do thương người. Cũng giáo lý này được chứa đựng trong 4 câu thơ: “Tôi thấy bệnh kinh niên là ngã ái…” Sau khi thấy rõ gì là quả báo của lỗi lầm và của thiện đức, bạn nên đổi địa vị mình với người. Nhưng điều này không có ý nghĩa rằng bây giờ bạn nên hiểu rằng mình là người khác hay người khác đã trở thành mình. Trong quá khứ bạn đã bất chấp người khác, vì bạn thương yêu chính mình. Bây giờ hai thái độ ấy nên đổi chỗ. Như vậy sự “thay đổi” này ám chỉ sự chuyển tâm ái luyến tự ngã của bạn thành ra lòng thương đối với kẻ khác. Bạn luyện tâm bằng cách nghĩ như sau: “Tôi thường không nghĩ đến người khác, nhưng từ đây trở đi, tôi sẽ không nghĩ đến nhu cầu của chính tôi; tôi đã tự thương mình, nhưng từ đây trở đi tôi sẽ thương người khác.” Nhờ quen thuộc với pháp này, bạn sẽ thực hiện được một cuộc trao đổi địa vị như thế. Hãy nghĩ về ví dụ sau đây: Khi bạn ở lâu trên sườn núi bên kia, thì bạn sẽ nghĩ về sườn núi ấy là “bên này.”

(v) Phương pháp thiền định về cho và nhận.

“Nhận” là để xây dựng đại bi, “cho” là để xây dựng đại từ. Bản văn gốc chúng ta nói:

“Hãy luyện tâm về sự cho và nhận.”

Điều này là để cho những pháp quán trước đấy có hiệu quả. Trong những bài giảng được viết về Cho và Nhận, sự “cho” Đạo sư bàn trước; nhưng trong thực hành thì “Nhận lấy” được thi hành trước. Kỳ thực có thể chỉ nên tu tập phần “Nhận lấy” mà bỏ phần “Cho.” Sẽ không lợi lạc nếu đem Cho hạnh phúc trước khi Nhận lấy đau khổ. Bởi thế, hãy thực hành như sau để xây dựng tâm đại bi.

Hãy nghĩ, “Tôi sẽ nhận lấy hết khổ đau từ tất cả hữu tình, những người mẹ của tôi, và phát sinh tâm đại bi. Rồi quán tưởng tất cả khổ đau của họ được rũ bỏ như tóc được cạo sạch, có hình dáng những tia khói đen tan thành khói ngã ái ở trái tim bạn.

Bạn có thể làm việc này một cách chi tiết hơn. Hãy nghĩ nỗi khổ do sức nóng của các địa ngục tan thành lửa vân vân, vào trong tim bạn, và nó tan thành thói ngã ái rầy rà của bạn. Hãy quán tưởng bạn đang nhận lấy những khổ đau tội lỗi và chướng ngại, v.v… của những chúng sinh ở các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, tu la, người, chư thiên, vân vân cho đến những Bồ tát ở mười địa vị. Rồi tưởng tượng họ bây giờ đã được tịnh hóa tất cả tội lỗi nghiệp chướng. Hãy cầu nguyện cho những thứ ấy chín mùi nơi bạn. Nhưng khi làm sự “nhận lấy” này, thì đừng nhận từ chư Phật hay các bậc thầy của bạn.

Có nhiều hạng người trình độ khác nhau. Một số người sơ cơ tự thấy mình không thể thiền quán về Cho và Nhận. Đối với hạng này, bản kinh nói:

Hãy xây dựng sự Nhận Lấy của bạn bằng cách khởi từ bản thân.”

Nói cách khác, buổi sáng bạn thiền quán rằng bạn đang nhận lấy hết nỗi đau khổ mà bạn sẽ kinh quá vào buổi chiều; tiếp đến, nhận lấy khổ đau của ngày hôm sau; rồi đau khổ của ngày còn lại trong tháng; trong năm; trong đời này; đời sau, và tất cả những đời sau. Tiếp tục đến cha mẹ, bà con, bè bạn, kẻ lạ, người thù vân vân, cho đến khi bạn bao trùm tất cả hữu tình. Tập luyện như thế từng bước một, rước vào mình những đau khổ, tội lỗi, chướng ngại, vân vân, của từng hạng người đặc biệt. Bạn phải thứ tự như trên, vì lúc đầu bạn sẽ không thể nghĩ đến chuyện rước lấy đau khổ của những người như kẻ thù của mình được. Bởi thế, thỉnh thoảng hãy thiền quán khởi từ chính bạn, rồi di chuyển ra ngoài theo cách trên, thỉnh thoảng khởi từ địa ngục lên đến thập địa bồ tát. Đôi khi khởi từ những đàn ông đàn bà ở trong thung lũng miền thượng trở xuống; đôi khi khởi từ dưới đi lên. Hãy nhận lấy cả những đau khổ của một con chó bị ném đá. Hãy quán những gì bạn nhận lấy không phải biến mất hay được đặt sang một bên, mà chúng được thâu nhận vào ngay trong tim bạn. Tốt nhất là khi việc này khiến bạn đâm ra lo sợ cho tính mạng mình!

Bạn có thể không thực sự thâu nhận những điều ấy được trong lúc thiền quán, nhưng nó kích động bạn hoàn tất được sự tích lũy công đức; và khi tâm bạn đã quen thuộc với tiến trình tu luyện này, thì cuối cùng đôi khi bạn có thể rước lấy những điều ấy thực, như câu chuyện về Maitrìyogi.*

(CT: Vị này trông thấy một con chó bị trúng đá nơi ống chân. Ông nhận lấy sự đau khổ ấy, và thấy trên cánh tay mình có một vết bầm.)

“Cho” để xây dựng tâm từ là như sau:

“Để làm lợi lạc cho hữu tình,

Xin cho thân tôi biến thành tất cả gì chúng mong muốn.”

Ngoài ra, kinh Cờ Chiến Thắng Vajravà kinh Trái Rơmnói về sự bố thí thân xác và của cải. Theo những kinh này, bạn hãy quán thân mình biến ra nhiều thân, trở thành những vật mà hữu tình mong mỏi. Những vật này tuôn ra dưới hình dạng những cơn mưa làm lắng dịu nỗi khổ của những chúng sinh ở địa ngục chẳng hạn; nhờ vậy chúng được tái sinh làm người và chỗ ở của chúng biến thành những tòa nhà đẹp đẽ. Bạn biến hóa ra những thân và thân này chuyển thành những lạc cụ cho chúng thụ hưởng, như thật nhiều thực phẩm, y phục v.v… Những thân ấy lại còn trở thành những hướng đạo tâm linh để dạy Pháp cho chúng, nhờ đó chúng tiến gần đến giác ngộ. Rồi những thân thể biến hóa ấy lại lấy hình dạng của ánh sáng mặt trời, y phục v.v… cho chúng sinh ở địa ngục lạnh; đồ ăn uống cho ngạ quỷ; trí tuệ biết phân biệt các pháp cho súc sinh; áo giáp cho tu la; ngũ dục cho chư thiên. Nhưng loài người thì có nhiều dục vọng nhất, bởi thế hãy cho chúng những thân thể biến hóa trở thành bất cứ gì chúng thích. Hãy ban phát những công đức của cải của bạn theo cách ấy; và làm những dâng cúng dồi dào như thế cho những bậc thầy, quán tưởng rằng điều ấy sẽ làm tăng những thiện sự của họ. Mặc dù thật tốt để đem lại những thiện căn của bạn trong cả 3 thời, hoặc thân và tài sản của bạn trong hiện tại và vị lai, nhưng đừng cho thân thể và sở hữu của bạn trong quá khứ. Khi thực hành pháp “Cho” bạn sẽ phát triển được tâm từ như tôi đã nói, vì bạn sẽ nghĩ về những chúng sinh ấy rằng họ quá thiếu hạnh phúc như thế nào. Bạn lấy pháp quán để luyện tâm này làm pháp tu chính yếu của bạn.

Trong đời sống hàng ngày

Hãy luyện tâm bằng những bài thơ

Để gợi lên sự nhớ nghĩ.

Nói cách khác muốn tăng tiến chánh niệm trong pháp tu tập Cho và Nhận, hãy luôn luôn tụng một vài bài kệ về đề tài này. Có một vài bài kệ như vậy trong quyển Luyện Tâm như Ánh Vàng Ròng, nhưng nếu bạn chưa biết những bài này, thì chỉ cần tụng đọc những hàng sau đây trích từ Cúng Dường Đạo Sưcũng đủ:

Hỡi bậc thầy tôn quý đầy từ bi

Hãy gia hộ cho con:

Mong tất cả khổ đau,

Tội lỗi và chướng ngại

Của tất cả hữu tình đã từng làm mẹ con

Bây giờ hãy trút hết lên con không trừ;

Con nguyện cho người khác hạnh phúc và thiện hành của con,

Mong tất cả hữu tình được hạnh phúc.

Có những chuyện kể về những tu sĩ trong quá khứ thường lần chuỗi tụng bài này.

Bạn cũng phải sử dụng một vài phương pháp để tăng trưởng tâm bồ đề của bạn trong khi làm việc hàng ngày. Bạn nên tham cứu kinh Hoa Nghiêmvà kinh Sự Chính Đáng Của Nỗ Lực Hoàn Toàn Thanh Tịnh. Những người nào trong số các bạn muốn lấy bồ đề tâm làm pháp tu chính yếu thì hãy luôn luôn đọc và quán kinh Hoa Nghiêm, như đức Tsongkapa vĩ đại đã làm, theo tiểu sử của vị nhập thế này của Đức Văn Thù.

Bản văn gốc nói:

“Hãy đưa hai việc này vào những luồng khí lực.”

Nói cách khác, khi bạn đã nắm vững phần nào pháp quán Cho và Nhận này, bạn nên phối hợp “Cho” với hơi thở ra và “Nhận” với hơi thở vào. Lúc đầu bạn chưa thể đưa vào các luồng khí lực, nhưng nhờ thực tập liên tục, bạn sẽ làm được. Tâm và những luồng khí này sóng đôi, bởi thế phương pháp trao đổi mình với người này rất dễ phát triển tâm bồ đề. Nó còn có tương đương của nó trong Mật tông, phần bàn về pháp tụng đọc Vajra (kim cương). Khi Kaedrub Rinpoche ca tụng Rinpoche: “Hỡi đấng che chở! Ngay cả hơi thở của Ngài cũng trở thành một liều thuốc êm dịu cho hữu tình…” câu này phải được hiểu theo cách ấy.

Còn có những chỉ giáo khác ở điểm này nhưng sẽ không tốt nếu đem nói cho những người không thực hành thường xuyên.

a-2.3. Chuyển hóa những hoàn cảnh không may thành con đường giác ngộ.

Thời đại suy đồi này có thể vô cùng lợi lạc. Khi một hành giả gặp nhiều chướng ngại mà không thể thoát được chúng, thì vị ấy phải có thể chuyển hóa những nghịch cảnh hay thuận cảnh, vị ấy đều từ bỏ Pháp. Một số hành giả trở nên kiêu căng khi được lên chức v.v… rồi từ bỏ pháp. Một số có được một ít tài sản rồi từ bỏ pháp để duy trì lợi tức của họ. Một số người tuyệt vọng khi phải đối đầu với những nghịch cảnh, rồi từ bỏ pháp. Khi những việc ấy xảy ra, thật khó mà thực hành pháp. Không gì tệ hơn là thực hành vài việc một cách nô lệ, rồi từ bỏ Pháp. Vì thế mà thật cần thiết phải có khả năng chuyển hóa nghịch cảnh thành pháp tu và thành một cái gì không hại cho Pháp. Có hai tiêu đề: (1) Chuyển hóa toàn cảnh bằng tư tưởng; (2) Chuyển hóa bằng hành động.

a-2.3.1. Chuyển hóa hoàn cảnh bằng tư tưởng

Có 2 tiêu đề phụ (1) Chuyển hóa nhờ phân tích (2) chuyển hóa nhờ hành động.

(i) Chuyển hóa nhờ phân tích

Cúng Dường Đạo Sư nói:

“Khi vũ trụ tràn ngập những hậu quả của tội lỗi…” Bản văn gốc của chúng ta về pháp luyện tâm cũng nói tương tự:

Khi vũ trụ đầy tội lỗi,

Hãy chuyển hoàn cảnh không may này

Thành con đường đưa đến giác ngộ.

Nghĩa là hiện tại, mỗi khi lo lắng vì bệnh hoạn, kẻ thù, phi nhân, v.v…, chúng ta thường trách cứ người khác. Vì chúng ta không hiểu được rằng tất cả bệnh tật là hậu quả của nghiệp chúng ta, chúng ta cho rằng nó do đồ ăn, do ác ma, v.v… Tuy nhiên khi chúng ta nhìn sâu vào sự kiện căn bản đáng trách, thì ta sẽ thấy rằng mọi nỗi bất hạnh đều phát sinh do nghiệp, như tôi đã dạy trong phần nhân quả thuộc Phạm Vi Nhỏ. Và ngay cả nghiệp ấy cũng do ngã ái của ta; bởi thế ngã ái là điều căn bản đáng trách.

Khi một tên trộm cướp hết đồ đạc quý giá của bạn, thì đừng trách tên trộm, mà hãy trách ác nghiệp của bạn và điều là bạn phát sinh nghiệp ấy, nghĩa là ngã ái. vậy khi bạn đối mặt với bệnh hoạn, khổ đau, nghịch cảnh… bạn phải nghĩ là chúng đang giúp đỡ bạn thành tựu giác ngộ. Có câu nói: “Bệnh, tội lỗi và chướng ngại là một cái chổi (để quét sạch nghiệp-DG).”

Nghĩa là mỗi khi bạn ngã bệnh v.v… thì hãy nghĩ rằng ác nghiệp này, tội lỗi và chướng ngại này, mà quả báo của chúng đáng lẽ bạn phải chịu trong các đọa xứ, thì trái lại đã chín ngay trong đời này. Việc này làm cho bạn cảm thấy sung sướng. Lại nữa bạn cũng nên mừng mà nghĩ rằng: “Tôi đang thực hành pháp Cho và Nhận bằng cách quán tưởng tôi đang nhận lấy những tội lỗi và chướng ngại của các hữu tình. Bây giờ tôi đã thực sự thành đạt điều ấy.” Hãy cầu nguyện cho bao nhiêu nỗi khổ của chúng sinh còn lại sẽ trút lên bạn, và trong lúc thiền quán tưởng tượng rằng việc ấy đang làm vơi đi tất cả đau khổ và đáng lẽ các hữu tình phải chịu. Hãy quán tưởng một cách chân thành khi bạn làm việc “nhận lấy” này: “Thật tốt biết bao nếu bây giờ tôi thực sự nhận lấy khổ đau của hữu tình!” Nếu bạn tu tập cách ấy, thì ngay cả bệnh tật cũng sẽ không làm chướng ngại bạn. Những thiện hành của bạn sẽ tăng, như trong câu chuyện về người đệ tử của Kuenpang Draggyaen, đã bị bệnh cùi và được chữa khỏi.

Có câu nói: “Những nghịch cảnh kích thích ta sáng tạo công đức.”

Nghĩa là bạn sẽ nỗ lực tích lũy phước đức trí tuệ và thanh lọc những chướng ngại khi bạn an trú trong ý nghĩ rằng điều hiển nhiên là bạn phải từ bỏ ác hành nếu bạn không muốn đau khổ. Chúng ta hoàn toàn hạnh phúc khi không gặp hoàn cảnh không may, và bởi thế ta không nhớ pháp. Nhưng khi những nghịch cảnh như mang tiếng xấu, bị xuống chức, bị bệnh, v.v… thì chúng ta mới tung mình ra khỏi tình trạng vô cảm và khởi sự làm việc lành.

Quỷ thần, ác ma, ma vương

Là phương tiện mà chư Phật dùng;

Chân như vui thích làm bạn với đau khổ.

Khi bạn bị ma vương, ác ma, bùa chú v.v… làm hại, thì hãy xem như chúng đang làm lợi ích lớn cho bạn, vì điều ấy tác động cho bạn tu tập Pháp trong khi trước đấy bạn hoàn toàn bù đầu vào những chuyện thế tục không nhớ gì đến Phật pháp. Đau khổ cũng có thể là một yếu tố góp phần vào việc chứng ngộ chân như nếu bạn biết cách lèo lái tư duy của mình. Vì bệnh là hậu quả của ngã ái, nên bạn cần suy nghĩ rằng bệnh, ác ma v.v… rất tốt cho bạn vì chúng giúp bạn hàng phục kẻ thù là ngã ái - một việc bạn không thể tự làm. Khi một hoàn cảnh bất lợi xảy đến cho chúng ta, chúng ta liền gián đoạn ngay sự tu tập. Nhưng đừng làm thế. Cũng như bạn phải coi chừng khi đi qua một con đường hiểm, bạn phải cẩn thận đừng phế bỏ sự tu tập khi gặp hoàn cảnh xấu. Đấy là lý do tại sao người ta bảo thật quan trọng để thực hành pháp “Cho và Nhận” một cách nghiêm chỉnh. Quyển Hành Bồ Tát Hạnh nói:

“Điều tốt đẹp của đau khổ là

Nó tẩy trừ kiêu mạn buồn sầu.

Người ta phát triển lòng xót thương.

Đối với chúng sinh trong sinh tử,

Tránh làm ác và thích làm lành.

Khi đối diện với đau khổ, bạn cảm thấy bất hạnh và điều này tẩy trừ kiêu căng. Bạn cũng cảm thấy thương xót kẻ khác vì chính bạn cũng đau khổ, và điều này là một nhân tố cho bạn mong muốn từ bỏ những gì bạn cần phải từ bỏ. Khi ta không gặp đau khổ, thì ta cứ tưởng mọi sự đều tốt đẹp, và ta lấy làm sung sướng. Nhưng có câu nói:

Đừng vội vui mừng khi gặp sung sướng

Mà hãy vui mừng khi gặp chuyện buồn:

Sự sung sướng làm tiêu mòn công đức bạn tích lũy,

Còn đau khổ thì tịnh hóa được tội lỗi và chướng ngại.

Giữ một địa vị cao thì cũng giống như bị quản thúc tại nhà, như những vị Lạt ma và viên chức cao cấp không được đi bất cứ đâu họ muốn. Một vị Lạt ma nói:

“Chức vị cao cũng như bị quản thúc,

Chức nhỏ là nơi cư trú tuyệt vời cho những Đấng Chiến thắng.”

Nghĩa là tất cả những học giả, hành giả trong quá khứ đều giữ những địa vị thấp và đã đạt đến Phật quả. Ngay cả Drom Rinpoche cũng đã quỳ lạy trước người dưới ông; bởi thế chúng ta không nên đặt mình cao hơn người khác. Bằng cách ấy ta sẽ dễ dàng giữ tình bạn.

Đừng vui khi được khen,

Mà bãy vui khi bị chỉ trích:

Sự chỉ trích sẽ soi sáng lỗi lầm của bạn.

Nói cách khác lòng kiêu căng của bạn càng tăng bội khi người khác ca tụng bạn. Nhưng kiêu căng cũng như lời ca tụng sẽ làm cho bạn đọa. Bạn không thể thấy lỗi làm của mình, và mặc dù bị chỉ trích thì không có gì vui, nhưng sau đó bạn sẽ xét lại hành động của mình, và điều này sẽ làm bạn cẩn thận thay đổi lối hành xử.

Có câu nói:

“Lời phỉ báng là một ân huệ của chư thiên.”

Có nghĩa sự phỉ báng là một điều thần diệu. Bởi thế mỗi khi bạn vướng vào những hoàn cảnh xấu như gặp những sự phỉ báng làm cho bạn chao đảo, thì hãy nghĩ như trên.

Khi bạn sung sướng, bạn nghĩ rằng đấy là hậu quả của thiện hành, và điều này sẽ làm cho bạn vui vẻ thiền quán về tâm bồ đề v.v…

(ii) Chuyển hóa bằng tri kiến

Bản văn của chúng ta nói:

Hãy xem tất cả mọi tướng giả dối

Như là bốn loại thân.

Tuy nhiên, lời này là theo cách giải thích xưa cũ từ thời truyền pháp đầu tiên, và khi xét lại chúng ta thấy nó chưa ổn. Khi ta nhìn sâu vào bản chất của một nỗi khổ đã sinh khởi, người ta bảo nó là pháp thân (thân của chân lý), vì nó không sinh tử bất cứ gì, v.v… nhưng tôi có cảm tưởng điều này không đánh trúng vào điểm chính. Nói vắn tắt, hạnh phúc và đau khổ của chúng ta có thể đã phát sinh từ những hoàn cảnh hoặc tốt hoặc xấu. Nhưng khi xét bản chất của chúng thì những điều ấy được thấy là đã sinh ra từ một chuỗi nhân duyên hỗ tương lệ thuộc. Như vậy hoàn cảnh tốt hay xấu, đau khổ hay hạnh phúc tất cả chỉ là những nhãn hiệu, và những việc như thế không thể được thiết lập theo bản chất của chúng, dù chúng ta nhìn sâu vào sự kiện rằng “tôi” và “người khác” không thực sự hiện hữu, thì điều này sẵn sàng ngăn chận chúng ta khỏi đau khổ, tham luyến, v.v…

Nếu bạn không hiểu được tri kiến ấy thì phải nghĩ: “Khi tôi chết, tất cả những hạnh phúc và buồn khổ mà bây giờ tôi có thể có, sẽ chỉ còn là những ký ức, như thế tôi đã chiêm bao về chúng. Thương hay ghét trong cuộc đời ngắn ngũi này thật là điều vô nghĩa. 

--- o0o ---

Vi tính: Nguyên Trang. Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/09/2024(Xem: 3912)
Con vừa ghi lại buổi pháp thoại Thầy thuyết giảng về "Đại Sư Thiếu Khang, vị Tổ thứ 5 của Tịnh Độ Tông Trung Hoa", con kính gửi Thầy xem và chỉnh sửa thêm trước khi online. Con kính cám ơn Thầy cho phép con phiên tả, vì đây là cơ hội để con chú tâm để hiểu ít nhiều về Phật pháp thêm vào vốn liếng giáo lý quá ít ỏi của con. Bạch Thầy, con chợt nhận ra rằng, Thầy đã dùng phương tiện này để dẫn dắt con, thay vì như Tổ Thiếu Khang cho tiền để trẻ niệm A Di Đà, Thầy đã khéo léo bảo con tường thuật để cột tâm con vào một mối không đi lang thang như khi ngồi nghe giảng hay tụng kinh. Con kính tri ân Thầy.
21/09/2024(Xem: 2959)
Con trộm nghĩ nếu câu Niệm Phật được thực hiện đúng, nghĩa là luôn được gắn chặt vào một suy nghĩ bất cứ lúc nào thì suy nghĩ duy nhất này sẽ đẩy ra tất cả những suy nghĩ khác thì đương nhiên tác động kỳ diệu của việc niệm Phật rất giống với Thiền.( một yếu tố bắt buộc trong việc học Phật .) Hơn thế nữa con được nghe rằng “ Học lịch sử mà không làm sống lại được nhân vật và hoàn cảnh lịch sử thì nào có bổ ích gì" nhấn mạnh rằng việc học lịch sử không chỉ đơn thuần là ghi nhớ các sự kiện, ngày tháng, hay tên tuổi mà còn phải hiểu rõ bối cảnh, tâm tư và động lực của những nhân vật trong lịch sử. Nếu chỉ học theo cách máy móc mà không thể thấu hiểu và cảm nhận được những giá trị ẩn sau sự kiện, ta sẽ bỏ lỡ những bài học quan trọng nhất.
16/08/2024(Xem: 3371)
Video Books Kinh Trung Bộ, Trường Bộ & Ương Ưng Bộ của Hòa Thượng Thích Minh Châu
07/03/2023(Xem: 5262)
Hạnh Phúc Trong Từng Hơi Thở (bài giảng của SC TN Giới Bảo)
07/03/2023(Xem: 3359)
Kinh Lương Hoàng Sám- S.C Giới Bảo Dẫn Chúng Trì Tụng Năng Lực Tiêu Trừ Nghiệp Chướng Lớn
23/12/2022(Xem: 21095)
Các video sau được sưu tập và biên tập sao cho mỗi video đều có mục lục chi tiết (ngoại trừ các bài giảng lẻ), kèm theo thời điểm lúc giảng các mục để người xem có thể dễ dàng theo dõi. Ngoài ra nếu vô tình nghe một đoạn bất kỳ cũng có thể biết được Sư bà đang giảng tới mục nào vì tên mục đó có ghi phía dưới màn hình.
26/03/2022(Xem: 15845)
❝Trên đường đạo không gì bằng tinh tấn, Không gì bằng trí tuệ của đời ta, Sống điêu linh trong kiếp sống ta bà, Chỉ tinh tấn là vượt qua tất cả.❞ Kính chia sẻ cùng chư Tôn đức, Pháp hữu và qúy Phật Tử Lịch Pháp thoại và khóa tu tại Hoa Kỳ trong tháng 4 và tháng 5-2022 với sự hướng dẫn của Tỳ kheo Như Nhiên. Th Tánh Tuệ CHƯƠNG TRÌNH HAI NGÀY TU HỌC tại Tu viện Đạo Viên tiểu bang Maryland Khóa tu chủ đề: TIẾP XÚC VỚI THỰC TẠI. Với sự hướng dẫn của thầy Thích Tánh Tuệ California, Thầy Viên Ngộ trụ trì Tu Viện Đạo Viên, Maryland và Thầy Tâm Nguyên trụ trì Tu Viện Hạnh Phúc, Florida. Tu học hai ngày thứ Bảy & Chủ nhật (April 09 & 10, 2022) và ngắm Hoa Anh Đào vùng thủ độ Hoa Thịnh Đốn vào ngày thứ hai sau khóa tu.
07/02/2022(Xem: 22428)
Kính đa tạ Thầy đã giới thiệu 14 lời vàng của HT Thích Trí Tịnh (1916-2014 ) một Bồ Tát thị hiện đã mang kho tàng kinh các đến với Phật Tử VN trong và ngoài nước nhưng cuối cùng di chúc để lại cho đời chỉ vỏn vẹn 14 lời vàng này lại là Kim Chỉ Nam cho những ai muốn tu tập giải thoát ( LÀM LÀNH-LÁNH DỮ-THƯƠNG NGƯỜI- THƯƠNG VẬT-ĂN CHAY-NIỆM PHẬT -TỤNG KINH ) và Bộ Toàn tập Kinh Hoa Nghiêm 4 quyển cũng như Ngũ Kinh Tịnh Độ mà Ngài đã thọ trì hằng ngày từ A lại da thức khởi phát.
01/02/2022(Xem: 36624)
48 Đại Nguyện của Đức Phật A Di Đà (loạt bài giảng của TT Thích Nguyên Tạng trong mùa dịch cúm Covid-19)
09/12/2021(Xem: 22800)
Cách đây vài ngày đọc trên một tờ báo tại Sydney , khi nói về chủng thể Omicron vừa phát tán và lây lan do xuất phát từ các nước Nam Phi , tôi chợt mỉm cười khi đọc được câu này " Chúng ta đã học từ nạn đại dịch một điều rằng : Đừng nên hy vọng một điều gì , vì chắc chắn điều mình hy vọng ấy sẽ chỉ là THẤT VỌNG " If there’s one thing COVID has taught us , it is to expect nothing, except disappointment . What it comes to that COVID really delivers
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]