Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

07. Phật dạy báo ân

06/08/201100:22(Xem: 3535)
07. Phật dạy báo ân

HAI CHỮ MẸ CHA
Chân Hiền Tâm
Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh 2007

Phật dạy báo ân [03]

Lúc ấy trong đại thành Vương Xá, có năm trăm trưởng giả. Tên họ là Diệu Đức, Dũng Mãnh v.v... Các đại phú trưởng giả này đều đã thành tựu chánh kiến, cúng dường Như Lai và các thánh chúng.Trưởng giả là những vị giàu có và phúc đức vào thời đức Phật, nên gọi là ĐẠI PHÚ TRƯỞNG GIẢ. Các vị này đã thọ tam qui ngũ giới, đã biết qui hướng Tam bảo. Tam bảo là Phật, Pháp và Tăng bảo. Như ngày nay mình đến chùa qui y thọ giới, có pháp danh, cúng dường Tam bảo để Tam bảo được trường tồn ở thế gian. Đều là một trong những biểu hiện của người có chánh kiến.

CHÁNH KIẾN là cái thấy chân chánh. Từ cái thấy này, mình sẽ có những hành vi tương ưng, mà cái quả của nó là hạnh phúc và an lạc. Vận mệnh mình không do một đấng thượng đế nào định đoạn mà do chính suy nghĩ và hành vi của mình. Có cái nhìn như thế gọi là chánh kiến. Tương tự, những cái thấy như : Bố thí thì có cái quả phú quí. Thâm lạm của người thì bị quả báo tàn mạt. Ở hiền gặp lành v.v… đều là những dạng gọi là chánh kiến.

Các trưởng giả này nghe Thế Tôn ca ngợi pháp môn tâm địa Đại thừa, mới nghĩ rằng “Ta thấy Như Lai phóng kim sắc quang, biểu hiện khổ hạnh khó hành của Bồ tát. Ta không thích tâm hành khổ hạnh. Ai có thể vĩnh kiếp trụ ở sanh tửø vì chúng sanh thọ các khổ não?”.

Pháp tu nào giúp mình nhận ra mình có trí tuệ và lòng từ như Phật, chỉ vì một chút không tỉnh, chạy theo những suy nghĩ tham ái sân giận mà gây tạo những nghiệp nhân không tốt, khiến thế giới Phật của mình trở thành thế giới nạn tai đau khổ, pháp môn đó gọi là PHÁP MÔN TÂM ĐỊA.

Không nương vào những nghi thức cầu cúng bên ngoài, chỉ ngay nơi tâm mà tu, niệm sân khởi lên biết đó là niệm sân, dừng lại. Niệm tham nổi lên BIẾT đó là niệm tham, dừng lại. Bất cứ niệm nào hiện lên trong tâm mình đều BIẾT. BIẾT đến khi nhận được bản chất thực của nó, cũng như bản chất thực của vạn pháp ở thế gian. Đó là lúc ta nhận được tâm chân thật của chính mình, tu vậy là mình đang áp dụng PHÁP MÔN TÂM ĐỊA.

KIM SẮC QUANG, chỉ cho quang minh sắc vàng tỏa ra từ người Phật. Quang minh đó là kết quả có được từ quá trình hành Bồ tát đạo, trải dài sanh tử làm lợi ích cho những người hữu duyên, cũng là quá trình thanh lọc những nhiễm ô vi tế trong tàng thức. Vì thế nói “Ta thấy Như Lai phóng kim sắc quang, biểu hiện khổ hạnh khó hành của Bồ tát”.

Phật nói “Giàu sang mà chịu học đạo là khó”. [04] Giàu sang mà chịu bỏ thì giờ đến chùa, chỉ để cúng dường xây chùa độ tăng, là đã thấy khó, huống là chịu đọc học kinh sách rồi ứng dụng nó vào cuộc sống thường nhật của mình. Phật nói khó, vậy mà các trưởng giả nói đây đều làm được, thì biết chủng nhân Phật pháp các vị từng gieo trong quá khứ rất thâm sâu. Chính vì chủng Phật pháp đã thâm sâu, Phật mới giảng pháp Đại thừa và Nhất thừa cho chư vị nghe. Có điều, do phước báu đời nay lớn quá, đời sống vật chất lẫn tinh thần quá sung túc, nên hạt giống Phật pháp trong các vị … bị che lấp. Nghe hành Bồ tát đạo, trải dài sanh tử học đạo, cứu giúp muôn người, người đói cơm cho cơm, người đói pháp cho pháp v.v… Các vị sinh tâm e ngại. Đây là chuyện thường tình ở thế gian. Bồ tát ra đời cách ấm còn mê. Gốc là Bồ tát, nhưng cứ một lần mất thân trước có thân sau, mình lại quên cái gốc của mình. Phải gặp thiện tri thức, nghe pháp v.v… mình mới dần dần nhớ lại và thực hiện tiếp hạnh nguyện mình đã làm trong quá khứ.

Nghĩ vậy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, quì xuống trước Phật, chấp tay cung kính cùng bạch Phật rằng : Bạch Thế Tôn! Chúng con không thích Bồ tát hạnh của Đại thừa, cũng không hoan hỉ khi nghe hai từ khổ hạnh. Vì sao? Vì hạnh nguyện tu hành của Bồ tát không phải là biết ân và báo ân. Vì sao? Vì xa lìa phụ mẫu hướng về xuất gia. Vì theo ý muốn của người mà đem cho vợ con. Lại theo chỗ ưa cầu của người mà bố thí đầu mắt tủy nảo của mình, chịu các khổ não. Phải đến ba a tăng kỳ kiếp tu đủ các độ và tám vạn bốn ngàn hạnh ba-la-mật, vượt giòng sanh tử mới được cái lạc của đại bồ đề. Chẳng bằng thú hướng đạo quả Nhị thừa, ba đời trăm kiếp tu tập tư lương, [05]đoạn nhân sanh tử, chứng quả niết bàn, chóng được an lạc, mới gọi báo ân.

Các vị trưởng giả nêu lý do vì sao các vị không thích tu Bồ tát hạnh. Có hai lý do:

1. Với những việc mà Phật đã làm, thì hành Bồ tát đạo là quá khổ và quá khó.

2. Vì các hạnh mà một vị Bồ tát làm không phải là biết ân và báo ân.

Vì khổ hoặc cảm thấy bất an trong cuộc sống, mình mới tìm đến đạo. Đến với đạo là để có một cuộc sống hạnh phúc từ vật chất đến tinh thần. Giờ tu hành rồi, tu một thời gian đầy đủ phước báu rồi, lại nghe Phật dạy phải hành Bồ tát đạo, phải trải dài từ đời này sang đời khác làm lợi lạc cho chúng hữu tình. Tu vậy thì tu chi cho cực? Chính vì vậy các vị phản đối.

Phật nói ân nghĩa trên đời không gì sánh được với công cha nghĩa mẹ. Giờ muốn làm Bồ tát thì phải xuất gia học đạo mới có thể làm Bồ tát (như đức Phật vượt thành, bỏ cha tha phương tìm đạo rồi hành đạo). Nhưng làm vậy thì thứ nhất, cha mẹ để nhà không ai cung phụng nuôi dưỡng sớm hôm. Thứ hai, làm vậy cha mẹ sẽ buồn lòng. Vì ngoại trừ những vị thâm hiểu Phật pháp, còn lại không bậc cha mẹ nào đẻ con ra, nuôi con khôn lớn, mà muốn nó bỏ mình cạo đầu vô chùa ăn chay nằm phản, hạn chế mọi thú vui ở đời. Do đó các vị nói hành Bồ tát đạo là không biết ân và báo ân.

ĐEM CHO VỢ CON là sự tích đức Phật, trong một kiếp làm thái tử, thực hành hạnh nguyện bố thí ba-la-mật. BỐ THÍ BA-LA-MẬT là ai xin thứ gì, cho liền thứ đó, cho đến khi không còn gì để cho. Thái tử xin vua cha mở kho báu để mình được bố thí bất cứ vật gì mà người ta xin. Vua cha đồng ý. Vì ai xin gì cũng cho, nên cho luôn voi báu của vua cha. Vua tưởng ai xin gì cũng cho, là chỉ cho vàng bạc châu báu thóc gạo, không ngờ voi quí của mình nó cũng đem cho. Giận thằng con tự thị và ngu si, vua đuổi thái tử ra khỏi cung.

Phu nhân thái tử là người lễ nghĩa, dù thái tử nói “Ta phải bố thí tận cùng những gì mình có cho tròn hạnh nguyện” và không muốn mang bà theo, bà vẫn một mực chấp nhận tất cả để theo chồng thọ pháp. Vợ chồng cùng hai con lên đường … Trên đường, các Bà-la-môn lại tiếp tục đến xin. Thái tử rộng tay bố thí luôn cả ba mẹ con, để thực thi hành nguyện bố thí ba-la-mật của mình.

Vợ con, nếu nghịch đạo dữ dằn ác ôn, thiên hạ xin mà nhờ đó mình đắc đạo thành Phật, thì không đợi Phật dạy, mình cũng sẵn sàng. Nhưng vợ con ngoan hiền, ân nghĩa đầy tràn, tự dưng chỉ vì sự thành đạo của mình mà đem cho thiên hạ, phải nói là bất nhẫn. Song không bất nhẫn như thế, không buông xả được tận cùng như thế, thì đời này không có Phật, không có giáo pháp của Phật. Chúng sanh chìm trong biển khổ vô vàn. Sự hy sinh phải nói là to lớn.

BỐ THÍ TỦY MẮT … THEO CHỖ ƯA CẦU CỦA NGƯỜI là do nghe sự tích : Trong một tiền kiếp, khi Phật còn hành Bồ tát đạo, ngài là một vị vua ở cõi Diêm-phù-đề, tên là Chiên-đàn-bà-la-tỳ, cũng đang thực hành hạnh bố thí ba-la-mật.

Lúc đó có một Bà-la-môn tên Lao Độ Sai đến xin vua bố thí, không phải vật dụng châu báu mà chính là đầu của nhà vua. Ai nghe cũng hoảng, nhưng nhà vua thì bằng lòng. Mọi người cản ngăn, nhưng ông giải thích “Con người vì bị tình ái từ kiếp lâu xa trói buộc, nên bị ách sanh tử bức bách. Từ vô thủy kiếp đến nay, sống chết không biết bao lần, lúc trong nước phân tro, khi lại ở hố than, chết đây sanh kia. Thân ta đây, máu tanh huyết nồng, một ngày nào đó cũng tan rả, có gì luyến tiếc mà không xả bỏ để tu lấy pháp chân thường tịch tĩnh. Ta bỏ cái đầu này để thực hành hạnh nguyện Bồ tát. Sau khi thành đạo, ta sẽ hóa độ các ông thoát khỏi cái khổ sanh già bệnh chết”. Nói rồi ban đầu cho Lao Độ Sai mà không hề viện cớ mình là người đức độ, mình sống muôn dân mới được nhờ, mình chết ai độ muôn dân v.v... Đã nói cho là cho tất, dù đó là thân mạng mình.

Tu mà đụng ai xin thứ gì cũng cho như vậy, đang khổ nghe còn ngán, huống là các vị đang sống trong giàu sang sung sướng. Phản đối là chuyện thường tình.

Song hai hình tượng trên chỉ là những hình tượng bên ngoài, nói lên thân tâm bên trong đã hết chấp trước nhiễm ô. Nghĩa là, muốn thành Phật thì tâm hết nhiễm ô mới là chính, không phải cứ cho vợ con hay bố thí thân mình, là đã thành Phật. Nếu chỉ lấy hình tướng bên ngoài đó làm tiêu chuẩn đánh giá vấn đề thành Phật, thì những chàng cảm tử Irad đều thành Phật. Nhưng chắc chắn mấy ông đó không thể thành Phật. Những hình tượng đó chỉ muốn nói lên sự thanh tịnh, không còn dính mắc của thân tâm.

Cho nên, cuối kinh, Phật có nêu lên 3 loại ba-la-mật. Loại thứ nhất là Bố thí ba-la-mật, chỉ cho hình ảnh thứ nhất, là bố thí những thứ ngoài thân. Loại thứ hai là Thân cận Ba-la-mật, chỉ cho hình ảnh thứ hai, là bố thí những thứ ngay thân. Còn một loại nữa là Chân thật ba-la mật, là sống được với tâm chân thật của mình. Phật muốn Phật tử phải báo ân theo kiểu thứ ba. Sẽ được giải thích ở cuối kinh.

Nếu có một pháp tu mà áp dụng nó, thân tâm mình hết nhiễm ô, thì mình chỉ cần áp dụng pháp tu đó, không cần phải cho vợ con hay chính bản thân mình. Vì thành Phật hay không chính là ở tự tâm còn nhiễm hay không, không phải ở những hình tướng bên ngoài. Gia đình cư sĩ Bàng Long Uẩn, vợ con vẫn xum vầy, nhưng cả ông và hai con đều ra đi rất tự tại. Vì tuy còn vợ con, nhưng đời sống vợ chồng, tình cảm ràng buộc con cái đã không còn, tâm không còn dích mắc bất cứ thứ gì.

ĐẠO QUẢ NHỊ THỪA, là chỉ cho các quả vị có được mà không cần hành Bồ tát đạo. Chỉ cần chịu ngồi một mình trong chốn tĩnh lặng và thiền định. Nhập được trạng thái thiền định của hàng La Hán thì thoát được sanh, già, bệnh, chết, hưởng được sự an lạc vô biên.

Tóm lại, các vị trưởng giả không thích tu pháp Đại thừa. Vì với cái nhìn của chư vị, tu Đại thừa quá khổ. Nếu phải tu thì cùng lắm là tu theo Nhị thừa, thoát cái khổ sanh già bệnh chết. Tức đã tu thì chỉ có tiến tới, vui ít tiến lên vui nhiều, không thể nhảy từ chỗ đang vui lùi lại chỗ khổ cực. Chắc ai cũng đồng tình với các vị trưởng giả đây.

Phật nói với 500 trưởng giả : Lành thay! Lành thay! Các ông nghe tán thán Đại thừa, tâm sinh thối chuyển phát khởi đại nghĩa, khiến cho tất cả chúng sanh không biết ân nghĩa trong thời vị lai đều được lợi ích an lạc.Thuyết pháp, người nghe phản bác, Phật không bực mình mà còn tán thán “Lành thay!Lành thay! Các ông nghe tán thán Đại thừa, tâm sinh thối chuyển phát khởi đại nghĩa …”. Không phải khen vì các vị phản bác, cũng không phải khen vì các vị nghe tu Đại thừa sinh tâm thối chuyển. Khen, vì nhờ sự thối tâm đó, Phật mới biết được lý do thối tâm mà giải thích, giúp người ở thời vị lai, là những người như mình đây, chưa hiểu về báo ân có cơ hội hiểu nó rõ ràng.

Lắng nghe, lắng nghe rồi khéo suy nghiệm! Ta nay vì ông phân biệt tuyên thuyết những chỗ ân nghĩa thuộc cả thế gian và xuất thế gian. Này thiện nam tử! Chỗ nói của các ông chưa đáng là chánh lý. Vì sao? Vì ân nghĩa ở thế gian và xuất thế gian có 4 loại :
1. Ân cha mẹ.

2. Ân chúng sanh.

3. Ân tổ quốc.

4. Ân Tam bảo.

Bốn ân đó, chúng sanh đều phải đảm đương như nhau.

Lắng nghe lắng nghe là muốn người nghe để tâm nghe cho kỹ. Nghe thế nào hiểu đúng thế ấy, đừng phân tâm để chữ thì tới tai, chữ lại không, khiến vấn đề trở thành sai lệch.

CHƯA ĐÁNG CHÁNH LÝ, là các vị mới biết một mà chưa biết hai.

ÂN không phải chỉ có ân cha mẹ, mà có đến bốn : Cha mẹ, chúng sanh, tổ quốc và Tam bảo. Tất cả mọi người đều phải có bổn phận đền đáp những ân này.

BÁO ÂN không phải chỉ có một mà đến hai. Không phải chỉ có dùng phẩm vật, công sức v.v… thuộc thế gian mới gọi là báo ân, mà còn có cách báo ân xuất thế gian. Cách báo ân này mới thật là báo ân, mới có thể báo hết 4 ân trên. Nó vượt xa cách báo ân thế gian.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/08/2011(Xem: 3425)
Phật tử Thị Giới - Trần Đức Phi Bằng là một cộng tác viên thân thuộc của Nguyệt san Giác Ngộ. Nhân mùa Vu lan Báo hiếu, nhận được thư mời cộng tác của bộ phận biên tập, không như thường lệ, anh đã gửi đến tòa soạn một lá thư, với lời nhắn: “Lần này, như quý thầy biết, vì lu bu quá, con không viết được bài nào.
11/08/2011(Xem: 3236)
Mẹ sinh con ra nhưng khi con còn rất nhỏ, mẹ lại không có điều kiện để chăm sóc con. Mọi thứ đều phải nhờ vào bà ngoại và mấy dì. Việc ấy khiến giữa con và mẹ luôn có khoảng cách. Con không thể nói với mẹ về những gì con muốn nói, cũng không mấy khi chịu lắng nghe về những gì cần lắng nghe. Khi mẹ hỏi một điều gì đó, con không trả lời. Con đối với mẹ hơn cả người dưng nước lã. Nhưng mẹ vẫn bình thường. Mẹ vẫn làm những gì mẹ có thể làm, bù cho những ngày mẹ đã bỏ lỡ trước đây.
09/08/2011(Xem: 7897)
Ngày lễ Vu Lan không gì khác hơn là ngày lễ dành cho cha mẹ, ngày nhắc nhở phận làm con là phải biết nhớ về cội nguồn, phải luôn tâm niệm báo đáp công ơn của cha mẹ.
09/08/2011(Xem: 5737)
Khi con bắt đầu lớn khôn nên người, thì lúc đó con mới cảm nhận được tình thương bao la, rộng lớn mà mẹ đã dành cho con - một sinh mạng nhỏ nhoi được lớn khôn và trưởng thành...
08/08/2011(Xem: 3691)
Lễ Vu Lan xuất xứ từ kinh Pháp Thuyết Vu Lan Bồn. Theo kinh này Phật có dạy Mục Kiền Liên rằng: "Là đệ tử của Phật tu hành đạo hiếu thảo...
07/08/2011(Xem: 6621)
Kinh Vu Lan thuật chuyện Tôn giả Mục Kiền Liên với thần lực đệ nhất mà vẫn không cứu được mẹ nơi cảnh khổ ngạ quỷ. Sau đó, vâng lời Phật dạy, Tôn giả đã thiết lễ trai nghi...
06/08/2011(Xem: 6324)
Sau khi xuất gia khoảng 5 năm, vị tân Tỷ-kheo ấy đã am tường giáo pháp và được các vị trưởng lão cùng đại chúng tán thán về đức hạnh.
06/08/2011(Xem: 3211)
Trên phương diện xuất thế gian, thầy dạy đạo còn có vị trí cao cả hơn, vì thầy dạy ta những phương pháp tu hành để trở thành người đạo đức, để thăng hoa đời sống tâm linh.
06/08/2011(Xem: 6332)
Một chút ánh sáng nhỏ nhoi, giúp con soi tỏ những giọt mồ hôi không hình nơi mẹ. Nhưng phải tự khi làm mẹ, mới thấu vô vàn cái nhọc mẹ mang.
05/08/2011(Xem: 10591)
Khi có con, ngoài cái trao hết cái nhựa sống, cái khí huyết của mình để nuôi con, người mẹ còn trao cho con cái tinh hoa đạo đức của mình.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]