Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lễ Vu Lan Nguyễn Du lập đàn bạt độ cô hồn thập loại

05/08/201105:31(Xem: 3921)
Lễ Vu Lan Nguyễn Du lập đàn bạt độ cô hồn thập loại
dai-le-vu-lan
LỄ VU LAN NGUYỄN DU LẬP ĐÀN
BẠT ĐỘ CÔ HỒN THẬP LOẠI
Thích Tâm Tôn

Ai đã từng sống long đong trong bể khổ không cùng cũng như trong hoan lạc chơi vơi, hay từng trải qua những ngày dài quạnh quẽ và những đêm tàn hoang vu, ắt hẳn không sao tránh khỏi trỗi dậy nỗi động lòng dào dạt khiến lệ trào dâng mi khi đọc Văn Tế Thập Loại Cô Hồn đầy ai oán cảm sầu của cụ Nguyễn Du. Một Nguyễn Du thiên tài, song lại là một mảnh đời lận đận và có phần bạc mệnh như chính cuộc đời Kiều. Phải chăng, đó là nghiệp báo lao xao của một kiếp chúng sanh mà ông đã nhìn nhận trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh:

"Mỗi người một nghiệp khác nhau,
Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ?"

Nghe ra thấy toàn là chất nhân sinh và tâm linh Phật giáo. Và chất Phật giáo ấy có gì lạ, bởi chính ông là một Phật tử trí thức thấm nhuần giáo lý Phật Đà. Hình như cái tư tưởng Phật giáo đã vô hình ứng hiện vào tận nguồn cảm hứng sáng tác cho một nghệ sĩ Nguyễn Du, để tạo nên những áng thi chương lẫy lừng bất hủ. Điều đó đã được thể hiện trọn vẹn trong hai tác phẩm bất tuyệt của ông: Truyện Kiều và Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh. Cả hai tác phẩm này có thể được xem như là những bản kinh của Phật giáo Việt Nam, mang tính cầu an như truyện Kiều và cầu siêu như Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh. Nhân Lễ hội Vu Lan xin được lạm bàn về vài áng văn tế của Nguyễn Du, như thể để nhắc lại cái giá trị văn hóa tâm linh Phật giáo tuyệt với mà ông đã thể hiện một cách trọn vẹn về nghĩa cử báo hiếu tình thân và thi ân tế độ phổ đồng. Đó chính là hai mục tiêu trong một ý nghĩa "Giải Đảo Huyền" mà người Phật tử Việt Nam nào vào dịp tiết Trung Nguyên - Lễ hội truyền thống Vu Lan cũng vọng hoài thổn thức.

Đức Phật từng dạy: "Nếu đem nước mắt của hết thảy chúng sanh trong vòng luân hồi từ vô thỉ đến nay tích chứa lại thì nhiều cũng như nước của cả một đại dương". Đức Phật là hiện sinh của tinh thần đượm nhuần đức tánh nhân ái và từ bi vô lượng. Bằng vào mọi phương tiện, tinh thần nhân ái cao cả đó được Ngài thể hiện một cách tài tình hằng che chở cho tất cả chúng sanh. Tánh đức từ bi vô ngần ấy chính là tinh thần cảm thông với những nỗi thống khổ bất tận mà những chúng sanh tội lỗi và bệnh tật hằng mang. Đức Phật tỏ bày: "Nỗi thống khổ của người cũng chính là nỗi thống khổ của ta, và niềm hạnh phúc của người cũng chính là niềm hạnh phúc của ta." Tình thương cao cả ấy quả là cái đức bạt ngàn của người cha và cái lòng bao la của người mẹ dành cho con thơ tội nghiệp.

Phật giáo du nhập vào Việt Nam mang theo những tinh ba tươi đẹp nhất để làm tươi mát cho những tâm hồn khốn khổ, đồng thời cũng xúc tác những nguồn tư tưởng phong phú làm trào dâng cho bao trái tim nhân sĩ trí thức Việt Nam. Chỉ có tình thương của đạo Phật mới sản sinh ra những con người giàu đức hiếu sinh, hiếu hòa và giải thoát như Lý Thánh Tôn qua những tâm sự này: "Ta ở trong cung kín, sưởi lò than, khoác áo lông mà còn rét thế này. Nghĩ đến các tù nhân bị nhốt nơi lao ngục, bị trói buộc khổ sở mà chưa biết phải trái ra sao, ăn không đầy bụng, mặc chẳng che thân; gió rét, tất có kẻ chết không nơi nương tựa. Ta thật lấy làm thương… Ta yêu con ta thế nào thì ta thương dân cũng thế. Vì dân không hiểu luật lệ nên mắc tội, ta thực lấy làm thương xót. Vậy từ nay về sau, tội nặng hay nhẹ, các ngươi cũng khá xử cho khoan hồng." Và tình thương ấy chúng ta cũng lại được thấy trào dâng bàng bạc vào tận cả chốn u đồ của Cô Hồn Thập Loại mà Nguyễn Du đã động lòng cảm thông trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh. Đó là tình thương trải rộng, tình thương phổ đồng của tinh thần đại bi nhà Phật.
Tinh thần ấy được Ngài Thật Hiền khai mở trong Văn Khuyến Phát Bồ Đề Tâm như sau: "Ta với chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay, đời đời làm cha mẹ nhau, có ơn với nhau. Nay do cách đời mờ ám, không biết được nhau, nhưng lấy lẽ mà suy cứu thì làm sao có thể không có sự báo bổ. Ngày nay là thú vật, nhưng biết đâu ngày trước ta đã từng là con cái của chúng. Hiện tại là vi sinh, nhưng biết đâu quá khứ chúng đã từng là cha mẹ của ta. Thường thấy, nhỏ mà xa cha mẹ thì lớn lên đã quên hết hình bóng song thân, huống chi cha mẹ bà con đời trước, ngày nay kẻ họ Trương người họ Vương, khó mà nhớ được nhau. Họ gào thét trong địa ngục, ngất ngưỡng trong ngạ qủy, thống khổ ai biết, đói khát ai hay. Ta dầu không thấy không nghe, nhưng họ tất cầu cứu cầu vớt. Kinh mới dạy được việc ấy, Phật mới tỏ cảnh này, còn kẻ tà kiến thì làm sao biết được. Nên Bồ Tát nhìn sâu kiến cũng thấy toàn là cha mẹ quá khứ và Chư Phật vị lai, thường nghĩ cách lợi ích cho chúng và thường nhớ trả ơn cho chúng."

Hình ảnh Đức Bổn Sư từ phụ của chúng ta sụp lạy đống xương khô trong Kinh Phụ Mẫu Báo Hiếu Ân thể hiện rõ nét cho tinh thần này. Nói đến Nguyễn Du, bậc văn chương chính nhân xưa nay đều hay cái duyên của người nghệ sĩ này với cái chất Phật giáo nó khắng khít thế nào.

Mở đầu cho bài văn tế 184 câu, Nguyễn Du như vừa thì thầm ngâm thơ vừa than thở trong lệ rơi cho nỗi niềm trăn trở đầy ê chề áo não.

"Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô,

Não người thay buổi chiều thu,

Ngàn lau nhuộm bạc, lá khô rụng vàng."

Trước hết, nếu chỉ xét đơn thuần về khía cạnh tâm hồn người nghệ sĩ trước cảnh vừa đẹp vừa buồn của tiết thu thì Nguyễn Du cũng như Nguyễn Khuyến hay Lưu Trọng Lư không hơn không kém. Đối cảnh sanh tình là cái bệnh "đa cảm đa sầu" bình thường muôn thuở của người nghệ sĩ. Hình ảnh của tiết thu như: mưa dầm, hơi lạnh, sương khô, lá rụng vàng không gì lạ lẫm trong hồn thơ của những bậc thi nhân. Nhưng thoát ra ngoài phạm vi nghệ sĩ ấy, ta cảm nhận như Nguyễn Du không phải bị rơi vào chỗ đồng điệu với cái buồn man mác của chiều thu, mà hình như tự trong sâu lắng tâm hồn ông kết đọng một nỗi niềm u uất hay khắc khoải một hoài vọng xa xăm về một thế giới tâm linh u huyền nào đó. Cái chất thu ở Nguyễn Du có mang một chút sáng tối áo não hòa quyện sắc màu âm dương, dễ dàng khơi dậy một thứ cảm giác bâng khuâng về cái ân và cái nghĩa theo nhà Phật được thể hiện trong Lễ hội Vu Lan mà mỗi con người ai cũng hằng mang nặng. Như vậy, ở đây cái thu không chỉ là cảm xúc khi đối cảnh của tình nghệ sĩ, mà còn là cái thu mang nặng nghĩa ân tình thâm trọng của người con Phật.

"Tháng bảy mùa thu lá rụng vàng,
Ấy mùa báo hiếu lễ Vu Lan."

Đọc những vần thơ tiếp theo ta mới thấy rõ hơn về sự liên tưởng từ cái "hữu hình" đến cái "vô hình", từ cái "dương thể" đến cái "âm thể" trong một tâm hồn trăn trở Nguyễn Du:

"Đường bạch dương bóng chiều man mác,
Dịp đường lê lác đác sương sa,

Lòng nào lòng chẳng thiết tha,

Cõi dương còn thế nữa là cõi âm."

Từ một trực cảnh hiện sinh, thiên tài Nguyễn Du mở ra những cánh cửa bí mật dẫn vào tâm hồn u uẩn của cô hồn thập loại và của chính tâm hồn mình. Ở đó ta thấy xuất hiện một nỗi niềm kỳ lạ khó hiểu trong con người của ông vào lúc cuối cuộc đời. Khi phải bệnh nặng, Nguyễn Du không chịu uống thuốc. Lúc gần chết, sai người sờ tay chân xem còn nóng hay đã lạnh. Người nhà bảo: Đã lạnh cả rồi. Nguyễn Du nói: "Được!" Nói xong thì im lặng mà từ giã cõi đời.
Theo thuyết Nghiệp Chủng Thức Phật giáo, mà rõ ràng là giải thích của Thái Hư Đại Sư ở bài kệ:

"Đảnh Thánh, nhãn sanh Thiên,
Nhân tâm, ngạ quỷ phúc,

Bàng sanh tất cái ly,

Địa ngục cước tâm xuất."

Để đoán biết một người sau khi chết sẽ sanh về cảnh giới nào thì chỉ cần xem người ấy vào lúc lâm chung điểm hơi ấm cuối cùng xuất ra ở chỗ nào trên thân. Nếu ở đảnh đầu thì sẽ sanh về cõi Thánh, nếu ở trán thì sanh vào cõi trời, nếu ở tim thì sanh được làm người, nếu ở bụng thì sanh làm ngạ quỷ, ở đầu gối thì sanh vào loài súc sanh, còn ở bàn chân thì phải đọa vào địa ngục.

Nguyễn Du đã dùng phương pháp này để đoán xem mình sẽ sanh vào thế giới nào. Người nhà bảo lạnh cả rồi mà ông vẫn còn trong trạng thái hoàn toàn tỉnh, rồi bảo rằng: "Được!" Từ "Được" ấy chính là cái điểm nóng cuối cùng diễn biến đúng như ý của Nguyễn Du. Cũng chính trong cái im lặng ra đi của ông toát lên một sức mạnh gì đó mang tính được dự định cho điều bí mật hiện hữu trong một tâm hồn. Đó phải chăng là một sự tỉnh thức mà từ lâu Nguyễn Du đã tu tập được để chuẩn bị cho một phẩm vị ở cảnh liên trì tự tại.

Sống, Nguyễn Du cứ bị thôi thúc bởi hai chữ "Sinh hóa". Chính vì vậy mà mở đầu bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh, ta toàn trực diện với những từ ngữ chứa chan sắc màu lắng đọng của âm dương chập chờn hòa quyện.

"Trong trường dạ tối tăm trời đất,
Có khôn thiêng phảng phất u minh,

Thương thay thập loại chúng sanh,

Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người."

Đạo Phật luôn lấy sứ mạng đem ánh sáng và tình thương đến cho muôn loài làm lý tưởng sống. Ánh sáng của tinh tú, của mặt nhật, mặt nguyệt chỉ có thể giúp chúng sanh thoát khỏi sự hỗn mang phiền tạp cũng như sự mò mẫm, và đen đặc của trời đất hay của cuộc đời. Ánh sáng chánh pháp, của tình thương chính là hai sự trạng chan chứa trong tinh thần của Phật giáo. Chính cái tình thương phổ đồng mới đưa tất cả chúng sanh cùng hòa vào một khối yêu, và ngay ở chính đó mỗi cá thể sẽ tìm thấy được cái tình thân ấm áp lạ lùng. Đây quả là lời tỉnh giác, là lời mở đầu bài thuyết linh cho chúng cô hồn "phách chiếc lênh đênh" không nơi nương tựa của một Pháp sư chứ không phải của một Nguyễn Du mà mọi người chỉ biết dưới danh nghĩa một đại thi hào.

"Tiết đầu thu lập đàn giải thoát,
Nước tỉnh đàn rưới hạt dương chi,

Muôn nhờ Đức Phật từ bi,

Giải oan cứu khổ hồn về Tây Phương."

Đến đây chúng ta càng thấy rõ hơn Nguyễn Du đã thật sự thoát xác hóa thân thành một pháp sư, thành một đạo sĩ tay cầm nhành dương rưới nước phép, mở khai phương tiện quyền xảo đi vào tận cùng thế giới không tên của trăm nghìn kiếp sống mà hiển thật hóa duyên. Một danh nhân không chỉ của riêng dân tộc Việt Nam hay của Phật giáo Việt Nam, mà còn được cả thế giới công nhận và xếp vào hạng những nhà văn hóa nổi bật của mọi thời đại lại còn xiển dương việc "lập đàn giải thoát" như thế ấy. Đó chính là phẩm chất của nhà văn hóa Nguyễn Du và cũng là phẩm hạnh cao đẹp của một vị Bồ Tát. Có ai nào dám mạo danh vì một chủ nghĩa, một học thuyết lý luận nào đó mà phê phán hay chỉ trích ấy là việc làm mê tín dị đoan phải bài trừ? Chỉ những ai thiếu kiến thức văn hóa mới hời hợt đánh giá đó là phi văn hóa. Và chỉ có những ai lạm dụng cái giá trị văn hóa đó để phục vụ cho mục đích riêng mình mới là người thiếu văn hóa.

Cách nói của Nguyễn Bỉnh Khiêm:

"Trời đất nào dung tha kẻ ác,
Cớ sao còn có lễ Vu Lan,

Từ bi, ta muốn nhờ công sức,

Cứu được bao người chịu khổ oan?"

Đó là cách nói răn dè để dạy đời theo quan điểm đạo đức về thiện ác, thưởng phạt do trời đất định đoạt mang tính khắt khe của người Nho gia. Theo truyền thống báo hiếu, đáp nghĩa, đền ân thuộc đạo lý làm người của Phật giáo thì chẳng những khi còn sống chúng ta phải biết quan tâm và tử tế với nhau, mà ngay cả sau khi chết chúng ta cũng phải biết thương tưởng hướng về nhau. Vì thế, Vu Lan phải được xem như là một nghĩa cử cao đẹp không chỉ cứu tử mà còn có giá trị độ sanh nữa. Với lại, về mặt pháp luật, không luật lệ nào không có ngoại trừ, cũng không có tòa án xử tội nào lại không có điều khoản ân xá.

Theo Phật giáo, trong thế giới tương đối này, hết thảy vạn hữu đều phải chịu ảnh hưởng của quy luật Nhân Quả. Tất cả đều tương quan tác động qua lại với nhau, duyên vào nhau mà tồn tại. Do đó, nghi lễ cầu an và cầu siêu là những trợ duyên cần thiết, những đìều kiện hỗ trợ một cách hợp lý cho sự sống và sự chết của con người về mặt tinh thần. Đứng về phương diện đạo lý thường tình mà xét thì "lễ" là sự thể hiện cho cái "nghĩa" sống của con người, song để thể hiện cái "lễ" ấy thì cần phải dựa vào "nghi thức" để thực hiện cho phải lẽ kính tôn.

Tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật đã hun đúc nên một tình thương rộng lớn không chỉ hạn cuộc trong phạm vi nhân sinh mà còn phổ huân khắp tất cả các loài chúng sanh đang điêu linh nơi âm cảnh ở một đại thi hào. Lòng xót thương đã khiến người nhận ra được tính đồng thể mà chỉ có các Bồ Tát, các bậc giác ngộ trong loài hữu tình mới nhận thấy được để từ đấy phát nguyện độ tận chúng sanh. Một tình thương bao la như thể biết dùng những phương tiện cứu độ và hóa duyên, mà ở đây là "đàn khai cam lồ môn" được Nguyễn Du thiết lập theo nghi Vu Lan Bồn để giải oan bạt độ cho chúng cô hồn lạc lõng bơ vơ.

Ngày rằm tháng bảy, tất cả các cửa ngục đều mở, mọi hình phạt đều tạm ngưng, các tội nhơn trong chốn u đồ đều có cơ hội được xá tội. Đêm hôm ấy, kiến lập Vu Lan để cúng tế chúng sanh nơi âm giới và báo đáp cù lao. Ở hội này có thiết lập một đàn "khai cam lồ môn" để giải oan bạt độ cho chúng sanh chịu khổ chốn u đồ được giải thoát siêu thăng. Như vậy, "đàn giải thoát" mà Nguyễn Du nói đến chính là đàn này vậy.

Theo các khoa nghi chẩn tế thì cô hồn tùy theo nghiệp chủng mà biến hiện ra nhiều hình thù khác nhau để chịu khổ báo. Có những loại cô hồn bụng to như cái trống mà cổ lại nhỏ bằng ống kim, không thể nào ăn uống được. Có những loại cô hồn vì tánh xan tham nên để giành lấy thức ăn họ lại cấu xé nhau đến chết mà vẫn chịu cái khổ đói khát. Có những loại cô hồn nhìn thức ăn thấy toàn máu mủ và than hồng không sao ăn uống được. Ngoài ra còn nhiều nỗi thống khổ không sao tả xiết được mà chúng sanh phải chịu ở chốn u đồ.

"Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc,
Quỷ không đầu đón khóc đêm mưa;

Cho hay thành bại là cơ,

Mà cô hồn biết bao giờ cho tan."

Hơn ai hết, Nguyễn Du làm lắng đọng lòng người để nghe những âm thanh vang động tiếng thiết tha đầy thê thảm của chúng sanh khi viết nên tiếng ai oán Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh. Ở đó, ông cũng phác họa nên những hình ảnh âm linh kinh hoàng chịu những nỗi rét mướt lạc loài của những oan hồn cô mộ.

Với thuyết nghiệp báo của Phật giáo, tất cả chúng sanh đều có nghiệp quả, chúng đều hưởng thọ nghiệp quả, chúng lệ thuộc vào nghiệp quả. Chính nghiệp quả mà phân biệt chúng sanh thành các chủng loại: thấp-cao, sang-hèn, quý-tiện, hạnh phúc-khổ đau. Hay nói theo Lê Thánh Tôn trong Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn:
"Hồn là thần, phách là quỷ,
No nên Bụt, đói nên ma."

Như vậy, qua sự hiện hành của nghiệp quả mà người ta đánh giá được nghiệp nhân của chúng sanh. Nghiệp quả càng vô cùng đa dạng thì hình thức hiện sinh của chúng sanh càng đa dạng không cùng.
"Mỗi người một nghiệp khác nhau,
Hồn xiêu, phách lạc biết đâu bây giờ?"

Và cái đa dạng phảng phất ấy trong khoa Mông Sơn Chẩn Thí Cô Hồn có trình bày: "Hà sa thập loại khôn cùng,… không chùa không miếu lấy ai nương nhờ. Từ đường đâu có phụng thờ. Cô đơn, độc lập nương nhờ gốc cây, lênh đênh mặt nước cung mây, đầu đường xó chợ hồn bay lạc loài". Hễ cõi dương có bao nhiêu cảnh phiêu bồng lạc lõng thì cõi âm có bấy nhiêu cảnh lang bạt tiêu điều. Trở lại lời thỉnh mời, và cũng là lời mà Nguyễn Du thức tỉnh cho những tâm hồn mang nặng oán thù sân ngoa.

"Cô hồn thất thểu dọc ngang,
Nặng oan khôn nhẽ tìm đường hóa sanh."

Theo quan điểm Phật giáo thì thiên đường hay địa ngục đều do ở mỗi con người mà ra.

"Nghiệp duyên vốn tự mình ra,
Nơi vuông tấc đủ thiên đường, địa ngục."

(Vịnh Phật - Nguyễn Công Trứ)

Vậy muốn thoát những cái khổ dằn vặt trong chốn tam đồ thì ở mỗi chúng sanh phải tự mình thức giác diệt trừ mê lầm oán thân, nhờ đó sẽ đạt tới đỉnh cao giác ngộ và giải thoát - hạnh phúc và tự do. Đó không chỉ đơn thuần là lời thức giác cho những cô hồn nặng oan khiên mà còn là lời phản tỉnh cho những con người đang hiện sinh lầm lạc trong cả cuộc đời này.

"Kiếp phù sinh như hình bào ảnh,
Có chữ rằng vạn vật giai không;

Ai ơi lấy Phật làm lòng,

Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi."

Ở đây, Nguyễn Du đã diễn tả rất chính xác thực trạng vô thường theo quan điểm nhà Phật, đó là một thực tại khách quan, một chân lý phổ biến khắp không gian và thời gian. Nó không dựa trên ý thức cảm tính hay khái niệm chủ quan, lại hoàn toàn không phải hư cấu giả tưởng hay thêu dệt để lung lạc lòng người. Hết thảy vạn vật kể cả thập loại chúng sanh đều có những điều kiện, những nhân duyên tạo thành, không có cái biệt lập riêng rẽ. Đó là nguyên lý tất yếu, là nhận thức giác ngộ. Nếu giác ngộ đúng sự thật thì lòng ta sẽ vơi, sẽ không còn day dứt, khổ đau; vượt trên những vui buồn thường tình; tháo gỡ những oán thù, những tham lam ích kỷ. Đây là lời thuyết linh, lời phản tỉnh dẫn dắt hết sức tài tình của pháp sư Nguyễn Du. Đồng thời đó cũng là lời thiết tha kêu gọi mọi người hãy mau mau giác ngộ sự thật cuộc đời. Một khi lòng ta đã giác ngộ thức tỉnh thì Phật tại tâm, Phật ở tại lòng ta, vì Phật chính là giác ngộ vậy.
Kết thúc bài văn tế Nguyễn Du viết:

"Phật hữu tình từ bi phổ độ,
Chớ ngại rằng có có không không;

Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng,

Nam mô nhứt thiết siêu thăng thượng đài."

Khi Đức Phật quyết định dấn thân vào đời, Ngài phát bốn thệ nguyện rộng lớn để làm lý tưởng sống giữa cuộc đời: "Thệ nguyện độ tất cả chúng sanh, thệ nguyện từ bỏ tất cả phiền não, thệ nguyện học hết thảy giáo lý cao siêu, thệ nguyện thành tựu đạo giác ngộ vô thượng." Bốn lời thệ nguyện này là hành trang của lòng yêu thương và từ bi vô tận, là tiêu điểm hướng đến thành tựu Phật quả. Bốn câu kết của Nguyễn Du ở bài văn tế bao hàm đủ ý nghĩa của "Tứ hoằng thệ nguyện" này. Ta thấy tình yêu thương của ông trang trải khắp tận cùng thế giới chúng sanh. Chính cái tình yêu thương vô tận ấy là nguồn xúc tác khơi dậy những vần thơ trác tuyệt làm rạng rỡ hình ảnh của một đại thi hào. Đứng về mặt đạo đức thế gian, ông quả là một người có đầy đủ hiếu tâm, hiếu đạo, trọn nghĩa, trọn tình. Đứng về mặt giác ngộ, ông có đầy đủ phẩm hạnh của một Phật tử sống biết thể hiện tinh thần tự độ, độ tha.

Tóm lại, đứng trên địa hạt lợi tha, đạo Phật luôn khích lệ tất cả mọi người phải ghi nhớ, tích cực tìm cách báo ân và cứu khổ. Xét rộng thì tất cả chúng sanh đều là ân nhân của nhau. Và cái khổ mà cần cứu cần vớt đó là cái khổ thống thiết của chúng sanh trong chốn u đồ.

Nhân mùa Vu Lan đến với người con Phật, tất cả chúng ta hãy cùng với Nguyễn Du đồng chấp tay hướng về Tam Bảo, đồng thể hiện tình thương tưỏng đạo giáo vô biên của người con Phật đến tận khắp pháp giới chúng sanh còn đang đau khổ đọa đày trong cảnh u đồ, và hiện tại thế gian đang sống cơ hàn vì thọ nghiệp đáng thương, các chơn linh anh hùng liệt sĩ vì nước vong thân, đồng bào tử nạn. Hãy cùng nhau thành kính nguyện cầu cho tất cả đều được siêu sanh thoát hóa. Ấy là ý nghĩa báo ân mang tính vừa cao cả, vừa bao la hòa đồng và cảm thông cùng khắp của Nguyễn Du, của người Phật tử trong tinh thần Phật giáo chánh nhân. Cuối cùng, xin hãy đồng niệm câu kinh của Phật tử Nguyễn Du để nguyện cầu cho hết thảy chúng sanh đều được lợi lạc, an lành và hạnh phúc trong ngày lễ Vu Lan này.

"Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng,
Nam mô nhứt thiết siêu thăng thượng đài".

Source: thuvienhoasen
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/08/2011(Xem: 7148)
Trong văn hóa của dân tộc Việt Nam, ý nghĩa hiếu đạo, được xem là một di sản qúi báu, một chất liệu sống tốt đẹp được mọi người yêu chuộng...
05/08/2011(Xem: 9204)
Om Mani Padme Hum, The Jewel in the Lotus - The Mantra of Compassion This is the highest Mantra for mankind
04/08/2011(Xem: 2825)
Nếu không có linh hồn, thì địa ngục có hay không? Ngạ Quỷ là ai ? Nhà họ ở đâu ? Họ sống bằng cách nào ? Lễ Vu Lan có phải cũng là lễ cúng cô hồn hay không? Ngày đại lễ Vu Lan có phần cúng Mông Sơn Thí Thực, người hay đi chùa chỉ nghe nói cúng Mông Sơn, mà ít nghe nói cúng thí. Vậy Mông Sơn Thí Thực, bốn chữ này phải có ý nghĩa gì đặc biệt mà người ta phải dùng?. Một mâm lễ nhỏ, một nồi cháo trắng gọi là cúng cháo. Tại sao phải cúng cháo?
04/08/2011(Xem: 6382)
Hàng năm, chúng ta vâng lời Phật dạy, làm người con thảo, nên thường dâng tứ sự, cúng dường trai tăng lên Thập Phương Thường Trú Tăng để hồi hướng phước báo đến Cha Mẹ...
02/08/2011(Xem: 3298)
Nhờ ông Phật, tôi hiểu được ba nhiều hơn. Cái khó nhất ba đã đạt rồi, đứng giữa đôi dòng Đạo và Đời. Ung dung như vị Phật...
02/08/2011(Xem: 3605)
Người mẹ không đi thêm bước nữa mà ở vậy nuôi dưỡng con thơ. Lúc đó trong thôn chưa có điện, mỗi tối thằng bé thắp ngọn đèn dầu bé tí đọc sách, vẽ tranh.
02/08/2011(Xem: 6113)
Công ơn của cha mẹ đối với các con thật to lớn như trời cao, biển rộng, nào là mớm cơm cho ăn từng bữa, nào là săn sóc cho con từng giấc ngủ canh khuya...
01/08/2011(Xem: 4524)
Cách đây mấy ngàn năm, ngài Mục Kiền Liên đã thỉnh cầu Thánh chúng cầu siêu cho mẹ. Nhờ lễ cầu siêu ấy, bà thoát kiếp ngạ quỉ...
01/08/2011(Xem: 3110)
Suối nguồn chở nặng lời thơ ầu ơ ca khúc năm xưa mẹ hò Từng câu theo bước chân tròn Nuôi con khôn lớn, vào đời theo con
01/08/2011(Xem: 6502)
Đức Phật của chúng ta đã dạy rất nhiều về đạo hiếu trong khắp cả các kinh điển. Chúng ta là Phật tử thì phải tâm tâm niệm niệm báo đền ân đức cha mẹ...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]