Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bể Khổ Của Mẫu Hậu 3 Miền (kịch)

26/02/201205:05(Xem: 5501)
Bể Khổ Của Mẫu Hậu 3 Miền (kịch)
Van_Nghe_Thien_Tra (20)

KỊCH: Bể Khổ Của Mẫu Hậu 3 Miền


Vì sao mà các Phật tử Ưu Bà Di lại đi chùa nhiều hơn và tu hành tinh tấn hơn các Phật tử Ưu Bà Tắc? Chúng con, chúng tôi xin quý Ôn, quý Thầy, Cô cùng toàn thể Phật tử lắng nghe câu trả lời của các vị ấy qua vở kịch "Bể khổ của Mẫu hậu 3 Miền". Xin mời thưởng thức (phần nhạc đệm cho vở kịch: Lồng nhạc bài "Em đi Chùa Hương, Mưa trên phố Huế và Sài Gòn đẹp lắm” khi 3 nhân vật 3 miền xuất hiện)

Thầy ĐT: Trước hết chúng tôi xin giới thiệu Mẫu hậu đến từ Thành Thăng Long Hà Nội đó là Mẫu hậu "Trưng..... Tam", xin mời.....

TH: Dạ con là Trưng Tam, con cháu vô số đời, đếm không sao xuể của hai Bà Trưng Trắc và Trưng Nhị, xin kính chào quý vị khán giả ạ!

TĐT: Ủa té ra Chị đây là con cháu còn sót lại của Hai Bà Trưng sao??? Nhưng sử sách nói hai Bà nhảy xuống Sông Hát tự tử hồi còn trẻ mất tiêu rồi, chứ tui có nghe hai Bà có con, có cháu gì đâu cà???

TH: Dạ chẳng giấu gì Thầy bởi vì Mẹ con rất ư là ngưỡng mộ hai nữ Anh Thư ấy, nhưng giời ơi, khổ lắm Thầy ạ, Mẹ con lại tin vào bói toán và mê tín dị đoan nên sợ con đây sát chồng như Bà Trưng Trắc và sợ lọt vô cái cung...cung gì nhỉ???... ờ cung cô đơn, cô độc như Bà Trưng Nhị, do đó không đặt là Trưng Trắc hay Trưng Nhị mà lấy tên là Trưng Tam đấy ạ!

TĐT: Thế à! Tiếp theo chúng tôi xin chào đón O (ý không phải) Mụ mới đúng, Mụ Công Tằng Tôn Nữ Bành thị Tẹt đến từ đất Thần kinh - Cố đô Huế, Xin mời....

QH: Dạ MụTẹt xứ Huế xin kính chào quý vị quan khách có mặt hôm nay hí!

TĐT: (lẩm bẩm) Con cháu vua chúa gì bộ sợ phạm húy hay sao mà đặt cái tên nghe phát ớn vậy không biết???

QH: Dạ thiệt ra con chẳng phải con vua cháu chúa chi mô. Dạ tên cúng cơm của con là Bành Thị Tẹt nhưng bị vì cả xứ Huế chỉ mỗi một mình con can đảm ghi danh dự thi mà thôi nên Ban tổ chức khi nghe giọng nói trọ trẹ của con rứa là họ gán thêm họ vua vô nghe cho sang trọng để gây ấn tượng cho Ban Giám Khảo đó Thầy nờ!

TĐT: Thì ra là vậy? Sau đây chúng tôi xin giới thiệu Mẫu hậu cuối cùng đến từ thành phố đô thị phồn hoa, dập dìu tài tử giai nhân, thành phố Sài Gòn......đó chính là Mẫu hậu "Bùi......Cần" cháu 3 đời của ông dỡ hơi "Bùi .....Kiệm", xin mời.....

QT: Dạ con xin kính chào quý vị khán giả. Dạ con tuy là cháu 3 đời của ông Bùi Kiệm nhưng ông ấy có câu nói bất hủ là: "Thần nấu chay ai ăn thì ăn, còn thần thì ăn mặn" riêng con tu hành tinh tấn lắm nên con nấu mặn, con ép người ta ăn còn con đây thì nhất định ăn chay ạ!

QH: Thôi, O khỏi giới thiệu hí? Tui chộ (nhìn) mặt mày của O là tui biết tu hành tinh tấn dữ tợn lắm đây! Chắc là đệ tử ruột của mấy Ôn trên chùa Quảng Đức chứ chi?

TH: Vậy sao? Bộ bà chị đây biết coi tướng cơ à? Nhìn làm sao mà đoán ra được hay thế?

QH: Nghe giọng điệu O hỏi là biết O không phải Phật tử chùa Quảng Đức rồi. O biết răng không đệ tử của mấy Ôn trên nớ ai cũng giỏi dễ sợ lắm O nờ, cho nên Giáo hội mình mà có tổ chức chi thì cứ tin tưởng giao thẳng cho Quảng Đức là yên tâm thôi, tối ngủ thẳng cẳng khỏi lo âu, phiền não chi hết chứ mô!

TH: Thế cơ à? (quay qua QH nói) Ừ chị nói đúng đấy, tôi từ Chùa Bảo Minh là đệ tử của Ôn Viên Tịch... ối giời ơi, Mô Phật là Ôn Viên....Tịnh đấy ạ! (thở dài) Dạo này có lẽ bận bịu công việc nhiều quá, ít đến Chùa tụng kinh, lạy Phật hay sao mà cứ lẩm ca lẩm cẩm quên trước quên sau, nói ngọng nghịu thế này không biết. Rõ khổ thân tôi quá đi mất!!!

QT: Mèn đét ơi, giàu có quý phái như chị Ba đây.... đeo vàng sáng cả người, ăn mặc sang trọng như vậy mà cũng than khổ sao hén?

TH: Ui giời ơi! Bà chị đây nhắc đến giàu có làm tôi đây nhớ lại: Ngày xửa, ông bà cụ nhà tôi cũng vì môn đăng hộ đối nên mới gả tôi vào gia đình giàu sang để trông mong con gái mình có một cuộc sống sung sướng, hạnh phúc nhưng mà......khổôôô lắm!

QH: Răng rứa? Được ở trong nhà cao cửa rộng, xe đưa ngựa đón, kẻ hầu người hạ mà khổ chi hè?

TH: Hai bà chị biết không? Ngày đầu tiên mới chân ướt chân ráo về đến nhà chồng là Mẹ chồng tôi bảo ngay với ông nhà tôi "Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở mẹ cha đưa về" đấy con ạ! Con mà không khéo dằn mặt nó là nó "được đằng chân lân đằng đầu" mầy đấy nhé, con giai yêu quý của Mẹ!

QH: Chao, dễ sợ dữ rứa!

TH: Và quay sang tôi Bà liền bảo: Tôi rước Mợ vào nhà tôi. Mợ nhớ "nhập gia tùy tục" giùm tôi Mợ nhỉ! (Giọng buồn buồn) Thế là kể từ ngày đó tôi phải làm dâu cả dòng họ từ trên xuống dưới, không chừa một mống nào cả đấy hai chị ạ!

QT: Tội cho chị Ba đây ghê, đúng là ở trong chăn mới biết chăn có rận, có rệp hén.

TH: Chưa hết đâu nhé, khổ nhất là nhà chồng tôi rất quan trọng việc có con giai để nối dõi tông đường. Tôi nhớ khi tôi đẻ đứa con gái đầu lòng thì mẹ chồng đến thăm và bảo "Ối dào thị mẹt cơ à, thôi lo dưỡng sức mà tìm cho bằng được con giai cho dòng họ nhà tôi đấy chị nhé!"

QH: Ác rứa hè, làm như đàn bà mình là cái máy đẻ không bằng hí?

TH: Bà bảo tôi: Chị đây có ăn có học nên dư biết rằng "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" chứ nhỉ? Chị có đẻ 10 đứa con gái thì cũng coi như không đẻ đấy, còn chỉ cần có 1 thằng con giai thôi thì ối giời ơi quý hoá lắm đấy nhé! Và thế là Bà cụ bỏ về thẳng một nước không thèm liếc mắt tới đứa cháu Nội của mình nữa đó! Trời ơi mình đang đau đớn, mệt nhọc nghe Bà cụ nói mà chỉ muốn vãng sanh "Liên hiệp quốc" sớm như đệ tử của Ôn Tâm Minh cho rồi!

QH: Đó, mấy O thấy không, làm cái thân đàn bà mình răng mà khổ đủ cả trăm bề rứa không biết? Đẻ không được thì bị đồn đãi "Cây độc không trái, gái độc không con". Rồi đẻ thì phải cho ra con trai để nối dòng nối giống, nuôi dạy con không xong cũng trút lên đầu mình "Con hư tại Mẹ, cháu hư tại Bà".

QT: Chưa kể đâu nghe, chồng mà không nở mày nở mặt với thiên hạ cũng chỉ trích tại vợ vì "Người ta sang nhờ vợ mà nó bần quá, mặt mày lúc nào cũng như mất sổ gạo thì làm sao mà chồng nó ăn ra làm nên cho đặng???..." .

QH: Ừ, đàn bà mình nghiệp chỗ mô đổ xuống mà nặng dữ rứa hè? (quay sang TH) À rồi sau nớ răng nữa O?

TH: Lúc đấy tôi tuyệt vọng và đau khổ cùng cực hai chị ạ, sống không giống sống mà chết cũng không ra chết... và cơ may thay tôi đã tìm đến cửa Phật, nhiếp tâm lo tu hành. Cũng nhờ vậy mà kể từ đó tôi đã tìm được sự an lạc trong đau khổ đấy! Bởi vậy hai bà chị đừng nghĩ cứ sống trong giàu sang, tiền rừng bạc bể là hạnh phúc, sung sướng đâu nhé!

QH: Ừ, thì Đức Phật mình đã dạy "Tiền là con rắn độc" mà O đây chung quanh đầy rắn độc thì sướng làm răng cho nổi, khổ thì cũng đành đi hí? Chứ tui đây nì, trong nhà không có lấy một cái vảy của con rắn độc rứa mà cũng khổ vô hậu luôn O nờ! Nhớ lại ngày xưa, ngày mô tui cũng phải gánh chè lên ngồi ở dốc Chùa Thiên Mụ để bán, lúc nớ mấy o biết răng không nghèo đến nỗi không có đủ tiền mua đường để nêm cho ngọt nồi chè nữa đó, cho nên mỗi khi khách ngồi xuống ăn cứ nơm nớp lo trong bụng, rứa là cứ luôn miệng nói: "ngọt Mệ hí?", "ngọt O hí?" "ngọt Anh hí?"...

QT: (Vỗ cái bốp) Chèn ơi, thì ra cô bán chè ngày xưa đó là chị đây sao? Tôi nhớ ngày đó chị nói với ông xã tôi y chang vậy đó, thế là lúc ăn xong tôi ngạc nhiên hỏi ổng:"Chè lạt nhách mà sao khi cô ấy hỏi anh gật đầu lia lịa vậy???". Lúc đó ổng cười cười trả lời: "Anh gật là bởi vì giọng cô ấy ngọt như mía lùi chứ có phải gật vì chè ngọt đâu chớ."

QH: Ui cha mạ ơi, ốt dột dữ chưa tề, rứa mà tui có hay biết chi mô?

TH: Nhưng mà kệ ăn chè lạt lạt vậy khỏi bị tiểu đường cũng tốt đấy chứ nhỉ?

QH: Hai O là cành vàng lá ngọc, sống trong giàu sang nên không biết chứ nghèo cũng là một cái tội đó hai O nờ. Tui nhớ ngày xưa vì nghèo rớt mồng tơi mà tui đi tới chỗ mô cũng bị khinh khi, họ thấy mình là lờ lờ bỏ đi chỗ khác bị vì sợ mình tới mượn tiền, vay nợ đó. Vừa tủi thân, vừa đau khổ nên nhiều hôm bán ế, ngồi ngó lên Tháp Phước Duyên của chùa mà tui muốn đi tu quách cho rồi!

TH: Úi dào ơi, bà chị nghĩ sao mà đòi đi tu? Bỏ lại đàn con nheo nhóc nghèo khổ để cho người đời họ cười vô mặt cho sao? Họ bảo chắc trốn trách nhiệm hay trốn nợ mới vô chùa chứ tu gì mà tu? Chưa kể Sư Bà nào mà dám nhận để chồng con bà chị kéo nhau lên chùa biểu tình cho banh chùa đấy à!

QH: Ừ, thì tui cũng nghĩ như rứa mới từ bỏ ý định xuất gia nhưng có lẽ mình cũng đã từng có gieo chút nhân duyên chi với Phật, nên … hôm nớ trời mưa tầm tã, tui chạy vô đụt (núp) trong quán bún bò Huế thì gặp lúc bà chủ quán đang bật băng thuyết pháp do Ôn Nguyên Tạng bên Úc giảng, tui nhớ như in, Ôn ấy dạy như ri nì: "Các đệ tử cứ lo tu hành cho thiệt tinh tấn thì chắc chắn sẽ có được mũi dọc dừa, mắt bồ câu, miệng trái tim..." ui chao, tui nghe tới khúc nớ mà mừng bắt chết luôn tề, rứa là túi nớ về tui khoe với chồng tui là lần ni tui quyết tâm tu hành cho giỏi để có cho được cái lỗ mũi dọc dừa.

QT: Rồi Ông ấy bảo sao?

QH: Rứa mà Ông ấy lắc đầu nhìn tui với vẻ ngao ngán và nói: "Mụ nghĩ răng mà đòi tu hành để biến lỗ mũi củ tỏi như ri (chỉ vô mũi của mình) mà thành mũi dọc dừa như rứa (chỉ qua mũi của QT)? Mụ đúng là hết thuốc chữa rồi!". Ui chao ơi, tui nghe xong là nổi xung thiêng lên nói lại liền: "Được rồi, lần ni Ông chống mắt lên mà coi tui tu hí!!!"

QT: Tội nghiệp ghê, thì ra khi nghèo khổ, bị thua thiệt, kém cõi so với mọi người thì khổ quá há chị? Rồi sau khi miệt mài tu hành bao nhiêu năm nay bà chị có thấy lỗ mũi bà chị có nhích lên được phân nào hông?

QH: (Cười bẽn lẽn) Nói ra thì hổ ngươi lắm mấy O ơi, có cao lên chút mô nờ, tẹt vẫn hoàn tẹt, nhưng lạ kỳ và nhiệm mầu lắm nghe, tui càng tu thì càng thấy cái đầu mình ngày mỗi cao hơn, cao hơn và trái tim thì càng ngày hắn càng to ra ,to ra..... rứa tề!

TH: Bà chị tu kiểu gì mà nghe rùng rợn thế? Tu kiểu đó có nước theo Diêm Vương cho sớm đấy, nói thế ai mà dám tu!

QT: Hổng phải đâu, chị Ba đây hiểu lầm rồi. Ý chị Hai đây muốn nói là càng tu thì trí tuệ của mình càng sáng ra và lòng từ bi, thương yêu mọi người càng rộng lớn, mênh mông hơn, phải hông chị Hai?

QH: Ừ, O ni đúng là thông dịch viên hí, tui nói tầm thường rứa mà dịch ra nghe hay ho ghê. (quay sang QT) Còn được vừa đẹp, vừa giỏi như O đây chắc không hề biết khổ đau là chi mô O hí???

QT: (Thở dài) Chị nghĩ sao mà nói như vậy? Nếu cuộc đời này không có đau khổ thì Đức Phật mình đi tu làm gì? Ở điạ vị như Ngài không sướng sao? Mấy Chị thấy đó vừa mới chào đời ai cũng cất tiếng khóc chứ có ai cười đâu? Tui cũng vì đau khổ quá, không biết làm sao nên mới tìm đến với Ngài đó chứ!

TH: Thế sự tình ra sao vậy? Có thể tâm sự loài chim biển cho chị em đây nghe được chăng?

QT: (ngập ngừng) Nói cho ngay, ngày xưa sắc đẹp của tôi cũng được liệt vào loại "Sắc nước hương trời" "Nghiêng thùng (ý quên nghiêng thành) đổ nước" ở đất Sài Thành, con trai đứng trồng cây si trước nhà tôi sắp hàng như thiên hạ xứ này sắp hàng mua đồ big sale vậy đó! Lúc đó tôi cứ nghênh nghênh cái mặt như vậy nè, coi đàn ông như cỏ rác và hay chọc quê mấy anh chàng ngố đó. (QT hò) "Hò ơi... ba đồng một mớ đàn ông, đem về dọn dẹp cửa nhà cho vui"

QH: Dễ sợ hí, nói y như thiệt! Trên đời ni răng lại có người tự tin về nhan sắc của mình dữ rứa hè?

TH: Rồi sao nữa hở chị?

QT: Thì cũng vì tánh tự cao tự đại quá đáng nên tôi cứ lo nhìn trên trời thôi, có biết nhìn ngang, nhìn xuống là gì đâu chứ! Để rồi khi nghe cái anh chàng hào hoa phong nhã ấy tán tỉnh, ngon ngọt đủ điều, anh ta thầm thì với tôi vậy nè (QT hò tiếp) "Hò ơi...ước gì anh lấy được nàng, xây hồ Bán nguyệt cho nàng rửa chân"..... thì tôi phê quá, mơ mơ màng màng, nghe êm ru bà rù và nhắm mắt đưa chân lên xe bông về làm vợ anh ấy.... Mèn đét ơi, ai dè về tới mới chết điếng cả người vì phát hiện... thì ra ổng là Hội trưởng của hội...

TH: Hội sợ vợ à? Thế gặp được ông chồng mà sợ vợ thì đàn bà mình còn gì sung sướng bằng mà bà chị đây lại than với thở cơ chứ?

QT: Nếu được vậy cũng đỡ cho tôi rồi, nhưng đây ổng lại là Hội trưởng của hội...... "Chồng Chúa vợ tôi" mới khổ thân tôi chứ! Cứ hễ mở miệng ra là ổng bảo: "Đàn ông nam nhi chi chí đại trượng phu, chỉ lo việc lớn, còn việc nhỏ là chuyện của đàn bà" mà cả đời gia đình tôi có việc gì là lớn đâu chớ??? Vậy là một mình tôi quần quật lo từ trong bếp ra tới ngoài đường, từ trên xuống dưới. Hừ, còn chuyện lớn của ổng là...

TH: Là gì thế?

QT: Là "Tứ đổ tường" ổng chơi láng hết không chừa món nào cả, (mếu máo) Ổng có hề đếm xỉa gì tới vợ con, có xây sông xây hồ cho tôi rửa chân rửa cẳng gì ráo trọi đâu chớ?

QH: Chao, O ni bị quả báo tới liền trong đời ni chứ có để tới đời sau hay kiếp sau chi mô hè? Đó mấy O thấy không, suy cho cùng giàu cũng khổ theo đường giàu, nghèo cũng khổ theo nghèo, đẹp, xấu cũng khổ, giỏi, dở cũng khổ... Ai cũng có cái khổ riêng của họ hết. Cuộc đời ni đúng là bể khổ mấy O hí?

QT: Có điều nói cho ngay chị em mình cũng nhờ phúc đức của ông bà cha mẹ để lại nên có phước duyên mà gặp được Phật pháp sớm, nương tựa đời sống tâm linh, có cơ hội tu tập để chuyển nghiệp chứ không thôi giờ này mình còn ngụp lặn trong bể khổ mà không hay không biết mới thê thảm dữ nữa hai chị hén!

TH: Ừ, biết tu sớm vẫn tốt hơn là để dấn thân vào đau khổ rồi mới bừng tỉnh thì nó uổng phí cuộc đời đi hai bà chị ạ. Chưa kể lúc đó mình già cả, lẩm cẩm quên trước quên sau thì khó mà học thuộc kinh kệ, lạy Phật, công quả ở chùa lắm!

QT: Cho nên chị em mình rút kinh nghiệm bản thân để bây giờ phải lo ...lo gì cà? À phải lo invest, đầu tư sự tu tập cho đám con cháu từ bây giờ hai chị hén?

QH: Nói thì nói rứa chứ không phải dễ mô, con tui mấy đứa hắn than phiền hoài, hắn nói: “Đi tới chùa cứ phải nghiêm chỉnh, đạo mạo như mấy ông bà cụ non. Sư phụ vài ba tháng mới nở được một nụ cười nên quở tụi nó cười ít ít thôi không thì làm mất vẻ trang nghiêm thanh tịnh của ngôi Chùa. Còn mấy Mệ thì hễ đến Chùa cứ bắt phải mặc áo quần màu sắc tối tăm như đêm 30, đã rứa còn phải kín cổng cao tường như ri (chỉ vô áo dài), rồi lại tụng kinh, niệm Phật và làm công quả chứ chẳng cho tụi nó vui chơi chi hết, chán quá Mạ ơi!”

TH: Cho nên chị em mình cũng nên phải "Cửu giả hằng thuận chúng sanh" mà du di cho bọn trẻ một chút, đừng quá cổ lỗ sĩ, khó khăn mà mấy đứa nó chán tới Chùa. Cứ "phương tiện" trước cho tụi nó yêu thương ngôi chùa, kính mến Thầy Cô rồi trong quá trình tu tập tự nhiên tụi nhỏ sẽ sáng lòng sáng dạ ra thôi! Chứ mấy đứa con tôi, chúng nó còn bảo bạn bè chúng nó nói Đạo Phật mình quê mùa quá chứ không văn minh như Đạo người ta nữa đó, nghe đau lòng ghê hai chị ạ!

QT: Bởi vậy mà quý Ôn cứ khuyến khích, nhắc nhở chúng đệ tử mình phải show talent ra, ai có khả năng gì thì tận dụng cho hết khả năng của mình để phục vụ cho Đạo Pháp, chứ đừng như ông bà mình ngày xưa cứ một mực bắt con cháu phải học tánh khiêm nhường tới độ... ngồi không, ngồi im re không chịu làm chi hết bị vì nếu làm thì sợ ...

TH: Sợ gì nhỉ?

QT: Thì sợ người ta biết mình có .... tài sao??? Rồi sợ bị mang tiếng là show off - khoe khoang nữa đó.

QH: Đừng nghĩ là khoe khoang mấy O nờ, mà mình cần phải chứng minh có rất nhiều Phật tử trẻ tuổi, đa tài, sống hạnh phúc nhưng vẫn tu hành tinh tấn, vẫn tôn Sư trọng Đạo..... chứ không thôi người đời luôn luôn nghĩ một cách lệch lạc, sai trái là chỉ có những ông già, bà lão không còn sức đi chơi ngoài đời nữa như Bà Tư, Dì Bảy đây nì (chỉ xuống dưới)... hay những người có hoàn cảnh đau khổ như chị em mình đây thì mới tìm tới cửa chùa, đến với Phật thôi!

QT: Ừ, bà chị đây nói phải đó, như chị Quảng Tuệ Duyên, chuyên viên nổi tiếng nhổ răng không đau đâu à nghe. Con người chị ấy tài hoa, đẹp người, đẹp nết, vợ chồng con cái vô cùng hạnh phúc. Thấy chị ăn chay trường, siêng năng làm công quả và ngày ngày ngồi thiền, tu hành miên mật.... vậy là bạn bè khắp nơi kinh ngạc điện thoại ì xèo hỏi chị ấy tới tấp, nào là "Bộ chồng mày có bồ nhí sao mà mầy tu dữ vậy?” Hay “Mầy đang bị bệnh tuyệt chứng không chạy chữa được nữa nên lo tu?” Ôi đủ thứ nan y hết... chèn ơi, họ cứ làm như một người có một hoàn cảnh sống bình thường là không cần phải tu hành tinh tấn vậy!

TH: Thôi mình nên thông cảm mà thương cho họ đi, từ từ họ sẽ hiểu thôi hai chị ạ. Chị em mình dù gì cũng có phước báu lớn nên mới được như ngày hôm nay.

QH: Ừ, thì tui thấy mình bổ (té) từ chỗ mô mình phải đứng dậy từ chỗ nớ. Cũng như mình thiếu sót, khiếm khuyết, hư xấu điểm mô thì mình phải bắt đầu tu từ điểm nớ. Ráng cố gắng đời này ơn ai, nợ ai lo đền, lo trả cho cạn tàu ráo máng hết đi hí, chỉ làm răng mắc nợ chùa chiền, mắc nợ quý Thầy quý Cô càng nhiều càng tốt thôi mấy O nghe!

TH: Ủa bà chị đây nói gì kỳ vậy? Tại sao lại đi mắc nợ chùa chiền, quý Thầy quý Cô???

QT: Chèn ơi, có mắc nợ với chùa, mắc nợ quý Thầy, quý Cô thì hy vọng đời sau mới có cơ duyên vô chùa để tu hành chứ sao nữa mà hỏi? Mấy chị phải luôn luôn ghi nhớ rằng: "Một kiếp không tu muôn kiếp khổ. Một đời vô đạo vạn đời sầu" mấy chị nha.

(Nhạc trỗi lên........."Em đi Chùa Hương")

Thầy ĐT: Khoan, xin mấy Mẫu hậu dừng lại cho Thầy interview một chút. Thầy được biết 3 vị ở đây Vị nào cũng già cả, tuổi tác cũng được liệt vào gần đất xa Trời hết rồi và có 2,3,4 đứa con, nhưng nhờ tu tập pháp môn chi mà vị nào nhìn mặt mày lúc nào cũng hoan hỉ và được thon thả như vậy? Có thể cho quý Phật tử ngồi dưới đây chút ít kinh nghiệm để tham khảo không?

TH: Dạ chẳng giấu chi Thầy và quý vị, cũng tại ngày xưa con theo bạn theo bè, tụi nó có tánh hay đâm thọc người này người khác, con thì muốn chơi trội hơn nữa nên không những đâm thọc - mà con còn đâm thẳng vô người ta luôn thế là bây giờ ngày đêm lo niệm Phật để tu khẩu nghiệp của mình. Niệm mệt quá uống nước nhiều vô và thế là không ăn nổi , cũng chính nhờ thế mà (cười bẽn lẽn).... ối giào ơi đi tới đâu ai cũng khen con có tướng giống người mẫu ý quên giống Mẫu hậu quá đấy ạ mà chẳng cần "đai ệt đai iếc" gì cả!

QH: Dạ còn con nói ra thì ốt dột quá chứ mô. Ngày xưa cũng vì thiếu tu tâm dưỡng tánh mà sanh tật ăn gian nói dối chè lạt mà cứ bảo ngọt, còn có cái tật là chuyện nhỏ xí như ri nè mà con xé cho bự ra, thậm chí chuyện không hề có con dựng lên cho có. Chừ biết tu hành rồi, ngày mô con cũng lạy xin sám hối tội lỗi năm xưa, lạy muốn sói cả tóc trán đây Thầy nờ và nhờ rứa mà được như ri đây.

Thầy ĐT: Còn vị này thì cho biết thêm có bí quyết chi để hát ngày càng hay được không?

QT: Dạ còn con thì Thầy biết rồi, gặp ông chồng như vậy nói không được thì chỉ có nước...tụng kinh thôi chứ làm sao hơn đây? Cho nên con cứ vừa lau nhà cũng tụng kinh, rửa chén cũng tụng kinh, nấu ăn cũng tụng kinh... tụng kinh riết... mà giọng con trở nên thanh tao, trầm ấm như vậy chứ chẳng có bí quyết gì ráo trọi hết Thầy ạ! Quý Phật tử dưới đây ai không tin cứ làm theo bảo đảm khóa tu năm sau gặp lại tất cả sẽ trở thành ca sĩ, người mẫu ráo trọi cho coi, hì hì hì....

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/06/2015(Xem: 3812)
Liên Hoa Sắc là nhân vật có thật từ thời Đức Phật tại thế. Bà là ai, cuộc đời thế nào, xin mời Quí vị theo dõi với sự diễn xuất, kể lại một cách sống thực của chị…qua vở hài kịch “Liên Hoa Sắc„ Đây hài kịch “Liên Hoa Sắc„ bắt đầu.
09/01/2015(Xem: 8993)
Có đến 1,500 khán giả tại nhà hát IU Opera ở Bloomington bị cuốn hút theo điệu nhạc vui nhộn của màn mở đầu vở opera “The Tale of Lady Thị Kính,” là cảnh đám cưới của Thiện Sĩ và Thị Kính. Họ như quên đi cái lạnh của tuyết đang phủ trắng hai bên đường bên ngoài trời.
03/01/2015(Xem: 5076)
Vở kịch vui: Buông! Buông! Buông! Bối cảnh xảy ra tại thủ đô Canberra: Dì Diệu Như (đệ tử của HT Quảng Ba) trong lúc chờ đợi đi dự khóa tu học PPUC kỳ thứ 14, ở ngoài vườn, tưới mấy cây bông, đứng trước một cây bông và lầm bầm: Dì NN: “Cây này mình đã tưới chưa nhỉ? Sao bây giờ mình lẩm cẩm thế này? (Thở dài) Nhiều lúc (hát) “Bổng thấy mình chẳng nhớ nỗi một con đường…”
23/07/2014(Xem: 6911)
"Cơn Dông Giữa Mùa Hạ" là tựa đề bài tường thuật của Trần Thị Nhật Hưng nói lên nỗi niềm bâng khuâng và xúc động cùng những kỷ niệm tràn ngập dội về tâm trí của tác giả khi hay tin Sư Ông Khánh Anh viên tịch. Nhưng ấn tượng sâu đậm nhất mà tác giả không thể quên đó là kỳ hành hương Tích Lan tham dự lễ lãnh giải và phát bằng danh dự do Hội Đồng Tăng Già và chính phủ Tích Lan trao tặng nhị vị Hoà Thượng: HT Thích Minh Tâm và HT Thích Như Điển, người có công phát triển Phật giáo tại hải ngoại. Hôm nay trên sân khấu này, nhân lễ giỗ đầu tiên của Sư Ông và cũng là lần đầu thiếu bóng dáng Sư Ông tại khoá tu học Âu Châu, chúng tôi gồm một số học viên cùng anh em GĐPT sẽ diễn tả những nỗi nhớ, niềm thương kính Sư Ông một cách sống thực qua màn ca vũ nhạc kịch "Cơn Dông Giữa Mùa Hạ". Kính mời Quí vị thưởng thức. Đây, màn ca vũ nhạc kịch "Cơn Dông Giữa Mùa Hạ" bắt đầu.
19/05/2014(Xem: 7989)
Clip: Hài kịch Lan & Điệp, ĐĐ Thích Đồng Thanh với vai Điệp, ĐĐ Thích Hạnh Tri với vai Lan trong vở hài kịch “ Lan và Điệp”, biểu diễn trong chương trình Văn Nghệ kết thúc Khóa tu học Phật Pháp Úc châu kỳ VII của Giáo Hội PGVNTNHN tại UĐL - TTL Năm 2007 được tổ chức tại vùng Kyneton, tiểu bang Victoria (từ ngày 03-01 đến ngày 07/01/2008)
29/04/2014(Xem: 3399)
Đờn Ca Tài Tử (ĐCTT) được UNESCO chính thức ghi danh ngày 5/12/2013, ngày 11/2/2014 đã trao quyết định công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Đây là một trong 8 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận và là duy nhất của Nam Bộ sau Nhã Nhạc Cung Đình Huế (2003). Không Gian Cồng Chiêng Tây Nguyên(2005), Dân ca Quan Họ Bắc Giang-Bắc Ninh(2009), Ca Trù(2009), Lễ Hội Thánh Gióng (2010), Hát Xoan (2011), Lễ Hội Hùng Vương (2012).
26/04/2014(Xem: 4357)
Tháng Hai vừa qua, tại thành phố Bloomington, tiểu bang Indiana, vở Opera tiếng Anh The Thị Kính Tale của một nhà soạn nhạc Mỹ gốc Việt, tiến sĩ Phan Quang Phục, giảng viên Indiana University Jacobs School Of Music, đã được trình diễn 4 ngày trên sân khấu một ngàn chỗ ngồi của đại học Indiana.
18/03/2014(Xem: 9974)
hật ái ngại khi với tư cách một tác giả lại viết giới thiệu về một tác phẫm do chính mình chuyễn thể. Nhưng trước tấm lòng và sự tận lực cống hiến của êkíp thực hiện nhằm kịp thời dâng lên đức Từ Phụ nhân ngày Đại Lễ Phật Đản Vesak Liên Hiệp Quốc 2558 (2014), nên sau thời gian đắn đo khá lâu đã thôi thúc, đi đến quyết định phải có đôi dòng giới thiệu đến chư tăng ni và Phật tử khắp nơi vở cải lương đặc biệt này.
31/12/2013(Xem: 19990)
Vở Cải Lương: Chuyện Tình Liên Hoa Hòa Thượng Tác giả: HT Thích Như Điển Chuyển thể cải lương: Soạn giả Dương Kinh Thành Chủ trương và thực hiện: Nghệ sĩ Út Bạch Lan và Nghệ sĩ Tô Châu Thành phần diễn viên gồm những nam nữ nghệ sĩ gạo cội tiếng tăm trong nước như:Nghệ sĩ (NS) Út Bạch Lan, NS Thoại Mỹ, NS Tô Châu, NS Phượng Loan, , NS Điền Trung, NS Quốc Kiệt, NS Hồng Lan, NS Chí Cường, NS Thanh Sử, NS Trần Kim Lợi, NS Hữu Tài, NS Hồng Sáp, NS Hoàng Phúc, NS Hoàng Quân, NS Hoàng Điệp và những vai phụ khác.
20/10/2013(Xem: 3313)
Khung cảnh: Trước cửa bếp gần phòng ăn. Diễn viên: Mẹ và hai con ( trai 7 tuổi, gái 6 tuổi). Mẹ ( vói trong bếp): Chị Năm à, nhớ bỏ chút muối vào nồi súp hộ tôi. Tôi nghỉ một lát rồi tôi xuống …kho cá! Mèn ơi, nấu chay cho khóa tu học mà tôi cứ quán món mặn không hà. Bậy thiệt. Nhưng tôi biết nói sao đây khi rõ ràng bày ra bàn y chang là món cá thu kho “ca ra men„ tuy làm bằng tàu hủ ky và shu shi thay cho da cá.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]