Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Mùa thu cất cánh

01/04/201314:26(Xem: 2117)
Mùa thu cất cánh

290muathucatcanh

MÙA THU CẤT CÁNH
CS Liên Hoa

Đoạn đường đi dài trên 400 dặm, thật quá xa đối với người lớn tuổi, làm biếng như tôi. Ngồi trên xe mà ngán ngẩm, nhưng do nhu cầu của công việc, đành phải lái xe đi, khi giá vé máy bay mắc nhiều lần hơn lúc thường.

Trước mặt tôi là khoảng trống của con đường đang bị nuốt dần theo tốc độ của xe. Nhiều đoạn đường đi qua, chỉ có mỗi một chiếc xe tôi lủi thủi chạy, giúp cho con đường có bóng dáng người. Hàng cây dọc hai bên đường, lá như run nhẹ theo cơn gió. Có chỗ thì lá đã vàng, có nơi thì lá vẫn còn mạnh khoẻ, xanh tươi. Thật sự không biết có phải trời đã vào thu hay chưa, dù rằng mùa thu có mặt?

Nhìn chung quanh xe, quanh quẩn cũng chỉ một mình. Một cảm giác cô đơn bâng khuâng xuất hiện. Cô đơn với chính mình, với những vật vô hình xung quanh, với con đường dài hun hút. Vẫn biết rằng cô đơn là khởi đầu của bước tiến tâm linh, bỏ những vướng víu gánh nặng, bước hài thô dẫm nhẹ nhàng vào cõi tâm, vì không có cô đơn sẽ không có cách nào để độ được cho những chúng sanh cô độc đã hiện diện, quậy phá nơi vùng nội kết của tâm đã bao đời qua, để vượt đến cõi an lạc.

Có người sợ hãi cô đơn, tưởng rằng đó là nổi thống khổ của cô độc, hoang vắng của kiếp người, nên lao đầu vào những cuộc biến tướng để che dấu cho một nội tâm khổ đau, chán chường, u ám, không biết sống để làm gì?

Mỗi người lựa chọn mỗi cách khác nhau để sống, để chạy trốn cô đơn tùy theo bản tánh, theo cách thức phô bày, tùy theo tâm ý, theo trình độ… Có người lao vào rượu chè như môt thú vui, nâng mình lên cao như một tiên ông, “khi say quên cả thiên thu quanh mình ”. Có người đam mê theo bài bạc, vung tiền ra như một hãnh diện, ngã giá cho những thú vui của cuộc đời “ta chung tình bên người chuồn bích. Cuộc tàn dư, ta bóng hiện hình“ hoặc giả có người sống bất cần đời, sống buông tha, không ai cần ai, vì tự nhận mình có quyền tự do cho cá nhân mình- ta sống vui cho chính ta là được rồi “ khi ta vui thì ta biết. Vì mình ta, ta chỉ muốn ta vui.. ”.

Còn lại, thì đa số mọi người đều muốn sống an phận, học hành, thành tài, lập gia đình và yên vui với đời sống hoặc có thể vươn cao trên danh vọng, tiền tài, sắc đẹp v.v…cũng có người thi vị hoá cuộc đời để làm thơ, viết văn để ca tụng một pháp vị, một đối tác nào đó mà mình bắt gặp, thân yêu, ôm ấp hầu che dấu nổi cô đơn. Có người đau xót khi thấy lá đổi sang vàng, đang buông thả mình theo gió và họ thảng thốt bâng khuâng “nước mắt mùa thu… để khóc cho phận người…”, có ai đó đã ngập ngừng, tê tái, cất lên tiếng hát day dứt, não nuột để khóc cho “mùa thu đã chết, đã chết rồi…”. Một lúc nào đó, thu chợt dừng chân, rùng mình, hỏi mọi người rằng “ phải chăng tôi đã có mặt và đã ra đi, đi vào cõi chết như mọi người suy tưởng

một sớm mai, trời thức giấc

nghe thu vàng mang ấm lạnh đôi vai

dấu hương xưa cất gió đời

mùi phẩm vị lan toả mầm say ảo

hồn thơ ai , gió thổi bay

đời mộng say, người buông tay

chút đắng cay, vị tâm ngay

bỏ ngày mai, còn chỗ nay…….

Minh Thanh

Thu đã từng hỏi và cũng đã mỉm cười. Thu đã có mặt và khi nhân duyên thay đổi, lại chan hoà cùng muôn vật để tồn tại trong sự chuyễn hoá, sinh hoá, cộng hoá…Nơi nầy có thể thấy lá vàng, nhưng nơi khác, rừng lá vẫn xanh, thì thu trú ẩn nơi đâu? Khi lá buông rời khỏi cây, chơi vơi trên khoảng không, lá vẫn ý thức rằng mình vẫn còn hiện diện trên những mẫu đời của muôn vật. Mỗi hạt vi trần là chỗ dung thân của vạn pháp, mỗi ánh chớp mắt của sát na là toàn biến của vô biên. Tại sao trên đôi vai ấm lạnh của cuộc đời, ta không buông bỏ hết những hoài niệm, vọng niệm, di niệm, ái niệm…mà buông tay, để cho ba ngàn thế giới hiện hình, nơi đây, chỗ nay? Ta có thể ngao du trong cơn say của ảo mộng, của khiếu thẩm mỹ, của ngả ngách của tâm bất an v.v…để chia cắt thực tại, cất dấu hương trong gió đời để cho phẩm vị theo mình làm trò say ảo ảo say? Nhưng, sao ta có thể nhẫn tâm, vô tình dập tắt hơi thở ngút ngàn tuôn chảy trong thu và phán án là thu đã hoại vong, đã ngừng lại, đã chết rồi….?

Vẫn biết rằng đời người rồi cũng đi qua, ai cũng đã một lần đến và đi. Cuộc trăm năm trong kiếp nhân sinh là hiếm. Ta có thể nuối tiếc, bồn chồn, mong kéo dài hơi thở để xoay chuyển vòng cuộc đời theo ý muốn của mình, dù là để chịu đựng thêm những nóng bỏng của nghiệp lực, cái giới hạn, khó khăn, bấp bênh của kiếp người và rồi than thân trách phận. Dòng đời vẫn xuôi chảy dù ta có mặt hay không. Tuy nhiên, có người lại đơn giản, vui vẻ đi vào cuộc đời như một lý tưởng, một nguyện.

Theo dấu chân của Đức Phật.- một con người đặc biệt mà trái tim từ bi và trí tuệ đã tỏa sáng, lan rộng trong quá khứ, hôm nay và ngày mai hoặc chỉ là trong sát na hiện tại mà mỗi người khi tiếp cận bỗng mở rộng được khung trời thanh tịnh bao la, ấm áp, đã luôn luôn che mát bao loài hữu hoặc vô tinh.

Theo bước chân Ngài, để người con Phật vươn cao, thầm lặng và tỉnh thức trên con đường Tứ nhiếp pháp- con đường mà các vị Giác Ngộ, các vị Bồ tát hoặc giả những người mang tâm nguyện dấn thân vì sự khổ đau con người mà phô bày, mà thi thố, mà thực hiện, mà lấy tâm để chỉ tâm, lấy đồng sựđể mà cùng đi trên mọi nẻo đường trong thân phận một con người với tất cả nghiệp lực, mà làm hiển dương, sáng tỏ cái “trực tâm”.

Bố thíđể cởi bỏ dần cái ngã, cái vị kỷ. Ái ngữđể tiếp cận đến con người. Lợi hànhđể xuyên qua thân khẩu ý, sống thiện tâm với người và chung lại, chính đồng sựlà tác động mạnh nhất, ý nghĩa nhất vì là biểu hiện sức sống của 3 pháp trên hoặc ngược lai. Đồng sự trên thân phậncon người, con người với tất cả bao nội kết, với gốc nguồn của u tối và dùng mắt tuệ soi chiếu được rõ căn tánh nầy- ta và người đều giống nhau, có đau khổ, có điên đảo, có mộng tưởng…và do nội chiếu, cũng thấy trong chiều sâu của tâm- có một bản tánh sáng suốt, mầu nhiệm, vượt thoát ra khỏi những ràng buộc của sắc không, của vọng mê- để mà chia xẻ, để mà nắm tay nhau trên con đường làm người chân thực.

một mảnh trăng non vừa ló dạng

mây cười thoáng nhẹ bóng từ tâm

xin ai dừng lại xem trời đất

chớ để mây buồn, vỡ ánh trăng …

Minh Thanh

Không có đồng sự, chúng ta chỉ chơi vơi trong chốn hoang vu của chính mình, làm sao có thể chấp nhận, thương yêu, bao dung để mà đến với nhau, ví dụ như mùa thu cũng như các mùa khác trong cuộc vận hành của thiên nhiên, vẫn đồng sự cùng các pháp trong vũ trụ để tồn sinh, ôm ấp. Chỉ có con người mới hiểu, thấu triệt, cảm thông và cứu được nổi khổ đau của con người.

MÙA THU CẤT CÁNH

Hãy mở rộng đôi tay vô tận

Đem mắt đời soi tỏ nguồn cơn

Là tâm son không dấu bụi trần

Dòng hơi thở mở trời vô tướng

Tâm hãy thở, lòng từ nhập cuộc

đời bao dung rọi bóng luân hồi

lời thưở trước, một đời bước nguyện

hoa lòng son, năm uẩn nhiệm mầu

Màu mắt sáng, đêm thâu chiếu rọi

chung trà xưa vãng cảnh ta bà

hãy nâng chén, trà xanh bốc khói

trong cội nguồn, tâm mở cõi vô biên……

Minh Thanh

Trong sự hoá thân của đồng sự, đạo Phật đã biến hoá đơn giản, hiện trú theo chiếc y ngàn cánh của người Khất sĩ. Màu vàng hoại sắc của dung dị, thanh tịnh, chia cung bậc của ngũ điều, thất điều v.v..làm ruộng phước cho con người. Nơi « phước điền y» nầy dung chứa biết bao nguyện lớn cho chính sự giác ngộ giải thoát của mình và cho các loài chúng sinh.

Đạo Phật đã tồn tại, lan truyền và mãi mãi sẽ là nguồn sáng từ bi trí tuệ đem an lạc-hạnh phúc cho con người vượt qua khỏi trầm luân của khổ đau, chấp trước của kiếp nhân sinh. Nhưng đạo Phật có phải là suối nguồn tươi mát hay không, phải do chính mỗi con người khi tiếp cận với chân trời cao thượng nầy có sống với, có quán chiếu, có thực hành giáo pháp hay không ? Chất liệu giải thoát của đạo Phật là sự thực tu, thực chứng. Vì có thực hành giáo pháp của Ngài, có nghĩa là chúng ta đã nhận thức và tin chắc rằng mình có tánh Phật và thể nhập. Nếu không thực hành, áp dụng giáo pháp trong đời sống thường nhật, thì dù chúng ta có nói đến ngàn vạn trang kinh, có nói đến từ bi trí tuệ, đến ngôn ngữ của Phật giáo v.v..thi đó cũng chỉ là ngôn ngữ, lời nói, không phải là bản chất của đạo Phật và do đó, chúng ta bỏ quên tánh Phật, không thể tự chuyển hoá cho chính mình, nên không thể đồng sự với con người, mà còn làm cho ngăn sông cách núi qua những thiên kiến, biên kiến, ái ngã.

Người con Phật đến với các vị Tôn Túc và kính quí, trọng ân như những vị Thầy dẫn đường, như người cha tinh thần, đã đem tấm lòng trong sáng mà chỉ đường, mà chia xẻ…nhưng chính mình phải thể hiện tánh giác cho chính mình.

Bát cơm dâng lên cúng dường, nghe lời chú nguyện của các vị Khất sĩ « phải nghỉ đến công khó của người tín thí, coi lại chính mình có đủ đức thọ dụng, tránh sự tham chấp, đây là lương dược để cho sức khoẻ và vì nguyện thành đạo quả, nên thọ sự cúng dường». Chất phù sa của sức nguyện lớn, dưỡng chất dung chứa trí tuệ và từ bi, dung chứa tấm lòng phục vụ, dấn thân vì con người đang chìm đắm trong oán thù, sân hận, bạo động, vô minh ….đã là suối nguồn vi diệu, tươi mát qua biết bao nhiêu thế hệ, đã đưa bao người, bao dân tộc vượt thoát qua các cơn khát nạn, thăng trầm.

Lời nguyện « Thành đạo quả» không phải là một hiện tượng, mà là một cuộc sống, thể nhập và là một hạnh phúc cao thượng để san sẻ.

Người Phật tử quí kính tấm lòng đó, nên đê đầu đảnh lễ và cần cầu học hỏi cho chính mình. Họ biết rằng các bậc Thầy đã vững chắc, tự tại giữa bao đời thường, giữa vinh nhục, thịnh suy : « tự tại trong mạng, trong tâm, trong tư cụ, trong nghiệp, trong giải kiến, trong nguyện, trong thần lực, trong pháp, trong trí tự tại.. », nên không sợ hãi trước những vấn nạn phải đối diện như xã hội băng hoại , văn hoá xáo trộn hay áp lực của thế quyền, thần quyền nào…Tinh thần « vô úy » nầy đã bao lần làm chất liệu hoá giải những tham vọng đen tối, vị kỷ, mong gây chia rẻ, đày đọa loài người.

« Chúng sanh hữu bệnh, ngã hữu bệnh», đó là cuộc dấn thân, đồng sự cao thượng. Không có kẻ thù giữa con người, chỉ có vô minh-tham-sân mong hũy diệt con người.

Những nhà sư Miến Điện đã dấn thân, đối diện với vô minh, trực diện trước cuồng vọng, tấn cộng, áp bức, dày xéo trên thân phận con người. Các Ngài không phải vì danh, vì lợi…nhưng chỉ vì con người, vì tấm lòng thương yêu phài phục vụ, mong lấy thân làm chỗ bảo bọc nhân sinh, lấy y vàng làm ngọn đuốc làm tan biến vô minh. Đánh đập, giết chết, đày đọa…chỉ là một cáo trạng, một bản kết án cho chính mình và không giải quyết được vấn nạn, quốc tế bỏ quên lương tâm vì quyền lợi, vô minh thù hận vẫn còn đó .

Kìa dòng sông ô nhiểm

chiếc y vàng lẻ loi

bén cánh gươm trí tuệ

cắt bỏ những ưu phiền

Một mai, y hoá kiếp

trời đất gục cúi đầu

vàng y, vàng vũ trụ

dòng suối, đất nhiệm mầu…

Minh Thanh

Đạo Phật không y cứ nơi hình thức, vì đó chỉ là phương tiện để thể hiện. Nếu bám víu vào hình thức, khi hình thức bị hoại diệt, thì đạo Phật có còn không ? Như vũ trụ vận hành, có các mùa thay đổi, nhưng bản chất của các mùa vẫn là bản chất của duyên sinh, duyên hợp, nên vũ trụ vô cùng vô tận, bao la. Đạo Phật còn là nhờ sự tu tập, thực hành, vô trụ nên vô ngã, vì vô ngã nên hiện rõ tánh Phật. Đó là đạo Phật, một đạo Sống không biên giới, mà tràn ngập trong mỗi tâm tỉnh thức.

Theo bước chân các bậc Tôn Túc, người Phật tử lại thêm gánh nặng trên vai, ngoài cuộc mưu sinh :

-Ơn của cha mẹ- người sanh thành dưỡng dục.

-Ơn của tất cả mọi người, của tăng thân.

-Ơn của đất nước nơi mình sinh sống

-Ơn của Tam bảo.

Và dù hoàn cảnh như thế nào, trong cuộc đồng sự, người con Phật vẫn vui vẻ dấn bước theo gương các bậc Thầy- những người nêu gương sáng trên đường cầu đạo và phục vụ nhân sinh- để trả bốn trọng ân.

Qua « Tiếng nói tự tình mùa thu », mượn cảnh, mượn thời tiết, mượn lá thu vàng và biết rằng tất cả các pháp đều thị hiện Phật Pháp tùy theo bản tánh của mình. Mỗi một pháp trong vũ trụ đều thuyết pháp, bài pháp vi diệu, thâm sâu để tỏ rõ tất cả các pháp đều vô thường, biến đổi và thể hiện tánh Phật trong vô ngã. Tuy nhiên, trước những xáo trộn do con người hay do những thế lực vô minh v.v..mong làm chia rẻ tiếng nói từ bi-trí tuệ-vô úy của những người đang mang trọng trách « thiệu long Phật Pháp», chúng con muốn nói lên những lời tâm sự hay sự khẩn cầu :

-Kính xin những ai muốn chia cách, thù hận...hãy nhớ đến hạnh viễn ly, nhớ lời nguyện độ sanh, nhớ đến bao nguyện ước của mình vì sự khổ đau của con người, mà đến lại với nhau. Tất cả pháp thế gian đều vô thường, dù là địa vi, danh vọng, tiền tài v.v..mà mọi người ai nấy đều thường quán chiếu, thấu tận…..chỉ có Tánh Phật hay sự chứng ngộ mới là lý tưởng đi tới. Tất cả mọi người con Phật đều nhìn tới và hy vọng.

-Kính xin những ai, những con người tự xưng là Phật tử, trí thức, thiện tri thức v.v...xin đừng vì bất cứ lý do gì được che phù bởi những lý tưởng cao đẹp, mà vị kỷ, hạn hẹp, tham vọng, danh lợi...làm cho cuộc ba sinh nổi sống, làm chia cách tình đạo.

Trăm năm rồi cũng qua, không ai mang theo được gì khi rời bỏ cuộc đời, ngoài nghiệp lực. Nếu vì

hạnh phúc-an lạc của con người mà chúng ta- những người con Phật- cần dấn thân phục vụ, hy sinh, chia xẻ, thì đó là tư lương cao thượng, quí giá mà mình tạo được, đem theo và mọi người khi hưởng được hương vị đó đều thầm cảm ơn, kính trọng.

Nhưng nếu vì tham vọng, ích kỷ, mưu đồ cho cá nhân v.v...chúng ta tạo những thảm cảnh để người không thể nhìn người, dù là đồng đạo, đó là chúng ta đang gạt mình và bỏ rơi tánh Phật nơi mình.

Thì đó là « một trọng tội và chúng ta đã vô tình để nợ cả trần gian một tấm lòng».

Với tất cả tâm thành kính đảnh lễ, chia xẻ và hy vọng.

Ngày 06.11.2007

Cư sĩ Liên Hoa

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/08/2018(Xem: 10704)
Ngày trôi, tháng trôi, đời trôi. Rồi đây cỏ cây úa tàn. Thời gian lướt trên màu tóc. Nhạt nhòa phấn son phù du. Hỡi người có nghe Thời gian lướt đi. Vô cùng lặng lẽ. Để ta đừng hay. Nào ngờ một mai sáng kia. Thức giấc ta nghe hai tiếng Thời Gian !
04/03/2016(Xem: 16838)
Trong thời gian làm việc tại Thư viện Thành hội Phật giáo đặt tại chùa Vĩnh Nghiêm, quận 3, tôi gặp được cuốn Tôn Giáo Học So Sánh của Pháp sư Thánh Nghiêm biên soạn. Do muốn tìm hiểu về các tôn giáo trên thế giới đã lâu mà vẫn chưa tìm ra tài liệu, nay gặp được cuốn sách này tôi rất toại ý.
11/01/2016(Xem: 12848)
Tiền thân Đức Phật một thời Từng là chú khỉ sống nơi khu rừng Thân hình to lớn hào hùng Xiết bao mạnh mẽ, vô cùng thông minh, Nhân từ nổi tiếng rừng xanh Giúp người hoạn nạn tâm thành chứa chan. Một ngày rực rỡ ánh vàng Nắng trời tỏa ấm, gió ngàn vờn quanh
06/07/2015(Xem: 19748)
Nếu bản Việt ngữ của pho sách “Đạo Ca Milarepa” đến được tay bạn đọc thì phải nói đây chính là đến từ tình yêu thương và sự gia trì vĩ đại của đức Milarepa cùng chư Thầy Tổ.
01/07/2013(Xem: 5625)
Những ngày qua, ngày và đêm chạy theo cơn nóng. Nhìn đâu cũng thấy hơi nóng, bốc hơi từ con đường, sân cỏ, đất, cây cối, chạy đến trong nhà, nóng vẫn đuổi theo và làm như nũng nịu để có mặt khắp mọi nơi chốn ...
29/03/2013(Xem: 2395)
Mấy hôm nay, thu đã trở về, không bình lặng như mọi năm trước, mà lại chuyển mình làm đất trời nghiêng ngả, lòng người rối ren, đau khổ, buồn lo….
28/09/2011(Xem: 2313)
Mùa xuân đang đến. Nhìn những bọt tuyết bay bay trong trời giá lạnh, tôi lại mường tượng đến những cánh hoa xuân rơi lả tả giữa một chiều mưa bão ở quê nhà.
15/09/2011(Xem: 1853)
Kẻ mất búa nhìn đâu cũng thấy người trộm búa. Ừ! ai cũng hay nhìn cuộc đời qua lăng kính của mình. Chuyện anh Cuội theo đó sinh nhiều ngõ ngách nhiêu khê...
08/09/2011(Xem: 2106)
Muôn sự nước trôi nước, trăm năm lòng nói lòng. (vạn sự thủy lưu thủy, bách niên tâm ngữ tâm) là hai câu thơ trong bài thơ năm chữ tám câu Đăng Bảo Đài Sơn của Trần Nhân Tông. Chúng ta đi vào hai câu thơ này để thấu cảm “tâm sự” của ông: “Một mùa xuân mà tâm sự ở trong trăm đóa hoa”, (Nhất xuân tâm sự bách hoa trung _ bài Xuân Vãn).
12/08/2011(Xem: 2426)
Vừa qua, nhân dịp tưởng niệm 700 năm ngày Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, tác giả Viên Như đã quan tâm đến bài kệ “Hữu cú vô cú” và dịch lại bài kệ này qua bài viết: “Bài “hữu cú vô cú” của Trần Nhân Tông giảng tại chùa Sùng Nghiêm”.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]