Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Học lời Phật dạy qua Kinh Tử Pháp

10/12/202122:28(Xem: 4512)
Học lời Phật dạy qua Kinh Tử Pháp


Kinh tu phap
Học lời Phật dạy qua Kinh Tử Pháp


Trong một kiếp nhân gian, mọi chúng sinh đều khởi đầu từ sinh và kết thúc ở diệt. Có sinh, phải có diệt. Diệt là chấm dứt để trở về với cát bụi, khép kín một vòng sinh lão bệnh tử. Tứ là sự chết, sự kết thúc. Trong Kinh Tử Pháp ( Tạp A Hàm, quyển 6, số 121, 雜阿含經 第6卷,一二一,死法), Phật dạy các đệ tử chánh tư duy về vô thường trong sinh tử để không dính mắc, không chấp giữ mà đạt đến giác ngộ Niết Bàn. 

Nội dung Kinh như sau:

Một lần nọ Phật ở tại núi Ma Câu La. Lúc đó có vị thị giả tỳ kheo tên La Đà. Bấy giờ Thế Tôn nói với La Đà: Những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô, hoặc tế, hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc xa, hoặc gần, tất cả chúng đều theo quy luật diệt vong. Những gì thuộc về thọ, tưởng, hành, thức, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô, hoặc tế, hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc xa, hoặc gần, tất cả chúng đều theo quy luật diệt vong.”

Nội dung đoạn Kinh văn trên, Phật dạy các đệ tử vạn vật là vô thường, thế gian là vô thường(世 間 無 常). Vạn vật  phải chịu quy luật sinh, trụ, dị, diệt. Diệt vong để có sự tiếp nối. Bởi sự tiếp nối xảy ra trong từng sát na, nên vạn vật không có tính thường hằng. Ngay cả thân ngũ uẩn cũng vô thường.  Sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều vô thường. 

Ở kinh văn tiếp theo dưới đây, Phật chỉ dạy cho các đệ tử của ngài vô thường là khổ:

“Phật hỏi tỳ kheo La Đà: Sắc là thường hay vô thường?

La Đà thưa Phật: Bạch Thế Tôn, vô thường.

Phật lại hỏi: Nếu là vô thường, thì khổ chăng?

La Đà thưa Phật: Bạch Thế Tôn,  khổ.

Phật hỏi tỳ kheo La Đà: Đối với thọ, tưởng, hành, thức có vô thường?

La Đà thưa Phật: Bạch Thế Tôn, vô thường.

Phật lại hỏi: Nếu là vô thường, thì khổ chăng?

La Đà thưa Phật: “Bạch Thế Tôn,  khổ.”

Học đoạn Kinh văn trên, người học Phật hiểu được vô thường là khổ bởi tất cả phải theo quy luật diệt vong (一切皆是死法, nhất thiết giai thị tử pháp). Nhưng  người học phải liễu tri rằng bản tính vô thường không gây ra khổ mà vọng tưởng sự vô thường là thường hằng mới đem lại khổ đau. Với con người, ít ai dễ dàng chấp nhận vô thường. Ít ai chấp nhận thân thể của mình vô thường như cỏ cây hoa lá. Chấp nhận sinh trụ dị diệt là quy luật. 

Biết rằng vạn pháp là vô thường, khổ, vậy chúng ta, những đệ tử của Phật phải tu học như thế nào, chánh tư duy về sắc, thọ, tưởng, hành thức thế nào để đem lại an lạc trong cuộc sống.

Đọc tiếp đoạn Kinh văn sau để biết Phật dạy các đệ tử của ngài tại sao các bậc đa văn thánh đệ tử đã an nhiên tự tại trong cuộc sống. 

Phật lại hỏi: Này La Đà, nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch, đa văn thánh đệ tử ở trong đó có thấy sắc là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau chăng?
La Đà thưa Phật : Bạch Thế Tôn, không.

Phật dạy La Đà: Nếu đa văn thánh đệ tử đối với năm thọ ấm này không thấy là ngã, là ngã sở nên đối với các pháp thế gian không chấp giữ. Vì không có gì chấp giữ nên không có gì để dính mắc. Vì không có gì để dính mắc nên tự giác ngộ Niết Bàn: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”


Đa văn thánh đệ tử là hàng đệ tử học rộng, nghe nhiều, có trí tuệ soi sáng con đường tu học. Liễu tri tất cả các pháp đều vô thường, có sinh thì phải có diệt. Khi đã vượt được ý niệm sinh diệt thì các vị ấy tiếp xúc được với cái vui của Niết Bàn. 

Hàng đệ tử hậu học, chúng ta cần phải tinh tấn tu học để có tuệ giác soi sáng nhận thức về vô thường, Học được quy luật diệt vong ( 一切皆是死法, nhất thiết giai thị tử pháp) mà không còn ảo vọng về thường hằng trong cuộc sống. Vô thường dạy cho mình trân quý  mỗi giây phút hiện tại. Vô thường làm mình yêu quý chính mình và người thân của mình nhiều hơn nữa. Hãy sống chánh niệm trong hiện tại. Không chấp giữ đâu là ngã, đâu là ngã sở thì cuộc đời nhẹ nhàng hơn. Đó là đích của tu học.


Xin mời quý vị đọc lại toàn bộ Kinh văn Tử Pháp. 


Bản Việt văn
Kinh Tử Pháp

Tôi nghe như vầy:

Một lần nọ Phật ở tại núi Ma Câu La. Lúc đó có  vị tỳ kheo thị giả tên là La Đà. Bấy giờ Thế Tôn nói với La Đà: Những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô, hoặc tế, hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc xa, hoặc gần, tất cả chúng đều theo quy luật diệt vong.

Những gì thuộc về thọ, tưởng, hành, thức, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô, hoặc tế, hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc xa, hoặc gần, tất cả chúng đều theo quy luật diệt vong.

Phật hỏi tỳ kheo La Đà: “Sắc là thường hay vô thường?”

La Đà thưa Phật: “Bạch Thế Tôn, vô thường.”

Phật lại hỏi: “Nếu là vô thường, thì khổ chăng?”

La Đà thưa Phật: “Bạch Thế Tôn,  khổ.”

Phật hỏi tỳ kheo La Đà: Đối với thọ, tưởng, hành, thức có vô thường?

La Đà thưa Phật: “Bạch Thế Tôn, vô thường.”

Phật lại hỏi: “Nếu là vô thường, thì khổ chăng?”

La Đà thưa Phật: “Bạch Thế Tôn,  khổ.”

“Phật lại hỏi: Này La Đà, nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch, đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy sắc là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau chăng?”

La Đà thưa Phật : Bạch Thế Tôn, không.

Phật dạy La Đà: Nếu đa văn Thánh đệ tử đối với năm thọ ấm này không thấy là ngã, là ngã sở nên đối với các pháp thế gian không chấp giữ. Vì không có gì chấp giữ nên không có gì để dính mắc. Vì không có gì để dính mắc nên tự giác ngộ Niết-bàn: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Phật nói kinh này xong, tỳ kheo La Đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.


Bản Hán văn


雜阿含經 (一二一) 死法

如是我聞:

一時,佛住摩拘羅山。時,有侍者比丘名曰羅陀。

爾時,世尊告羅陀比丘言:「諸所有色,若過去、若未來、若現在,若內、若外,若麁、若細,若好、若醜,若遠、若近,彼一切皆是死法;所有受、想、行、識,若過去、若未來、若現在,若內、若外,若麁、若細,若好、若醜,若遠、若近,彼一切皆是死法。」


佛告羅陀:「色為常耶?為無常耶?」

答曰:「無常。世尊!」

復問:「若無常者,是苦耶?」

答曰:「是苦。世尊!」

「受、想、行、識,為常、為無常耶?」

答曰:「無常。世尊!」

復問:「若無常者,是苦耶?」

答曰:「是苦。世尊!」

復問:「若無常、苦者,是變易法,多聞聖弟子寧於中見是我、異我、相在不?」

答曰:「不也,世尊!」

佛告羅陀:「若多聞聖弟子於此五受陰如實觀察非我、非我所者,於諸世間都無所取,無所取者無所著,無所著故自覺涅槃:『我生已盡,梵行已立,所作已作,自知不受後有。』」

佛說此經已,羅陀比丘聞佛所說,歡喜奉行。


Bản Nôm

Nhất thời, Phật tại Ma Câu La sơn. Thời, hữu thị giả tỳ kheo danh viết La Đà.  Nhĩ thời, Thế Tôn cáo La Đà tỳ kheo ngôn: Chư sở hữu sắc, nhược quá khử, nhược vị lai, nhược hiện tại, nhược nội, nhược ngoại, nhược thô, nhược tế, nhược hảo, ngược xú, nhược viễn, nhược cận, bỉ nhất thiết tử pháp. Sở hữu thọ, tưởng, hành, thức, nhược quá khử, nhược vị lai, nhược hiện tại, nhược nội, nhược ngoại, nhược thô, nhược tế, nhược hảo, ngược xú, nhược viễn, nhược cận, bỉ nhất thiết tử pháp. 

Phật cáo La Đà: Sắc vi thường da? Vi vô thường da? 

Đáp viết: Vô thường, Thế Tôn!

Phục vấn: Nhược vô thường giả, thị khổ da?

Đáp viết: Thị khổ, Thế Tôn!

Thọ, tưởng, hành, thức vi thường, vi vô thường da? 

Đáp viết: Vô thường, Thế Tôn!

Phục vấn: Nhược vô thường giả, thị khổ da?

Đáp viết: Thị khổ, Thế Tôn!

Phục vấn: Nhược vô thường, khổ giả, thị biến dịch pháp. Đa văn thánh đệ tử ninh ư trung kiến thị ngã, dị ngã, tương tại phủ? 

Đáp viết: Bất dã, Thế Tôn!

Phật cáo La Đà: Nhược đa văn thánh đệ tử ư thử ngũ thọ uẩn như thật quán sát phi ngã, phi ngã sở giả, ư chư thế gian đô vô sở thủ, vô sở thủ giả vô sở giả, vô sở giả cố tự giác Niết Bàn. Ngã sanh dĩ tận, phạm hạnh dĩ lập, sở tác dĩ tác, tự tri bất thọ hậu hữu.

Phật thuyết thử Kinh dĩ, La Đà tỳ kheo văn Phật sở thuyết, hoan hỷ phụng hành. ( chung )

Xin nguyện hồi hướng công đức cho cụ bà Trương Thị Giao, Pháp danh Quảng Thiện được vãng sanh tịnh độ. 

Nam Mô A Di Đà Phật.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.


Bến Tre, ngày 8 tháng 12 năm 2021

Hoàng Phước Đại – Đồng An

 
facebook
youtube
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/03/2019(Xem: 6311)
Phạm Lam Anh là con gái duy nhất của danh thần Phạm Hữu Kính. Bà tên là Phạm Thị Khuê, tự Lam Anh, hiệu Ngâm Si, sinh vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII, người làng Mông Nghệ, tổng Mông Lĩnh, huyện Diên Khánh, tỉnh Quảng Nam. Huyện Diên Khánh thuộc phủ Điện Bàn có hai tổng là Uất Lũy và Mông Lĩnh, thời Chúa Nguyễn, làng Mông Nghệ nằm trong tổng Mông Lĩnh của huyện Diên Khánh (Phủ Biên Tạp lục của Lê Quý Đôn, trang 82). Năm 1823 huyện Diên Khánh đổi tên thành huyện Diên Phước.
24/02/2019(Xem: 7658)
Có một lời dạy của Đức Phật đã ngấm vào dòng chảy của tâm thức dân tộc mình… Đó là ý thức về vô thường, về khổ. Bởi vậy, thơ Việt Nam kể chuyện buồn nhiều hơn vui, lo lắng nhiều hơn an bình, gập ghềnh nhiều hơn bằng phẳng… Ngay từ trang đầu Truyện Kiều, nhà thơ Nguyễn Du (1766–1820) đã viết: …Trải qua một cuộc bể dâu. Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
10/12/2018(Xem: 7270)
“Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng” là một câu thơ của Thầy Tuệ Sỹ mà tôi cứ đọc đi đọc lại mãi trên những chuyến phiêu bạt, giang hồ khắp đó đây. Ngày đi, tháng đi, năm đi và đời mình cũng đang chuyển dịch đi qua. Đi trên nhịp bước sương lồng sông núi lặng: “Đi để nhớ những chiều pha tóc trắng. Mắt lưng chừng trông giọt máu phiêu lưu.”* Phiêu lưu, phiêu lãng ngàn phương, theo cách điệu tiêu dao du chơi giữa vô thường:
10/10/2018(Xem: 4251)
Trời đã vào thu rồi mà nắng vẫn còn ấm, những đợt nắng trong veo như mật ong rải ánh vàng long lanh trên ngàn cây nội cỏ. Tôi lại nhớ những ngày thu ở Huế, dù chỉ là mùa thu mà trời đầy mưa bụi bay bay và gió lạnh run rẩy khi đạp xe qua cầu Tràng Tiền thời đi học. Nỗi nhớ như sợi tơ trời lãng đãng, vật vờ bay lượn giữa hư vô chợt sà xuống vướng mắc nơi góc vườn kỷ niệm.
09/10/2018(Xem: 2688)
“Không. Dứt khoát là không. Mấy đứa con của tôi không cần chữ nghĩa mà vẫn sống khoẻ mạnh, khôn lanh chẳng thua kém con nhà ai trong xóm này!”
13/09/2018(Xem: 9116)
Đột nhiên tôi nhớ lại câu nói của một người đã nói với tôi: “Khi chưa tu học, núi là núi, sông là sông; tu học đến một giai đoạn nào đó, núi chẳng là núi, sông chẳng còn là sông; đến khi giác ngộ, núi lại là núi, sông lại là sông!”. Không biết mình đã đến giai đoạn nào nhưng hôm nay, trong tôi chợt vang lên vài câu hát “…Một hôm ngựa bỗng thấy thanh bình, thảm cỏ tình yêu dưới chân mình…”. Rồi tôi nhớ tới ông ngoại, một người mà tôi gắn bó rất thân thiết từ ngày thơ ấu.
16/08/2018(Xem: 9246)
Trước khi bàn đến Số Mệnh thì có lẽ chúng ta nên tìm hiểu rõ riêng từng chữ, Số là gì và Mệnh là gì ? Chữ Số, đứng riêng một mình, nó có thể hiểu hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất giản dị là con số, hay chữ số, dấu hiệu được đặt ra để biểu thị cho cái lượng, cái gì có thể tính, đếm, đo, cân. Các con số này có thể cộng trừ nhân chia với nhau. Nghĩa là con số có thể thêm, bớt, tăng, giảm. Con số còn có thể là chẳn lẻ, dư thừa, số dương, số âm, con số nguyên hay phân số, nghịch hay đảo, số thực hay phóng đại, số trung bình hay số vô tỉ…
13/08/2018(Xem: 9318)
Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt Toát hơi may lạnh buốt xương khô Não người thay buổi chiều thu Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng…
12/08/2018(Xem: 8474)
Ngày trôi, tháng trôi, đời trôi. Rồi đây cỏ cây úa tàn. Thời gian lướt trên màu tóc. Nhạt nhòa phấn son phù du. Hỡi người có nghe Thời gian lướt đi. Vô cùng lặng lẽ. Để ta đừng hay. Nào ngờ một mai sáng kia. Thức giấc ta nghe hai tiếng Thời Gian !
04/03/2016(Xem: 15115)
Trong thời gian làm việc tại Thư viện Thành hội Phật giáo đặt tại chùa Vĩnh Nghiêm, quận 3, tôi gặp được cuốn Tôn Giáo Học So Sánh của Pháp sư Thánh Nghiêm biên soạn. Do muốn tìm hiểu về các tôn giáo trên thế giới đã lâu mà vẫn chưa tìm ra tài liệu, nay gặp được cuốn sách này tôi rất toại ý.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567