Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đọc Thơ Phật Của Thi Sĩ Tâm Tấn

30/08/202013:12(Xem: 9246)
Đọc Thơ Phật Của Thi Sĩ Tâm Tấn
Tap tho CUOI DOI LOC NHUNG TINH SUONG_photo

Đọc Thơ Phật Của Thi Sĩ Tâm Tấn

Viết về tập thơ “Cuối Đời Lọc Những Tinh Sương” của thi sĩ Tâm Tấn

 Cư Sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang

Tu nhà năm mấy tuổi đầu
Lẽ huyền chưa đạt thâm sâu Bến Bờ
Chừ nương cảnh chợ sống hờ
Thử xem nhẫn nhục còn chờ những chi?
Niết Bàn – Địa Ngục bất ly
Ngoài-trong cánh cửa có gì đâu xa:
Mở thương cảnh loạn Ta Bà
Khép Tâm tịnh lại ấy là Chơn Không.”
(Tâm Tấn, Đêm Huyền)

 

Mấy câu thơ ở trên đã diễn bày được trọn vẹn cuộc đời của một người nữ cư sĩ tu tại gia “nương cảnh chợ sống hờ,” nhưng kiến giải và tâm nguyện thì hướng tới cảnh giới bất nhị “Niết Bàn-Địa Ngục bất ly.”

Đó là một đoạn của bài thơ Đêm Huyền trong tuyển tập thơ “Cuối Đời Lọc Những Tinh Sương,” đã được xuất bản tại Hoa Kỳ vào năm 2004, của nữ sĩ Tâm Tấn, đã qua đời vào ngày 13 tháng 7 năm 2020 tại thành phố Nha Trang, Việt Nam, thượng thọ 100 tuổi.

Tuyển tập thơ này tôi đã đọc từ sau khi nó được phổ biến tại Hoa Kỳ do người con trai của nữ sĩ Tâm Tấn là nhà văn Vĩnh Hảo thực hiện. Bây giờ nhân cụ ra đi về cõi Phật, nhà văn Vĩnh Hảo tặng cho tôi để đọc lại và cũng để tưởng niệm công đức của nữ Sĩ Tâm Tấn đối với nền văn học nước nhà nói chung và nền văn học Phật Giáo Việt Nam nói riêng.

Thú thật, lần này đọc lại tập thơ tôi rất đỗi ngạc nhiên và thú vị vì chất thơ thấm đẫm hương vị văn chương và chất Phật cao thâm siêu thoát trong thơ của bà.

Nói nào ngay, xét ra tôi cũng rất có duyên với gia đình nữ sĩ Tâm Tấn. Tôi biết bà từ những năm sau 1975, chính xác là năm 1976. Nhưng bà thuộc thế hệ tiền bối nên chỉ biết mà không thân cận. Ngược lại tôi quen thân với nhiều người con của bà, như thi sĩ Phù Du Vĩnh Hiền, nhà văn Vĩnh Hảo, nhà văn Vĩnh Hữu, Vĩnh Hiếu và Vĩnh Bình.

Trong bài thơ Đêm Huyền vừa trích, có mấy câu đáng suy gẫm:

 

Niết Bàn – Địa Ngục bất ly
Ngoài-trong cánh cửa có gì đâu xa:
Mở thương cảnh loạn Ta Bà
Khép Tâm tịnh lại ấy là Chơn Không.
 

Thi sĩ Tâm Tấn đưa ra một hình ảnh rất đời thường để nói đến lý bất nhị của Niết Bàn và Địa Ngục: trong và ngoài cánh cửa. Đọc câu sau chúng ta sẽ thấy đó là cánh cửa tâm. Đúng vậy, Niết Bàn hay Địa Ngục cũng từ tâm mà ra.

Điều khá lý thú khác ở đây là thi sĩ đưa ra thí dụ về việc mở tâm và khép tâm. Mở tâm thì bước vào cõi Ta Bà khổ đau. Khép tâm thì thể nhập Chơn Không tịnh lạc. Đây là một ẩn dụ rất sâu xa cho thấy thi sĩ Tâm Tấn là người Phật tử có tu tập. Mở tâm tức là hướng tâm ra ngoài, là vọng động chạy theo trần cảnh. Khép tâm tức là xoay tâm vào bên trong nội quán để thể nhập Chơn Không.

Thi sĩ Tâm Tấn kết thúc bài thơ Đêm Huyền với mấy câu thấm đẫm chất Phật:

 

Giấc khuya đầy đọng triền miên
Nửa thương Tục Đế, nửa nguyền Chân Như.
Trăng nương gió lật trang Thơ
Đèn khuya bấc lụn trầm tư đêm huyền.

 

Triết lý nhị đế dung thông của nhà Phật nằm gọn trong câu “Nửa thương Tục Đế, nửa nguyền Chân Như.” Sống trong cõi tục đế, tức cõi thế gian phàm tục, nhưng lòng thì không bao giờ quên đại nguyện chứng nhập vào cõi xuất thế của Chân Đế, Chân Như.

Hai câu cuối chuyên chở chất liệu văn chương làm say mê người đọc. Ở đây thi sĩ mô tả cảnh đêm trăng huyền diệu mà bà đang thưởng lãm. Chính tâm cảnh ngắm trăng thơ mộng đó đã như chất liệu kỳ diệu cho thơ trào ra. Thi sĩ đã sử dụng một ẩn dụ đầy sáng tạo “Trăng nương gió lật trang Thơ” để miêu tả cảm trạng xúc cảnh sanh tình gây cảm hứng cho hồn thơ tuôn chảy. Câu sau cùng là một câu thơ có họa và nhạc. Họa là ngọn đèn mà cái bấc đã cháy gần cạn nên ánh sáng còn yếu ớt huyền ảo. Nhạc là qua khung cảnh một người ngồi trước ngọn đèn leo lét nhìn bên ngoài ánh trăng như ảo như mộng, có thể nghe được sự tĩnh lặng sâu lắng trong khung cảnh này.

Trong bài thơ “Quán Thế Âm Tịnh Thánh,” thi sĩ Tâm Tấn đã thổ lộ tâm tư của bà với Bồ Tát:

 

Con từ bao kiếp Vô minh,
Vãng lai vấp ngã Tử Sinh đôi bờ.
Đò thiêng lỡ chuyến bơ vơ,
Xôn xao nghiệp Ái gánh hờ Trần Duyên.

 

Đó là lời bộc bạch chân thật của một người Phật tử tại gia đối trước Bồ Tát Quán Thế Âm. Trong đoạn thơ trên, chúng ta thấy thi sĩ Tâm Tấn trong cõi sâu xa của tâm thức dường như không thể quên ước nguyện từ vô lượng kiếp muốn đáp chuyến đò từ bờ bên này sinh tử luân hồi sang bên kia bờ giải thoát niết bàn. Có lẽ vì thế, đối với bà, nghiệp trần duyên của kiếp này chỉ là “gánh hờ” chứ không phải là sự nghiệp trường cửu và cứu cánh mà bà nhắm tới. Nhưng nói thế không có nghĩa bà không sống hết mình với vai trò của một người vợ một người mẹ. Nhà văn Vĩnh Hảo đã viết về người Mẹ của ông trong Đôi Lời Vào Tập của tập thơ Cuối Đời Lọc Những Tinh Sương như sau.

“Người mẹ thi sĩ của chúng tôi đẹp, hiền lành, nhân ái, quả cảm, tận tụy một đời chăm sóc chồng con; vất vả trăm chiều sinh và dưỡng bầy trẻ 14 đứa… Cuộc đời Mẹ, từ những con chữ trên trang giấy cho đến những hạt gạo, miếng vải, mồ hôi nước mắt, lời ru giọng hát, tiếng khen thưởng con ngoan, hay tiếng la trách con hư… đều toát lên cái ý vị phong nhiêu diệu vợi của thơ, và của tình.”

Từ bối cảnh tâm thức thấm nhuận Phật Pháp như thế, nên hơn 50 bài thơ trong tuyển tập “Cuối Đời Lọc Những Tinh Sương” không bài nào, không câu nào không bàng bạc giáo lý Phật Đà.

Trong tập thơ nêu bật mấy chủ đề quan trọng mà thi sĩ Tâm Tấn hay nói đến, gồm Lễ Vu Lan với tình mẫu tử và hiếu đạo, tinh thần yêu chuộng hòa bình vì đó là bản chất của đạo từ bi của nhà Phật, các sự kiện liên quan đến lịch sử của đất nước và Phật Giáo Việt Nam từ năm 1963 đến năm 1975.

Trong bài Cảm Niệm Vu Lan 2, thi sĩ Tâm Tấn tưởng niệm ân đức của bậc sinh thành, với lời thơ chí thành tha thiết.

 

Ba mươi năm sau… đầu con sương giá,
Ngồi thương cha nhớ mẹ tuổi hoàng hôn:
Bờ âm dương lấp biển với che nguồn,
Con chỉ thấy núi xa mây trắng hiện…
 
Hai tách trà thơm dâng vào cõi huyễn,
Dĩa trầu cau nồng thắm cũng hư vô!
Những giấc chiêm bao ôm mẹ mơ hồ
Những giọt lệ mừng cha tàn ảo ảnh…
Vén trí phàm phu phút giây nhập thánh,
Tâm là hoa xin hướng cội kỳ hoa.
Kinh Vu Lan ấm phủ mẹ Hồn cha,
Con quỳ lạy minh châu kim trượng chuyển
Ân Đại Hiếu Kiền-Liên muôn kiếp hiển…
Xin mẹ cha mau thoát khỏi luân hồi,
Chín phẩm sen vàng ân phước vào ngôi,
Con hồi hướng với tâm lành trọn kiếp.
 

Trong tình mẫu tử thiêng liêng, thi sĩ Tâm Tấn đã bày tỏ nỗi đau của người mẹ mất con trong bài Khóc Con.

 

Ai nỡ cướp con tôi măng sữa,
Chôn vùi sâu, cách cửa âm dương!
Nơi đây hơi Mẹ ấm giường,
Sao con nằm chốn gió sương mưa dầm?
Dưới huyệt trũng, nắng dầm thiêu đốt
Héo thân con, đau buốt lòng Me!
Mưa Đông rồi tiếp nắng Hè
Đất vun cỏ đắp khôn che ấm tình…

 

Là người Phật tử phụng thừa lời dạy từ bi và trí tuệ của Đức Phật có nghĩa là không chủ trương, không hậu thuẫn cho bất cứ cuộc chém giết tương tàn nào đối với muôn vạn sinh linh. Điều đó cũng có nghĩa là người Phật tử luôn luôn sống với suy nghĩ, lời nói và hành động hàm chứa tinh thần hòa bình và nỗ lực kiến tạo cuộc sống hòa bình cho mình và cho tha nhân. Thi sĩ Tâm Tấn là mẫu người Phật tử như thế. Trong bài thơ “Lời Cầu Nguyện Hòa Bình,” thi sĩ Tâm Tấn bày tỏ ước mơ đất nước hòa bình sau bao nhiêu năm chiến tranh.

 

Thắp nến Diêm Phù xin châm lửa Tuệ
Trầm hương dâng, xin ngát Pháp Hoa tâm
Đàn con thơ thống thiết vọng hồng ân
Lễ Thành Đạo xin chuyển vần Xe Pháp.
Lạy Từ Phụ! quê hương con đổ nát
Vì Tham Kiêu đã khoác lốt cuồng chinh
Hai mươi năm thây chất bởi vô minh
Tưởng Tiên Dược đem Trường Sinh Bất Tử:
Chủ nghĩa này trưng chiêu bài, đưa nhủ!
Ý thức kia “Đời nguyên tử” khoe trao!
Năm tiếp năm vết Đạn xoáy Bom cào,
Ngày tiếp tháng Núi Sông gào “Độc Dược”!
Lạy Từ Phụ! xin ban niềm mộng ước
Bóng Thanh Bình làm linh dược hồi sinh.

 

Thi sĩ Tâm Tấn là người thân cận với chư tôn túc lãnh đạo Phật Giáo Việt Nam từ thập niên 1950, khi bà được Cố Hòa Thượng Thích Trí Quang mời cộng tác cho báo Liên Hoa tại Huế. Rồi sau đó bà cộng tác với báo Bát Nhã của Cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ. Vì vậy cuộc đời của thi sĩ gắn liền với vận mệnh của Phật Giáo Việt Nam từ đó về sau. Trong biến cố nhà Ngô đàn áp Phật Giáo vào năm 1963, thi sĩ Tâm Tấn đã là một trong những nhân chứng sống. Trong bài thơ Ác Mộng viết vào ngày 16 tháng 8 năm 1963, nghĩa là 4 ngày trước khi chính quyền Ngô Đình Diệm tổng tấn công vào chùa chiền trên toàn quốc, bà đã ghi chú ở cuối bài thơ rằng, “Vừa khóc vừa làm trong đêm 16/08/1963.”

 

Bạn ơi, bạn ơi! núi vun mây hận
Đất phương này sấm động náo tâm tư.
Vừng Từ Vân khuất lấp bởi sương mù,
Hoa Tinh Tấn dập vùi trong bão chướng.
Kinh ngạc sững sờ hồn không định hướng
Ngẩng nhìn cao tìm dấu vết Từ Vân.
Bắc Đẩu tinh phương chiếu rạng tinh thần
Vầng nguyệt từ bi biến mờ đâu cả!

 

Trong bài Áo Vàng Bất Diệt, thi sĩ kể tình hình Phật Giáo vận động cho tự do và bình đẳng tôn giáo năm 1963 như sau.

 

Phật Giáo Tăng Ni, tín đồ tranh đấu
Thiết tha đòi Năm Nguyện Vọng thuần từ.
Nạn độc tài vận nước lúc suy hư,
Giáo Kỳ trưng lên, Giáo Kỳ triệt hạ!
Nhìn Thầy tuyệt thực, nắng sương đỏi lả,
Rồi nghe tin Thượng Tọa tự thiêu mình
Và  Sa Di, Đại Đức tiếp hy sinh
Lửa Tử Đạo bừng bừng trong ánh mắt.

 

Khép tập thơ lại. Lòng tôi dâng lên niềm cảm thán và kỳ thú. Cảm thán vì đọc được những bài thơ chứa chan tình đời nghĩa đạo. Kỳ thú vì không ngờ một người “chưa từng cặp sách đến trường” – như nhà văn Vĩnh Hảo đã viết trong lời đầu tập thơ – mà có thể có được kiến văn và chữ nghĩa bác lãm và uyên thâm như thế. Đây quả thật là một sự hiếm có. Tôi tự giải thích cho chính mình với hai nhân duyên. Thứ nhất là nỗ lực phi thường của chính thi sĩ Tâm Tấn trong việc tự học trong đời này. Thứ hai là bà vốn có một thiên tư trí tuệ đặc dị mà không phải ai cũng có, nếu không muốn nói là bà mang chủng tử trí tuệ từ nhiều kiếp trước đến đời này. Điều này làm cho tôi rõ lý do tại sao thi sĩ đã nhiều lần nhắc đến ước nguyện trở về cố hương Chân Như trong trong tập thơ “Cuối Đời Lọc Những Tinh Sương.”

 

Giấc khuya đầy đọng triền miên
Nửa thương Tục Đế, nửa nguyền Chân Như.

 

Xin kính cảm ơn thi sĩ Tâm Tấn. Nhân tuần chung thất của bà, xin cầu nguyện bà sớm hoàn thành ước nguyện.

 

Tap tho CUOI DOI LOC NHUNG TINH SUONG_photoBìa tập thơ “Cuối Đời Lọc Những Tinh Sương.”

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/12/2022(Xem: 2918)
Có một người ngoại đạo tới nói với thiền sư như thế này: -Thưa thầy, đạo của chúng tôi có cả ngàn vị thánh, còn Đạo Phật không có vị thánh nào. Thầy nghĩ sao? Thiền sư nhẹ nhàng hỏi: -Trong đạo của ông, người ta đã làm gì để trở thành thánh? Người đàn ông đáp: -Bất cứ ai suốt đời phục vụ giáo hội, tử vì đạo hay sẵn sàng tử vì đạo, tham gia thánh chiến sẽ được phong thánh. Thiền sư nói: -Đạo của chúng tôi, thánh là bậc làm những việc mà phàm phu khó làm hay không làm được. Bất cứ ai bỏ được Tham-Sân-Si sẽ nhập dòng thánh. Nghe vậy, người đàn ông cười nói: -Bỏ Tham-Sân-Si là chuyện dễ mà.
04/12/2022(Xem: 1448)
Bản thân Giới Bảo đã tổ chức nhiều cặp đôi bạn trẻ trong ngày vui của các em tại Chùa. Nhưng hôm nay chúng tôi đã không cầm được cảm xúc theo dòng chảy tâm trạng của người Cha và Mẹ (MINH TUỆ Và VIÊN HẠNH) nghẹn ngào trong giờ phút trao gửi người con gái của mình (ĐOÀN DƯƠNG LY NA, Pháp Danh: NHUẬN THẢO) cho chàng rễ người Nhật Bản (KUSAKRI YUSUKE, Pháp Danh: QUẢNG TRI).
10/12/2021(Xem: 5343)
Trong một kiếp nhân gian, mọi chúng sinh đều khởi đầu từ sinh và kết thúc ở diệt. Có sinh, phải có diệt. Diệt là chấm dứt để trở về với cát bụi, khép kín một vòng sinh lão bệnh tử. Tứ là sự chết, sự kết thúc. Trong Kinh Tử Pháp ( Tạp A Hàm, quyển 6, số 121, 雜阿含經 第6卷,一二一,死法), Phật dạy các đệ tử chánh tư duy về vô thường trong sinh tử để không dính mắc, không chấp giữ mà đạt đến giác ngộ Niết Bàn.
28/07/2021(Xem: 4411)
Hồi còn tại thế xưa kia Trên đường giáo hóa Phật đi qua làng Ngài đi cùng ông A Nan Khai tâm gieo ánh đạo vàng giúp dân
28/07/2021(Xem: 4672)
Ở bên Ấn Độ thuở xưa Nơi thành Xá Vệ, buổi trưa một ngày Gia đình kia thật duyên may Phật thương hóa độ, dừng ngay tại nhà
09/05/2020(Xem: 6901)
Khi xưa, có khoảng thời gian tôi yêu hoa tới mức vận dụng khả năng để sở hữu một tiệm hoa. Ở môi trường này, tôi thường xuyên được thấy những tấm lòng mẫn ái hướng về nhau. Một bông hồng để thay lời xin lỗi, một giỏ lan chúc tụng niềm vui, và ngay cả những vòng hoa tang chia buồn cũng là tình người đẹp đẽ.
10/12/2019(Xem: 5693)
“Thà như giọt mưa, vỡ trên tượng đá Thà như giọt mưa, khô trên tượng đá Thà như mưa gió, đến ôm tượng đá Có còn hơn không, Có còn hơn không …” Đó là những câu mở đầu bài thơ của một người làm thơ như ăn cơm, làm thơ như uống nước, làm thơ như thiền hành, làm thơ như tĩnh tọa, làm thơ như say ngủ …. Làm thơ mà như chưa từng nghĩ là mình làm thơ, huống chi, nhọc nhằn khoác vào mình những hư danh nhân thế.
10/12/2019(Xem: 5138)
Tiết mùa đông bất ngờ về sớm khiến những nhành mai đang ra lá, chưa kịp nhận biết, vội nép vào nhau, thương cảm nhìn những đóa hồng tỷ muội run rẩy, mới nở đêm qua. Dọc theo bức tường ngoài hàng hiên, những khóm trúc nhẹ nhàng lay động, trấn an bụi hoa ngâu với những đóa nhỏ li ti, rằng mặt trời đang lên, chúng ta vẫn đồng hành dù ta xanh hay vàng, dù em tươi hay héo, chỉ là ngoại hình luân chuyển mà thôi!
22/05/2019(Xem: 5412)
Phần này bàn về cách dùng thì (tiếng Anh tense ~ temps tiếng Pháp) vào thời các LM de Rhodes và Maiorica sang truyền đạo ở An Nam cho đến thế kỉ XX. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là ba tác phẩm của LM de Rhodes soạn: cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false .
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]