Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1. Bảy bài kệ của bảy đức Phật

24/03/201102:03(Xem: 14229)
1. Bảy bài kệ của bảy đức Phật

TAM BẢO VĂN CHƯƠNG
Đoàn Trung Còn biên soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

I. CÁC THỂ CA (kệ, hát nói, lục bát, song thất lục bát)
BẢY BÀI KỆ CỦA BẢY ĐỨC PHẬT


1. Kệ đức Phật Tỳ-bà-thi (Vipayin)

(Đức Thế Tôn thứ 998 về Quá khứ Trang nghiêm kiếp)

Thân tùng vô tướng trung thụ sanh,
Du như huyễn do chư hình tượng.
Huyễn nhân tâm thức bổn lai vô,
Tội phúc giai không vô sở trụ.

Diễn nôm



Thân thọ sanh từ nơi không tướng,
Như giấc mơ do tượng hình ra.
Người mơ tâm thức đâu mà?
Trụ đâu tội phước đều là thành không.

Kinh Trường A-hàm chép rằng: Vào thuở mà người ta hưởng thọ được tám muôn tuổi, đức Phật này ra đời, dòng Sát-lỵ, họ Câu-lỵ-nhã, cha là Bàn-đầu, mẹ là Bàn-đầu Bà-đề. Ngài ở thành Bàn-đầu Bà-đề, ngồi dưới cây Ba-ba-la, thuyết pháp ba hội, độ cho người ta được 348.000 người. Ngài có hai phép thần túc đặc biệt: phép thứ nhất tên là Khiên-trà, phép thứ hai tên là Đề-xá. Thị giả là ngài Vô-ưu-tử Phương Ưng.

2. Kệ đức Phật Thi-khí (Ikhin)


(Đức Thế Tôn thứ 999 về Trang nghiêm kiếp)

Khởi chư thiện pháp bổn thị huyễn;
Tạo chư ác nghiệp diệc thị huyễn.
Thân như tụ mạt, tâm như phong,
Huyễn xuất vô căn vô thật tánh.

Diễn nôm

Pháp lành khởi, vốn xưa là huyễn;
Nghiệp dữ gây, cũng huyễn mà ra.
Thân bọt đậu, tâm gió qua,
Không gốc, không thật, tánh là huyễn thôi!

Kinh Trường A-hàm chép rằng: Vào thuở mà người ta hưởng thọ được bảy muôn tuổi đức Phật này ra đời, dòng Sát-lỵ, họ Câu-lỵ-nhã, cha là Minh Tướng; mẹ là Quang Diệu. Ngài ở thành Quang Tướng, ngồi dưới cây Phân-đà-lỵ, thuyết pháp ba hội, độ cho người ta được 250.000 người. Ngài có hai phép thần túc đặc biệt: phép thứ nhất tên là A-tỳ-phù, phép thứ nhì tên là Bà-bà. Thị giả là ngài Nhẫn-hạnh-tử Vô Lượng.

3. Kệ đức Phật Tỳ-xá-phù (Visvabhù)


(Đức Thế Tôn thứ 1.000 về Trang nghiêm kiếp)

Giả tá tứ đại dĩ vi thân,
Tâm bổn vô sanh, nhân cảnh hữu.
Tiền cảnh nhược vô, tâm diệc vô,
Tội, phước như huyễn, khởi diệc diệt.

Diễn nôm

Bốn vật lớn mượn làm thân đó,
Tâm không sanh, nhân cảnh mà sanh.
Cảnh không, tâm cũng không thành,
Đôi đàng tội phước như hình huyễn thôi!

Kinh Trường A-hàm chép rằng: Vào thuở mà người ta hưởng thọ được bảy muôn tuổi, đức Phật này ra đời, dòng Sát-lỵ, họ Câu-lỵ-nhã, cha là Thiện Đăng, mẹ là Xương Giới. Ngài ở thành Vô Dụ, ngồi dưới cây Bà-la, thuyết pháp hai hội, độ cho người ta được 113.000 người. Ngài có hai phép thần túc đặc biệt: phép thứ nhất tên là Phù-du, phép thứ nhì tên là Uất-đa-ma. Thị giả là ngài Tịch-diệt-tử Diệu Giác.

4. Kệ đức Phật Câu-lưu-tôn (Krakucchanda)


(Đức Thế Tôn thứ nhất về Hiện tại Hiền kiếp)

Kiến thân vô thật thị Phật thân.
Liễu tâm như huyễn thị Phật huyễn,
Liễu đắc thân, tâm bổn tánh không.
Tư nhân dữ Phật hà thù biệt?

Diễn nôm

Thân không thật, ấy là thân Phật;
Tâm bông lông, biết Phật bông lông.
Thân, tâm, tánh ấy vốn không,
Người ta với Phật cũng đồng như nhau.

Kinh Trường A-hàm chép rằng: Vào thuở mà người ta hưởng thọ được bốn muôn tuổi, đức Phật này ra đời, dòng Bà-la-môn, họ Ca-diếp. Cha tên là Lễ Đắc, mẹ là Thiện Chi. Ngài ở thành An Hòa, ngồi dưới cây Thi-lỵ-sa, thuyết pháp một hội, độ cho người ta được 40.000 người. Ngài có hai phép thần túc đặc biệt: phép thứ nhất tên là Tát-ni, phép thứ hai tên là Tỳ-lâu. Thị giả là ngài Thiện-giác-tử Thượng Thắng.

5. Kệ đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni (Kanaka­- mouni)


(Đức Thế Tôn thứ 2 về Hiền Kiếp)

Phật bất kiến thân, tri thị Phật,
Nhược thật hữu tri, biệt vô Phật.
Trí giả năng tri tội tánh không,
Thản nhiên bất bố ư sanh tử.

Diễn nôm

Thân chẳng thấy, biết là thân Phật,
Nếu biết rồi, thì Phật là không.
Người khôn biết tội tánh không,
Thản nhiên chẳng sợ trong vòng tử sanh.

Kinh Trường A-hàm chép rằng: Vào thuở mà người ta hưởng thọ được ba muôn tuổi, đức Phật này ra đời, dòng Bà-la-môn, họ Ca-diếp. Cha tên Đại Đức, mẹ là Thiện Thắng. Ngài ở thành Thanh Tịnh, ngồi dưới cây Ô-tàm Bà-la-môn, thuyết pháp một hội, độ cho người ta được 30.000 người. Ngài có hai phép thần túc đặc biệt: phép thứ nhất tên là Thư-hàm-na, phép thứ nhì là Uất-đa-lâu. Thị giả là ngài An-hòa-tử Đạo Sư.

6. Kệ đức Phật Ca-diếp (Kayapa)


(Đức Thế Tôn thứ 3 về Hiền kiếp)

Nhất thiết chúng sanh tánh thanh tịnh,
Tùng bổn vô sanh, vô khả diệt.
Tức thử thân, tâm thị huyễn sanh,
Huyễn hóa chi trung vô tội, phước.

Diễn nôm

Tánh chúng sanh thảy thanh tịnh hết,
Do không sanh, không diệt mà ra.
Thân, tâm là huyễn thôi mà,
Huyễn thì tội, phước hóa là đều không.

Kinh Trường A-hàm chép rằng: Vào thuở mà người ta hưởng thọ được hai muôn tuổi, đức Phật này ra đời, dòng Bà-la-môn, họ Ca-diếp. Cha là Phạm Đức, mẹ là Tài Chủ. Ngài ở thành Ba-la-nại, ngồi dưới cây Ni-câu-luật, thuyết pháp một hội, độ được người ta 20.000 người. Ngài có hai phép thần túc đặc biệt: phép thứ nhất tên là Đề-xá, phép thứ nhì là Bà-la-bà. Thị giả ngài là Thiện-hữu-tử Lập Quân.

7. Kệ đức Phật Thích-ca Mâu-ni (Çakyamouni)


(Đức Thế Tôn thứ 4 về Hiền Kiếp)

Pháp bổn pháp vô pháp,
Vô pháp, pháp diệc pháp.
Kim phó vô pháp thời,
Pháp pháp hà tằng pháp.


Diễn nôm

Pháp là pháp, vốn xưa không pháp,
Không pháp mà cũng pháp đó đây.
Ta trao không pháp buổi nay,
Pháp nào pháp nấy, nào hay pháp nào.

Ngài giáng sanh trong dòng nhà vua Sát-lỵ, phóng đại quang minh; dưới đất nảy lên hoa sen vàng. Ngài bước đi bảy bước, đưa một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, dùng tiếng như sư tử rống mà nói rằng: “Trên trời, dưới đất, chỉ có một mình ta là tôn quý.” Hôm ấy là ngày mùng 8 tháng 4 năm 624 trước Công nguyên. Ngài xuất gia tu hành thành Phật, chuyển Pháp luân Tứ diệu đế, thuyết pháp hành đạo 49 năm. Thị giả của ngài là ngài A-nan.

Sau ngài dạy đệ tử là Ca-diếp rằng:

“Nay ta đem Chánh pháp nhãn tạng, diệu tâm Niết-bàn giao phó cho nhà ngươi.”

Nói rồi ngài thuyết bài kệ trên.

Ngài thuyết kệ xong rồi, ngồi ngay thẳng, lặng lẽ nhập Niết-bàn dưới gốc cây Sa-la. Các đệ tử liền lấy củi thơm thiêu hóa. Năm ấy ngài 80 tuổi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/12/2010(Xem: 2266)
Triển khai Ý niệm đoàn viên nằm trong đoạn thơ từ câu 2967 đến câu 3254 trong Truyện Kiều [1] , ngoài ý hướng „đọc lại“ những vần thơ đẹp trong ánh dương quang „ngày xuân con én đưa thoi“, với nỗi đồng cảm „chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài“ về một mùa xuân nối tiếp mùa đông mà „đoàn viên“ là ý niệm của sự nối tiếp ấy, bài viết thử tìm lại ý nghĩa đích thực của đoạn văn này giữa mê hồn trận những quan điểm khác nhau về nó, cũng như tìm cách lý giải tư tưởng có tính Phật giáo then chốt của Nguyễn Du [2] trong „ý niệm đoàn viên“ như là ý niệm nhân quả toàn vẹn, là cánh cửa mở ra Niết bàn trong hiện tại, qua đó cho thấy trong thời đại của ông, Nguyễn Du là người đã thâm hiểu và cảm nhận đạo Phật trầm diệu và uyên bác đến nỗi triết lý đạo Phật dưới ngòi bút sáng tạo của ông trở nên dòng tư tưởng Việt Nam tuôn chảy linh hoạt và sống động mãi đến ngày hôm nay.
30/12/2010(Xem: 1929)
“Đoạn trường tân thanh” hay chúng ta quen gọi là truyện Kiều, là tác phẩm đã đưa tên tuổi Nguyễn Du lên hàng đại văn hào thế giới. Giá trị về tư tưởng, nghệ thuật của “Đoạn trường tân thanh” là điều khơng cĩ gì phải bàn cãi. Bao nhiêu những khảo luận, phê bình, nghiên cứu của rất nhiều học giả uyên bác, thuộc hàng đại thụ trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam suốt gần hai thế kỷ qua đã phần nào chứng minh điều đĩ.
30/12/2010(Xem: 1854)
Những con sóng bạc trường giang lắng mình, trở về hội ngộ cõi uyên nguyên huyền ảo, cõi ban sơ hoa hạnh ngân dài. Không gian tĩnh lặng. Hết thảy mọi tinh thể lần lượt hiển hiện như tự thân ban đầu của nó. Những cánh nhạn vút qua rồi lặng lẽ. Phong lai sơ trúc, phong khứ nhi trúc bất lưu thanh. Nhạn quá hàn đàm, nhạn khứ nhi đàm vô ảnh hiện.
30/12/2010(Xem: 2026)
Lương triều Chiêu Minh thái tử phân kinh xứ, Thạch đài do kí “Phân kinh” tự. Đài cơ vu một vũ hoa trung, Bách thảo kinh hàn tận khô tử. Bất kiến di kinh tại hà sở? Vãng sự không truyền Lương thái tử Thái tử.
25/11/2010(Xem: 1658)
"Thấy nhàn" là thấy chim nhạn. Theo nguyên tác bằng Hán văn của Đặng Trần Côn là: "Kiến nhạn uổng nhiên tư tái bạch". "Thấy nhàn" có nghĩa là thư tín, do điển Tô Võ.
07/10/2010(Xem: 2255)
"Chương Đài" là tên một con đường ở thành Trường An bên Tàu. "Hỏi Liễu Chương Đài" là hỏi thăm cây liễu ở đường Chương Đài. Đây có nghĩa là hỏi thăm người tình nhân cũ...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]