Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Con Cọp, Qua Cái Nhìn Dân Gian Việt Nam

04/01/202206:30(Xem: 6003)
Con Cọp, Qua Cái Nhìn Dân Gian Việt Nam

nam dan noi chuyen cop-2


CON CỌP

QUA CÁI NHÌN DÂN GIAN VIỆT NAM

NGÔ VĂN BAN 

 

Năm Sửucon trâu cần cù qua đi, năm Dầncon cọp nhăn răng xè vuốt đến. Trong các loài thú dữ, chưa có loại thú nào được con người sợ hãi, thờ cúng, kỵ húy nhiều bằng con cọp. Cái nhìn dân gian Việt về con cọp thể hiện trong cách gọi tên, thể hiện qua những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn … làm giàu thêm kho tàng văn học dân gian Việt. Và qua đó, ta hiểu thêm được về con vật mang tiếng ác như hùm này.

Ngoài tên “thường gọi” là Cọp, là Hổ, tiếng Hán Việt là Dần, cọp còn có tên là Khái, là Kễnh, Ba Cụt (cọp ba chân), Ba Ngoe (cọp ba móng), Ông Chằng hay Ông Kẹ, Ông Dài, Ông Thầy (cọp thành tinh). Dựa vào tiếng gầm của cọp, cọp còn có tên gọi là Hầm, là Hùm, dựa vào sắc màu của da là Gấm, là Mun ...  Ở Nam Bộ cò gọi cọp là Ông Cả, vì sợ cọp quấy phá, lập miếu thờ, tôn cọp lên hàng Hương Cả là chức cao nhất trong Ban Hội Tề của làng xã Nam Bộ thời xưa. Cọp cũng được con người gọi lệch đi là Ông Ba Mươi. Con số ba mươi này có nhiều cách giải thích: - Cọp sống trung bình trong khoảng ba mươi năm. - Cọp đi ba mươi bước là quên hết mọi thù oán. - Xưa, triều đình đặt giải, ai giết được cọp thì được thưởng ba mươi đồng, một món tiền thưởng khá lớn hồi đó. - Tuy nhiên, cũng có thời, ai bắt, giết cọp phải bị phạt ba mươi roi, vì cho rằng cọp là tướng nhà Trời, sao dám xúc phạm (?). Ngày nay, cọp là loài vật quý hiếm, có trong sách Đỏ, ai giết, bắt loài thú này không những bị phạt tiền mà còn ở tù nữa. - Đêm ba mươi cuối tháng âm lịch, trời tối đen như mực, là thời gian thích hợp cho cọp dễ lộng hành, tìm mồi. Còn những đêm trăng sáng, cọp chui rúc vào rừng sâu để phòng bị con người vây bắt hay mắc bẫy. Vân ... vân ...và vân … vân …

Sở dĩ cọp thường gọi nhiều tên như thế vì con người rất sợ loài thú hung dữ này khi họ phải lên rừng núi để khai thác gỗ, đốn củi, đốt than, khai thác trầm kỳ, mây, tre, cây thuốc, lấy mật ong... hay nhà ở gần núi,  nên thời xưa, không những con người lập miếu thờ cọp, gọi cọp là Sơn ThầnChúa Sơn Lâm mà còn kỵ húy, kiêng kỵ “tên chính thức” nên gọi tránh đi và bao giờ cũng có chữ Ông, chữ Ngài đứng trước để tỏ ý tôn trọng. Cọp có sức mạnh tự nhiên, to khỏe, dữ tợn, táo bạo, liều lĩnh, dám tấn công, đối địch nhiều thú to khỏe khác nên được tôn là chúa của rừng núi. Con người còn coi con cọp là con vật linh thiêng, là tướng nhà Trời, có thể nghe được tiếng người “nói xấu” từ khoảng cách xa (thiên lý nhĩ), là con vật có thể ngăn ngừa ma quỷ, diệt trừ được những tai họa đưa đến cho con người. Do đó, ngày Tết nguyên đán, dân gian có tục lệ thường dán trước cửa nhà mảnh giấy hồng điều có hình cọp với lòng tin là Ông Ba Mươi sẽ trấn giữ không cho những thứ hiểm độc, ác quỷ vào nhà. Ở các đình miếu có bức bình phong, thường người ta vẽ hay đắp nổi hình con cọp đứng nhe răng vuốt, coi như trấn giữ đình miếu. Ông già, bà cả còn truyền dạy: nếu trẻ con khóc đêm thì người mẹ phải lén “ăn trộm” hình vẽ Chúa Sơn Lâm để trong gối nằm của trẻ thì chúng sẽ hết khóc hay cho trẻ đeo vấu (móng cọp). Trong tín ngưỡng có tranh thờ hổ Ngũ Hổ ...

Con cọp oai hùng như thế nên các võ tướng của triều đình xưa thường được ví như cọp và được gọi là Hổ Tướng (ông tướng mạnh như cọp). Trong chiến trận, đoàn quân bị mất tướng, coi như quân vô tướng như hổ vô đầu. Có bộ đi hùng dũng giống cọp gọi là Hổ bộ, dáng đi của vua chúa cũng được gọi là Long hành hổ bộ.Người được gọi là Hổ đầu là người có tướng mạo tốt, hùng dũng như ... cọp. Mặt người có mặt cọp (hổ diện), miệng cọp (hổ khẩu) và cả râu cọp (hổ tu) nữa : râu hùm hàm én mày ngài ... của Từ Hải trong Truyện Kiều là người có tướng mạo của một người anh hùng.

Những người có dáng hình, tính cách như cọp kể trên, người xưa thường cho rằng hổ phụ sinh hổ tử, con cái họ cũng sẽ có dáng hình, tính cách như thế. Tuy nhiên, không phải là tuyệt đối, có những trường hợp hổ phụ sinh ... khuyển tử thì thật là buồn.

Người sinh năm Dần, cầm tinh con cọp cũng là con người ... ghê gớm, như được diễn tả trong bài Vè mười hai con giáp :

Tuổi Dần ông cọp gớm ghê

Bắt người móc họng tha về non cao...

Lẽ dĩ nhiên, vì cầm tinh con cọp nên phải diễn đạt tính cách của cọp là như thế, chứ không phải người nào tuổi Dần cũng ... hung ác như cọp.

Người bị cọp bắt, móc họng tha về non cao, theo người xưa, người đó có số hổ giảo và có câu hùm tha có số. Người xưa cho rằng người có số hổ giảo, dù ở thành thị cũng có thể chết vì … cọp (?). Tục truyền rằng, người bị cọp ăn, hồn của họ theo cọp, gọi là hổ trành (ma trành), giúp cọp tìm người khác bắt ăn để trở thành ma trành thay thế họ, cho họ thoát khỏi kiếp ma. Chuyện hoang đường nhưng nghe kể cũng thú vị.

Nơi cọp trú ngụ gọi là hổ huyệt là hang cọp, nơi đầy nguy hiểm, chết chóc. Trừ những kẻ muốn đâm đầu vào hang cọp, hay những người đầy can đảm cho rằng bất nhập hổ huyệt, bất đắc hổ tử, không vào hang cọp sao bắt được cọp con, hay những kẻ vì đồng tiền, hám lợi mà đi vào chỗ cọp tha rắn cắn thì không ai muốn đi vào nơi miệng hùm nọc rắn đó cả. Có kẻ lỡ thế leo lưng cọp thì thật là khó xuống, kiểu phóng lao phải theo lao.

Người xưa cũng đã khuyên ta chớ có đùa dai :

Chớ thấy hùm ngủ vuốt râu

Hùm mà thức dậy, đầu lâu không còn.

Vì cọp là loài thú dữ tợn, nên người đời thường nói : Dữ như cọp, dữ như cọp xổ rọ, dữ như cọp đói, dữ như cọp cái, dữ như cọp thọt (bị què) ... Cọp đã dữ như thế, nếu thêm vây thêm cánh vào thì cọp mà có cánh, cọp bay lên trời. Con người có vây có cánh như thế thì cũng ... ghê gớm như thế. Cọp dữ, nên cũng có tình trạng dựa hơi hùm, vễnh râu cáocáo đội lốt hùm, cáo giả oai hùm, cáo mượn oai hùm …Trong cuộc sống cũng có những người dựa vào quyền thế để huynh hoang, tự đắc, làm những việc táng tận lương tâm như cọp dữ như thế. Quyền thế người đời mạnh đến nỗi người dân đen chẳng có phản ứng gì, như trường hợp ví von sau :

Mèo tha thịt mỡ thì la

Kễnh tha con lợn cả nhà im hơi.

Tuy cọp hùm dữ như thế, nhưng dưới con mắt người đời, hùm dữ chẳng ăn thịt con. Và có điều đặc biệt : Hùm giết người hùm ngủ, nhưng người giết người thức đủ năm canh. Cọp dữ nên ít ai nuôi cọp trừ các sở thú hay trong các rạp xiếc. Dù nuôi hùm để dọa, nhưng nuôi hùm để họa thì có, như nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà vậy.

Thật khen cho ai dám vuốt râu hùm, xỉa răng cọp và lúc nào cũng làm hùm làm hổ. Nhưng cũng có người sợ cọp sợ cả cứt cọp nữa. Những kẻ nhát gan, nhưng tỏ vẻ hùm hổ thì đúng là miệng hùm gan sứa, miệng hùm gan thỏ, làm sao bì được với người tuyên bố sợ cọp chớ ai sợ cứt cọp và miệng hùm chớ sợ, vẩy rồng chớ ghê. Có người không sợ cọp beo gì cả mà sợ hà chính mãnh ư hổ, là chính sách hà khắc của những ông cai trị còn dữ, còn đáng sợ hơn cả cọp beo. Người còn sợ cái việc tiền môn cự hổ, hậu môn tiến lang, trước cửa thì tống hổ đi, sau cửa thì rước loài lang sói vào, thì loại hổ lang đó có khác gì nhau ? Người tránh cọp thì lại gặp beotránh hùm thì mắc hổtránh ông Cả, ngả phải Ông Ba Mươi, chẳng biết đường nào mà lường cả, đành chịu vậy.

Có người bất uy mãnh hổ, chẳng sợ cọp dữ mà sợ nhi úy sàm ngôn là những lời dèm pha và cả những âm mưu thâm độc của con người nữa :

Làm vầy đã thảm chưa Trời !

Cọp kêu ba tiếng không sợ, sợ người đời mưu thâm.

Người đời cho rằng : Lên non bắt hổ còn dễ hơn chiều chuộng thế gian.

Chưa hết, cổ ngữ Trung Quốc còn có câu mãnh hổ khẩu trung kiếm, nghĩa là kiếm ở trong miệng hổ dữ, là răng nhọn, lưỡi cứng, ở loài người là lời nói ác độc, làm hại người khác. Lại còn có câu trường xà vĩ thượng châm, nghĩa là kim dưới đuôi con rắn, là đuôi cứng, nhọn, ví những người thích châm chọc đủ điều. Nhưng lưỡng ban do vị độc, cả hai độc hại của hổ của rắn chưa lấy gì làm độc, mà chính tối độc phụ nhân tâm, rất độc là lòng dạ của người ... đàn bà. Chú Ba thật là ... thâm !

Cọp dữ như thế, nhưng cũng có khi hùm thiêng mắc bẫy, hùm thiêng thất thế :

Cọp rừng lạc xuống ruộng sâu

Bị bầy chó cỏ thi nhau sủa ầm.

hay :

Người khôn thất trí cũng khờ

Ba mươi đời cọp dữ sa cơ cũng hèn.

Hình ảnh con cọp cũng đã đi vào việc hôn nhân xưa của dân tộc ta. Có những cuộc hôn nhân do cha mẹ định đoạt đã đưa đến sự tan vỡ của đôi vợ chồng trẻ :

Cha mẹ em vội tham vàng

Hang hùm lại ngỡ hang vàng gả con.

Hay có những so sánh trong đời sống vợ chồng không phù hợp :

Con gái lấy phải chồng già

Cũng bằng con lợn cọp tha vào rừng.

- Con gái mà lấy chồng quan

Nhược bằng để hổ nó mang lên rừng.

Con gái mà lấy chồng xa

Cũng như heo nái cọp tha về rừng.

Việc lấy chồng xa, trong tục ngữ người Mường cũng có nhận xét :

Lấy chồng trong lũng như thúng gạo nếp hương,

lấy chồng xa đất, xa mường như cọp tha xương về nơi đất lạ.

Chồng thì như thế, còn gia đình nhà chồng nữa :

Ngó lên đám mía xanh um

Mụ gia như hùm, ai dám làm dâu.

Trong tình yêu cũng có những sai lầm, được ví von bằng việc họa hình con hổ:

Họa hổ họa bì nan họa cốt

Tri nhân tri diện bất tri tâm

May mô chút nữa anh lầm

Củ khoai lang mà em ngỡ cao ly sâm bên Tàu

Vẽ hổ, vẽ da thì dễ, khó vẽ được xương ở bên trong, cũng như biết người biết mặt khó biết được lòng dạ của họ ra sao. Bây giờ biết lòng dạ rồi thì : Xưa kia chẳng biết, anh lầm / Bây giờ đã rõ, vàng cầm, anh cũng buông.

Có những trường hợp, không nghe lời cha mẹ :

Dạy con, con chẳng nghe lời

Con nghe ông kễnh, đi đời nhà con.

Dưới nhìn dân gian, con cọp trở thành một hình ảnh thật sinh động. Hình ảnh ấy được đưa vào đời sống con người, từ đó vẽ lên được một bộ phận người trong xã hội với những ca tụng lẫn phê phán.

Cuối cùng, dân Việt ta cũng mượn hình ảnh cọp để lại đời sau một lời khuyên có giá trị muôn đời về cuộc sống :

Hùm chết để da, người ta chết để tiếng.

 

 

 

Ngô Văn Ban

Sinh năm 1942

Võ Cạnh - Nha Trang

Nhà giáo ưu tú

Dạy Việt văn ở TH Ninh Hòa 1970-1974

Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa

Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian VN

facebook
youtube


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/02/2021(Xem: 3423)
Lá Thư Mùng Ba Tết Ông bà ta có câu:“Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”! Đó là truyền thống “Tôn sư trọng đạo” hay "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. - Mùng 1 Tết Cha: Thời khắc Giao thừa hơn cả, Lễ Tổ tiên cúng ông bà. Sáng lại đi lễ bên Nội, chúc Tết mừng tuổi ông bà cha mẹ; nhận lì xì và ăn bửa cơm trò chuyện đầu năm. Rồi đi chúc Tết anh em họ hàng bên Nội.
11/02/2021(Xem: 3109)
Cành Đào trước sân chùa đang hé nụ, báo hiệu một mùa Xuân sắp đến, để rồi chúng ta ngồi lại lắng nghe những gì đã bước đến trong năm Canh Tý- năm 2020, năm ấy là năm khắc khỏi đáng nhớ, và in sâu mãi trong kiếp người uế trượt nhân sinh này. Năm củ Canh Tý- thuộc hành Thổ trên vách đã dần khép lại, mọi người chuẩn bị Tết 23 ngày tiển Ông Táo chầu trời, thì ngày 25 là ngày tiển chư vị hộ pháp Long thần tại các Chùa theo tục niềm Nam, về lại Thiên Giới, ngày 27 là ngày Tết Tất niên cuối năm, theo nghi thức cổ truyền, và hôm nay ngày 30 Tết lại là ngày Cung rước Ông bà, đón giao thời mùa Xuân cho năm Tân Sửu.
09/02/2021(Xem: 10827)
Lá Thư Ngày Tết (của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Viện Tăng Thống Giáo Hội PGVNTN)
09/02/2021(Xem: 9296)
Kính thưa quý vj, năm Canh Tý – 2020, nhân loại trên thế giới đã sống những nỗi lo âu, hãi hùng trước cơn bệnh Corona 19; bệnh dịch nầy đã cướp mất gần hai triệu người, và hàng triệu người đang bị lây nhiễm ở các nước Âu Châu – Hoa Kỳ và Bắc Mỹ…, Đất nước Việt Nam chúng ta hiện tại ở các tỉnh phía Bắc phía Nam như: Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng và Sài Gòn,.. đang diễn tiến lây nhiễm! Đặc biệt tại Tân Tây Lan, đất nước nhỏ bé nầy mà chúng tôi và quý vị hiện đang sống, cơn bệnh dịch có phần nào lắng dịu, so với Úc châu đất nước bên cạnh chúng ta hiện đang bị lây nhiễm. Đây là một điều lành với các sắc tộc đang sinh sống tại Tân Tây Lan, trong đó có cộng đồng Việt Nam.
04/02/2021(Xem: 8160)
Tết Sửu xin mừng những bạn xa, Thầm yêu thiện hữu kết bao nhà… Nhiêu điều cảm nhận bài không rã, Mấy chuyện vòng quanh nẻo vẫn hoà. Sáng tỏ lời hay về đạo nhã, Trong ngần ý đẹp bởi niềm tha. Mong cầu hạnh phúc muôn loài cả, Xướng, luận, thơ,vè mãi nở hoa.
03/02/2021(Xem: 7192)
Đón Tết năm nay thấy ...khác xưa , Bạn bè biền biệt ...vãng lai thưa Một mình cô quạnh ..gian nhà trống Ông Táo ngày mai .. vẫn phải đưa ! Xuống phố, ừ ..mua cam, mứt, quả Chuẩn bị tuần nữa cũng là vừa Hai chậu Vạn Thọ trước nhà ... Tết ! Xuân đến ... quan trọng nhất Giao Thừa.
03/02/2021(Xem: 7221)
Tùng xèng tùng xèng Chuông đồng hồ reng Giật mình tỉnh giấc Hăm ba tháng Chạp Mang gấp khẩu trang Kính tâu Ngọc Hoàng
01/02/2021(Xem: 6122)
Đối với những dân tộc sống trong nền văn minh lúa nước tại Đông Nam Á, nhất là đất nước và con người Việt Nam, hình ảnh con trâu, thường hay được nói đến, không phải “con trâu là đầu cơ nghiệp” mà đối với người nông dân là con vật gần gũi thân thiết, nên trong ca dao trâu xuất hiện trong bức tranh lao động của gia đình “trên đồng cạn, dưới đồng sâu, chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”, trâu cũng trở thành bạn tâm tình của người nông dân: “trâu ơi ! ta bảo trâu này…” Người nông dân đã đồng cảm với trâu, qua việc cần mẫn lao động hằng ngày, không có lúc nào hưởng được sự thảnh thơi mà phải luôn vất vả nhọc nhằn. Hình ảnh con trâu kéo cày trên ruộng đồng với lúa, mạ xanh tươi, hay đứng nằm gặm nhai cỏ trên bãi cỏ xanh, cùng giầm mình trong vũng ao hồ sình lầy là hình ảnh quen thuộc, gợi lên nhiều cảm xúc thị vị thanh bình tạo cảm hứng cho biết bao thi nhân và họa sĩ.
01/02/2021(Xem: 11600)
Trước thềm Xuân Tân Sửu, thay mặt Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan, chúng tôi thành tâm chúc nguyện đến Chư Tôn Hòa Thượng, chư Thượng Toạ, chư Đại Đức Tăng Ni, quý vị lãnh đạo Tôn giáo, Cộng Đồng, Đoàn thể, Cơ quan truyền thông, quý thân hào nhân sĩ, thiện hữu tri thức cùng quý đồng hương Phật tử trong và ngoài Úc Châu lời cầu chúc xuân quang rực rỡ, vạn sự thăng tiến, cát tường như nguyện
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]