Ông bà ta có câu:“Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”!
Đó là truyền thống “Tôn sư trọng đạo” hay "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.
- Mùng 1 Tết Cha: Thời khắc Giao thừa hơn cả, Lễ Tổ tiên cúng ông bà. Sáng lại đi lễ bên Nội, chúc Tết mừng tuổi ông bà cha mẹ; nhận lì xì và ăn bửa cơm trò chuyện đầu năm. Rồi đi chúc Tết anh em họ hàng bên Nội.
- Mùng 2 Tết Mẹ: Đến mùng 2, Vợ chồng con cái sang chúc Tết bên Ngoại, và được một ngày đầm ấm như bên Nội hôm qua.
- Mùng 3 Tết Thầy: Đây là ngày dành cho những bậc Thầy đã dạy ta từng nét chữ, từng bài học Đạo đức ở đời.
Sáng ngày mồng ba, người Việt thường dành riêng đi lễ Tết thầy giáo. Không chỉ có các học trò học chữ đến với thầy dạy chữ mà thầy được người Việt mở rộng nghĩa là những bậc có công dạy chữ lẫn dạy nghề, dạy cả những bộ môn nghệ thuật như dạy đàn, dạy hát…
Một câu nói mộc mạc chân phương của người Việt: “Không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nghĩa là dạy một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy – để tỏ lòng tri ân người có công khai tâm cho con người bằng trí thức, bằng chữ. Trong các lời dạy của Chư Tổ Phật giáo khuyên: “Sanh ngã giả phụ mẫu, thành ngã giả Sư trưởng”.
Người xưa cho dù chức cao vọng trọng đến đâu thì ngày Tết người học trò đến thăm thầy cũng vẫn một lòng tôn sư trọng đạo như thế. Thường thì ngày mồng ba Tết, người đứng đầu hàng môn đồ những người cùng học, đại diện chúc Tết thầy.
Phong tục chúc Tết ấy bắt nguồn sâu xa từ tinh thần trọng đạo nghĩa: “Uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo”.
Kính thưa chư Quyến Thuộc!
Những ngày qua, Con/tôi nhận rất nhiều lời chúc tết rất ân cần trang trọng trên mọi phương tiện như: Call phone, Gmail, Facebook, Zalo, Viber, và được nhận thấy cả các trang Youtuber mà các đồ đề đăng tải. Nhưng mãi đến ngày mùng 2 con/tôi mới hồi đáp một số đông quý Quyến thuộc quý thương.
Năm nay là năm có thể nói là Xuân tự tại với cõi lòng Hoan hỷ chính bản thân con/ tôi. Vì con/tôi tự tháo mở cho mình vài thắc gút mà từ mấy mươi năm nay xiết chặt. Và cũng bắt đầu từ năm nay là tiền đề con/tôi bước thảnh thơi thung dung trong ba ngày Tết của đất trời. Ngày 30 cuối năm, ngày mùng một đầu năm mới, con/tôi không nghe điện thoại, không hồi âm tin nhắn v.v... cảm nhận được thời khác thiêng liêng.
“Ta chẳng chờ chi, chẳng đợi chi,
Với ta năm tháng mấy phân kỳ.
Vạn vật đất trời là thế ấy!
Nhục vinh – thành bại lạ lùng chi.
Ta đã quen rồi mọi người ơi,
Sầu thương – yêu ghét bao giờ nguôi.
Gìn lòng thanh thản luôn chánh niệm,
Xuân khắp muôn nơi, xuân trọn đời”.
Với bao người còn nhiều mộng tưởng nên ngu si. Ngu si không phải thiếu chữ nghĩa, thiếu cơm áo gạo tiền không cắp sách đến trường gọi là Ngu si. Thưa không! Bao người Ngi si là do quá nhiều Tham vọng – Sân hân và Bản ngã to đùng.
Như vậy! Tham vọng, Sân hận và Bản ngã làm ra bánh Ngu si, hay nói khác hơn là không Trí tuệ. Thiểu năng nên con người lầm lũi trong rừng thẩm mịt mờ mà nào hay biết, lại ngỡ rằng đang du hí trong đồi mộng mơ, lãng mãn chuyện tình đồi thông hai mộ, hay tiếng suối rù rì của dòng thác bạc của đôi ta. Không phải vậy đâu chư Quyến thuộc ơi!
Nếu chúng ta không đủ nuôi lớn một Trái tim nhân hậu, thì lòng vị tha chỉ là giả tạo; chỉ có đủ sức mạnh của Tâm đại bi mới đích thật là Tình yêu bất tận hương vị ngọt ngào nuôi lớn Thánh thai của Bồ Tát.
Con/tôi không vội vã rộn ràng sắc Xuân, không chúc xuân ai, kể cả năm nay không đảnh lễ chúc tết bậc Tôn đức nào là vì con/ tôi không đủ ngôn từ bằng vành môi chót lưỡi, và không còn hí hửng với chót lưỡi vành môi. Đổi lại trong lòng con/ tôi cứ thầm nguyện “Tâm bình thế giới bình”, nên con/tôi xin gởi năng lượng lành đến đất trời và đến tất cả những khách tri âm Quyến Thuộc.
Và con/tôi cũng cảm nhận rất nhiều năng lượng lành của rất nhiều người gởi đến. Những ai là Quyến thuộc, xin hãy bình tâm trước tám ngọn gió thổi vào Xuân.
Thế giới còn bị cơn đại dịch Covid hoành hành, con người khắp nơi còn chịu tám ngọn gió thổi giật mạnh đến giật dữ dội cả trăm dặm trong từng sát na.
Xin nghiêng mình Tri Ân hồn thiêng sông núi – Dân tộc Việt Nam – Tổ tiên nòi giống đã tạo dựng cho con cháu Lạc Hồng một nền Văn hóa sâu sắc.
Cuối lời, và cũng là mục tiêu chính, con/tôi xin mượn nguyên văn bài Thi ca của Thiền sư Như Huyễn, cho con/tôi xin gởi dòng Tâm nguyện:
Sức khỏe “cầu” chơi “chúc” được gì?
Ngôn từ chót lưỡi uốn vành môi!
Ai cho? Ai giúp? Ai ban tặng?
Khách sáo lừa nhau! Cả kiếp người…!
Buổi sáng gặp nhau chào. Buổi chiều gặp nhau chào. Buổi tối gặp nhau chào. Chào, hỏi thăm và cầu chúc sức khỏe là một “nghi lễ”, một thủ tục đẹp mà hầu hết mọi chủng tộc loài người trên mặt đất hiện nay đều chấp nhận. Nghi lễ, thủ tục ấy đã thành phong tục tập quán biểu trưng cho sự văn minh lịch sự của những con người, mà loài người coi đó là một nghi lễ một phong tục tập quán không thể thiếu. Đó là sự thật chung của xã hội loài người trên thế giới hiện nay, không ai có thể chê trách, bài bác, hay phủ nhận…
Lý lẽ của mọi người là như vậy, nhưng qua kiến giải và trí tuệ của một Tu sĩ có trình độ tư duy thâm hậu thì có ba hạng người có thể vượt ra ngoài vòng nghi lễ phong tục tập quán văn minh ấy: Một là, thành phần người lạc hậu, tận cùng lạc hậu như con người nguyên thủy xa xưa. Hai là, người mất trí và khùng điên như những kẻ “Tẩu hỏa nhập ma” mà nhà văn Kim Dung thường sử dụng trong tác phẩm của ông. Ba là, những Tu sĩ, những Khất sĩ đệ tử Phật có trình độ tư duy thâm hậu, họ hoàn toàn khác hẳn với hai hạng người trước, và họ cũng không hoàn toàn nhất trí xem trọng với những nghi lễ phong tục tập quán gọi là văn minh ấy.
Những bậc Thiền giả này gần đạt đến đích Pháp vương, mà người xưa gọi là những bậc “Thõng tay vào chợ”. Bởi vì, với nguồn giáo lý: “Nhất thiết chư pháp, tùng bổn dĩ lai, ly văn tự tướng, ly ngôn thuyết tướng, ly tâm duyên tướng…” thường ở trong ký ức, trong tâm tư, mà những vị ấy đã hun đúc tôi luyện vững chãi rắn chắc rồi… Cho nên, những ngôn từ bẻ cong chót lưỡi, uốn méo vành môi chúc tụng tốt lành cho nhau, với Thiền sư, Khất sĩ chân chánh chỉ là ngôn từ “Khách sáo” lịch sự vui tai...!
Cầu chúc sức khỏe cho nhau không được.
Cầu chúc cho “Phong điều võ thuận, quốc thới dân an” không được.
Cầu chúc cho “Gia gia vô cơ cẩn chi ưu, xứ xứ hưởng thái bình chi lạc”… cũng đều không được.
Do vậy một Tu sĩ, Thiền sư, Khất sĩ sử dụng giáo lý: … “Sanh diệt môn trung bất xả nhất pháp” của Thế đế, họ vẫn chào, vẫn hỏi, vẫn chúc tụng nhau khi tương ngộ bằng những ngôn từ tốt đẹp, mà họ biết rõ rằng không ai có thể cho, có thể giúp hay có thể ban tặng…
( HT. TỪ THÔNG)
Gửi ý kiến của bạn