Năm cùng tháng tận, hương xuân phảng phất đó đây, đang ngồi cùng nhau bên chén trà sen và khay mứt thập cẩm thơm nức, thầy Tử Cống đột nhiên hỏi Khổng Tử:
- Người chết có biết gì không hay không biết gì nữa?
Khổng Tử ngẫm nghĩ một hồi mới nói:
- Ngày Xuân ngày Tết đến nơi mà nói chuyện chết chóc e nghe không đặng…
Thầy Tử Cống cười khẩy, nói nhẹ nhàng:
- Đang chỉ là những ngày cuối năm, chưa sang năm mới, bệnh gì mà cữ? Xin hỏi lại: Người chết có biết gì không hay không biết gì nữa?
Khổng Tử phải nhíu mày nhăn mặt, rồi thở dài nói:
- Ta mà nói hẳn ra rằng “Người chết còn có biết” thì ta sợ những người con hiếu cháu thảo sẽ liều thân mà chết theo cha mẹ, ông bà. Còn như ta mà nói hẳn ra rằng “Người chết hết biết gì”, thì ta lại sợ những con cháu bất hiếu chẳng hề nghĩ đến chuyện đền ơn đáp nghĩa, chúng chẳng nhớ ơn người đã trồng cây cho chúng có bóng mát, có trái ngọt mà ăn bổ khỏe thân thể trí óc. Chúng uống dòng nước ngọt trong lành mà không tưởng nghĩ đến cội nguồn, thế là mất đạo lý!
- Vậy thì nói sao cho ổn đây ạ?
Khổng Tử đủng đỉnh bước lòng vòng, rồi buông thỏng một câu:
- Khỏi cần nói gì!
- Vậy thì không ổn!
- Ổn. Điều quan trọng là người sống còn biết gì hay hết biết, chứ không phải là người chết. Người sống hãy tự biết lấy bằng lương tri, bằng tình cảm chân thật cuả mình, để sống sao cho trọn nghĩa vẹn tình, đẹp tình đẹp đạo. Chứ người sống mà hết biết đến đạo lý của người đang hít thở, đang sống thì người sống ấy cũng chẳng khác nào người đã chết, bỏ đi. Người sống hãy tự biết mình phải có bổn phận và trách nhiệm gì đối với những người đã chết, đã hy sinh vì đất nước, vì con cháu mai sau. Người sống mà không biết nghĩ ra chuyện ấy, thì … chẳng mặt mũi nào để đáng sống nữa!
Thầy Tử Cống chép miệng nói:
- Những người sống vô ơn trên đời này thiếu gì, vậy mà họ vẫn dương dương bản mặt, vênh váo kênh kiệu bước ra đường, chớ có gì phải mất mặt mất mũi? Kìa những kẻ vinh thân phì gia, ăn xài phung phí, tiêu dùng xa hoa chẳng hề nghĩ đến ai. Nọ những kẻ chức trọng quyền cao, giàu nứt đố đổ vách, chơi bời hoang đàng xa xỉ, ăn mặc diêm dúa sang trọng, vung tiền qua cửa sổ ... chẳng hề biết gì đến những người đói khổ chung quanh mình, chứ đừng nhắc đến những người đã khuất bóng mơ hồ. Vậy mà họ vẫn điềm nhiên, thung dung sống những tháng ngày đẹp đẽ mộng mơ, chớ có mà xấu hổ thẹn thùng đâu?
Khổng Từ nhăn mặt, bực tức nói:
- Có những loại người như vậy thì... thật là... “hết biết” luôn, miễn nói nữa cho mệt!