Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Xuân cho muôn nhà

20/12/201822:33(Xem: 4238)
Xuân cho muôn nhà

        hoa dao 2
Xuân cho muôn nhà

                                                                                                  Nguyên Hạnh HTD

      

       Đã từ lâu lắm rồi, mỗi lần xuân đến, tôi thường nghe bài hát xuân trong đó câu: " Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa". Quả thật câu hát đó đến bây giờ vẫn còn hợp tình, hợp cảnh, vẫn còn làm bâng khuâng cả tấc lòng mỗi lần nghe.

       Tôi nhớ lần tôi được du xuân ở khu Little Saigòn, thật là một dịp hiếm hoi trong cuộc đời và đó là niềm ao ước thiết tha của tôi.

       Mấy năm trước chợ Tết chỉ có ở khu Phước Lộc Thọ, nhưng nay chợ hoa Tết được mở ở nhiều nơi trong khu vực này; chợ Việt Nam phát triển nhanh không kém, lấn át cả chợ Mỹ, chợ Đại Hàn v.v...

      Thời tiết hôm ấy thật là lý tưởng, trời nắng ấm, mây trong xanh dù là mùa đông. Chỉ gần cuối ngày trời mới bắt đẩu se lạnh. Chúng tôi trực chỉ địa điểm quen thuộc nhất là khu Phước Lộc Thọ. Khu này thường rất đông đúc vào cuối tuần hay các dịp lễ vì người Việt ở xa thường về đây chơi, thậm chí có nhiều người nhớ quê hương muốn về thăm nhưng ngại xa xôi cách trở, lại nhiều tốn kém nên họ đã chọn về thăm Little Saigòn; vì đó là một Saigòn ở ngoài Việt Nam, một Việt Nam thu nhỏ kể từ khi miền Nam thất thủ. Phải chăng trong hoài niệm của mọi người đang tha hương muốn tìm lại một thoáng hương xưa!

      Người đi ngắm cảnh và mua hoa khá đông. Nhiều loại hoa được trưng bày, nhiều nhất là thủy tiên. Loại này ngày xưa chỉ có những người nào có tay nghề biết tỉa thủy tiên mới dám chơi, còn dân thường ít ai dám đụng đến. Tỉa thủy tiên là thú chơi phong lưu của những nhà giàu có đất Bắc. Họ phải tỉa gọt khéo léo thế nào để thủy tiên nở đúng vào sáng mồng 1 Tết, thế là đại phước, báo hiệu một năm mới thật nhiều may mắn.

       Đặc biệt những gian hàng trưng bày các loại hoa Lan luôn được nhiều người chiếu cố vì đẹp và bền. Ngoài ra còn có nhiều gian hàng hoa cúc và nhiều loại hoa khác, loại nào cũng đẹp. Riêng hoa mai vàng thì rất ít.

       Tôi luôn luôn mang ấn tượng Tết phải có hoa mai vàng rực rỡ thì mới gọi là Tết. Mai đối với tôi là một hình ảnh thân quen và có lẽ đối với tất cả mọi người, không thể thiếu được mỗi độ xuân về.

       Nhớ lại hồi còn ở quê nhà, tôi rất thích đi thăm Hội Hoa Xuân ở vườn Tao Đàn, được nhìn ngắm lại những cây mai vàng rực rỡ màu vàng thắm, những cây mai bonsai uốn hình đủ kiểu với những hoa 5 cánh khoe sắc thắm mỹ miều, tượng trưng cho nét đẹp của mùa xuân. Bên cạnh đó cũng không biết bao nhiêu là kỳ hoa dị thảo từ khắp các miền đất nước mang về triển lãm. Đặc biệt là cả rừng hoa đào khoe sắc hồng thắm. Hoa đào là loại hoa biểu tượng cho mùa xuân và Tết đất Bắc và cũng chính trên đất Bắc thành Thăng Long cách đây 229 năm đã có một mùa xuân huy hoàng đi vào lịch sử. * Đó là sự kiện vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Một trận đánh thần tốc oanh liệt của vua Quang Trung hạ hai đồn Ngọc Hồi và Khương Thượng (hay còn gọi là Đống Đa vì xác quân Thanh chết chất đống thành 12 gò cao có những cây đa mọc um tùm chung quanh) để tiến vào thành Thăng Long đuổi quân xâm lược vào mồng 5, mồng 6 Tết năm Kỷ Dậu 1789. Và theo truyền thuyết ngay sau khi chiếm đóng Thăng Long vua Quang Trung đã sai quân phi ngựa ngày đêm đem một cành bích đào trồng tại đất dinh Lẫm Hà Nội (loại hoa cánh dày, lâu héo tàn) mang về thành Phú Xuân tặng Ngọc Hân công chúa để thông báo tin đại thắng. Hoa đào đất Bắc đã đi vào huyền thoại lịch sử, dấu ấn khó quên cho niềm tự hào dân tộc đuổi quân xâm lăng ra khỏi cõi bờ.

       Nhắc lại về loại hoa mai, hồi đó trong sân nhà Ba tôi cũng có một cây, cứ khoảng hai tuần trước Tết, Ba tôi lo lặt hết tất cả các lá. Nhìn cây mai trơ trụi khẳng khiu trông thật thương, nhưng chỉ độ vài hôm sau, những lá non bé tí bắt đầu nhú ra khắp nơi, những chiếc lá non màu xanh cốm trông thật đáng yêu làm sao. Nó tượng trưng cho sự đâm chồi nảy lộc, bắt đầu cuộc sống mới, đón nhận những gì vui tươi rực sáng của một năm sắp đến. Sáng mồng 1 Tết, ra sân nhìn hoa vàng nở rực trên cành, lòng mình cũng thấy vui lây, như mùa xuân mới của hoa tươi, của thiên nhiên đang ngấm vào lòng mình. Hơn nữa tôi thường săm soi tìm cho bằng được đóa mai nào có 6 hoặc 7 cánh đặc biệt hơn thông thường chỉ 5 cánh, và reo lên thích thú khi phát hiện ra. Vì người ta tin rằng cây mai nào có được những đóa mai nhiều cánh hơn sẽ mang lại tài lộc may mắn cho cả năm.

       Đang ngẩn ngơ thả hồn về quá khứ, với những kỷ niệm đẹp đẽ về hoa xuân, bỗng nhiên tiếng pháo nổ rộn rã vang lên, làm tôi giật mình trở về hiện tại. Đối với tôi, ngày Tết mà không có tiếng pháo nổ như thiếu cái hồn của ngày truyền thống này.

       Nhớ lại những ngày ở quê nhà, 23 tháng chạp đưa ông Táo về trời, đã nghe pháo nổ rộn rã gần xa liên miên không dứt. Dù đi đâu hay ở bất cứ nơi nào, chỉ nghe tiếng pháo nổ không thôi, tôi cũng đủ cảm thấy lòng rộn ràng chờ Tết đến. Đêm giao thừa không hiểu người ta có chia phiên nhau không mà pháo cứ nổ liên tục ròn rã từ chập tối cho đến cao điểm là phút giao thừa, pháo nổ liên miên cho tới sáng mồng 1 Tết. Quả là không khí rộn ràng này chỉ ở quê hương mới có mà thôi vì nhà nhà đều đón Tết, nhà nhà đều đốt pháo. Ngoài ra còn có một hình ảnh đẹp khác là xác pháo hồng ngập đầy sân, đỏ đầy các lối đi nhỏ trong xóm. Sáng mồng 1 Tết đi đến đâu cũng đều bước trên những con đường nhỏ ngập đầy xác pháo hồng đỏ thắm, lòng rộn ràng tươi vui. Không ai quét xác pháo trong ngày Tết vì kiêng cử là sẽ đuổi đi Thần tài mang tài lộc đến.

      Ở đây còn được xem diễn hành Tết với những xe hoa rực rỡ, đó là nét sinh hoạt văn hóa mới nhân dịp Tết của người Việt hải ngoại ở khu Little Saigòn. Nhìn những xe hoa tưng bừng rực rỡ, tôi nhớ bên quê nhà những thuyền hoa tấp nập ra chợ Tết ở các tỉnh miền Tây, các xuồng ghe chở đầy các loại hoa từ các làng hoa nổi tiếng đổ xô từ trong vườn ra các chợ. Những hình ảnh thuyền hoa chở đầy các loại hoa tươi với đủ sắc màu góp phần tô điểm sắc xuân khắp sông nước miền Nam, thật đẹp và sống động làm sao. Người bán hoa còn dùng xe đạp, đóng khung phía trước và sau rồi thồ hoa với đủ các loại đầy màu sắc chất trên xe. Họ di chuyển từ nơi này qua nơi khác để bán hoa cho khách dễ dàng, đúng là những sáng kiến hay và độc đáo, góp phần làm phong phú thêm các chợ hoa ngày Tết.

       Lang thang hết khu bán hoa trước Phúc Lộc Thọ, tôi men theo một lối nhỏ sang khu bên cạnh thấy người ta bu đông nghẹt, thì ra đó là sòng bầu cua cá cọp.

      Trước đây, khi còn ở quê nhà, mỗi lần Tết đến, tôi chỉ thích chơi bài tam cúc vì nó có vẻ giải trí nhiều hơn là tính chất ăn thua bài bạc.

      Ở khu bên kia cũng có mấy người bán những cành hoa đào, bó lại từng bó to, nhỏ. Có vài người bán lẻ ở hè phố, có vẻ nghèo khổ, họ bán rau quả và trái cây. Có hai ông già ôm hai thùng pháo nhỏ ngồi co ro ở một góc, mời khách qua lại ghé mua giùm, nhưng ai cũng thờ ơ, coi bộ ế ẩm, trông thật tội nghiệp. Hình ảnh này khiến tôi liên tưởng đến " Ông đồ " trong bài thơ của Vũ Đình Liên:

                                                   Mỗi năm hoa đào nở

                                                   Lại thấy ông đồ già

                                                   Bày mực tàu giấy đỏ

                                                   Bên phố đông người qua

                                                   Bao nhiêu người thuê viết

                                                   Tấm tắc ngợi khen tài

                                                   Hoa tay thảo những nét

                                                   Như phượng múa rồng bay

                                                   Nhưng mỗi năm mỗi vắng

                                                   Người thuê viết nay đâu?

                                                   Giấy đỏ buồn không thắm

                                                   Mực đọng trong nghiên sầu

                                                   Ông đồ vẫn ngồi đấy

                                                   Qua đường không ai hay

                                                   Lá vàng rơi trên giấy

                                                   Ngoài trời mưa bụi bay

                                                   Năm nay đào lại nở

                                                   Không thấy ông đồ xưa

                                                   Những người muôn năm cũ

                                                   Hồn bây giờ... ở đâu?

     Điều đáng thương hơn, hẳn hai ông già trên không được con cái ngó ngàng, lại còn mang một nỗi buồn tha hương nhớ về những cái Tết êm đềm tại quê nhà thuở xưa!?

      Nhiều người ở Việt Nam cứ tưởng nước Mỹ là thiên đường, ai ở Mỹ cũng kiếm được tiền dễ dàng, hầu bao lúc nào cũng rủnh rỉnh, ai cũng mơ được ra đi. Thật tình ở đâu cũng có người giàu và những kẻ khốn cùng.

      Trời đã về chiều và khá lạnh, ở Mỹ Tết đến vào mùa đông nên khí hậu lạnh lẽo, không ấm áp như mùa xuân ở Việt Nam. Ở Nam Cali, khí hậu còn đỡ, chứ mấy tiểu bang miền Bắc thì tuyết trắng phủ ngập trời.

      Sau khi mua một vài chậu hoa, chúng tôi ra về. Đâu đây vang vang lời hát bài " Ly rượu mừng" của nhạc sĩ Phạm Đình Chương như một lời cầu chúc tốt đẹp đến mọi người:

     " Nhấc cao ly này, hãy chúc ngày mai, sáng trời tự do, nước non thanh bình, muôn nhà hạnh phúc chan hòa...

 

       Ngày mai ấy cho muôn nhà nơi nơi trên đất Việt đang mất dần chủ quyền trên từng mảnh đất mà Cha Ông đã đổ xương máu dựng xây thì nay AI, bọn tay sai cộng sản đã và đang mưu toan bán nước cho ngoại bang, đưa đất nước lâm vào cảnh điêu linh; ngày mai ấy, muôn nhà đang khấn nguyện khát khao chờ đợi một mùa xuân thật đúng ý nghĩa, của tự do, thanh bình hạnh phúc thật sự. Ngày mai ấy sẽ phải chờ đợi đến... bao giờ??!! 

 

                                                                                         Nguyên Hạnh HTD

                                                                                         Tháng 10/ 2018

Ghi chú

*: Bách khoa toàn thư ( mở wikipedia).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/01/2011(Xem: 3512)
Hạnh phúc từ cấp độ thô thiển nhất cho đến cấp độ cao siêu, bền vững nhất, là gì? Khi nào chúng ta cảm thấy hạnh phúc? Đơn giản, đó là khi chúng ta có được một lợi ích nào đó hoặc đang làm một lợi ích nào đó cho mình. Vậy thì, lợi ích cho chính mình là hạnh phúc. Và lợi ích ấy bao gồm cả thân tâm, nghĩa là lợi ích phải bao gồm cả vật chất và tâm thức. Hạnh phúc phải bao gồm vật chất và tâm thức, thân và tâm, nên chúng ta vẫn thường chúc “Thân tâm thường an lạc”.
22/01/2011(Xem: 3923)
Cây mai vàng Yên Tử tượng trưng cho tinh thần bền bỉ, vượt lên mọi khó khăn theo truyền thống Thiền môn mà các hoà thượng đã dày công vun xới và phát triển hệ phái Trúc Lâm Yên Tử.
21/01/2011(Xem: 4576)
Xuân về, những chậu hoa trong vườn tôi nở rộ, tỏa ngát hương. Xuân mang không khí hân hoan bủa khắp, cây lá thay áo mới, mặt người hớn hở, không còn nét lạnh lùng mùa Đông, nóng nảy của mùa Hạ hay vẻ đìu hiu của mùa Thu.
21/01/2011(Xem: 5489)
Ngày xuân mà thiếu trà là thiếu hương vị đậm đà của xuân. Người xưa coi trà như lẽ sống, người nay cũng lấy trà làm bạn tri âm. Một người bạn hiền, một khung cảnh ấm áp, thư thái nâng chén trà ngon, cho nhau một chút tình đời ý đạo, còn gì thú vị hơn! Trà là thức uống có từ rất xưa, gắn liền với đời sống con người Á Đông, nhất là người Việt Nam. Trà có mặt trong đời sống của ta từ khi ta sinh ra cho đến khi từ giã cõi đời (người chết được liệm bằng trà), trà như là một phần tất yếu của đời sống.
21/01/2011(Xem: 3392)
Cây mai vàng Yên Tử tượng trưng cho tinh thần bền bỉ, vượt lên mọi khó khăn theo truyền thống Thiền môn mà các hoà thượng đã dày công vun xới và phát triển hệ phái Trúc Lâm Yên Tử. Vì vậy rừng mai cổ Yên Tử phải được gìn giữ, bảo tồn... Mai, lan, cúc, trúc được người đời tôn là tứ quý và được coi là biểu tượng của bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mai vàng là một loài hoa đẹp cao quý chỉ nở mỗi năm một lần đúng vào dịp xuân về.
21/01/2011(Xem: 3639)
Nhà thiền có danh từ “Tọa Xuân Phong” để diễn tả hạnh phúc khi thầy trò, đồng môn, được ngồi yên với nhau, không cần làm gì, nói gì mà như đang cho nhau rất đầy, rất đẹp. Danh từ đó, tạm dịch là “Ngồi Giữa Gió Xuân” Mùa Xuân chẳng phải là mùa tiêu biểu cho những gì hạnh phúc nhất trong bốn mùa ư? Hạ vàng nắng cháy, vui chơi hối hả như đàn ve sầu ca hát suốt mùa để cuối mùa kiệt lực!
20/01/2011(Xem: 3899)
Dù ở nơi đâu, dù trong tổ chức nào, người Việt ly hương vẫn tìm đến nhau dưới mái chùa để cùng nhau chia sẻ niềm vui trong những ngày Tết...
20/01/2011(Xem: 4236)
Ðạo Phật ra đời nhằm xây dựng một đời sống hạnh phúc, an lạc cho mọi người. Cho nên khát vọng trở nên người giàu có nhằm vơi đi khổ đau do đời sống vật chất đem lại...
20/01/2011(Xem: 4540)
Nụ cười cũng có nội dung riêng của nó, nhất là nụ cười Việt Nam không phải rằng, "cái gì cũng ‘hì’ là xong chuyện" như cách nhìn của Nguyễn Văn Vĩnh ngày xưa..." Xuân sanh, Hạ chín, Thu héo, Đông tàn. Nếp nghĩ xuôi dòng đang đi theo một dòng chảy miên viễn như thế. Bỗng có một vị sơn tăng - như Thiền sư Mãn Giác chẳng hạn - huơ tay, mỉm cười, tầm nhìn hướng ra ngõ vắng đầy sương, ánh mắt bắt gặp một cành mai hôm trước: "Đình tiền tạc dạ nhất chi mai!"... Nụ cười, tuệ giác và mùa xuân là ba khái niệm và ba hình ảnh riêng biệt. Nhưng khi kết hợp và hòa quyện vào nhau sẽ thành nguồn vui Di Lặc.
19/01/2011(Xem: 3963)
Dù ở nơi đâu, dù trong tổ chức nào, người Việt ly hương vẫn tìm đến nhau dưới mái chùa để cùng nhau chia sẻ niềm vui trong những ngày Tết, hòa cùng niềm vui đang lên của dân tộc. Tựa đề của bài này chỉ có nghĩa là: ngày Xuân trong cửa chùa nơi xứ lạ. Xứ lạ ở đây là châu Âu. Nói đến ngày Xuân, chúng ta liên tưởng đến những ngày ở quê hương, nơi người người quây quần bên nhau, vui hưởng những giây phút đầm ấm trong không khí êm đềm ấm cúng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]