Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kể Một Chuyện Xuân

14/03/201807:50(Xem: 4255)
Kể Một Chuyện Xuân

Tet Mau Tuat 2018 tai Thuy Si (3)


Kể Một Chuyện Xuân
  Trần Thị Nhật Hưng


  Hai căn nhà lầu nằm sát, kiến trúc khá giống nhau, tường nhám, màu xanh pha lẫn với những đá nhỏ li ti đen trắng; tuy không đồ sộ nhưng cũng nổi bật giữa những dãy nhà trệt thấp.

   Trước sân, nằm giữ hai căn nhà, cây si của ba tôi bứng từ trong ảng đã cao lớn, cành lá sum sê, rễ mọc chằng chịt, quấn quít nhau tới tận ngọn cây. Nhiều người trong thành phố nhìn cây si của ba tôi đùa rằng, không biết chàng nào “si” nặng một trong năm chị em gái của tôi mà trồng cây si chắc thế? Và kể từ khi phát giác một con rắn lục từ trên cây bò xuống, thiên hạ đồn cây si có ma, rắn đến làm tổ và đề nghị ba tôi chặt đi, nhưng ba tôi không bằng lòng. Ông nói: “Rắn lục không mấy nguy hiểm. Nếu thấy chúng, hãy chỉ cho ông, ông có cách bắt đơn giản, không gì phải sợ“.

   Hồi mới có ý định phá căn trệt xây lầu, bà Phước hàng xóm sát vách qua nói chuyện với ba tôi:

  - Ông Thành à, nhà tôi với nhà ông chung một vách tường. Nay tôi muốn phá xây lầu nên...rủ ông cùng xây! Ông bằng lòng không, ông Thành?

   Không đợi ba tôi kịp trả lời, bà tấn công tới tấp:

  - Cùng xây nó lợi lắm ông ơi. “Chúng mình” chỉ tốn có một vách tường. Tiền trả thầu cũng rẻ, vì tiện công. Xây hai căn chỉ lo một lần.

   Ba tôi còn đang suy nghĩ, bà lại tiếp luôn:

   - Vụ thầu để tôi lo cho. Tôi quen với ông này vừa giỏi vừa tốt lắm. Hễ ông bằng lòng là tôi mời ông ta tới để bàn chuyện.

   Rồi như đoán được điều ba tôi muốn nói, bà nói một hơi:

   - Còn cái nhà bên cạnh kia của tôi. Tôi có qua…rủ rồi, nhưng bà Hai nói nhà đi thuê làm sao phá xây lầu được.

   Ba tôi chỉ cười gật gù. Thật ra từ lâu, kể từ khi sinh nàng út thứ năm, chị em tôi được đời ban tặng mỹ danh: “Ngũ Long Công Chúa”, ba má tôi làm ăn phát đạt hơn. Nhìn chị em chúng tôi sống chen chúc chật chội trên căn gác xếp tối tăm bằng gỗ, ba tôi đã có ý định dành dụm một số tiền cất nhà sáng sủa hơn. Ý định đó tuy vẫn nuôi trong lòng, nhưng vì công việc bề bộn, ba tôi chưa một lần quan tâm thực hiện. Nay bà Phước qua nói như gợi lại trong lòng ông niềm ước

mơ ông hằng ấp ủ. Ba tôi hoan hỉ gật đầu:

   - Được. Thế bà tiến hành ngay đi. Có gì chúng ta lại bàn nữa.

   Từ đó, bà thường qua lại nhà tôi, vui vẻ nhận phần lo liệu mọi thủ tục hành chánh rườm rà. Nhờ bà, ba tôi cũng đỡ vất vả.

   Một hôm, bà Phước sang thương lượng với ba má tôi về vấn đề kiến trúc căn lầu. Ngoài hai phòng khách trên lầu của bà và nhà tôi có mặt tiền xoay ra đường chính. Còn căn nhà ngang kế sát với phòng khách, băng qua cầu thang theo hành lang nhỏ, bà ao ước căn phòng đó có hai cửa sổ, cửa ra vào quay nghiêng về hướng Đông (tức hướng bên hông nhà tôi) để đón nắng gió và ánh mặt trời; kế đó mới là sân nhỏ với buồng tắm và nhà vệ sinh. Vì thế, bà yêu cầu ba tôi hãy để khoảng trống chỗ nhà ngang của bà, đừng xây tường, xây phòng để chắn mất nắng gió chiếu vào nhà bà. Ba tôi bằng lòng ngay, không hẳn vì bản tính dễ dãi thích chiều lòng người mà chính ba tôi cũng muốn có một sân thượng để trồng cây cảnh. Như cây si trước nhà, hồi trong ảng, ba tôi uốn nắn lúc thì hình con cò, con công, con thỏ…, chán, ba tôi mới bứng ra trồng trước sân để lấy bóng mát. Sân thượng của ba tôi, một bên là căn lầu ngang nhà bà Phước, còn phía đối diện, tức bên trái từ phòng khách nhà ba tôi nhìn ra ông xây một ụ đất dài dọc theo sân. Ngoài những loại hoa thông thường như vạn thọ, cúc, thược dược trồng vào dịp Tết, ông trồng cả hoa mai tứ quý, bốn mùa đều trổ bông. Như thế chưa đâu, ba tôi còn trồng ớt, ổi, mồng tơi, khổ qua leo chằng chịt trên hàng rào. Thỉnh thoảng tôi tinh nghịch gieo cả bắp nhưng trái không đủ lớn để ăn được. Nhiều cây thì cũng nhiều sâu. Những con sâu róm từ khổ qua, ổi bò tràn lan đầy sân, ba tôi phải bứng khổ qua và chặt cây ổi đi. Phần cây ổi từ lúc trồng chỉ ra được hai trái đầu tiên khá lớn, cả nhà nâng niu, đợi chín mùi để má tôi đích thân hái lộc cúng Phật. Rồi từ sau đó những trái về sau đét đẹt, phần vì đất không đủ tốt, phần năm chị em tôi thay phiên bấm móng tay vào thăm chừng, trái ổi lớn không nổi.

    Kế sân thượng nhà tôi, là căn phòng lớn của chị em tôi. Khi anh trai cả duy nhất của tôi cưới vợ, ba tôi phải ngăn phòng khách làm hai cho ba má và chị em tôi ở. Căn phòng phía sân thượng phải nhường cho anh tôi.

    Sân thượng nhà ba tôi và căn nhà ngang của bà Phước được chắn bằng tấm lưới lớn bằng kẽm, hình ô vuông. Vì thế, dù không muốn để ý, bà Phước vẫn thấy được mọi sinh hoạt của gia đình tôi trên sân thượng. Từ những bữa mời khách tham dự cúng giỗ trong gia đình, tiệc cưới của anh tôi, những lúc bạn bè chị em tôi tụ tập kháo chuyện, hát ca nô giỡn, tập văn nghệ, hay cả những lúc tâm tình giữa chị lớn của tôi với hôn phu của chị.

   Những đêm trăng rằm, sân thượng nhà tôi thơ mộng hữu tình như cảnh ở đồng quê. Ánh trăng như bóng đèn tròn huyền ảo dán trên nền trời, chênh chếch trên ngọn cành mai, rọi sáng những chiếc lá lao xao đang thì thầm với cơn gió nhẹ. Tiếng ếch nhái ễnh ương từ cái ao rau muống của bà Tám sau nhà cũng hòa nhịp với khung cảnh thiên nhiên. Tất cả hòa điệu thành một bức tranh tuyệt đẹp, liêu trai như tiên cảnh.

   Bà Phước còn chứng kiến những trận mưa rào, xối xả. Những cơn mưa như trút không thoát nước kịp qua ống cống nhỏ, ứ động tới mắt cá chân làm ngập lụt sân thượng nhà tôi. Chị em tôi ra tắm mưa, lội bì bõm, nô đùa trong dòng nước trong, mát.

   Nhưng đâu phải chỉ có bà Phước mới ...thấy được mọi chuyện của gia đình tôi. Ngược lại, qua tấm lưới, dù không tò mò, gia đình tôi cũng biết được mọi chuyện xảy ra trong gia đình bà.

   Tôi thấy ông Phước, chồng bà, đã năm năm trời bán thân bất toại, nằm liệt giường liệt chiếu trên chiếc giường kê ngay cửa sổ của căn nhà ngang. Trong căn bệnh ngặt nghèo, ông chỉ nằm mong chết nhưng không “được” chết để bà Phước vất vả suốt mấy năm trời, khốn khổ chăm lo bón từng miếng cơm vào miệng ông. Mỗi lần ông đi tiểu, đại tiện ông vẫn nằm tại giường. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp bà Phước bưng ống bô ra nhà sau đổ.

   Bà sống ảm đạm, quạnh hiu trong căn nhà lớn, rộng thênh thang. Hai người con gái út của bà vài năm trước giúp đỡ bà nhiều việc trong gia đình cũng theo các anh trai “du học” Sài Gòn để mình bà trơ trọi với chuỗi ngày buồn tẻ.

   Bà Phước có một dãy năm người con trai. Ai cũng bảo năm người con trai là “ngũ quỷ” phá lắm. Tôi không rõ “phá” là...phá thế nào chứ năm con trai của bà học hành đều giỏi cả. Người con lớn đỗ bằng tiến sĩ nguyên tử lực. Những người kế học bác sĩ, kỹ sư. Người tệ nhất cũng tốt nghiệp cử nhân, nhập ngũ bổ làm Trưởng Ty Cảnh Sát. Hai cô con gái về sau cũng đỗ cử nhân. Có điều con cái bà thành danh nhưng không ai trở về sống với ông bà, thỉnh thoảng chỉ về thăm một vài tuần rồi lại ra đi. Mãi về sau này, người con thứ hai tốt nghiệp y khoa vì nhu cầu chiến tranh phải đổi về Quảng Ngãi làm việc, nhân tiện mở phòng mạch tại nhà. Vài năm sau nữa người con thứ tư tức anh Trưởng Ty Cảnh Sát, lúc bấy giờ tuổi ngoài ba mươi chưa lập gia đình trở về quê cũ. Anh trở về không phải để làm việc mà trở về vì một chứng bệnh nhức đầu kinh niên. Mỗi lần lên cơn anh ôm đầu la hét như một người điên. Ông anh bác sĩ không sao giúp anh được, chỉ chích thuốc an thần cho anh ngủ yên. Sau này mới rõ anh bị bệnh thần kinh, một năm sau anh mù rồi cũng bán thân bất toại. Anh nằm im lìm như một xác chết bên khung cửa sổ đối diện giường ông Phước. Bà Phước lại có thêm việc làm. Bà đau khổ tột cùng nhìn sự bất lực của ông con bác sĩ trước bệnh tình của bố và em. Nét mặt bà càng ngày càng đăm chiêu ủ dột.

   Ông Phước nằm như thế cũng đã nhiều năm trời. Người con bệnh tật của ông cũng sống dai không kém. Khi lớn lên, tôi “du học” Sài Gòn thỉnh thoảng viết thư về gia đình, tôi thường hỏi thăm, lần nào cũng được tin hai bố con ông Phước vẫn vậy. Bây giờ không biết ra sao. Sau nhiều năm bôn ba trong cuộc sống tôi quên hỏi về tình trạng của gia đình ông.

 

   Hôm nay ngồi suy nghĩ về đề tài Tết. Tôi chợt nhớ đến một câu chuyện xuân xảy ra qua tấm lưới giữa nhà tôi và gia đình ông bà Phước. Câu chuyện nhắc lại không khỏi  buồn cười nhưng cũng xém trào ra nước mắt, khóc hận...!

   Mùa xuân năm đó, thường thì người ta vẫn bảo, hễ thấy mai vàng én lượn là báo hiệu xuân sang. Thật ra tỉnh Quảng Ngãi mới đầu tháng mười âm lịch, mỗi khi ngồi trong nhà nhìn ra thấy cô gánh gừng đi ngang, người ta đều nghĩ xuân sắp về rồi đó. Những nhánh gừng non còn lá, cột từng chùm, củ gừng mơn mởn nõn nà như những bàn tay đẹp. Không phải loại gừng già, da sần sùi còn lấn cấn đất đỏ. Gần về Tết, người gánh gừng càng gia tăng cùng với người bán kiệu, hành, bí, khoai, lần lượt nối tiếp nhau nườm nượp gánh ra chợ. May thì gặp mối, chưa kịp tới chợ đã bán sạch cho những gia đình hai bên đường.

  Trong phố, thiên hạ đã lăng xăng đón Tết. Nhiều gia đình đã bày lò ra trước nhà vừa trông hàng vừa sên mứt. Mùi mứt từ trong thau bốc hơi thơm phưng phức. Đang mùa đông mà hương vị xuân đã lảng vảng qua các sàn củ kiệu, củ hành, mứt gừng, mứt bí, mứt khoai, ...phơi rải rác trước sân trong phố, có khi trên cả nóc nhà. Ai nấy như rộn ràng đón chờ một ngày mới. Tôi cũng vậy. Năm đó tôi mới chỉ mười lăm. Cái tuổi chưa đủ lớn nhưng đã hết trẻ thơ. Tôi thích đi vào thế giới của người lớn, làm người lớn, hơn là muốn thiên hạ nhìn mình bằng con mắt trẻ con. Thấy mọi người bận rộn với bánh mứt dưa hành củ kiệu lòng tôi cũng nao nao. Cái thú vị của những ngày nô nức chờ Tết, tôi thấy thích thú hơn là những ngày trong Tết. Xưa nay cái đích nào, sau đó, không đem lại sự nhàm chán?!

   Biết xin mẹ tiền để lo sắm Tết sẽ không được, vì vài năm trước, không năm nào tôi không nhắc nhở mẹ hãy bày biện làm bánh trái cho xôn xao cửa nhà. Năm nào bà cũng lắc đầu, viện lẽ tốn thì giờ. Bà mải lo làm ăn, đợi đến hai mươi tám, hai mươi chín Tết mới cùng hàng xóm nấu chung nồi bánh chưng, gói vài cây giò thủ, mua một ký hạt dưa, vài ký mứt sen, mứt mãn cầu,…là đủ.

   Cho nên tôi phải đập con heo, vét hết tiền để dành ra chợ mua một lò than, thau nhôm, các thứ cần thiết rồi tự làm mứt lấy. Tôi cũng lựa gừng củ thật phẳng, lớn theo lời người hàng xóm căn dặn, thái bằng dao bào cho lát gừng mỏng đều nhau. Củ nào méo mó cong co thì lạng bằng tay sao cho khéo mới được. Ôi chao, niềm háo hức hăng say lúc ban đầu của tôi có thừa mà tính kiên nhẫn, trì chí thì tôi chưa đủ. Vì thế, ngồi rim mứt một hồi, nhìn thau mứt riu riu từ sáng cho tới trưa tôi bắt đầu sốt ruột, buồn ngủ, nhất là mùi thơm của đường và gừng quyện vào nhau cứ bốc lên khiêu khích mũi tôi. Cái tính bẫm sinh háu ăn của trẻ con trong tôi bùng dậy, tôi chịu hết nổi những viên than hiu hắt trong lò, tôi mồi thêm, mồi thêm than vào, chả mấy chốc ngọn lửa bùng lên. Và thau mứt đang trắng của tôi cạn nhanh để chuyển sang màu vàng rồi nâu xẫm…!

 Cuối cùng, có tiếng thất thanh của mẹ tôi:

   - Hãy nhắc nó xuống mau! Nó sắp thành kẹo đắng rồi! Đã bảo…!

   Đã bảo thì đã bảo. Không lẽ mới xuất quân tôi lại chịu đầu hàng? Tôi vắt một quả chanh vào thau mứt để cứu vãn tình thế biến thau mứt sắp cháy thành thau mứt dẻo ngon lành.

   Những thất bại vẫn là bài học kinh nghiệm đưa đến thành công. Nên Tết năm đó trong những món ăn mừng xuân của gia đình tôi, đã có thêm sự hiện diện khiêm tốn của vài thẩu mứt do tôi thực hiện. Như mứt bí, mứt dừa, mứt khoai, mứt gừng (mứt gừng khô chứ không phải mứt gừng dẻo. Thau mứt gừng dẻo “bất đắc dĩ “ xém hư đã được chị em tôi chiếu cố lúc đó rồi).

   Trong Kiều của cụ Nguyễn Du có câu: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Tôi đã qua “cái cầu” làm mứt tôi mới hiểu rõ để khâm phục công trình vừa tỉ mỉ vừa khéo tay vừa kiên nhẫn của bà Phước cạnh nhà. Bà là tay gia chánh rất giỏi, thích làm bánh mứt. Trước đây hồi ông Phước chưa bệnh, con cái bà đề huề, bà thường biếu ba má tôi đĩa bánh đặc sản miền Trung. Nào bánh ít lá gai, bánh dừa bột năng nhân đậu, bánh thuẩn màu vàng nghệ, bánh nổ bằng nếp rang, bánh đậu xanh ướt, xanh khô. Tất cả được bà trình bày khéo léo dưới nhiều hình dạng đẹp mắt như bánh ít lá gai gói trong lá chuối hình tháp, bánh dừa nằm trong chiếc hộp vuông xinh xắn kết bằng lá dừa non, bánh đậu xanh ướt vê tròn bọc trong những chiếc giấy bóng kiếng đủ màu xanh, đỏ, vàng, trắng cắt tua tủa xòe ra như hình đóa hoa cúc. Có điều bà giỏi bánh trái nhưng lại hay giấu nghề, bà không muốn chỉ vẽ cho ai ngay cả người thân trong họ.

   Vào dịp Tết, bà trổ tài làm mứt không ai bì được. Không phải vì những miếng mứt dừa của bà phải trắng phau, mứt gừng phải phẳng to bản; mứt khoai, mứt bí phải tỉ mỉ cắt thành hình hoa, hình sao, hình nhiều khía cạnh…mà chính cách làm công phu của bà khiến mọi người chú ý, ngạc nhiên.

   Từ nhiều năm rồi, không Tết nào bà không bày làm mứt. Có thể đó là một thói quen, cũng có thể là sở thích của bà. Ngay cả khi ông Phước lâm bệnh nằm một chỗ, con cái bà đều học ở xa. Trong cảnh nhà vắng vẻ, quạnh hiu, mùa xuân vẫn hiện diện nơi bà.

   Tết năm đó, cũng như những cái Tết âm thầm của cuộc đời bà. Ông Phước vẫn nằm im, con cái bà vẫn chưa về. Từ đầu tháng mười tôi đã thấy bà lục đục làm mứt. Vẫn cái lò than âm ỉ, hắt hiu, lửa hồng vốn chỉ lưa thưa vài viên than bị tro tàn phủ trắng không đủ sức làm sôi được, dù là sôi lăn tăn cái thau con với một dúm mứt gừng bên trong. Điều đó, không phải bà lơ là không chú tâm củi lửa. Sên mứt ai cũng có một cách. Riêng cái cách của bà Phước thì quá ư đặc biệt, công phu, nhất là lúc bà sên mứt khoai, mứt bí. Trong thau chỉ vỏn vẹn tám, chín miếng khoai. Bà xếp thứ tự rải rác trên mặt thau, không cho miếng nào chạm miếng nào, đừng nói chi chúng nằm đè lên nhau. Bà sợ sự chen chúc của mấy miếng mứt sẽ làm dập cánh hoa khoai mà bà đã cố công cắt tỉa. Lúc nước đường gần cạn, bà gắp bớt than sẵn không nhiều ra. Thau mứt bấy giờ chỉ còn hâm hấp để bà có thể đưa tay nhẹ nhàng lật trở miếng khoai như người ta đưa tay nâng niu em bé trong nôi. Cứ thế, hết mẻ khoai này, bà lại bắt đầu sên mẻ khoai khác.

   Bà Phước rim mứt cả ngày lẫn đêm. Ban ngày bà đặt lò than bên hiên nhà trước, vừa rim mứt vừa trông hàng. Bà Phước có một cửa tiệm tạp hóa bán lặt vặt vài thứ gia dụng. Đến trưa, bà để đấy xuống bếp nấu ăn, thỉnh thoảng chạy lên lầu coi chừng ông Phước. Tối đến bà bưng lò mứt lên căn lầu ngang đặt nằm cuối giường ông Phước rồi ngồi đan áo và thủ thỉ trò chuyện cùng ông.

   Công việc đủng đỉnh tẩn mẩn như thế đương nhiên không thể kết thúc nhanh chóng. Bà ề à kéo dài ngày này qua tháng nọ, cho đến một đêm kia, đêm cuối tháng chạp chỉ còn bốn hôm nữa là đến Tết, bầu trời đen nghịt, không trăng, không sao. Ngoài phố, tiếng pháo đây đó vẫn đì đùng nổ vang. Gió đêm mơn man thổi. Từ căn phòng ngang, bên cửa sổ, nơi ông Phước vẫn nằm, ngọn đèn néon sáu tấc tỏa ánh sáng trắng hắt qua tấm lưới sân thượng nhà tôi rọi sáng các chậu hoa vạn thọ, hoa mồng gà, thược dược và cây mai tứ quí đang trổ hoa vàng rực một góc sân. Dưới chân giường ông Phước, lò than rim mứt của bà Phước vẫn riu riu như tự bao giờ.

   Bên nhà tôi, mới hơn mười một giờ đêm, ba má và chị em tôi đã lên giường ngủ sớm. Giấc ngủ cận xuân khó đến. Nằm nghe tiếng đại bác xa xa vọng về, má tôi chép miệng than:

-       Không biết Tết này Việt cộng có để yên ăn Tết không nữa. Chứ như năm Mậu Thân thì ớn quá.

   Năm Mậu Thân, tôi còn nhớ như in, Việt Cộng tấn công đúng vào mùng một rạng mùng hai Tết. Súng lớn súng nhỏ liên tiếp nổ dữ dội, chát chúa suốt đêm. Mặt trận xảy ra ngay một góc thành phố. Căn phòng sau sân thượng nhà tôi bị trúng pháo kích sập mất một góc. Cũng may hồi đó ông Phước chưa bịnh nằm một chỗ, anh chị tôi đưa cháu về thăm ngoại, gia đình tôi đều chạy kịp xuống núp ở chân cầu thang nên không ai hề hấn gì. Sáng ra mới hay Việt Cộng đột kích vào tận trong phố bắt bớ nhiều đàn ông, thanh niên đem đi mất tích.

   Từ sau Tết kinh hoàng đó, mỗi độ xuân về, tuy mọi người bên ngoài thản nhiên tưng bừng đón Tết, nhưng thực sự nỗi lo âu thấp thỏm vẫn canh cánh bên lòng. Nhà nhà đều xây hầm chống đạn. Có nhà, cây mai trong phòng khách đứng vô duyên bên cạnh cái hầm đắp bằng những bao cát đen xì.

   Đêm nay, tiếng súng dồn dập vọng về khiến giấc ngủ thật bất an. Cả nhà tôi thao thức, nằm nhắc lại những trận đánh Tết Mậu Thân, cách giết người chôn tập thể hết sức dã man vô nhân đạo của Việt Cộng đối với đồng bào Huế. Ba má tôi còn kể cho nghe những cái Tết xa xưa nơi quê nhà ở miền Bắc. Những hội hè, đình đám vào dịp xuân mà ba má tôi tham dự.

   Quá nửa đêm, cả nhà tôi mệt mỏi thiếp ngủ được một chút, bỗng giật mình thức giấc bởi tiếng la thất thanh hớt hải của bà Phước bên nhà:

-       Bớ người ta, Việt Cộng! Cứu tôi với! Bớ người ta, Việt Cộng!

   Tôi như một cái máy cùng cả nhà xô cửa chạy thục mạng xuống hầm. Lúc tới đầu cầu thang, tôi nghe tiếng la của bà Phước càng cấp bách rõ ràng hơn. Ba tôi bình tĩnh đứng lại, nép sát một bên cửa sổ ghé mắt nhìn qua nhà bà Phước. Đột nhiên ông hốt hoảng thấy ánh lửa bập bùng đang cất cao ngọn nơi giường ông Phước. Không có tên Việt Cộng nào. Bà Phước đang dậm chân ở hành lang hớt hải la. Ông Phước giọng yếu ớt cũng vừa la vừa cố gắng cựa quậy để tránh ngọn lửa đang từ từ liếm dần tới người ông. Ba tôi chợt hiểu, vội nhanh chân chạy xuống nhà dưới huy động các anh thợ làm bánh mì của ba tôi:

-       Chúng mày đâu? Cháy nhà! Bà Phước bị cháy nhà!

   Lời nói như một tiếng súng lệnh, các anh thợ hoàn hồn, lò dò từ nóc lò bánh mì nhảy xuống, mình mẩy ai nấy lấm đầy tro than, mồ hôi nhễ nhại, ướt như tắm. Thì ra khi nãy, lúc đang làm bánh mì, các anh nghe tiếng la hốt hoảng của bà Phước, trong nỗi kinh hãi tưởng Việt Cộng đột nhập, các anh vội vã nhảy lên nóc lò ẩn trốn không kể gì đến cơn nóng hừng hực do hơi lửa trong lò bốc lên. Sau khi lấy lại được bình tĩnh, các anh thợ không ai bảo ai, kẻ tìm thùng, người xách xô nhanh chân tới cái giếng phía sau nhà bếp thả gàu múc nước. Chợt các anh giật thót người khi nghe hai tiếng «úi da» phát ra từ đáy giếng. Một lúc định thần, anh thấp nhất trong bọn trỏ miệng nhìn xuống giếng đen ngòm, nói to:

-       Ê, mày Minh. Lên đi mày. Bộ mày muốn làm hà bá hay sao mà chui xuống giếng núp vậy mày?!

   Anh Minh từ đáy giếng mò mẫm nương theo các móc sắt nơi thành giếng trèo lên. Anh run như cầy sấy, răng đánh bò cạp, đưa mắt nhìn xung quanh, ngơ ngác hỏi:

-       Ủa, Việt cộng rút hết rồi hả, sao tụi bây còn xớ rớ ở đây?

   Có tiếng cười hề hề:

-       Ừ, trước sự phản công của quân ta, phe cộng đã rút lui, bỏ lại chiến trường năm xác chết, mười bị thương. Còn quân ta hoàn toàn vô sự!

 Anh Minh cũng cười hì hì:

-       Thằng nói phét. Mới nghe Việt cộng đến là xúm nhau chạy hết ráo. Hèn nhát quá!

 Một anh khác trả đũa:

-       Chẳng hạn như mày!

    Lúc các anh thợ xách nước chạy lên sân thượng thì thấy ba tôi đang cầm vòi (vòi nước của sân thượng ba tôi thường dùng để tưới cây) xịt qua phòng ông Phước. Các anh cũng xối xả dội tới tấp. Chả mấy chốc, ngọn lửa tắt ngúm. Ông Phước nằm đơ ra, xẹp lép, ướt như chuột lột. Ông mệt mỏi thều thào:

-       Đã nói rồi,… đã nói rồi,…tôi ăn được bao nhiêu mứt…mà bà cứ làm...suốt ngày suốt đêm?!

   Thì ra, ngọn lửa bốc lên do chân mùng của ông Phước tình cờ rớt vào lò than rim mứt của bà Phước rồi bén dần vào khăn trải giường. Bà Phước biết lỗi lặng yên không trả lời. Một lát, bà cũng hoàn hồn, quay ra nhìn ba tôi và các anh thợ, hổn hển:

-       Cám ơn ông Thành, cám ơn các anh. May có ông và các anh cứu kịp, không thì…

-       Chết cả đám! Một anh thợ nói.

Ba tôi chân thật:

-       Cháy nhà thì bà la cháy nhà. Sao bà hô Việt cộng, thiên hạ sợ chạy hết thì sao?

Bà Phước phân bua:

-       Lúc đó tôi hỏang quá còn nghĩ được gì đâu. Cứ tưởng la vậy sẽ tăng thêm phần nguy hiểm chứ!!!

 

 Trần Thị Nhật Hưng

 

 

           

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/02/2021(Xem: 3277)
Một ngày đầu mùa Xuân đẹp như hôm nay, cả thế giới không còn sự háo hức với những lễ hội Mùa Xuân “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” vì bóng đen của đại dịch Covid-19 đang ngồi lù lù trước cửa và khắp các nẻo đường. Có lẽ trong số 7 tỷ người trên hành tinh nầy, phần đông đang chờ và có người đang mơ ước “phép lạ” của kỷ nguyên khoa học kỹ thuật, đó là được chích thuốc vắc-xin chủng ngừa Covid, bởi đó được coi như thể là một lối thoát hiểm duy nhất trong hầm tối nhân loại đang đợi chờ… cứu rỗi.
15/02/2021(Xem: 3429)
Lá Thư Mùng Ba Tết Ông bà ta có câu:“Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”! Đó là truyền thống “Tôn sư trọng đạo” hay "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. - Mùng 1 Tết Cha: Thời khắc Giao thừa hơn cả, Lễ Tổ tiên cúng ông bà. Sáng lại đi lễ bên Nội, chúc Tết mừng tuổi ông bà cha mẹ; nhận lì xì và ăn bửa cơm trò chuyện đầu năm. Rồi đi chúc Tết anh em họ hàng bên Nội.
11/02/2021(Xem: 3124)
Cành Đào trước sân chùa đang hé nụ, báo hiệu một mùa Xuân sắp đến, để rồi chúng ta ngồi lại lắng nghe những gì đã bước đến trong năm Canh Tý- năm 2020, năm ấy là năm khắc khỏi đáng nhớ, và in sâu mãi trong kiếp người uế trượt nhân sinh này. Năm củ Canh Tý- thuộc hành Thổ trên vách đã dần khép lại, mọi người chuẩn bị Tết 23 ngày tiển Ông Táo chầu trời, thì ngày 25 là ngày tiển chư vị hộ pháp Long thần tại các Chùa theo tục niềm Nam, về lại Thiên Giới, ngày 27 là ngày Tết Tất niên cuối năm, theo nghi thức cổ truyền, và hôm nay ngày 30 Tết lại là ngày Cung rước Ông bà, đón giao thời mùa Xuân cho năm Tân Sửu.
09/02/2021(Xem: 10866)
Lá Thư Ngày Tết (của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Viện Tăng Thống Giáo Hội PGVNTN)
09/02/2021(Xem: 9325)
Kính thưa quý vj, năm Canh Tý – 2020, nhân loại trên thế giới đã sống những nỗi lo âu, hãi hùng trước cơn bệnh Corona 19; bệnh dịch nầy đã cướp mất gần hai triệu người, và hàng triệu người đang bị lây nhiễm ở các nước Âu Châu – Hoa Kỳ và Bắc Mỹ…, Đất nước Việt Nam chúng ta hiện tại ở các tỉnh phía Bắc phía Nam như: Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng và Sài Gòn,.. đang diễn tiến lây nhiễm! Đặc biệt tại Tân Tây Lan, đất nước nhỏ bé nầy mà chúng tôi và quý vị hiện đang sống, cơn bệnh dịch có phần nào lắng dịu, so với Úc châu đất nước bên cạnh chúng ta hiện đang bị lây nhiễm. Đây là một điều lành với các sắc tộc đang sinh sống tại Tân Tây Lan, trong đó có cộng đồng Việt Nam.
04/02/2021(Xem: 8184)
Tết Sửu xin mừng những bạn xa, Thầm yêu thiện hữu kết bao nhà… Nhiêu điều cảm nhận bài không rã, Mấy chuyện vòng quanh nẻo vẫn hoà. Sáng tỏ lời hay về đạo nhã, Trong ngần ý đẹp bởi niềm tha. Mong cầu hạnh phúc muôn loài cả, Xướng, luận, thơ,vè mãi nở hoa.
03/02/2021(Xem: 7214)
Đón Tết năm nay thấy ...khác xưa , Bạn bè biền biệt ...vãng lai thưa Một mình cô quạnh ..gian nhà trống Ông Táo ngày mai .. vẫn phải đưa ! Xuống phố, ừ ..mua cam, mứt, quả Chuẩn bị tuần nữa cũng là vừa Hai chậu Vạn Thọ trước nhà ... Tết ! Xuân đến ... quan trọng nhất Giao Thừa.
03/02/2021(Xem: 7241)
Tùng xèng tùng xèng Chuông đồng hồ reng Giật mình tỉnh giấc Hăm ba tháng Chạp Mang gấp khẩu trang Kính tâu Ngọc Hoàng
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]