Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lễ nghi, phong tục ngày Tết ở quê tôi- Đà Nẵng

09/01/201712:17(Xem: 9987)
Lễ nghi, phong tục ngày Tết ở quê tôi- Đà Nẵng
Icon Xuan Dinh Dau_2017_Vietnamese

3-xong-dat-ngay-tet
Lễ nghi, phong tục ngày Tết
ở quê tôi- Đà Nẵng
 
Châu Yến Loan

 

Tôi sinh ra và lớn lên tại thành phố Đà Nẵng, hơn 70 mùa xuân trôi qua trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn, tôi đã chứng kiến nhiều sự đổi thay của quê hương. Ngày nay cuộc sống hối hả thời hội nhập làm cho cái Tết cổ truyền không còn như trước, nhiều lễ nghi, phong tục đã rơi vào quên lãng khiến cho tôi lắm lúc thấy tiếc nuối, buâng khuâng mỗi khi nhớ lại những cái Tết năm xưa, khi tôi hãy còn là một cô bé lẽo đẽo theo bà lên chùa lễ Phật đầu năm, đi xem hát Bội ở đình làng hay ngồi bên bà trong rạp Bài Chòi lắng nghe anh Cái cất giọng mùi mẫn hò câu ca giới thiệu quân bài tới mà lòng tràn đầy hồi hộp, nôn nao.

Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của dân tộc Việt Nam, là Tết bắt đầu cho một năm mới đầy hy vọng, vì thế ở thành phố quê tôi, vào tháng Chạp, mọi người đã rục rịch chuẩn bị đón xuân.

 

Chuẩn bị đón Tết

 

Những công việc như quét dọn, sơn sửa nhà cửa cho sạch đẹp, giặt giũ rèm màn, đánh bóng lư đồng, mua sắm những đồ dùng mới để thay thế những đồ cũ, may quần áo mới để mặc cho đẹp trong những ngày Tết.v.v…đã diễn ra từ nhà dân đến đình, chùa vào đầu tháng chạp.

Trong nhà, bàn thờ là nơi trang nghiêm nhất nên đến Tết phải lau dọn sạch sẽ, sáng sủa. Những việc như đánh sáng lư đồng, lau chùi khung ảnh thờ, thay bát nhang thể hiện sự thành kính và tình cảm của con cháu đối với đức Phật, ông bà, tổ tiên.

Từ khi Đà Nẵng được công nhận là Đô thị loại một, nhiều khu dân cư được chỉnh trang, những con đường mới rộng rãi, sạch đẹp chạy thẳng tắp, những cây cầu bắt ngang sông Hàn khiến cho bộ mặt thành phố thay đổi hẳn, chấm dứt cảnh tương phản hai bên bờ sông một thời dĩ vãng:

“ Đứng bên ni Hàn ngó qua bên kia Hà Thân, nước xanh như tàu lá,

  Đứng bên kia Hà Thân ngó lại bên ni Hàn, phố xá nghênh ngang”.

Ngày Tết ở Đà Nẵng hôm nay, không chỉ nhà tư nhân mới trang trí cho đẹp mà những đường phố như đường bờ sông Bạch Đằng, đường Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn cũng giăng đèn kết hoa rực rỡ. Đặc biệt là con đường hoa Bạch Đằng với những công trình nghệ thuật bằng hoa tươi muôn màu, muôn sắc được thiết kế bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân cùng với các tác phẩm điêu khắc bằng đá trưng bày trên bờ sông Bạch Đằng đã thu hút biết bao người dân địa phương và khách du lịch trong nước và nước ngoài đến Đà Nẵng tham quan, thưởng ngoạn vào dịp nghỉ Tết.

Trong khi đàn ông lo chỉnh trang nhà cửa thì cánh phụ nữ lo trổ tài làm các thứ bánh mứt truyền thống như mứt gừng, mứt dừa, mứt bí đao, kim quật v.v…, các thứ bánh khô có thể dùng được lâu để cúng và mời khách trong suốt đợt lễ Tết như bánh in bột nếp, bánh đậu xanh nướng, bánh phục linh, bánh dẽo, bánh khô khảo, bánh bảy lửa v.v…Ngày nay người ta thường mua các loại bánh kẹo công nghiệp sản xuất ở trong nước và nước ngoài cho tiện dụng và sang trọng nhưng dù sao nó vẫn không thay thế hết được các loại bánh mứt cổ truyền.

Có hai thứ bánh không thể thiếu trong lễ cúng gia tiên ở Đà Nẵng quê tôi là bánh tổ và bánh tét.

Bánh tổ là đặc sản có truyền thống lâu đời trong mỗi dịp Tết Nguyên Đán của người dân Quảng Nam- Đà Nẵng, được làm từ nếp hương và đường bát có thêm vào ít gừng tươi giã nhuyễn để tạo mùi thơm. Bánh  tổ không đổ vào khuôn mà được đựng trong những rọ đan bằng nan tre vót mỏng, hình tròn, to bằng cái bát, đường kính khoảng 18- 20cm, bên trong lót lá chuối. Trên mặt bánh có rắc mè rang vàng cho thêm hương vị.

Bánh tổ sau khi hấp chín thì lấy ra khỏi rọ, để chỗ thoáng mát cho nguội, có thể cắt thành từng lát để ăn hoặc nướng trên than hồng nhỏ lửa, khi bánh nở phồng ra là có thể ăn được, nhưng ngon nhất vẫn là món bánh tổ chiên. Những lát bánh mỏng  thả vào chảo dầu nóng phồng lên, vàng rụm trông hấp dẫn làm sao! Nhai miếng bánh tổ chiên, ta cảm được vị ngọt đậm đà của đường bát Quảng Nam làm từ những cây mía trồng ở quê nhà quyện với mùi thơm của gừng tươi cay cay hòa với vị dẽo thơm của nếp hương thật là tuyệt!

 

banh to

Bánh tổ (nguồn Internet)

 

Bánh tét là loại bánh được dùng phổ biến trong ngày Tết của người kinh và một số dân tộc ít người tại miền Trung và miền Nam nước ta. Ở Đà Nẵng, bánh tét có hình trụ, đường kính từ 10-15cm, dài khoảng 30-40cm. Nguyên liệu chính  dùng để gói bánh là nếp, đậu xanh, thịt heo. Bánh được gói bằng lá chuối rồi buộc bằng những sợi lạt tre chẻ mỏng. Bánh tét không để được lâu nên người ta thường gói bánh vào những ngày giáp Tết. Muốn để lâu hơn thì gói bánh chay chỉ có nhân đậu xanh chứ không dùng thịt heo. Bánh tét không cắt bằng dao mà dùng sợi lạt để “tét”. Mở lạt cột bánh, lột lá chuối xong, lấy sợi lạt khoanh tròn đòn bánh, kéo mạnh hai đầu, vòng dây lạt siết chặt vào đòn bánh cắt rời những lát bánh láng lẩy, tròn vo vừa nhanh gọn vừa đẹp không bị méo mó như cắt bằng dao. Có lẽ do cách cắt bánh đặc biệt mà các loại bánh khác không có nên bánh được mang tên là bánh tét. Có người cho rằng đây là loại bánh thường dùng vào ngày Tết, gọi là bánh Tết lâu ngày đọc trại chữ Tết thành ra bánh tét.

 


Banh-tet-Hue_1
Bánh tét

 

Bánh chưng cũng dùng nguyên liệu như bánh tét nhưng có hình vuông và gói bằng lá dong. Từ ngày có nhiều người Bắc vào sinh sống ở Đà Nẵng họ mới gói bánh chưng. Ngày Tết, người Bắc thường có món thịt nấu đông còn người Quảng Nam-Đà Nẵng thì có món thịt muối. Gọi là thịt muối nhưng không có muối mà chỉ có nước mắm ngon nấu với đường cát trắng thành một thứ dung dịch đặc sánh vừa mặn vừa ngọt một cách đậm đà dùng để ngâm thịt và  còn có dưa món ăn với bánh tét.

 

Các lễ nghi trong ngày Tết ở Đà Nẵng

 

Nước ta có nhiều lễ Tết: Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu trong đó Tết Nguyên Đán là tết lớn nhất trong năm với nhiều lễ cúng long trọng như cúng đưa ông Táo, cúng tất niên, cúng rước ông bà, cúng trừ tịch (cúng giao thừa), cúng gia tiên,  cúng đưa ông bà.

Người ta thường nói: “ Ba ngày Tết” để chỉ những ngày chính thức của Tết Nguyên Đán, là các ngày mồng một, mồng hai và mồng ba Âm lịch của tháng Giêng nhưng thực ra từ ngày đưa ông Táo về trời khuya 22 rạng ngày 23 tháng chạp thì lễ Tết coi như đã bắt đầu.

Lễ cúng đưa ông Táo về trời

Theo tích xưa, Thần Táo gồm có 3 người: 2 ông và 1 bà gọi chung là ông Táo, có nhiệm vụ ghi chép mọi việc trong gia đình để đến cuối năm lên báo cáo với Ngọc Hoàng. Ông Táo còn tượng trưng cho sự no đủ của gia đình. Nhà nào khá giả thì bếp nấu liên tục, vui vẻ, nhộn nhịp, còn nhà nghèo khổ, thiếu thốn thì tro tàn bếp lạnh.

Ở miền Bắc lễ đưa ông Táo ngoài hương, hoa, trầu, cau, xôi, gà, thịt heo, vàng mã, 3 bộ áo, mũ, hia bằng giấy để ông Táo mặc còn có 3 con cá chép để ông Táo cưỡi về trời vì thế đến ngày này mọi người bất kể là giàu hay nghèo cũng đua nhau mua cho được cá chép  để cúng ông Táo nhất là tại Hà Nội. Do đó mấy năm gần đây những hộ chuyên nuôi cá chép ở ngoại thành đã biến công việc này thành một ngành kinh doanh chuyên nghiệp thu lợi nhuận gấp mấy lần nuôi cá ăn.

Tại Quảng Nam- Đà Nẵng không có lệ cúng cá chép, nhưng ngoài những phẩm vật kể trên có một thứ không thể thiếu trong lễ cúng ông Táo đó là 3 miếng đường bát và 3 cái bánh tráng nướng. Người nghèo có thể không cúng xôi chè, thịt heo nhưng đường bát và bánh tráng thì bắt buộc phải có. Quảng Nam- Đà Nẵng là nơi sản xuất đường bát, bánh tráng có lẽ vì thế mà lễ cúng ông Táo cũng phải có những sản vật tiêu biểu của địa phương.

Lễ cúng Tất niên

Ở Đà Nẵng quê tôi, sau ngày đưa ông Táo về trời người ta thường cúng tất niên. Lễ cúng gồm hai phần: một bàn cúng trước sân để tạ ơn đất đai và các vong linh đã phù hộ cho gia đình được bình an, sức khỏe, làm ăn phát đạt trong năm qua. Lễ vật thường có hương, hoa, trầu ,cau, gạo, muối, áo giấy vàng mã, một bát nước trong, một tô cháo trắng, một bộ tam xên (gồm một con cua, một con tôm và một quả trứng, tất cả đều luộc chín) một miếng thịt heo luộc hay con gà luộc, mâm cơm và phải có đĩa rau luộc, chén mắm cái.

Cúng xong, người chủ lễ lấy mỗi thứ đồ cúng một ít bỏ vào xà lét làm bằng bẹ chuối gấp lại đem treo trước hàng rào hay ngã ba đường.

Đĩa rau luộc, chén mắm nêm, cái xà lét trong lễ cúng trước sân cho thấy nét riêng trong tín ngưỡng của người dân Quảng Nam-Đà Nẵng. Hơn 7 thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Chế Mân dâng Châu Ô và Châu Rí làm sính lễ cưới  Huyền Trân công chúa vào năm 1306, người dân Quảng Nam- Đà  Nẵng vẫn không quên ơn những người Chăm, chủ nhân cũ của mảnh đất họ đang sinh sống. Hiện nay, phong tục này đã bị mai một.

Mâm cơm cúng trong nhà gồm nhiều món ngon, vật lạ để trình với ông bà, tổ tiên năm cũ đã hết. Đây cũng là dịp để sum họp gia đình, gặp gỡ bạn bè, người thân sau một năm bận rộn công việc.

Lễ dựng nêu 

Vào dịp Tết, người dân nước ta thường dựng cây nêu trước sân nhà và các đình chùa để đuổi ma quỷ, trừ xui xẻo và cầu mong sự an lành cho mọi người.  Ở miền Bắc thường dựng nêu vào ngày 23 tháng Chạp sau khi đưa ông Táo về trời còn ở Quảng Nam-Đà Nẵng thì dựng nêu vào chiều 30 Tết (hoặc 29 tùy theo tháng Chạp đủ hay thiếu).

Cây nêu được làm bằng cây tre cao độ 5-6m, chặt hết các nhánh lá chỉ để lại một túm lá trên đầu. Trên ngọn cây tre có một vòng tròn hay một cái giỏ tre chứa các thứ như lá phướn, đồ mã, nhánh xương rồng, cành lá dứa, trầu cau, vôi bột, khánh bằng đất (chuông gió) để khi gió thổi chạm vào nhau phát ra tiếng kêu leng keng cho ma quỷ sợ không dám đến. Có nơi còn treo chiếc đèn lồng để chỉ đường cho ông bà, tổ tiên về ăn Tết. Ngày trước khi chưa cấm đốt pháo người ta còn treo bánh pháo trên cây nêu để đốt mừng năm mới, mừng tổ tiên về với con cháu, xua đuổi tà ma, xui xẽo, cầu mong một năm mới an khang thịnh vượng. Ngày xưa cây nêu còn là biểu tượng cho uy quyền, những nhà quan quyền trong làng xóm thường dựng cây nêu cao hơn nhà dân. Ngày dựng nêu gọi là thượng nêu, đến ngày mồng 7 tháng Giêng thì hạ nêu.

 


cay neu ngay tet

  Cây nêu ngày Tết

 

Hiện nay cùng với công cuộc đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, đất ở tại thành phố ngày càng thu hẹp, nhà phố san sát liền nhau phong tục dựng nêu ngày Tết trước sân nhà đã dần mất đi trong cộng đồng dân cư, có chăng chỉ tồn tại lác đác ở các đình chùa hay ở vùng ngoại ô mà thôi.  Bây giờ, người dân Đà Nẵng đến Tết không dựng nêu mà chỉ mua cành mai, cành đào về cắm trong nhà hoặc mua chậu quật, chậu cúc, chậu hồng chưng cho đẹp.


Lễ rước ông bà, tổ tiên

Từ trưa 30 tháng Chạp mọi nhà đã cử hành lễ cúng rước ông bà, tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Trước khi cúng ông bà phải có bàn cúng trước sân để xin thổ thần cho phép ông bà được vào nhà.

Lễ cúng gia tiên ở trong nhà. Các lễ vật hương đèn, hoa quả, bánh mứt và mâm cơm được bày trên bàn thờ.

Sau khi gia chủ cúng xong thì con cháu khấn lạy ông bà. Người dân Việt Nam nói chung và người Quảng Nam- Đà Nẵng nói riêng tin rằng cuộc sống ở cõi âm cũng giống cõi dương, người sống có những nhu cầu gì thì người chết cũng như thế, họ cũng cần ăn măc, tiêu pha, xe cộ, nhà ở v.v…Vì thế ngoài hương hoa, trầu rượu, bánh mứt, mâm cỗ, tiền Âm phủ (VN đồng, Dolla) để cúng cho ông bà tiêu xài nơi cõi âm, nhiều người còn thuê hàng mã dán áo quần, giày dép, nữ trang, đồ dùng cho người quá cố để thờ trong mấy ngày Tết. Những nhà khá giả còn cúng cả xe máy, ô tô bằng giấy nữa.

Từ khi rước ông bà và suốt trong 3 ngày Tết, hương đèn luôn thắp sáng trên bàn thờ để thể hiện lòng tôn kính của con cháu đối với tổ tiên, vì vậy người ta thường dùng hương vòng (hương khoanh) để giữ cho hương khói không bị ngắt quãng.

Lễ Trừ tịch ( Lễ cúng Giao thừa)

Giao thừa là thời điểm kết thúc năm cũ, khởi đầu năm mới, là thời khắc linh thiêng giao hòa giữa trời và đất. Vào lúc này, người Việt Nam làm lễ trừ tịch để bỏ đi những điều xấu, dở, rủi ro của năm cũ sắp qua và đón chào những điều may mắn, tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ trừ tịch cử hành vào lúc giao thừa nên gọi là lễ Giao thừa.

Cúng Giao thừa là lễ cúng đón tiếp vị Đại Vương Hành khiển mới thay mặt Ngọc Hoàng xuống coi sóc nhân gian trong một năm và tiễn đưa vị Đại Vương Hành khiển cũ đã hết nhiệm kỳ nên lễ này được cử hành rất trang trọng từ nhà dân đến đình chùa. Trong Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính cũng viết:

“ Tục ta tin rằng mỗi năm có một ông Hành Khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn ông cũ đón ông mới”.

Lễ cúng Giao thừa bắt đầu vào lúc 12 giờ khuya ngày 30 ( hoặc 29 tùy theo tháng đủ hay thiếu) tháng Chạp. Bàn lễ đặt ở ngoài sân cúng Đại Vương Hành khiển và trong bếp, trên bàn thờ ông Táo cũng có lễ vật để cúng rước ông Táo từ Thiên đình trở về nhà. Lễ cúng Giao thừa có hương, hoa, trà, rượu, bánh, mứt, cháo trắng, nước trong, gạo muối, vàng mã. Ngoài ra còn cúng người thế ( hình người  in trên giấy) cho những người trong gia đình. Mỗi một nhân khẩu phải cúng 2 người thế tùy theo giới tính nam hay nữ, độ tuổi người lớn hay trẻ con. Người ta tin rằng những người thế sẽ thay thế người trong gia đình chịu mọi điều rủi ro, bệnh tật cũng như thế cả tính mạng để họ được bình an, khỏe mạnh.

Sau này do giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, ngoài những lễ vật trên, người Quảng Nam- Đà nẵng còn cúng mâm ngũ quả hoăc dừa, đu đủ, xoài với ước mong sang năm mới làm ăn phát đạt, đời sống sung túc.

Những năm chưa cấm pháo cứ đến giờ Giao thừa và sáng mồng Một, cả thành phố Đà Nẵng rền vang tiếng pháo, nhà nào cũng đốt pháo, xác đỏ rải đầy từ ngoài ngõ vào trong nhà. Tiếng nổ “ đùng đùng” của pháo dùng để xua đuổi tà ma, xua đuổi những điều xấu xa, hoạn nạn và màu xác pháo có ý nghĩa cầu mong sang năm mới gia đình được may mắn, bình an, thịnh vượng, rực rỡ như màu đỏ tươi của pháo.

Từ khi nhà nước cấm đốt pháo thì đến giờ Giao thừa người dân Đà Nẵng lại nô nức xem pháo hoa trên bầu trời quê hương do thành phố tổ chức bắn để mừng xuân.

Vào giờ này trên bàn thờ ông bà hương trầm thơm ngát, hoa quả, bánh mứt đủ thứ và mọi người trong gia đình lần lượt khấn lạy ông bà để đón mừng năm mới.

Lễ cúng gia tiên đầu năm mới

Theo quan niệm của người xưa, từ trưa 30 tháng Chạp ông bà đã hiện diện trong nhà cùng con cháu nên sáng mồng Một tháng Giêng, gia đình thường nấu mâm cơm cúng gia tiên khấn mời ông bà thưởng Tết đón xuân. Trước cúng sau cấp, mâm cơm này dùng để mời khách đến thăm hay con cháu về thắp hương ông bà dùng bữa.

Lễ đưa ông bà

Vào chiều mồng Ba tháng Giêng, người dân Quảng Nam-Đà Nẵng thường  nấu mâm cơm cúng đưa ông bà. Trong lễ này tất cả những đồ giấy thờ ông bà trong ba ngày Tết đều được hóa (đốt) để ông bà nhận về dùng nơi cõi âm.

Đây cũng là dịp họp mặt cuối cùng của gia đình, con cháu trong kỳ lễ Tết, sau đó mọi người trở về với công việc và đời sống riêng của mình.

 

Các phong tục, tập quán của người Đà Nẵng trong ngày Tết

 

Quảng Nam- Đà Nẵng xưa kia là đất của Chiêm Thành được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt, cho đến giữa thế kỷ XVI khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, Quảng Nam- Đà Nẵng vẫn là vùng Ô châu ác địa, cư dân phức tạp gồm nhiều thành phần ô hợp. Những di dân người Việt từ Nghệ An, Thanh Hóa phải xa rời nơi chôn nhau cắt rốn của mình đến đây lập nghiệp thường sống thành từng nhóm nhỏ trên vùng đất còn mang đậm dấu ấn của văn hóa Chăm. Từ âm nhạc, y phục cho đến những ngôi tháp với cách kiến trúc độc đáo khiến họ không khỏi cảm thấy văn hóa Chăm vừa có những nét đẹp riêng đầy quyến rũ nhưng lại vừa xa lạ, huyền bí khiến họ phải e dè, bất ổn. Để có một cuộc sống bình yên nơi xứ lạ quê người, ngoài việc bảo tồn những thuần phong mỹ tục của dân tộc, những di dân phải kiêng kỵ nhiều thứ để tránh những rủi ro bất trắc đang rình rập quanh họ. Những điều đó được lưu truyền từ đời này sang đời khác trở thành những phong tục, tập quán khó phai. Hiện nay người dân Quảng Nam- Đà Nẵng vẫn còn giữ nhiều phong tục tập quán của tổ tiên trong  những ngày lễ Tết như:

Tục đi chợ phiên. Ở vùng cao, chợ họp mỗi tuần hay mỗi tháng một lần nên rất đông vui nhộn nhịp, nhất là phiên chợ Tết. Người dân vùng cao đón Tết bằng việc đi chợ phiên để mua, bán hàng hóa và giao lưu sau những ngày lao động nhọc mệt. Thanh niên đến chợ Tết để tìm bạn tình. Nhiều người đã trở thành vợ chồng từ những phiên chợ này.

Đà Nẵng là một thành phố lớn nên chợ họp quanh năm, đầy đủ mọi hàng hóa, đặc biệt là gần Tết chợ bán nhiều mặt hàng phục vụ Tết Nguyên Đán như lá chuối, lạt để gói bánh tét, gừng, dừa xắt lát để làm mức, các thứ trái cây, bánh kẹo, các thứ mức, rau quả từ các nơi đổ về. Chợ họp từ sáng đến tối, đông nhất là những ngày cận Tết. Hàng hóa Tết thường hay tăng giá nên những năm gần đây thành phố tổ chức các quầy bán thực phẩm thiết yếu  dùng trong ngày Tết với giá bình ổn để hổ trợ cho người dân nhất là người nghèo. Các siêu thị cũng mở ra rất nhiều trên địa bàn thành phố cung ứng đầy đủ mọi mặt hàng.

Tuần cuối tháng Chạp năm nào cũng có Hội chợ triển lãm nhiều thứ hàng với giá ưu đãi để khuyến khích người dân tiêu dùng. Ngoài ra còn có nhiều hình thức chợ Tết trên mạng Internet, tiếp thị trực tuyến và giao hàng tận nhà rất tiện lợi cho người mua sắm. Tuy nhiên cũng có khi gặp nguy cơ lừa đảo qua các cửa hàng online.

Tục thăm mộ ông bà đươc thực hiện vào những ngày giáp Tết trước khi cúng rước ông bà. Con cháu thường sửa sang mồ mả, nhổ cỏ, lau chùi cho sạch sẽ, nhiều người còn sơn mộ, tô bia cho mới, xong đặt hương hoa, quà bánh, lễ vật cúng mời ông bà, cha mẹ, người quá cố về nhà ăn Tết. Ngày nay một số người bận rộn không thể thăm mộ trước khi rước ông bà thì đi vào sáng mồng Một, nhưng có người cho rằng lúc này người quá cố đã về nhà rồi, không có ở mộ nữa.

Tục lắng nghe tiếng thú vật kêu trong giờ Giao thừa để đoán biết năm đó hiền hay dữ, có thiên tai, bão lụt, hạn hán hay không. Tiếng kêu của con thú càng dữ thì năm đó càng hiền. Theo quan niệm dân gian giờ Giao thừa mà nghe tiếng cọp kêu là tốt nhất.

Tục Xuất hành

Xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên của năm mới. Người ta tin rằng hướng đi này sẽ có ảnh hưởng dến vận mệnh tương lai của họ trong năm. Vì thế tùy theo tuổi tác của mình mỗi người xem sách lịch, bói toán để chọn cho mình một hướng đi và giờ giấc ra đi thích hợp, với ước mong năm mới sẽ gặp nhiều may mắn. Ngày nay cúng Giao Thừa xong người ta thường xuất hành đi Chùa lạy Phật, cầu Phật phù hộ cho gia đình được bình an, khỏe mạnh, cầu tài lộc, sinh con.

Tục Đạp đất (còn gọi là xông đất). Người Quảng Nam- Đà Nẵng rất xem trọng  người khách đầu tiên bước vào nhà mình trong ngày Tết, nếu hạp tuổi với gia chủ người khách sẽ mang lại những điều may mắn, tốt đẹp cho gia đình còn nếu không hạp tuổi thì gia đình sẽ gặp nhiều rủi ro, bất trắc trong năm. Vì thế sau lễ Giao Thừa mọi người phải ở yên trong nhà mình, không được đi đến nhà khác, đợi cho có người đến đạp đất rồi mới đến sau. Gần Tết chủ nhà thường nhờ người hạp tuổi, tính tình đôn hậu, gia đình đông con, sung túc, khỏe mạnh sáng mồng Một đến đạp đất nhà mình để lấy hên. Người Quảng Nam-Đà Nẵng rất thích trẻ con đến đạp đất đầu năm vì chúng mạnh khỏe, hồn nhiên, vui vẻ sẽ mang lại cho gia đình một năm an lành, phát đạt.

Tục chúc Tết, mừng tuổi là một mỹ tục lâu đời của dân tộc. Thông thường sáng mồng Một Tết, con cháu chúc Tết ông bà, cha mẹ sống lâu trăm tuổi, mạnh khỏe, hạnh phúc. Ông bà, cha mẹ cũng mừng tuổi con cháu bằng những lời chúc tốt đẹp kèm theo phong bì lì xì đựng những tờ tiền mới với niềm mong ước năm mới gặp nhiều điều may mắn.

Tục thăm viếng nhà bà con, bạn bè, người thân

Thường  thường vào mồng Hai mọi người mặc áo quần mới, đẹp đến nhà người thân, bạn bè để chúc Tết. Chúc xong người lớn mừng tuổi cho trẻ nhỏ bằng những phong bì lì xì. Nhân viên cũng đến mừng tuổi thủ trưởng của cơ quan. Đây là một phong tục tốt đẹp của dân tộc nói chung và của người Đà Nẵng nói riêng.

Trong ngày Tết, người Đà Nẵng cũng kiêng cử nhiều điều như:

Kiêng quét nhà vì  quan niệm quét nhà là quét tiền của, tài lộc ra khỏi nhà.

Kiêng đổ rác vì đổ rác là đổ hết tài lộc của gia đình trong năm mới.

Kiêng cho lửa đầu năm. Lửa ( đỏ) tượng trưng cho may mắn nên vào những ngày đầu năm, người Quảng Nam- Đà Nẵng không cho lửa người khác.

Kiêng cho nước đầu năm. Nước tượng trưng cho sự sinh sôi, giàu có “tiền vào như nước” nên những ngày tết không cho nước.

Kiêng làm bể chén bát, đồ dùng vì đó là dấu hiệu của sự đổ vỡ, chia lìa.

Kiêng cầm kim may vá để tránh rủi ro đến với mình,

Kiêng mặc áo quần màu trắng, xám hay đen vì đó là những màu biểu hiện cho tang tóc, đau buồn.

Kiêng đến nhà người khác trong ngày Tết khi đang chịu tang hay đang mang thai.

Kiêng vay, mượn, đòi nợ, trả nợ trong ngày Tết vì sợ rằng đi vay thì cả năm sẽ túng thiếu, cùng quẫn còn cho vay thì tiền bạc sẽ phát tán, không may mắn, không phát tài.
Kiêng mở tủ vào mồng Một vì sợ thất thoát tiền tài và vận may cả năm.

Kiêng vỗ vai hay quàng vai người khác vì quan niệm người bị vỗ vai hay quàng vai sẽ gặp điều rủi ro, chuyện buồn.

Kiêng ăn mực đầu năm vì con mực có túi mực đen tượng trưng cho sự rủi ro, không may mắn “đen như mực”.

Đầu năm mới, kiêng cho nhau bánh tét, bánh chưng. Nếu ai không biết lỡ đem đến rồi thì trước khi bước vào nhà phải mở hết các dây lạt cột bánh vì người ta quan niệm rằng những dây cột đòn bánh tượng trưng cho sự trói buộc, tù tội, mất tự do, mang lại điều không may cho người nhận.

Người Đà Nẵng cũng rất chú ý đến lời ăn tiếng nói, hành vi trong ngày Tết. Không nói những lời xấu xa, thô lỗ, xui xẻo, chửi bới, đánh nhau trong ngày Tết. Mọi người cởi mở với nhau, sẵn sàng bỏ qua những lỗi lầm, khuyết điểm để mong muốn một năm mới vui vẻ, thuận hòa.

Vào ngày Tết ở Quảng Nam- Đà Nẵng ngày xưa, làng xã cũng có tổ chức đá gà, hát Bội, Bài Chòi tại các sân đình hay những nơi công cọng để mọi người vui chơi, giải trí. Ngoài ngõ xóm trẻ em và thanh niên tụ tập chơi Bầu Cua, Xì lát, trong gia đình phụ nữ đánh bài Tứ sắc, đổ Xăm Hường. Hiện nay các thú vui ấy cũng mất dần, thay vào đó người trẻ thích xem chiếu phim hay ca nhạc, những người có cuộc sống khá giả thường đi du lịch trong nước hay nước ngoài trong dịp nghỉ Tết.

 

Những lễ nghi, phong tục của ngày Tết Nguyên Đán thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, là tấm gương phản ánh tâm hồn của người Việt Nam. Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền đó chính là tạo sức mạnh để chúng ta vững tin bước vào thời kỳ hội nhập với thế giới mà không đánh mất mình.

                                                                     

 

                                                                                  Châu Yến Loan

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/01/2017(Xem: 10193)
Vơi phiền muộn - Bớt âu lo - Xua tan phiền não - Ngắm hoa Mặt Trời
05/01/2017(Xem: 4150)
Tết đi tết đến đã bao lần, Chồng chất tuổi đời khổ cái thân, Đinh dậu trở về thêm tàn sức, Bính thân tạm biệt lại yếu chân. Tọa thiền bái sám lưng nhức mỏi, Niệm Phật trì kinh cẳng tê đần. Vũ trụ xoay vần không ngừng nghỉ, Thu tàn đông đến lại sang xuân.
04/01/2017(Xem: 7978)
Năm mới tâm hồn đổi mới Giận hờn ganh ghét bỏ đi Con đường quy y hướng đến Xa lìa khổ não ưu bi .
04/01/2017(Xem: 4016)
Lá của hai cây phong ven lộ đã chuyển thành màu đỏ ối tự hôm nào. Mỗi ngày lái xe ra vào khu xóm, chỉ lo nhìn xe cộ hai chiều, xem có an toàn để băng qua đường hay không; không kịp nhìn thấy lá từ xanh chuyển sang vàng, rồi vàng đổi thành cam, cam chuyển thành đỏ. Giữa những tàn cây xanh lá, cây phong nổi bật lên như một ông hoàng, lẫm liệt, oai phong, và thật đẹp. Mà kỳ thực, cái đẹp nầy chẳng qua là màu lá không bình thường như những lá cây khác. Lá cây thì phải màu xanh lục, nếu héo úa thì phải vàng, khô, rồi rụng trơ cành; mà đây là màu đỏ, ở lại khá lâu trên cành từ cuối thu kéo qua đông, nên lạ, đẹp. Thế nhưng, ra ngoài cái đẹp thẩm mỹ từ nhãn quan của người, lá phong đỏ trên thực tế, vẫn là lá phong đỏ, là những chiếc lá đã trải qua thời kỳ sung mãn nhất, rồi dần bước vào thời kỳ tàn tạ, và đang ở giai đoạn cuối cùng của đời sống. Đây là qui luật chung của mọi sự, mọi vật.
22/12/2016(Xem: 10890)
Khi đông vừa tàn là xuân đến, vẽ đẹp cao quý trong ngày xuân là mọi người có dịp làm mới lại những truyền thống văn hóa, đạo đức và di huấn của tổ tiên chúng ta để lại. Những người con Việt dù ở đâu không quên văn hóa mừng xuân, gửi cho nhau câu chuyện tâm tình về quê hương xứ sở.
20/12/2016(Xem: 7026)
Lại thêm một mùa xuân về trên xứ người, nếu đếm trên đầu ngón tay sợ rằng phải cần thêm một bàn tay nữa mới đủ số. Vậy trong khoảng thời gian dài đằng đẳng ấy, người viết này đã làm gì cho đồng bào, “dân tộc“ đau khổ tại quê nhà. Hay lại chỉ mải lo chuyện “vinh thân phì da“ hưởng cuộc đời phước báu tại xứ sở được tạm gọi là “thiên đường“ này. Ấy! Các bạn không biết chứ! Chúng tôi, một “đạo quân tóc dài“ mới thành lập một nhóm lấy tên là “Văn bút đánh trâu“ (cấm nói lái), quy tụ những cây bút “lừng danh“ từ xưa đến giờ chỉ chuyên viết lưu bút ngày xanh hay chuyện tình diễm lệ cỡ Quỳnh Dao, sau viết cho báo Chùa nên đổi thành những bài tường thuật các khóa tu. Một lực lượng hùng hậu như thế mà chuyển hướng viết về đề tài Đánh Trâu thì nhất định sẽ bẻ gẫy sừng trâu phải không các bạn?
18/12/2016(Xem: 5064)
Đông sắp đến rồi, thu sẽ qua, Ủ ê cây cỏ mất hương hoa, Lá vàng bay lượn theo chiều gió, Cây cảnh chuyển mình trước hiên nhà. Ngắm cảnh đổi thay cùng thời tiết, Nghĩ lòng xao xuyến với can qua. Xin người cố giữ tâm chân chính, Thủ phận tu tâm đúng Phật đà.
25/08/2016(Xem: 10319)
Tu Viện Quảng Đức Chương Trình Sinh Hoạt Xuân Đinh Dậu 2017 Chủ Nhật 22.1. 2017, nhằm ngày 25 tháng Chạp. - 11 giờ Lễ Cúng Tất Niên, Thượng Niêu. - Cầu An, Cung tiến Chư Hương linh. Thứ Sáu ngày 30 Tết, nhằm 27.1. 2017 -11.am: Cúng ngọ Phật - Cúng Tiến Chư Giác linh, Chư Hương linh. - 17.00pm: Cúng Thí Thực. - 20.00pm: Lễ Sám Hối cuối năm. - 21.30pm: Văn Nghệ Mừng Xuân - 23.00pm: Lễ Trừ Tịch ( Giao Thừa Đón Xuân Đinh Dậu ) Thứ Bảy Mùng 1 Tết, nhằm ngày 28.1.2017 - 11.00am: Cúng Ngọ Phật cầu Nguyện Quốc Thái Dân An. - Mừng Lễ Vía Di Lặc Tôn Phật Đầu Năm Mới. - Chư Phật tử Lễ Phật xin lộc đầu năm mới. Chủ Nhật 29.1.2017- Mùng 2 Tết Nguyên Đán Khai Mạc Hội Xuân Đầu Năm từ 10 giờ Sáng đến 10 giờ tối. -11.am: Khai kinh Dược Sư Cúng Ngọ, Cúng tiến chư Hương Linh Tối Thứ Bảy 4.2. 2017. Mùng 8 tháng Giêng - Lúc 8 giờ tối Dâng Sớ Cầu An Chủ Nhật 12.2.2017, nhằm 16 Tháng Giêng .Hành Hương Thập Tự . Cúng Rằm Tháng Giêng
06/03/2016(Xem: 4887)
Hành hương Thập Tự viếng Tu Viện Quảng Đức mùng 7 Tết Bính Thân: Chùa Giác Hoàng (3 xe) Chùa Phật Tổ (3 xe) Chùa Linh Sơn (3 xe) Chùa Dược Sư (3 xe) Chùa Liên Trì (2 xe) Chùa Phật Quang (9 xe) Chùa Từ Quang (6 xe)
23/02/2016(Xem: 9819)
Phật tử Darwin Bắc Úc cúng Rằm Tháng Giêng Bính Thân 2016
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]