Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đừng bảo Xuân tàn hoa rụng hết

08/02/201600:17(Xem: 5793)
Đừng bảo Xuân tàn hoa rụng hết

hoa_mai_3

ĐỪNG BẢO

XUÂN TÀN HOA RỤNG HẾT

 

Vĩnh Hảo

 

(Bài này được viết vào khoảng tháng 11 năm 1991, có trong tác phẩm “Sân Trước Cành Mai,”

xuất bản năm 1994. Sau một phần tư thế kỷ, chạnh lòng nhớ thầy, nhớ ba, tác giả ngồi gõ lại ngày cuối năm, gửi tặng mọi người)

 

 

Thuở còn bé, cứ mỗi độ năm hết Tết đến là lòng tôi rộn rã, náo nức; ngồi trong lớp chỉ mơ nghĩ đến hội chợ, quần áo mới, tiền lì xì, chơi bài, đánh bầu cua, v.v… không làm sao mà học cho vô. Nỗi háo hức mong đợi cái Tết đã khởi sự xâm chiếm lòng tôi tự những ngày đầu tháng Chạp cho đến tận giây phút giao thừa. Cứ mỗi tờ lịch rơi xuống, tôi nghe như nỗi háo hức tăng mạnh thêm lên; càng gần ngày ba mươi càng thấp thỏm, bồn chồn, vui không sao tả được.

Nhưng vui nhất là ngày ba mươi Tết. Ngày đó, trong nhà trước ngõ đã được mẹ và các anh chị lớn lau chùi, sửa soạn, trang trí xong xuôi hết rồi. Tôi cũng có góp công trong việc chùi đồ đồng chứ chẳng phải không, vì tôi nghĩ công việc hết thì Tết mới đến nhanh được.

Mẹ tôi sửa soạn cho bàn thờ Phật và bàn thờ ông bà tổ tiên là kỹ lưỡng, chu đáo nhất. Đèn nến, hoa trái, trầm hương, trang nghiêm không kém gì bàn thờ ở chùa cả. Nhất là bộ lư đồng và các cặp chân đèn: sáng trưng, bóng lưỡn, y như vàng ròng vậy. Trên bàn thờ, ngoài hoa quả là những thứ mẹ tôi thường dâng cúng mỗi ngày rằm và mồng một, còn có bánh mứt, hạt dưa và nguyên một quả dưa hấu thật lớn nữa. Mẹ tôi chăm lo mọi thứ, chỉ dành cho ba tôi một công việc mà ông có thể làm được thôi, đó là trên đường từ sở về nhà, ghé mua một nhánh mai lớn từ hôm hai mươi hai Tết, trước ngày đưa ông Táo về trời. Ba tôi đặt chậu mai lớn cạnh bàn thờ, gần phòng khách. Chính chậu mai này làm cho không khí Tết ra vẻ Tết hơn cả.

Đến gần ngày 30 Tết mà thấy mai chưa chịu hé nhụy là ba tôi thúc thuốc cho hoa nở kịp Tết. Không biết ba tôi học cái mẹo đó ở đâu; chỉ thấy, không khi nào ông để cho mẹ tôi thất vọng trong “công tác” duy nhất của dịp Tết mà bà giao ông làm.

Đến ngày giao thừa thì mai nở rộ. Sau tràng pháo đì đùng góp tiếng với hàng triệu phong pháo đang nổ giòn khắp non sông, ba mẹ rồi đến anh chị em tôi, lần lượt thắp nhang lễ Phật, lễ ông bà tổ tiên. Trong nhà, khói hương nghi ngút. Mùi thuốc pháo cũng trộn lẫn trong không khí ấm cúng của đêm giao thừa. Lễ xong thì đến mục mừng tuổi và lì xì. Mục này hình như là mục chính của đêm giao thừa, tôi nghĩ vậy. Ba mẹ tôi ngồi nơi phòng khách. Bầy con 14 đứa (vắng người chị cả đi du học), nhỏ đứng trước, lớn đứng sau, quần áo mới chỉnh tề, sắp thành hai hàng ngang để mừng tuổi ba mẹ. Người chị lớn thứ nhì thay mặt bầy con chúc Tết, cầu ba mẹ mạnh khỏe sống đời. Sau đó, ba tôi đáp lễ đôi dòng vắn tắt nhưng đầy thương yêu, cảm động. Lúc nào cũng vậy, ông đều khuyên chúng tôi ăn hiền ở lành, chăm chỉ học hành để mai này giúp ích cho xã hội, cho giống nòi mà còn làm nở mặt tông tộc nữa. Rồi mẹ tôi lì xì. Lớn trước nhỏ sau. Những bao lì xì đỏ mà thuở ấy, bọn nhỏ như tôi thấy nếu thiếu chúng thì Tết cũng mất hết ý nghĩa.

Hí hửng mở bao lì xì ra xem, sau đó lũ trẻ chúng tôi, nếu từ mười ba tuổi trở xuống thì phải đi ngủ lại cho đến sáu giờ sáng mới được phép trở dậy để đón Tết. Đi ngủ ngay sau giờ giao thừa quả thực là một cực hình cho tôi! Các anh chị từ mười bốn tuổi trở lên không biết thức làm gì! Chắc cũng chỉ ngồi ăn bánh mứt, cắn hạt dưa, uống trà thôi chứ có đại sự gì đâu! Nhưng nằm trăn trở một lúc tôi thấy không khí trong nhà sao im quá. Tôi đoán, vậy là những người lớn đã rời khỏi nhà, đi đâu rồi. Tôi lén trở dậy, vén màn nhìn ra phòng khách: không có ai cả; chỉ có mình ba tôi thôi. Có lẽ mẹ và các chị đi chùa sư nữ ở gần nhà, còn các anh thì đi chơi với bạn bè.

Ba tôi ngồi uống trà, tư lự. Suốt năm, hình như chỉ có lúc này là ông có thể được ngồi một mình. Ba tôi làm ở Tòa Hành Chánh Tỉnh, một mình ông mà nuôi cả nhà mười mấy đứa con ăn học, cho nên không có phút giây nào thực sự rảnh rỗi cho ông ngơi nghỉ. Nhà đông con nên rộng cũng thành hẹp, chẳng còn khoảng trống nào cho ba tôi ngồi thở một mình với thế giới riêng của ông. Bây giờ ông ngồi đó, nét mặt không có vẻ gì là buồn cả. Có lẽ ông đang hồi niệm những chuyện cũ xa xưa thơ mộng nào đó trong cuộc tình của ông với mẹ. Nhưng thấy ông ngồi một mình như vậy, tôi bỗng chạnh lòng, muốn khóc. Tôi bước ra an ủi ông:

“Ba ơi, sao ba không đi chùa với me hả ba? Ba mệt hả?”

“Đâu có. Ba muốn ở nhà một mình, vừa coi nhà, vừa ngắm mai. Bảy giờ ba mới đi chùa. Sao con không ngủ? Nì, ăn miếng mứt gừng cho ấm bụng.”

Tôi nhìn cành mai ba cắm trong cái bình lớn cao gần bằng tôi. Cành mai vươn lên trên, tỏa ra tứ phía, đầy sức sống. Tôi không biết thưởng thức mai; chỉ coi sự hiện diện của nó như là dấu hiệu của xuân, của Tết mà nếu không có nó thì thấy thiếu vắng vô cùng. Nhưng ba tôi thì ngồi uống trà, ngắm mai một cách lặng lẽ với vẻ đam mê thích thú. Tôi nói:

“Mai đẹp quá hả ba!”

“Ừ, đẹp. Thôi, con đi ngủ cho khoẻ mai mới chơi được.”

Tôi rút vào phòng nhưng ba cứ ngồi mãi một mình nơi phòng khách, uống trà, ngắm mai.

Cành mai rực rỡ nhất vào ngày mồng hai, như thể toàn lực của nó được phát tiết vào ngày đó để rồi tàn dần theo những ngày Tết cuối. Khách nào đến cũng trầm trồ khen cành mai đẹp. Ba tôi chỉ cười. Mai còn nở nhưng ngày mồng tám chúng tôi đã phải cắp sách trở lại trường. Tôi không muốn đi học nữa. Mai còn nở là còn Tết, sao lại phải đi học! Đi học đâu có lợi ích gì chứ! Tại sao người ta lại bày ra chuyện học hành chi cho mệt nhỉ! Hậm hực trong lòng vậy thôi chứ cũng phải đi học, không đi thì bị phạt đòn. Ba mẹ tôi không bao giờ đánh con, nhưng chị lớn của tôi sẽ chẳng bao giờ tha bầy em nghịch ngợm hay biếng học cả.

Mỗi chiều đi học về, tôi vẫn thấy cành mai đó. Dư âm ngày Tết còn đọng trong lòng tôi thì cũng còn biểu hiện nơi cành mai. Tôi sợ mất đi cành mai đẹp ấy. Bánh mứt, trái cây trên các bàn thờ đã được hạ xuống từ ba ngày đầu năm. Chỉ còn cành mai là dấu vết cuối cùng của những ngày xuân vui vẻ, hạnh phúc và ấm cúng trong gia đình. Mất nó đi thì tôi không còn bám víu vào đâu được nữa. Và nếu nó mất đi có nghĩa rằng ngày Tết đã thực sự qua rồi. Tôi sợ điều đó lắm.

Vậy đó mà cành mai còn nở đẹp đến rằm tháng Giêng, khi mẹ tôi lại bày cúng hoa quả bánh trái xôi chè trên các bàn thờ. Hai ngày sau đó, mẹ tôi mới sai anh tôi dẹp chậu mai. Cành mai được đem ra đầu ngõ, đặt bên cạnh thùng rác, dựa vào cây trụ điện trước nhà. Khuya hôm sau, xe rác dọn sạch. Buổi sáng ra nhìn lại, chỉ thấy một khoảng trống ở giữa thùng rác và trụ điện. Tôi buồn muốn khóc.

Có lẽ tôi là đứa trẻ ham thích cái vui trường cửu. Những cái Tết vui tươi của tuổi thơ khi trôi qua chỉ làm đậm thêm nỗi buồn trong tôi mà thôi. Nỗi buồn vì mất đi mùa xuân. Nỗi buồn vì hết Tết. Nỗi buồn vì những trò vui chơi không kéo dài. Nỗi buồn vì cành mai đẹp đã khô héo và bị xe hốt rác dọn đi. Tất cả những thứ ấy dường như đã thúc đẩy tôi, kêu gọi tôi đi tìm một mùa xuân bất diệt. Hai năm sau cái Tết ấy, tôi vào chùa xuất gia.

 

Ở chùa, một nếp sống mới mở ra. Tôi loay hoay sống theo qui củ thiền môn, sớm chiều kinh kệ công phu trên điện Phật; quét sân, nhổ cỏ, tưới cây ngoài vườn chùa; lau bàn, chùi nền trong phòng tăng… thời giờ rảnh thì học kinh, học giáo lý, v.v… đến nỗi không còn hở phút giây nào để bận tâm về xuân, về Tết, về những cuộc vui mà tôi mong là không bao giờ chấm dứt.

Ở chùa cũng có xuân, có Tết, nhưng Tết ở chùa khác lắm. Chùa đón Tết như là một ngày vía Phật Di Lặc, hay là một dịp lễ lớn mà khách thập phương đến đông, cần phải đón tiếp. Ở chùa không có “ăn” Tết. Có gì đâu mà ăn! Quanh năm suốt tháng ăn chay đạm bạc thì Tết vẫn cứ là ba bữa ăn (có khi còn đạm bạc hơn bình thường, vì mấy ngày Tết nhà bếp đâu có nấu nướng chi, chỉ lột bánh chưng bánh tét thay cơm thôi). Chùa cũng không có chuyện đánh bài đánh bạc, chơi cờ hay bầu cua cá cọp… nên cũng chẳng có gì gọi là trò vui. Chỉ có mệt mà thôi. Làm chú tiểu thì phải đứng mãi nơi chánh điện để thỉnh chuông cho khách thập phương thay nhau lễ bái, hoặc thỉnh đại hồng chung suốt ngày. Quý thầy muốn tiếng chuông chùa ngân suốt những ngày Tết, nên các chú tiểu phải thay phiên nhau thỉnh chuông liên tục. Mệt lắm. Thỉnh chuông thì phải mặc áo tràng và vì vậy cũng phải giữ trang nghiêm suốt ngày. Đến tối vẫn còn người đến lễ Phật. Gần mười hai giờ khuya mới được nghỉ. Xong ba ngày Tết thì thở phào như trút gánh nặng. Không buồn gì hết. Cảm ơn Tết đã qua mau để được ngơi nghỉ.

Chùa cũng có chưng bình hoa mai lớn, đẹp lắm. Tôi nghe nhiều người khen như vậy. Nhưng tôi không có thời giờ để quan tâm đến nó và khi nó bị dẹp đi, tôi cũng không biết là vào lúc nào. Mùa xuân, theo lối đó, có thể nói là không có; hay cũng có thể nói rằng tôi đã không có mùa xuân để mà mất nữa.

Vài năm sau, trưởng thành hơn một chút, tôi được cho đi học xa, ở một Phật học viện, đến Tết mới được về chùa của thầy tổ. Đêm giao thừa, làm lễ xong, bọn tiểu chúng tôi được cho phép ngồi uống trà ăn mứt với thầy. Thầy cũng lì xì bọn tiểu chúng tôi nhưng chúng tôi không để ý là có bao nhiêu tiền trong bao lì xì cả. Chúng tôi chỉ thích được ngồi bên thầy để có được không khí ấm cúng thương yêu mà thôi. Thầy cũng như cha. Khi chúng tôi bỏ gia đình đi tu, chúng tôi chỉ có mỗi người thân thương yêu, gần gũi chúng tôi nhất là thầy. Vừa uống trà, thầy vừa kể vài câu chuyện đạo cho chúng tôi nghe. Có khi thầy đọc thơ nữa. Những bài thơ Thiền, những bài thơ xuân; trong đó có bài thi kệ nổi tiếng của Thiền sư Mãn Giác thời nhà Lý mà lúc ấy tôi mới được nghe qua lần đầu.

Thầy đọc bài âm hán-việt trước, sau đó mới đọc bài dịch nghĩa cho chúng tôi nghe:

“Xuân đi trăm hoa rụng,

Xuân đến trăm hoa cười

Trước mặt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai.” (1)

 

Nghe thầy đọc tôi rung động cả người. Tôi thấy được loáng thoáng những gì tôi đang kiếm tìm. Sau Tết, tôi rời chùa, trở lại Phật học viện để tiếp tục học. Lần này, tôi mang theo tâm tưởng cành mai của thầy tôi.

 

Tàn xuân Ất Mão (1975), khi cây mai cổ thụ tuyệt đẹp của trường tôi vừa rụng hết những cánh hoa cuối mùa, đất nước đổi thay.

Năm năm ở chùa, đến lúc đó tôi chỉ mới mười sáu tuổi và hãy còn là một chú sa-di ngây ngô chẳng hiểu gì về xã hội bên ngoài. Phật học viện giải tán. Các chú tiểu cùng trường lục tục trở về chùa cũ. Tôi ở lại trường cùng với các thầy các chú thường trú ở đây, làm ruộng, làm vườn, quyết tâm tu tập hành trì, bỏ mặc thế sự ngoài tai, đến nỗi không biết rằng chính trong thời gian đó, ba tôi bị bắt đi “học tập cải tạo” (thực ra là đi tù), và gia đình tôi, vì là vợ con của một viên chức chế độ cũ, đã bị chính quyền mới xem như là một gia đình xấu, các anh chị không thể tiếp tục dạy học, thậm chí còn không được gia nhập đội ngũ công nhân bốc vác của các xí nghiệp quốc doanh nữa.

 

***

 

Mùa xuân năm sau, tôi mới về lại chùa xưa thăm thầy và sau đó, về thăm gia đình đúng vào dịp Tết. Tôi không ngờ chưa đầy một năm sau biến cố 1975 mà gia đình tôi đã khánh tận. Nhà tôi không ăn Tết. Không có bánh mứt, hạt dưa. Không có bánh chưng bánh tét. Không có pháo. Không có bài bạc. Và dĩ nhiên là không có cả cành mai đẹp. Ba mẹ tôi cũng không có tiền để đặt vào bao lì xì đỏ cho bầy con, trong đó hãy còn bốn đứa vị thành niên. Các anh chị đã lập gia đình không về vì ở xa. Những anh chị em còn lại thì ngồi ủ rũ trong nhà y như những tội nhân bị giam chờ ngày xét xử. Ai thấy tôi về cũng vui mừng nhưng cười gượng gạo. Hình như họ không muốn một người xuất gia như tôi, dù vẫn cứ là người ruột thịt trong nhà, phải chứng kiến sự suy sụp tàn tệ của gia đình.

Tôi nhìn thảm cảnh gia đình mà sửng sốt, bàng hoàng. Ba tôi lúc đó vì bệnh quá nặng, mới được thả về từ trại tập trung cải tạo; hai chân bị sưng phù lên, chỉ ngồi một chỗ. Tôi lên gác nói chuyện với mẹ. Bà biết tôi chỉ về thăm rồi sẽ trở lại trường nên có bao nhiêu tiền trong bọc bà dúi cho tôi, sợ rằng tôi khó có dịp về lại nữa để bà có cơ hội biểu lộ sự chăm sóc của bà. Tôi nghĩ có lẽ số tiền đó bà mới kiếm được nhờ bán cái bàn hay cái tủ trong nhà để mua gạo cho cả nhà ăn cầm hơi. Nhìn quanh, tôi thấy trống trơn những vật dụng của gia đình. Tôi trả lại mẹ số tiền đó, nghẹn ngào từ giã bà. Bước xuống nhà dưới, tôi kéo hai em nhỏ ra ngoài, móc hết tiền túi (mà tôi được thầy lì xì), đưa cho hai em mang vào cho gia đình có mà ăn Tết. Sau đó, tôi vội vàng trở về chùa. Tôi không chia sẻ được niềm đau và những khó khăn của gia đình. Tôi chỉ muốn bước ra khỏi thực tế đó để khỏi phải bật khóc. Từ đó, tôi ý thức được rằng mùa xuân năm ấy đã bị kết thúc bởi một cơn bão khủng khiếp, quét sạch bao nhiêu niềm vui và lẽ sống của dân tộc, trong đó có cả mái ấm của gia đình tôi.

Tôi về chùa, ngồi một mình nơi cột cờ trước chánh điện, nhìn xuống núi. Đã mấy năm rồi, từ khi vào chùa, mùa xuân đi qua đời tôi lặng lẽ như vậy. Tôi không còn những háo hức hay tiếc nuối về sự còn mất của mùa xuân nữa. Nhưng nghe như trong lòng đau buốt mãi bởi một vết thương nào đó.

 

***

 

Tàn xuân năm 1985, khi chính quyền tổ chức linh đình lễ kỷ niệm mười năm chiến thắng của họ thì tôi đang lẩn trốn vì lệnh truy nã của công an tỉnh Đồng Nai và Sài-gòn. Cũng là lúc tàn xuân. Sự kết thúc của một cái này luôn là để mở màn cho một cái khác. Sự vui mừng của những người nọ có thể là nỗi khốn khổ của những người kia. Chỉ vài ngày sau đó, tôi bị bắt vì tội mà người ta gọi là “phản cách mạng.” Không ai ngờ một chú tiểu chỉ biết quét lá đa trong sân chùa như tôi cuối cùng lại đi vào con đường đó. Nhưng tôi biết rằng tôi đã không “phản” ai. Tôi chỉ muốn đi tìm một mùa xuân vui tươi cho đất nước quê hương tôi mà thôi.

Mùa xuân năm sau là mùa xuân đầu tiên tôi ở trong tù. Ở đây, tù nhân cũng nôn nả đón Tết. Tối ba mươi, phòng giam tổ chức uống trà ăn bánh tập thể và ca hát suốt đêm chờ giao thừa. Có kẻ hát bài “Xuân này con không về,” giọng không hay nhưng nghe truyền cảm lắm. Bài ca đánh trúng tâm trạng nhớ nhà của tù nhân khiến nhiều anh phải rưng rưng nước mắt. Tôi không khóc. Tôi nhìn ra cửa sổ và thấy cây mai tứ quí thấp thoáng trong bóng đêm. Cây mai này chúng tôi nhìn thấy hàng ngày nhưng không để ý lắm. Bây giờ, trong thời gian này, nó mới thật là giá trị. Ngày mai mồng một, mọi người sẽ nhìn thấy nó và sẽ cảm thấy “Tết.”

 

Một tuần sau Tết dương lịch của năm kế tiếp, tôi được trả tự do với một lệnh tạm tha vì bệnh nặng. Nhưng ba tôi đã mất hai ngày trước khi tôi về. Ông không còn đủ sức để chờ đợi thêm một mùa xuân không vui trên đất này nữa. Tết đó là Tết Đinh Mão, 1987, tôi có mặt ở nhà (vì lệnh tạm tha không cho tôi được về chùa, ý người cầm quyền buộc tôi phải hoàn tục). Mẹ tôi mua tặng ba tôi một cành mai nhỏ khiêm tốn, đặt trước bàn thờ. Rồi mẹ tôi rót trà cho ba vào đêm giao thừa. Tôi nhớ hai mươi năm trước, ba tôi ngồi uống trà một mình, ngắm mai. Tôi nhớ ba cho tôi miếng mứt gừng ăn cho ấm bụng, bảo tôi đi ngủ; rồi ba tiếp tục ngồi lặng lẽ uống trà, ngắm mai. Chỉ có Tết ba tôi mới được rảnh để thưởng thức giây phút một mình ấy.

 

Năm nay, 1991, xuân chưa kịp về, tôi đã nhận tin báo của mẹ tôi từ trong nước gửi ra, cho biết thầy tôi vừa mất. Tôi lặng người. Đến chùa làm lễ tưởng niệm thầy, tôi đọc một bài thơ ghi lại nhiều kỷ niệm giữa hai thầy trò. Tuổi trẻ của tôi đặt hết trong chùa nên tình cảm thầy-trò sâu đậm như tình phụ tử. Ba tôi mất, tôi đã đau khổ và khóc nấc lên khi ngồi lặng một mình. Bây giờ thầy tôi mất, tôi không khóc nên tiếng nấc như vậy, nhưng nước mắt cứ chảy mãi, chảy mãi.

Tôi nhớ cứ xuân về là thầy tự tay cắm mai cho chánh điện chùa. Nếu mai không nở kịp Tết thì thầy đem trui gốc để thúc cho mai nở. Hết xuân hết Tết rồi thầy cứ ngâm “Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết / Đêm qua sân trước một cành mai.”

 

Nhiều mùa xuân đi qua rồi mà tôi bây giờ vẫn cứ như thuở nào: vẫn là một đứa bé ham thích cái gì lâu bền, trường cửu. Tôi không mong đợi những mùa xuân tạm bợ, giả tạo. Nhưng mùa xuân cứ đến. Rộ nở để chấm dứt một cái gì và tàn phai cũng để bắt đầu cho một cái gì khác. Tất cả tàn tạ, trôi qua, mất đi. Ba tôi không còn để ngắm mai. Thầy tôi không còn để cắm mai. Và quê hương tôi đã vắng đi những mùa xuân thực sự tươi vui trong nhiều năm qua. Nhưng loáng thoáng đâu đó trong cuộc sống, tôi vẫn như nhìn thấy một nhánh mai rực rỡ, vươn lên, đầy sức sống. Như thể trong cuộc tìm kiếm của tôi, thầy tôi đã trao cho tôi một nhánh mai bất diệt mà chính trong những lúc đau thương cùng cực nhất, tôi nhìn thấy nó: không phải để thưởng thức, để được an ủi, mà là để cảm nhận rằng có một cái gì đó trường cửu, luôn có mặt trong kiếp sống phù du này.

 

California, mùa đông năm 1991.

 

 

__________________

 

(1)  Bản dịch của Ngô Tất Tố.

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/01/2023(Xem: 3362)
Tết quê nhà muôn màu hoa khoe sắc Nào mai vàng, nào cúc đoá vàng tươi Nào ly ly, nào thược dược hồng đào … Nào bánh mứt, cùng trái cây đủ loại …
09/01/2023(Xem: 1895)
Rächer, đó là tên con mèo của con gái tôi, tháng này vào năm ngoái nó đã về với gia đình tôi ở được một năm. Nó thật dễ thương, ngày đầu khi con gái tôi mang về nhà cho tôi, mở cái lồng ra nó rụt rè nhìn khắp quanh nhà, không một tiếng meo meo, trông thật tội nghiệp. Nhìn nó thương làm sao, chắc giờ phút đó nó đang buồn và hoang mang vì nơi chốn xa lạ này. Tôi nhè nhẹ vuốt nó, lông nó đen mượt, óng ả, tôi nhỏ nhẹ nói với nó. „em, em đừng sợ nha, mẹ thương em, về đây chơi với mẹ“. Mà lạ thật, không hiểu tại sao nhìn nó tôi thương nó quá, đêm đó nó đi quanh hết phòng này qua phòng khác kêu meo meo.. chắc rằng nó nhớ nhà cũ. Rồi chỉ một đêm thôi, đêm sau nó không còn gọi meo nữa, chắc em cũng biết phải ở lại đây, vì căn nhà kia đã giao lại cho người khác. Tôi gọi nó bằng em, nó hiểu.
09/01/2023(Xem: 2557)
Năm nhuận là gì? Năm nhuận là năm có 366 ngày trong Dương lịch và 13 tháng theo âm lịch theo chu kỳ 4 năm Dương lịch lại có một năm nhuận. Vì sao có năm nhuận? Khi trái đất quay quanh một vòng xung quanh mặt trời sẽ mất 365 ngày và 6 giờ. Một năm không nhuận sẽ có 365 ngày và thừa 6 giờ nên 4 năm sẽ thừa 24 giờ nên sẽ có năm nhuận. Để năm âm lịch vừa được một tuần trăng vừa không xô lệch với thời tiết của 4 mùa thì 3 năm âm lịch người ta phải cho thêm một tháng để năm âm lịch và dương lịch không sai nhau quá nhiều. Tuy nhiên, năm dương lịch vẫn nhanh hơn âm lịch nên người ta đã lấy 19 năm lại có một lần cách 2 năm thêm một tháng nhuận.
08/01/2023(Xem: 2667)
Ai níu được cánh thời gian mùa ấy Có là đây, mà Không cũng là đây Hỏi lòng mình sao lại trắng như Mây Một cõi Lạ! Mấy dòng Thơ u tịch ... Dường như trong đáy suối nguồn tịch tịnh ! Một nguồn Thơ tươi mát, một dòng Trăng Ai tìm Khôi Nguyên! Vĩnh Cửu! Thường Hằng Tôi tìm tôi, Suối Mây Hồng êm ả ...
08/01/2023(Xem: 3065)
Quý Mão, con mèo… Chúng ta đang tới gần Tết Nguyên Đán 2023. Nếu có ai hỏi rằng thế giới có sáng tác văn học nào thơ mộng về mèo hay không. Không, chúng ta không có ý nói gì về những chuyện đời thường lãng mạn hay tiểu tam hay tiểu tứ gì hết. Chúng ta chỉ muốn nói về một cõi thơ mộng y hệt như thời của Cha Rồng và Mẹ Tiên. Có đấy chứ, có một truyện về một cô mèo tam thể của một chàng họa sĩ Nhật Bản trong một thời nào xa xưa lắm, khi người ta chưa xài Tây lịch. Và truyện do một nhà văn Hoa Kỳ kể lại.
07/01/2023(Xem: 3519)
Tết đến rồi xuân đang ở đâu đây Mai trước ngõ nở bông vàng rực rỡ Câu đối ai treo mực đen giấy đỏ Bếp lửa hồng mẹ nấu bánh chưng xanh
06/01/2023(Xem: 1777)
Trở lại hoa vờn chạm sắc xuân, Mây ngàn cõng lạnh ánh hồng vân. Nhìn quen nõn lá như bao bận. Thấy rõ cành mai tựa mấy lần,
05/01/2023(Xem: 5944)
THƯ TÒA SOẠN, trang 2 CẢM NIỆM VỀ XUÂN, MỪNG XUÂN.. (thơ Thắng Hoan), trang 4 MÙA XUÂN VẠN THỤ KHAI HOA (Nguyễn Thế Đăng), trang 5 ĐÔI LỜI TÂM SỰ (thơ ĐNT Tín Nghĩa), trang 7 THÔNG BẠCH TẾT QUÝ MÃO – 2023 (Hội Đồng Giáo Phẩm), trang 8 THƯ CHÚC XUÂN QUÝ MÃO – 2023 (Hội Đồng Điều Hành), trang 9 THƯ CHÚC TẾT (HT. Thích Nguyên Trí), trang 10 NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA VĂN HÓA PHẬT GIÁO TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM (HT. Thích Thắng Hoan), trang 11 NHỮNG NƠI MÀ NGƯỜI TU NÊN BỎ ĐI VÀ NÊN Ở LẠI (Quảng Tánh), trang 14 THÔNG TƯ PHẬT ĐẢN LẦN THỨ 2647 (HT. Thích Tín Nghĩa), trang 15
05/01/2023(Xem: 2424)
Tích Niêm Hoa Vi Tiếu kể rằng một hôm trên núi Linh Thứu, Đức Thế Tôn lặng lẽ đưa lên một cành hoa. Đại chúng ngơ ngác không hiểu, duy ngài Ma Ha Ca Diếp mỉm cười. Đức Phật nói: “Ta có Chánh pháp vô thượng, Niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, bất lập văn tự, truyền ngoài giáo pháp, nay trao cho Ca Diếp.” Tích này không được ghi trong các Kinh Phật thuộc Tạng Pali và Tạng A Hàm, có thể vì vài thế kỷ sau mới có văn tự để viết và lúc đó không ai còn nhớ, và cũng có thể quý ngài đời sau nghĩ ra tích này để giải thích một số điểm cốt tủy trong Phật pháp và cũng để làm chỗ y cứ cho Thiền Tông.
04/01/2023(Xem: 2390)
Khi tuyết trắng xóa phủ đầy miền đất Bắc Mỹ và những cơn gió đông rét mướt tràn xuống miền nam của Bắc Bán Cầu cũng là lúc Tết truyền thống Việt Nam đang về với hàng triệu trái tim và gia đình người Việt tha hương. Thay mặt Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNHK, tôi xin kính gửi đến chư tôn Thiền Đức Tăng, Ni và quý đồng hương Phật tử lời chúc mừng năm mới Quý Mão 2023 phước huệ trang nghiêm, thân tâm thường lạc và vạn sự kiết tường.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]