Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ngày Tình Yêu (Valentine’s Day) nhìn từ góc độ Phật giáo

14/02/201508:39(Xem: 5981)
Ngày Tình Yêu (Valentine’s Day) nhìn từ góc độ Phật giáo
 
 

den cayTheo phong tục Tây phương, hàng năm vào ngày 14 tháng 2 DL là ngày Tình Yêu (Valentine’s Day). Dựa vào truyền thuyết của La Mã cho rằng Valentine là tên của một vị giám mục Ki-tô giáo tử vì đạo, được phong thánh vào cuối thế kỷ thứ ba, Tây lịch, dưới thời cai trị của Hoàng đế Claudius II (214-270). 

 

Lúc đó, La Mã đang trong thời kỳ chiến tranh. Hoàng đế ra lệnh tổng động viên mọi nguồn nhân lực vào cuộc chiến, cấm những thanh niên nam nữ yêu nhau hoặc kết hôn, vì để họ làm như thế có sự ràng buộc tình cảm sẽ làm nhụt ý chí chiến đấu. Nhưng họ bất chấp lệnh cấm, các đôi trai gái vẫn yêu nhau và tiến đến hôn nhân. Giám mục Valentine ở thành Rôme đã âm thầm ủng hộ và chứng minh thánh lễ cho những cuộc tình này. Vì vậy, ông đã bị bắt và bị hành hình bằng cách ném đá cho tới chết, cùng những đôi tình nhân vào ngày 14 tháng 2 năm 273. Từ đó trở đi, ngày 14/2 được gọi là Valentine's Day và Giám mục Valentine được xem như là vị Thánh Bổn mạng của Tình yêu.

Vào ngày này, những đôi lứa yêu nhau hoặc những cặp vợ chồng trẻ khắp nơi thường gởi cho nhau những tấm thiệp, bánh kẹo chocolate có hình trái tim và những đóa hoa hồng để tặng nhau với lời chúc tụng yêu thương tốt đẹp. Theo ngôn ngữ và màu sắc biểu hiện của loài hoa này, thì màu hồng đỏ tượng trưng tình yêu và sự sống mãnh liệt, màu trắng là say mê thầm lặng nhưng tinh khiết thủy chung và màu vàng có nghĩa là hạnh phúc đầu đời tươi mát.

Tuy nhiên, hiện nay người ta vẫn còn tìm hiểu về nguồn gốc Ngày Tình yêu. Vì trong truyền thuyết có tới ba vị giám mục cùng tên là Valentine hay Valentinus, liên quan đến sự hy sinh cho lý tưởng Tình yêu mà hàng triệu người trên thế giới tôn vinh. Nhưng dù sao có một điểm chung giữa các câu chuyện đi vào huyền thoại về vị thánh này là họ đều chết vì tình yêu chân chính, một tình yêu cao cả trong tinh thần Bác ái phụng sự.

Theo từ điển American Heritage, Valentine Word History thì tục lệ gói tặng những món quà Valentine lại không có liên quan gì đến vị Thánh này. Học giả Jack B. Oruch đã gợi ý rằng Geoffrey Chaucer là nhà văn, nhà thơ, cũng là người sáng tạo ra thiệp Valentine để liên kết ngày của các vị thánh với phong tục lựa chọn người yêu. 

 

Cách mô tả sớm nhất của truyền thống đó có thể xảy ra trong cuốn Parlement Chaucer của Foules, sáng tác vào khoảng năm 1380, diễn ra vào ngày Thánh Valentine.  Không có mối liên hệ nào đã được tìm thấy trước các tác phẩm của Chaucer và một số những nhà văn học đương thời cũng đề cập đến nó, nhưng sau khi sự liên tưởng của họ trở nên phổ biến. 

 

Oruch cho rằng Chaucer giàu trí tưởng tượng nhất trong văn chương của mình để phát minh ra nó. Còn dưới con mắt của các nhà khoa học châu Âu thì ngày 14/02 hằng năm là ngày tiết trời thay đổi trong không khí dương Xuân ấm áp. Cây cối đâm chồi, nẩy lộc, ra hoa. Chim chóc và muông thú kết bạn với nhau... Vì thế, các nhà khoa học gọi ngày này là ngày "Kết Bạn".

Cho đến hôm nay, ngày Valentine đã lan rộng nhiều nước trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ và Việt Nam. Nó ảnh hưởng không ít trong tâm hồn thanh niên nam nữ người Việt ở trong nước cũng như ngoài nước, kể cả con em Phật tử của chúng ta. Tại Sài Gòn và Hà Nội, Valentine được du nhập và phổ biến vào những năm đầu thế kỷ thứ Hai mươi mốt (2005-2008). 

 

Thông thường, người ta tổ chức hôn nhân tập thể, những cuộc gặp gỡ tiệc tùng mang tính bạn bè họp mặt, hoặc những buổi khiêu vũ quyến rủ, những nơi hẹn hò lãng mạn. Điều đó khiến cho những tâm hồn yếu đuối ngây thơ dễ bị cám dỗ, rơi vào cạm bẫy của tiếng sét ái tình mà gia đình và trường học chưa được hướng dẫn chu đáo để phòng bị. Người ta cũng lợi dụng ngày này để cải đạo cho những đôi tình nhân nửa Phật nửa Chúa buộc vào nhà thờ làm phép rửa tội theo đạo. Cho nên ngày lễ này đã biến thái và nó trở thành thương hiệu buôn bán, thậm chí không còn mang ý nghĩa tốt đẹp như thuở ban đầu.

Một nghi vấn được đặt ra là tại sao những cuộc tình đẹp đẽ ấy lại sớm bị gãy đổ chia tay. Lớp trẻ vị thành niên bây giờ phần nhiều sa đà trong tình yêu thác loạn, hậu quả là những hài nhi còn trong bụng mẹ chưa kịp mở mắt chào đời, vội loại bỏ trong tức tửi đau thương không được quyền sống. 

 

Những cuộc tình vụng trộm vượt qua lễ giáo, vượt qua tín ngưỡng truyền thống tâm linh. Những cuộc hôn nhân không lâu sau đó đưa đến ly thân, ly dị lại xảy ra ngày càng nhiều ở các xứ văn minh tiên tiến và các nước đang phát triển như Việt nam chẳng hạn. 

 

Theo Wikipedia hàng năm trên toàn thế giới, một con số ước tính có 42 triệu ca phá thai được thực hiện, với 20 triệu ca trong số đó không an toàn, dẫn tới xấp xỉ 70 nghìn ca bà mẹ tử vong và 5 triệu ca trẻ em khuyết tật do chích và uống thuốc ngừa thai vỡ kế hoạch, để lại một gánh nặng cho xã hội vô cùng to lớn.

Hơn bao giờ hết, theo các nhà tâm sinh lý học cho biết trong mối quan hệ giữa giới trẻ ngày nay từ độ tuổi teen biết yêu tương đối quá sớm. Sự kiện tiến đến hôn nhân lẽ ra là từng bước khởi đầu từ tình bạn, dẫn đến tình cảm, rồi tình yêu và sau đó là tình dục. Nhưng chúng đốt giai đoạn, chỉ biết yêu cuồng sống vội qua phim ảnh đồi trụy, sử dụng các chất kích thích và bắt chước lối sống tự do, hippy theo kiểu Tây phương quá trớn. 

 

Các em không chịu tìm hiểu, nhận thức được mỗi bước đi, mỗi tình huống, mỗi giai đoạn, mỗi mắc xích mà mình cần phải suy nghĩ quán chiếu, cho nên dẫn đến tình trạng lầm lẫn, đổ vỡ, mất mát, thiệt thòi và mang nhiều vết hằn khổ đau suốt cả cuộc đời, ảnh hưởng đến gia phong cha mẹ, ông bà, tổ tiên huyết thống.

Nhà thơ Hồ Dzếnh Việt Nam trong bài thơ Ngập Ngừng có câu: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời hết vui khi đã vẹn câu thề.” Đó là quan niệm hết sức mới lạ về tình yêu, ông cho rằng tất cả mọi thứ không có gì là chung nhất, rốt ráo trong cuộc sống nhị nguyên đối đãi. Mọi thứ dở dang mới là hình ảnh đẹp và cuộc đời ai cũng bỏ lại nhiều chuyện dở dang, lỡ cuộc. Nó khác hẳn với quan niệm truyền thống cho rằng tình yêu đôi lứa phải gắn liền với sự thủy chung, son sắt lâu bền. 

 

Thế nhưng nếu Tình yêu là cuộc săn đuổi, thì người con gái yếu mềm sẽ giống như con dê trước miệng cọp mà Ca dao Việt Nam có câu :

“Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?”

Hoặc

“Cây cao nhiều nhánh gió lay,
Gái khôn trai dỗ lâu ngày cũng xiêu.”

Phải chăng những câu ấy ngầm nhắc nhở người con gái cần phải thận trọng trước sự cám dỗ mê hoặc của nhiều đối tượng đang rình rập, theo đuổi mình. Đôi khi vì tình yêu mà vương mang bao hệ lụy, đi đến chỗ tự tử quyên sinh, để rồi người ta lên án:

“Tình yêu là cái quái gì,
Mà sao lắm kẻ bái quỳ cầu xin?”

Suy cho cùng, Tình yêu là một cái vòng luẩn quẩn mà người xưa từng bảo: “Đem lửa thử vàng, đem vàng thử đàn bà, đem đàn bà thử đàn ông” để đánh giá nhân cách và tầm nhận thức giá trị cuộc sống của con người. Một khi giá trị vật chất được nâng cao và đặt nặng về mặt sinh lý, thì giá trị tinh thần đạo đức bị xem nhẹ và tâm lý dễ bị hụt hẫng, dẫn đến sụp đổ toàn diện. Mặt khác, nạn bạo hành trong gia đình cũng là nguyên nhân chính làm tan vỡ hạnh phúc. 

 

Vì thiếu hiểu biết mà bao cảnh gia đình biến thành địa ngục. Vì không thương yêu nên nhiều mảnh đời tan nát, nghiệt ngã đau thương. Phụ nữ và trẻ em bị thiệt thòi nhiều nhất. Thật vậy, từ xưa nay người phụ nữ Á đông chịu cảnh khắt khe trong luân lý Nho giáo: Phu xướng phụ tùy, hay Tam tòng tứ đức, hoặc chồng chúa vợ tôi. Cái thành kiến ấy làm cho người phụ nữ bị đóng khung, vướng mắc trong dốt nát đói nghèo, thấp cổ bé miệng, ngậm đắng nuốt cay, mặc cho thân phận nổi trôi theo mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu. Mãi cho đến bây giờ vẫn còn tồn đọng trong những thôn làng đồng nội, hay những phố phường chen chúc đông dân.

Ngạn ngữ Tây phương có câu: “Tình yêu mù quáng chẳng khác gì bông hoa nép mình trong buội gai, dù cẩn thận đến đâu cũng không khỏi bị gai đâm phải ngón tay.”

Theo quan niệm Phật giáo, Tình yêu tự thể không tốt cũng không xấu, do tâm ta tạo ra có tốt có xấu. Tuy nhiên, Tình yêu phải được làm bằng chất xúc tác Hiểu và Thương. Có Hiểu rồi mới có Thương. Muốn Thương thì phải Hiểu. Hiểu là nền tảng của Trí tuệ; Thương là cội gốc của Từ bi. Từ bi gắn liền với Trí tuệ. Trí tuệ dẫn dắt hành động và thực hiện Từ bi đúng chỗ, đúng lúc. Cho nên không hiểu nhau mà tỏ tình yêu thương thì tình yêu thương đó cần phải xét lại, vì nó không đích thực, không thật lòng, chỉ bên ngoài cửa niệng mà thôi. Mỗi người có một hoàn cảnh, có những nỗi khổ niềm đau và sự bức xúc riêng tư. 

 

Nếu không hiểu sẽ không thương, trở thành giận hờn, oán trách, dễ làm cho đối phương cảm thấy khó chịu, chán nản, mặc cảm, xa lánh và cuộc sống trở nên vô vị, cô đơn, héo khô, cằn cỗi. Cho nên được Hiểu và được Thương vốn là chất liệu tưới tẩm hạnh phúc. Không phải đi tìm kiếm người thương trong mộng hoặc trong sách vở tiểu thuyết, bởi vì khó có ai được toàn vẹn. Gặp được người hiểu mình, thương mình là may mắn lớn trong cuộc đời, tình yêu sẽ đơm hoa và kết trái từ đó.

Bởi vậy, theo quan điểm Phật giáo, tất cả đều do Nhân duyên và Nghiệp quả, nhưng nếu biết tạo Thắng duyên tốt đẹp thì sẽ đem lại nhiều lợi ích an vui hơn là bạn thụ động chấp nhận theo số phận. Dù đối tượng của người mình yêu có đẹp đẽ, có giàu sang đến đâu, nhưng không hiểu mình, sẽ làm mình khổ lụy triền miên. 

 

Thánh D’Ambroise của Ki-tô giáo từng nói: “Bạn chóa mắt trước vàng bạc châu báu của kẻ giàu có. Bạn chỉ thấy những gì họ có, nhưng bạn có thấy những gì họ thiếu thốn chăng?” Chính vì thế bạn không nên đứng núi này trông núi nọ. Hãy ít ham muốn, biết vừa đủ là làm chủ được cuộc sống. 

 

Hôn nhân có thể mở ra con đường đầy hoa thơm cỏ lạ và cũng có thể mở ra cánh cửa tù ngục gông xiềng. Chọn người mình yêu là một sự mạo hiểm dấn thân, nếu không cẩn trọng, hoặc coi thường, thì án tù chung thân sẽ phủ lên mình bạn không dễ gì xóa được.

Trong Bài Thơ Ngộ Đạo có câu: “Tình yêu nào rồi cũng ra đi và niềm Hy vọng nào rồi cũng tan theo bọt nước. Nhưng người ta vẫn phải Yêu và vẫn phải Hy vọng vì đó là lẽ sống của con người.” Nhưng con người thường không biết trân quý những gì mình có. Khi mất đi thì tiếc nuối ân hận. Đôi khi người ta coi nhẹ nó, biến tình yêu thành tình dục để chỉ thỏa mãn thân xác. Chiếm đoạt xong rồi nghoảnh mặt làm ngơ, ra chiều bội bạc theo kiểu vắt chanh bỏ vỏ. Họ không biết:

“Rồi một ngày mai hương sắc tàn.
 Hình hài chôn chặt bụi thời gian.
 Nghiệp đòi phải trả câu nhân quả.
 Để lại cho đời bao oán than.”

Tổ sư Long Thọ của Phật giáo đã từng huấn thị: “Tình dục như một vết ngứa, thà không có vết ngứa ấy thì hơn.  Nếu không, chúng ta phải cào đến xước da và chảy máu.” (1). Chính vì thế mà đức Thích ca Mâu ni khi còn là thái tử, ngài nhận thấy tình yêu nhỏ hẹp nơi cung son, gác tía, không đem lại niềm an vui vĩnh cửu, lợi lạc chúng sanh, nên ngài giã từ vợ đẹp con xinh lên đường tầm đạo:

“Em hãy hy sinh hạnh phúc mình.
 Để anh tầm đạo cứu nhơn sinh.
 Tình ta nay đẹp mai đau khổ,
 Lưu luyến mà chi một bóng hình.”

Và trên đất phương nam nước Việt, đức Thầy Huỳnh Phú Sổ vào trước giữa thế kỷ Hai mươi đã diễn đạt tình yêu của mình như sau:

“Ta có tình yêu rất đượm nồng.
 Yêu đời, yêu đạo, lẫn non sông.

 Tình yêu chan chứa trong hoàn vũ.
Không thể yêu riêng khách má hồng.
Nếu khách má hồng muốn được yêu.
Thì trong tâm trí hãy xoay chiều.
Hướng về phụng sự cho nhơn loại.
Sẽ gặp tình Ta trong khối yêu.
Ta đã đa mang một khối tình.
Dường như thệ hải với sơn minh.
Tình yêu mà chẳng riêng ai cả.
Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh.”

Vâng, Tình yêu của chư Phật và Bồ tát là tình yêu cao thượng, siêu xuất thế gian, không biên giới, không gây khổ đau thù hận. Đó là nguyện lực vào đời để cứu khổ độ sanh. Nói như thế không phải các ngài đi tìm những ảo giác mông lung không hiện thực, chối bỏ trần gian không quan tâm đến lẽ sống con người. Hơn ai hết, Đức Phật là một nhà tâm linh, một người hoàn toàn giác ngộ, một hành giả thực chứng Chân lý, biết rõ Nhân quả, cội nguồn sanh tử và mọi khía cạnh cuộc sống của hết thảy chúng sanh. 

 

Do tham ái vô minh mới sanh ra phiền não và nghiệp chướng khổ đau, từ đó trôi lăn trong cõi luân hồi. Muốn thoát khỏi mọi cảnh khổ của nghiệp, con người phải tự vươn lên bằng cách chuyển hóa. Không phải "số phận đã an bài từ trước", mà thực ra do hành vi tạo tác và nghiệp thức lưu chuyển của con người. 

 

Tâm tạo ra nghiệp. Nghiệp tạo ra cảnh duyên mà có thân này. Thân này lại tạo ra nghiệp, nhưng sự phản ứng đối với hoàn cảnh lại nằm trong tay con người, do con người tự quyết định. Phật dạy: "Ác nghiệp chính do mình tạo, tự mình sinh ra. Ác nghiệp làm hại kẻ ngu dễ dàng như kim cương phá hoại bảo thạch... 

 

Làm dữ bởi ta, mà nhiễm ô cũng bởi ta; làm lành bởi ta, mà thanh tịnh cũng bởi ta. Tịnh hay không tịnh đều bởi ta, chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được." và không ai cứu rỗi cho ai được. Ngài thắp sáng cho chúng ta niềm tin Chánh pháp và chỉ cho chúng ta Con đường tu tập thành tựu quả vị Phật như ngài, một điều mà các vị giáo chủ khác không có được.

Đứng về mặt hôn nhân vợ chồng, trong Kinh Trường Bộ, phẩm Giáo thọ Thi Ca La Việt (Singālovāda Sunttanta), Đức Phật có lần gặp người thanh niên Singalaka (Thiện Sinh) đang thực hành lễ bái sáu phương bên ngoài thành Vương Xá, Ngài đã thuyết giảng cho thanh niên này thay vì lễ bái sáu phương, hãy xem sáu phương đó coi như là sáu mối quan hệ của một con người đang sống trong đời này có tương quan tương duyên với nhau. Đó là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy giáo và học trò, giữa vợ và chồng, giữa bạn bè thân hữu, giữa ông chủ và công nhân, giữa giới tu sĩ và tín đồ.

Đặc biệt Đức Phật đã phân định rất rõ về “năm phận sự Hiểu biết và Thương yêu” cần thực hiện tương tác với nhau trong đời sống giữa vợ và chồng. Ngài dạy bổn phận làm chồng đối với vợ có 5 điều:

1. Hết lòng tôn trọng vợ mình.

2. San sẻ buồn vui trong cuộc sống gia đình.

3. Trung thành với vợ.

4. Giao quyền hành nội chánh cho vợ.

5. Thỉnh thoảng sắm tặng đồ nữ trang cho vợ. 

Đáp lại, người vợ, cũng phải có 5 điều ứng xử với chồng:

1. Hết lòng thương yêu chồng và thực hành tốt đẹp bổn phận của người làm vợ.

2. Khéo tiếp đón cha mẹ bà con đôi bên.

3. Trinh thuận với chồng.

4. Khéo gìn giữ tài sản của chồng.

5. Tiếp thu và nhanh nhẹn trong mọi việc.

Hôn nhân chính là sự mở đầu của tiến trình thể hiện tâm ý “đồng thuận” trong đời sống lứa đôi. Nghĩa là sự gặp gỡ cảm thông giữa hai tâm hồn yêu mến nhau, quyết tâm cùng nhau xây dựng mái ấm hạnh phúc gia đình, cùng cộng hưởng, cùng sớt chia. Hôn nhơn đôi lứa là đơn vị đầu tiên của cộng đồng xã hội. Tâm ý đồng thuận càng được thể hiện cao thì hạnh phúc hôn nhân càng bền chặt lâu dài. Dân gian có câu: “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn” là ngụ ý sự hòa hợp giữa hai tâm hồn yêu nhau tạo nên sức mạnh, có khả năng vượt qua mọi gian nan thử thách trong giông bão cuộc đời. 

Trong Bộ Kinh Tăng Chi, phẩm Xứng đôi có đoạn dạy rằng: “Một thời Đức Phật ngự trong khu vườn Nai, rừng Bhesakalà, gần thôn làng của dân chúng Bhagga. Vào buổi sáng, ngài đắp y, ôm bát, cùng với các vị Khất sĩ khoan thai từng bước đi đến nhà tín chủ là cha và mẹ của Nakulà để chứng dự bữa cúng dường Ngọ trai. Sau khi đến nơi, đức Phật ngồi kiết già trên chỗ đã soạn sẵn, cha và mẹ Nakulà liền bước tới trước Phật, đảnh lễ ngài rồi ngồi qua một bên.

Sáu đó người cha của Nakulà chấp tay cung kính bạch với Phật rằng: - Bạch Đức Thế Tôn, từ khi con kết hôn với mẹ cháu Nakulà về sống chung nhau hồi còn trẻ tuổi cho đến bây giờ, con chưa từng có điều gì xâm phạm đến vợ con, dù là ý nghĩ, chớ đừng nói gì đến thân miệng. Bạch Thế tôn, bởi vì chúng con muốn thấy mặt nhau không những trong đời này, mà còn muốn gặp lại nhau trong đời sau nữa.

Nữ gia chủ, mẹ của Nakulà cũng chấp tay bạch Phật:
- Bạch Đức Thế Tôn, thật đúng như vậy, con cũng thế, từ khi con về làm vợ với ba cháu Nakulà hồi con còn trẻ tuổi cho đến bây giờ, con chưa từng có điều gì xâm phạm đến chồng con, dù là ý nghĩ cũng không, chớ đừng nói gì đến thân miệng. Bởi vì chúng con muốn thấy mặt nhau không những trong đời này, mà còn muốn gặp lại nhau trong đời sau nữa.

Đức Phật nghe xong liền phán bảo: - Lành thay, các tín chủ! Đó là mối tình cao đẹp, trước sau như một. Khi cả hai vợ chồng, sống chung nhau trong đời này, và cũng muốn gặp mặt nhau trong đời sau nữa, thì cả hai người phải là đồng tín, đồng thí, đồng giới, đồng trí. Được vậy, trong đời hiện tại các người sát cánh bên nhau và trong đời sau, các người cũng sẽ được gặp lại nhau.

Ngài bèn nói kệ:

Vợ chồng sống thuận thảo.
Cùng giữ vững chánh tín.
Bố thí và trì giới.
Sống chế ngự, chánh mạng.
Thường phát sanh trí tuệ.
Nói lời thân ái nhau.
Đời này sống hạnh phúc,
Cả hai người chờ đợi.
Tái sanh gặp đời sau
Cũng được sống bên nhau.
Cả hai không ác ý,
Đều gìn giữ hạnh lành,
Ở đây sống theo Pháp,
Giữ cấm giới đồng đẳng,
Dù sanh về cõi trời,
Hay sanh lại cõi người
Hân hoan được thỏa mãn,
Đúng với sự mong cầu”.

Tóm lại, lời Phật dạy không ngoài xây dựng cõi Niết bàn an lạc tại nhân gian, chứ không phải là cảnh giới siêu nhiên nào khác. Ngài kêu gọi con người phát huy bốn phẩm tính giác ngộ: đồng tín, đồng giới, đồng thí, đồng trí. Khi muốn thành lập hôn nhân, cần phải thương yêu nhau đích thực để chung lo xây dựng mái ấm gia đình. Đó là nền tảng căn bản cho hạnh phúc lứa đôi ngày càng thêm vững chắc. 

 

Chúng ta có thể nói rằng hôn nhân theo lời dạy của đức Phật chính là sự kết nối tình yêu hướng thượng, biến dục vọng thành nguyện vọng, cả hai cùng chung tầm nhìn và hướng về một mục đích, chứ không phải đối mặt với nhau. Tâm hồn cần phải được rộng mở, bao dung và tha thứ, càng trở nên nhu hòa và hiền thiện, phẩm giá con người càng được nâng cao và tỏa sáng. Thương yêu nhau và cùng nỗ lực dắt dìu nhau bước đi trên con đường Giác ngộ an vui giải thoát.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/02/2015(Xem: 6123)
Thời gian không có một cột mốc nào cả, và năm tháng lúc nào cũng chỉ là như thế. Không gian thì cũng không biên giới, vắng lặng và vô biên. Ánh sáng rạng rỡ của một buổi sáng hừng đông hay những tia nắng thấp của một buổi chiều sắp tắt, tất cả cũng là do địa cầu quay chung quanh nó mà thôi.
17/02/2015(Xem: 12813)
Tu Viện Quảng Đức đón Xuân Ất Mùi 2015
17/02/2015(Xem: 5519)
120.000 giỏ hoa tươi từ khắp nơi cùng nhau tụ hội về khoe sắc ở đường hoa Sài Gòn Tết Ất Mùi 2015.
17/02/2015(Xem: 8360)
Truyền thống Đông phương thường nhắc nhở mọi người ăn ở, sống và ứng xử sao cho cuối cùng đạt được cuộc sống hoàn mỹ, còn giáo lý nhà Phật khuyên chúng ta hãy cố gắng tu tập hướng đến mục tiêu chính là cuộc sống hướng thiện, giải thoát, tự tại. Vì thế, mọi người cần có sự chân thật, hướng về nẻo thiện và đạt được thẫm mỹ nơi thân tâm mình. Người nào đạt được ba điều đó thì người ấy hạnh phúc nhất trần gian.
16/02/2015(Xem: 7090)
Trong nhà Phật ngày mùng một Tết là ngày vía đức Di Lặc. Đức Di Lặc hiện là Bồ tát, nhưng tương lai sẽ thành Phật. Thế nên lễ Ngài, chúng ta xưng “Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật”. Chúng tôi gọi Ngài là Phật vì Ngài là Phật sẽ thành, còn gọi Ngài là Bồ tát vì Ngài là vị Bồ tát hiện tại. Đa số các chùa thuộc hệ Bắc tông đến ngày mùng một Tết đều cử lễ vía Ngài. Đó là một thông lệ nhưng mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Người thế gian ai cũng quan trọng ngày đầu năm, cho ngày đầu năm là ngày chứa đựng đầy đủ ý nghĩa trong một năm. Vì vậy mọi hành động, mọi ngôn ngữ, mọi ý nghĩ đều được dè dặt để giữ gìn một năm đầy tốt đẹp.
16/02/2015(Xem: 4593)
Lác đác ngoài sân tuyết đã tan Tươm tất ngũ quả bày trên bàn Sột soạt trên tường trang lịch mới… Chợt hay vũ trụ chuyển xuân sang.
15/02/2015(Xem: 5293)
Cứ mỗi độ xuân về, chắc chắn ai trong chúng ta cũng đều cảm thấy có một chút gì khiến cho cõi lòng bâng khuâng, xao xuyến trước cảnh vật thiên nhiên; trước những tín hiệu thông báo hiện tượng xuân về. Hay thời khắc giao mùa tuy cũng chỉ mơ hồ như thời tiết của đất trời: buổi sáng có sương mù tan loảng trong không gian; buổi chiều trải màu nắng nhạt vương vài giọt mưa rơi mỏng. Phảng phất ngọn gió heo may làm gây gây lạnh. Cái lạnh êm êm dễ chịu, chỉ cần mặc thêm chiếc áo len mỏng, cũng đã thấy ấm rồi. Ở vùng quê, những căn nhà lá không đủ che ấm, nhưng nhờ có bếp lửa đã nhen nhúm từ chiều. Mỗi mỗi nhà đều có để sưởi cho mùa đông tháng rét. Và hình như chỉ ở Việt Nam người ta mới phân biệt được thời tiết của bốn mùa. Rõ nét nhất là thời khắc giữa hai mùa Đông - Xuân hay nói đúng hơn là đêm giao thừa, giao thời hay giao mùa. Giây phút của cuối năm cũ và đầu năm mới giao nhau, còn gọi là đêm trừ tịch. Từ giây phút nầy, thời tiết đã chuyển dần sang ấm áp khiến cho cây cối đâm chồi nẩy lộc,
14/02/2015(Xem: 9018)
Người Phương Đông thường có thói quen mua hoặc tặng cho bạn bè, người thân những tấm tranh để trang trí vào ngày tết hoặc các dịp khai trương cửa hàng, công ty, tân gia .... Vậy ý nghĩa của các loại tranh như thế nào. Trong bài viết này, Việt Thư Pháp xin phép liệt kê ý nghĩa một số loại tranh để bạn đọc có thể hiểu và chọn mua cho mình những bức tranh ưng ý nhất.
14/02/2015(Xem: 5634)
Bốn phương vạn vật chuyển mình, Đông qua, xuân đến, thay hình đổi mau, Khoác lên chiếc áo muôn màu, Trăm hoa đua nở tận sau chân trời.
11/02/2015(Xem: 5735)
Hoa nở ngày xuân
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]