Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đức Di Lặc & ý nghĩa sáu đứa bé

28/01/201409:15(Xem: 6829)
Đức Di Lặc & ý nghĩa sáu đứa bé
dilacbotat2
ĐỨC DI LẶC VÀ Ý NGHĨA SÁU ĐỨA BÉ

HT. Thích Thanh Từ

Mỗi mùa Xuân đến, mọi người đều in thiệp chúc Tết nhau. Trong nhà chùa nói chung, nhất là Phật giáo Bắc tông, hầu hết đều chúc nhau một mùa Xuân Di-lặc. Như vậy đức Phật Di-lặc có liên hệ gì đến mùa Xuân, mà chúng ta cầu chúc nhau như thế. Có nhiều người cho rằng ngày mồng một Tết là ngày vía đản sanh của đức Di-lặc. Tôi chưa biết đó là ngày đản sanh của Hóa thân nào, vào thời đại nào.

Bởi vì lịch sử của Bồ-tát ứng thân vô lượng, làm sao chúng ta căn cứ một bề, lấy đó làm tiêu chuẩn. Chúng tôi chỉ biết một điều thật là quan trọng trên danh nghĩa Di-lặc mà chúng ta thường tụng thường nguyện.

Khi chúng ta tụng: Nam-mô Long Hoa giáo chủ đương lai hạ sanh Di-lặc Tôn Phật, đó là thể theo lời huyền ký của đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni rằng, sau khi Bồ-tát Di-lặc sanh lên cung trời Đâu-suất mãn công hạnh, sẽ đến thế giới Ta-bà này thuyết giảng. Lúc tuổi thọ con người giảm tột cùng chỉ còn mười tuổi, rồi do nhờ phát tâm tu hành, gìn giữ Thập thiện, tuổi thọ tăng lên đến sáu mươi bốn ngàn tuổi, chừng đó đức Phật Di-lặc ra đời. Như vậy thời gian Ngài ra đời còn xa lắm. Tôi đã từng nói mỗi đức Phật ra đời không làm việc trùng lập nhau. Bao giờ giáo lý của đức Phật Thích-ca Mâu-ni, danh từ Tam Bảo không còn được biết tới nữa thì đức Phật Di-lặc mới ra đời.

Đức Phật Thích-ca được gọi là Ta-bà giáo chủ, là vị Giáo chủ trong cõi Ta-bà này. Còn đức Phật Di-lặc sẽ thành đạo dưới cội Long Hoa, cho nên được gọi là Long Hoa giáo chủ. Tuy thời gian Ngài ra đời còn lâu xa, nhưng chúng ta tin rằng tương lai sẽ có Phật ra đời. Đức Phật ra đời, đó là một diễm phúc cho chúng sanh, là ngọn đuốc sáng cho nhân loại. Vì vậy khi nghĩ đến đức Phật ra đời, chúng ta cảm thấy cả một nguồn hạnh phúc an lành. Ngày mồng một Tết là ngày vía đức Phật Di-lặc, cũng là ngày hứa hẹn hạnh phúc cho chúng sanh. Hạnh phúc bằng cách giải thoát khổ đau, ra khỏi luân hồi, chớ không phải hạnh phúc trong ngũ dục tầm thường. Đầu năm Tăng Ni cùng Phật tử lễ vía đức Phật Di-lặc, Ngài là hình ảnh bên ngoài mà cũng là sự hứa hẹn ở nội tâm chúng ta. Nhớ đến đức Phật sẽ thành, chúng ta cũng nhớ luôn mai kia mình sẽ thành Phật. Vì vậy chúng ta không chỉ lạy đức Phật với lòng thành kính, mà còn cầu chúc cho nhau một mùa Xuân hứa hẹn sẽ thành Phật. Đó là ý nghĩa thâm sâu của ngày vía đức Phật Di-lặc.
Phat_Di_Lac_4

Bây giờ chúng ta đi vào ý nghĩa hình tượng của Ngài. Chắc rằng chúng ta ai cũng từng thấy hình tượng đức Di-lặc ở các ngôi chùa. Có khi người ta thờ Ngài với vẻ mập mạp, cười toe toét; có chỗ khác cũng thờ hình tượng như vậy mà có sáu đứa nhỏ: đứa thì chọc ngón tay vô rún, đứa thì móc lỗ mũi, đứa thì móc miệng, đứa thì dùi lỗ tai v.v... mà Ngài cứ vui cười không phiền, không chướng ngại gì hết. Tại sao như vậy? Hình ảnh đó nói lên cái gì? Điều này rất thiết yếu, chúng ta nên chú tâm như trong kinh Lăng Nghiêm, có đoạn mười phương chư Phật dị khẩu đồng âm tuyên bố cho ngài A-nan và đại chúng: “Khiến ông phải luân hồi sanh tử, chính là sáu căn của ông, chớ không phải vật gì khác; khiến ông chóng chứng Vô thượng Bồ-đề, cũng chính là sáu căn của ông, chớ không phải vật gì khác.” Như vậy cội gốc sanh tử cũng là sáu căn của chúng ta: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; cội gốc Bồ-đề Niết-bàn cũng là sáu căn của chúng ta.

Như vậy con đường trở về giác ngộ hay con đường sanh tử luân hồi là một hay hai? Sanh tử luân hồi cũng đi con đường đó mà Bồ-đề Niết-bàn cũng đi con đường đó, có khác nhau. Người thì đi theo chiều thuận gọi là thuận lưu, người đi theo chiều nghịch, gọi là nghịch lưu. Đi theo chiều thuận là sanh tử luân hồi, đi theo chiều nghịch là giải thoát sanh tử. Như vậy thì không có hai đường. Ví dụ chúng ta về Sài Gòn, cũng đi trên đường Vũng Tàu - Sài Gòn. Sài Gòn - Vũng Tàu cũng đi đường đó. Nhưng nói về Sài Gòn là đi trở về, nói đi Vũng Tàu là đi trở ngược ra. Chỉ khác một người đi trở ra, một người đi trở vô thôi. Khác nhau ở chỗ đó. Đường thì một mà hai người đi nghịch hoặc thuận chiều, kết quả sẽ có hai ngả khác nhau, và hai địa điểm khác nhau.

Cũng như vậy, nếu sáu căn của chúng ta nếu ta thuận chiều với nó, đó là chúng ta đi trong luân hồi sanh tử. Chúng ta đi ngược chiều với nó là chúng ta trở về Niết-bàn, Bồ-đề, giải thoát v.v... Nếu sáu căn đi theo sáu trần gọi là thuận lưu, đi theo chiều luân hồi. Nếu sáu căn không chạy theo sáu trần, không nhiễm, không dính, không mắc, đó là người trở về Bồ-đề Niết-bàn không đâu xa lạ. Như vậy để thấy rõ con đường tu tuy có rất nhiều, nhưng sự tu căn bản chỉ đừng cho sáu căn chạy theo sáu trần bên ngoài. Đức Phật Di-lặc là một vị Phật sẽ thành ở ngày mai do Ngài tu hạnh gì? Chính hình ảnh đó là câu trả lời cụ thể nhất. Mỗi đứa bé soi lỗ tai móc lỗ mũi của Ngài mà Ngài vẫn cười không tỏ vẻ bực dọc, không tỏ vẻ chướng ngại buồn bã. Vì vậy Ngài sẽ thành Phật chắc chắn.

Còn chúng ta thì sao? Nếu ai móc lỗ tai mình thì không đánh cũng đá, không đập cũng la; móc lỗ mũi mình cũng thế... Như vậy đối sáu căn, có ai động tới thì chúng ta không chịu nổi. Chỗ không chịu nổi đó làm chướng ngại chúng ta. Sáu đứa bé gọi là lục tặc, tức là sáu đứa cướp phá phách. Nhưng thật tình chúng có phá mình hay không? Nếu bị móc lỗ tai mà mình không cảm thấy khó chịu lại thấy đã ngứa thêm thì không bị chướng ngại. Hiện tại hầu hết chúng ta đều bị chướng ngại bởi những lời nói bên ngoài. Nếu những lời chửi mắng gièm pha, nguyền rủa tới lỗ tai, mà mình coi như gió thổi lá dương cành liễu cho nó nương theo gió đi đâu thì đi, đừng vướng mắc tự nhiên mình an lành tự tại. Nếu thấy đó là lời nói thù hằn, mỉa mai sâu độc mà mình bực bội tức tối, ghi nhận nó vào với những tâm niệm hận thù, đen tối thì nó sẽ thành giặc cướp làm tan hoang của báu nhà mình. Tai nghe những tiếng khen chê hoặc là chửi bới đề cao v.v... mình cũng xem thường, vì tiếng nói không thật. Chính bản thân mình còn không thật, huống là tiếng nói bên ngoài. Tâm không động đó là mình đã thắng đứa bé móc lỗ tai rồi.

Khi con mắt thấy tất cả hình ảnh phía trước, có đẹp có xấu, dù hình ảnh nào mình cũng dửng dưng không lay động không dính mắc, như vậy bao nhiêu hình ảnh dàn trải tràn trề trước mắt, mình cũng vẫn an lành tự tại. Ngược lại khi thấy một hình ảnh, mình liền cho là đẹp là xấu, đẹp thì sợ mất, xấu thì sanh tâm bực tức, thế là hình ảnh nào cũng gây phiền não hết, không có hình ảnh nào là an vui tự tại. Sự thật những hình ảnh đó có phải là phiền não không? Phiền não là tự ai? Gốc tại mình. Nếu thấy nó mà không luyến ái, không ghét bỏ, thì nó vẫn là nó. Có lỗi lầm gì đâu! Lỗi lầm là chính lòng luyến ái, lòng sân hận của mình chớ không phải hình ảnh có lỗi lầm. Khi chứa chấp sân hận, chứa chấp luyến ái, thì của báu nhà mình bị cướp mất. Con mắt đem những hình ảnh vào để cướp mất của báu nhà mình, đó là cái chướng biểu trưng qua hình ảnh đứa bé móc mắt.

Còn nếu ngược lại mình không mắc kẹt, hình ảnh là hình ảnh, mình vẫn an nhiên, thì đứa bé ấy có làm gì thì làm, mình vẫn an ổn. Lỗ mũi cũng thế, ngửi mùi hôi mùi thơm đừng mắc kẹt, coi như khói như gió vừa qua mũi rồi mất, không có gì thật, thì có gì làm cho mình nhiễm, tự nhiên trong lòng được tự tại. Ngược lại, tại chúng ta si mê, cho nên mùi thơm đến thì thích, mùi hôi đến thì bực. Do đó tự mình đem giặc vào cướp của báu nhà mình, tự làm chướng ngại. Như lưỡi chúng ta nếm những vị cay, đắng, mặn, ngọt; cái nào hợp thì thích, cái nào không hợp thì không thích. Vì vậy mà chúng ta chạy tìm kiếm, khổ từ năm này sang năm khác. Mỗi khi lên mâm cơm, thấy món gì mình cảm nghĩ là hợp với lưỡi của mình thì vui, món gì không hợp thì bực. Vui và bực đó làm mình phải chướng, rồi nói lời thô ác làm cho người chung quanh không vui. Vì lẽ đó chúng ta tập cho lưỡi mình đừng tham đắm vị. Tất cả cái ngon cái dở chẳng qua là tạm mà thôi, cốt sao cho mình được an ổn tu hành là quí. Như vậy chúng ta thắng được các thứ vị, tức là đã thắng đứa bé móc miệng rồi.

Tôi đã đơn cử các căn như mắt tai mũi lưỡi để thấy chúng ta tu là phải tu ngay tại sáu căn của mình, đó là các cơ quan hằng tiếp xúc với những hoàn cảnh thuận tiện làm cho mình ưa, những hoàn cảnh trái ngược làm cho mình giận. Tuy nói sáu căn chớ thật tình có năm căn quan trọng, tức là mắt tai mũi lưỡi thân, năm cửa đón tiếp bên ngoài. Mỗi khi năm căn tiếp xúc với năm trần thì ý theo đó phân biệt để thương ghét buồn giận. Vì vậy, ngay năm căn kia mà chúng ta đón nhận đúng pháp thì căn thứ sáu (ý căn) không còn trở ngại nữa. Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà chúng ta mắc kẹt, nhiễm theo thì gọi là sáu đứa cướp, bởi vì kho báu nhà mình bị chúng cướp đi. Cướp bằng cách nào? Ví dụ lỗ tai nghe tiếng rồi phân biệt tiếng khen tiếng chê, sanh buồn sanh mừng là bị mất của. Của đó giặc mang đi đường nào và lấy ở đâu? Nói suông thì khó biết. Cần phải biết của mình ở đâu và dấu vết giặc mang đi đường nào, mới có thể giữ của được.

Sự thật nó không mang đi đâu, đó chỉ là hình ảnh tượng trưng thôi. Nhưng chúng ta thường nghĩ khi có lấy tức là có mang đi, không ngờ nếu thật tình nó mang đi thì sau này dù có giữ cũng là giữ cái kho không còn của đâu mà giữ. Vì vậy phải biết rõ ràng là tuy nói nó cướp của mình, nhưng không cướp gì hết. Chỉ do năm căn tiếp xúc bên ngoài, rồi tâm mình xao xuyến hoặc buồn hoặc giận. Đó là những đám mây đen nổi dậy che lấp mặt trời trí tuệ của mình, gọi là đã cướp. Khi nào nghe những tiếng khen chê mà trong lòng không xao động, những đám mây đen không nổi dậy, thì mặt trời trí tuệ của chúng ta vẫn sáng rực, gọi là giữ được của báu.

Khi trí tuệ chúng ta hằng sáng tỏ, lúc đó gọi là giàu. Còn nếu phút giây nào trí tuệ bị mờ tối không còn phát hiện nữa gọi là mất của báu, ta nghèo đi. Cái nghèo đó là cái nghèo tạm thời, nhưng cũng có thể là nghèo muôn kiếp. Nếu giờ phút nào bị mây phiền não che khuất thì chúng ta mất trí tuệ, nhưng khi nào chúng ta dẹp tan những đám mây đó, thì mặt trời trí tuệ sáng trở lại gọi là nghèo tạm thời. Còn cứ nuôi dưỡng những đám mây đen, hết đám này tới đám khác, dù có mặt trời trí tuệ mà cả đời vẫn sống trong đen tối. Đời này đen tối, đời sau đen tối, cứ tiếp nối như thế mãi thì không bao giờ hết nghèo. Thế nên người biết tu và không biết tu khác nhau tại chỗ đó. Dù chúng ta cũng bị cướp của báu, cũng bị mây đen che lấp mặt trời trí tuệ, nhưng chúng ta tin rằng chỉ bị che trong một phút một giây, rồi sẽ sáng lại.

Vì vậy ý nghĩa Đương lai hạ sanh của đức Phật Di-lặc là một ý nghĩa hứa hẹn trong tâm chúng ta, chúng ta sẽ sáng ra ở ngày mai chớ không tối mãi. Đó phải là cái hứa hẹn thật sự chớ không phải hứa hẹn suông, hứa hẹn rỗng. Có người cũng hứa hẹn, nhưng hứa hẹn suông, nghĩa là cũng có hình thức người tu, đi chùa lễ Phật, nhưng cứ chất chứa bao nhiêu phiền não. Tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, cứ như thế mà dồn hết vào trong lòng. Lo kiếm những món ngon, lo chứa những mùi thơm, lo chứa những hình tướng đẹp v.v... cả ngày cứ xao xuyến lo buồn làm khuất đi mặt trời trí tuệ sáng ngời, cho nên phải chịu khổ đen tối. Còn người biết tu, khi trí tuệ bị che khuất thì hối hận, ăn năn cố làm cho tan đám mây mờ, và nguyện làm sao đừng để mặt trời trí tuệ bị che khuất phút giây nào hết. Đó là hứa hẹn thật, hứa hẹn của người biết tu, chớ không phải hứa hẹn suông.

Chính chỗ thiết yếu đó mà đức Phật Di-lặc được gọi là con người hạnh phúc, con người hạnh phúc thường mập mạp vui tươi. Cái mập mạp vui tươi đó là nhờ trong lòng không có những đám mây phiền não che lấp mặt trời trí tuệ, mà dù sáu đứa giặc có móc tai, móc mũi v.v... Ngài vẫn thấy như không. Còn chúng ta thấy chướng nên trán nhăn, mày cau, mắt đỏ, gương mặt đau khổ. Cái khổ đó chính vì mình không chịu nổi sáu đứa giặc phá phách nên tự nhiên sanh ra bực dọc, khó chịu. Nếu nó phá phách mà mình không thấy chướng, thì cái phá đó trở thành đùa vui với nhau. Chúng ta không ai chẳng có sáu đứa giặc, sáu đứa cướp đó nhưng nó thành giặc hay bạn là chính tại mình. Thế nên biết tu nơi sáu căn rồi tự nhiên được an lành tự tại. Dù chưa thành Phật, hiện đời ta cũng hạnh phúc tràn trề. Ngày nào tháng nào cũng đều là ngày tháng vui tươi, năm nào cũng là năm đẹp đẽ. Vì vậy mà chúng ta hay chúc nhau một mùa Xuân viên miễn.

Đó là mùa Xuân Di-lặc, mùa Xuân hạnh phúc, mùa Xuân mà trong lòng không phiền muộn lo âu. Còn lo âu, còn phiền muộn thì chưa phải là hạnh phúc. Cho nên nhớ đến đức Phật Di-lặc, nhớ đến sáu đứa bé móc tai, móc mũi của Ngài, chúng ta nên hằng giờ hằng phút kiểm điểm lại mình, thử xem giặc có cướp của mình hay không. Nếu chúng ta cứ nuôi dưỡng sáu đứa giặc khiến chúng luôn cướp của mình, thì dù có khao khát nguyện cầu thành Phật mấy đi nữa, quả Phật cũng còn xa lơ xa lắc. Trái lại nếu chúng ta ở mọi trường hợp, đi đứng nằm ngồi, tiếp duyên đối cảnh, đều sống đúng với tinh thần của đức Phật Di-lặc thì tôi tin rằng dù không cầu được an vui, tự nhiên cũng được an vui, không cầu thành Phật, tự nhiên cũng thành Phật.

Tóm lại chỗ tu thiết yếu là biết trở về mình, chính là đừng để cho sáu căn dẫn giặc vào, gọi là nghịch lưu. Nghịch lưu tức là trở về Tánh giác. Còn nếu luôn luôn bị sáu căn dẫn giặc về cướp mất của báu nhà mình gọi là thuận lưu, tức là thuận theo chiều sanh tử. Do đó, hôm nay nhân ngày vía đức Phật Di-lặc và cũng là ngày Tết Nguyên Đán, tôi cầu chúc cho tất cả quí vị Tăng Ni, cư sĩ nam nữ đều trở về nguồn giác của mình. Nguyện cầu cho tất cả quí vị kể từ ngày mồng một Tết này cho đến trọn năm và cho đến suốt đời đều luôn luôn là “bối trần hiệp giác”.

Trích từ sách: Xuân trong cửa thiền
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/02/2014(Xem: 10009)
Từ Trạch Pháp này rất quen thuộc trong Phật Giáo, nhưng đã có mấy người Phật tử chịu tìm hiểu tận tường. Do vậy, trong khóa tu Gieo Duyên cuối năm 2013 tại Tự Viện Pháp Bảo, Sydney, chúng tôi trong Ban Giáo Thọ phụ trách giảng giải chủ đề này trong ba buổi học để học viên nắm vững được đầy đủ hơn, ngõ hầu vui thích học pháp và như vậy mới dễ dàng cho việc ứng dụng giáo pháp vào đời sống thường nhật. Trạch pháp - chọn pháp – nói đủ là trạch pháp giác phần hay pháp giác ý. Dùng trí tuệ lựa chọn, phân biệt đúng sai, thật giả của các pháp để chọn chân bỏ giả thẳng hướng tới Bồ Đề, là một trong bảy pháp giác chi như lời Phật dạy.
01/02/2014(Xem: 8914)
Không gian vũ trụ mênh mông vô định hướng, nhưng không gian cũng chỉ là sự tích tập, buông xả mà thôi. Tích tập là duyên sinh tụ hội của vạn pháp, và buông xả là sự lặng thinh tuyệt đối của không gian vô định như thuở nào vô thủy vô chung. Cuộc sống con người cũng vậy, không phải từ lúc sinh ra cho
01/02/2014(Xem: 6687)
Chúng ta đang sống trong một thế giới có quá nhiều những biến động, hết nơi này bão tố, đến nơi kia cháy rừng… Lòng người không khỏi xốn xang trước bao cảnh thương tâm. Người con Phật ngoài nổi xót thương cho kiếp nhân sinh, còn canh cánh bên lòng niềm khắc khoải chưa thoát vòng luân hồi sinh tử. Nếu có chút niềm vui nào chăng, chỉ là niềm vui đang được tu học Phật Pháp, hướng đến một tương lai chứng đạo giải thoát, không còn đau khổ trong cảnh tù đày sinh tử nữa.
01/02/2014(Xem: 6658)
Ngày Tết là một dịp để trở về với gia đình, với bè bạn, với làng xóm, với quê hương, và nếu mở rộng lòng mình hơn nữa thì ngày Tết cũng là một dịp để quay về với kỷ niệm, với tuổi thơ, với một vài quãng đời xa xưa nào đó vẫn còn in đậm trong tâm thức mình. Dù xa qu
01/02/2014(Xem: 8225)
Cuồn cuộn trùng dương sóng trắng phau, Ai ngờ thoắt bỗng hoá nương dâu! (*) Vào xuân nào nghĩ hoa tơi cánh, Chợp mắt thì ra tóc đổi màu!
01/02/2014(Xem: 6295)
Ngày nay ít ai biết được loài hoa được cha ông ta liệt kê vào bộ tứ quý "tùng, cúc, trúc, mai" chính là mai trắng. Thân dáng mảnh dẻ nhưng cứng cáp, sau nắng gắt, gió đông vẫn nở hoa trắng tinh khiết, hương thơm lại nhẹ nhàng, kín đáo, nên người xưa ví hoa mai với khí phách của người quân tử.
01/02/2014(Xem: 6311)
Chưa về lại thăm làng xưa xóm cũ Mạ chắc buồn nhiều lắm lúc chờ mong Và em thơ với tuổi ngọc còn không ? Khi xuân đến bên thềm hoa mai nỡ
01/02/2014(Xem: 7161)
Đông tàn, xuân đến, tiết trời mát dịu, mọi người được sảng khoái tinh thần để vui với bạn bè và người thân. Đặc biệt, ba ngày Tết là ba ngày thư thái, cho nên bếp lửa được nghỉ ngơi nhiều hơn ngày thường. Nhà nhà hạ hỏa, mấy vị nội trợ thảnh thơi rảnh rỗi. Thời gian biểu sinh hoạt cũng linh động, mọi người trong gia đình không cần xem đồng hồ để về đúng giờ theo bổn phận hàng ngày; còn khi về nhà, sẵn có bánh tét, bánh chưng
01/02/2014(Xem: 6338)
Lên chùa đón giao thừa mừng năm mới, Nghe chuông ngân hòa tiếng mõ nhẹ rơi. Tụng thời kinh cùng đại chúng ngậm ngùi, Nơi đất khách niềm vui không trọn vẹn.
31/01/2014(Xem: 11371)
Ngựa là một loài động vật đã gắn bó rất lâu đời với cuộc sống con người và có thể trở thành một loài gia súc nuôi trong gia đình. Đặc biệt là vào thời xưa, ngựa được xem như là một phương tiện đi lại phổ biến và thuận tiện nhất, có thể so sánh ngựa giống như một chiếc xe gắn máy thời nay, thậm chí có thể là một chiếc xe ba gác. Sử dụng ngựa để vận chuyển và đi lại, hoặc chinh chiến thì rất thuận lợi vì ngựa có sức đi đường rất bền, không sợ giá xăng leo thang, ngựa có thể băng rừng vượt suối, vượt mọi chướng ngại vật và đặc biệt có thể sản xuất thêm ra nhiều phương tiện con khác nữa
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]