Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đường khai lối, đường đi vạn nẻo

26/01/201403:03(Xem: 6362)
Đường khai lối, đường đi vạn nẻo

Đường "mã đáo…“

Năm ngựa đến. Người ta hay chúc nhau "mã đáo thành công“. Mã là ngựa, đáo là đến nơi, ngựa đến thì thành công đến. Cũng mong thế. Lang thang dạo bước trên mạng Internet tôi thấy có người còn chú thêm là: nguyên ý câu “Mã Đáo Thành Công” là “Kỳ khai đắc thắng, mã đáo thành công”; có nghĩa: Cờ phất (làm hiệu) chiến thắng, ngựa quay về (báo tin) thành công.


Foto_MaDaoThanhCong
Tranh “mã đáo thành công” với tám con ngựa

Lục tra ở Hán Việt Từ điển của cụ Đào Duy Anh (quyển thượng, tr.434) thì thấy ghi nghĩa câu chúc tụng “mã đáo thành công” là “thành công tức thì” (thành công nhanh như ngựa tới đích). Ngựa ngày xưa chắc là như vậy. Tranh ngựa người ta tặng nhau thường là tranh bát mã (bát có âm như phát) có tám con ngựa phi nước đại thong dong giữa đồng cỏ, có khi có núi sông hữu tình và mặt trời phía sau tỏa sáng. Ngựa ngày nay không còn được như thế: ngựa phải kéo xe thổ mộ ở Á châu, phải kéo cày làm ruộng ở Âu châu, hên lắm thì ngựa được phi nước đại ở các trường đua cho người ta cá cược ăn thua, cũng khổ! Trong thời đại mà đất mẹ cũng phải lên cơn sốt vì quả địa cầu mãi bị hâm nóng này, thì đừng hòng còn những bãi cỏ xanh mượt để lũ ngựa phi nước đại duỗi cẳng. Ngựa đi, ngựa chạy trên những con đường, đường đất hay đường nhựa. Biết đâu như thế có khi đỡ nhọc nhằn hơn.

Đào viên, đường hoa ngập lối

„Kỳ khai đắc thắng, mã đáo thành công“.Để tôi kể hầu các bạn nghe một câu chuyện chở hình ảnh đẹp tuyệt vời ấy trong lịch sử. Đó là hình ảnh vua Quang Trung năm Ất Dậu 1789. Mồng năm tết, phá tan đồn Hà Hồi, Ngọc Hồi… đại thắng quân Thanh và tiến về Thăng Long giữa tiếng hoan hô vang dội của dân chúng – sách sử thường chỉ ghi đến thế. Có một chuyện bên lề nhưng rất đáng yêu. Ấy là, trong lúc chiến bào vẫn còn đậm màu khói súng nhưng Vua rất nóng lòng muốn đưa tin vui thắng trận ấy ngay đến một người ngày đêm hằng luôn dõi theo từng bước đi của nhà Vua. Thời ấy đâu có điện tín, điện thoại hay Email như bây giờ. Mà dù có có đi nữa thì chưa chắc Vua đã muốn dùng. Anh hùng có cách ứng xử đáng mặt anh hùng. Nhà Vua đã làm gì? Vua đã cho quân sĩ mang một cành bích đào, cưỡi ngựa chuyền liên tục từ trạm này qua trạm khác, ngày đêm chuyển cành đào về đến thành Phú Xuân để trao tận tay người con gái đang ngóng đợi tin sau song cửa: Ngọc Hân Công Chúa. Cành hoa này là cành bích đào lấy từ Dinh Lẫm của đất Thăng Long (nay là làng Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội). Bích đào là loài hoa của trời, hoa của chuyện đào nguyên, hoa của lòng tinh khiết. Nói đến hoa đào thì không thể không nhắc đến câu thơ xưa của Thôi Hộ mang theo cả một thiên tình sử “Đào hoa y cựu tiếu đông phong” (Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông)gắn với một huyền thoại. Ngày xưa có một nho sinh trên đường lên kinh đi thi, dọc đường gặp người con gái trong mộng. Nhằm vào mùa hoa đào, hoa vừa kết nụ đâm hương thì tình yêu của họ cũng vừa chớm nở. Rồi cũng như bao nhiêu các cuộc tình trái ngang khác, chàng trai phải lưu lạc tứ phương, khi trở lại chốn xưa cũng vào mùa hoa đào. Cảnh vẫn còn đấy, hoa đào vẫn tươi thắm, nhưng người xưa đâu thấy. Trước sau nào thấy bóng người, Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông. Cũng có tài liệu (Kim cổ kỳ quan – Khuyết danh) ghép bài thơ Thôi Hộ này với thiên tình sử khác. Một lần nhân tiết Thanh Minh, chàng trai Thôi Hộ dạo chơi phía nam thành Lạc Dương. Lạc bước đến một hoa viên trồng hoa đào chàng tha hồ thưởng ngoạn. Nhằm lúc khát nước lại thấy một ngôi nhà gần đó, bèn đến xin nước uống. Uống nước xong chàng thấy dáng một thiếu nữ diễm lệ e ấp nấp trong vườn đào, tìm đến trò chuyện chốc lát lại phải chia tay, chàng ta sinh lòng thương mến. Sang năm cũng tiết Thanh Minh, nhớ lại chốn xưa Thôi Hộ quay lại tìm ngôi nhà cũ. Cửa đóng then cài, chàng ghi vội bài thơ lên cửa rồi lại phải ra đi. Ít lâu sau quay lại thì nghe có tiếng khóc vang ra từ ngôi nhà. Thôi Hộ kêu cửa để hỏi thăm cớ sự thì gặp một cụ già. Cụ cho biết người thiếu nữ năm xưa ấy chính là con gái của cụ, tên là Đào Phụng Trinh. Sau khi đọc bài thơ xong bỏ cả ăn uống và đã chết, xác vẫn còn ở trong nhà. Thôi Hộ tìm vào đến bên xác người con gái, tuy đã tắt thở nhưng thi thể vẫn còn hơi ấm. Chàng quỳ xuống, gọi tên nàng và bày tỏ nỗi lòng mình. Phụng Trinh sống lại và họ trở thành vợ chồng. Chuyện có hậu. Bài thơ ghi lại mối tơ duyên bất hủ nhuốm màu sắc một huyền thoại. Nhưng thôi, hãy để chuyện tình Thôi Hộ lại (mà chính Nguyễn Du cũng đã mượn và dịch tài tình câu thơ: Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông cho truyện Kiều) cho những buổi bình luận văn học. Ai nghĩ sao cũng được. Thiên hạ nhiễu nhương, dẫy đầy chiến tranh loạn lạc, có bao nhiêu cuộc chia ly xa cách là hình như có bấy nhiêu lần câu thơ bất hủ hoa đào của Thôi Hộ được viết ra, được nhắc đến, được ngâm lên cho những cuộc tình đầy ắp nỗi thương nhớ đợi mong.

Chuyện cành đào của Vua Quang Trung cũng được cho là truyện tình đầy huyền thoại. Nhưng dù gì đi nữa cũng phải thừa nhận câu chuyện „cành bích đào của Quang Trung“ ở đây là một thiên tình sử quá đẹp, đây cũng là hình ảnh „kỳ khai đắc thắng, mã đáo thành công“ vào bậc ngoại hạng, thượng thừa. Này nhé, hãy nghĩ xem, hình ảnh nào đẹp bằng: một chàng tráng sĩ hào hoa xuất thân từ áo vải đất Bình Định, bên men nồng chiến thắng vẫn không quên đưa tay chọn và cắt lấy một cành đào của đất Thăng Long gởi về Huế tặng nàng Công Chúa triều Lê gốc từ đất Bắc. Đẹp như mã đáo thành công, tươi như nhánh bích đào giữa nền xuân thắm!

Trên bước du xuân năm con ngựa, tôi cũng xin chúc bạn „mã đáo thành công“, cả đường gia đạo, tình duyên lẫn sức khỏe, tiền tài, sự nghiệp.

Đường khai tâm

Bước lang thang tôi chợt nghĩ đến những con đường trong quá khứ hoài niệm: đường đi đến trường làng.

Thế hệ chúng tôi lúc còn ê a ở các trường tiểu học, ai cũng học thuộc lòng bài văn bất hủ „Tôi đi học“của tác giả Thanh Tịnh,mà mãi đến bây giờ, đã nhiều năm qua tôi vẫn còn có thể đọc thuộc lòng. Cách đây mấy năm, để thử những chương trình viết tiếng Việt trên máy tính, do quán tính tôi luôn bắt đầu gõ ngay vào bàn phím „tôi đi học“ và tiếp theo:

„Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

[…]

Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.

[…]

Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.

Sau một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên rồi đi vào lớp. Chung quanh những cậu bé vụng về lúng túng như tôi cả. Các cậu không đi. Các cậu chỉ theo sức mạnh kéo dìu các cậu tới trước. Nói các cậu không đứng lại càng đúng hơn nữa. Vì hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi mạnh như đá một quả banh tưởng tượng. Chính lúc này toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp“…

Làng tôi lúc đó cũng chỉ có một trường tiểu học duy nhất là trường tiểu học Xuyên Mỹ do thầy Phan Thế Tập làm hiệu trưởng. Đám trẻ chúng tôi có khi ở rất xa trường vẫn mỗi ngày hai lần cắp sách đến trường, dù bất kể lúc trời hè nắng cháy chang chang hay khi gió bấc lạnh buốt tới xương mùa đông. Nhưng nghĩ lại chúng tôi thấy vẫn còn may mắn hơn nhiều bạn trong làng không có điều kiện đi học, phải ở nhà phụ gia đình trong các việc đồng áng. Nhà tôi tương đối gần trường nên tôi chỉ được phép ra khỏi nhà để đi học khi trống trường đổ hồi đầu tiên. Ở quê trường học thường dùng tiếng trống để báo giờ vào học hay ra chơi… Tiếng trống như thúc giục nhưng lại rất đầm ấm, tình cảm. Sau này ở thành phố không còn nghe tiếng trống trường mà thay vào đó tiếng chuông điện reo lên quá ư lạnh nhạt, uy quyền. Mỗi buổi sáng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng, trống trường vừa đổ những tiếng đầu tiên là vào xin phép ngay người lớn và phóng nhanh ra đường. Từ nhà bước ra đến hương lộ chỉ cần vài cú nhảy là đã gặp bao nhiêu bạn bè cùng trường cùng đi học. Tiếp theo là những câu chuyện vang như bắp nổ, hay cũng có lúc ghẹo nhau hoặc chọc phá đám con gái, đánh lộn với đám trẻ chăn trâu… Đoạn đường này là những khoảng đường ấp ủ đầy ắp kỷ niệm đẹp nhất tuổi học trò tiểu học trường làng, là hành trang cho những con đường dài sau này ở trung hay đại học, không bao giờ có thể quên được. Đó là những bước khai tâm, chập chững đầu đời trên con đường học vấn. Chúng tôi vui với trường, vui với bạn và không hề biết thế nào là cực khổ của mảnh đất „cày lên sỏi đá“ như sau này lớn lên mới nghe người ta nói. Được đi học, được đến trường, được vui chơi với chúng bạn là những niềm hạnh phúc của chúng tôi, dù về nhà rất nhiều bạn cũng phải phụ giúp gia đình làm nông, đánh cá hay chằm nón… Nhưng tuyệt nhiên, chúng tôi rất ham học, thích học. Có dịp tôi cũng có thể kể cho bạn nghe hàng chục những mẩu chuyện về hàng chục con người ở quê tôi rất hiếu học mà tôi nghĩ rằng có thể bạn cũng biết những người đó. Họ xuất thân từ những gia đình nghèo, mỗi người một hoàn cảnh, một oái oăm khác nhau. Điểm chung của họ là gạt qua tất cả những trở ngại để bước đi trên con đường học. Họ là những người cưỡi trên con sóng định mệnh mà cuộc đời định gán cho họ nhưng không được. Tôi chỉ xin mạn phép trích một đoạn ngắn từ cuốn sách “Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác”, đoạn nhà văn Trần Trung Đạo viết về mẩu đối thoại với người cô (tr. 234).

[…]

-Con đừng bỏ đi. Nếu thầy đuổi thì về Đà Nẵng ở với cô.
- Nhưng ở Đà Nẵng với cô thì chỉ đi bán cà rem hay đánh giày chứ làm gì có trường công để học.

- Ừ thì lúc đó hãy tính.

- Con phải đi học.

- Cô biết, nhưng lúc đó hãy tính, giờ còn đi học được thì phải lo học.

- Dạ.

Hai cô cháu tôi thường ngồi như thế rất lâu trong căn nhà nghèo nàn phía trong Ngã Ba Huế. Một đứa bé bất hạnh ngồi bên người đàn bà bất hạnh trong một đất nước bất hạnh. Thỉnh thoảng cô đưa bàn tay gầy guộc cầm lấy tay tôi sợ rằng đứa cháu trai của cô sẽ khóc. Tôi không khóc. Cô không khóc. Không có hay vì không ai còn giọt nước mắt nào để nhỏ trong những đêm tôi về thăm cô. Nếu có chăng chỉ là những giọt nước mưa từ buổi chiều còn đọng trên mái tranh nghèo, như những nốt nhạc buồn, gõ từng nhịp đều vào chiếc lu hứng nước ngoài sân” …

Giữa cảnh chiến tranh chết chóc, giữa cái đói cái nghèo cậu bé mồ côi tên Nhơn ấy vẫn vươn lên, vẫn chấp nhận tất cả những đắng cay cuộc đời cũng chỉ vì một ước mơ duy nhất: để được đi học.

"Sur le chemin de l'ecole“ - Những đoạn đường tuy ngắn nhưng lại rất dài …

Thế nhưng trong cuộc đời nhiều lúc còn nhiều đoạn đường rất ngắn nhưng lại rất dài, có khi còn quá gian truân và trắc trở. Cuối năm 2013 hàng loạt các rạp chiếu bóng giới thiệu cuốn phim tài liệu bất hủ của nhà đạo diễn Pascal Plisson người Pháp đang sống tại Paris. Cuốn phim có tựa đề gốc "Sur le chemin de l'école“ (Việt: Trên đường đến trường; Đức: Auf dem Weg zur Schule, Anh: On the Way to School). Phim nói về những đoạn đường từ nhà đến trường, đoạn đường mà đối với các cô cậu học sinh ở Âu Mỹ (và cả ở Việt Nam) bây giờ là thường tình với những phương tiện đưa đón bằng nhiều lại xe khác nhau đủ loại đủ cỡ, nhưng đối với các thiếu niên trong phim là cả một cuộc phiêu lưu mạo hiểm, có khi phải đánh đổi mạng sống. Cháu Jackson (11 tuổi) và cô em gái tên Salome mỗi ngày phải thức dậy từ 5:30 sáng, vượt qua 15 km đường rừng ở Kenya với bao nhiêu hiểm nguy vì sợ bầy voi rất dữ tấn công, để đi đến trường. Cháu Carlito (11) phải giúp em gái cùng cưỡi ngựa vượt qua những dốc đá ở Argentina (Á Căn Đình), Zahira (12) và những bạn của em ở Ma-rốc có khi phải leo núi bên những lũ rắn độc rất nguy hiểm, hay em Samuel (13) ở Ấn Độ có đôi chân tàn tật phải ngồi xe lăn, trông nhờ vào sự giúp đỡ của hai anh em trai của mình khi qua suối hay những đoạn đường sình lầy. Thế mà các em đã phải khắc phục tất cả chỉ vì một ước vọng duy nhất: được đến trường, được đi học. Các em đã ý thức được tầm quan trọng của việc học, mở mang trí tuệ. Nhưng bên cạnh đó các em cũng chỉ là những đứa trẻ rất dễ thương và cũng nghịch ngợm như những đứa trẻ khác, cũng chọc phá đùa nghịch và vận dụng trí thông minh của mình để khắc phục những chướng ngại và cả những nỗi sợ hãi chết người để đạt một điều mà thường bị lãng quên, đó là lập chí lớn để nhích gần những mục tiêu trong cuộc đời. Những câu chuyện trong phim ấy lại là những câu chuyện thật ở thế kỷ hai mươi mốt!

Cuốn phim này bạn phải nên xem một lần cho biết.

Foto_DuongdenTruong1

Cảnh trong phim "Sur le chemin de l'ecole“

Foto_DuongdenTruong2

Nguồn: Internet

Lúc nhỏ tôi vẫn nghe ông Nội tôi thường nói: „Ngọc bất trác, bất thành khí; Nhân bất học, bất tri lý”. Một viên ngọc dù có quý giá nhưng không mài giũa thì không trở thành một dụng cụ tốt, Người không học thì không biết đạo lý ở đời.Lớn lên một chút, suy nghĩ và không chắc là người không học thì bất nghĩa, vì thấy có người có nhiều bằng cấp vẫn bất nhân bất nghĩa (nhưng nghĩ kỹ lại thì họ có bằng cấp chứ chưa chắc là có học).Kiến thức và trí tuệ là hai việc tưởng giống nhưng lại khác nhau một trời một vực.Có điều không ai cải được, là ngọc mà không giũa không mài thì không thể hiện được tất cả những giá trị của nó.Không những thế, còn phải mài đi giũa lại nhiều lần nữa là khác. Cái học cũng giốngvậy thôi! Nghĩ cho cùng, muốn gạch một lằn ranh cho hai phe “có học” và “không học” của con người khó vạn lần hơn là lựa đống ngọc đã giũa hay ngọc chưa mài. Lấp biển vá trời hay mò kim đáy biển có khi còn dễ hơn. Vì sao? Vì đại bản doanh của phe này phe kia nằm kề cận sát nhau như hai mặt của một đồng tiền cắc. Ai biết đâu là vĩ tuyến để chia đôi, ai biết đâu là ranh giới của chữ học?

Đạo là đường, đường là đạo – bài học này xem ra không phải chỉ cho các em mà cho cả bậc người lớn chúng ta.Chính các bạn trẻ này đã nhắc khéo ta về một nẻo đường hướng đến tuệ giác mà đức Phật có lần nói: “duy tuệ thị nghiệp”(kinh Bát Đại Nhân Giác - Tám điều Giác ngộ của bậc Đại Nhân - bốn chữ này cũng từng là phương châm của Viện Đại Học Vạn Hạnh của Sài Gòn xưa). Ngọc đã sẵn trong tay, mình chỉ phải giũa phải mài thôi. Dụng cụ, phương tiện ư?Thì Phật cũng đã trao cho ta rồi đó, là chiếc kiềng ba chân Giới-Định-Tuệ.

Kìa, xuân cũng vừa đến, chúng ta hãy cùng nhau bắt đầu đi!

Xuân Giáp Ngọ 2014

Nguyên Đạo - Văn Công Tuấn

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/01/2023(Xem: 1829)
Trở lại hoa vờn chạm sắc xuân, Mây ngàn cõng lạnh ánh hồng vân. Nhìn quen nõn lá như bao bận. Thấy rõ cành mai tựa mấy lần,
05/01/2023(Xem: 6263)
THƯ TÒA SOẠN, trang 2 CẢM NIỆM VỀ XUÂN, MỪNG XUÂN.. (thơ Thắng Hoan), trang 4 MÙA XUÂN VẠN THỤ KHAI HOA (Nguyễn Thế Đăng), trang 5 ĐÔI LỜI TÂM SỰ (thơ ĐNT Tín Nghĩa), trang 7 THÔNG BẠCH TẾT QUÝ MÃO – 2023 (Hội Đồng Giáo Phẩm), trang 8 THƯ CHÚC XUÂN QUÝ MÃO – 2023 (Hội Đồng Điều Hành), trang 9 THƯ CHÚC TẾT (HT. Thích Nguyên Trí), trang 10 NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA VĂN HÓA PHẬT GIÁO TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM (HT. Thích Thắng Hoan), trang 11 NHỮNG NƠI MÀ NGƯỜI TU NÊN BỎ ĐI VÀ NÊN Ở LẠI (Quảng Tánh), trang 14 THÔNG TƯ PHẬT ĐẢN LẦN THỨ 2647 (HT. Thích Tín Nghĩa), trang 15
05/01/2023(Xem: 2580)
Tích Niêm Hoa Vi Tiếu kể rằng một hôm trên núi Linh Thứu, Đức Thế Tôn lặng lẽ đưa lên một cành hoa. Đại chúng ngơ ngác không hiểu, duy ngài Ma Ha Ca Diếp mỉm cười. Đức Phật nói: “Ta có Chánh pháp vô thượng, Niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, bất lập văn tự, truyền ngoài giáo pháp, nay trao cho Ca Diếp.” Tích này không được ghi trong các Kinh Phật thuộc Tạng Pali và Tạng A Hàm, có thể vì vài thế kỷ sau mới có văn tự để viết và lúc đó không ai còn nhớ, và cũng có thể quý ngài đời sau nghĩ ra tích này để giải thích một số điểm cốt tủy trong Phật pháp và cũng để làm chỗ y cứ cho Thiền Tông.
04/01/2023(Xem: 2473)
Khi tuyết trắng xóa phủ đầy miền đất Bắc Mỹ và những cơn gió đông rét mướt tràn xuống miền nam của Bắc Bán Cầu cũng là lúc Tết truyền thống Việt Nam đang về với hàng triệu trái tim và gia đình người Việt tha hương. Thay mặt Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNHK, tôi xin kính gửi đến chư tôn Thiền Đức Tăng, Ni và quý đồng hương Phật tử lời chúc mừng năm mới Quý Mão 2023 phước huệ trang nghiêm, thân tâm thường lạc và vạn sự kiết tường.
01/01/2023(Xem: 1927)
Xuân về trên ngọn cỏ non Cành mai mới nở hãy còn đọng sương Rừng chiều thấp thoáng tà dương Thiền Tăng xuống núi tìm phương cứu đời. Vận hành của thời gian bốn mùa xuân hạ thu đông, dòng đời mãi trôi không ngừng nghỉ, một năm lại hết. Sau buổi đông tàn, vạn vật cỏ cây lại trở mình, cành non bắt đầu kết nụ trổ hoa, chim muông ca hát líu lo dưới trời nắng ấm, như vẫy tay chào tạm biệt cái lạnh của mùa đông và đón mừng mùa xuân thắm tươi giữa đất trời.
26/12/2022(Xem: 2300)
Mai rụng âm thầm bên cánh song. Đông tàn, trăng lạnh, chốn am không. Xuân về đất nước còn ly loạn. Một chút Đạo tình gởi núi sông
23/12/2022(Xem: 2517)
Vẫn y nguyên Ta với người, Mùa xuân vẫn sáng nụ cười cỏ hoa. Vẫn y nguyên Người với ta, Long đong hạt bụi vẫn là mùa xuân.!
20/12/2022(Xem: 1625)
Tháng Chạp bước qua, những cánh gió cuối đông bật cong cửa liếp, khoảng sân bắt đầu lác đác những chòm sương lạnh, phủ lay lắt trên nhành cây bờ đất, dưới cội mai già. Mới đó mà tháng Tết đã nhen nhúm vào tận mép cửa, sát bên chân, nhớ mới bữa nào Loan còn ngồi đếm lịch từng tờ rồi nói “Còn một tháng nữa là qua tháng Chạp”, vậy mà giờ ngót nghét đã sắp đến ngày Rằm.
14/12/2022(Xem: 2077)
Mèo là thú cưng, được nhiều gia đình nuôi, xem như bạn đồng hành hay thành viên của gia đình. Ở nhiều đất nước như Hoa Kỳ, chó và mèo rất may mắn vì chúng có cả những bịnh viện thú y (the Veterinary Hospital), nghĩa trang cho thú cưng (the Animal Cemetery), cảnh sát bảo vệ thú cưng (the Pet Cop), tiệm bán đồ dùng của thú cưng (the Pet Shop) và nơi làm đẹp cho thú cưng (the Pet Spa) để phục vụ chải lông, cắt móng chân, tắm gội, vệ sinh răng miệng, tân trang nhan sắc cho mèo...
14/12/2022(Xem: 1791)
Mèo là loài vật nhỏ nhắn dễ thương, ngoan hiền, gần gũi và sống chung với người. Theo cách tính tuổi của Châu Á, những năm như 1939, 1951, 1963, 1975, 1987, 1999, 2011, 2023… gọi là năm cầm tinh con mèo và xoay vần theo thứ tự của 12 con giáp. Những người có năm sinh có số cuối 0 là Canh, số 1 là hành Bính, số 2 là hành Nhâm, số 3 là Quý, số 4 là Giáp, số 5 là Ất, số 6 là Bính, số 7 là Đinh, số 8 là Mậu, số 9 là Kỷ, vì vậy năm 1963 và 2023 là thuộc Quý Mão. Cứ trong vòng 60 năm sẽ có 5 tuổi Mão là Ất Mão, Đinh Mão, Kỷ Mão, Tân Mão và Quí Mão.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]