Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sự Tích Bánh Chưng và Bánh Dầy

22/01/201408:41(Xem: 10906)
Sự Tích Bánh Chưng và Bánh Dầy

banh_chung
Sự Tích Bánh Chưng và Bánh Dầy

Ngày đó vua Hùng trị vì đất nước. Vua tuổi đã già, ngồi trên ngai vàng đằng đẵng đã bao nhiêu năm. Thấy sức khỏe của mình ngày một suy, vua có ý định chọn một người nối ngôi. Các bà vợ của vua sinh được cả thảy hai mươi người con trai. Họ đều khôn lớn cả. Vua nghĩ: - "Kể về tài cũng có nhiều đứa trội. Nhưng chính vì thế mà cần phải lựa chọn cẩn thận. Nhất là phải làm thế nào cho chúng nó không tranh giành nhau". Đây là điều vua thường bận tâm nhất. Cuối cùng, nhờ có viên quan hầu bàn kế, vua mới quyết định mở một cuộc thi để căn cứ vào đó mà kén chọn.
Vua Hùng bèn cho hội họp tất cả các hoàng tử lại. Khi họ đã về đông đủ, vua bảo:
- Cha biết mình đã gần đất xa trời. Cha muốn truyền ngôi cho một trong các con. Bây giờ mỗi con cố kiếm hoặc làm một món ăn lạ để cúng tổ tiên. Ai có món ăn ngon vừa ý ta thì ta sẽ chọn người ấy.

Nghe vua cha phán bảo thế, bọn hoàng tử thi nhau cho người đi khắp mọi nơi để tìm thức ăn quý. Họ lần mò thôi thì trên ngàn dưới biển không sót nơi nào. Bất kỳ thứ gì nghe nói là ngon và lạ họ đều cố tìm bằng được.
banh_chung_3
Trong số hai mươi hai hoàng tử có Liêu là hoàng tử thứ mười tám. Vì thuở nhỏ mồ côi mẹ nên Liêu từng sống những ngày cô đơn. Trong khi các hoàng tử khác chạy vạy đi tìm vật lạ, thì Liêu nằm khểnh ở nhà. Chả có ai giúp đỡ chàng trong việc này. Chỉ còn ba ngày nữa là đến kỳ hạn thi mà Liêu vẫn chưa có gì. Đêm ấy Liêu nằm gác tay lên trán nhớ lại tất cả những bữa ăn ngon xưa này chàng đã được tới dự. Liêu suy nghĩ mãi và ngủ quên lúc nào không biết. Liêu mơ mơ màng màng thấy mình cùng với hai mươi mốt anh em khác đang làm bánh thi. Mỗi người có một gian nhà nhỏ mà vua cha đã sai làm sẵn ở đám hội. Liêu chưa biết nên bắt đầu bằng việc gì thì bỗng có một vị thần nữ từ trên trời bay xuống giúp chàng làm bánh. Nữ thần bảo: "To lớn trong thiên hạ không gì bằng trời đất, còn quý báu nhất trần gian không gì quý bằng gạo. Ta đừng làm nhiều, chỉ hai thứ bánh có ý nghĩa là đủ. Hãy nhặt hộ cho tôi chỗ nếp này, rồi đi kiếm cho tôi ít đậu". Tự nhiên Liêu thấy thần lần lượt lấy ra những tàu lá rộng và xanh. Thần vừa gói vừa giảng giải: - "Bánh này tượng trưng đất. Đất có cây, có đồng ruộng núi rừng thì màu cũng phải xanh xanh hình phải vuông vắn. Trong bánh phải bỏ thịt, bỏ đỗ để lấy ý nghĩa đất chở cầm thú cỏ cây... Rồi đem thứ nếp thơm đồ lên cho dẻo, giã ra làm thứ bánh tượng trưng trời: màu phải trắng, hình phải tròn và khum khum như vòm trời..."

Tỉnh dậy, Liêu bắt đầu làm bánh y như trong giấc mộng.
Ngày các hoàng tử đưa món ăn về dự thi là một ngày náo nhiệt ở Phong Châu. Người đông nghìn nghịt. Dân chúng mọi miền đều náo nức về dự một cái Tết tưng bừng ít có: mở đầu bằng cuộc thi các món ăn và kết thúc bằng lễ đăng quang của vua mới. Đúng vào lúc mặt trời mọc thì vua Hùng đi kiệu đến làm lễ gia tiên. Chiêng trống cờ quạt tưng bừng rộn tai nhức mắt mọi người. Tất cả đều ngong ngóng trông chờ lúc các vị giám khảo bình giá các món ăn.
banh_chung_5
Và giờ phút mong đợi đã đến. Tất cả những món "nem công, chả phượng, tay gấu, gan tê v.v..." của các hoàng tử đều không bằng hai thứ bánh quê mùa của Liêu. Khi mọi người thoạt nhìn thấy cỗ của chàng số đông đều lắc đầu bĩu môi, vẻ chê bai hiện ra nét mặt. Nhưng sau khi nếm xong, họ bỗng đổi hẳn thái độ, không ai không gật gù tán thưởng. Ông Lạc tướng xoa tay: - "Đây là một thứ hương vị khác thường làm từ những cái tầm thường". Riêng vua Hùng rất lấy làm ngạc nhiên về miếng bánh lạ vừa ăn. Nhà vua lật lên lật xuống ngắm nghía kỹ càng những tấm bánh khác chưa bóc. Vua cho đòi Liêu điện, hỏi cách thức làm bánh thế nào. Hoàng tử cứ thưa tâu lên, không quên nhắc lại giấc mộng lạ của mình.

Quá trưa hôm ấy, vua Hùng trịnh trọng ban bố kết quả với các con: Hoàng tử thứ mười tám được giải nhất và sẽ được truyền ngôi. Vua cầm hai thứ bánh giơ lên cho mọi người xem và nói rõ cái căn cớ khiến cho mình chọn nó đứng đầu các thứ cỗ. Vua nói:
- Nó chẳng những ngon và quý mà còn mang nhiều ý nghĩa đặc biệt: nó bày tỏ lòng hiếu thảo của người con, tôn trọng cha mẹ như trời đất, nó chứa đầy một tấm tình quê hương ruộng đồng. Nó rất dễ làm vì làm bằng những hạt ngọc quý nhất trong những hạt ngọc của Trời Đất, nhưng mà những hạt ngọc ấy mọi người đều từ làm ra được. Phải là người có tài mới nghĩ được một loại bánh như vậy...
banh_chung_6
Từ đó thành tục lệ hàng năm cứ đến ngày Tết, mọi người đều làm hai thứ bánh đó và gọi là bánh chưng bánh dầy để thờ cúng gia tiên. Hoàng tử Liêu sau được làm vua, mang hiệu là Tiết Liêu Vương, tức là Hùng Vương thứ mười bảy. Lần đó có nhiều hoàng tử hỏng thi sinh ra ganh ghét, ác cảm với Lang Liêu. Cho nên sau khi vua cha mất, người nào người ấy giữ chặt lấy đất của mình. Họ làm hàng rào gỗ xung quanh vùng mình ở để làm kế cố thủ, có ý tranh nhau với Tiết Liêu Vương[1].



[1] Theo Lĩnh-nam chích quái.


banh_chung_2


Tìm thấy lá bánh chưng thời Lang Liêu

Việc phát hiện từng hạt lúa nếp, mảnh chõ khảo cổ và giờ đây cả những chiếc lá dong còn khá nguyên vẹn in hình trong chiếc nồi đồng thời Đông Sơn Âu Lạc đã giúp chúng ta vén dần màn khói huyền thoại về sự tích Lang Liêu và bánh chưng, bánh giầy để nhận chân lịch sử dân tộc từ hai, ba ngàn năm trước. TT&VH xin giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á.

Mẹ tôi mất rồi, nhưng không bao giờ tôi quên những câu chuyện cổ tích “Ngày xửa ngày xưa”, mẹ kể mỗi lần trước khi đi ngủ. Thuở đó tôi rất có ấn tượng với câu chuyện Lang Liêu, nhờ tài làm bánh chưng, bánh giầy mà được vua Hùng chọn làm người kế nghiệp.

Khi lớn lên, trở thành một nhà khảo cổ, tôi lại may mắn khai quật được những hạt lúa nếp cổ và cả những mảnh chõ đồ xôi thời Lang Liêu nữa. Những phát hiện đó càng thôi thúc tôi tìm kiếm những chứng cứ khảo cổ học cho câu truyện cổ tích mà dường như nó chỉ biến thành sự thực trong giấc mơ của trẻ thơ, mỗi đêm nghe mẹ thủ thỉ kể chuyện.

Trống đồng Đông Sơn và mảng lúa nếp nương râu in trong lòng trống

Từ dấu vết lúa nếp

Trên quan điểm khoa học, thì câu chuyện Lang Liêu làm bánh vẫn chỉ là huyền thoại. Huyền thoại luôn như những màn khói bao trùm mỗi không gian sinh tồn tộc người. Nhưng cũng tồn tại một nguyên lý khoa học của chuyên ngành nghiên cứu văn hóa dân gian, đó là “không có lửa thì không có khói”.Màn khói huyền thoại tuy không phải là sử liệu thật, nhưng bao giờ nó cũng bắt nguồn từ một sự thực lịch sử nào đó. Đó chính là cái lõi “lửa” đã tạo nên màn khói huyền thọai đó.

Nói đến bánh chưng, bánh giầy cũng tức là nói về việc sử dụng lúa nếp từ rất sớm của người Việt cổ. Quả thực, muộn nhất là từ 3500 năm trước, lúa trồng (Oriza Sativa)có dạng hạt bầu (large form) giống lúa nếp dính (gloutinous rice) đã tìm thấy phổ biến ở nhiều di tích khảo cổ học Việt Nam.

Đến thời kỳ phát triển rực rỡ của văn hóa Đông Sơn, nền văn hóa đại diện cho phát triển đỉnh cao của văn minh Văn Lang - Âu Lạc gắn với các đời Hùng Vương và An Dương Vương thì lúa nếp đã trở thành một nguồn lương thực phổ biến, đặt nền móng cho tập tục dùng lúa nếp như một loại hình thức ăn lễ nghi dành cho tổ tiên và thần thánh của người Việt và nhiều dân tộc anh em sống trên đất nước Việt Nam hiện nay.

Ngoài dạng lúa nếp hạt bầu râu ngắn các nhà khảo cổ học còn ghi nhận dấu in lúa nếp nương râu dài trong lòng một trống đồng Đông Sơn khai quật được ở miền tây Thanh Hóa. Trên nền tảng văn hóa có thực đó, sự tích Lang Liêu và bánh chưng đã ra đời.

Đến dấu vết chiếc lá dong trên nồi đồng cổ

Việc các nhà khảo cổ của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á vừa phát hiện dấu in của một chiếc lá dong còn nguyên vẹn và tươi tắn càng làm “tươi” thêm sự thực bánh chưng từ trên 2000 năm nay.

Hình dưới đây là nguyên trạng phát hiện khảo cổ học thú vị nói trên. Đó là một chiếc nồi đồng khai quật được ở làng Vực (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) thuộc phong cách Đông Sơn Âu Lạc có thể định tuổi vào khoảng thế kỷ 1-2 trước Công nguyên. Trong lòng chiếc nồi đó in dấu rất nhiều lá dong ở tình trạng lót nồi. Đó là những hình lá dong nằm phẳng ở tư thế nguyên chiếc bao quanh đáy và cạnh nồi. Nhờ ô xuýt đồng từ lớp gỉ của nồi mà chiếc lá được giữ nguyên trạng, thậm chí có màu xanh như những chiếc lá còn tươi.

Phục nguyên chiếc lá còn nguyên vẹn nhất, ta thấy nó có độ dài khoảng trên 30cm rộng khoảng 15cm. So sánh độ lớn và cấu trúc nhánh lá có thể nhận biết được lá thuộc họ dong riềng(Cannaceae).Loài này được xem như một dạng cây bản địa mọc hoang dại và được ươm trồng từ nhiều ngàn năm nay ở Việt Nam và Đông Nam Á cổ đại. Cho đến nay, cây dong riềng vẫn được coi như một loại cây cho bột, cho lá dễ trồng, năng suất cao, có thể giúp xóa đói giảm nghèo ở nhiều vùng dân tộc miền núi nước ta.

Việc sử dụng lá dong riềng trong các nhóm cư dân tiền sử săn bắt hái lượm ở Đông Nam Á cổ đại hẳn không có gì xa lạ. Tuy nhiên, việc phát hiện bằng chứng thật của lá dong riềng trong khung cảnh khảo cổ học giúp khẳng định niên đại muộn nhất của việc sử dụng lá dong riềng trong đời sống bếp núc quý tộc ở Việt Nam là từ khoảng thế kỷ thứ 1-2 trước Công nguyên.


Lúa nếp khai quật ở khu mộ táng Đông Sơn Động Xá (Hưng Yên)
Lúa hạt dài và lúa nếp hạt tròn khai quật được ở hang Xóm Trại (Hòa Bình).

Tổ chức lễ hội nấu bánh chưng kiểu cổ

Cảm giác của tôi thật bồi hồi không sao kể xiết khi lần đầu gặp một hiện tượng khảo cổ kỳ thú đến như vậy. Vốn là một người làm công tác khảo cổ học và nghiên cứu các văn hóa cổ truyền, sau mỗi lần đặt lại mảnh nồi đồng còn in hình lá dong trở lại tủ kính của Bảo tàng Phạm Huy Thông tôi như lại thấy hình ảnh Lang Liêu đang ở rất gần.

Từ phát hiện khảo cổ về lá dong, năm nay, chi nhánh của Bảo tàng Phạm Huy Thông đặt tại thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) đang tiến hành một lễ hội cổ truyền nội bộ, nằm trong nội dung nghiên cứu về truyền thống làm bánh chưng của người Việt cổ. Lễ hội đã bắt đầu từ sau lễ Ông Công - Ông Táo với việc cắt lá từ những cây dong riềng trên vùng núi cao Đồi Thung - Thượng Tiến ở Kim Bôi (Hòa Bình), chuẩn bị lúa nếp từ Mường Vang (Lạc Sơn, Hòa Bình) và Mộc Châu (Sơn La), thịt lợn Mường và nước lá mùi từ tỉnh Hòa Bình. Một chiếc vạc đồng bốn quai đời nhà Lang ở tỉnh Hòa Bình cũng được sử dụng để nấu bánh. Những chiếc bánh đầu tiên sẽ được dâng lên các Vua Hùng và Lang Liêu để ghi nhận công đức của người xưa.

Công bố lá dong ngàn năm và lễ hội nấu bánh chưng

Sau mấy ngày tổ chức cho bà con người Mường đi thu cắt lá dong rừng trong Khu bảo tồn quốc gia Thượng Tiến (Kim Bôi, Hòa Bình), rồi chuẩn bị ngâm gạo và đỗ, rửa, hong khô lá dong tại Bảo tàng Phạm Huy Thông, khu 4 phường Yên Giang thị xã Quảng Yên; ngày 7/2 tới (tức 27 Tết) sẽ có nhiều hoạt động thú vị.


Vết in chiếc lá dong bên trong nồi đồng Đông Sơnvà nguyên trạng phóng đại của nó.
Chương trình như sau: sáng: Thịt lợn và tổ chức gói bánh (chị em phụ nữ Yên Giang, Quảng Yên); Công bố phát hiện lá dong và lúa nếp thuộc văn hóa Đông Sơn (thời Hùng Vương) (TS Nguyễn Việt); Bình luận về sự tích Lang Liêu (GS Lê Văn Lan, GS.TS Ngô Đức Thịnh). Chiều và tối : Luộc bánh trong sanh đồng Mường bốn quai, giới thiệu tắm gội nước lá mùi Việt Mường và ngâm thuốc bắc kiểu Mông - Dao. Đêm : Dỡ bánh và dâng bánh chưng lễ tạ đất trời và mẹ Âu Cơ. Kết thúc chương trình. 

TS Nguyễn Việt

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/02/2014(Xem: 10009)
Từ Trạch Pháp này rất quen thuộc trong Phật Giáo, nhưng đã có mấy người Phật tử chịu tìm hiểu tận tường. Do vậy, trong khóa tu Gieo Duyên cuối năm 2013 tại Tự Viện Pháp Bảo, Sydney, chúng tôi trong Ban Giáo Thọ phụ trách giảng giải chủ đề này trong ba buổi học để học viên nắm vững được đầy đủ hơn, ngõ hầu vui thích học pháp và như vậy mới dễ dàng cho việc ứng dụng giáo pháp vào đời sống thường nhật. Trạch pháp - chọn pháp – nói đủ là trạch pháp giác phần hay pháp giác ý. Dùng trí tuệ lựa chọn, phân biệt đúng sai, thật giả của các pháp để chọn chân bỏ giả thẳng hướng tới Bồ Đề, là một trong bảy pháp giác chi như lời Phật dạy.
01/02/2014(Xem: 8914)
Không gian vũ trụ mênh mông vô định hướng, nhưng không gian cũng chỉ là sự tích tập, buông xả mà thôi. Tích tập là duyên sinh tụ hội của vạn pháp, và buông xả là sự lặng thinh tuyệt đối của không gian vô định như thuở nào vô thủy vô chung. Cuộc sống con người cũng vậy, không phải từ lúc sinh ra cho
01/02/2014(Xem: 6687)
Chúng ta đang sống trong một thế giới có quá nhiều những biến động, hết nơi này bão tố, đến nơi kia cháy rừng… Lòng người không khỏi xốn xang trước bao cảnh thương tâm. Người con Phật ngoài nổi xót thương cho kiếp nhân sinh, còn canh cánh bên lòng niềm khắc khoải chưa thoát vòng luân hồi sinh tử. Nếu có chút niềm vui nào chăng, chỉ là niềm vui đang được tu học Phật Pháp, hướng đến một tương lai chứng đạo giải thoát, không còn đau khổ trong cảnh tù đày sinh tử nữa.
01/02/2014(Xem: 6658)
Ngày Tết là một dịp để trở về với gia đình, với bè bạn, với làng xóm, với quê hương, và nếu mở rộng lòng mình hơn nữa thì ngày Tết cũng là một dịp để quay về với kỷ niệm, với tuổi thơ, với một vài quãng đời xa xưa nào đó vẫn còn in đậm trong tâm thức mình. Dù xa qu
01/02/2014(Xem: 8225)
Cuồn cuộn trùng dương sóng trắng phau, Ai ngờ thoắt bỗng hoá nương dâu! (*) Vào xuân nào nghĩ hoa tơi cánh, Chợp mắt thì ra tóc đổi màu!
01/02/2014(Xem: 6295)
Ngày nay ít ai biết được loài hoa được cha ông ta liệt kê vào bộ tứ quý "tùng, cúc, trúc, mai" chính là mai trắng. Thân dáng mảnh dẻ nhưng cứng cáp, sau nắng gắt, gió đông vẫn nở hoa trắng tinh khiết, hương thơm lại nhẹ nhàng, kín đáo, nên người xưa ví hoa mai với khí phách của người quân tử.
01/02/2014(Xem: 6311)
Chưa về lại thăm làng xưa xóm cũ Mạ chắc buồn nhiều lắm lúc chờ mong Và em thơ với tuổi ngọc còn không ? Khi xuân đến bên thềm hoa mai nỡ
01/02/2014(Xem: 7161)
Đông tàn, xuân đến, tiết trời mát dịu, mọi người được sảng khoái tinh thần để vui với bạn bè và người thân. Đặc biệt, ba ngày Tết là ba ngày thư thái, cho nên bếp lửa được nghỉ ngơi nhiều hơn ngày thường. Nhà nhà hạ hỏa, mấy vị nội trợ thảnh thơi rảnh rỗi. Thời gian biểu sinh hoạt cũng linh động, mọi người trong gia đình không cần xem đồng hồ để về đúng giờ theo bổn phận hàng ngày; còn khi về nhà, sẵn có bánh tét, bánh chưng
01/02/2014(Xem: 6338)
Lên chùa đón giao thừa mừng năm mới, Nghe chuông ngân hòa tiếng mõ nhẹ rơi. Tụng thời kinh cùng đại chúng ngậm ngùi, Nơi đất khách niềm vui không trọn vẹn.
31/01/2014(Xem: 11371)
Ngựa là một loài động vật đã gắn bó rất lâu đời với cuộc sống con người và có thể trở thành một loài gia súc nuôi trong gia đình. Đặc biệt là vào thời xưa, ngựa được xem như là một phương tiện đi lại phổ biến và thuận tiện nhất, có thể so sánh ngựa giống như một chiếc xe gắn máy thời nay, thậm chí có thể là một chiếc xe ba gác. Sử dụng ngựa để vận chuyển và đi lại, hoặc chinh chiến thì rất thuận lợi vì ngựa có sức đi đường rất bền, không sợ giá xăng leo thang, ngựa có thể băng rừng vượt suối, vượt mọi chướng ngại vật và đặc biệt có thể sản xuất thêm ra nhiều phương tiện con khác nữa
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]